Chuyện bắt đầu vào thời Ngữ Hinh năm thứ hai mươi tám, phủ Tiết Châu, Việt Quốc bấy giờ. Đất nước đã trải qua cả trăm năm thái bình thịnh vượng, dân cư đông đúc, cuộc sống sung túc, nhà nhà no ấm. Phải nói là vào đời của Ngữ Hinh, văn hoá cực kỳ phát triển, ca múa vũ nhạc, thơ từ thi phú đâu đâu cũng thấy. Đây là triều đại mà người ta chú trọng hưởng lạc hơn bất kỳ giai đoạn lịch sử nào của nhà Lưu.

Thời đó vua Ngữ Hinh ngoài mở khoa cử cho văn nhân thi công danh, cũng mở tú hội cho tài nữ thi lấy phẩm vị. Nam nhân thì muốn làm trạng nguyên, nữ nhân thì muốn làm hoa khôi, chức vị đều hãnh tiến như nhau cả. Ra đường lúc nào cũng thấy người người ôm sách, cái gì mà hồ dã chi giả ... Trọng văn khinh võ, cả đất nước chỉ toàn người ốm gầy nhược yếu. Nữ nhân thì đua nhau làm đẹp, bó chân siết eo, sống chết luyện thanh, luyện vũ. Cho dù có thân tàn ma dại cũng muốn trở thành vũ cơ của nhạc phường.

Nhạc phường cũng giống như thư trai, là nơi giáo dục chuyên dành cho nữ giới. Thư sinh có công danh sẽ được nhà nước trọng dụng, tài nữ có phẩm vị cũng được kính trọng không khác gì báu vật. Vì vậy nhà nhà có con gái lớn đều nhất định không cho làm việc nặng nhọc, nhất định phải học múa, học hát mới có thể giúp quang tông diệu tổ, rạng danh dòng họ.

Phủ Tiết Châu là vùng phía nam Thần Châu, non nước hữu tình, phong cảnh đẹp đẽ, xứng đáng với cái tên địa đàng hạ giới. Nơi đây cũng là đất sản sinh ra biết bao bậc kỳ nhân tuấn nhã, mỹ nữ tuyệt luân. Mỗi hội khoa cử, trong tam khôi nhất định sẽ có một người ở Tiết Châu. Mỗi hội tuyển tú, trong đám tài nhân cũng nhất định sẽ có người của Tiết Châu. Sơn linh địa tú, đất sinh nhân tài.

Trương Quý Thuận đứng bên cầu tàu trông ngóng. Con thuyền dài lặng lẽ khua mái chèo nhàn nhã trên Đông hồ. Đám đông lao xao chờ đợi thuyền khách cập bến, ông cũng như những người xung quanh, chen vào chờ đón người thân từ phương xa.

- Lão gia, đừng chen vào chi cho mệt, chúng ta đứng đây, lát nữa họ đi ra cũng sẽ thấy người thôi.

Liễu Thị nắm tay phu quân kéo lại, bà vô cùng miễn cưỡng mới phải cùng ông đi ra chỗ hỗn tạp này. Đáng ghét hơn là phải giả vờ chào đón những kẻ sắp tới. Bà chỉ là vợ lẽ, còn người kia mới là chính phẩm phu nhân.

Người ngợm hàng hàng chen nhau đi ra khỏi bến. Ai đã gặp được người thân thì cùng nhau chen ra, ai chưa thấy được thì lại tiếp tục lách vào. Những người phu phen vừa nặng nhọc khiêng hàng, vừa hét to cho những hành khách khác tránh xa. Bến tàu chật hẹp nhốn nháo toàn người qua kẻ lại.

Chợt thấy được bóng người quen thuộc, Trương Quý Thuận vẫy vẫy tay mừng rối rít.

- Tố Quyên, Tố Quyên.

Một người phụ nữ quê mùa, đội khăn nâu quay mặt nhìn lại. Đó là một thiếu phụ khá xinh đẹp với đôi mắt u buồn và rèm mi cong dài. Tuy hơi bần hàn, khắc khổ nhưng có thể hình dung ra thời thiếu nữ nàng từng là bậc quốc sắc thiên hương thế nào. Liễu Thị chề môi kinh bỉ. Chỉ là một chính thất bị ép gả vào nhà họ Trương khi còn trẻ, Trương Quý Thuận phần lớn thời gian đều làm việc ở Tiết Châu, có bao giờ trở về nhà với ả ta đâu.

Người phụ nữ tên Tố Quyên nở nụ cười mệt mỏi, nàng kéo theo một nam hài đi đến chỗ Trương Quý Thuận.

- Tướng công. – Lời chưa nói xong nước mắt mừng rỡ đã tuôn rơi. – Chi Lang, phụ thân kìa con.

Liễu Thị liếc đứa trẻ bị Tố Quyên kéo đến. Khi nó ngẩn đầu lên nhìn nàng, Liễu Thị giật mình sợ hãi bật lên tiếng kêu. Đứa bé kia nửa gương mặt bình phàm có thể nói là thừa hưởng được nhan sắc của mẫu thân, những nửa gương mặt bên trái lại chỉ toàn vết sẹo phỏng chiếm chỗ. Trương Quý Thuận nhìn thấy phản ứng của bà ta thì buồn bã giải thích.

- Chi Lang lúc còn nhỏ bị té vào nồi nấu rượu của mẫu thân.

Nhắc lại chuyện buồn, lại không kềm được gửi đến Tố Quyên một ánh mắt trách mắng. Không chỉ gương mặt Chi Lang mà một bên cánh tay của hắn cũng bị phỏng đến co rút, không thể dùng được nữa. Có lẽ chính vì Tố Quyên đã hại trưởng tử của ông đến mức này, nên Trương Quý Thuận mới dần lạnh nhạt với người vợ cả. Suốt cả bảy năm trời để mẫu tử bọn họ dưới quê mà không về thăm. Sự vui mừng đón chào hoàn toàn bị khúc mắc cũ làm cho lụi tàn. Trương Quý Thuận vẫy tay, chỉ nói hai chữ.

- Đi về.

Bầu đoàn thê tử ba người lúp xúp đi theo. Liễu Thị nắm lấy tay phu quân, thể hiện rõ ngôi vị đương sủng của mình. Tố Thị lẽo đẽo đi theo sau, hèn mọn như một người hầu. Chi Lang bám chặt lấy mẹ, úp nửa mặt vào tay bà. Hắn rất sợ đám đông, và càng sợ hãi hơn những người xa lạ thường hay khinh khi gương mặt hắn.

Trương Quý Thuận tuy mới ngoài ba mươi nhưng lại có thể làm được tới chức tổng quản trong nhà họ Hạ. Đây vốn là một dòng họ lâu đời có truyền thống ca vũ, thường sản sinh ra biết bao vũ cơ ngự dụng của triều đình. Trang viên họ Hạ nằm ở tây thành, sau lưng dựa núi. Đất đai bao la bạt ngàn, trạch viện mênh mông thênh thang.

Mẹ con của Chi Lang được dắt vào khu biệt viện dành cho hạ nhân. Dù là vợ con của tổng quản, nhưng muốn bước vào nhà họ Hạ thì vẫn phải mang thân phận nô tài làm việc phục vụ chủ nhân. Trương Quý Thuận vừa đi vừa giải thích gia quy cùng các điều cần biết khi sống ở Hạ gia. Còn Chi Lang thì chỉ để tâm đến phong cảnh kiến trúc xa hoa của nơi ở mới. Cái gì cũng lớn, cái gì cũng đẹp. Hắn ngây ngất mê li với sự thay đổi chóng mặt như thế này.

Họ đi qua một dãy hành lang dài ngang vườn thượng uyển. Có một nhóm tiểu oa nhi mặc quần áo màu hồng đang tập luyện bên bờ hồ. Bé gái nào cũng phúng phính má hồng, tóc búi hai trái đào. Toàn bộ bọn họ đang đứng một chân như hạc trên cầu tròn để học giữ thăng bằng. Quản giáo dùng những chiếc gối nhỏ ném về phía họ để thử thách.

“Quả thật là rèn luyện nghiêm ngặt vô cùng.”

Lúc hắn đang say mê ngắm nhìn thì chẳng hiểu sao có người cũng quay lại. Bốn mắt vô tình chạm nhau, những lại không thể dứt ra. Một chiếc gối bay tới, hắn hoảng hốt muốn mở miệng nhắc. Thế nhưng bản tính nhút nhát cứ giấu mặt sau tay của mẫu thân không dám ló ra.

Nàng né được chiếc gối nhưng cả người lại lảo đảo. Một chân đứng trên cầu tròn run run, cuối cùng cũng té xuống đất. Hắn thấy vậy hoảng hồn quay mặt, vừa đẩy vừa kéo mẫu thân mình đi nhanh qua khỏi đoạn hành lang kia.

Mùa xuân năm đó Chi Lang vừa tròn chín tuổi. Lần đầu tiên hắn chạm mặt tam tiểu tư nhà họ Hạ vừa mới lên bảy, bắt đầu trải qua thời thơ ấu ngọt ngào và hạnh phúc nhất của mình.

^_^

Chỗ của mẹ con họ sống là gian phòng bên cạnh nhà củi. Trương tổng quản tuy có phòng riêng nơi khác, nhưng lại không thể cùng lúc chứa được nhiều người. Đã có ông và Liễu Thị ở đó, thì làm sao có thể dung chứa thêm một Tố Quyên. Lại còn lấy lý do thằng con nhút nhát không bao giờ rời xa mẹ, ông đẩy họ vào chỗ chỉ dành cho hạ nhân sinh sống.

Tố Quyên bị đưa vào khu giặt giũ, Lang Chi ngay lập tức đi theo phụ xách nước. Các bà thím trong phòng giặt mới đầu thấy hắn cũng giật mình e sợ, nhưng dần dần thấy thằng nhỏ lầm lì ít nói nên cũng quen dần. Hắn cứ như con thoi đi qua đi lại gánh nước cho cả một phòng giặc lớn, từ khi có đứa trẻ này, mấy bà thím đỡ vất vả hơn nên ngày càng yêu quý. Thỉnh thoảng có bà còn chỉ hắn đi vào nhà bếp, ông chồng mình làm trong ấy nhất định sẽ cho ăn thêm.

Hắn hí hửng cầm tô bánh phục linh trốn vào vườn thưởng thức. Sau khi gói lại phân nửa dành cho mẹ, hắn mới khoan khoái bỏ cái đầu tiên vào miệng. Bánh chưa chạm lưỡi đã nghe tiếng tỉ tê khóc lóc. Chi Lang tò mò chạy đi đến đó xem sao.

Bức tường ngăn giữa các khuôn viên đều có những ô gạch trang trí để thông gió. Hắn theo thói quen lú nửa mặt ra để quan sát phía bên kia. Một khu vườn rất đẹp, được cắt tỉa gọn gàng chứ không um tùm như miếng đất ở bên chỗ người ở. Có hồ sen tao nhã, có lương đình hóng mát sơn đỏ nổi bật giữa nền cây.

Tiểu oa nhi áo hồng, tóc búi trái đào đang ngồi khóc. Hắn ngạc nhiên nhận ra cô bé đã té ngã vào lần đầu tiên hắn gặp nàng. Đôi mắt long lanh to tròn đó sũng ướt nước mắt, đôi môi mím chặt như đau đớn cam chịu. Chẳng hiểu sao hắn lại thấy xót xa không ngăn nổi, lần đầu tiên chủ động bắt chuyện với một người lạ mặt chưa từng quen.

- Tiểu muội, vì sao lại khóc?

Nàng hoảng hốt gạt hết nước mắt, ngó dát xung quanh khu vườn.

- Ta ở đây. – Hắn hớn hở vẫy tay thu hút sự chú ý của nàng.

- Ca ca là ai? – Nàng mở mắt tròn ngây thơ nhìn hắn.

- Ta là là Chi Lang. Còn muội tên gì?

- Muội là Như Thi. – Nàng ngoan ngoãn trở lời.

- Thi muội, có muốn ăn bánh phục linh không? – Hắn vui vẻ đẩy dĩa bánh qua ô gạch.

- Quản giáo không cho ăn, vì đồ ngọt sẽ làm muội mập.

- Không mập đâu, ta ăn rất nhiều đồ ngọt cũng không mập.

- Nhưng không được lấy đồ của người lạ. - Nàng e dè nhìn hắn, sau đó lại nhìn dĩa bánh thèm thuồng.

- Ta là ai?

- Lang ca.

- Muội đã biết tên ta thì ta đâu phải người lạ nữa. – Hắn nhoẻn miệng cười, tay cố đưa dĩa bánh ra xa hơn.

Nàng nhìn hắn đắn đo, rồi sau đó không cưỡng được, chồm tới bốc một cái bánh. Như Thi cẩn thận cắn một miếng nhỏ bánh, hạnh phúc cảm nhận vị ngọt ngào dần lan trong miệng mình. Từ nhỏ nàng bị cấm ăn đồ ngọt, chỉ một chút xíu cũng không cho. Gia đình nàng có truyền thống làm vũ cơ, tất cả tiểu thư đều phải nghiêm ngặt kiêng ngọt.

Thấy nàng ăn vui vẻ như vậy, hắn cũng mỉm cười đắc ý. Mẫu thân hắn từng bảo, ăn đồ ngọt sẽ khiến người ta hạnh phúc hơn. Mỗi khi những đứa trẻ trong xóm trêu chọc gương mặt xấu xí và cánh tay què quặc của hắn, mẫu thân đều làm bánh cho hắn ăn. Quả thật Chi Lang cũng cảm thấy được ăn ngọt sẽ vô cùng hạnh phúc. Vì vậy khi thấy ai không vui, hắn đều sẽ đem bánh mời người ta.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play