Cắm trại? Một hình thức vui chơi mà bất cứ học sinh nào nghe tới cũng
phải rạo rực, háo hứng mà đăng ký ngay tắp lự, huống gì là cắm trại cuối khoá. Đó sẽ là một mốc kỉ niệm đáng nhớ. Dường như cái áp lực thi cử
càng tới gần, thì những tình cảm bịn rịn không nỡ rời càng thể hiện rõ
ra bên ngoài, chứ không như trước ẩn giấu sau những cử chỉ qua loa, hay
cái ngại ngùng.
Bởi thế, dù cắm trại cho đến quen thuộc những
cái chương trình, chúng tôi vẫn muốn là một phần trong đó. Không quan
tâm đến nội dung ra sao, chỉ biết rằng đó sẽ là một cơ hội. Một cơ hội
để chúng tôi phác thảo bức tranh kỉ niệm một cách rõ nét hơn.
-Thằng Tín, kéo cao cái cờ lên một chút!
Tôi vịn tay vào cột trại, đứng trên thang chỉnh lá cờ theo tiếng thằng
Hoàng chỉ đạo ở dưới. Cổng trại năm nay cũng được làm hoàng tráng hơn
hẳn, thế nên cái thân tôi mới khốn khổ leo lên chỉnh chỉnh sửa sửa như
thế này đây.
-Được chưa mày?
Nhìn xuống đất nó đã chạy
đi đâu mất tiêu, để tôi đứng trên cái thang cao, tự nhìn ra xung quanh.
Mấy đứa khoá sau, đặc biệt là lớp mười thì lần đầu tiên tham dự nên hào
hứng lắm, chạy lăng xăng xem các anh chị khoá trên làm những gì để lấy
kinh nghiệm. Còn mấy anh chị khoá trên thì cứ tụm nhau lại mà cười nói
râm ran. Một khoảng không trước đây là sân sau toàn đất cát, nay rực rỡ
màu sắc và náo nhiệt đến lạ kỳ.
-Tín, cẩn thận té giờ!
Tôi ngoái nhìn xuống, nhoẻn miệng cười, nhanh như cắt leo vội xuống. Còn
mấy bậc nữa thì nhảy cái phốc xuống đất, thể hiện trạng thái nôn nóng
hoặc là sĩ diện bởi mấy trò linh tinh trước mặt những cô bạn gái cùng
khoá. Đây cũng có thể coi là một cách ghi điểm dị hợm của mấy đứa con
trai.
-Sao sang đây vậy?-Tôi phủi mấy vết dơ dính trên áo!
-Hì hì, thì tiện đường mà!-Yên đưa hai tay ra đằng sau.
-Có gì mà giấu ghê vậy!
Tôi đi vòng ra đằng sau, Yên lại đưa hai tay ra trước, kiểu như tôi là
chuyển động tròn đều, bị trọng tâm là Yên hút chặt, hoàn toàn không có
lực li tâm ở đây.
-Nè, bánh thôi mà!-Yên nhoẻn miệng cười.
-Ngon vậy!
Tôi nhận cái bánh, chẳng cần nhìn xem nó có phải là loại bánh tôi thích hay là ghét, mùi vị ra sao, chỉ cần ăn là tôi thấy ngọt. Chẳng biết vị Ngọt từ đâu.
Yên cũng chẳng ở lại lâu. Cô nàng cũng phải tất bật chạy về lớp làm mấy bông hoa trang trí cổng trại bên đó.
-Ế, Bánh đâu ra ngon mày!
-Né xa tao ra, mới mua!-Tôi đưa chiếc bánh ra đằng sau lưng, giơ lên cao,
chỉ sợ một phút sơ xuất, với một chú ngoạm của thằng Mập, e rằng cả cái
vỏ bánh cũng chẳng còn.
-Giúp tao treo cái dây này coi!
Buổi sáng của chúng tôi là con trai cắm đầu cần mẫn làm những công việc
nặng, còn những cô bạn cùng lớp thì ngồi trong chiếc lều vừa dựng, thoải mái làm những việc nhẹ, cười cười nói nói. Lâu lâu ngoái ra, rồi cũng
tử tế tiếp nước, mời ăn trái cây. Hoá ra, các cô nàng cũng dịu dàng chu
đáo lắm.
Xong phần dựng trại cực khổ, chúng tôi phải xếp hàng
chờ ban giám khảo xuống chấm cổng trại. Một loại tiêu chí được đề ra,
học sinh ở dưới cứ thế mà làm theo kiểu bất di bất dịch. Xong phần chấm
điểm thì chuyển qua cuộc thi cắm hoa.
Đáng lý đó sẽ là phần nấu
ăn, nhưng vì tình trạng hai năm trước quá lộn xộn và bừa bộn nên được
giảm tải. Về phần nghệ thuật thì lũ con trai chúng tôi không có cửa so
với các cô nữ công gia chánh đảm đang, hoa tay gần mười ngón nên đành
ngậm ngùi cười toe toét tụ tập dưới gốc cây.
-Ê, tối nay làm gì cho đỡ buồn mày!
-Tao có mang bộ bài đây!
-Cá ngựa trong ba-lo tao kìa!-Thằng Kiên góp vui.
-Tao mang cái nồi theo quẹt nhọ!-Thằng Linh vẹo chuyên gia chơi những trò phải bẩn và dơ mới thoả cái tính nghịch ngợm của nó.
Thằng Phong nằm dài ra bãi cỏ, nó xoay xoay ngọn cỏ trên miệng, lúng phúng :
-Chán chết, năm ngoái cũng thế, chơi trò gì cho vui vui tí đi!
-Ờ..mày muốn chơi trò gì?-Tôi hỏi vặn lại nó!
-Không chơi thì ăn?-Nó hào hứng trong khi cái bụng thì kêu sùng sục.
-Ăn, suốt ngày ăn!
-Ê, hợp lý mày, muốn ăn phải không?-Thằng Hoàng vỗ trán cái bốp, chắc là có sáng kiến.
Cả đám nhìn nó rồi im lặng lắng nghe, chốc chốc lại cười hí hửng.
-Thế bao nhiêu cho đủ!
-Ít thôi, nhưng phải gom tiền ra đặt trước, rồi lúc tối mình ra lấy về!
-Nhất quyết vậy đi!
Trò gì mà cả đám bày ra, đó đứa nào mà không tham gia, chúng nó chẳng lột đồ cho chạy khắp sân trường chứ chẳng chơi.
Buổi chiều thì là những gian hàng trò chơi, một kiểu vui chơi lành mạnh trở
thành truyền thống. Với những thằng học sinh như tôi, cần phải có trò gì nghịch hơn, quậy hơn thì mới hào hứng. Chứ ai đời lớn rồi, lại phải lóc cóc đi cầu khỉ, đi cà kheo để té chổng vó bao giờ cơ chứ. Ấy vậy mà, lũ con gái lớp tôi cũng chẳng tha, nhất quyết kéo đầu tụi con trai đang
nằm dài trong trại ra ngoài cho bằng được.
-Giờ là trò chơi đoán ý đồng đội!-Cô bé khoá dưới giọng khản đi vì la quá lớn.
Nhóm lớp tôi ùa vào như chợ vỡ, vơ đại mảnh giấy và đống bút rồi phân chia
cho nhau, chỉ chờ bắt đầu là chơi cái trò cũng có vẻ lý thú.
-Anh, chị ngồi riêng ra dùm em!
Cái trò chơi đơn giản, con gái ghi những câu mong ước như :Tôi muốn đi đến, hoặc tôi muốn làm, tôi muốn trở thành.. Còn con trai ghi những câu trả
lời. Một thể loại biến tướng của trò nếu thì. Những câu hỏi và câu trả
lời được trộn đều trong hai cái hộp. Và trò chơi bắt đầu:
-Tôi muốn trở thành…!-Cô bé MC đọc lớn.
-Paris, rất tiếc..!-Cậu nhóc MC cũng hào hứng tiếp lời.
Toàn những câu trật đường ray, nhưng cá biệt cũng có những câu để đời như:
-Tôi muốn trở thành…!
-Nhà vệ sinh..!-Thằng Hoàng nghe đến đây thì toét miệng cười trước câu trả lời của nó.
-Tôi muốn hát bài hát..!
-My love, rất hợp lệ và ý nghĩa, mời anh chị!
Thằng Kiên và con Trang lớp tôi rõ ràng là đã nháy mắt với nhau từ trước nên
dễ dàng đến thế, nhìn mặt hai đứa cười gian xảo mà cả đám tức anh ách.
-Tôi muốn đọc…!
-Gone with the wind!
Tôi sững người khi đến cái đáp án của mình, và còn bất ngờ hơn khi Dung là
người đặt câu hỏi. Chẳng hiểu tình cờ đến đâu, tôi bí bách câu trả lời
nên viết đại là Gone with the wind, cái từ anh Văn mà tôi còn nhớ lúc
học tối hôm trước. Cả hai đứa tôi nhìn nhau, rồi lại chẳng nhìn ai, nhìn trời nhìn đất mà đi lên nhận quà.
Hai cái kẹo mút vị dâu.
-Em đổi cho anh lấy vị bạc hà với cà phê được không!
Cô bé MC chắc thấy tôi nhẹ nhàng và lịch sự nên lễ phép làm theo. Tôi chìa cho dung cái kẹo vị bạc hà quen thuộc của cô nàng. Dung gật đầu cảm
ơn.
-Ê, Gone with the wind là gì hả mày?-Thằng Hưởng vỗ vai tôi kéo giật lại, chắc là chưa hiểu vì sao tôi được giải.
-Gone là đi, with là với, the wind là gió. Đi với gió!Tôi tếu táo trả lời nó.
*Và chắc thời gian sau nó cũng biết rằng đó là tên tiểu thuyết kinh điển
Cuốn Theo Chiều Gió, chứ không phải là cái nghĩa mà tôi đã loè nó*.
Lớp chúng tôi đông đúc, kéo đi đến gian hàng nào dường như gian hàng đó tan hoang. Không bị lấy hết phần thưởng thì đôi ba cái dụng cụ bị hư, hoặc
cô bé MC nào mà xinh xắn, thể nào cũng bị mấy thằng ghẹo cho đến đỏ mặt
mới thôi.
Chơi chán chê cả lớp kéo nhau về hò hét, tranh nhau ăn tối. Chúng tôi bớt ồn ào náo nhiệt, lặng lẽ nhanh gọn, kỷ cương, ăn
xong buổi tối là lo phụ trang, chuẩn bị cho tiết mục văn nghệ được lọt
vào vòng trong, đua tranh với mười lăm tiết mục còn lại.
Hơi run và có chút âu lo, Trang dắt tay tôi bước lên sân khấu sáng choang, bên
kia sân khấu, thằng Phong mập mặc quần kéo quá rốn khiến cho khán giả
cười nắc nẻ.
-Oà oà..hu hu..!-Vừa đi vừa khóc, vừa đút bình sữa vào miệng, tôi lại gây thêm những tràng cười cộng hưởng nữa.
-Ngày đầu tiên đi học, Mẹ dắt tay tới trường, em vừa đi vừa khóc, Mẹ dỗ dành yêu thương..!-Đám đồng ca nhịp nhàng du dương.
Khán giả trầm lắng thưởng thức. Rồi bật cười nghiêng ngả, cảnh tôi đạp
thằng bạn rớt xuống xe để chạy lại chở một cô gái dễ thương. Thằng Mập
diễn đạt đến nổi nó còn chổng vó lên trời, nom cứ như tôi toàn lực đạp
nó vậy. Chẳng hiểu sao mà cái cảnh đó thì dàn đồng ca lớp tôi lại hát:
-Tình bạn sẽ luôn luôn còn mãi, tình bạn sẽ luôn luôn còn hoài!
Cảnh cuối cùng, cũng là cảnh thằng Mập đạt học bổng đi du học. Tôi bùi ngùi, đưa ngón tay có dính chút ớt do thằng bạn cùng lớp chuẩn bị, lướt qua
mắt một chút là nước mắt cứ thế mà trào ra. Tôi thì trong lòng cười gần
chết, còn khán giả ở dưới thì im lặng, bồi hồi và xúc động. Dường như
nước mắt ai cũng rưng rưng.
Diễn văn nghệ kết thúc, cũng là lúc
tất cả tập trung ra sân đốt lửa trại. Nhưng tuyệt nhiên, cả lớp chúng
tôi có tìm xóm nhà lá thì chắc chắn cũng chẳng thấy đâu.
-Nè, của mấy đứa!-Cô bán hàng cười chào mấy thằng nhóc còn nhễ nhại mồ hôi!
-Dạ, con cảm ơn, con gửi tiền luôn ạ!-Thằng Phong Mập ôm ba con gà đã được
làm sạch sẽ, gói trong lớp báo và được bọc lại cẩn thận.
Thằng Kiên cận cũng vừa tới, giơ hai cái vỉ nướng ra cười đắc thắng.
Năm phút sau, thằng Hưởng và Linh vẹo cùng thằng Hoàng giơ gói muối, chanh
và tiêu. Nhóm của thằng Nhân đen thì than và hộp quẹt. Còn tôi thì một
thùng nước ngọt.
-Xong chưa, giờ sao?
-Giờ chưa được, phải mười một giờ cho Thầy phụ trách nghỉ ngơi đã!-Thằng Kiên đã chuẩn bị kỹ lưỡng mọi tình huống.
Chúng tôi tiếp tục ngồi trong trại canh chừng và hào hứng với màn nướng gà
xuyên đêm, bởi thế cái lửa trại đang cháy phừng phừng ngoài kia có hình
dạng ra sao, không khí thế nào thì tuyệt nhiên chúng tôi không hề được
ngó qua một chút.
Lửa trại gần tan, từ ngọn lửa cao vút nay cháy nhẹ với những miếng gỗ còn sót lại. Thỉnh thoảng đùa với làn gió bùng
lên. Các nhóm vẫn ở ngoài đó, đàn hát cho nhau nghe. Riêng chúng tôi,
giờ mới là lúc hội trại bắt đầu.
-Đào lỗ đi mày!-Thằng Hưởng có lẽ là chuyên gia!
Cầm những chân bàn hư kiếm được gần kho dụng cụ, mấy thằng lựa khoảng đất
mềm rồi đào lỗ, đưa than xuống, nổi lửa. Khi than hồng lên, ửng đỏ là
lúc những miếng thịt gà được đặt lên.
Đáng lẽ bữa tiệc hôm đó
chỉ có xóm nhà lá chúng tôi, nhưng thằng Kiên cận lại rủ thêm Trang, mà
Trang lại rủ thêm Nguyệt,Hằng và Dung, rồi Hằng theo phản ứng dây chuyền lại rủ thêm cô bạn lớp phó học tập.
-Wow! Nhìn ngon quá vậy!-Hằng bán chanh la lớn!
-Chuyện, tụi này mà!-Thằng Phong mập ưỡn cái ngực toàn mỡ của nó lên tự hào.
Vì số lượng người tăng đột biến nên lương thực thực phẩm không đủ, buộc chúng tôi phải xoay trở thêm.
-Nhà ông tao gần đây có trái cây!
-Tao với Nguyệt đi mua bánh mì, thêm Phong mập với Hằng đi nữa!
Vậy là chúng tôi tách nhau ra làm ba nhóm. Nhóm ở lại nướng gà, nhóm đi mua bánh mì, và nhóm chúng tôi, lại có Dung đi hái trái cây.
Cả nhóm nhìn vào ngôi nhà yên ắng, không một chút ánh sáng hoặc tiếng động, chứng tỏ gia chủ đã lên giường đi ngủ.
-Giờ sao?-Tôi đưa mắt nhìn nó.
Thằng Linh vẹo quả nhiên là chiến hữu dám nói dám làm. Nó quyết định tổ chức
trộm trái cây của nhà Ông nó. Nói là trộm thì hơi quá, đúng ra chỉ là
việc cháu trai đến hái trái cây trước, vì không kịp xin phép Ông thôi.
Tôi và thằng Linh vẹo thả dép, leo lên hàng rào, đu sang cành Xoài gần đấy. Dưới ánh trăng mờ mờ ảo ảo, hai thằng cẩn thận từng bước đi, trong
tiếng đập liên hồi của quả tim, tiếng dế kêu rả rích, và tiếng thì thầm
của Dung, đòi hai đứa phải xuống và ra về ngay tắp lự.
-Nè, đủ rồi đấy mày!-Thằng Long con cầm bọc xoài hí hứng báo hai đứa.
-Ờ, được rồi…tao xuô….rắc.!
Thằng Linh vừa đạp nhầm cái cành cây khô, nó rơi xuống đất gây ra một tràng
tiếng động. Trong đêm khuya tĩnh mịch, tiếng lá cây khô trên cành cây
vừa rơi xuống gây nên một tràng âm thanh mà với chúng tôi lúc đó là đủ
to.
-Gâu gâu…..!-Tiếng mấy con chó trong nhà bắt đầu sủa lên inh ỏi.
Tôi và thằng Linh đồng thanh im hơi lặng tiếng, không di chuyển, nhưng mấy đứa khác thì không có kinh nghiệm như thế.
-Chó, chạy đi hai thằng mày ơi!
Tiếng chó sủa càng dữ tợn hơn, và những nhà xung quanh bắt đầu sáng đèn. Tôi
và thằng Linh chẳng thằng nào nói thằng nào, nhảy phốc xuống, khụm người tiếp đất từ cái hàng rào mà chật vật lắm mới leo lên được. Mang đôi dép và bắt đầu mở hết tốc lực.
-Đứa nào làm gì ngoài đó!-Ánh đèn
pin rọi ra, xuyên qua mấy tán cây xoã, những mắt cáo lưới rào làm loá
mắt. Tiếng mở cửa lạch cạch mấy nhà bên cũng vang lên.
-Chạy!-Là từ duy nhất mà tôi còn hét lên được. Và đám bạn tôi hoảng sợ, chạy tứ tung hết cả lên.
Tiếng chó sũa dữ dội đằng sau, làm mấy nhà gần đó đồng loạt thức giấc, chạy
ra xem có chuyện gì. Tôi chỉ biết lúc đó kịp nắm tay Dung mà kéo đi! Mỗi đứa lo chạy thục mạng đến nỗi xoài rớt dọc đường cũng chẳng thằng nào
dám quay lại nhặt. Tiếng la hét, chửi bới vang lên từ phía sau.
Tôi thả tay Dung, thở dốc. Dung dựa lưng vào tường mặt tái mét, hình như
vẫn còn sợ. Đám chúng tôi lo chạy nên mỗi đứa tản ra một ngã, giờ chẳng
biết chúng nó có đứa nào bị tóm hay không nữa.
-May quá, suýt bị chó cắn rồi!-Tôi thở và nói một mình trấn an cô nàng.
-May quá..!-Dung đưa tay đặt lên ngực, kìm hãm nỗi sợ hãi.
-Sao không?-Tôi nhìn cô nàng, mặc dù chắc rằng trong đêm tối thế này, có nhìn cũng chẳng thấy cái quái gì.
-Không, sợ lúc đó bị bắt lại thôi…!-Dung từ từ thở đều.
Tôi cười xoà cho qua chuyện. Kể cũng lạ, cô nàng chẳng có ý kiến gì về việc này cả, hoặc là do quá sợ hay chăng. Để Dung nghỉ một chút, tôi và cô
nàng đi bộ về trường trong ánh trăng mờ mờ.
-Trường đóng cửa, cấm trại rồi!-Dung nhìn với đôi mắt lo âu.
-Đi theo Tín!-Tôi khoát tay cô nàng.
Đến chỗ cái hàng rào giữ xe, tôi kéo cái thanh sắt bị gãy rộng thêm một
chút nữa, rồi mời cô nàng vào trước, tôi đoạn hậu theo sau.
Chúng tôi tập trung được lại toàn bộ cũng là lúc gần mười hai giờ. Nhóm nướng gà hoàn thành nhiệm vụ, đang ngồi chờ. Nhóm Nguyệt và Vũ cũng mua bánh
mì về, còn chu đáo mua thêm đá để uống nước ngọt. Chỉ có nhóm tôi là te
tua nhất.
Tổng kết chỉ còn lại cỡ bảy tám trái xoài, trong khi
tôi và thằng Linh dễ phải hái đến hơn hai chục trái. Không đứa nào thất
lạc, bị vấp đá té hai đứa. Chúng nó về đến nơi thì chỉ còn biết vừa mếu
vừa cười.
-Uống nào, uống cho bữa tiệc liên hoan của chúng ta!
-Suýt chút nữa nó cạp mông tao!-Thằng Long con nhớ đến cảnh lúc nãy còn kinh hãi đưa tay xuýt xoa.
-Yên tâm đi, mấy con chó đó nó không cắn đâu?-Thằng Linh ưỡn ngực đảm bảo.
-Sao mày biết không cắn, nó nói mày à?-Thằng Hà chửi xéo thằng bạn.
-Không, nó chê thằng Long con mông lép, cắn vào xương sợ gãy răng!
Bọn tôi chỉ còn biết cười ha ha khoan khoái. Dưới ánh trăng lờ mờ, tôi nhận được chiếc đùi gà từ tay Dung. Không nỡ từ chối, tôi đưa lên ăn ngấu
nghiến. Buổi tiệc thịnh soạn và vui nhất đời học sinh kéo dài đến tận
sáng trong tiếng hát, tiếng đàn, tiếng sáo, và màn nhảy qua lửa trại (
được nâng cấp từ lò than) của mấy đứa bạn tôi. Đó là một mảnh kí ức đầy
màu sắc, mà tôi đã từng trải qua.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT