Thời
Cảnh Thái triều Minh, ở huyện Ngô Giang phủ Tô Châu, có một ông già họ Âu
Dương, cùng với vợ là Tăng Thị, sinh được hai con một trai một gái. Con trai
mười sáu tuổi chưa lấy vợ, con gái hai mươi tuổi kết hôn cùng Trần Đại Lang là
người cùng thôn. Trần Đại Lang ở rể nhà vợ. Hai vợ chồng mở một cửa hàng tạp
hóa ở phía trước nhà, Đại Lang và cậu em vợ trông coi. Gia đình tuy không giàu
có, song cả nhà sống rất hòa thuận thương yêu quý mến nhau.
Một
hôm, Trần Đại Lang đi Tô Châu mua hàng bán mùa đông, bỗng trời có tuyết lớn.
Chàng đi trong gió tuyết, lạnh run cầm cập, đang định tìm nơi uống chút rượu
tránh tuyết, thì thấy từ đằng xa có một người đang đi tới. Người đó cao lớn vai
u thịt bắp, mặt phủ đầy râu chỉ lộ ra hai con mắt đầy sát khí, thanh đao đeo ở
lưng sáng lóe. Người đi đường thấy gã ta đều tránh từ xa.
Trần
Đại Lang nghĩ bụng: Râu đầy mặt thế kia thì mồm đâu mà ăn cơm nhỉ? Rồi bước tới
vái chào, mời gã cùng vào quán uống ly rượu. Gã râu xồm đang vừa đói vừa lạnh
thấy có người mời thì mừng rỡ, cùng đi đến tửu quán. Ngồi yên chỗ rồi, Trần Đại
Lang gọi đồ rượu và đồ nhắm. Chỉ thấy khách lấy ra từ trong tay áo một đôi móc
câu mạ vàng đeo lên hai tai, rồi rẽ bộ râu vén làm hai, móc lên rồi uống ừng ực
liền mấy bát rượu lớn, lại ăn đến chục bát cơm. Cơm no rượu say rồi, gã mới
đứng lên hỏi tên họ Trần Đại Lang, cảm ơn rồi đi. Lúc này, tiểu nhị mới bước
tới hỏi: “Sao ông lại dám uống rượu với gã râu xồm mặt đen đó? Chưa chừng hắn
là tướng cướp đấy”. Trần Đại Lang nghe nói vậy cũng chẳng để ý gì.
Mua
hàng xong, Trần Đại Lang quay về nhà, chàng ta đem chuyện gã râu xồm kể cho người
nhà nghe, ai cũng bán tín bán nghi.
Thời
gian thấm thoát trôi, chẳng mấy chốc đã qua hai năm. Một hôm, có một ông già
tên gọi Chử Kính Kiều hối hả đến nhà họ Âu Dương. Thì ra đó là người láng giềng
của bà ngoại ở thôn Sùng Minh, mấy hôm nay bà ngoại bị bệnh, ông già này đi từ
Sùng Minh tới Ngô Giang để báo tin giúp. Ông Âu Dương có việc đi vắng, Tăng Thị
không đi được, bèn bảo con gái và con trai sang Sùng Minh trông nom bà ngoại ít
ngày. Ông già Chử về trước, hôm sau hai chị em đáp thuyền lên đường.
Thế
nhưng qua mười mấy ngày rồi, bà ngoại nhờ người báo cho biết hai đứa cháu ngoại
sao vẫn chưa tới. Nhà Âu Dương hoảng kinh, Trần Đại Lang lập tức đi tìm người
chủ thuyền. Người đó nói rõ đã nhìn thấy hai người lên bờ rồi, sao lại có thể
biến đi đâu được? Trần Đại Lang bèn cùng mẹ vợ hộc tốc đến Sùng Minh. Bệnh của
bà ngoại đã đỡ, chỉ vì không thấy hai đứa cháu đến nên lo lắng thôi. Tăng Thị
khóc ngất lên ngất xuống. Trần Đại Lang ngẫm nghĩ, chắc nhất định lão Chử Kính
Kiều giở trò ma quái rồi. Thế là chàng ta chẳng kể ba bảy hăm mốt gì, xông đến
nhà họ Chử, lôi Chử Kính Kiều ra đánh một trận. Tội nghiệp ông già Chử chẳng
hiểu đầu đuôi gì bị đánh mặt mũi sưng tím. Ông ta cứ giậm chân đấm ngực, chỉ
lên trời mà thề bồi, rằng nếu ông ta đánh lừa thì trời cho sét đánh chết ngay.
Xung quanh láng giềng đều làm chứng rằng ông già Chử từ hôm đã về mười mấy ngày
không hề bước ra khỏi cửa, Trần Đại Lang bấy giờ mới chịu ngừng tay. Chàng ta
dán yết thị tìm người khắp nơi, lại đệ đơn lên huyện Sùng Minh và phủ Tô Châu, song
kết quả vẫn không có tin tức gì.
Gần
đến tết, mọi nhà đều náo nức đón năm mới chỉ có nhà Âu Dương cứ khóc lóc sụt
sùi đau khổ vô cùng.
Trần
Đại Lang mới nghĩ: ngày 19 tháng 2 là ngày Quan Âm Bồ tát ra đời, sao ta lại
không đến núi Phổ Đà thắp hương chứ? Một là để xin Bồ tát phù hộ, hai là thăm
thú cảnh Chiết Giang cho đỡ buồn khổ. Thế là trung tuần tháng hai, chàng nhờ
ông nhạc trông coi cửa hàng rồi ngồi thuyền đi đến núi Phổ Đà.
Hôm
đi trời đẹp sóng êm, thuyền chở đầy khách đi lễ. Nhưng mới được mấy dặm, trời
bỗng nổi trận gió lớn, chỉ chốc lát mặt biển tối sầm, rồi sóng lớn nổi lên rất
dữ, thuyền mất phương hướng cứ trôi theo dòng nước mà đi tuồn tuột. Một lúc
sau, trôi đến cạnh một đảo nhỏ thì dừng lại, thấy trên đảo có mấy trăm tên lâu
la đang huơ gậy múa thương, đấu quyền, bắn nỏ. Thấy có hải thuyền dạt vào,
chúng nhảy lên thuyền cướp hết sạch cả hành lý và tiền bạc. Tiền bạc dùng để đi
lễ Phật chúng cướp đi sao được? Thế là có người kêu lên. Bọn lâu la vung đao
định chém. Trần Đại Lang vội nói: “Xin hảo hán hãy tha mạng cho họ!” Nghe giọng
Tô Châu, tên lâu la hạ đao xuống hỏi: “Ngươi từ đâu đến?” Trần Đại Lang lập cập
nói người Tô Châu. Tên lâu la nói: “Đại vương dặn rằng hễ gặp được thương gia
người Tô Châu thì ngài phải đích thân gặp mặt”. Bọn chúng bèn dẫn Trần Đại Lang
tới tụ nghĩa sảnh ở trong núi. Trần Đại Lang sợ quá cứ nhắm tịt mắt lại, niệm
thầm: “Xin Bồ tát phù hộ cho con!”
“A,
thì ra là ông bạn cũ của tôi tới, xin mời ngồi!” Trần Đại Lang nghe tiếng quen
quen bèn mở mắt lén nhìn xem ai nói, thì đúng là gã mặt đen râu xồm đã gặp hai
năm trước trong gió tuyết. Thấy Trần Đại Lang đã ngồi yên vị, gã râu xồm bèn
cúi xuống vái chào nói: “Ơn nghĩa cho một bát cơm trong lúc gió tuyết, xin ghi
mãi trong lòng, nay xin nhận cho một lạy anh em”. Trần Đại Lang vội vàng đáp
lễ, rồi nói xin tướng quân tha cho các khách đi thuyền và trả cho họ hành lý.
Gã râu xồm lập tức bảo lâu la làm theo như vậy. Trần Đại Lang mừng thầm trong
bụng: “Nếu không có bữa cơm hai năm trước thì hôm nay tính mạng khó toàn”.
Gã
râu xồm cho bày tiệc rượu khiến Trần Đại Lang thất kinh. Trong lúc ăn uống, gã
hỏi Trần Đại Lang về chuyện gia đình. Không hỏi thì thôi, vừa hỏi đến là Trần
Đại Lang rơi hai hàng nước mắt, bèn đem chuyện vợ và em vợ mất tích kể rõ đầu
đuôi. Gã râu xồm uống một hớp rượu rồi nói: “Vậy là không tìm thấy rồi!” Gã
khuyên Trần Đại Lang không nên buồn bã, ở đây có một người đàn bà, tuổi tác
tướng mạo, đều rất xứng với Trần Đại Lang, lại cũng là người Tô Châu, nay xin
tặng cho chàng làm vợ rất phù hợp. Trần Đại Lang không dám từ chối. Gã râu xồm
bèn lớn tiếng gọi: “Xin mời ra đây!” Chỉ thấy hai người một nam một nữ bước ra,
Trần Đại Lang chăm chú nhìn, thì ra chẳng ai khác mà chính là người vợ và cậu
em mà chàng ngày đêm mong ngóng. Ba người không cầm được, ôm nhau khóc ròng. Gã
râu xồm hất hất cái mặt đầy râu, cười hỏi Đại Lang: “Huynh có muốn biết chuyện
này là thế nào không? Xin chị dâu hãy từ từ kể rõ đi!”
Thì
ra, khi đó cuối năm, sơn trại chuẩn bị ăn tết. Râu xồm dẫn lâu la tới Sùng Minh
để kiếm ít đồ. Một buổi tối, họ nhìn thấy hai người một nam một nữ đang đi trên
bờ sông, bèn bắt lấy. Râu xồm nghe nói là vợ và em của Trần Đại Lang ở Tô Châu,
nhớ tới ân nghĩa của bát cơm trong gió tuyết ngày đó chưa báo đáp được, bèn đưa
hai chị em họ về sơn trại, tôn làm thượng khách và khoản đãi chu đáo, lại dặn
dò thủ hạ là hễ gặp ai là người Tô Châu thì đều đưa đến gặp đại vương. Bây giờ
quả nhiên Trần Đại Lang không mời mà đến.
Trần
Đại Lang mừng quá, thầm nghĩ thật là may. Nếu như không có bữa cơm trong gió
tuyết đó, thì e rằng đến tính mạng của vợ và em mình cũng không bảo toàn được.
Song lại nghĩ lại: Râu xồm muốn báo đáp ân huệ, đó là lòng tốt, song đi cướp vợ
và em vợ người ta rồi sau đó mới tính chuyện trả lại, cái cách trả ơn như vậy
thì cũng chỉ có loại trộm cướp mới làm. Nghĩ thế, chàng ta bèn vội vàng cáo
biệt, rồi cùng vợ và em đi khỏi cái đảo nhỏ đó như là chạy trốn vậy.
Vong ân phụ nghĩa (Nhị phách)
Đời
Tống có một chàng trai tên gọi Mãn Sinh, là con của một gia đình nhiều đời
làm quan, từ nhỏ không được ai dạy dỗ nên tính khí ngông cuồng tự phụ, mặc dù
hình dung tuấn tú, đầy bụng văn chương, song cứ mãi mà không lập nghiệp được.
Người trong họ dần dần xa lánh. Mãn Sinh cũng chẳng kể gì chuyện ấy, cứ sống
kiểu phiêu lãng giang hồ ngâm phong vịnh nguyệt vui chơi.
Người
chú là Mãn Quý thấy cháu không chịu cầu tiến thủ như vậy thì suốt ngày làm mặt
giận. Mãn Sinh bèn rời Hoài An đi đến Trường An, định tìm một người bạn cũ của
cha nhờ lo cho một chức quan gì đó. Không ngờ, người này mới bị biếm chức, đã
đi khỏi Trường An rồi. Mãn Sinh mang theo tiền cũng không nhiều, lại tiêu pha
thoải mái trong mấy ngày, nên hết cả tiền lộ phí để quay về nhà.
Ngày
tháng chạp lãnh lẽo, suốt mấy ngày gió tuyết liên miên, Mãn Sinh ở trong một
quán trọ nhỏ, trong người không có lấy một xu. Chủ quán không đòi được tiền,
đuổi đi cũng không đi, đành chỉ không cho anh ta ăn cơm nữa. Mãn Sinh nằm co
trong phòng quán trọ, vừa đói vừa rét, bụng nghĩ mình là con quan, học vấn đầy
bụng, thế mà nhất thời lỡ vận, phải chịu cảnh lạnh lẽo nhục nhã thế này, rồi
còn những ngày sau nữa sẽ sống làm sao đây? Nghĩ đi nghĩ lại mãi, chàng ta
không nén nổi, òa khóc rống lên.
Ở
cạnh đó có một ông già họ Tiêu, mọi người gọi ông là Tiêu Đại Lang. Ông này vợ
mất sớm, sống cùng với cô con gái là Tiêu Văn Cơ. Tiêu Đại Lang làm nghề buôn
bán, tuy không có tài sản muôn quan ngàn quan gì, song sống cũng đầy đủ. Là
người hay giúp đỡ kẻ nghèo khó, Tiêu Đại Lang thấy người có học lại càng vì
nghĩa quan tâm. Hôm đó, hai cha con đang ở nhà uống rượu cho ấm, bỗng nghe bên
cạnh có tiếng khóc bèn hỏi quán trọ, biết đấy là một học trò nghèo gặp nạn. Ông
Tiêu bèn gọi đem rượu và thức ăn tới, rồi lại bảo chủ quán rằng mọi chi phí của
Mãn Sinh cứ ghi cả vào sổ của mình.
Trong
lúc khốn đốn mà gặp được người tốt bụng như thế, Mãn Sinh vô cùng cảm kích.
Ngày hôm sau, tuyết ngừng rơi, Mãn Sinh bèn sang nhà bái tạ Tiêu Đại Lang, thầm
tính nếu tiện sẽ mượn ông ít tiền lộ phí. Tiêu Đại Lang nhiệt tình khoản đãi
Mãn Sinh. Hai người vừa ăn uống vừa trò chuyện vui vẻ, lời lẽ rất hợp ý. Lúc
này, Tiêu Đại Lang thấy tiếc là đã gặp nhau muộn quá. Xong bữa, ông giữ Mãn
Sinh ở lại ăn tết với nhà mình.
Tiêu
Văn Cơ nghe nói cha vừa đem ở quán trọ về một chàng học trò, bèn tò mò đứng
ngoài nhìn trộm. Văn Cơ đã đến tuổi dậy thì, vừa xinh đẹp vừa thông minh, nhìn
thấy Mãn Sinh hình dung tuấn tú, nói năng lưu loát, tự nhiên cảm thấy rung động
trong lòng.
Mãn
Sinh ở lại trong nhà Tiêu Đại Lang, thường xuyên gặp mặt Văn Cơ, thấy Văn Cơ
xinh đẹp, lại thông hiểu sách vở, cũng rất thích. Hai người đầu mày cuối mắt tỏ
mối tương thân. Tục ngữ có câu “Tai vách mạch rừng”, mối tư tình giữa Mãn Sinh
và Văn Cơ không giấu nổi Tiêu Đại Lang. Ông rất tức giận cho rằng Mãn Sinh như
vậy thật không phải là người quân tử, song cuối cùng, ông cũng đồng ý cho cuộc
hôn nhân này. Thế là Mãn Sinh ở rể nhà họ Tiêu. Anh chàng cùng khốn lao đao
khắp nơi phiêu bạt, nay xem như đã có một gia đình.
Để
đền đáp ơn nghĩa của Văn Cơ và bố vợ, Mãn Sinh ngày đêm chịu khó, chịu khổ ra
sức học tập, chuẩn bị lên kinh ứng thí. Hai năm sau, Tiêu Đại Lang chuẩn bị đầy
đủ lộ phí cho Mãn Sinh rồi hai cha con tiễn chàng lên đường. Không phụ lòng
mong mỏi của mọi người, Mãn Sinh đi thi được đỗ ngay. Bảng vàng nêu tên rõ ràng
khiến cha con Văn Cơ như cởi mối lo. Thế là tuổi già của cha và cuộc đời của
con nay đã có chỗ dựa rồi. Tiêu Đại Lang không tiếc của, không lo tốn kém, mời
các thân bằng cố hữu tới ăn mừng suốt trong nửa tháng.
Mãn
Sinh ở kinh đô, được lệnh đi Lâm Hải nhậm chức Huyện úy. Đang lúc thu xếp hành
lý chuẩn bị đi đón vợ và ông nhạc cùng tới nhiệm sở, thì gặp một người anh họ.
Vốn là những người tộc họ ở Hoài An thấy Mãn Sinh được ghi tên bàng vàng thì
vui mừng khôn xiết bèn phái người anh này đi khắp nơi tìm Mãn Sinh, mãi mới gặp
được Mãn Sinh ở kinh thành bèn kéo chàng ta đi. Mãn Sinh ấp úng thoái thác, lại
không nói rằng mình đã lấy vợ rồi. Người anh kia cho rằng Mãn Sinh thi đỗ rồi
làm bộ lên mặt nên chửi cho một trận. Mãn Sinh nghĩ: “Mới đầu mình khốn khổ ra
đi, bây giờ mình áo gấm về quê, thế cũng hay!” Thế là đi theo anh ta về Hoài
An.
Lại
một cuộc vui náo nhiệt. Chúc mừng xong, ông chú là Mãn Quý nói với Mãn Sinh
rằng ông ta đã nhắm cho chàng một đám, cô gái họ Chu, tài sắc song toàn, cũng
là con gái nhà quan, môn đăng hộ đối. Mãn sinh cứ ấp a ấp úng, mãi mà không nói
lên lời, vừa không nói rõ mình đã có vợ, vừa không dám trái lời ông chú. Mấy
hôm sau, ông chú điên tiết lên lại chửi cho một trận, Mãn Sinh mới nghĩ rằng
bây giờ mình đã gặp bước thanh vận, nên làm cho đáng danh gia vọng tộc. Sau này
nếu Văn Cơ không được tin tức của mình chắc nàng sẽ đi lấy người khác thôi.
Nghĩ vậy xong, chàng ta bằng lòng, chọn một ngày lành kết hôn với cô gái
họ Chu.
Thật
không hổ là con nhà danh giá, nàng họ Chu chẳng những dung mạo xinh đẹp, mà còn
giỏi mọi thứ cầm, kỳ, thi, họa, Mãn Sinh càng nhìn càng ưa. Hai người thương
yêu quấn quýt nhau như keo như sơn. Cũng có lúc nhớ tới Văn Cơ, Mãn Sinh cũng
thấy trong lòng có chỗ không vui. Nàng họ Chu vốn là cô gái hiền thục
và hiểu biết, khi được biết chuyện của Mãn Sinh và Văn Cơ, nàng khuyên
chồng nên đón Văn Cơ đến cùng sống, nhưng Mãn Sinh không nghe. Rồi còn đem cái
áo và hộp hương thơm mà Văn Cơ tặng ra đốt hết để chứng tỏ là thật sự tuyệt
tình.
Được
hanh thông trên đường hoạn lộ, Mãn Sinh dần dần được thăng chức quan to. Nàng
họ Chu được cùng chồng hưởng mọi vinh hoa phú quý. Cứ như vậy qua
mười mấy năm, chuyện cha con họ Tiêu thế nào, Mãn Sinh từ lâu đã quên sạch.
Một
hôm, Mãn Sinh đi tản bộ trong cái sân rộng thênh thang nhà mình, bỗng nhìn thấy
một a hoàn mặc áo màu xanh, thấy chàng ta, a hoàn đó chạy vụt đi. Mãn Sinh đuổi
theo, thấy a hoàn chạy vào một gian nhà nhỏ treo cái rèm rách. Chàng ta chạy
đến đó, bỗng thấy từ trong nhà một người đàn bà bước ra, nhìn kỹ té ra là Tiêu
Văn Cơ. Mãn Sinh kinh hoàng bỏ chạy. Văn Cơ chạy theo níu lấy rồi òa khóc, vừa khóc
vừa kể lể chuyện mười mấy năm nay, rằng phụ thân Tiêu Đại Lang thấy Mãn Sinh
vong ơn bội nghĩa như vậy đã tức quá, khí uất lên mà vong mạng, Tiền bạc trong
nhà đã hết sạch bây giờ nàng một mình cô đơn cô độc không nhà không cửa.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ
tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người
yêu sách.]
Nàng
Chu đã nghe nói Văn Cơ từ ngàn dặm tới đây tìm chồng, bèn tới gặp Văn Cơ. Nàng
giữ Văn Cơ ở lại với mình, Mãn Sinh trong lòng hổ thẹn, không dám đến gặp Văn
Cơ. Một hôm, Mãn Sinh vừa uống rượu ở đâu về, thấy phòng Văn Cơ vẫn sáng đèn
bèn lảo đảo bước vào. Sáng hôm sau, mặt trời đã lên cao, cả nhà đều đã dậy mà
Mãn Sinh vẫn ở trong phòng Văn Cơ chưa ra. Mọi người đùa nói: Mười năm rồi
không gặp nhau mà, bây giờ phải đem bao chuyện trong mười năm ra nói trong một
đêm thì sao cho hết được? Và cứ để mặc kệ họ. Đến trưa, phòng Văn Cơ vẫn im
lìm, nàng Chu hơi khó chịu bèn sai người tới gõ cửa. Nhưng cửa vẫn
đóng chặt, gõ thế nào cũng không mở, mọi người thấy lạ. Cuối cùng đành phá cửa
vào thì thấy trong phòng trống không chẳng có người nào, không có Văn Cơ trong
đó. Nàng Chu nhìn khắp nơi thấy dưới gầm giường có một người nằm thẳng cẳng,
mồm mũi đổ máu, đã tắt thở từ lâu. Nàng ta nhìn kỹ thấy đúng là Mãn Sinh chồng
mình, bèn òa khóc. Lúc đó phía sau có tiếng Văn Cơ nói: “Xin phu nhân tha lỗi,
chính tôi đã giết Mãn Sinh để báo thù cho tôi và cha tôi. Phu nhân cũng chẳng
cần phải đi báo quan làm gì vì tôi đã là người âm phủ từ lâu rồi. Xin phu nhân
hãy chú ý bảo trọng”. Nàng Chu quay đầu nhìn lại thì chẳng thấy Văn Cơ đâu,
nàng ta hoảng kinh, hồn bay phách lạc, rồi ngẫm nghĩ mãi, thấy Mãn Sinh là kẻ
vong ân phụ nghĩa nên mới ra nông nỗi như vậy, bèn cùng người nhà lo liệu việc
chôn cất cho Mãn Sinh.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT