Thật ra với thể trạng hiện tại của ta, căn bản không thể cưỡi ngựa.
Tay run đến mức cầm dây cương cũng không vững, thắt lưng và ngực đau như muốn gãy làm đôi.
Thế nhưng tất cả khó chịu đều bị ta cắn răng đè nén.
Ý chí lúc này mạnh mẽ đến mức như quay về năm tám tuổi.
Năm đó ta trúng ba mũi tên, vậy mà vẫn cắn chặt răng kéo Hách thủ vệ ra khỏi đống xác chết.
Bây giờ ta cũng phải cắn răng xông đến cứu Gia Nghi.
Không ai được phép ngăn ta cứu cháu gái.
Người Hách gia không được, Dục vương không được, đến Diêm Vương cũng không được!
【Lão thái quân sống rồi! Lão thái quân vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế!】
【Lão thái quân xông lên đi, sáu mươi tuổi chính là thời điểm để xông pha thiên hạ!】
【Lão thái quân, nhất định phải xử lý Lý Thư Dao! Chính nàng ta là kẻ luôn bắt nạt Gia Nghi!】
…
Những dòng chữ kỳ quặc lại xuất hiện lần nữa.
Cuối cùng ta cũng hiểu đây là một quyển thoại bản*.
(*thể loại truyện diễn nghĩa, kể chuyện trong các gánh hát xưa)
Cháu gái ta – Gia Nghi – chính là nữ chính.
Còn Dục vương – Thẩm Trì Dục – là nam chính.
Bọn họ sẽ bắt đầu một đoạn tình ái đầy giày vò, đến khi cháu ta bị hành hạ đến chết, Thẩm Trì Dục mới hối hận thì đã muộn.
Đọc đến đây, ta trầm mặc, chỉ hận không thể chặt kẻ viết thoại bản ấy ra làm tám khúc.
Gia Nghi là cháu gái ta một tay nuôi lớn.
Ta không nỡ gả nó tới Nam cảnh, tự mình dạy nó cầm kỳ thi họa, đạo lý lễ nghi.
Dạy nó trở thành nữ tử hiểu lễ biết nghĩa, dịu dàng hiền thục, chỉ mong nó có một cuộc sống bình yên hạnh phúc.
Chứ không phải để nó làm cái gì mà nữ chính truyện ngược!
Nghĩ đến Hách gia ta ba đời, có mười tám vị anh liệt, bảy thành ở Nam cảnh, thành nào chẳng nhuốm máu Hách gia?
Thế mà giờ đến một đứa cháu gái cũng bảo vệ không nổi...
Nếu Gia Nghi sống không được, thì ai cũng đừng mong sống!