Mụ này nghe xong lắc đầu lia lịa: “Việc này khó lắm. Cô vợ này của Tưởng
Hưng Ca mới lấy nhau chưa được bốn năm, vợ chồng như cá với nước, một
bước chẳng rời. Bây giờ bất đắc dĩ chồng phải ra đi, cô ta không hề bước chân xuống lầu, thật đứng đắn lắm. Anh chàng Hưng Ca này tính tình hơi
cổ quái, hay cáu lắm, già này chẳng có đến nhà anh ta bao giờ. Ngay cả
cô vợ mặt mũi ngắn dài thế nào cũng chẳng biết, làm việc này sao được?
Quan nhân cho bạc nhưng già này bạc phúc, không nhận được rồi”.
Trần Đại Lang nghe nói vậy vội vàng quỳ
xuống. Mụ Tiết kéo dậy thì chàng ta nắm chặt lấy tay áo miệng nói: “Cái
mạng sống này của Trần Thương này đều trông nhờ ở bà. Bà phải nghĩ ra kế gì cứu sống tôi! Khi nào được việc, sẽ biếu bà thêm một trăm lượng bạc
nữa. Nếu bà không làm thì bà phải chết ngay ở đây thôi”. Mụ Tiết luống
cuống không biết làm sao, liên mồm nói: “Được, được, đừng có giết già
này, đại quan nhân hãy đứng lên đi, già này sẽ nói”.
Lúc này Trần Đại Lang mới đứng dậy, vòng tay nói: “Có diệu kế gì, bà nói mau đi!”
Mụ Tiết nói: “Việc này phải tính từ từ,
chỉ cần kết quả, đừng có kể thời gian, nếu cứ hẹn ngày tháng thì già này chịu” Trần Đại Lang nói: “Nếu quả làm được thì chậm mấy ngày không sao. Chỉ cần bà nói kế hoạch thế nào?”
Mụ Tiết nói: “Ngày mai, đừng sớm quá cũng đừng muộn quá,
cứ ăn sáng xong ta gặp nhau ở hiệu cầm đồ Uông Triều Phụng. Quan nhân
mang theo nhiều bạc vào, cứ nói là buôn bán với già này. Nếu thấy già
này bước vào được cửa nhà họ Tưởng rồi thì quan nhân tới ngay” Trần Đại
Lang nói: “Xin theo lời bà”. Rồi vui mừng mở cửa đi ra.
Ngày hôm sau, Đại Lang ăn mặc chỉnh tề,
mang theo ba bốn trăm lượng bạc để trong một cái tráp lớn bằng da, bảo
thằng nhỏ khoác đi theo đến hiệu cầm đồ. Nhìn sang căn lầu đối diện thấy cửa sổ đóng kín mít đoán chắc nàng ta không có nhà, bèn nói với người
coi tiệm mượn một chiếc ghế đẩu đặt ngay chỗ cửa ngồi ngóng. Một lúc
sau, thấy mụ Tiết ôm một cái hòm nhỏ tới. Đại Lang bèn gọi lại hỏi:
“Trong hòm có gì vậy?”. “Đồ trang sức bằng ngọc quý, đại quan nhân muốn
dùng gì?”. “Tôi đang cần mua đây”.
Mụ Tiết bước vào cửa hiệu cầm
đồ, chào người coi hàng rồi mở cái hòm ra thấy trong để hàng chục gói
ngọc, lại có mấy cái hộp nhỏ đựng đồ trang sức rất đẹp, rất khéo trông
lóa cả mắt. Đại Lang chọn ra mấy viên ngọc trắng lớn và một số trâm cài, bông tai, để vào một cụm rồi nói: “Tôi mua tất cả chỗ này.” Mụ Tiết
liếc mắt nhìn rồi nói: “Đại quan nhân cần dùng thì lấy nhưng sợ người
không chịu nổi món tiền to lớn này”. Đại Lang hiểu ý bèn mở cái tráp,
lấy bạc nén ra bày trắng xóa rồi lớn tiếng nói: “Bằng này lẽ nào không
mua nổi hàng của bà sao?”. Lúc này, có bảy, tám người nhàn rỗi cạnh đấy
xúm lại xem. Mụ Tiết nói: “Già này đâu dám xem thường quan nhân. Số bạc
này xin hãy thu lại đi, chỉ cần trả được giá là xong”. Hai bên bèn người ra giá cao, kẻ trả giá thấp, cách nhau một trời một vực. Người bán
không chịu xuống giá. Đại Lang bèn cầm hàng lên, không chịu trả thêm, cố ý ra ngoài hiên lật đi lật lại xem kỹ từng món, cái nói giả, cái nói
thật, nhấc đi nhấc lại lấp la lấp lánh. Người xung quanh đều đến xem,
hết người nọ đến người kia cứ nắc nỏm khen mãi. Mụ Tiết quát ầm lên:
“Mua thì mua, không thì thôi, làm mất thời gian của người ta quá!”
Trần Đại Lang nói: “Sao lại không mua”.
Hai người lại kỳ kèo một trận nữa. Vương Tam Xảo nghe thấy tiếng huyên
náo ở trước cửa, bèn bước ra phía trước, vén rèm lên lén nhìn, thấy ngọc sáng long lanh, đồ quý óng ánh, trông rất thích. Lại thấy bà già với
khách mua đang mặc cả mãi không xong, bèn bảo một a hoàn xuống gọi, bảo
bà già mang hàng lên xem thử.
Tình Vân vâng lời đi sang, kéo vạt áo mụ Tiết nói: “Bà chủ tôi mời bà sang”.
Mụ Tiết cố ý hỏi: “Nhà ai vậy cơ?”
Tình Vân nói: “Nhà họ Tưởng ở ngay đối
diện”. Mụ Tiết bèn giật lấy hết hàng, vội vàng gói lại, miệng nói: “Tôi
không có rảnh mà lôi thôi mãi với ông”. Đại Lang nói: “Thế thêm một ít
nữa có bán không?”
“Không bán, không bán. Giá như thế thì tôi đã bán hết từ lâu rồi”.
Vừa nói vừa cho hàng vào hòm, khóa lại
như cũ rồi ôm đi. Tình Vân nói: “Để cháu mang cho bà”. “Không cần đâu”.
Thế rồi đi thẳng sang nhà đối diện.
Trần Đại Lang trong bụng mừng thầm, cũng thu chỗ bạc lại, chào người coi cửa hiệu rồi về. Thật là: “Mắt đã nhìn
cờ thắng. Tai đã nghe tin vui”.
Tình Vân dẫn mụ Tiết lên lầu gặp Tam
Xảo. Nhìn thấy nàng mụ nghĩ: “Thật là người trời! Thảo nào mà Trần Đại
Lang mê mệt. Mình mà là đàn ông thì cũng đổ”. Rồi mụ nói: “Già này nghe
tiếng bà là người hiền thục sáng suốt, nhưng không có duyên làm quen”.
Tam Xảo hỏi: “Bà cụ quý tính là gì?”.
“Già này họ Tiết, nhà ở hẻm phía đông gần đây, cũng là lân lý với bà đấy mà”. Tam Xảo hỏi: “Những thứ vừa rồi sao bà không bán?”. “Không bán thì già này mang đi làm gì? Chỉ nực cười cho cái ông khách ấy, được cái mẽ
người tài giỏi nhưng không biết nhìn hàng”.
Nói rồi mở cái hòm, lấy ra mấy thứ trâm
cài, bông tai cho Tam Xảo xem, miệng nói: “Bà xem, những thứ nữ trang
này, đến tiền công làm cũng bao nhiêu đấy chứ!” Lại nhấc ra mấy chuỗi
hạt châu nói: “Còn loại hạng nhất này, có nằm mơ!”. Tam Xảo hỏi chàng
kia trả giá thế nào. Mụ Tiết nói: “Người nhà đại gia bao giờ cũng thấy
nhiều biết rộng, so với bọn đàn ông kia tinh tường hơn chục lần”.
Tam Xảo gọi a hoàn pha trà. Mụ Tiết nói: “Khỏi phiền trà nước gì. Già này còn có việc cần phải đi sang phố đằng
kia, gặp người khách này mất bao nhiêu thì giờ, đúng là mua bán chẳng
xong, lỡ cả công chuyện. Bây giờ cái hòm này khóa rồi cứ để đây, nhờ bà
giữ hộ, già này đi một lát sẽ quay lại ngay”. Nói xong đi ra. Tam Xảo
bảo Tình Vân đưa bà ta xuống lầu. Ra khỏi cửa, bà ta đi về hướng Tây.
Trong bụng rất thích mấy thứ đồ đó, Tam
Xảo cứ đợi bà ta đến để mua. Suốt năm ngày không thấy đến. Đến trưa ngày thứ sáu, trời bỗng đổ một trận mưa lớn. Chưa dứt tiếng mưa bỗng nghe
tiếng gõ cửa cồm cộp. A hoàn ra mở cửa, thấy mụ Tiết quần áo ướt sũng,
cầm cái dù rách bước vào, miệng nói: “Tạnh ráo không chịu đi, cứ đợi mưa dầm dề!”. Rồi để cái dù cạnh cầu thang, lên lầu chào hỏi: “Thưa bà chủ, bữa trước tôi sai hẹn”. Tam Xảo vội vàng đáp lễ rồi hỏi: “Mấy hôm vừa
rồi bà đi đâu vậy?”
“Con gái mới sinh thêm đứa cháu ngoại,
già này đến thăm. Ở lại mấy ngày, sáng nay mới về. Nửa đường trời mưa
nên phải vào nhà người quen mượn cái dù, cũ rách nhưng không phải vận
đen”.
“Bà được mấy người con trai con gái?”
“Chỉ một thằng con trai, lấy vợ rồi. Con gái thì có bốn cô, cô này là thứ tư, lấy làm lẽ cho ông Chu Triều Phụng ở Huy Châu, mở cửa hàng bán muối ở ngay phía ngoài cửa Bắc này”.
“Bà có nhiều con gái, sao không để họ
làm cho. Mà bản hương bản địa thiếu gì người một vợ một chồng, sao lại
đi lấy lẽ người khác quê?”. “Người khác quê nhưng có tình, tuy làm lẽ
nhưng vợ cả chỉ ở tại nhà. Con gái tôi ở tại cửa hiệu, sai bảo kẻ hầu
người hạ, quyền hành mọi thứ. Già này mỗi lần đến thăm đều được đối đãi
là bậc người trên. Bây giờ con gái đẻ đứa con trai lại càng sướng nữa”.
Tam Xảo nói: “Thế cũng là nhờ bà mà được vậy”. Vừa lúc Tình Vân bưng trà lên, hai người cùng uống. Lúc này mụ
Tiết nói: “Hôm nay trời mưa, chẳng có việc gì, già này cả gan muốn bà
cho xem một chút đồ trang sức của bà, được thấy đồ khéo đẹp cũng thích
cái bụng”.
Tam Xảo nói: “Tôi sống cũng bình thường thôi, bà chớ có cười”.
Bèn lấy chìa khóa, mở rương hòm, lần
lượt lấy ra rất nhiều vòng, xuyến, dây đeo. Mụ Tiết xem, khen mãi, rồi
nói: “Bà có những đồ quý lạ thế này, còn để ý gì đến mấy thứ của tôi”.
Tam Xảo nói: “Bà nói quá. Tôi đang muốn biết bà bán thực giá bao
nhiêu?”. “Bà là người biết hàng biết của, tôi còn phải nói dông dài làm
gì”. Tam Xảo thu các thứ lại rồi lấy cái hòm của mụ Tiết gửi ra đặt lên
bàn bảo: “Bà mở ra kiểm lại cho rõ ràng”. Mụ Tiết nói: “Bà kỹ tính quá”. Rồi mở ngay cái hòm lấy ra từng thứ một. Tam Xảo trả giá cũng không
chênh lệnh mấy. Mụ Tiết chẳng tranh cãi gì, vui vẻ nói: “Như vậy thì
cũng chẳng uổng, tôi có thiệt bớt mấy quan cũng không sao”. Tam Xảo nói: “Có điều là hiện chưa đủ tiền, chỉ có thể đưa bà một nửa, đợi quan nhân tôi về sẽ trả hết. Cũng chỉ mấy ngày nữa là ông ấy về thôi”. Mụ Tiết
nói: “Chậm vài ngày không sao, chỉ có là giá cả nhân nhượng nhiều quá
thì bạc phải là bạc đủ tuổi đấy”. Tam Xảo nói: “Chuyện đó có khó gì”,
bèn chọn ra mấy thứ trang sức vài hạt châu thật thích, gọi Tình Vân dọn
rượu cùng ngồi uống với mụ Tiết. Mụ nói: “Quấy rầy làm phiền bà quá”.
Tam Xảo nói: “Thường cũng rảnh rỗi thôi. Bà đến là có bạn trò chuyện. Nếu bà không ngại thì năng lại chơi”.
“Đa tạ bà có lòng yêu. Nhà tôi thì ồn ào không chịu được. Ở đây thanh tĩnh nhàn nhã quá”.
“Con trai bà buôn bán cái gì?”
“Cũng chỉ tiếp những ông khách mua bán
hạt châu, hàng ngày kiếm chút rượu. Già này may mà cứ đi hết nhà này đến nhà kia, rất ít ở nhà nên cũng được. Nếu chỉ quẩn quanh trong sáu thước đất thì ngốt chết mất”.
Tam Xảo nói: “Nhà tôi cũng gần, nếu không ngại thì cứ lại chơi chuyện vãn”.
“Cũng chả dám đến quấy rầy nhiều”.
“Bà nói gì vậy?”
Chỉ thấy hai đứa a hoàn luân phiên đi đi lại lại, bày ra hai bộ bát đũa, hai tô gà, hai bát thịt muối, hai đĩa
cá tươi, rồi các loại rau trái, tất cả mười sáu cái bát đĩa.
Mụ Tiết nói: “Sao thịnh soạn thế này”.
“Toàn có sẵn cả, bà đừng chê dở nhé”.
Tam Xảo nói xong rót rượu mời mụ
Tiết. Mụ Tiết đáp lễ lại, rồi hai người đối diện cùng uống. Tam Xảo tửu
lượng cũng khá, mụ Tiết lại là một cây rượu, giờ ăn uống thấy thỏa lòng, chỉ giận là gặp nhau muộn quá. Hôm đó ăn uống cho đến chập tối. Tạnh
mưa thì mụ Tiết từ tạ xin về, Tam Xảo lại lấy ra chiếc chén lớn bằng bạc mời thêm mấy chén rượu nữa rồi cùng ăn cơm tối luôn. Nàng nói: “Bà hãy
ngồi lại chút nữa, tôi xin gửi bà nửa số tiền”.
Mụ Tiết nói: “Muộn quá rồi. Bà cứ tự
nhiên, chẳng vội gì đêm nay, để sáng mai tôi lại nhận cũng được mà. Cả
cái hòm này, tôi cũng không mang về đâu, sợ đường bùn lầy trơn trượt khó đi”.
Tam Xảo nói: “Thế thì ngày mai tôi đợi bà”. Mụ Tiết chào rồi xuống lầu, cầm cái dù rách ra về.
Lại nói Trần Đại Lang chờ mãi đã mấy
ngày mà vẫn bặt vô âm tín. Hôm đó trời mưa, chàng ta đoán bà già này
chắc ở nhà, bèn lội bùn đạp nước vào thành để xem tin tức ra sao. Trước
hết vào quán rượu uống mấy chén, ăn chút điểm tâm rồi đến nhà mụ Tiết,
hỏi thăm thấy vẫn chưa về. Trời đã tối, đang tính quay về thì nhìn thấy
mụ Tiết mặt tươi hơn hớn, chân bước xiêu vẹo, đang đi vào hẻm. Đại Lang
đón mụ, vái chào rồi hỏi: “Chuyện bà nói thế nào rồi?”
Mụ vẩy tay nói: “Còn sớm mà. Bây giờ mới gieo hạt thôi còn chưa nảy mầm, phải năm sáu hôm nữa, khai hoa kết quả
rồi mới tới được miệng ông. Ông đừng có dò hỏi gì ở đây, tôi không rỗi
hơi”. Thấy mụ ta say. Đại Lang đành quay về.
Ngày hôm sau, mụ Tiết mua một ít trái
cây đầu mùa, ít thịt cá tươi, nhờ một người đầu bếp nấu thành món đàng
hoàng, lại mua thêm hai bình rượu ngon, đưa đến nhà họ Tưởng.
Tam Xảo hôm đó chưa thấy mụ, vừa bảo Tình Vân mở cửa ra ngóng thì đúng lúc mụ tới.
Tình Vân báo cho bà chủ biết. Tam Xảo
xem mụ như khách quý, ra tận cầu thang đón. Mụ Tiết cảm ơn một hồi rồi
nói: “Hôm nay già này ngẫu nhiên có được ly rượu nhạt, đem tới uống với
bà cho vui”.
Tam Xảo nói: “Bà già này lại đáp lễ rồi, tôi chả nên nhận đâu”. Mụ Tiết cứ giục hai a hoàn bày cả lên bàn. Tam
Xảo nói: “Bà bày vẽ quá”. Mụ Tiết cười: “Nhà nghèo, chả kiếm được gì
ngon, chỉ chút rau dưa mời bà!”
Tình Vân lấy bát đũa ra. Noãn Tuyết đốt
lò lên. Một lát, rượu được hâm nóng, mụ Tiết nói: “Hôm nay là chút lòng
của già này, xin mời bà chuyển sang ghế khách”. Tam Xảo nói: “Ở tại nhà
tôi, ai lại thế!” Hai bên nhường nhau mãi, cuối cùng mụ Tiết đành ngồi
ghế khách. Thế là lần thứ ba gặp nhau, càng thấy thân thuộc.
Giữa chừng, mụ Tiết hỏi: “Quan nhân nhà
ta đi lâu thế chưa về, sao lại bỏ được bà ở nhà vậy?”. Tam Xảo nói: “Thế đấy, bảo đi một năm rồi về mà không hiểu sao lại thất hẹn thế”. Mụ Tiết nói: “Theo già này thì bỏ một nương tử như hoa như ngọc thế này thì có
kiếm hàng đống vàng đống ngọc cũng chẳng bằng”. Rồi lại nói: “Đại phàm
những người đi giang hồ thường coi khách là nhà, coi nhà là khách. Như
thằng con rể thứ tư của tôi là Chu Triều Phụng ấy, có vợ nhỏ rồi là sớm
tối vui vầy còn nghĩ gì đến nhà nữa, có khi ba bốn năm mới về một lần. Ở chưa được hai tháng lại đi. Con vợ ở nhà một mình vò võ, có biết đâu
chuyện bên ngoài của hắn”.
Tam Xảo nói: “Quan nhân nhà tôi thì
không phải loại người như vậy”. “Tôi chỉ nói chuyện vậy thôi chứ đâu dám so sánh đất với trời”.
Hôm đó hai người uống say mèm mới chia tay. Ngày thứ ba, mụ đến nhận nửa số tiền, Tam Xảo lại giữ lại ăn điểm tâm.
Từ đó trở đi, lấy lý do còn nửa món
tiền, mụ Tiết luôn luôn qua lại hỏi tin tức của Hưng Ca. Mụ này miệng
lưỡi nhanh nhẹn, nói chuyện rất vui, lại thân mật với cả bọn a hoàn nên
ai cũng thích. Tam Xảo cứ một ngày không thấy mụ là cảm thấy buồn tẻ,
bèn bảo bọn gia nhân hỏi biết nhà để luôn luôn tới mời mụ. Trên thế gian này có bốn loại người nếu dính với họ là không thể rời được nữa. Bốn
loại đó là: Tăng đạo, hành khất, kẻ ngồi dưng và đàn bà khéo mồm. Ba
loại đầu còn đỡ, chứ loại đàn bà mồm mép này có thể luồn lỏi khắp mọi
nhà. Cứ bà nào cô nào sợ sự lặng lẽ cô đơn thì cần họ tới lui. Mụ Tiết
này vốn là kẻ xấu bụng, nhưng bằng những lời lẽ ngọt nhạt đã được Tam
Xảo xem như bạn thân thiết, không thể thiếu được. Thật đúng là: “Họa hổ
họa bì, nan họa cốt. Tri nhân tri diện, bất tri tâm” (Vẽ hổ vẽ da, xương khó vẽ. Biết người, biết mặt, bụng không lường).
Trần Đại Lang mấy lần hỏi tin tức, mụ
Tiết đều nói là chưa vội. Đến trung tuần tháng năm, tiết trời nóng dần,
mụ Tiết trong khi trò chuyện với Tam Xảo chợt kể là nhà mình ở chật quá, lại hướng Tây, ngày hè rất khổ sở chứ không mát mẻ thoáng đãng như ở
đây. Tam Xảo nói: “Nếu bà bỏ nhà được, đến đây ngủ cũng được đấy”. “Được thì được quá, chỉ sợ ông nhà về thôi”. “Ông ấy có về cũng không phải
lúc nửa đêm canh ba đâu”. “Bà không thấy phiền thì tối nay tôi sẽ mang
chăn màn tới làm bạn với bà được không?” Tam Xảo nói: “Chăn màn có cả
rồi, không cần phải mang tới. Bà cứ về nói với nhà một tiếng rồi đến
đây”.
Mụ Tiết nói với con trai, con dâu rồi
chỉ mang theo hộp gương lược đi. Tam Xảo nói: “Bà thật lắm chuyện, chả
lẽ nhà tôi không có dầu sáp gương lược sao mà phải mang tới?” Mụ Tiết
nói: “Già này xưa nay sợ dùng chung chậu chải chung lược. Bà dùng những
thứ sang tôi đâu dám dùng, còn của các cô kia thì cũng chịu, tốt nhất là mang của mình tới. Thế bà cho tôi ở phòng nào?” Tam Xảo trỏ khoang nhỏ
trước giường mình nói: “Tôi định để bà ngủ chỗ này để hai ta gần gũi,
đêm không ngủ được thì trò chuyện với nhau”.
Nói rồi lấy ra một tấm mùng bằng sa màu
xanh nhạt bảo mụ tự treo lên, rồi cùng ăn uống với nhau một lúc mới đi
ngủ. Hai đứa a hoàn vốn nằm chỗ trước giường chủ, nay có bà già thì
chúng ra ngủ ở phòng gần cạnh.
Từ hôm đó, mụ Tiết cứ ban ngày len lỏi
các phố buôn bán, chiều tối đến nhà họ Tưởng ngủ. Hai người nằm tuy cách cái màn song cũng giống như ngủ chung. Ban đêm cứ thì thà thì thầm
người hỏi người đáp, mọi chuyện phố xá, cái gì cũng nói. Mụ Tiết có lúc
loáng choáng, kể nhiều chuyện hồi trẻ đi với trai, khơi gợi lòng xuân
của bà chủ này khiến gương mặt trẻ măng xinh đẹp đỏ bừng rồi lại nhạt,
rồi lại đỏ bừng. Mụ già biết nàng đã động lòng.
Thời gian thấm thoát, lại đã đến mùng 7
tháng 7, sinh nhật của Tam Xảo. Sáng sớm, mụ Tiết đã chuẩn bị hai món để mừng. Tam Xảo cảm tạ, giữ mụ lại ăn mì, mụ nói: “Hôm nay già này bận
lắm, để đến tối sẽ lại cùng bà xem Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau”. Nói rồi
ra về.
Xuống thang, đi được mấy bước thì gặp
Trần Đại Lang. Trên đường không tiện nói chuyện hai người đi đến chỗ hẻm vắng. Đại Lang cau mày oán trách: “Bà nhiêu khê quá, xuân qua hè lại,
bây giờ đã sang thu rồi mà cứ hôm nay bảo chưa vội, ngày mai cũng chưa
vội, không biết là tôi sốt ruột đến thế nào. Kéo dài đến mấy ngày nữa,
chồng nàng ta về thế là chuyện này xuống sông xuống biển, hại chết tôi
à! Xuống âm ty thế nào tôi cũng đòi mạng bà”.
Mụ Tiết nói: “Cậu đừng có cáu, già này
đang định đến tìm thì vừa hay gặp ở đây. Việc có thành hay không là ở
đêm nay, cậu cứ phải làm theo tôi bảo, như thế như thế. Phải hết sức khẽ khàng, đừng để ai biết”.
Đại Lang gật gật đầu: “Kế hay, kế hay! Xong được việc nhất định sẽ có hậu tạ”. Nói rồi hớn hở bước đi.
Hôm đó, buổi chiều trời mưa nhỏ hạt, tối đến chẳng có trăng sao. Mụ Tiết mò mẫm dẫn Đại Lang đến mai phục chỗ
phía trái gần đó, còn mình đến gõ cửa. Tình Vân thắp nến ra mở. Mụ cố ý
sờ sờ vào ống tay áo nói: “Rơi đâu mất chiếc khăn tay rồi. Cô Tình phiền cô tìm giúp một chút!”. Giọng dỗ dành khiến Tình Vân phải rọi đèn ra
đường phố. Mụ già thừa cơ ra hiệu cho Đại Lang lẻn vào nhà, đến mai phục ở chỗ trống sau cầu thang. Rồi mụ già kêu lên: “Thấy rồi, thôi đừng tìm nữa!”. Tình Vân nói: “Hay quá đèn cũng vừa tắt, cháu đi thắp lại cho
bà”. “Lối đi quen rồi chẳng cần đèn đâu”.
Hai người mò mẫm đóng cửa rồi lên lầu.
Tam Xảo hỏi: “Bà mất cái gì vậy?”. Mụ Tiết rút cái khăn nói: “Cái oan
gia này đây, tuy chẳng đáng mấy tiền nhưng là của khách hàng ở Bắc Kinh
tặng, của ít lòng nhiều mà”. Tam Xảo nói đùa: “Chứ không phải quà của
ông già nào tặng hả?”. Mụ Tiết cười: “Đại khái cũng như thế”.
Tối đó, hai người vui vẻ uống rượu. Mụ
Tiết nói: “Thức ăn ngon nhiều thế này, sao không cho bọn hầu hạ nhà bếp
ăn với, bảo bọn chúng làm trò gì vui nhộn như ngày lễ đi!”. Tam Xảo liền lấy bốn bát thức ăn và hai bình rượu đưa cho bọn a hoàn đem xuống lầu.
Hai vú già và một anh đàn ông ăn một lúc rồi đi nghỉ cả.
Trên này, mụ Tiết đang uống rượu hỏi:
“Quan nhân sao mãi chưa về?”. Tam Xảo nói: “Thế đấy, tính ra đã một năm
rưỡi rồi”. Mụ Tiết nói: “Ngưu Lang Chức Nữ một năm gặp nhau một lần, bà
với ông nhà xa nhau hơn họ nửa năm. Người ta thường nói: “Nhất phẩm
quan, nhị phẩm khách”, làm khách thương thì chỗ nào chẳng có chuyện
phong hoa tuyết nguyệt. Chỉ khổ cho người đàn bà ở nhà thôi”. Tam Xảo
thở dài cúi đầu im lặng. Mụ Tiết nói: “Già này lắm lời quá rồi. Đêm nay
là ngày vui của Ngưu Lang, chỉ nên uống rượu vui vẻ, không nên nói
chuyện buồn”. Nói rồi rót rượu mời bà chủ. Thấy đã ngà ngà, mụ đem rượu
cho hai a hoàn, nói: “Đây là rượu chúc mừng cho Ngưu Lang Chức Nữ, các
cô hãy uống thêm vài chén, sau này lấy được ông chồng thương yêu nhau,
một bước chẳng rời”. Hai đứa không chối được, gắng uống đến nỗi say ngả
say nghiêng. Tam Xảo bảo đi đóng cửa rồi cho chúng đi ngủ trước. Còn lại hai người uống thoải mái.
Khi ăn, mụ Tiết luôn miệng trò chuyện:
“Bà lấy chồng lúc bao nhiêu tuổi?” - “Mười bảy tuổi” - “Thất thân muộn
thế khỏi thiệt, tôi mười ba tuổi đã thất thân rồi” - “Sao lấy chồng sớm
thế?” - “Thật sự lấy chồng thì mười tám tuổi. Chẳng dấu gì bà, hồi đó
tôi học may vá ở nhà bên cạnh, bị thằng chồng nó dụ dỗ, lúc đó cũng ham
thấy nó đẹp đẽ, thế là bị với nó. Lần đầu rất đau, hai ba lần sau thì
sướng. Chắc bà cũng thấy thế chứ gì?”.
Tam Xảo chỉ cười. Mụ nói tiếp: “Cái
chuyện ấy nếu chưa biết thì không sao, biết mùi rồi không quên được,
người cứ rấm rứt, ban ngày còn đỡ chứ ban đêm thật khó chịu”. Tam Xảo
hỏi: “Khi còn ở nhà bà đã ân ái nhiều lần như vậy, làm sao thành gái
trinh mà đi lấy chồng được?”. “Mẹ tôi cũng biết chuyện tôi, sợ sinh
chuyện bẽ mặt, mới bảo tôi cách làm cho thành đồng nữ, tức là lấy nước
vỏ thạch lựu nấu với phèn chua sống đem bôi. Rồi tôi giả bộ kêu đau thế
là che mắt được”.
Tam Xảo lại hỏi: “Lúc còn chưa lấy chồng, ban đêm bà cũng thường phải ngủ một mình chứ gì?”.
Mụ tiết nói: “Còn nhớ hồi ấy ở nhà, anh
trai tôi đi xa, tôi ngủ với chị dâu.” - “Hai người đàn bà ngủ với nhau
thì có gì thú?”. Mụ bước sang ngồi sát vào người Tam Xảo nói: “Bà không
biết đấy thôi, chỉ cần hai người hiểu nhau, biết lòng nhau, cùng thấy
thú là cũng giải quyết được”. Tam Xảo giơ tay đánh một cái vào vai mụ
nói: “Tôi không tin, bà nói xạo”. Mụ thấy nàng ta lòng dục đã động, bèn
cố ý khêu gợi, nói: “Tôi năm nay 52 tuổi rồi mà ban đêm thường cũng thấy không chịu được vì chuyện ấy, huống hồ bà còn trẻ, khổ thật” - “Bà
không chịu được thì đi hoang chứ?”. Mụ nói: “Hoa héo liễu khô rồi, bây
giờ ai mà còn ham tôi nữa. Chẳng dấu gì bà, tôi cũng có một cách tự cứu
mình làm cho mình sướng.” - “Bà chỉ xạo, cách gì nào?” - “Để chút nữa
lên giường ngủ tôi sẽ nói kỹ với bà”.
Lúc đó, có một con thiêu thân bay tới
lượn quanh ngọn nến, mụ Tiết bèn cầm quạt đập, cố ý quạt lửa tắt luôn.
Mụ nói: “Ấy à! Tôi phải tự đi thắp đèn thôi!”. Bèn mở cửa ra ngoài. Lúc
này Trần Đại Lang đã bước lên thang lầu, phục sẵn cạnh cửa từ lâu rồi -
đó đều là kế của mụ Tiết. Mụ nói: “Ôi quên mang cái châm đèn rồi”, lại
bước quay trở lại đồng thời dẫn Đại Lang vào chỗ cái phản mình nằm, phục tại đó. Mụ xuống lầu một lát, quay trở lên nói: “Khuya quá rồi, bếp núc tắt hết lửa, làm thế nào đây?”. Tam Xảo nói: “Tôi quen ngủ có đèn rồi,
trời tối mò mò sợ lắm”. Mụ Tiết nói: “Tôi cùng ngủ với bà được không?”.
“Tốt quá!”. Mụ nói: “Bà lên giường trước đi, tôi đóng cửa rồi đến ngay”.
Tam Xảo cởi quần áo, trèo lên giường,
nói: “Bà cũng mau đi ngủ đi”. Mụ đáp: “Vâng, tôi đến ngay đây!”. Nói vậy nhưng lại tới chỗ phản kéo Trần Đại Lang dậy, đẩy anh chàng mình trần
như nhộng này đến giường của Tam Xảo.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT