Chương 16: Nghe ngóng
Edit: Navuth
Beta: Ha Ni Kên
Hiện giờ, rõ ràng Bắc chinh Tướng quân Thiệu Minh Uyên đang là đề tài nóng hổi ở kinh thành và các khu vực xung quanh. Mỗi lần nhắc tới chàng, không khí sẽ lập tức trở nên náo nhiệt.
"Chậc chậc. Thiệu Tướng quân thật khó lường, mới hai mươi tuổi đầu đã được phong làm Quan Quân Hầu."
"Điều này có gì là lạ, Thiệu Tướng quân chính là tướng tinh hạ phàm, mới mười bốn tuổi đã thay Thiệu lão Tướng quân chinh chiến từ Nam ra Bắc. Hiện giờ lại thay Đại Lương ta thu phục được Yến Thành, được thụ phong làm Quan Quân Hầu thật là xứng đáng!"
Lại một hồi xôn xao bàn tán. Trong tiếng bàn luận, chợt có một người thở dài, nói: "Thiệu Tướng quân vì nước vì dân thật không dễ dàng. Các ngươi có nghe nói không, lúc ấy lũ giặc Bắc Tề đã bắt được phu nhân Thiệu Tướng quân rồi uy hiếp Thiệu Tướng quân phải lui binh!"
Vốn chỉ định ngồi nghe giết thời gian, Lý thần y bỗng siết chặt chén trà trong tay.
Kiều Chiêu lại không có động tĩnh, rút khăn tay lau lau khóe miệng, nâng chén trà lên nhấp nhẹ một ngụm.
"Hả, vậy có lui không?" Có người từ phía Nam đến nên hiển nhiên chưa từng nghe chuyện này, không khỏi trở nên căng thẳng.
Sự tình về Thiệu Tướng quân vốn đã được truyền miệng khắp nơi. Lúc này lại có cơ hội kể lại cho mấy người này nghe, người kể chuyện tất nhiên rất tự hào: "Đương nhiên là không thể lui quân. Năm đó khi lũ giặc Bắc Tề cướp đi Yến Thành của chúng ta, chính là mất sạch tính người. Cướp bóc dân chúng, ngay cả đứa trẻ còn cuốn tã cũng không tha! Sau đó lại ỷ vào vị trí của Yến Thành, đánh tan tác Đại Lương của chúng ta. Nhiều năm như vậy, bá tính ở biên giới phía Bắc đã phải chịu nhiều đau khổ, vất vả lắm mới có cơ hội thu phục Yến Thành, các ngươi cho rằng Thiệu Tướng quân có thể lui hay sao?"
"Không thể, không thể, tuyệt đối không thể!" Người nghe đồng thanh lắc đầu.
Đại Lương luôn tự nhận là một nước lớn, dân chúng luôn một lòng tự hào về thân phận con dân Đại Lương. Vậy nên việc mất đi Yến Thành như một cái tát giáng thật mạnh lên mặt người Đại Lương. Năm tháng trôi qua khắc thành một vết thương trong lòng, nhớ tới vừa đau vừa bực vừa cảm thấy không còn chút thể diện nào.
"Vậy nhưng Thiệu tướng quân phải làm thế nào được?"
Người nọ ngửa đầu uống cạn nước trà, trong mắt tràn đầy sự kính trọng mãnh liệt: "Thiệu tướng quân không chờ lũ giặc nói xong đã giương cung bắn chết phu nhân của mình, làm cho bọn chúng không còn cái gì để uy hiếp, đại chấn sĩ khí!"
"Ôi chao --" Mọi người đồng loạt hít một ngụm khí lạnh.
Một chén trà rơi xuống mặt đất, tan thành từng mảnh, lập tức thu hút ánh mặt của mọi người.
Lý thần y sắc mặt tối sầm, chòm râu trắng run run, hỏi: "Thiệu Tướng quân giết chết phu nhân của hắn?"
"Đúng vậy, lão gia ngài cũng cảm thấy Thiệu Tướng quân không dễ dàng gì đúng không? Ôi, Thiệu Tướng quân đã vì Đại Lương ta mà hy sinh quá --"
"Không dễ dàng cái khỉ gió gì!" Lý thần y đột nhiên đứng dậy, chửi ầm lên.
Kiều Chiêu suýt nữa thì sặc nước trà, dùng khăn tay che miệng ho nhẹ.
"Ây chà, lão già ngươi nói năng thế nào đấy?" Vừa nghe lão già này mắng Thiệu Tướng quân, mọi người liền cảm thấy bất mãn.
Lý thần y căn bản không thèm để ý đến thái độ của đám người này, căm giận nói: "Các ngươi đều nói hắn không dễ dàng, vậy phu nhân của hắn thì sao? Ai ngờ rằng nàng lại chết thảm như vậy? Hừ, ta thấy chính là do tên tiểu tử kia không có tài cán gì, mới hại phu nhân của mình bị người Tề bắt đi."
Không chờ lão nói xong, bánh bao thịt, chén trà đã bay tới tấp về phía lão, trong đống hỗn loạn còn có cả một cái giày rơm!
Kiều Chiêu đã sớm lường trước hậu quả, kéo vội Lý thần y chạy đi. Vài tên hộ vệ muốn dẫn người chạy thoát nhưng lại sợ gây chú ý nên không dám làm gì những bá tính bình thường này, đành phải lấy thân mình che chở lão khỏi làn sóng bất bình.
Mãi đến khi cả đoàn người chật vật chạy về xe ngựa, lửa giận của những người dân tại quán trà mới dần dần dập dắt, lại tiếp tục bàn về đề tài lúc trước.
Giang Viễn Triều đứng dưới tán bạch dương cách quán trà không xa, dõi theo chiếc xe ngựa rời đi, môi mỏng nhếch lên, ánh mắt sâu lại.
Thì ra, nàng đã chết.
Giang Viễn Triều ngẩng đầu, nhìn về chân trời phía bắc, thở dài khe khẽ.
Hắn cho rằng, cô nương như nàng dù có gả chồng hay không, nhất định vẫn sẽ có thể có một cuộc sống như ý, không ngờ kết cục lại như vậy.
Sớm biết như thế --
Giang Viễn Triều mới vừa nghĩ qua, một thoáng đau đớn đã dần dâng lên trong lòng. Đau đớn kia không sắc nhọn, nhưng lại mơ hồ có sức nặng, đè ép làm hắn chỉ cần hô hấp cũng cảm thấy thống khổ.
Nhàn nhạt, khẽ nhàng, lại làm cho hắn dù cho thường ngày có nói cười thế nào, tâm tư sâu xa ra sao, vẫn không thể vứt đi được.
"Đại nhân--" Nam tử trẻ tuổi đứng bên cạnh Giang Viễn Triều không nhịn được khẽ gọi một tiếng.
Có phải hắn đang nằm mơ không, vậy sao lại cảm thấy đại nhân thật đau thương, điều này quả thật kinh hãi.
Giang Viễn Triều khôi phục lại tinh thần, khóe miệng nở một nụ cười nhạt: "Đi thôi."
Trên xe ngựa, Lý thần y hất tay Kiều Chiêu ra, vẻ mặt phẫn nộ: "Nha đầu chết tiệt kéo ta làm gì, ta còn chưa kịp hạ thuốc đâu!"
Đầu độc lũ đui mù kia, làm cho bọn chúng mỗi ngày đều bị tiêu chảy!
Giọng của Lý thần y không nhỏ, vài tên hộ vệ ngồi ngoài xe ngựa rụt cổ lại theo bản năng.
Đi theo thần y thật là gian nan, lúc nào cũng lo lắng bị thần y hạ thuốc, lại còn phải lo lắng khi thần y muốn hạ thuốc người khác, càng phải lo lắng thu thập cục diện rối rắm mà thần y gây ra.
Khi đi trai tráng khi về bủng beo, các hộ vệ yên lặng nghĩ thầm.
"Lý gia gia việc gì cứ phải so đo cùng bọn họ?" Xe ngựa được bài trí rất thoải mái, Kiều Chiêu dựa vào một chiếc gối cười nhẹ, hồn nhiên như thể mình không phải là vị phu nhân xúi quẩy kia của Thiệu tướng quân.
"Ai bảo bọn chúng ăn nói không ra gì!" Lý thần y càng nghĩ càng bực, "Đã ăn nói không ra làm sao, lại còn ngu dốt! Tục ngữ nói quả thật chẳng sai, thăng quan phát tài liền bỏ vợ! Tên khốn nạn họ Thiệu kia thì có gì mà không dễ dàng chứ. Ngươi cứ chờ xem, hồi kinh xong, không chừng chớp mắt hắn đã thành Phò mã, đến lúc đó thì ai còn nhớ -- "
Tới đây, Lý thần y cuối cùng cũng không nói tiếp được, dựa vào vách xe thở hồng hộc, khóe mắt dần ướt.
Làm sao có thể không so đo, đây chính là đứa bé lão nhìn từ nhỏ đến lớn.
Lão là đại phu, ở tuổi này đã sớm quen với sinh lão bệnh tử, nhưng đứa trẻ kia lại không giống vậy.
Con bé thông tuệ như thế, học một hiểu mười. Thông tuệ là vậy, nhưng vẫn tận tâm phụng dưỡng tổ phụ, không tiếc chậm trễ khoảng thời gian đẹp nhất của bản thân. Sau khi tổ phụ qua đời, con bé dẫu có đau buồn nhưng không hề yếu đuối, thậm chí ngược lại còn biết an ủi ông.
Nha đầu tốt như vậy, tiểu tử đần độn kia sao lại có thể như thế, một mũi tên bắn chết con bé?
"Cũng không biết khả năng bắn cung của tên tiểu tử dốt nát kia như thế nào, bắn có chuẩn hay không nữa?" Vừa thương tâm vừa tức giận, Lý thần y không để ý buột miệng nói ra thắc mắc trong lòng.
Kiều Chiêu nghe được trong lòng vừa chua xót vừa buồn cười, nàng hiểu rõ ý của Lý thần y. Không nỡ nhìn ông thương tâm, nàng đáp: "Rất chuẩn, ngay trúng tim, một mũi tên liền mất mạng, cũng không cảm thấy đau đớn."
Lý thần y đột nhiên hoàn hồn: "Thế ư?"
Kiều Chiêu gật đầu: "Vâng."
Lý thần y nhìn chằm chằm Kiều Chiêu không chớp mắt: "Sao ngươi lại biết là không đau?"
Kiều Chiêu mặt không đổi sắc giải thích: "Người nghĩ xem, Thiệu Tướng quân là ai? Một người mười bốn tuổi đã ra chiến trường, hiếm khi thất bại, tiễn pháp còn có thể kém sao? Hơn nữa, dù sao kia cũng là...thê tử của chính mình, nếu như thế cũng không làm được lại còn khiến thê tử phải chịu giày vò, chẳng phải quá là không tử tế sao."
Đúng thế, nghĩ như vậy, quả nhiên phu quân đại nhân thật tử tế.
Kiều Chiêu suýt nữa thì bị ý nghĩ của chính mình làm cho vui vẻ.
Chương 17: Hồi tưởng
Edit & Beta: Ha Ni Kên
Cảnh tượng ngày ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí nàng. Nàng nhớ rõ từng luồng gió lạnh thổi trên tường thành. Nàng nhớ rõ bàn tay thô ráp ghì chặt cánh tay nàng ra sau lưng. Nàng nhớ rõ điệu cười ác độc của lũ giặc.
Thế nhưng trên chiếc xe ngựa chầm chậm tiến về phương Bắc, nghe người người bàn tán về người kia, nàng lại chẳng hề cảm thấy oán hận chút nào.
Như thể vừa mới hôm qua, trên đường đi về biên giới phía Bắc, đội vệ binh hộ tống nàng gặp phải đám tàn quân của lũ giặc vốn đã bị đánh cho tan tác. Bốn năm kẻ, trên mặt hằn nguyên vẻ khốn đốn chật vật của kẻ đào tẩu, thế mà vừa thấy nữ tử xuất hành vẫn như hổ đói rình mồi, ánh mắt lóe lên sắc xanh làm người ta sợ hãi.
Các tướng sĩ tiêu sạch lũ giặc, cứu hai nữ tử suýt gặp tai họa. Một người chẳng bao lâu sau liền nhắm mắt, người còn lại mình đầy thương tích, hít thở không thông.
Khi ấy nàng thực sự phẫn nộ. Hóa ra, chỉ có cuộc sống ở kinh thành là phồn hoa rực rỡ, còn trước mặt nàng đây mới thực sự là cuộc sống của bá tính phía Bắc, dân chúng vùng duyên hải phía Nam.
Triều đình như tấm áo choàng hoa lệ phủ lên Đại Lương vốn đã suy yếu chỉ chực vỡ vụn.
Thế nên nàng tiếp tục nghe các tướng sĩ kể lại chuyện cũ của vị Thiệu Tướng quân kia.
Bọn họ nói, Thiệu Tướng quân lần đầu tiên đến phương Bắc là khi mới mười bốn tuổi. Lúc ấy, Thiệu lão Tướng quân bệnh nặng mà quân Đại Lương lại liên tiếp bại trận, tin tức hết lần này tới lần khác được truyền về kinh thành, trình lên trên ngự án. Hoàng Thượng tức giận. Phủ Tĩnh An Hầu ngập chìm trong nguy khốn.
Chính vào thời điểm ấy, con thứ của Tĩnh An Hầu là Thiệu Minh Uyên mới mười bốn tuổi đã đứng ra, chủ động xin thay cha chinh chiến nơi phía Bắc.
Trận chiến đầu tiên của Thiệu Tướng quân, chính là đánh quân Bắc Tề đang tàn sát làng xóm nhân dân.
Trận chiến ấy đánh dấu tên tuổi của Thiệu Tướng quân. Sau đó, có vô số người ca ngợi công lao của chàng, tán thưởng chàng tuổi trẻ hứa hẹn. Ba năm sau, chỉ còn những tướng sĩ sống sót sau trận chiến ấy mới nhớ rõ, khi ấy Thiệu Tướng quân chỉ huy vọn vẹn mười người chống lại hơn trăm người bên phía Bắc Tề.
Thể chất người Đại Lương vốn kém xa so với quân Bắc Tề lớn trên lưng ngựa. Mấy năm ấy, bất kể là vị danh tướng nào trấn thủ phương Bắc cũng bị quân giặc tấn công đến thất thế. Lần ấy đến khi trận đánh sắp tàn, Thiệu Tướng quân tựa như bước ra từ vũng máu. Thân tín khuyên chàng chạy trốn, chàng chỉ nói một câu: "Ta sẽ không xoay lưng chạy trối chết khỏi bọn giặc, để bọn chúng nghĩ nam nhi Đại Lương toàn là kẻ nhu nhược yếu hèn, để bọn chúng lăng nhục dân chúng Đại Lương ta."
Sau đó, "Chưa giết hết giặc, chưa diệt hết địch, tuyệt không về nhà" trở thành tôn chỉ của Thiệu Tướng quân. Đại hôn của chàng vẫn là do Thiệu lão Tướng quân quỳ xuống cầu xin Hoàng Thượng truyền thánh chỉ, mới có thể triệu được chàng hồi kinh.
Kiều Chiêu nhớ rõ khi ấy vị phó tướng kia cẩn thận khuyên nhủ nàng: "Kính mong phu nhân không tức giận Tướng quân. Tướng quân luôn cảm thấy có lỗi với ngài vì ngay ngày đại hôn lại phải lãnh binh xuất chinh. Nhưng e là ngài không biết, nếu ngày ấy Tướng quân đến chậm thêm một bước, sẽ có thêm biết bao dân chúng vô tội phải chết thảm, những nữ tử gặp chuyện như hai vị nữ tử hôm nay nhiều không kể xiết. Tướng quân của chúng ta, kỳ thật trái tim nhân hậu hơn bất kỳ ai."
Đường đi càng xa, người nọ kể cho Kiều Chiêu nghe càng nhiều chuyện.
Chàng từng nằm trong tuyết một ngày một đêm để cứu lấy đứa bé bị bọn giặc bắt về làm đồ ăn dự trữ. Chàng từng băng qua làn nước lạnh buốt của Trường Giang Hoàng Hà, tập kích thủ lĩnh phe giặc, kẻ đã chém đầu dân chúng Đại Lương mua vui uống rượu. Chàng từng dùng quân lương để mua quần áo ấm cho những nữ tử bị đám giặc lăng nhục.
Phó tướng nén lệ nghẹn ngào: "Người trong thiên hạ chỉ nhớ đến những lúc phong quang vô hạn của Tướng quân, chúng ta lại không thể quên những giây phút thương tâm mà Tướng quân phải trải qua. Ngài ấy từng nói, ngài ấy dùng hết sức để không phụ dân chúng xã tắc, chỉ đành có lỗi với một người là phu nhân ngài mà thôi. Đợi đến khi đất Bắc bình yên trở lại..."
Phó tướng không nói nốt câu sau nhưng Kiều Chiêu cũng đã hiểu.
Nam tử sẵn sàng hy sinh đến sức cùng lực kiệt vì bá tính phương Bắc, làm sao nàng có thể hận được đây?
Chỉ là nàng... có chút buồn bực thôi.
Cả một đường nàng đã ngồi nghe kể chuyện về chàng, vậy sao khi ấy mũi tên của chàng lại nhanh đến như vậy?
Cô nương chống má nhìn ra ngoài cửa sổ. Ánh dương ấm áp chiếu rọi một nửa khuôn mặt của nàng đến mức trong suốt, trắng nõn mảnh mai. Khí chất của nàng cũng rất thuần khiết, làm cho người nhìn nàng cảm thấy yên tĩnh trong lòng.
Lý thần y càng nhìn nàng, càng cảm thấy quen thuộc vô cùng.
Một hồi lâu sau, lão mới mở miệng: "Lê nha đầu đang nghĩ gì vậy?"
Kiều Chiêu bình tĩnh lại, thành thật trả lời: "Chỉ đang ngẩn người thôi."
Lý thần y nhếch miệng.
Lại lấy lý do là "ngẩn người" rất hợp tình hợp lý.
Thật sự là không dễ gặp.
Cũng càng lúc càng... giống...
Lê nha đầu cùng Kiều nha đầu có nhiều chỗ tương tự. Quan trọng hơn là, lão lại phát hiện tình trạng hồn lìa khỏi xác khi mới gặp Lê nha đầu. Kiều nha đầu kia hóa ra cũng không còn an bình nơi đất bắc như lão nghĩ, mà đã sớm hương tiêu ngọc vẫn---
Lý thần y lòng bàn tay đầy mồ hôi, tim đập dồn dập.
Có khi nào lại như vậy?
Lão biết, suy đoán này rất kinh hãi thế tục, người khác chắc chắn không dám nghĩ đến. Nhưng lão lại không như vậy, mấy năm lão vẫn luôn nghiên cứu về chuyện này!
Lý thần y hắng giọng, mở miệng thăm dò: "Lê nha đầu này, trong nhà ngươi có những ai?"
Kiều Chiêu có chút kinh ngạc, Lý thần y này vốn không phải là người có hứng thú với chuyện của người khác.
Nàng tìm chút ký ức mà Lê Chiêu để lại trong đầu, rồi đáp: "Tổ phụ của ta đã sớm qua đời. Trong nhà còn tổ mẫu, cha mẹ cùng huynh đệ tỷ muội."
Lý thần y sờ mũi.
Nói thế này thì có khác gì chưa nói đâu? Nhà ai lại không có những người như thế này, cũng chẳng phải chui ra từ tảng đá.
Nhìn bộ dáng bình tĩnh của tiểu cô nương, Lý thần y càng không chắn chắn, không tử bỏ ý định, lại hỏi dò tiếp: "Lê nha đầu đã từng nghe qua về Thiệu Tướng quân chưa?"
Kiều Chiêu ngẩn người, nghĩ dưới góc độ của tiểu cô nương Lê Chiêu, rồi nói: "Đã nghe danh từ lâu rồi ạ."
Kể từ lần đầu tiên Thiệu Minh Uyên xuất chinh, chàng đã thành vì sao sáng trên nền trời Đại Lương, lấp lánh suốt bảy tám năm nay. Làm gì có ai là chưa từng nghe qua.
Lý thần y than nhẹ trong lòng.
Chẳng lẽ là mình đã quá đa nghi?
Cũng có thể là do lão vẫn hy vọng đứa nhỏ thông minh độ lượng kia vẫn còn sống.
Từ bỏ ý định thăm dò trong lòng, Lý thần y nhặt bừa một quả còn non trên mâm đựng trái cây cắn một miếng.
"Ôi chu choa, chát quá!"
Quả còn non bị cắn mất một mẩu bị ném ra ngoài từ cửa sổ, vẽ một đường cong xuất sắc. Từ phía sau liền truyền ngay đến một tiếng hét thảm.
"Dừng xe, dừng xe! Gã nào lại dám ném trái cây bừa bãi ra ngoài cửa sổ như thế này?"
Kiều Chiêu vén rèm xe lên, nhân cơ hội liếc nhìn bên ngoài một cái, chỉ thấy một vị hán tử cường tráng một tay che trán điên cuồng đuổi theo xe ngựa, thu hút ánh nhìn của mấy vị quan khách dừng chân ở quán ven đường. Ngay sau đó, một vị hộ vệ từ xe ngựa nhảy xuống, đón nhận ánh nhìn của người qua đường, giải thích gì đó cho vị hán tử kia mới khiến hắn vừa lòng rời đi.
Hộ vệ trở lại, đồng đội bên cạnh hắn thấp giọng hỏi: "Lần này phải trả bao nhiêu tiền?"
Hộ vệ vẻ mặt lạnh căm, nói: "Đừng hỏi nữa, hai lượng bạc."
Vị đồng đội thở dài, nghĩ thầm trong bụng: đường xá thật gian nan, lão tổ tông trong xe kia mà còn gây chuyện nữa thì bọn họ chỉ có cách đem bội kiếm đi cầm đồ thôi.
Vẻ mặt vị đầu lĩnh đám hộ vệ đầy bi tráng: "Chạy nhanh lên đi, ngày mai nhất định phải tới được kinh thành!"
Ngày hôm sau, cảnh xuân tươi đẹp.
Một chiếc xe ngựa trông rất tầm thường vượt qua một chỗ ngoặt, đi tới quan đạo rộng lớn bên ngoài kinh thành. Thế nhưng rất nhanh chiếc xe ngựa không cách nào tiến tiếp được.
Nhìn về phía trước người xe tấp nập, hộ vệ hướng Lý thần y xin chỉ thị, hỏi: "Lão tiên sinh, Thiệu Tướng quân đang chuẩn bị vào thành, xe ngựa đi không được. Hay là chúng ta lùi xe lại trước?"
Chương 18 : Thiệu Tướng quân
Edit & Beta: Ha Ni Kên
Vừa nghe tin Thiệu Minh Uyên đang dẫn quân vào thành, Lý thần y lửa giận cháy cả tóc, trừng mắt thở phì phì : « Lui lại cái gì mà lui lại. Không phải vẫn còn chân hay sao, xuống xe đi ! »
Nói mấy lời lỗ mãng này xong, Lý thần y lưu loát nhảy xuống xe, đẩy tên hộ vệ đang chực đỡ lấy lão ra, gọi Kiều Chiêu : « Lê nha đầu, mau xuống thôi. Tranh thủ thời gian lách qua đám người này vào thành là có thể về nhà ăn cơm rồi. »
Kiều Chiêu từ cửa sổ nhìn thăm dò bên ngoài, thấy đám người tụ tập kín đến không còn kẽ hở, đành nghe lời xuống xe ngựa.
« Cô nương cẩn thận một chút. » A Châu vội vàng đỡ lấy nàng.
Vài tên hộ vệ thấy tình hình như vậy, đành phải vứt xe ngựa ở bên đường, che chở Lý thần y và Kiều Chiêu vào thành.
Trong thành người ngựa đều đổ xô ra đường. Trà lâu tửu quán ven đường chật cứng không còn chỗ ngồi. Hai bên đường ních đầy người. Người người chờ mong, phố phường hoan nghênh nhóm anh hùng chiến thắng trở về.
Mấy người bán hàng rong nhanh trí tận dụng cơ hội chạy theo đám người kia, mấy sọt hoa quả tươi trong giây lát đã bị mua sạch không sót lại gì.
Kiều Chiêu bị đám đông chen chúc, bước chân lảo đảo, vất vả thở dốc, đám người bỗng nhiên bùng nổ một trận reo hò.
« Đến rồi, đến rồi ! »
« Lui ra sau, lui ra sau ! » Quan sai duy trì trật tự rút gậy gộc ra, gạt đám người đang xem náo nhiệt sang hai bên đường.
Tiếng vó ngựa đến gần, bước chân đều đặn mạnh mẽ dội xuống từng nhịp như trống vỗ, như dội vào lòng mọi người.
Chỉ trong chớp mắt, biển người trên đường đột nhiên yên tĩnh. Ngay sau đó, tiếng hoan hô nhiệt liệt nổ ra : « Thiệu Tướng quân, Thiệu Tướng quân ! »
« Quân Bắc chinh vạn tuế ! Quân Bắc chinh tuyệt vời !"
Kiều Chiêu từ trong đám đông huyên náo nhìn về phía đội quân.
Đi đầu là một vị thân vệ giương cao lá cờ. Giữa lá cờ đang phất phới tung bay trong gió là một chữ Thiệu cực kỳ rực rỡ. Trên con ngựa cao to đi đầu là một vị nam tử trẻ tuổi.
Người nọ tầm hai mươi tuổi, trên người là áo giáp bạc sơn chữ mà chỉ có tướng lĩnh cao cấp mới có tư cách mặc. Áo giáp bao lấy người, thắt lưng sư tử gầm thắt chặt bên hông, càng làm dáng người cao ráo thêm thẳng tắp kiên cường. Áo choàng không mang màu đỏ thẫm thông thường mà lại trắng như tuyết. Khi chàng nghiêng đầu nhìn về phía tiếng hoan hô nhiệt liệt, dải dây đỏ trên mũ giáp bạc lay động theo, ánh đỏ chiếu lên khuôn mặt tựa như ngọc thạch.
Đó là màu sắc tươi đẹp duy nhất trên người chàng, thế nhưng lại khiến người ta cảm thấy yên lặng và... cô tịch.
Đám người bỗng nhiên lặng lại. Rồi ngay sau đó vang lên tiếng thét chói tai của vô số nữ tử : « Thiệu Tướng quân, Thiệu Tướng quân. »
Tướng quân trẻ tuổi quay đầu đi chỗ khác, nhưng người dân vẫn vô cùng cuồng nhiệt, đặc biệt còn có mấy vị nữ tử ném hoa tươi trong tay về phía chàng. Hoa rơi như mưa, chạm vào khôi giáp của chàng rồi vội vàng rơi xuống, sau đó càng có nhiều hoa tươi và túi hương, khăn tay tín vật bay đến.
Mọi người vốn đã nghe chuyện về Thiệu Tướng quân đến thuộc lòng. Ở trong kinh thành bây giờ ngay cả đứa trẻ ba tuổi cũng biết là có một vị Tướng quân lợi hại như vậy.
Do trước đây chàng không mấy hồi kinh, hôm nay mọi người mới phát hiện, hóa ra vị tướng quân này lại còn trẻ như vậy, lại tuấn mỹ đến như vậy.
Không khí càng lúc càng nhiệt tình, đám đông bắt đầu liều mạng chen lấn lên trước. Kiều Chiêu dù có được nhóm hộ vệ che chở vẫn bị xô đẩy ngã trái ngã phải, bên tai thì dội lại tiếng thét chói tai của đám nữ tử quên hết rụt rè mà dám ném đi hoa tươi và khăn tay ngay giữa thanh thiên bạch nhật.
Kiều Chiêu cố gắng đứng vững, mím môi.
Hóa ra hôn phu đại nhân lại là một kẻ vạn người mê.
À không, nhầm rồi. Kiều Chiêu chết rồi. Tiểu cô nương Lê Chiêu mới là người còn sống. Bọn họ đã không còn có quan hệ.
Nghĩ như vậy nhưng dù trong lòng Kiều Chiêu vốn không có oán hận, trước vị nam tử phong quang vô hạn rực rỡ chói mắt kia, rốt cuộc vẫn là thêm vài phần... suy tư không rõ ràng.
« Ai u ! » Một người bán hàng rong gánh giỏ hoa không cẩn thận bị đẩy ngã, giỏ hoa tươi vung vãi khắp trên mặt đất. Một giỏ đầy hoa không hiểu thế nào lại lẫn một qua lê gai, lăn đi rồi vừa vặn dừng ở cạnh chân Kiều Chiêu.
*quả lê gai : quả mọc trên cây xương rồng
Vô số bàn tay trắng nõnvươn ra, nhặt lấy từng nhành hoa tươi, tiền xu leng keng rơi vào trong giỏ.Ngay sau đó lại là một cơn mưa hoa rải lên con đường các tướng sĩ đi qua, cùngtiếng la hét hưng phấn của chúng cô nương.
Kiều Chiêu dừng lại một chút, lấy ra hai đồng xu thả vào cái giỏ, dùng khăn tay nhặt quả lê gai còn đang lảo đảo trên đất lên, yên lặng ném đi.
Ừ, như thế này thì thoải mái hơn.
Thiệu Minh Uyên ngồi ngay ngắn trên lưng ngựa. Từ bốn phía mọi người không ngừng ném hoa tươi lên người chàng. Chàng đã cố gắng nhịn mấy cái hắt xì đến mức tê cả mũi, vừa thở ra một hơi thật mạnh thì chợt thấy bên sườn mặt có một vật bay tới. Dựa vào phản xạ nhạy bén tôi luyện sau nhiều năm chinh chiến, chàng lập tức phát hiện đấy không phải là hoa tươi, cũng không phải túi hương tín vật.
Chẳng lẽ là ám khí ?
Thiệu Minh Uyên nhấc tay, bắt chính xác vật kia. Lòng bàn tay truyền đến cảm giác đau đớn làm chàng nhướn mày.
Sao lại có ám khí sắc nhọn như thế này ? Xem ra là có địch nhân đang lẩn trốn trong đám đông rồi !
Chàng cúi đầu, nhìn rõ bộ dạng của ám khí, mặt không khỏi nghệt ra : một quả lê gai ?
Ánh mắt Thiệu Minh Uyên như điện xẹt, nhìn vội về phía « ám khí » kia bay ra.
Ánh mắt kia như phủ lên toàn bộ đám người. Kiều Chiêu vội trốn sau lưng Lý thần y, một hồi lâu sau mới dám ló ra, thấy người nọ đã cưỡi ngựa đi xa, chỉ còn lại nhóm thân vệ giáp sắt chỉnh tề nắm chặt trường thương xếp hàng theo sau. Lúc này nàng mới thở phào một hơi.
Kiều Chiêu nâng mắt, đón nhận ánh nhìn nửa cười nửa không của Lý thần y, bình tĩnh nói : « Đông quá, chúng ta đi nhanh thôi Lý gia gia. »
Lý thần y gật đầu, nhấc chân đi hai bước rồi bỗng nhiên quay đầu lại, tủm tỉm cười : « Làm tốt lắm. »
Rời tuyến đường chính, phố xá thanh tĩnh hơn hẳn.
Lý thần y dừng bước, sửa sang áo bào bị đám đông xô đẩy mà nhăn nhúm lại, nói : « Nhà của Lê nha đầu ở đâu để ta dẫn về. »
« Lão tiên sinh, như thế này ngàn lần không được ! » Nhóm hộ vệ kinh hãi.
Lần này bọn họ đi mời Lý thần y là chuyện bí mật. Nếu có kẻ biết được vị Lý thần y này hồi kinh, chắc chắn là phiền phức lớn.
Lý thần y nheo mắt lại, trên mặt dù có ý cười nhưng lại làm cho người khác cảm thấy rất nguy hiểm : « Làm sao ? Ta đi nơi nào chủ tử của ngươi cũng muốn quản à ? »
Nhóm hộ vệ bị hỏi không nói được lời nào.
Đúng là bọn họ đã dùng bạo lực ép vị thần y này về, nhưng người không nên chọc giận nhất trên đời này cũng chính là vị thần y này. Cái khác chưa nhắc đến, nếu người ta không đếm xỉa gì rồi viết bừa cho người bệnh một đơn thuốc có vấn đề thì tìm ai để nói lý đây ?
« Lão tiên sinh, không bằng ngài đi theo chúng ta trở về trước, còn vị cô nương này để chúng ta phụ trách dẫn về nhà ? »
Lý thần y đánh giá người đang nói kia, thản nhiên cười khẩy : « Ta đang thương lượng với các ngươi chắc? Ta chỉ báo cho các ngươi chuyện này thôi. Chủ tử các ngươi có muốn hay không thì làm sao? »
Nếu không phải vì gốc cây quý kia thì đừng nói là quý phủ của Thị Lang đại nhân, có là đương kim Hoàng Đế lão cũng trốn xa, không dây dưa vào cái kinh thành rối rắm này.
« Lê nha đầu, đi thôi. » Lý thần y không thèm liếc mắt nhìn đám người kia lấy một cái, phất tay áo liền đi.
Kiều Chiêu vội gọi lại : « Lý gia gia, nhà ta ở hướng kia. »
Mấy tên hộ vệ liếc nhau, đầu lĩnh gật đầu với một người trong đám đó. Người nọ hiểu ý, lặng lẽ lùi lại vài bước rồi chạy đi tìm chủ tử báo tin.
Đợi đám người rẽ vào một con đường nhỏ, Giang Viễn Triều một thân hắc y mới xuất hiện.
« Đại nhân, truyền tin về cho Đại Đô Đốc ạ ? »
Giang Viễn Triều thu hồi ánh mắt lại, cười nhạt : « Ừ. »
Nghĩ đến cảnh tiểu cô nương ném quả lê gai về phía tên tiểu tử họ Thiệu, trong lòng hắn cũng thật thoải mái.
Chương 19 : Trở về nhà
Edit & Beta : Ha Ni Kên
Một chiếc xe ngựa màn xanh đỗ lại trước ngõ nhỏ phía tây phố Hạnh Tử.
Một vị nam tử trẻ tuổi ăn mặc bình thường rảo bước về phía đại môn treo tấm biển "Lê phủ", kéo chiếc vòng đồng khắc hình thú trên cửa.
*Đại môn: cửa chính
*vòng đồng khắc thú:
Không lâu sau, một gã saivặt đi ra, ánh mắt quét nhanh vị nam tử trẻ tuổi kia một lượt, khách khí hỏi:"Có chuyện gì thế?"
Gã sai vặt vốn có một đôi mắt đầy sắc bén. Vị nam tử trẻ tuổi trước mắt dù có cách ăn mặc của hạ nhân nhưng khí thế lại mạnh mẽ hơn so với không ít công tử hắn từng gặp, như vậy cũng đoán được nhân vật trong kiệu kia cũng chẳng phải người tầm thường.
Vị nam tử trẻ tuổi thái độ đúng mực cất cao giọng nói: "Tiên sinh nhà chúng ta đưa Tam cô nương của quý phủ về nhà."
"Tam cô nương?" Gã sai vặt sửng sốt, theo bản năng hỏi lại: "Tam cô nương nào cơ?"
Vị nam tử trẻ tuổi sửng sốt theo: "Đây không phải Lê phủ à?"
"Đúng là Lê phủ rồi."
"Tam cô nương ở quý phủ các người không phải bị lạc à?"
Gã sai vặt như bị điểm huyệt, bất động hồi lâu rồi đột nhiên nhảy dựng lên: "Ôi chao, ngươi chờ chút!"
Hắn đóng cửa đánh ầm một tiếng, vọt vào nhà như cơn gió, vừa chạy vừa hô: "Tam cô nương đã trở lại rồi!"
Tin tức như mọc cánh, nhanh chóng truyền khắp Lê phủ.
Tại Thanh Tùng đường, Đặng lão phu nhân lắp bắp kinh hãi : "Tam nha đầu đã trở lại?"
Bà giận tái mặt, hỏi kẻ vừa bẩm báo: "Đâu, người đâu?"
Bà tử vừa báo tin muốn nói lại thôi: "Vẫn đang ở trước đại môn... Người sai vặt nói là do một vị tiên sinh đưa về..."
"Tiên sinh? Đặng lão phu nhân đột nhiên biến sắc, nổi giận: "Sao còn không cho người vào! Để đứng bên ngoài như vậy thì còn gì mặt mũi!"
Tam nha đầu thế mà lại do nam nhân đưa về, sau này---
Khí huyết bốc đầy trong lồng ngực của Đặng lão phu nhân, hít một hơi thật sâu rồi bà mới lấy lại được phong độ, phân phó: "Nhanh đi Hàn Lâm Viện, gọi Đại lão gia trở về!"
Sau đó Lê quý phủ rối loạn như tơ vò, người sai vặt được phân phó mới mở cửa hông ra: "Mời vào."
Xe ngựa màn xanh không có chút động tĩnh.
Người sai vặt nghi hoặc.
Vị nam tử trẻ tuổi đứng cạnh xe ngựa khinh thường tiến lại, hắng giọng rồi mới mở miệng : "Tiên sinh nói, mời lão gia quý phủ đến đón người."
"Vị đại ca này đang nói giỡn à? Lão gia chúng ta còn đang ở nha môn. Còn nữa, cho dù Đại lão gia còn đang ở phủ, làm gì có chuyện phải ra cửa đón người? Mời tiên sinh đi theo tiểu nhân là được rồi."
Vị nam tử trẻ tuổi cười lạnh một tiếng : "Quý phủ dòng dõi thư hương, tiên sinh nhà chúng ta ngàn dặm xa xôi đưa cô nương của quý phủ về, đây là đạo đãi khách của quý phủ à?"
Người sai vặt quay người xem thường, nhỏ giọng thầm nói: "Cũng chẳng biết là có phải lừa đảo hay không."
Còn chưa kể, Tam cô nương mất tích đã nhiều ngày, nhóm chủ từ ai chẳng nghĩ nàng khó lòng trở về. Tam cô nương còn là cái loại chó chê mèo ghét nữa...
Hắn nghĩ như vậy, chợt thấy lạnh cả gáy, quay lại thấy vị nam tử kia vẻ mặt lạnh tanh, ánh mắt như có thể xuyên qua người hắn.
Người sau vặt chân nhũn ra, vội nói: "Đợi tiểu nhân đi bẩm báo một chút."
"Người tới thực sự nói như vậy?" Đặng lão phu nhân chờ ở phòng khách vẻ mặt bình tĩnh, làm cho người ta không đoán ra vui buồn, đứng lên nói: "Đi tới đại môn."
Bà cũng không phải là người thích khinh thường kẻ khác. Bất kể Tam nha đầu như thế nào, người có thể có tâm đưa nàng về nhà, cũng ít nhất phải có lòng biết ơn. Chỉ là bà muốn cho người tới lặng lẽ nhẹ nhàng vào phủ, đỡ khiến cho hàng xóm láng giềng chú ý, bằng không tin tức Tam nha đầu được nam nhân đưa về mà lan truyền ra, thanh danh của con bé càng xấu.
Đối phương lại gióng trống khua chiêng như vậy, chẳng biết là có ý gì?
Đặng lão phu nhân vội vàng đi ra ngoài, mới đi đến cửa lại gặp một phụ nhân.
Phụ nhân bộ dáng tầm hai tám hai chín tuổi, mặc áo ngoài màu xanh lá cây dệt nổi, phía dưới mặc váy màu nâu nhạt, dáng người yểu điệu, xinh đẹp động lòng người.
"Lão phu nhân, có phải là Chiêu Chiêu của con dâu đã chở lại?" Phụ nhân rõ ràng là vội vã chạy tới, hơi thở dồn dập, mặt đầy nước mắt, lắc lắc ống tay áo của Đặng lão phu nhân.
Đặng lão phu nhân nặng nề nhìn phụ nhân kéo tay áo của mình lắc qua lắc lại.
Thô tục!
Lão phu nhân bình tĩnh rút cánh tay về: "Hà thị, ngươi đừng vội vàng, Tam nha đầu đang ở ngoài đại môn, ngươi theo ta-"
Lời còn chưa dứt, Hà thị đã chạy đi nhanh như chớp.
Đặng lão phu nhân khóe miệng co rút, trong lòng mắng thêm hai chữ "Vô lễ".
Hà thị xách váy chạy một mạch đến đại môn, mặc kệ ánh nhìn của đám tôi tớ trên đường, đứng vừa vững lại liền hỏi: "Cô nương đâu rồi?"
Phát hiện thấy hàng xóm bốn phía đứng xem náo nhiệt từ xa, người sai vặt lau mồ hôi lạnh, nhỏ giọng nói: "Tam cô nương còn đang ở trên xe, đại thái thái ngài --"
Hà thị lách khỏi người sai vặt đang chắn đường, chạy vội tới trước xe ngựa.
"Phu nhân xin dừng bước!" Hai hộ vệ cất bước tiến lên, ngăn Hà thị đến gần xe ngựa.
Hai vị hộ vệ khuôn mặt tuy bình thường nhưng sát khí giữa lông mày lại có thể đẩy lùi người xa ba trượng.
Hà thị kinh hãi: "Các ngươi là ai? Không phải nói là đưa nữ nhi của ta về đây sao? Ôi chao - chẳng lẽ là cường đạo, tìm tới cửa đòi tiền chuộc?"
Người sai vặt đỡ trán.
Trong xe ngựa, Lý thần y ánh mắt phức tạp hỏi Kiều Chiêu: "Kia là mẫu thân nha đầu thật à?"
Lão ra vẻ thế này là muốn lấy uy thay cho tiểu nha đầu. Rõ ràng đang tốt đẹp thông báo cho thiên hạ là tiểu nha đầu này được thần y râu bạc đưa về tận cửa, cái vị là mẫu thân này lại ồn ào nói là cường đạo tới tận cửa đòi tiền chuộc?
Đây là cảm thấy thanh danh của Lê nha đầu tốt quá rồi à?
Kiều Chiêu bình tĩnh: "Đúng là mẫu thân của ta."
Trong trí nhớ của tiểu cô nương Lê Chiêu, nàng vẫn luôn ghét bỏ vị mẫu thân xuất thân không cao này, cho rằng vì cái xuất thân này mà hại nàng bị người khác xem thường. Thế nên đối xử lạnh lùng thản nhiên với mẫu thân. Kiều Chiêu dưới góc độ người thứ ba xem xét trí nhớ của Lê Chiêu, lại thấy Hà thị thực tâm yêu thương nữ nhi, chỉ là... về phần tài trí có chút lo lắng.
Kiều Chiêu không khỏi nghĩ đến mẫu thân của nàng.
Mẫu thân của nàng vốn là quý nữ. Khi còn bé, nàng luôn cảm thấy mẫu thân rất nghiêm khắc, thi thoảng mới có chút ôn nhu nhẹ nhàng. Đến khi nàng đi theo tổ phụ tổ mẫu, tình cảm càng phai nhạt.
"Nương, con ở đây." Lý thần y không cho Kiều Chiêu vén màn lên, nàng lại nói vọng ra từ xe ngựa ra.
Hà thị sửng sốt, nức nở nói: "Chiêu Chiêu, Chiêu Chiêu của ta-"
Bà bất chấp hàn khí tỏa ra từ nhóm hộ vệ, vén mành xe lên.
Kiều Chiêu nghe xong, trong lòng than nhẹ.
Mẫu thân của nàng, chưa từng gọi một tiếng "Chiêu Chiêu của ta" như Hà thị.
"Hà thị, ngươi lại đây cho ta!" Giọng của một lão phụ nhân truyền vào xe ngựa: "Lão thân nghe thấy tiên sinh dẫn cháu gái ta trở về, vạn phần cảm kích, mời tiên sinh nhập phủ một chuyến."
Bốn phía yên tĩnh, đến cả láng giềng tám hướng cũng nghiêng đầu nhìn chằm chằm chiếc xe ngựa mành xanh kia.
Một gã tùy tùng trẻ tuổi tiến lên vén mành xe ra, một vị lão giả bước xuống.
Lão giả tầm sáu bảy mươi tuổi, râu tóc bạc trắng, đi đứng rất linh hoạt, xuống xe xong thì đưa mắt đánh giá kỹ lão phu nhân một lượt.
Thấy rõ bộ dáng của vị lão giả, Đặng lão phu nhân thở phào một tiếng.
Thật tốt quá, vị tiên sinh này đủ già, đủ già để ngăn chặn mồm miệng tép nhảy của đám láng giềng bốn phương tám hướng!
Rất nhanh một bóng người xuất hiện. Từ trong xe, một nha hoàn mười bốn mười lăm tuổi mặc áo hồng nhảy xuống, hướng lão phu nhân hành lễ đúng mực: "Nha hoàn là A Châu, xin thỉnh an lão phu nhân, xin thỉnh an Đại thái thái."
A Châu hành lễ xong, xoay người lại vươn tay: "Mời cô nương xuống xe ạ."
Chương 20 : Duệ Vương
Edit & Beta: Ha Ni Kên
Một bàn tay vươn ra từ xe ngựa, trắng nõn mảnh dẻ, giống như búp măng non mượt mà hấp dẫn ánh mắt người nhìn.
Bàn tay bình tĩnh đặt lên tay của A Châu, tiểu cô nương đứng dậy, cất bước, xuống xe, mỗi một tư thái đều thong dong tao nhã.
Tiểu cô nương vốn mềm mại, thân hình mỏng manh như đóa bạch ngọc lan yếu ớt, tưởng như chỉ cần chạm nhẹ sẽ gãy. Nhưng nàng lại mặc một thân thanh y, che đi phần nào bộ dáng nhu nhược trời sinh ấy, khiến cho người khác lại cảm giác nàng là gốc cây bạch dương xanh ngát, kiên cường không sợ gió sương.
*bạch ngọc lan
*bạch dương
Thói quen vốn đã khắc sâuvào tận xương tủy, Kiều Chiêu đi theo vị Kiều Chuyết tiên sinh danh chấn thiênhạ, cũng từng được hai vị thục nữ nhất đẳng là tổ mẫu và mẫu thân dạy thành.
Nàng chỉnh trang một chút, đi nhanh vài bước, quỳ gối trịnh trọng hành lễ với lão phu nhân. Hà thị bước vội đến, ôm chặt nàng.
"Chiêu Chiêu, con ngoan của nương, nương còn tưởng rằng sẽ không còn được gặp lại con, huhuhu ---" Hà thị gắt gao ôm lấy Kiều Chiêu, khóc lớn.
Kiều Chiêu bị Hà thị ôm suýt thì ngạt thở, miễn cưỡng ngẩng đầu, tươi cười xin lỗi nhìn về Đặng lão phu nhân đang trợn mắt há mồm.
Đặng lão phu nhân trong lòng dâng lên cảm giác kỳ quặc.
Nha đầu này từ nhỏ điêu ngoa tùy hứng, lại còn có tật ham vinh khinh hèn, coi thường cả chính mẫu thân ruột thịt của con bé, sao mấy hôm không gặp, lại có thể có tư thái thanh tao lịch sự chuẩn mực đến như vậy?
Mặc dù bà có xuất thân bình thường, nhưng dù sao cũng đã sống đến ngần này tuổi, Tam nha đầu vừa xuống xe đi nhanh mấy bước, đừng nhìn con bé bước vội bước vàng, thực ra bàn chân không lộ ra chút nào, ngay cả khuyên tai trân châu cũng chỉ nhẹ rung. Dáng vẻ như vậy bà mới chỉ nhìn thấy trên người lão chị em dâu hà khắc thích bắt bẻ bên Đông phủ. Thậm chí ngay cả lão chị em dâu kia có tỉ mỉ dạy dỗ cháu gái thế nào đi chăng nữa cũng không dạy ra được vẻ tự nhiên đến vậy, tựa như được giáo dưỡng đến tận tủy cốt.
Mắt thấy Hà thị ôm Kiều Chiêu khóc lớn, bộ dạng chẳng ra làm sao, Đặng lão phu nhân ngừng nghĩ, bình tĩnh lạnh lùng nói: "Còn đứng ở đại môn to mồm cái gì nữa, không mau đem Tam nha đầu vào nhà đi?" Nói rồi bà chu đáo chào Lý thần y: "Khiến lão tiên sinh phải chê cười rồi, mời lão tiên sinh vào thăm hàn xá, lão thân đã sai người chuẩn bị rượu trà, đáp tạ ân cứu mạng nghiệp chướng kia của lão tiên sinh."
Lý thần y âm thần gật đầu.
Không ngờ Lê nha đầu lại có vị mẫu thân không biết điều như vậy, nhưng tổ mẫu cũng coi như mẫu mực.
"Không cần, ta còn có việc, không tiện ở lâu." Lý thần ý ngoắc Kiều Chiêu lại: "Nha đầu qua đây."
"Nương -" Kiều Chiêu nhắc một câu.
Hà thị vạn phần không muốn buông tay, khóc nhòe nhoẹt nước mắt.
Kiều Chiêu cũng không thể nhìn thêm, rút khăn tay đưa cho bà: "Nương lau mặt trước đi."
Hà thị nhận lấy khăn tay, kinh ngạc nhìn Kiều Chiêu, rồi bỗng nhiên che mặt khóc lớn hơn: "Ôi ôi ôi ---"
Nữ nhi lại lấy khăn tay đưa bà lau mặt, không được, nữ nhi giờ lại hiểu chuyện như vậy, nhất định ở bên ngoài đã phải chịu nhiều khổ cực!
Hà thị càng nghĩ càng đau lòng, nắm chặt khăn tay rồi khóc còn thảm hại hơn.
Kiều Chiêu: "..."
Nàng sai rồi, nàng có tội!
Không dám kích động Hà thị thêm, Kiều Chiêu vội vàng đi về phía Lý thần y.
Lý thần y nâng tay, vỗ nhẹ đầu Kiều Chiêu, rồi quay ra nói với lão phu nhân: "Lão phu cứu nha đầu khỏi tay bọn buôn người, nhìn con bé liền cảm thấy thật có duyên, đã muốn nhận con bé làm cháu gái, không biết ý của lão phu nhân như thế nào?"
Đặng lão phu nhân ngẩn ra, vội nói: "Đó tất nhiên là may mắn của Tam nha đầu rồi."
Lão giả này khí thế khỏi phải bàn, cả hạ nhân đi theo cũng không tầm thường, có thể thấy là người có thân phận. Nếu lão có thể nhận Tam nha đầu là cháu gái, Tam nha đầu sau này cũng có đường sống rồi.
Nghĩ lại đến cháu gái mới trở về, Đặng lão phu nhân lại sốt ruột một trận.
Không nghĩ là sẽ có thể gặp lại đứa cháu gái này. Tất nhiên là bà luôn mong muốn con cháu trong nhà gặp được những chuyện tốt đẹp.
Kiều Chiêu cũng là lần đầu nghe thấy Lý thần y nhắc đến chuyện này, đặt kinh ngạc trong khóe mắt, đáy lòng lại ấm áp vô cùng.
Nàng không nghĩ Lý thần y sẽ vì nàng mà tính toán như vậy.
Là bởi vì lão nhân gia người thấy hình bóng của Kiều Chiêu ở tiểu cô nương Lê Chiêu ư?
Nghĩ như vậy, Kiều Chiêu vốn luôn chôn hết cảm xúc nơi đáy lòng đột nhiên khóe mắt cay cay.
Không tiếng động rơi lệ.
Dù thế nào, "Kiều Chiêu" cũng không hoàn toàn biến mất khỏi cõi đời, vẫn có những người nhớ rõ rằng nàng từng sống.
Thấy nàng rơi lệ, Lý thần y có chút ngoài ý muốn, rất nhanh dùng tươi cười che khuất sự kinh ngạc, nâng tay vỗ trán nàng đầy yêu thương: "Nha đầu, chờ Lý gia gia xong việc, sẽ đi thăm nha đầu sau. Đến lúc đấy ai mà ức hiếp nha đầu thì nói cho gia gia."
Kiều Chiêu khôi phục lại bình tĩnh, cúi đầu hành lễ với Lý thần y, nói từng chữ: "Chiêu Chiêu đã biết."
Lý thần y nhíu mày.
Lão có đang nhìn nhầm không? Lê nha đầu và Kiều nha đầu càng ngày càng giống nhau.
"Được, như vậy thì gia gia đi trước." Lý thần y nói xong hướng Đặng lão phu nhân gật đầu từ biệt.
Đặng lão phu nhân vội hỏi: "Lão tiên sinh, ngài có việc phải đi thì lão thân không dám ngăn cản. Chỉ là xin ngài lưu lại danh tính, để cho chúng ta biết được thân phận của ân nhân."
Lý thần y nâng cằm, ngạo nghễ nói: "Lão phu họ Lý, hiệu Trân Hạc. Lão gia quý phủ nếu là người trong triều đình hẳn sẽ biết lão phu là ai."
Lý thần y lưu lại mấy lời liền xoay người lên xe ngựa. Đám hộ vệ vốn đã nóng lòng chờ đợi từ nãy đến giờ lập tức thúc ngựa kéo xe chạy, trong nháy mắt biến mất khỏi ngõ Hạnh Tử.
Xe ngựa đi lên phía Tây rồi lại rẽ sang hướng Bắc, quay đi quay lại mấy vòng lớn rồi mới trực tiếp men theo cửa hông của một phủ đệ nguy nga vào trong, một đường đi thẳng tới một tiểu viện tao nhã tĩnh mịch mới dừng lại, mời Lý thần y xuống xe.
Lý thần y đen mặt đi xuống, liếc trái liếc phải một hồi rồi nhìn chằm chằm cửa tiểu viện không nhúc nhích.
« Tiên sinh --- »
Lý thần y quắc mắt trừng tên hộ vệ kia, giận dữ hỏi: "Thế này là thế nào?" Không đợi người trả lời, lão tự cười lạnh: "Đừng nói với ta là phủ Thị Lang. Lão phu tính rồi, đi từ cửa hông vào đây ước chừng hai khắc, làm gì có phủ Thị Lang nào lại lớn như thế!"
Nhóm hộ vệ nhìn nhau, nhất thời không ai dám nói câu nào.
Chủ tử lấy danh nghĩa phủ Thị Lang để lừa lão thần y đến, nhưng giờ thì cũng không thể gạt được nữa.
"Thần y quả nhiên có đôi mắt tinh tường! Tiểu Vương không thể nghênh đón từ xa, thỉnh mong thần y thứ tội." Từ tiều viện một nam tử tầm ba mươi tuổi đi ra, hướng Lý thần y vái chào.
Trên ống tay áo của vị nam tử là hoa văn rồng bốn móng, làm Lý thần y chướng mắt vô cùng. Lông mày lão run lên: "Duệ Vương?"
Lão lâu nay không qua lại cùng đám hoàng thân quốc thích, chẳng qua đối với hai vị hoàng tử vốn được chọn lọc kỹ càng của đương kim Hoàng Thượng vẫn có đôi chút ấn tượng.
Ngũ hoàng tử được phong là Duệ Vương. Lục hoàng tử được phong là Mộc Vương. Hai vị hoàng tử trông na ná nhau, có điều Ngũ hoàng tử Duệ Vương thể chất suy nhược, thân hình gầy yếu hơn Mộc Vương rất nhiều.
"Không biết Vương gia mời lão phu đến đây là có chuyện gì?"
Lý thần y sinh ra dự cảm không ổn, làm người người quả nhiên không thể tham lam. Lão chỉ vì một gốc cây quý mà tự đẩy mình vào vũng lầy.
Lão đã nghĩ một cái phủ Thị Lang nho nhỏ sao lại có thể có cây quý đến như thế, thế nhưng khi ấy tình thế cấp bách nên chẳng nghĩ nhiều, lúc này mới từ từ xem xét lại.
Duệ Vương vốn đã nghe nói về vị Lý thần y tính tình cổ quái, dẫu có là Vương gia cũng không dám ra vẻ, vội hỏi: "Là tiểu Vương không khỏe, muốn mời thần y điều trị một phen. Mời thần y theo tiểu Vương vào trong nhà bàn tiếp."
Hai người vào phòng trong tiểu viện, để lại tâm phúc của Duệ Vương ở ngoài. Trước ánh mắt thúc giục không mấy kiên nhẫn của Lý thần y, Duệ Vương ấp úng mở miệng: "Mấy năm qua tiểu Vương chỉ sinh được có hai đứa con, lại lần lượt chết non. Tiểu Vương muốn mời thần y thay tiểu Vương xem xem thân thể có ổn thỏa không..."