Ông
Lã đã biết rõ nhưng lại trách Bình Thị rằng: “Nhẽ ra không nên đem cái bọn mất
dạy ấy đi theo, còn may là chúng lấy đồ của cha mẹ mình, chứ nếu lấy của nhà
khác thì có phải lôi thôi không!”. Lại nói sợ linh cữu để lâu trở ngại, phải
mau mang đi. Rồi lại nói đàn bà góa ở đây không tiện, nên dọn đi chỗ khác. Bình
Thị bị thúc bách không chịu nổi, đành thuê một gian nhà nhỏ để ở, mướn người
khiêng linh cữu về quàn tại đó. Cảnh ngộ thê lương này khỏi cần phải nói.
Bấy
giờ ở cạnh có người đàn bà là Trương Thất Tẩu, rất lanh lẹ, thấy Bình Thị cứ
khóc lóc thì thường xuyên khuyên giải. Bình Thị cũng thường nhờ bà ta đem cầm
hoặc bán cái quần cái áo để lấy tiền tiêu. Được mấy tháng thì hết cả quần áo để
cầm cố. May là từ nhỏ đã có học chuyện may vá, mới định đến một nhà giàu nào đó
làm việc nữ công để độ nhật. Khi bàn chuyện đó với Trương Thất Tẩu, bà này bảo:
“Tôi chẳng tiện nói chứ chỗ nhà giàu chẳng phải là nơi người còn trẻ như chị
vào ra. Rồi đến lúc muốn chết cũng chẳng được, mà sống thì phải được tử tế chứ,
cuộc đời sau này còn dài, cứ làm mụ may vá thuê đến hết đời sao. Huống hồ lại
bị tai tiếng, bị người ta coi rẻ, lại nữa, cái linh cữu này xử lý sao đây? Cũng
là việc lớn của chị đấy. Rồi tiền thuê nhà, không lo được mãi đâu”.
Bình
Thị nói: “Tôi cũng đã nghĩ đến những điều đó, nhưng mà chẳng biết làm sao”. Bà
Trương nói: “Tôi có một cách chị đừng trách tôi nói nhé. Chị xa quê hàng nghìn
dặm, một thân một mình, trong tay không có một xu, muốn đưa linh cữu này về quê
chỉ là điều hão huyền. Rồi chị thì ăn mặc thiếu thốn, sẽ khó mà giữ gìn. Mà giữ
gìn mãi làm gì chứ? Theo ý ngu ngốc của tôi thì nên nhân lúc mình còn trẻ trung
đẹp đẽ, tìm lấy một người tốt rồi sống với họ. Được ít tiền cưới, đem mua một
miếng đất mà chôn chồng. Còn mình thì cũng có chỗ nương tựa, chẳng lo gì chuyện
sống chết nữa”.
Bình
Thị nghe nói cũng có lý, trầm ngâm một lúc rồi thở dài nói: “Thôi, thôi, tôi
đem bán thân để chôn chồng, người ta cười thì cười!”
Trương
Thất Tẩu nói: “Nếu chị quyết định thì hiện nay tôi đã có một nơi, người này
cũng chạc tuổi chị, rất đường hoàng, lại giàu có”. Bình Thị nói: “Đã là phú gia
thì họ chẳng chịu lấy người đã có một đời chồng rồi”.
Bà
Trương nói: “Người này cũng đã bỏ vợ. Anh ta bảo với tôi rằng: Người chưa lấy
chồng hay lấy chồng rồi cũng được, chỉ cốt giỏi giang xinh đẹp. Người như chị
lo gì không vừa ý?”. Vốn là Trương Thất Tẩu nhận lời tìm giúp Tưởng Hưng Ca một
người. Vì vợ trước là Tam Xảo đẹp quá, nên bây giờ chỉ cần người đẹp. Bình Thị
nhan sắc không được bằng Tam Xảo song cử chỉ nhanh nhẹn lòng dạ trong sáng,
thấy cũng phù hợp.
Hôm
sau, bà Trương vào thành nói chuyện với Hưng Ca. Nghe kể rõ con người như vậy
Hưng Ca cũng mừng. Bình Thị không đòi lễ vật gì, chỉ cần nhất là mua được một
miếng đất để mai táng cho chồng thôi. Bà Trương qua lại mấy lần, thế là hai bên
thuận ý hết.
Sau
khi xong việc cho chồng, tế lễ đầy đủ, Bình Thị khóc một trận thê thảm rồi cởi
bỏ đồ tang. Đến hẹn, nhà họ Tưởng mang quần áo và đồ trang sức tới, lại chuộc
chỗ quần áo đã cầm cố về. Rồi đêm động phòng hoa chúc từng bừng náo nhiệt.
Thật
là:
Lệ
cũ mọi điều quy củ
Tân
hôn mỹ mãn ân tình.
Tưởng
Hưng Ca thấy Bình Thị cử chỉ đoan trang, lòng rất kính trọng. Một hôm, Bình Thị
đang sắp xếp rương quần áo, Hưng Ca bước vào nhìn thấy cái áo trân châu. Chàng
ta nhận ra, kinh hãi hỏi: “Áo này ở đâu ra vây?” Bình Thị nói: “Chuyện kỳ quặc
lắm”. Bèn kể hết mọi chuyện người chồng trước mặc nó, rồi vợ chồng cãi nhau,
rồi giận dỗi xa nhau. Kể rồi lại nói: “Hồi trước gian nan quá, đã mấy lần tính
đem cầm đi song thấy lai lịch nó không rõ, sợ có chuyện gì lôi thôi nên không
dám để lộ cho người ta biết. Đến bây giờ thiếp cũng không biết nó ở đâu ra
nữa.”
Hưng
Ca hỏi: “Chồng cũ của mình là Trần Đại Lang còn gọi là Trần Thương, da trắng
không để râu, tay trái để móng tay dài, phải không?”. Bình Thị nói: “Đúng rồi”.
Hưng Ca lè lưỡi, chắp tay nhìn lên trời nói: “Như vậy là đạo trời rành rành, sợ
thật!”. Bình Thị hỏi thế là sao? Hưng Ca nói: “Cái áo trân châu này vốn là báu
vật của nhà ta. Chồng của nàng dan díu với vợ ta rồi được áo này làm kỷ niệm.
Lúc gặp chồng nàng ở Tô Châu, ta trông thấy chiếc áo, biết rõ chuyện, bèn về bỏ
vợ. Ai ngờ chồng nàng lại đi buôn rồi chết. Ta muốn tục huyền có nghe nói nàng
là vợ của thương nhân họ Trần nhưng đâu có biết chính là Trần Thương! Chẳng
phải là quả báo sao?”. Bình Thị nghe nói nổi da gà. Từ đó càng sống gìn giữ
phải đạo.
Có
được vợ mới trông nom nhà cửa, một năm sau Hưng Ca lại đi Quảng Đông buôn bán.
Rồi xảy ra chuyện: một hôm chàng ta đến huyện Hợp Phố bán hạt châu. Ông khách
mua hàng đã già, chọn một hạt châu rõ to rồi lấy giấu đi luôn, hỏi không chịu
nhận. Hưng Ca tức quá kéo tay áo lão để moi tìm không ngờ kéo mạnh quá khiến
lão ngã lăn quay xuống đất. Vội tới nâng dậy thì lão đã tắt thở rồi. Con cháu
và bà con xung quanh kẻ la người khóc. Rồi họ xông lại túm lấy Hưng Ca chẳng
cho phân giải gì cả, đánh cho một trận tơi tả, rồi nhốt vào một cái phòng
trống, ngay đêm đó viết đơn kiện, đợi sáng ra đưa lên quan huyện.
Quan
huyện nhận đơn, song vì hôm đó có công sự nên ra lệnh giam lại, hôm sau sẽ xử.
Quan
huyện này là ai vậy? Chính là Tiến sĩ họ Ngô tên Kiệt, người chồng sau của Tam
Xảo. Ông này mới đầu trị nhậm huyện Triều Dương. Sau triều đình thấy ông thanh
liêm, điều đến làm quan huyện Hợp Phố. Đêm hôm đó, Ngô Kiệt đọc kỹ đơn kiện,
Tam Xảo rảnh rỗi ngồi bên cạnh, ngẫu nhiên liếc nhìn thấy tên người bị kiện là
La Đức, thương nhân ở huyện Tảo Dương, đây chẳng phải Tưởng Hưng Ca còn ai nữa?
Nghĩ đến tình xưa, bất giác lòng thấy đau đớn, nàng khóc mà nói với chồng. “La
Đức chính là anh của tiện thiếp, nhận thừa tự cho cậu thiếp họ La, không ngờ đi
buôn bán mà phạm tội thế này. Xin quan nhân hãy vì thiếp mà cứu mạng cho anh ta
được về quê”. Quan huyện nói: “Để xem xét thế nào đã, nếu quả có tội thì ta
cũng khó mà tha cho được”. Tam Xảo nước mắt ròng ròng, quỳ xuống năn nỉ. Quan
huyện nói: “Nàng đừng có lo, ta sẽ có cái lẽ của ta”.
Sáng
hôm sau thăng đường, Tam Xảo lại kéo tay áo, khóc nói: “Nếu anh thiếp không
được cứu thì thiếp sẽ tự tận thôi, không còn thấy nhau nữa”. Quan huyện bắt đầu
xử kiện. Đầu tiên hỏi đến vụ này. Chỉ thấy hai anh em Tống Phúc, Tống Thọ vừa
khóc vừa thưa: “Bởi tranh giành nhau hạt châu, hắn xông tới đánh, cha chúng tôi
ngã xuống chết. Xin quan xử cho”.
Quan
huyện hỏi những người làm chứng, người thì nói đánh chết, kẻ thì nói xô ngã.
Tưởng
Hưng Ca thưa: “Cha của họ lấy cắp hạt châu của tiểu nhân, tiểu nhân không chịu,
tranh cãi với ông ta, ông ta già lão chân yếu, tự trượt chân ngã chết, không
can gì đến tiểu nhân cả”.
Quan
huyện hỏi Tống Phúc: “Cha ngươi bao nhiêu tuổi rồi?”. Tống Phúc nói: “Dạ sáu
mươi bảy”.
Quan
huyện nói: “Người già dễ choáng, vị tất đã do đánh chết”. Tống Phúc, Tống Thọ
cứ khăng khăng nói là đánh chết. Quan huyện nói: “Có bị thương hay không còn
phải kiểm nghiệm. Nếu nói bị đánh chết thì hãy đem thi thể ra để ở vườn sau,
hết buổi sẽ khám nghiệm”.
Vốn
nhà họ Tống này cũng là thuộc hàng phú quý có mặt mũi. Lão Tống đã từng làm lý
trưởng, đời nào con cái chịu để cho mổ xẻ thi thể. Hai người khấu đầu nói: “Cha
chúng con chết thế nào, mọi người đều thấy cả, chỉ xin quan lớn đến nhà chúng
con chứng nghiệm chứ không nên mổ khám”. Quan nói: “Nếu không thấy được dấu vết
thương tích thì hung thủ đời nào chịu nhận tội?”.
Hai
anh em nhà kia cứ xin mãi. Quan huyện nổi giận nói: “Các ngươi không chịu cho
khám nghiệm thì ta không hỏi tội được”. Bọn chúng rập đầu xin xử lý sáng suốt
cho. Quan phán: “Người gần 70 tuổi chết cũng là đến số, nếu như không bị đánh
chết mà lại vu tội cho người bình thường thì người chết lại mắc thêm tội. Còn
như các ngươi, làm con mà đã trông được cha đến nhiều tuổi thế rồi, nay lại
khoác cho ông ấy thêm một điều ác để chết không yên thì trong lòng các ngươi có
nỡ được không? Còn tên La Đức, chuyện đánh chết người là giả song xô người ngã
là thật, nếu ta không phạt nặng hắn thì các ngươi cũng không hả được giận. Vậy
bây giờ ta bắt hắn mặc tang phục cùng hành lễ với các ngươi, tất cả tiền chi
phí cho việc tang ma, hắn phải chịu hết. Các ngươi có đồng ý không?”.
Hai
anh em nói: “Ngài xử như vậy, chúng con đâu dám không tuân theo”.
Hưng
Ca thấy quan không dùng hình phạt, phân xử rõ ràng, vô cùng mừng rỡ. Thế là cả
hai bên nguyên cáo bị cáo đều rập đầu tạ ơn. Thật là: “Công đường tạo nghiệp dễ
dàng thôi. Muốn tích âm công phải cứu người. Mắt thấy đương triều Ngô Đại doãn.
Giải oan xá tội, thảy đều vui”. Lại nói Tam Xảo từ lúc chồng thăng đường xử án,
lòng cứ nóng như lửa đốt. Vừa nghe nói buổi xử kết thúc là đón hỏi ngay. Quan
huyện nói: “Ta xử như vậy, như vậy. Vì nàng nên không làm khổ gì anh ta”.
Tam
Xảo muôn ngàn tạ ơn. Rồi nói: “Thiếp với anh trai xa nhau đã lâu, muốn được gặp
mặt để hỏi tin tức cha mẹ. Xin quan nhân hãy tìm cách cho anh em thiếp tương
kiến, ơn này thật lớn vô cùng”. Quan huyện nói: “Việc này dễ thôi”. Thử nghĩ
xem, Tam Xảo bị Tưởng Hưng Ca bỏ, ơn dứt nghĩa tuyệt, thế mà sao tình cảm lại
như thế? Vốn là vợ chồng họ rất thương yêu nhau, bởi Tam Xảo làm điều sai trái
nên Hưng Ca bất đắc dĩ mà phải bỏ chứ lòng vẫn không nỡ, vì thế hôm nàng cải
giá chàng đã đem mười sáu cái rương và hộp cho lại hết. Chỉ một việc đó đã
khiến Tam Xảo vô cùng cảm động. Nay nàng được phú quý mà Hưng Ca lại gặp nạn
hỏi không cứu sao được? Đó chính là tri ân báo ân vậy.
Lại
nói Tưởng Hưng Ca tuân theo lệnh quan, thực hiện đầy đủ mọi điều, anh em nhà họ
Tống thôi không nói năng gì cả. Tang ma cho ông già xong xuôi, sai nhân lại dẫn
Hưng Ca về huyện đường báo cáo. Quan huyện gọi vào tư dinh, bảo ngồi, rồi nói:
“Ông anh bị chuyện kiện cáo này, nếu không có lệnh muội nhiều lần xin cho thì
bản chức có thể đắc tội rồi”. Hưng Ca không hiểu ra sao nên chẳng nói gì được.
Một lát, quan huyện mời vào thư phòng rồi gọi tiểu phu nhân ra gặp mặt. Thử
nghĩ mà xem, cuộc hội ngộ bất ngờ này có khác gì trong mơ? Hai người đó chẳng vái
chào nhau, cũng chẳng nói năng gì, ôm chầm lấy nhau òa khóc, khóc thê thảm đến
nỗi quan huyện đứng đó cũng động lòng nói: “Hai người hãy bớt đau thương đi, ta
thấy tình cảm của các người không giống anh em, hãy nói rõ sự thật cho ta nghe
rồi ta sẽ xử cho”.
Hai
người vẫn khóc mãi không ai chịu nói. Bị quan gạn hỏi mãi, cuối cùng Tam Xảo
mới đành quỳ xuống thưa: “Tiện thiếp có tội đáng chết ngàn lần, người này chính
là chồng trước của thiếp”. Tưởng Hưng Ca thấy không thể dấu nữa cũng quỳ xuống
kể hết sự tình từ chỗ hai người yêu thương nhau rồi Hưng Ca bỏ vợ, rồi vợ tái
giá như thế nào nói cho quan huyện nghe. Nói xong hai người lại ôm nhau khóc
đến nỗi tri huyện Ngô cũng nước mắt ròng ròng mà nói: “Hai người yêu thương
nhau thế, làm sao ta nỡ chia cắt các ngươi. Cũng may là chưa có con cái gì nên
ta ra lệnh cho hai người về lại với nhau”.
Hai
người rập đầu bái tạ. Quan bèn sai đem một kiệu nhỏ đưa Tam Xảo ra khỏi nha
môn, lại gọi phu khiêng mười sáu cái rương và hộp đi theo, bảo Hưng Ca nhận cả
lấy. Rồi sai một viên lại hộ tống về quê. Thật đúng là:
Châu
về Hợp Phố càng thêm đẹp
Kiếm
gặp Phong Thành sẽ rất linh
Kính
phục Ngô công ân đức hậu
Tham
tài, hiếu sắc xử công minh.
Ông
quan họ Ngô này sau được thăng vào bộ Lại ở Bắc Kinh, rất được sủng ái, rồi
sinh được liên tiếp ba người con trai, đều học hành đỗ đạt, người ta bảo đó là
ân đức được báo đền.
Còn
Tưởng Hưng Ca thì đưa Tam Xảo về, gặp gỡ với Bình Thị. Kể về hôn nhân thì Tam
Xảo cưới trước, song lại đã bị bỏ. Còn Bình Thị thì cũng mai mối cưới xin chính
thức, Bình Thị lại lớn hơn một tuổi, vậy nên để Bình Thị là chính phòng, còn
Vương Thị là thứ phòng, hai người gọi nhau là chị em. Từ đó, một ông chồng hai
bà vợ, sống đầm ấm với nhau đến già. Người sau có thơ rằng:
Vợ
chồng ân ái trước sau
Thê
thành ra thiếp vẫn câu vẹn tuyền
Dữ
lành, nhân quả nhãn tiền
Trời
xanh ngay đó, lọ phiền cầu ai.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT