Từ Bodh
Gaya, chúng tôi trở về Hoa Thị Thành để đi Vesali. Vesali mà ngày nay được gọi
là Vaishali chỉ cách Hoa Thị Thành chưa đầy 50 cây số đường bộ, nằm phía bắc
sông Hằng, ngày xưa là kinh đô của nước Licchavi.
Anh tài
xế của chúng tôi, người Nepal, cho biết đường từ Hoa Thị Thành đi Vesali cũng
là đường đi Kathmandu, thủ đô Nepal, cách đó khoảng 200 km, anh nói với giọng u
hoài nhớ quê hương. Ðường này đi lên phía bắc Bihar, vượt cầu Mahatma Gandhi
đến Hajipur, qua sông Hằng đúng chỗ sông rất rộng, có cồn cát ở giữa. Ðây là
chiếc cầu dài nhất châu Á với chiều dài khoảng 6 km.
Vesali
là nơi Phật nhiều lần đến thăm viếng và cũng là trạm dừng chân cuối cùng lúc
Ngài đến chỗ nhập diệt của mình là Câu-thi-na. Tôi tự hỏi ngày xưa Phật qua
sông Hằng rộng mênh mông này bằng phương tiện gì.
Câu hỏi
này xem ra quá tầm thường nên không thấy ai trả lời trong kinh sách. Trong
kinh, tôi chỉ nghe Ngài qua sông “dễ dàng” [1]. Trên đường đi tham bái tôi có
quen với một tu sĩ người Tích Lan, tôi hỏi ông ngày xưa Phật làm sao vượt biển
tới Tích Lan được để nói kinh Lăng Già. Ông trả lời gọn lỏn “thần thông”. Về
sau tôi khám phá trong ký sự của Huyền Trang có đoạn nói về Phật trở về thăm
viếng quê hương Ca-tì-la-vệ theo lời thỉnh cầu của vua cha. Huyền sử chép Ngài
đi bằng thần thông trên không và Huyền Trang có hân hạnh tới xem chỗ Ngài hạ
xuống mặt đất. “Tám vị Kim cương thủ hộ tống Ngài, bốn vị Tứ thiên vương dẫn
đường. Với toàn thể các thiên nhân cùng đi, trời Ðế Thích bên trái và trời Phạm
Thiên bên mặt, Phật đi ở giữa như mặt trăng giữa các vì sao. Cả ba cõi đều rung
động vì uy lực của Ngài, bảy thiên thể đều lịm tắt trước hào quang của Ngài,
Ngài vượt không gian và trở về quê hương”.
[1] Trường bộ kinh, 16
Vesali
là kinh thành của tiểu quốc Licchavi nằm ở bờ bắc sông Hằng, thời đó chỉ có
khoảng 250.000 dân và rất thân thiện với nước Ma-kiệt-đà. Nước này tuy nhỏ
nhưng có một dòng dõi hiệp sĩ đông khoảng 14.000 người, cai trị nước một cách
rất sáng suốt. Một ngày nọ trong năm 524, lúc mùa mưa đã đến tại phía nam sông
Hằng và tại vườn Trúc lâm Phật bắt đầu ba tháng an cư để thiền định và giáo hóa
cho tỉ-kheo thì có một sứ giả từ bờ bắc sông Hằng đến Vương Xá.
Người đó
là Mahali, bạn của Tần-bà-sa-la, ông báo tại Licchavi đang bị hạn hán trầm
trọng, đói kém và nạn dịch xảy ra, nhiều người đã chết. Mahali nhờ Tần-bà-sa-la
xin Phật đi Vesali cứu giúp. Năm năm sau khi thành đạo, lúc đó khoảng 39 tuổi,
lần đầu tiên Phật được thỉnh cầu thi triển thần thông. Vương Xá cách sông Hằng
khoảng 60km, Ngài lên đường cùng vài người hầu cận, “ngày thứ năm Ngài vượt qua
sông Hằng và vừa đến bờ bắc thì trời đổ mưa như trút”. Và tương truyền rằng nạn
dịch cũng chấm dứt khi A-nan vâng lời Phật tụng đọc Bảo tích kinh, đó là một bộ
kinh có thần thông chữa bệnh.
Hình
Phật Thích-ca lúc khoảng 41 tuổi, tức là trong thời kỳ kể trên. Hình này do đệ
tử của Ngài là Phú-lâu-na (Purna) vẽ. Bức tranh này được giữ tại viện bảo tàng
London.
Vesali
cũng là nơi mà ni bộ – tăng đoàn của phụ nữ - được thiết lập mà người đầu tiên
chính là kế mẫu của Phật. Sau khi vua cha Tịnh-phạn băng hà, bà kế mẫu đã trở
thành góa phụ đi bộ từ Ca-tì-la-vệ đến Vesali, tính ra khoảng bốn năm trăm cây
số, để xin Phật cho xuất gia. Phật đã từ chối nhưng tôn giả A-nan là người năn
nỉ xin Phật cho phép và cuối cùng bà được nhận lời. Vì cử chỉ lịch sự với phái
nữ này mà về sau A-nan bị tăng già khiển trách vì các vị tu sĩ ngày xưa thấy
quả thật sự hiện diện của phái nữ trong giới tu hành thật bất tiện.
Tại
Vesali Phật còn có thêm một hành động cách mạng nữa trong thời bấy giờ, đó là
Ngài nhận lời mời thọ thực của một nàng kỹ nữ tên gọi là Ambapali. Ambapali là
một kỹ nữ với sắc đẹp hết sức kiều diễm, đã làm điên đảo các vị công tử xứ
Licchavi. Cả vua Tần-bà-sa-la phía nam sông Hằng cũng mê say nàng, có với nàng
một đứa con. Hay thay ngày xưa, mặc dù đường xá xa xôi, sông Hằng cách trở mà
niềm say mê và sinh hoạt xem ra không khác gì người thời nay.
Nàng
Ambapali mời Phật thọ thực rồi lại cúng dường luôn một vườn xoài rất lớn và
Ngài cũng thâu nhận, mặc dù trong xã hội Ấn Ðộ thời xưa với quan niệm hết sức
khe khắt về đẳng cấp, đó là một hành động lạ lùng.
Ðường đi
đến Vesali dẫn tôi qua nhiều đoạn rừng núi và làng mạc. Trong địa phận Vesali
mà ngày nay nó chỉ là một quận nhỏ của Bihar, điều làm tôi thấy lạ là ở đây rõ
ràng có một khí sắc vương giả sang trọng, chúng phảng phất trong màu lá, màu
nắng, màu cỏ cây. Lạ thay, tôi cảm nhận khí sắc đó một cách chắc chắn. Tại
Vesali ta tìm thấy một trụ đá của A-dục vương còn nguyên vẹn, trên đầu có hình
sư tử. Dưới chân trụ đá là nền gạch đá của tu viện nữ ngày xưa, theo kiến trúc
thì cũng có nhiều phòng khác nhau, tương tự như Na-lan-đà nhưng nhỏ hơn nhiều.
Và thú vị thay, xa xa cách vài cây số là một khu rừng nhỏ, cây lá um tùm, đó là
vườn xoài của Ambapali!
Nàng kỹ
nữ về sau trở thành tỉ-kheo ni và giác ngộ thành bậc thánh [2]. Thế nhưng chắc
nàng không bao giờ ngờ vườn xoài của mình sẽ được hậu thế ghi chép và thăm
viếng. Hành động của Phật, cứu độ cho những người thuộc giai cấp “thấp kém”,
như xã hội Ấn Ðộ ưa miệt thị, như Ambapali, như người thợ rèn Cunda, như kẻ sát
nhân Angulimala, không những nói lên lòng từ bi vô lượng, mà là trí huệ của
Ngài chỉ rõ, tất cả con người đều có chung một tự tính thanh tịnh, “...biết rõ
rằng chúng sinh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may
mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ...” [3].
[2] Theo Trưởng lão ni kệ (Therigatha 252-270],
thuộc Tiểu bộ kinh.
[3] Ðoạn thường có trong các tập Bộ Kinh.
Mùa mưa
năm 484 trước công nguyên, lúc này sức khỏe vị đạo sư đã tàn, Vesali này là chỗ
Phật lưu trú và tại đây A-nan hỏi Ngài về một người kế vị. Ngài trả lời: “A-nan,
tăng đoàn còn trông chờ gì nơi ta? Ta đã giảng giáo pháp không phân biệt trong
ngoài...Ta đã già, năm tháng đã tận, cuộc đời ta sắp chấm dứt, ta đã tới giới
hạn của mình: ta đã tám mươi tuổi. Như một chiếc xe bò đã cũ chỉ nhờ giây chằng
buộc lại mà thành thì thân ta cũng chỉ nhờ giây chằng mà có...Vì thế, A-nan,
hãy tự mình là y tựa của chính mình, hãy dùng chánh pháp mà làm nơi y tựa, đừng
tìm y tựa nơi nào cả”. Như thế sau Phật không có người kế vị, giáo pháp chính
là đạo sư hướng dẫn tăng đoàn.
Vài ngày
sau khi nói lời này, Phật đi về hướng bắc, đến chỗ nhập diệt tại Câu-thi-na.
Một trăm năm sau khi Phật nói lời này, Vesali là chỗ kết tập kinh điển lần thứ
hai, tổng kết về giáo pháp, chỗ y tựa của Phật giáo. Và cũng tại hội nghị này
tại Vesali, giáo pháp đã phát triển và bị chia làm hai phái, Thượng tọa bộ và
Ðại chúng bộ và Ðại chúng bộ là tiền thân của Phật giáo Ðại thừa sau này.
VARANASI,
THÀNH PHỐ THIÊNG LIÊNG
Trên thế
giới có những thành phố cổ như Theben ở Ai-cập, Ninive hay Babylon ở Ba Tư.
Chúng thành hình cả ngàn năm trước công nguyên, thậm chí 1700 năm như Babylon,
kinh đô rực rỡ một thời của miền Trung Á. Thế nhưng về mặt cổ xưa, các thành
phố đó lu mờ trước Varanasi, thành phố xuất hiện khoảng 3000 năm trước công
nguyên. Có lẽ Varanasi chỉ thua kinh đô Trường An của Trung Quốc với số tuổi
6000 năm khả kính. Khoảng năm 900 trước công nguyên, những người dòng Arya của
Ấn Ðộ đến Varanasi, biến nơi đây thành một kinh đô hùng mạnh về thương mại cũng
như tư tưởng học thuật. Và Varanasi phồn vinh tới ngày hôm nay, trải qua gần
5000 năm lịch sử, trong lúc nhiều thành phố cổ khác đã điêu tàn.
Mark
Twain, văn sĩ của Mỹ, đã đến Ấn Ðộ năm 1896 và dĩ nhiên cũng đã thăm Varanasi,
viết: ”Varanasi xưa hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, cũ hơn cả huyền thoại và
tuổi của nó gấp đôi tất cả những thứ vừa kể cộng lại”.
Không ai
giải thích được tại sao Varanasi trở thành kinh đô thiêng liêng của thần Shiva,
nguồn gốc của nó hẳn nằm trong bóng tối của thần thoại. Thế nhưng người ta cho
rằng đó là “kinh đô ánh sáng”, mới nghe qua tưởng như Paris của châu Âu, nhưng
không phải. Aùnh sáng ở đây là mặt trời, và mặt trời mọc tại Varanasi bên bờ
sông Hằng là một cảnh tượng kỳ lạ.
Tôi đến
Varanasi bằng máy bay từ Kathmandu, thủ đô Nepal. Varanasi là một thành phố không
thể không tới nếu ta đến xứ Ấn Ðộ. Ðây là một nơi mà người du khách thấy mình
lùi lại vài trăm năm thời gian, nếu không muốn nói cả ngàn năm. Vì lẽ đó, ngày
nay Varanasi đầy khách du lịch, có sân bay quốc tế từ nhiều nước đến. Có nhiều
người đến Varanasi bằng tàu xe như tôi, nhưng rất nhiều tín đồ Ấn Ðộ giáo đi bộ
nhọc nhằn từ xa đến đây, họ tin rằng càng gian khổ bao nhiêu trên đường đi đến
thì tội lỗi càng chóng rửa sạch bấy nhiêu. Ai chết ngay tại Varanasi này, linh
hồn họ sẽ thoát khỏi sinh tử để về với Ðại ngã bao la và vì thế mà nhiều người
già đến đây đợi chết.
Vì lẽ gì
mà Varanasi được xem là “quê hương” của thần Shiva, là chỗ thiêng liêng nhất
của Ấn Ðộ giáo? Thành phố này có thể sánh với Jerusalem của Thiên chúa giáo,
với Mecca của Hồi giáo. Bên bờ sông Hằng dài 2525km cũng còn những thành phố
thiêng khác như Allahabad, Rishikesh, Hardwar. Hãy tạm nghe lời giải thích của
phương tây: tại Varanasi, sông Hằng uốn mình nhìn ra phía đông để buổi sáng lúc
mặt trời mọc, ánh dương chiếu tràn ngập bờ sông, tín đồ tắm sông vừa ngâm mình
trong nước thánh, vừa hưởng tia sáng của thần Shiva. Vì thế Varanasi là đất
thiêng của tín đồ Ấn độ giáo, đến Varanasi mà không đi thăm sông Hằng lúc mọc
trời mọc là xem như chưa đến.
Tôi ra
sông lúc trời còn mờ tối, thuê thuyền đi dọc theo bờ. May thay đó là một ngày
nắng ráo, mặt trời chưa mọc mà ánh dương đã ngời sáng. Thật là một cảnh tượng
lạ lùng. Sông Hằng đoạn này rộng mênh mông, nước yên tĩnh như mặt hồ. Từ dưới
mặt nước, mặt trời như một quả cầu đỏ ối dần dần vươn lên, treo giữa trời lơ
lửng như một chiếc lồng đèn màu đỏ vĩ đại. Có lẽ vì không khí ban mai còn đẫm
sương đêm hay sao mà ta có thể nhìn thẳng mặt trời đỏ rực, không bị chói mắt,
thấy to hơn bất cứ mặt trời nào tôi đã từng thấy. Tôi ngây người nhìn mặt trời
không biết chán. Ôi, thì ra mặt trời hiện ra mà cũng tùy cảnh tùy nơi, mỗi lúc
một khác.
Xa xa
giữa Hằng hà là những cồn cát của mùa nước cạn, thế nhưng sông vẫn còn mênh
mông những nước, phía đông mặt trời là một vùng hoang vu, dưới là chỉ nước và
cát, trên là một vầng dương kỳ diệu. Phía tây là thành phố thì chỉ toàn người
và người, người từ đâu đến? Hàng ngàn người tắm gội giữa dòng sông, họ lặn hụp,
đứng yên, vái lạy, khẩn cầu...Tất cả đều nhìn về mặt trời đỏ đang chiếu rọi.
Dọc sông Hằng tại Varanasi là các bến sông mà người Ấn gọi là “Ghat”, nơi mà
tín đồ Ấn độ giáo tràn ngập xuống sông, đó là những chỗ để họ cầu nguyện, cúng
dường, thiền định, bố thí, khất thực, thiêu xác, rải tro, tắm rửa, bói toán,
thắp đèn, thả hoa. Trong mấy mươi Ghat trải dài khoảng mười cây số đó thì
Dasaswamedh-Ghat là thiêng liêng nhất, đó là nơi vị sáng tạo vũ trụ Phạm Thiên
đã cúng dường “mười con ngựa”. Tại Manikarnika-Ghat có một cái hồ nhỏ, nơi
tương truyền thần Vishnu đã dùng dĩa đào lên và đổ mồ hôi vào đây.
Tôi đi
thuyền dọc sông Hằng vừa ngắm mặt trời, vừa nhìn thế nhân, vừa thả đèn và hoa
tươi đúng phép tắc, không biết mình đang ở thế kỷ hai mươi hay thời đại nào.
Trên các bãi thiêu xác dọc theo sông, có những kẻ đã rời đời sống hỗn loạn này
của trần gian ra đi trong lửa đỏ cháy bập bùng. Mùi gỗ, mùi da thịt lẫn trong
mùi nhang trầm và tiếng tụng niệm bay trong không gian. Người ta nói với tôi
cảnh tượng này cũng là cảnh tượng của mấy trăm năm cũ, mặt trời và dòng sông
thì không hề thay đổi đã đành, con người và cách cúng tế cũng thế. Chỉ có điều
khác là ngày nay người ta người ta tụng niệm trong loa phóng thanh và vì thế mà
tiếng ồn ào và sự hỗn loạn có lẽ còn hơn ngày xưa.
Cách đây
13 thế kỷ, lúc Huyền trang đến Ba-la-nại [4], đó cũng là tên của Varanasi, ông
đã viết về các tu sĩ Ấn độ giáo: ”Phần lớn trong số họ tôn sùng thần Shiva. Kẻ
thì cạo đầu, kẻ thì bối một nhúm tóc trên đỉnh đầu. Một số khác thì lõa thể tự
nhiên đi ngoài đường. Kẻ khác thì thoa tro lên người hay tự chịu nhục hình để
mong trốn khỏi luân hồi...”
[4] Benares
Huyền
Trang cũng tìm thấy một bức tượng Shiva mà ông mô tả ”đầy sự cao quí uy nghi mà
khi nhìn người ta thấy có một lòng kính sợ tôn thờ, dường như thần đang hiện
diện...”. Ngày nay, sau những Ghat chính là đô thị cổ Varanasi với cơ man nào
là đền, thờ thánh thần mang dạng người, dạng thú. Tượng của Huyền Trang nói đến
chắc nằm trong đền Vishawanath. Ngôi đền mái vàng này đã bị tín đồ Hồi giáo phá
hủy trong thế kỷ thứ 18 và nay đã được xây dựng lại. Ðó là đền lớn nhất và
thiêng liêng nhất của Ấn Ðộ giáo.
Tôi đi
theo những ngõ hẹp của Varanasi, tâm chỉ biết mở ra đón nhận những ấn tượng vô
cùng trái ngược. Ðã đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa nơi nào tôi có ấn
tượng của sự đối nghịch tuyệt đối như Varanasi. Những đền đài thếp vàng bên
cạnh mái tranh lụp xụp, trẻ con bụi đời Ấn độ chen chúc với khách du lịch nước
ngoài, những con đường đầy phân bò và bùn đen bên cạnh những ngôi đền cẩm thạch
bóng loáng. Các thứ bột đầy màu được bày bán trong các basar mờ lẫn trong khói
nhang trầm sặc sụa.
Tiếng
còi xe xen lẫn với tiếng ăn xin, tiếng chào mời của các tiệm bán tơ lụa chen
với tiếng cầu nguyện trong giáo đường sát bên cạnh. Ðây là nơi hầm hập hơi thở
của sự sống, của niềm mơ ước và hẳn cả của sự tuyệt vọng. Vì làm sao với số
lượng con người khủng khiếp đó ai cũng có thể có hạnh phúc? Thế nhưng nhìn
khuôn mặt của con người ở đây, kể cả những người ăn xin hay tàn tật, tôi thấy
một sự chấp nhận, thậm chí bình an, tâm trạng của những người có cảm tưởng mình
đang “trả nghiệp”, theo quan niệm của Ấn Ðộ giáo. “Hỡi trần gian hỗn loạn và
điên dại này, ta vẫn cứ yêu thương mi”.
LỘC UYỂN
“Trên
núi có một con đường đá, chỗ đó người có thể đánh đổi sự luân hồi hỗn loạn với
hạnh phúc thanh tịnh vô biên”, đó một câu ca của Milarepa [5], thánh nhân Tây
Tạng sau khi tìm được sự giác ngộ.
[5] “Người mặc áo vải khổ hạnh”, 1052-1135
Milarepa
ca bài ca này khoảng mười lăm thế kỷ sau khi Phật đến vườn Lộc Uyển, chỗ cách
Varanasi không đầy tám cây số, một chỗ cũng hết sức thanh tịnh, không còn dấu
vết gì của “trần gian hỗn loạn và điên dại” trên bờ sông Hằng.
Lộc
Uyển, một công viên tại Sarnath, ngoại ô Varanasi là chỗ Phật giảng pháp đầu
tiên, một trong bốn thánh địa của Phật giáo. Tại sao Phật thành đạo tại Bodh
Gaya mà lại đến Lộc Uyển để giảng pháp, chỗ cách Bod Gaya 210 cây số đường chim
bay, mà theo nhà Phật học Schumann tính lại, Ngài phải đi mất khoảng 14 ngày
mới tới. Schumann cẩn thận tính rằng mỗi ngày Phật phải mất thì giờ khất thực
và nghỉ trưa vì trời quá nóng nên cần khoảnh thời gian đó [6].
[6] Trong lúc phương Tây chính xác như thế thì
người Ấn Ðộ, do quan niệm “miên viễn” của họ, lại thiếu chính xác về thời gian
và số lượng. Trong lịch sử họ thường tùy tiện ghi “vài trăm năm” để chỉ một
khoảng thời gian nhất định và hay dùng con số 500 để chỉ số lượng lớn. Trong
các Kinh ta hay đọc thấy các đạo sư với “năm trăm đệ tử” hay nhà vua với “năm
trăm cỗ xe”
Nhiều
nhà Phật học phương Tây ngờ rằng đức Phật, với tính cách là “nhà cải cách” Ấn
độ giáo đã chủ tâm đến Varanasi, quê hương của Ấn độ giáo, để truyền bá Phật
giáo. Thế nhưng người hiểu đức Phật sẽ sớm thấy Ngài không làm như thế, thậm
chí Ngài phân vân không biết nên giảng pháp không, thứ pháp “khó hiểu, khó tin,
chỉ dành cho người có trí”. Chỉ sau khi nghe Phạm Thiên khẩn cầu, Ngài mới thốt
lên “cửa đã mở cho ai biết nghe, cửa thoát vòng sinh tử” và mới sẵn lòng giảng
giải. Ngày nay, có đạo Phật, ta phải cám ơn ba vị, đó là Phạm Thiên nhiều công
đức đã đi làm công tác thuyết phục, Ca-diếp nhiều uy tín đã triệu tập hội nghị
kết tập và A-nan nhiều trí nhớ đã đọc lại những gì từng nghe.
Giảng
cho ai? Ðầu tiên Phật nghĩ đến hai vị thầy cũ, Alara Kalama và Uddaka
Ramaputta, nhưng với thiên nhãn Ngài biết hai vị đã chết. Sau đó nghĩ đến năm
vị tỉ-kheo đã từng cùng tu học trong rừng Uruvela, Ngài thấy họ hiện ở trong
vườn Lộc Uyển gần Varanasi và lên đường đi đến. Ðó là năm 528 trước công
nguyên.
Thế
nhưng năm vị tỉ-kheo không phải là người đầu tiên nghe chuyện. Trên đường đi
Phật gặp một tu sĩ khổ hạnh theo phái lõa thể [7] tên là Upaka. Upaka thấy Phật
xem ra trang nghiêm mới hỏi Ngài tu phép gì, thầy dạy là ai, đó là cách hỏi
thông thường mà Xá-lợi-phất cũng sẽ hỏi. Phật trả lời thành thực, Ngài đã thoát
khổ, không ai là thầy của Ngài, bản thân Ngài đã là một đạo sư. Upaka lắc đầu
không tin bỏ đi nhưng còn lịch sự chúc “mong được như thế, huynh đệ”.
[7] Có lẽ thuộc phái Ni-kiền-tử (Jain), phái này
ngày nay vẫn còn
Tại Lộc
Uyển, năm vị tỉ-kheo gặp Ngài mới đầu không muốn chào vì cho Ngài đã bỏ cuộc,
không theo nổi con đường tu hành khổ hạnh. Thế nhưng họ thấy dáng điệu Ngài quá
cao quí nên mới mời ngồi và cũng gọi Ngài là “huynh đệ”. Phật nhẹ nhàng sửa lại
hãy gọi Ngài là Như Lai và giảng bài pháp đầu tiên mang tên “Kinh chuyển pháp
luân”, nội dung chính là “Bốn sự thực chân chính”. Nghe xong, Kiều-trần-như đắc
quả A-la-hán và trở thành tỉ-kheo đầu tiên của tăng đoàn. Kiều-trần-như không
phải là ai xa lạ với Phật, ông là người trẻ nhất trong phái đoàn của tám
bà-la-môn đến đặt tên cho thái tử Tất-đạt-đa lúc thái tử mới sinh ra đời.
Tôi đến
Lộc Uyển và thấy tượng Phật ngồi thuyết giảng cho năm vị tỉ-kheo. Sáu vị ngồi
yên lặng trong nắng sớm. Ôi, hai mươi lăm thế kỷ đã trôi qua, tiếng nói ngày
xưa đâu còn nghe rõ.
Sơ đồ
vườn Lộc Uyển. Bên mặt là tháp Dhamekh. Ðền hình vuông bên trái là
Mulagandhakuti, cạnh đó là tháp vua A-dục. Dấu hình tròn phía dưới là nền đá
của tháp Dharmarajika [8]
[8] Hình trích của H.W.Schumann, Auf den Spuren des
Buddha Gotama, Walter Verlag, Freiburg
Ngày nay
vườn Lộc Uyển là một công viên cực lớn với một hàng rào đá, được chăm sóc kỹ
lưỡng. Trong công viên là những bãi cỏ xanh tươi với những bụi cây nhỏ rực màu
đỏ và tím. Tháp nổi bật nhất tại Lộc Uyển là tháp Dhamekh, cao 33 mét. Suốt một
thời gian người ta không biết rõ tháp này có sự tích gì nhưng về sau các nhà
khảo cổ tìm ra được nơi đó một bảng đề “dhamaka” (pháp luân) mới chắc rằng đó
là chỗ Phật giảng bài pháp đầu tiên. Nó được xây bằng gạch trước thời A-dục
vương, thế kỷ thứ ba trước công nguyên.
Lộc Uyển
chính là nơi thành lập tăng đoàn. Nơi đây ta còn thấy một trụ đá của vua A-dục
với những dòng chữ: “Tăng đoàn không được chia rẻ. Dù tăng hay ni, ai chia rẻ
tăng đoàn, người đó phải mặc áo trắng (chỉ cư sĩ) và ở một nơi không có tăng
đoàn”. Tại Lộc Uyển còn một chỗ thiêng liêng, kỷ niệm trú xá của Phật trong mùa
mưa [9] năm 528 trước công nguyên. Tại đây các tỉ-kheo đã làm cho Phật một cái
chòi lá. Ðến thế kỷ thứ ba trước công nguyên chòi này biến thành một cái đền và
tiếp tục được xây dựng thêm trong những thế kỷ sau.
[9] Thường kéo dài từ tháng sáu đến hết tháng chín
mỗi năm
Tượng
Phật chuyển pháp luân được tìm thấy tại Lộc Uyển và hiện được chưng bày tại bảo
tàng viện tại đây. Tượng bằng đá, cao 160cm, thuộc niên đại Gupta (thế kỷ thứ 5],
là một trong những tượng đẹp nhất, được đúc lại nhiều lần. Tay Phật bắt ấn
chuyển pháp luân. Phía dưới, bánh xe pháp được khắc họa, hai con nai hai bên
trình bày địa danh Lộc Uyển (Lộc: nai). Các người ngồi nghe là năm vị tỉ-kheo
và một nữ cư sĩ (người cúng dường bức tượng) và đứa con [10]
[10] Hình trích của H.W.Schumann, sách đã dẫn
Trong
thế kỷ thứ bảy khi Huyền Trang đến đây thì đền này đã đắp cao lên đến 60 mét
mang tên Mulagandhakuti. Ngày nay đây chỉ còn một nền đá hình vuông mỗi chiều
khoảng 13 m, dày 2 m, cao chưa đầy 5 m và là nơi nhiều khách hành hương ngồi
thiền định.
Phía nam
của đền này là một nền đá hình tròn, đường kính khoảng 14 m. Ðó là nền của tháp
Dharmarajika, ngày xưa vua A-dục cho xây để thờ xá lợi Phật. Tháp này bị phá
hủy cuối thế kỷ thứ 18 vì người ta cần gạch xây nhà! Trong lúc đào tháp lấy
gạch người ta tìm ra một hộp đá đựng xá lợi của Phật và thả xuống sông Hằng
theo truyền thống Ấn Ðộ.
Lúc tôi
đến nền đá hình tròn này, một đoàn khách hành hương người Nhật đứng tụng kinh
trước nền tháp cũ. Họ tụng tiếng Nhật nên tôi chẳng hiểu gì nhưng đoán nó phải
là kinh Chuyển pháp luân hay Vô Ngã tướng, hai bài kinh Phật thuyết nơi đây.
Tôi đứng nghe tiếng tụng kinh trong nắng sớm, thấy giống tiếng tụng kinh của
ông tôi ngày xưa. “Tôi nghe như vầy: một thời đức Thế Tôn trú tại thành
Ba-la-nại, chỗ chư tiên đọa xứ, vườn Lộc Uyển. Lúc bấy giờ đức Thế Tôn gọi năm
vị tỉ-kheo rằng...”.
Với lòng
cảm khái vô hạn, tôi nhớ từ “Lộc Uyển” xa xăm của thời thơ ấu và không ngờ lớn
lên mình đến được đây. Thì ra tất cả đều có thật. Chợt tôi để ý đoàn hành hương
Nhật không thắp nhang, không hiểu tại sao. Tôi rút nhang Việt Nam trong ba-lô
ra thắp, cắm vào một kẻ đá của nền tháp cũ và ngơ ngẩn nhìn khói hương bay
trong gió quyện với tiếng kinh du dương trên bầu trời Lộc Uyển.
“...Vậy
nên, này các tỉ-kheo, tất cả các thức hiện tại, quá khứ hay vị lai, nội tâm hay
ngoại cảnh, thô hay tế, hạ liệt hay cao sang, xa hay gần, tất cả thức ấy ‘không
phải của tôi, không phải là tôi, không phải tự ngã của tôi’. Chính như vậy
chúng ta phải quán xét với như thật chính kiến” [11].
[11] Trích kinh Vô Ngã tướng (Anatta Lakkhana
Sutra), Việt dịch của Thích Thiện Châu
Vô ngã
là một trong những đặc điểm làm Phật giáo khác với Ấn Ðộ giáo và là cái đặc sắc
nhất của nền triết học đạo Phật. Không có gì tồn tại tự nó [12] cả và con người
chỉ là một sự giả hợp của năm nhóm - ngũ uẩn, tức là của các yếu tố tâm lý và
vật lý. Các ngũ uẩn đó vận hành vô chủ, chúng tuân thủ thói quen của mình vốn
đã biến thành nghiệp lực. Tính chất của vô ngã sâu xa đến độ các môn phái Phật
giáo cũng khác nhau khi hiểu khái niệm này. Ðó là một khái niệm mà ta có thể
dùng trí để hiểu được nhưng không thể “ngộ” được nó đích thực vì bản thân cái
trí ta dùng để hiểu nó lại vương đầy ngã chấp. Ðạt được vô ngã đích thực là đạt
Niết bàn, không có cá nhân nào đi vào Niết bàn cả [13].
[12] inherent existing
[13] Xem “Vô ngã là niết bàn” của Thích Thiện Siêu
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT