Tam Xảo sờ sờ vào người, nói: “Bà nhiều tuổi mà người còn mượt mà thế!”. Chàng kia không nói gì, chui luôn vào chăn rồi ôm ghì lấy nàng ta mà hôn hít. Tam Xảo lại tưởng là mụ Tiết bèn cũng giang tay ôm chặt. Chàng kia vươn mình thế là khởi sự. Nàng này một là do quá uống nhiều rượu, có ngà ngà say, hai là bị mụ già khiêu khích, lòng dục nổi lên, nên chẳng kể gì nữa, đúng là: Một bên, thiếu phụ hoài xuân nơi khuê các, một bên tài lang mộ sắc chốn khách đình. Một bên chịu đựng đã lâu, nay như Văn Quân được gặp Tương Như, một bên trông ngóng mỏi mòn, nay như Tất Chính hội cùng Trần Nữ. Nắng hạn gặp mưa lành, chẳng khác tha hương gặp cố tri.

Trần Đại Lang vốn là tay sành sỏi chuyện gió trăng, làm cho người đàn bà mê mẩn tâm thần chẳng còn biết gì khác nữa. Xong cuộc mây mưa, Tam Xảo mới hỏi: “Thế chàng là ai vậy?” Đại Lang mới đem đầu đuôi câu chuyện từ lúc thấy mặt rồi ái mộ, rồi năn nỉ nhờ mụ Tiết bày kế thế nào thế nào kể hết, rồi nói: “Bây giờ là toại nguyện rồi, có chết cũng cam”.

Mụ Tiết bước tới nói: “Chẳng phải già này to gan đâu mà chỉ là vì: một là thương bà chủ tuổi xuân đơn độc, hai là muốn cứu tính mạng Đại Lang. Hai người như vậy cũng là nhân duyên trời định, chớ chẳng phải do tôi”. Tam Xảo nói: “Chuyện đã thế rồi, nếu chồng tôi mà biết thì làm sao đây?”

Mụ Tiết nói: “Chỉ có bà với tôi biết thôi, nay mua chuộc hai đứa a hoàn Tình Vân, Noãn Tuyết, không cho chúng nhiều lời thì còn có ai lộ chuyện nữa. Riêng già này thì chỉ làm sao cho đêm nào bà cũng được sung sướng thôi, có điều là sau này đừng có quên mụ già đấy”.

Đến thế này thì chẳng còn kể gì nữa, Tam Xảo lại cùng Đại Lang buông thả truy hoan, cho đến tận canh năm, trời đã sáng mà vẫn còn lưu luyến. Mụ Tiết giục Đại Lang trở dậy rồi đưa chàng ta ra cửa.

Từ hôm đó, hôm nào họ cũng gặp nhau, khi thì Đại Lang đi cùng mụ Tiết, khi thì tự tới một mình. Hai đứa a hoàn bị mụ già ngọt nhạt dọa dẫm. Mụ lại bảo bà chủ cho chúng mấy cái áo. Anh chàng kia đến thỉnh thoảng cho ít bạc vụn để chúng mua quà ăn khiến chúng vui vẻ, cứ việc mình mình làm. Đêm này qua đêm khác, đi ra đi vào do hai a hoàn này đưa đón, chẳng có trở ngại gì cả. Hai người như keo với sơn, sống như vợ chồng. Trần Đại Lang thật lòng kết với Tam Xảo, luôn luôn tặng nàng áo quần sang, đồ trang sức đẹp, lại trả cho nàng nửa số tiền còn nợ mụ Tiết, rồi còn biếu mụ Tiết một trăm lượng bạc.

Thấm thoát đã hơn một năm. Đại Lang đã tiêu hết ngàn lượng vàng. Tam Xảo cũng có hơn ba mươi lượng bạc đem tặng mụ Tiết. Mụ này chỉ cốt kiếm được số tiền bất nghĩa này nên chuyện gì cũng làm. Song người xưa có câu: “Ở đời chẳng có tiệc vui nào không tàn”. Trần Đại Lang bỏ bê việc buôn bán lâu rồi, bây giờ cũng phải trở về quê. Đêm đó chàng ta nói cho nàng biết. Hai người ân ái nặng nghĩa nặng tình, không muốn rời nhau. Tam Xảo tình nguyện thu gom đồ tế nhuyễn đi theo chàng ta để thành vợ thành chồng mãi mãi. Trần Đại Lang nói: “Không được đâu, chúng ta gặp nhau thế nào trước sau đều do bà Tiết nghĩ ra cả. Bây giờ ông chủ chỗ tôi ở là ông Lã thấy tôi đêm nào cũng vào thành lẽ nào lại không nghi hoặc. Rồi trên thuyền lại đông người, che giấu làm sao? Hai đứa a hoàn thì không thể mang theo, nếu chồng nàng về thế nào chả truy rõ căn nguyên. Thôi nàng hãy ráng đợi, đến ngày này năm sau, tôi sẽ đến đây kiếm một chỗ kín đáo rồi liên hệ báo cho nàng biết. Khi đó hai ta sẽ cùng đi, ma quỷ chẳng biết, vậy chẳng hơn sao?”

Tam Xảo nói: “Nếu năm sau chàng chẳng đến được thì làm sao?” Đại Lang bèn xin thề. Nàng nói: “Chàng đã thiệt lòng thì kẻ này cũng không phụ nhau. Khi chàng về đến nhà rồi thì hãy gởi lá thư cho bà Tiết để kẻ này yên tâm”.

Đại Lang nói: “Ta sẽ nhớ kỹ, không để sai sót chút nào”. Mấy hôm sau, chàng ta thuê một chiếc thuyền, chuẩn bị đồ ăn đầy đủ rồi đến từ biệt Tam Xảo. Đêm đó lại càng quyến luyến, hai người cứ nói rồi lại khóc, rồi lại cuồng nhiệt ái ân, cứ thế suốt đêm không ngủ.

Đến canh năm Tam Xảo trở dậy, mở rương lấy ra một vật quý gọi là “áo trân châu” đưa cho Đại Lang và nói: “Chiếc áo này là vật gia truyền nhà họ Tưởng từ tổ tiên để lại, mùa hè mặc nó sẽ thấy mát lạnh. Bây giờ trời đang nóng dần, dùng tốt đấy. Thiếp tặng nó cho chàng làm kỷ niệm, mỗi khi mặc nó xem như có thiếp liền bên cạnh”.

Đại Lang khóc nghẹn lời, người sụm xuống. Tam Xảo tự tay khoác chiếc áo vào cho Đại Lang rồi bảo a hoàn mở cửa, đích thân đưa tiễn, nói đi nói lại lời từ biệt rất trân trọng.

Trần Đại Lang được chiếc áo trân châu, ngày ngày đều mặc sát bên mình. Đêm đến cởi ra cũng để vào trong chăn cùng ngủ, không lúc nào rời xa. Đường đi thuận buồm xuôi gió, chỉ hai tháng đã đến huyện Phong Kiều phủ Tô Châu. Nơi này là chỗ tụ tập nhiều người buôn bán, chàng ta liền đến một nhà buôn để bán hết hàng.

Bỗng một hôm, chàng ta đi dự bữa tiệc rượu của một người đồng hương, gặp một người dáng phong lưu đẹp đẽ. Người đó chẳng phải ai khác mà chính là Tưởng Hưng Ca.

Vốn là Hưng Ca mua được ở Quảng Đông một ít trân châu, đồi mồi, trầm hương. Bọn bạn hàng bàn bạc bảo nên đến Tô Châu mà bán. Hưng Ca từ lâu đã nghe câu: “Trên có thiên đường, dưới có Tô Châu, Hàng Châu”, một bến lớn như thế này, nhất định phải đi một chuyến bán hết hàng rồi mới về. Thế là tháng 10 năm trước đến Tô Châu. Vì đổi tên giấu họ để buôn bán nên xưng là người họ La. Trần Đại Lang do đó không nghi hoặc gì. Hai người như bèo nước gặp nhau, dạng mạo tuổi tác xấp xỉ nên trò chuyện một lúc là thấy ái mộ. Biết được chỗ ở, hai người tới thăm viếng nhau, rồi thành thân thiết, đến gặp nhau luôn.

Hưng Ca thu hết tiền nợ chuẩn bị trở về, mới đến chỗ Đại Lang từ biệt. Đại Lang bày rượu khoản đãi, lại vui vẻ trò chuyện, tâm đầu ý hợp. Lúc này là hạ tuần tháng năm, trời rất nóng bức, hai người cởi áo ra để uống rượu. Thế là Đại Lang để lộ ra cái áo trân châu.

Hưng Ca kinh hãi, thấy lạ quá song không nhận, chỉ khen chiếc áo đẹp quá. Đại Lang nhân đã thân tình bèn hỏi: “Ở phố lớn nơi huyện của huynh có nhà của Tưởng Hưng Ca, huynh có quen không?”

Đại Lang nói: “Chẳng giấu gì huynh, tiểu đệ với ông ta có chút dây dưa”. Bèn đem chuyện tình cảm với Tam Xảo kể cho nghe, rồi kéo vạt áo trân châu ra, rưng rưng nước mắt nói: “Áo này chính là của nàng tặng cho đệ. Nếu huynh về đó, đệ có phong thư nhờ huynh chuyển hộ, sáng sớm mai đệ sẽ đưa đến chỗ huynh”.

Hưng Ca miệng thì nói: “Được chứ, được chứ!” nhưng trong bụng thì nghĩ: “Lại có chuyện lạ như vậy! Bây giờ có cái áo trân châu này làm bằng chứng rồi, không còn sai vào đâu được nữa”. Rồi thấy đau đớn như kim châm vào ruột, thôi không uống nữa, vội vã đứng dậy từ biệt.

Về đến chỗ ở, nghĩ đến lại buồn, buồn rồi lại nghĩ, tức mình không có cách nào bay luôn về nhà. Ngay đêm hôm ấy, chàng ta thu thập các thứ, sớm hôm sau lên đường về ngay. Bỗng thấy trên bờ có người hồng hộc chạy tới, té ra là Trần Đại Lang, đem một bao thư lớn tới gửi, dặn đi dặn lại là nhớ chuyển hộ. Thấy thế, Hưng Ca tái mặt, cảm thấy sống dở chết dở, không nói ra lời. Đợi cho Đại Lang đi rồi, chàng ta mới mở bao thư ra xem thấy bên ngoài gửi cho bà Tiết, xé ra thấy một chiếc khăn lụa hồng đào, lại có một cái trâm nữa chứ. Trong thư thì viết: “Có hai vật mọn, phiền bà đưa giúp cho nương tử thương yêu Tam Xảo làm kỷ niệm. Hẹn gặp nhau vào mùa xuân năm tới. Trân trọng, trân trọng”.

Hưng Ca cả giận, xé vụn tờ thư ném xuống sông, cầm chiếc trâm ngọc kẹp vào ván thuyền bẻ gãy làm đôi. Xong rồi lại nghĩ: “Mình hồ đồ quá, sao không giữ lại làm chứng cớ?” Bèn nhặt lại trâm và khăn lên, gói lại một gói rồi giục cho thuyền đi.

Đi gấp về đến quê, vừa nhìn thấy đầu nhà mình bỗng rơi nước mắt nghĩ bụng: “Mới đầu vợ chồng yêu thương nhau biết bao nhiêu, chỉ vì mình tham cái lợi bằng đầu ruồi mà vứt bỏ nàng tuổi trẻ ở nhà vò võ cho nên mới ra nông nỗi này. Bây giờ hối hận thì sao kịp!”. Trên đường đi thì nóng lòng chỉ mong chóng tới, nay tới nhà rồi thì vừa hận, vừa đau cứ đi một bước lại dừng một bước. Vào đến nhà, đành nhẫn nhịn miễn cưỡng gặp nhau. Hưng Ca lẳng lặng chẳng nói năng gì. Tam Xảo có tật giật mình, tự thấy xấu hổ quá, không dám bắt chuyện.

Cất hành lý xong, Hưng Ca bảo đi thăm ông bà nhạc rồi lên thuyền ở một đêm, sáng hôm sau về nói với Tam Xảo rằng: “Cha mẹ nàng đều bị bệnh, rất nguy cấp. Tối qua tôi phải ở lại trông nom ông bà một đêm. Họ chỉ nhớ nàng, muốn gặp mặt. Tôi đã thuê sẵn kiệu để trước cửa, nàng mau đi về đi, tôi sẽ đi sau”.

Tam Xảo thấy chồng suốt đêm không về, thấy nghi nghi. Đến lúc thấy nói cha mẹ mình bị bệnh thì tưởng là chồng nói thật bèn cuống quýt đưa chìa khóa rương hòm cho chồng rồi gọi một vú già đi theo lên kiệu ngay. Hưng Ca gọi vú già lại, lấy trong tay áo ra một phong thư bảo đưa cho ông bố vợ và dặn: “Đưa thư xong, vú hãy theo kiệu về ngay!”.

Tam Xảo về nhà, thấy cha mẹ đều khỏe mạnh cả thì giật mình kinh hãi. Ông già Vương thấy con gái tự nhiên không gọi mà đến cũng thấy sợ. Bèn lấy phong thư từ tay bà vú ra đọc thì té ra là tờ ly hôn. Giấy viết thế này:

“Người viết giấy ly hôn là Tưởng Đức, người huyện Tảo Dương phủ Tương Dương. Từ nhỏ đã nhờ mối lái mà lấy Vương Thị làm vợ. Nhưng sau khi vắng nhà, vợ tôi có nhiều lỗi lầm, phạm vào điều thất xuất. Do nghĩ tình chồng vợ, không nỡ nói rõ làm gì, nay tôi bằng lòng đem trả về nhà mẹ đẻ, cho tùy ý cải giá, không có ý kiến gì khác. Ly hôn thị thực”.

Trong bao thư còn có một chiếc khăn tay hồng đào và một cây trâm bị bẻ gãy. Ông Vương xem rồi sợ hãi, gọi con gái ra hỏi chuyện vì sao. Tam Xảo nghe nói bị chồng bỏ thì không nói gì cả chỉ sụt sịt khóc. Ông Vương hầm hầm đến ngay nhà con rể. Tưởng Hưng Ca vội ra vái chào. Ông Vương đáp lễ rồi hỏi: “Hiền tế, con gái ta đường đường chính chính đến làm vợ anh, nay nó có tội gì mà anh lại bỏ nó? Anh phải nói cho rõ”.

Hưng Ca nói: “Tiểu tế không tiện nói, xin cứ hỏi lệnh ái sẽ biết”. Ông Vương nói: “Nó chỉ toàn khóc, có chịu mở miệng ra đâu, làm ta cứ điên cả ruột. Con ta từ nhỏ đã thông minh hiểu biết ngờ đâu nó lại phạm tội. Nếu tội cũng nhỏ thì hiền tế hãy nể mặt ta mà tha thứ cho nó. Các con định hôn với nhau từ khi bảy, tám tuổi, sau khi thành vợ thành chồng chưa hề cãi cọ nhau, thế là rất hòa thuận. Bây giờ con đi buôn xa về, mới ở nhà được năm ba ngày thì có chuyện gì chướng tai gai mắt con chứ? Con mà độc ác như vậy thì người ta cười cho, rằng con bạc nghĩa vô tình”. Hưng Ca nói: “Cha là bề trên, con không dám nhiều lời. Nhà con có cái áo trân châu là vật tổ tiên truyền lại, vẫn để cho Tam Xảo giữ, giờ chỉ hỏi chiếc áo đó còn không? Nếu còn thì không nói nữa, nếu không còn thì xin đừng trách làm gì?”.

Ông Vương vội quay về nhà, hỏi con gái: “Chồng con chỉ hỏi cái áo trân châu con giữ, con đem cho ai rồi?” Tam Xảo nghe hỏi đúng chuyện quan trọng nhất thì xấu hổ đỏ bừng cả mặt, không nói được gì, rồi khóc òa lên khiến Vương ông chẳng hiểu ra sao.

Bà Vương khuyên: “Con đừng có khóc mãi như thế, hãy nói sự thực thế nào cho cha mẹ biết để còn phân giải”. Tam Xảo vẫn không chịu nói, cứ nức nở khóc mãi không thôi. Ông Vương đành đưa tờ giấy ly hôn với chiếc khăn và cây trâm bị gẫy cho bà Vương bảo cứ dỗ dần rồi hỏi cho rõ chuyện.

Tam Xảo ngẫm nghĩ không hiểu sao chiếc áo trân châu lại bị bại lộ. Còn cái khăn và cây trâm gãy là ở đâu ra?

Nghĩ một hồi rồi bỗng nói: “À hiểu rồi, cái trâm gãy là tỏ ý cắt đứt tình cảm, còn cái khăn này là ý muốn ta tự tận đây. Chàng nghĩ đến tình vợ chồng nên không nỡ nói thẳng ra để giữ cho ta khỏi tai tiếng. Thương thay bốn năm ân ái mà nay quyết tuyệt một ngày. Đó chỉ là tại ta có tội, phụ tấm ân tình của chồng ta. Bây giờ có sống ở trên đời này cũng chẳng ra gì, chi bằng chết đi cho xong”.

Bà Vương biết ý con muốn chết bèn khuyên rằng: “Con nghĩ cạn lắm, mới hơn hai mươi tuổi đầu, bông hoa còn chưa nở trọn, việc gì phải chết. Biết đâu chồng con hồi tâm nghĩ lại. Mà nếu nó không nghĩ lại, quyết bỏ thật thì người đẹp đẽ như con lo gì không có ai cầu. Con cứ yên tâm mà sống, đừng có sầu muộn nữa”.

Tam Xảo chẳng biết làm sao, đành phải thôi.

Tưởng Hưng Ca lấy hai sợi dây trói Tình Vân và Noãn Tuyết lại tra khảo, hỏi cho ra đầu đuôi. Mới đầu chúng không chịu nói, sau đau quá không chịu nổi, phải kể hết ngọn ngành, mới biết mọi chuyện đều do mụ Tiết bày ra. Sáng sớm hôm sau Hưng Ca dẫn một tốp đến nhà, đánh cho mụ Tiết một trận tơi bời. Mụ biết mình có tội, chẳng dám ho he. Hưng Ca thấy vậy cũng hả giận, bèn gọi mối bán hai đứa a hoàn đi. Rồi lên lầu thu thập các đồ tế nhuyễn còn lại cùng các đồ vật, tất cả có mười sáu cái rương và hộp, lớn có, nhỏ có đem khóa kín lại. Vì sao làm vậy, vì nghĩ tình vợ chồng biết mấy yêu thương, nay bỏ nhau rồi lòng đau như dao cắt, nếu nhìn thấy vật sẽ lại nhớ tới người, vậy thì còn mở ra xem làm gì nữa?

Giờ sang chuyện khác. Ở Nam Kinh có ông Tiến sĩ họ Ngô tên Kiệt được bổ làm tri huyện Triều Dương thuộc Quảng Đông, trên đường đi nhậm chức có qua Tương Dương. Vì không mang theo gia đình nên có ý muốn kiếm một người thiếp đèm đẹp. Có gặp nhiều cô gái song ông ta không thấy ưng. Bấy giờ nghe nói ở Tảo Dương có con gái nhà họ Vương nhan sắc xinh đẹp, nổi tiếng cả huyện, bèn bỏ ra món tiền nhờ mối đến cầu thân. Ông Vương cũng bằng lòng, chỉ e con rể cũ lời qua tiếng lại, bèn đích thân đi đến nhà họ Tưởng nói chuyện với Hưng Ca. Hưng Ca không ngăn trở gì cả. Tối hôm trước ngày cưới, Hưng Ca thuê người khiêng mười sáu cái rương và hộp vẫn khóa kín chưa hề động đến kèm theo cả chìa khóa chuyển đến thuyền của tri huyện họ Ngô nói là của bồi thường cho Tam Xảo đi lấy chồng. Tam Xảo thấy trong lòng thật hổ thẹn. Mọi người biết chuyện người thì khen Hưng ca trung hậu, kẻ thì cười chàng ta ngốc nghếch, có kẻ còn mắng là không có chí khí. Thật là lòng người chẳng giống ai.

Lại nói chuyện Trần Đại Lang, sau khi bán hết hàng ở Tô Châu, trở về Tân An, lòng dạ lúc nào cũng chỉ nghĩ đến Tam Xảo, sớm tối luôn luôn nhìn chiếc áo trân châu mà thở dài sườn sượt. Vợ là Bình Thị biết chắc cái áo có gì kỳ quặc bèn lừa lúc chồng ngủ, lấy trộm rồi giấu lên trần nhà. Đại Lang ngủ dậy lấy áo mặc không thấy bèn hỏi Bình Thị, Bình Thị khóc lóc cãi cọ với chồng ầm ĩ đến mấy ngày.

Buồn bực quá, Trần Đại Lang thu gom một ít tiền bạc rồi mang theo đứa tiểu đồng, lại đi Tương Dương. Gần đến Tảo Dương không may gặp một bọn cướp cướp sạch, thằng tiểu đồng bị chúng giết chết. Đại Lang nhanh chân chạy núp đằng sau bánh lái nên may mắn sống sót. Lúc này nghĩ về nhà cũng chẳng được, thôi hãy tạm đến chỗ ở trọ cũ chờ gặp được Tam Xảo, mượn nàng một ít rồi lo chuyện khôi phục lại làm ăn. Thế rồi buồn bã mà rời thuyền lên bờ.

Đến nhà ông chủ họ Lã ở ngoại thành Tảo Dương, chàng kể hết mọi chuyện rồi nói: “Bây giờ tôi phải nhờ bà Tiết bán hạt châu để mượn người quen ít vốn buôn bán”. Ông Lã nói: “Đại Lang không biết à, cái bà Tiết ấy vì rủ rê vợ Tưởng Hưng Ca làm chuyện đồi bại, năm ngoái Hưng Ca về đòi vợ cái áo trân châu gì đó. Cô vợ đã tặng nó cho tình nhân rồi còn nói năng gì được. Thế là Hưng Ca bỏ vợ, cho về nhà, bây giờ chị ta chuyển sang làm lẽ ông Tiến sĩ họ Ngô ở Nam Kinh. Mụ Tiết đó bị nhà họ Tưởng đánh cho tơi tả, ở đây không được đã chuyển sang huyện bên rồi”.

Đại Lang nghe tin như bị dội thùng nước lạnh. Thế rồi đêm hôm đó ngã bệnh. Bệnh ngày càng nặng, vừa tương tư vừa uất ức lại vừa sợ hãi, chàng ta nằm liệt hơn hai tháng trời không đỡ. Phiền ông chủ quá, Đại Lang phải cố gắng viết một lá thư nhờ ông Lã mướn người chuyển về quê bảo người thân đến đưa mình về nhà. Vừa hay khi đó ông Lã có người thừa sai quen biết có việc chuyển công văn đi Huy Ninh, rất tiện đường, bèn bảo Đại Lang bỏ ra năm lượng bạc đưa cho viên thừa sai, nhờ việc đó.

Bình Thị được thư bèn thu thập tiền nong, lại xin cha cho mang theo con trai và con dâu đi cùng, rồi thuê một cái thuyền đi Tương Dương. Đến nơi thì Trần Đại Lang đã qua đời từ mười hôm trước rồi. Ông Lã bỏ ra ít tiền khâm liệm. Bình Thị khóc ngất đi, hồi lâu mới tỉnh, vội thay quần áo tang rồi xin ông Lã cho mở nắp quan tài để nhìn mặt chồng, nói sẽ mua một chiếc quan tài khác khâm liệm lại. Ông Lã nhất định không chịu, Bình Thị không làm sao được đành mua gỗ đóng một cái quách bao ngoài áo quan, mời các nhà sư đến làm lễ siêu độ cho chồng. Ông Lã đòi lại hai mươi lượng bạc các khoản, còn thì muốn làm gì thì làm, ông ta mặc kệ.

Hơn một tháng sau, Bình Thị chọn ngày tốt để đưa linh cữu về quê. Ông Lã thấy người đàn bà này tuổi còn trẻ lại có nhan sắc, chắc cũng chẳng ở vậy được, nghĩ đến con trai mình là Lã Nhị còn chưa có vợ, có sẵn người ở đây, sao ta không giữ ở lại, sau này thành sự chẳng tiện sao! Bèn mua rượu mời con trai Bình Thị là Trần Vượng uống rồi nói rõ ý định, lại nhờ vợ Trần Vượng tìm cách nói kheo khéo xem sao. Nếu thuận lợi sẽ có hậu tạ. Vợ Trần Vượng là đứa ngu ngốc, có biết tế nhị là gì, chẳng đắn đo cao thấp, nói luôn cho mẹ chồng biết. Bình Thị nghe nói cả giận bèn tát luôn cho mấy cái và chửi cho một trận, lại cạnh khóe cho nhà chủ mấy câu nữa. Ông Lã cụt hứng, tức đấy mà chả dám nói năng gì. Bèn xui Trần Vượng trốn đi. Trần Vượng cũng thấy chuyện đã dở quá rồi bèn bàn với vợ, hai đứa lấy hết cả tiền bạc cùng đồ trang sức, ngay đêm đó đi biệt luôn.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play