Dưới
cánh máy bay là một vùng sa mạc trắng xóa. Máy bay tôi đi đang bay từ phía tây
đến Trung Quốc, vùng đó chính là sa mạc Gobi mênh mông. Trong vùng đất tưởng
như không người đó có một con đường nhỏ được thiết lập từ đầu công nguyên, đó
là một trục lộ mệnh danh là "Con đường tơ lụa".
Đó là
một con đường của thương nhân nối liền đông tây hai phía. Nhưng tại sao là
"tơ lụa"? Người Trung Quốc có hân hạnh là kẻ đầu tiên tìm ra phép
trồng dâu nuôi tằm lấy lụa từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên và xuất khẩu món
hàng mượt mà này qua phía tây cho các bà mệnh phụ vùng Địa Trung Hải.
Con
đường tơ lụa được xây dựng khoảng trong thế kỷ thứ nhất, bắt đầu tại Trường An.
Tại Trung Quốc thì nó được nối thêm đến Bắc Kinh và Thành Đô còn về phía tây
thì nó chạy ngang Lan Châu, Vũ Uy, Tửu Tuyền, Đôn Hoàng, Ngọc Môn quan. Sau
Ngọc Môn thì nó chia làm hai đường nam bắc mà người Trung Quốc gọi là bắc Tây
Vực và nam Tây Vực. Đường phía bắc chạy ngang Turfan, Korla, Kutscha. Đường
phía nam chạy qua Charchan, Chotan. Hai đường nam bắc rẻ ra nhằm tránh sa mạc
Takla Makan, lại gặp nhau tại Kaschgar (Sơ Lặc), ngày nay nằm trong lãnh thổ
Trung Quốc. Đặc biệt con đường phía nam có một nhánh đi về phía nam hướng Ấn
Độ. Đó là một nhánh đường thú vị sẽ nói đến sau. Sau đó đường lại chạy qua
Tadschikistan, Kasachstan, Usbekistan để đến Merv (ngày nay thuộc nước
Turkmenian) và chạy về hướng Iran, Irak, Syrie, cho đến Địa Trung hải.
Thương
lái đường dài ngày xưa đi từ Trung Quốc, mang theo tơ lụa đi bán và mang về lại
hột giống, hương liệu, đá quí và cả ngựa từ Á-rập. Họ đi một chuyến như thế mất
đến sáu tới tám năm mới về đến nhà. Trên đường về nhà họ còn mang một vài thứ
kỳ lạ, trong đó có kinh sách, nói về Phật giáo, Hồi giáo…
Khoảng
suốt mười thế kỷ sau công nguyên, con đường tơ lụa này bị chiến tranh của các
nước Bắc Á đe dọa nên mất vai trò quan trọng nhưng đến thời Mông Cổ trong thế
kỷ 12, 13 nó lại được phục hồi nên Marco Polo mới đi được từ Venedig đến Trung
Quốc trong thế kỷ 13.
Trên con
đường tơ lụa đầy hiểm nguy đó không phải chỉ có thương nhân và kẻ thám hiểm mà
còn có một số người khác mà Trung Quốc gọi là "Phạm Tăng". Ngày nay
lịch sử truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ qua Trung Quốc đã nằm trong bóng tối của
lịch sử, nhưng điều xem ra chắc chắn nhất là có hai "Phạm tăng" tên
là Ca-diếp Ma-đằng và Trúc Pháp Lan theo con đường tơ lụa này đến Trung Quốc
năm 67 sau công nguyên. Hai vị này mới đi nửa đường đã được sứ giả tiếp đón
trọng hậu.
Sứ giả
đó là một đoàn 18 người của nhà vua Hán Minh Đế, vị này nằm mộng mà thấy
"người vàng" đầy ánh sáng từ phương tây tới. Hán Minh Đế cho đoán
mộng thì mới hay có thánh nhân xuất hiện ở phía tây. Vua sai sứ giả qua Tây Vực
để cung thỉnh tượng Phật, không ngờ gặp cả tượng lẫn kinh do hai vị tăng sĩ đó
tải bằng ngựa trắng. Vua cho lập chùa để thờ, tên chùa là Bạch Mã tự để nhớ đến
các con ngựa trắng và bộ kinh đầu tiên được dịch ra là "Tứ thập nhị
kinh". Bạch Mã tự là ngôi chùa đầu tiên của Trung Quốc, kiến lập năm 68,
ngày nay vẫn còn, cách Lạc Dương 9km về hướng đông.
Sau
Ca-diếp Ma-đằng và Trúc Pháp Lan, nhiều phạm tăng cũng bằng con đường tơ lụa
tiếp tục đến Trung Quốc như An-thế-cao đến Lạc Dương năm 147, Cưu-ma-la-thập
đến Trường An năm 401. Cũng trong thời đại đó có một kẻ đi ngược từ đông sang
tây để hành hương và tìm kiếm kinh điển. Đó là Pháp Hiển, rời Trường An năm
399, đến Ấn Độ tham bái tất cả các thánh tích và 15 năm sau mới chịu trở về cố
hương. Về nhà Pháp Hiển dịch kinh và viết tập ký sự "Phật quốc ký".
Pháp
Hiển còn làm một việc nữa rất khác thường là ông lấy đường biển trở về, đó là
đường rời Calcutta, ghé thăm Tích Lan, đi vòng xuống phía nam đảo Sumatra,
ngược lên biển đông của Việt Nam, lách giữa lục địa Trung Quốc và Đài Loan mà
trở về Thanh Châu miền đông bắc. Hơn hai trăm năm sau, như chúng ta đã biết,
dưới thời nhà Đường thịnh trị, lại có một thanh niên khôi ngô 26 tuổi tên là
Huyền Trang nhắm con đường tơ lụa ra đi về phía tây. Mười sáu năm sau, ông lại
trở về bằng con đường bộ đó, đem theo hơn 500 bộ kinh, về đến Đôn Hoàng cuối
năm 644.
Tại đó
ông viết thư thỉnh cầu Đường Thái Tông [2] tha tội ngày xưa đã vượt biên ra đi
không đợi phép vua. Vua tha lỗi và Huyền Trang dùng hết 20 năm cuối của đời mình
để dịch kinh. Cùng với Cưu-ma-la-thập, Huyền Trang đã đi vào lịch sử Phật giáo
Trung Quốc như những nhà dịch kinh vĩ đại nhất với một trình độ văn chương tác
tuyệt và nội dung chính xác. Năm 664 đang dịch kinh Bát-nhã, thấy đã đến giờ từ
biệt, ông đến chùa lễ bái lần cuối rồi ngồi kiết già tịch diệt. Trước đó vài
giờ ông nhận linh ảnh sẽ sinh vào trời Đâu-suất nghe Di-lặc giảng pháp.
[2] Năm 598-649, vị vua đời Đường rất có công với Phật
giáo Trung Quốc. Ông đích thân viết bài "Đại Đường tam tạng thánh giáo
tự", là người giúp cho sự nghiệp dịch kinh của Huyền Trang được thành tựu
Con
đường tơ lụa! Ai đã nghĩ ra ngươi, đó là thương nhân đi buôn bán kiếm lời hay
có ai chủ tâm xây dựng ra nó đầu công nguyên này để mở đường cho Ca-diếp
Ma-đằng, Trúc Pháp Lan, An-thế-cao, Cưu-ma-la-thập, Pháp Hiển, Bồ-đề Đạt-ma,
Huyền Trang và vô số những tăng sĩ khác, đưa Phật giáo vào Trung Quốc?
VẠN LÝ
TRƯỜNG THÀNH ^
Việc đầu
tiên phải làm khi đến Bắc Kinh là tôi đi xem Trường thành. Ngày nay du khách,
thương nhân hay chính trị gia ai đến thủ đô Trung Quốc cũng đều tham quan Vạn
lý trường thành vì công trình đồ sộ đó là biểu tượng của xứ sở vĩ đại này. May
thay nó không nằm quá xa Bắc Kinh, chỉ cách khoảng 80km nên du khách ai cũng
đến được.
Theo
nhiều tài liệu, công trình này đã được bắt đầu xây dựng trong khoảng giữa thế
kỷ thứ 8 và thứ 5 trước công nguyên. Đến thời Chiến Quốc [475-221] nó được các
nhà vua thời đó tiếp tục tu bổ để phòng vệ chống "rợ Hung Nô" và các
"bộ lạc Tây Vực". Trung Quốc được Tần Thủy Hoàng thống nhất năm 221
trước công nguyên, ông là người cho hoàn thành Trường thành thành một dãy liền
lạc dài trên 5000km. Dưới thời nhà Hán (khoảng 200 năm trước và sau công
nguyên), Trường thành được phát triển đến 10.000km, dài hơn "vạn lý".
Trong đời nhà Minh (1368-1644], Trường thành được tu bổ thêm và giữ hình thể đó
đến ngày hôm nay. Qua thời gian, Trường thành đã hư hại nhiều nhưng công trình
to lớn này cho thấy ý chí ghê gớm của các vương triều cũng như công lao đầy mồ
hôi và xương máu của nhân dân Trung Quốc.
Ngày nay
Trường thành dài khoảng 6700km, chạy qua Hồ Bắc, Thiên Tân, Bắc Kinh, Sơn Tây,
Nội Mông, Ninh Hạ, Thiểm Tây và Cam Túc. Gần Bắc Kinh có một chỗ dễ lên Trường
thành, đó là Cư Dung quan. Đây là chỗ Tần Thủy Hoàng kiến lập nhiều làng dân cư
sau khi đã hoàn thành Trường thành nhưng ngày nay các thị trấn đó không còn tồn
tại. Tôi đến đây, leo Trường thành và cảm nhận cái vĩ đại của một công trình
lớn trong một xứ sở lớn. Những bậc cấp ở đây thường cao hơn nửa mét, chỉ việc
leo lên một đoạn của Trường thành đã đủ mệt, không cần nói đến chuyện xây dựng
chúng. Làm sao người xưa có thể đưa những tảng đá to lớn lên những độ cao như
thế và không phải chỉ dài vài chục cây số như tại Vương Xá của Tần-bà-sa-la [3]
mà cả vạn dặm trên những sườn núi cao?
[3] Xem chương "Vui đẹp thay thành Vương Xá"
trong phần hai.
Về sau
khi đi khắp Trung Quốc, tôi hay nhớ lại cái vĩ đại của Trường thành để thấy một
điều: đây là một nước lớn và dân nước đó không chịu nổi những gì có kích thước
nhỏ bé. Đó là một nước có rặng Hy-mã với những đỉnh núi cao nhất thế giới,
quanh năm tuyết phủ. Ngay tại Tứ Xuyên mà núi của họ đã cao hơn 7000m. Núi non
của Trung Quốc không phải chỉ hùng vĩ, nó là suối nguồn của thơ văn, của nghệ
thuật và của đạo giáo. Những bức tranh thủy mặc chúng ta hay thấy không hề là
sự hư cấu của các họa sĩ, chúng đúng thực như thế, với mây, với núi và với
những căn nhà tí hon trên đỉnh.
Sông của
họ là những con sông với nguồn chảy mãnh liệt, nước sông là "thiên thượng
thủy", phát khởi từ cao nguyên Tây Tạng, băng núi non chảy về đông hải.
Dương Tử Giang (Trường Giang) là sông dài nhất châu Á với 6600km, là nguồn sống
của mấy trăm triệu dân từ tây sang đông. Hồ của Trung Quốc kể chung thì lên đến
2000 hồ, từ các hồ nước mặn ít người biết đến ở các vùng cao nguyên Tây Tạng,
Thanh Hải cho đến các hồ nước ngọt miền đồng bằng tiếng tăm như Động Đình Hồ,
Đại Hồ. Đất của Trung Quốc quá mênh mông nên tuy bờ biển của họ dài đến
20.000km nhưng thực tế toàn bộ đời sống diễn ra trong vùng đại lục với sông và
hồ. Đối với Trung Quốc thì "tái xuất giang hồ" đã là hạ sơn về lại
với thế giới rồi, họ không cần nói tới biển.
Nền văn
hóa Trung Quốc là một cái nôi của văn minh loài người, đó là một quá trình năm
sáu ngàn năm, người ngày nay không sao dò tới đáy. Từ bốn năm thế kỷ trước công
nguyên ở đó đã ra đời bộ Kinh Dịch với tham vọng tìm hiểu và vẽ nên đường đi
của tạo hóa. Cũng từ trước công nguyên, có lẽ cùng thời với đức Thích-ca tại Ấn
Độ và Heraclitus tại Hy Lạp, hai thánh nhân vĩ đại ra đời, đó là Khổng Tử và
Lão Tử, đại diện hai cực âm-dương tiêu biểu của tư tưởng Trung Quốc.
Người
thì luận về hoạt động và trật tự xã hội, kẻ thì ám chỉ đường đi mầu nhiệm của
đạo, tập hợp triết học Trung Quốc trong một tổng thể lý tưởng "nội thánh
ngoại vương chi đạo". Đó là một đất nước với những con người có những giấc
mơ kỳ lạ, dưới tay họ phải phát sinh những công trình vĩnh viễn, những dự án
xây dựng ngất trời, những cuộc phá hủy tận gốc mà Tần Thủy Hoàng với Vạn lý
trường thành và việc đốt sách, chôn sống học trò chỉ là một thí dụ xưa cũ. "Ngu
Công dời núi" không hề là một chuyện đùa với họ, xưa cũng như nay, họ sẵn
sàng làm nhiều điều đội đá vá trời. Và trong thời đại ngày nay công trình tiêu
biểu cho đầu óc đó là đập thủy điện tại Trường Giang tam hiệp.
Trong
lịch sử Trung Quốc có một nhà du khảo nổi tiếng, đó là Từ Hà Khách[4] người đời
nhà Minh. Suốt cuộc đời, ông đi được "nửa nước Trung Quốc". Từ đời
nhà Minh đến nay Trung Quốc đã rộng hơn nhiều, Từ Hà Khách có sống lại cũng chỉ
được được một phần. Ngày nay nước Trung Quốc bao gồm một lục địa khổng lồ vươn
dài từ đông hải đến phía tây tận các nước cộng hòa của Liên Xô cũ, từ miền bình
nguyên Hoàng hà đến cao nguyên Tây Tạng. Trong đất nước này ngoài Hán tộc còn
biết bao dân tộc khác như Mãn Châu, Tây Tạng, Mông cổ. Bên cạnh các nền triết
học của Khổng Lão, Trung Quốc đã thu nhiếp Phật Giáo, biến tôn giáo này thành
một hệ tư tưởng hầu như đặc thù của họ.
[4] 1586-1641
Một dân
tộc như thế thì còn lâu mới chấp nhận một tư tưởng ngoại bang làm chủ đạo cho
nền học thuật của mình. Làm sao một triết học phương tây, dù mang màu sắc gì,
có thể làm họ lung lay. Làm sao một nước láng giềng phương bắc, dù nhất thời
giàu mạnh hơn họ, có thể làm họ chịu thua kém. Đầu thế kỷ hai mươi là thời kỳ
đánh dấu một giai đoạn đáng đau buồn của họ. Họ mở mắt và xấu hổ nhìn thấy một
đất nước bị xâu xé, một ý thức hệ xa lạ lên ngôi, một nền kinh tế nghèo nàn trì
trệ, một nền khoa học kỹ thuật lạc hậu.
Không
còn nghi ngờ gì, hảo hán của Trung Quốc sẽ đưa nước họ cất cánh trong thế kỷ
21. Nhiều hiện tượng đặc biệt đang báo hiệu sự chuyển biến đó, trong đó có cả
sự phục hưng của Phật giáo tại Trung Quốc.
LINH
QUANG TỰ VÀ CHIẾC RĂNG CỦA PHẬT ^
Bắc Kinh
là kinh đô của ba triều đại Nguyên, Minh, Thanh từ thế kỷ thứ 13. Đó là ba
triều đại tôn sùng đạo Phật nên tại Bắc Kinh và các vùng phụ cận ta thấy còn vô
số chùa chiền. Thế nhưng trong các chùa đó có một nơi đặc biệt, đó là Linh
Quang tự, nơi thờ một chiếc răng của Phật.
Được xếp
trong số Bát đại tự nằm phía tây Bắc Kinh, Linh Quang tự chỉ là một ngôi chùa
nhỏ với một ngôi tháp gạch cao 51m. Trên tầng thứ hai của tháp là chỗ thờ một
chiếc răng của Phật. Tôi được lên chiêm bái bảo vật vô song này sau khi đi
nhiễu nhiều vòng quanh tháp. Răng được chứa trong một bảo tháp nhỏ bằng vàng,
sau "cửa" của tháp là một đóa sen cũng bằng vàng và trên đó là răng
Phật. Dưới ánh sáng, chiếc răng nằm trên hoa sen hiện ra huyền ảo, tôi thấy
răng to hơn bình thường, dễ chừng phải bằng ngón tay cái.
Linh
Quang tự được kiến lập năm 1071. Trong thời nội loạn năm 1900 chùa bị quân đội
nước ngoài phá hủy nặng nề. Về sau, khi trùng tu, các nhà khảo cổ Trung Quốc
tìm thấy một chiếc hộp gỗ, bên ngoài ghi hộp chứa răng của Phật. Tháp mà ta
thấy ngày nay mới được xây cách đây có 40 năm để thờ chiếc răng đó. Ngày nay
theo các tài liệu thì có nơi cho là răng đến Trung Quốc trong thế kỷ thứ 5, nơi
thì nói trong đời Tống (960-1279]. Thế nhưng không ai biết được làm sao chiếc
răng Phật từ Ấn Độ mà qua đến Trung Quốc này được? Có lẽ chỉ có một người biết
rõ, đó là một tăng sĩ có tên Đạo Tuyên.
"Đức
Thế Tôn dùng lực đại bi làm nát thân kim cương thành vô số các hạt xá lợi nhỏ,
chỉ có bốn răng nanh là còn nguyên vẹn". Đó là một câu ta đọc được trong
"Đại bát Niết-bàn kinh" [5], phẩm Cúng dường xá lợi. Trong phẩm đó ta
còn thấy thêm: "Thiên Đế lấy một răng nanh xá lợi của Phật ở bên phải hàm
trên, đem về thiên cung xây tháp cúng dường…Lúc đó có hai con Quỷ La-sát ẩn
thân sau lưng Đế Thích, nên không ai nhìn thấy. Hai Quỷ lấy trộm được một cặp
răng nanh xá lợi". Khá khen cho Quỷ La-sát, chúng cũng biết quí trọng
xá-lợi nên mới đi ăn trộm. Thế nhưng chúng bị một vị tướng nhà trời rượt theo
lấy lại, đó là Vi đà thiên. Rồi hơn ngàn năm sau, Vi đà thiên đợi một vị tăng
tên là Đạo Tuyên tu học xuất sắc, giới luật trọn vẹn, sống trong đời Đường
Trung Quốc để trao cho.
[5] - Việt dịch của Thích Nhất Chân
Đạo
Tuyên [596-667] là nhân vật lịch sử, xuất gia từ năm 16 tuổi. Lúc Huyền Trang
về nước ông được cử vào ban phiên dịch kinh sách. Song song, ông là người
nghiêm túc trì giới, truyền bá giới luật nên được xem là khai tổ của Luật tông
Trung Quốc, cũng được gọi là Nam Sơn Đại sư. Giới hạnh của Đạo Tuyên cao tới
mức mà ông luôn luôn có thần thánh hầu cận. Theo Tống cao tăng truyện, ngày nọ
ở chùa Tây Minh, thình lình ông trợt chân té nhưng có người đỡ. Người đỡ ông là
một thiếu niên không phải tầm thường, tự xưng là thần hộ pháp Vi đà tướng quân,
trao cho ông chiếc răng Phật. Đó là chuyện "Vi đà thiên hoàn Phật
nha" (Thiên tướng Vi đà trả lại răng Phật)[6].
[6] - Một chiếc răng Phật khác hiện nay được thờ tại chùa
Vô Úy sơn tại Tích Lan. Theo truyền thuyết thì cuối thế kỷ thứ tư sau công
nguyên, thời nhà vua Tích Lan Sri-Meghevanna, có một vương tử của nước Kalinga,
Ấn Độ tên là Danta Kumana đi lánh nạn tới Tích lan, mang theo một chiếc răng
bên trái của Phật
Vi đà
thiên tướng là vị hộ pháp ta hay gặp trong các chùa ở Trung Quốc. Thông thường
chùa có một tiền điện thờ Di-lặc, vị Phật tương lai. Xung quanh Di-lặc là bốn
vị Thiên vương gồm Trì Quốc Thiên vương, sắc trắng cầm đàn tì bà; Tăng Trưởng
thiên vương, sắc xanh cầm bảo kiếm; Quảng Mục thiên vương, sắc đỏ cầm rắn và Đa
văn thiên vương sắc lục, tay trái cầm lọng, tay mặt cầm ngân thử (chuột bạc).
Sau lưng Di-lặc là tượng Vi đà tướng quân, mặt rất trẻ trông như một thiếu niên
nhưng hết sức oai phong. Tượng Vi đà nhìn vào chính điện, tức là Đại Hùng bảo
điện, nơi thờ các vị Phật. Hoạt động của nhân thiên trong sân, giữa tiền điện
và chính điện hẳn không lọt qua cặp mắt của
Vi đà.
Nhất là tiền cúng dường của khách thập phương chắc không có Quỷ La-sát nào trộm
cắp được, tôi tự nhủ khi thấy các chùa Trung Quốc với vô số khách viếng thăm và
cúng dường. Về sau khi đi Tây Tạng, tôi thấy lại các vị hộ pháp trong các đền
thờ Phật, dù nơi đây các vị được trình bày khác hẳn. Thế nhưng nơi đây vắng
bóng vị Vi đà tướng quân và tiền cúng dường của thập phương thì nằm vương vãi
khắp nơi, xem ra không ai dám trộm cắp. Có lẽ trên cao nguyên Tây Tạng thiêng
liêng này, trong một xứ sùng tín tuyệt đối, Vi-đà không còn ngồi sau lưng
Di-lặc để canh chừng chính điện nữa mà dưới chân Ngài để nghe giảng pháp.
UNG HÒA
CUNG VÀ TIỂU TRUYỆN VỀ TRUNG QUỐC-TÂY TẠNG ^
Tại Bắc
Kinh, đền thờ rực rỡ nhất ngày nay phải là Ung Hòa cung. Nơi đây là chốn khách
du lịch lúc nào cũng đông như hội. Đây là nơi khách hành hương chủ ý đến lễ bái
một pho tượng Phật Di-lặc tuyệt đẹp. Điện thờ này chứa nhiều sự tích và ý nghĩa
thâm trầm về mối quan hệ Trung Quốc-Tây Tạng.
Đây là
một cung điện hay một ngôi chùa? Cả hai! Thời nhà Thanh (1662-1911] có một vị
hoàng tử tên là Dận Chân. Năm 1694 Dận Chân cho xây một cung điện. Về sau, năm
1723 Dận Chân lên ngôi thành nhà vua Thế Tôn Ung Chính, về trị vì tại Tử Cấm
thành. Từ đó cung điện cũ của hoàng tử Dận Chân mang tên là Ung Hòa Cung và
không ai được vào đó ở. Sau đó nhà vua Thế Tôn tặng cung Ung Hòa cho Phật giáo
Tây Tạng, thời đó được gọi là Lạt-ma giáo. Lý do của sự hiến tặng đầy hào phóng
đó là lòng nhiệt tâm tôn giáo trộn lẫn với tính toán chính trị.
Tôi đến
Ung Hòa cung và thấy một rừng người vói khói hương nghi ngút. Đây là một tổng
thể gồm năm điện, nằm trong một khu vườn rộng lớn. Từ cổng vào, ta phải đi một
đoạn xa mới tới được điện đầu tiên với Di-lặc và các vị thiên vương. Điện thứ
hai mang tên Ung Hòa điện, thờ ba vị Phật tam thế, quá khứ hiện tại vị lai.
Điện thứ ba mang tên Vĩnh Hưu điện, thờ A Di Đà và Dược Sư Phật. Điện thứ tư là
Pháp luân điện thờ đại sư Tông-khách-ba [7], nhà cải cách trong thế kỷ 14 của
Phật giáo Tây Tạng, thầy dạy của các vị Đạt-lai lạt-ma và Ban thiền lạt-ma.
[7] Tsongkhapa, 1357-1419
Cuối
cùng là Vạn phúc các, thờ Di-lặc trong dạng một bức tượng cao 18m, đường kính
3m, làm từ một thân cây trầm hương duy nhất. Tượng này được Đạt-lai lạt-ma thứ
7 tặng cho vua Càn Long[8]. Trong năm điện đó ta tìm thấy vô số tranh tượng
diễn tả kinh điển, sự tích, các vị thánh nhân, hộ pháp, núi Tu-di, các công
trình nghiên cứu, trong đó có cả các ngành khoa học và toán học. Trong Pháp
luân điện có tượng của 500 vị la-hán, hai bên vách chứa toàn kinh sách cổ.
[8] Càn Long là nhà vua nối ngôi Ung Chính và được nhiều
truyền thuyết cho là hậu thân của một thiền sư Việt Nam.
Thế nhưng
tất cả đều làm tôi sớm quên khi thấy tượng Di-lặc. Tôi ngẩn người vì cái đồ sộ
của tượng, tới dưới chân ngẩng đầu nhìn cặp mắt xanh biếc của Ngài. Sau bao
nhiêu lần thấy tượng Di-lặc mập tròn thường có tại Trung Quốc, nơi đây tôi lại
được thấy tượng Ngài theo cách diễn tả của Tây Tạng với khuôn mặt vô cùng trí
tuệ. Di-lặc là vị "hóa thân thiên ngàn ức", có dạng là một hòa thượng
mập tròn đùa dgiỡn với trẻ con cũng có, làm kẻ héo hon đi ăn xin cũng có, làm
trời, làm người, làm kẻ hướng đạo, làm người hầu cận. Ngài mang mọi dạng hình,
đi khắp bốn phương trời để giáo hóa Tính Không.
"Thiện nam tử, hãy thức dậy!
Pháp tính là như vậy. Bồ-tát biết tất cả các pháp do nhân duyên kết tụ lại mà
hiện ra, tự tính (của chúng) là như vậy, như huyễn, như mộng, như ảnh, như
bóng, không có gì được thành tựu hết!" [9]. Ôi, chân lý đó của Phật giáo
đại thừa, dưới chân tượng, tôi thấy hầu như Di-lặc đang mỉm cười nhắc lại.
[9]
Lời của Di-lặc nói với Thiện Tài. Trích Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Nhập pháp giới,
Việt dịch của Thích Nhất Chân
Nhưng đó là chân lý tuyệt đối, còn
tại trần gian tương đối này, bức tượng này một sự thành tựu tuyệt vời, bàn tay
nghệ nhân nào đã tạc ra một khuôn mặt vừa trí tuệ vừa từ bi như thế. Bức tượng
này quả thật là một món quà vương tước. Nó đánh dấu một giai đoạn hữu hảo của
Trung Quốc và Tây Tạng mà ngày nay mối quan hệ giữa hai bên đã trở thành phức
tạp.
Trong lịch sử Tây Tạng, đây là một
vương quốc trong thế kỷ thứ 7 sau công nguyên với nhà vua Tùng- tán Cương-bố
(Songten Gampo), trị vì khoảng từ 617 đến 649. Đó là một thời phát triển rực rỡ
của Phật Giáo, kéo dài suốt từ thế kỷ thứ 7 đến thứ 9[10]. Sau một thời gian bị
bức hại, khoảng thế kỷ thứ 11, Phật giáo lại được phục hưng nhưng lại rơi vào
một thái cực khác, nó trở thành một chế độ tăng lữ, trong đó các tăng sĩ đảm
nhiệm luôn việc điều hành đất nước.
[10]
Xem thêm hai chương đầu tiên của phần thứ tư
Qua thế kỷ thứ 13 tại Trung Quốc,
nhà Nguyên lên ngôi hoàng đế. Năm 1279 Hốt Tất Liệt thống nhất sơn hà Trung
Quốc, đem quân đánh luôn Tây Tạng bắt được giáo chủ Phát-tư-ba (Phagpa) của
phái Tát-ca (Sakya). Thế nhưng Phát-tư-ba không hề ở tù một ngày mà lại được
Hốt Tất Liệt trọng đãi như thần tiên. Người Mông Cổ Hốt Tất Liệt làm hành động
đó vừa do lòng sùng tín thuần thành vừa lại rất khôn khéo chính trị. Về sau Hốt
Tất Liệt đưa Phát-tư-ba về lại Tây Tạng và "ủy thác" việc cai trị xứ
sở này. Kể từ đó Tây Tạng thần phục Trung Quốc, ngược lại nhà Nguyên vì quá tôn
thờ Lạt-ma giáo mà mất đế chế. Cuối đời nhà Nguyên, nhân dân Trung Quốc đói khổ
còn một số lạt-ma lại quá lộng hành, có vị cho đào cả mộ các vua nhà Tống. Năm
1368 có một vị tăng người Hán tên là Chu Nguyên Chương, dấy quân diệt nhà
Nguyên Mông Cổ, lên ngôi vua. Đó là Thái tổ nhà Minh. Nhà Minh trở lại với Phật
giáo Trung Quốc nhưng vẫn khôn ngoan tiếp tục bảo hộ lạt-ma giáo, ban vương
tước cho các vị tăng sĩ Tây Tạng. Qua đó ta thấy việc bảo hộ lạt-ma giáo vì lý
do chính trị là một chính sách nhất quán của các vương triều Trung Quốc.
Ba trăm năm sau, trong một bộ tộc
Mãn Châu, lại có một nhân tài xuất hiện, diệt nhà Minh, thống nhất sơn hà, lập
nhà Thanh năm 1662, trị vì thiên hạ cũng được khoảng 300 năm. Nhà Thanh lại là
dân ngoại tộc, có máu giang hồ nên lại hết lòng ủng hộ lạt-ma giáo. Cũng như
nhà Nguyên, nhà Thanh ủng hộ các vị lạt-ma vì lòng sùng tín, nhưng với chính
sách rất rõ, họ dùng các vị lạt-ma để thống trị Tây Tạng và Mông cổ. Nhà vua
thứ ba là Thế tổ Thuận Trị sai sứ thần đón Đạt-lai lạt-ma thứ 5 về triều, tặng
danh hiệu Quốc sư.
Sau Thế tổ, nhà vua Khang Hy cho
quân tiến vào Tây Tạng năm 1720. Và như ta đã biết, sau Khang Hy là Ung Chính
tặng Ung Hòa Cung năm 1723. Như thế là kể từ Hốt Tất Liệt cuối thế kỷ thứ 13,
Tây Tạng đã thần phục Trung Quốc. Cuối đời nhà Thanh năm 1911, lúc Tôn Văn lật
đổ chính quyền để lập thể chế cộng hòa, Tây Tạng tuyên bố tự trị. Thế nhưng,
tuyên ngôn độc lập đó đã quá trễ. Một năm sau khi Trung Quốc giành lại độc lập
năm 1949, họ đem quân chiếm đóng Tây Tạng.
Phải công bằng thấy rằng, kể từ gần
700 trăm qua, Tây Tạng luôn luôn là một xứ chư hầu của Trung Quốc. Dù nhiều đau
thương đã xảy ra cho dân tộc Tây Tạng, nhưng ta khó đòi một nước Tây Tạng độc
lập với đầy đủ chủ quyền. Nhìn lại lịch sử, ta thấy chính các vị lạt-ma, quá
dính líu với quyền lợi thế gian, đã đưa dân tộc mình vào chỗ bị lệ thuộc. Ngày
nay, vị Đạt-Lai lạt-ma thứ 14 cũng có lúc thừa nhận rằng dân tộc của ông đang
trả nợ với giá rất đắt cho chế độ tăng lữ ngày xưa, cho những vị lãnh đạo tinh
thần nhưng mang nghiệp tham ái quyền lực và danh vọng.
Tại Ung Hòa Cung, khi ngẫm nghĩ
những điều này, tôi chưa biết sẽ có một ngày mình sẽ đi Tây Tạng.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT