Edit: Min
“Bạch Đào, ngươi xem chỗ này có đủ không? Gói giấy dầu này là tiêu rừng đấy.”
Khâu Đại Ngưu vừa nói vừa đặt chiếc thau gỗ lên bếp.
Bạch Đào liếc nhìn đống đồ trong thau, có hành lá, gừng, tỏi, cùng một ít gia vị thường dùng để nấu món kho, rồi gật đầu: “Đủ rồi, cảm ơn nhé.”
Tống Dĩ An tò mò mở gói giấy dầu ra xem: “Thứ này ở đâu ra vậy?”
Khâu Đại Ngưu có chút ngượng ngùng, gãi đầu nói: “Cuối thu năm ngoái ta bị thương, lang trung kê thuốc có cái này. Các ngươi cũng biết ta không ưa cái mùi ấy, nên lúc sắc thuốc ta lén nhặt ra hết. Nhưng nghĩ dược liệu mua bằng tiền, bỏ thì tiếc, nên ta gói lại bằng giấy dầu rồi cất đi.”
“... ...”
Bạch Đào đang phân loại hành gừng thì tay khựng lại, cười dở khóc dở, tên này đúng là nhân tài trời cho.
Tống Dĩ An thì không nhịn được, vỗ bốp một cái lên đầu hắn: “Lúc bọn ta còn ra trận, mỗi lần bị thương đều được thiên phu trưởng bắt uống nước tiêu rừng đấy! Không chỉ giảm đau mà còn giúp vết thương không bị lở loét. Ngươi không phải không biết mấy chuyện này. May cho ngươi là bị thương lúc trời lạnh, chứ nếu vào hè, vết thương nhiễm trùng thì khổ đấy!”
Bùi Tranh cũng không tán thành, lặng lẽ nhìn hắn một cái: “Lần sau không được như vậy nữa.”
Bị mắng tới nơi, Khưu Đại Ngưu lập tức ngoan ngoãn gật đầu, cam đoan: “Lần sau ta không dám nữa.”
Bạch Đào lúc này mới hiểu ra, thì ra tiêu Tứ Xuyên trong y học cổ truyền còn có công dụng tiêu viêm, giảm đau nữa. Mà ba người này nghe chừng từng ra chiến trường thật, xem ra là tình nghĩa sinh tử.
Chỉ là nhìn vẻ ngoài thư sinh của Tống Dĩ An, chẳng ai nghĩ người này cũng từng cầm vũ khí ra trận giết địch.
Nhưng Bạch Đào hiểu rõ đạo lý “Đừng nhìn mặt mà bắt hình dong”, trong lòng cũng dâng lên một tia kính phục đối với ba người này.
Dùng dao mà liếm máu, kiểu ngày tháng ấy đâu dễ sống, huống chi còn là thời không có y tế hiện đại thế này.
Sau khi chần sơ đầu lợn, Bạch Đào cho phần ruột già và tim heo đã rửa sạch vào nồi tiếp tục chần nước. Còn phổi và gan heo thì để dành lại bữa sau làm món khác. Về phần ruột non, sau khi hỏi ý kiến Bùi Tranh, cậu quyết định giữ lại để làm lạp xưởng, sau đó sẽ đem xông khói chung với thịt xông khói.
Chờ mọi thứ chần nước xong xuôi, Bạch Đào rửa sạch nồi rồi hỏi Bùi Tranh trong nhà có đường và vải xô không.
Bùi Tranh rửa tay sạch sẽ rồi lấy từ tủ bếp ra miếng vải xô thường dùng để hấp bánh bao cùng một túi đường đỏ.
Thấy là đường đỏ, Bạch Đào lập tức bỏ ý định thắng nước màu. Đường đỏ mà thắng nước màu thì không ngon, dễ bị đắng, lại còn hơi chua chua. Đừng hỏi cậu sao biết, đó là kinh nghiệm rút ra từ mấy lần quay video món ăn “đen tối” trước đây.
Bạch Đào liếc nhìn hũ tương thấy nước tương khá đặc, tuy không bằng loại nước màu đậm nhưng chắc cũng tạm được.
Cậu dùng đũa chấm một ít tương nếm thử, hương vị đậm đà, thơm mùi đậu nhè nhẹ: “Nước tương này cũng mua trên trấn à?”
Bùi Tranh đem phần đường đỏ không dùng đến cất lại vào tủ, đáp: “Là tay nghề gia truyền nhà Mai thẩm trong thôn, rẻ hơn trên trấn một hai văn.”
“Thế bao nhiêu một cân?”
“28 văn.”
!!!
Cái này còn đắt hơn cả thịt lợn ấy chứ?
Bạch Đào nhanh chóng múc bớt nước trong nồi ra, ít nước thì đỡ phải đổ nhiều nước tương.
Sau đó, cậu lại chỉ vào đống gia vị do Khâu Đại Ngưu mang đến: “Vậy mấy loại gia vị này giá cả thế nào?”
Bùi Tranh liếc sơ qua một lượt: “Trung bình khoảng 30 văn một lạng.”
!!!
Vậy chẳng phải mấy trăm văn một cân à!
Bạch Đào lại lặng lẽ múc thêm chút nước ra khỏi nồi, liếc nhìn Khâu Đại Ngưu đang ở ngoài sân cùng Tống Dĩ An xoa ướp gia vị lên thịt, rồi cẩn thận hỏi Bùi Tranh: “Lát nữa có khi ta sẽ dùng gần hết chỗ gia vị này, Đại Ngưu không giận chứ?”
“Không đâu.” Bùi Tranh hiểu rõ tính Khâu Đại Ngưu, đã mang ra thì tức là cho dùng tùy ý.
Khi cho gia vị vào nồi, Bạch Đào nghĩ đến chuyện trời lạnh như bây giờ, phần nước luộc này còn có thể dùng được vài lần nữa. Nếu bảo quản cẩn thận, còn có thể làm thành nước lẩu cũ (lão lư). Thế là cậu cắn răng, can đảm thả vào lượng gia vị như khi làm món lư thường ngày.
Nghĩ nghĩ thêm, cậu lại nhắm mắt múc thêm một vá nước đổ vào nồi. Hết cách rồi, khi om thịt nước sẽ cạn bớt, cho ít quá cũng không được. Hồi nãy cậu tiếc của, giữ lại quá ít nước.
Nhìn thấy vẻ mặt Bạch Đào đầy giằng co xen lẫn tiếc nuối, Bùi Tranh bỗng thấy buồn cười.
Đám nguyên liệu này vốn là của y, y còn chưa đau lòng, vậy mà cậu ta lại đau lòng thay. Dáng vẻ tiết kiệm chi li ấy, nhìn mà thấy... cũng đáng yêu ra phết.
Mỡ ở đầu lợn vốn đã nhiều, Bạch Đào cũng không cho thêm dầu vào nữa. Cậu nếm thử độ mặn của nồi nước lư, rồi lại cho thêm hai thìa muối, sau đó đậy nắp lại: “Xong rồi, đợi nước sôi thì hạ nhỏ lửa, đun liu riu một canh giờ rồi tắt bếp, để nguyên trong nồi ngâm, sẽ đậm vị hơn.”
“Hắt xì!” Bạch Đào dụi mũi, nhìn trời bên ngoài nhưng cũng không đoán ra được bây giờ là mấy giờ, đành quay sang hỏi Bùi Tranh, “Giờ là canh mấy rồi?”
Bùi Tranh nhìn ra cửa một cái, đáp: “Đầu giờ Dậu, trong nhà có hương tính giờ.”
Bạch Đào bấm ngón tay đếm từ Tý, Sửu, Dần, Mão..., một hồi mới nhớ ra giờ Dậu là từ 5 đến 7 giờ chiều.
“Hương tính giờ là cái gì?”
Bùi Tranh thoáng ngẩn người, không ngờ Bạch Đào lại không biết hương tính giờ.
Y liếc nhìn mái tóc ngắn cũn của cậu, lòng bắt đầu dấy lên sự tò mò về thân thế người này.
Bạch Đào lại hỏi thêm một lần nữa, lúc này Bùi Tranh mới trả lời: “Dùng để xem giờ.”
Vì tò mò, Bạch Đào chạy vào nhà chính xem cái gọi là "Hương tính giờ". Ở một góc tủ, cậu phát hiện một cây hương đang cháy, nhìn hơi giống hương muỗi hiện đại, nhưng nhỏ hơn, màu thiên về nâu, trên thân còn vẽ vài vạch nhỏ.
Bạch Đào đếm thử, vừa đúng mười hai vạch.
Ngửi mùi thơm nhè nhẹ lan tỏa, cậu không nhịn được mà thốt lên: “Trâu bò thật đấy! Cái này không chỉ dùng làm hương xông mà còn kiêm luôn đồng hồ!”
Khâu Đại Ngưu thấy Bạch Đào từ trong nhà chính đi ra, lập tức chạy tới: “Bạch Đào! Ta vừa nếm thử chỗ gia vị ướp thịt của ngươi, ngon cực! Làm ta thấy tiếc không nỡ bán chỗ thịt lợn rừng còn lại luôn ấy!”
Bạch Đào bật cười: “Ngươi không thấy nó mặn à?”
"Hê hê."
Lúc Khâu Đại Ngưu bôi gia vị lên thịt, ngửi đã thấy thơm không chịu nổi, bèn liếm thử một tí trên tay, lập tức cảm thấy thứ gia vị này mà đem đi nấu chắc chắn cũng ngon cực kì.
Thấy thịt đã được ướp đều, Bạch Đào liền giúp một tay cùng bê cái lu gốm lớn vào bếp, đặt gọn ở góc rồi đậy nắp lại để ướp. Nếu để ngoài sân, cậu sợ sáng mai thịt đông cứng mất.
Lo ngại vi khuẩn sinh sôi, Bạch Đào cẩn thận rưới một vòng nhỏ rượu trắng lên trên: “Xong rồi, chờ ướp xong vài hôm nữa mang ra xông khói là có thể treo lên được.”
Lúc này trong nồi, mùi hương từ các nguyên liệu hầm bắt đầu tỏa ra, hòa quyện với hương thịt thơm nức mũi, hấp dẫn vô cùng.
Khâu Đại Ngưu hít mạnh một hơi, nước miếng gần như trào ra: “Bạch Đào, món này bao giờ mới ăn được thế?”
Bạch Đào mở nắp nồi liếc qua lớp nước đang sôi lục bục: “Còn gần một canh giờ nữa.”
“Còn lâu thế à?!” Khâu Đại Ngưu mặt mày nhăn nhó, quyết định ra ngoài chẻ ít củi để khỏi phải chịu đựng mùi thơm giày vò bên bếp lửa.
Bạch Đào nhìn Khâu Đại Ngưu vung rìu khí thế hừng hực, bật cười đến nheo cả mắt: “Haha, xem ra Đại Ngưu thật sự là người mê ăn đấy.”