Lợi dụng bóng đêm, Hạ Nghị quen đường quen lối trở về nhà, từ xa đã thấy ba anh ngồi ở cửa, vẻ mặt âu lo, tay cầm điếu thuốc rít từng hơi.
Anh gọi một tiếng ba rồi lập tức bị mắng là thằng nhãi con, nhưng chuyện bị ba chửi mắng là chuyện như cơm bữa, nghe riết rồi cũng quen tai.
Hạ Nghị không để tâm, anh đi vào trong, trên bàn vẫn còn phần cơm mẹ anh để lại.
Anh cũng không nhắc đến chuyện trên đường về gặp Hạ Trường Thường trêu chọc cô gái nhà lành, không nói một lời về việc đó.
Nhà họ Hạ có điều kiện không tệ. Hạ Nghị là con một, khó khăn lắm mẹ anh mới mang thai nhưng sau khi sinh anh ra thì mãi vẫn không thể có thêm đứa con nào nữa.
Ba Hạ hút mấy hơi thuốc lào, đợi Hạ Nghị ăn cơm xong xách thùng nước chuẩn bị ra sân tắm thì ông mới không tình nguyện mở miệng: “Lúa trong làng mình đã cấy gần hết rồi, đoạn thượng nguồn con sông của làng ta sắp sửa xây đập chứa nước, là việc nặng nhọc lắm đấy.”
Hạ Nghị đáp lại: “Vậy thì đi thôi.”
Ba anh không ngạc nhiên với câu trả lời này, chỉ nhắc thêm một chuyện khác: “Chắc chắn mẹ con sẽ càm ràm, con nói chuyện với bà ấy cho đàng hoàng đi.”
Ông Hạ là người có uy tín trong làng, chính trực và hay giúp đỡ người khác. Nhưng phúc báo ông cả đời tích lũy dường như đã bị đứa con trai Hạ Nghị tiêu hao gần hết.
Vợ mình cưng chiều con trai, dù Hạ Nghị không ngại việc cực nhọc, dựa vào sức lực mà dễ dàng hoàn thành nhưng vợ vẫn luôn tìm cách thu xếp rồi nghĩ cách đổi sang công việc nhẹ nhàng hơn cho Hạ Nghị.
Dân làng nể mặt ông Hạ nên cũng không nói gì.
Hạ Nghị cởi áo ra để lộ thân hình rắn chắc, năm tháng lao động nặng nhọc khiến cơ thể anh không có chút mỡ thừa nào.
Hạ Nghị dội nước lạnh lên đầu giữa tiết trời xuân ấm áp, cảm giác sảng khoái xoa một tay lên mặt: “Con biết rồi.”
Xây đập nước à, nhân cơ hội này anh có thể đi các làng khác làm quen thêm nhiều người.
…
Sáng hôm sau.
Ở thôn Bách Gia, Bách Nguyệt vẫn dậy sớm đi làm như thường lệ.
Cô đi nhận mạ non, dùng đòn gánh chở về, ngồi xuống một góc đếm số, khuôn mặt nhỏ nhắn nhăn nhó, mày nhíu chặt lại.
Cô vẫn còn đang canh cánh trong lòng chuyện tối qua.
Kiếp trước cô chưa từng đến Hạ Gia Câu, không quen đường cũng không quen ai, chỉ nhờ vào một chút ngây thơ liều lĩnh mà tìm đến, cô cảm thấy cách đó không phải là hay, nhưng trước mắt cô vẫn chưa nghĩ ra phương pháp nào tốt hơn.
Bách Nguyệt định sẽ suy nghĩ kỹ hơn, cô lấy cớ rằng điểm công và lương thực của mình chẳng còn bao nhiêu, nếu đến đó tìm Hạ Nghị, khả năng cao là anh phải nuôi thêm một miệng ăn.
Nghĩ đến đây, Bách Nguyệt phồng má.
Cách cô một khoảng không xa, một nhóm nam nữ thanh niên trong làng đang tụ tập trò chuyện, dù thời này nam nữ cần giữ khoảng cách nhưng trong thực tế cũng không khắt khe như thế, tất cả đều là đồng chí cùng nhau làm việc.
Đã là đồng chí yêu thương lẫn nhau thì cũng chẳng cần quá câu nệ.
Bình thường nam nữ trẻ tuổi không dám qua lại riêng tư để tránh bị phát hiện nhưng ở ruộng đồng thì lại nói chuyện vui vẻ, không chút kiêng dè.
Trong nhóm có năm chị em gái nhà ba nuôi của Bách Nguyệt, họ đều ra đồng giúp một tay.
Bọn họ đang nói chuyện về việc xây đập nước, thôn Bách Gia ở thượng nguồn còn Hạ Gia Câu ở hạ lưu.
Mỗi lần lũ về, thôn Bách Gia không sao cả nhưng Hạ Gia Câu thì gần như bị cuốn trôi chín trên mười lần. Không cần nói nhiều, năm nào lũ đến ruộng đồng cũng đều bị phá hoại, người lao động cũng khốn khổ.
Hạ Gia Câu và mấy thôn xung quanh quyết định xây một đập nước lớn gần thôn Bách Gia để điều tiết lũ, cấp trên đã đồng ý, người của thôn họ sẽ đóng góp nhiều nhân lực nhất, vừa rồi họ tranh thủ cấy xong lúa sớm cũng là để dồn người sang đào đập.
Chờ mấy thôn khác làm xong việc đồng áng, họ cũng sẽ góp thêm nhân công.
Bách Nguyệt cảm thấy những tiếng cười trong trẻo kia thật chói tai, cô lập tức dịch ra xa hơn một chút, quay đầu sang hướng khác nhưng đôi tai vẫn dựng lên để nghe lén.
Xây đập nước, Hạ Gia Câu.
Đào đập là việc nặng nhọc nhưng điểm công lại cao, chồng cô từng kể về chuyện hồi trẻ này.
Cô nhớ rất rõ ràng.
Hạ Nghị vì muốn kiếm sống nuôi gia đình nên đã chủ động ghi danh đi xây đập rồi lại tình nguyện chọn công việc khuân đá đắp đất để được nhận mười điểm công mỗi ngày.
Anh thiếu ăn thiếu mặc, ngày nào cũng làm việc nặng nhọc, tinh thần sa sút, thậm chí vì thế mà còn ngã bị thương ở chân.
Anh nghèo đến mức không có tiền chữa trị, vết thương chỉ tùy tiện hái mấy nhúm cỏ ven đường giã nát, trộn với tro cây để cầm máu.
Trong ký ức của Hạ Nghị, đó là những ngày tháng đầy gian khổ và kiên cường. Bách Nguyệt cảm thấy chồng mình quả thực là một người hoàn hảo.
Giờ đây cô được sống lại, có thể gặp gỡ Hạ Nghị khi anh còn trẻ, trong lòng cô không khỏi phấn khởi hơn.
Kiếp trước cô không tham gia xây đập vì lúc đó cô làm việc quá sức, cấy lúa xong thì bị bệnh nên bỏ lỡ cơ hội gặp anh.
Bách Nguyệt gánh hai sọt mạ đi về ruộng, cẩn thận từng bước, mong rằng vận may sẽ đến, đừng để vắt bám vào chân hút máu.
Hôm nay cô chỉ định cấy năm phần ruộng, hai phần vào buổi sáng, ba phần vào buổi chiều. Cô sẽ dành thời gian rảnh để qua chỗ đập nước xem có gặp được Hạ Nghị không.
Bách Nguyệt suy nghĩ rất hăng say, đến khi cấy xong hai phần ruộng, eo đau lưng mỏi nhưng cô vẫn cố thẳng lưng chạy đến mương nước rửa mặt, tranh thủ chải tóc tết bím.
Bây giờ tóc cô rối như tổ quạ, mấy năm rồi chưa chải mượt được, mặt cũng bị bụi bẩn phủ đầy, xám xịt.
Hôm qua không có thời gian, hôm nay cô phải trang điểm thật đẹp rồi mới đi tìm chồng.
Bách Nguyệt đung đưa đôi chân, vừa chải chuốt vừa ngân nga hát.
Kiếp trước khả năng tự lập của cô rất kém, ai cũng nói cô bị bệnh nhưng thực ra không phải, cô chỉ là người làm gì cũng rất cố chấp. Phải đợi đến khi cô ý thức được “mình phải làm việc này” thì cô mới động tay vào, hơn nữa khi đã làm thì sẽ kiên trì đến cùng. Nếu chưa ý thức được, cô sẽ không biết đó là việc mình cần làm.
Sau khi vào làm trong nhà máy, cô đã thay đổi đôi chút. Hạ Nghị vốn nóng nảy, vội vàng khiến Bách Nguyệt cũng dần trở nên nhanh nhạy hơn. Phụ nữ làm đẹp vì người yêu mình, cô bắt đầu kiên trì trang điểm, mỗi ngày sau khi chỉnh trang xong đều hôn Hạ Nghị. ( truyện trên app t.y.t )
Chính vì suy nghĩ này, nhiều người cho rằng cô là một kẻ ngốc thực sự. Ngay cả ba nuôi cũng nghĩ vậy, ông ta không thể tin được đứa con gái nuôi vốn luôn ngoan ngoãn bao năm không bỏ trốn lại cố tình đợi đến khi ông ta tiêu sạch số tiền bán cô rồi mới chạy mất!
Bách Nguyệt cố ý.
Lúc đó, trong đầu cô chỉ nghĩ làm sao để không bị người ta xem như món hàng mua bán nên suốt ngày tìm cách khiến bọn họ tức điên. Thậm chí cô còn chủ động nâng giá với lão gã già kia rồi thong thả báo tin cho bác trai rằng ba mẹ nuôi của cô đã nhận tiền sính lễ, vì thế bác trai còn tặng quà cảm ơn cô đã tố giác.
Sau đó Bách Nguyệt tiếp tục vờ như sắp gả sang thôn khác, thậm chí cô còn đến nhà trưởng thôn xin làm giấy chứng nhận tùy thân.
Mọi người đều rất vui vẻ, chắc mẩm chuyện này đã định rồi, một đứa ngốc thì có thể chạy đi đâu chứ? Ba nuôi cô bán con gái đi còn đắc ý đếm tiền, chuẩn bị đám cưới.
Mà kết hôn không phải chuyện nhỏ, phải trữ rất nhiều lương thực. Bách Nguyệt còn tính toán kỹ mấy ngày, cảm thán rằng cưới một cô dâu lại cần phải nhiều đồ đến thế! Có vài thứ còn có hạn sử dụng ngắn, phải ăn hết sớm.
Và rồi trong đêm trước ngày cưới, Bách Nguyệt hớn hở thu dọn đồ, chạy trốn.
Bách Nguyệt vui vẻ cúi đầu bước đi, trong làn nước phản chiếu một gương mặt tươi cười với đôi mắt đẹp như hoa đào và bờ môi đỏ như quả anh đào.
Đôi mắt của Bách Nguyệt đẹp đến mức khiến người khác vô thức bị thu hút nhưng ngay phía bên trái đầu mũi cô lại có một nốt ruồi nhỏ làm ánh nhìn của người ta bị lôi kéo về đó.
Bờ môi cô luôn hơi hé mở giống như cánh hoa đào non nớt, mềm mại.
Bách Nguyệt khẽ lau mặt, cô hơi mù mặt, không có nhận thức chủ quan về dung mạo của mình, lại thêm việc ít khi ra khỏi nhà, cô cũng không rõ thẩm mỹ chung của mọi người thế nào, từ nhỏ ba mẹ nuôi và các em gái luôn chửi cô là xấu xí nên cô nghĩ chắc mình cũng chẳng xinh đẹp gì, nhưng may là chồng cô không chê cô xấu.
Bách Nguyệt đứng dậy đi đến khu vực xây đập nước theo ký ức.
Bóng lưng vui vẻ của cô thu hút ánh nhìn của một người đàn ông trung niên đội khăn trắng trong cánh đồng.
Người bên cạnh nhìn chằm chằm Bách Nguyệt rồi quay sang gọi người đàn ông đó: “Ông Bách, con gái ông đã sắp mười tám rồi nhỉ.”
“Đến lúc gả chồng rồi đấy.”
Ông Bách đang phiền lòng, vợ ông ta lại mang thai, cái bụng ngày càng lớn khiến bà ta chỉ có thể làm vài việc nhẹ, trong khi cả nhà mấy miệng ăn vẫn cần nuôi, ông ta làm việc quần quật mà vẫn bị chửi là đồ vô dụng. Lần này mà lại là con gái nữa, ông ta sẽ tức chết mất!
Thầy bói nói rằng chính Bách Nguyệt mang đến xui xẻo nên ông ta mới toàn sinh con gái, vì thế ông ta đã đuổi Bách Nguyệt ra căn nhà cũ để ở. Giờ nghe người bên cạnh nhắc chuyện này, trong lòng ông ta bắt đầu tính toán.
Gả con gái thì nhà mẹ đẻ sẽ được tiền sính lế đúng không? Ở vùng quê này, sính lễ chẳng đáng bao nhiêu vì thanh niên trẻ không có tiền nhưng nếu là một lão già tích cóp cả đời chỉ để mua vợ về sưởi ấm và sinh con thì…
Ông Bách càng nghĩ càng hưng phấn, ông ta bèn hùa theo lời người bên cạnh: “Tôi cũng thấy vậy, để lát nữa tôi nói với nó.”
Dù sao thì phần lớn thời gian Bách Nguyệt cũng chỉ tự giận mình nhưng cô ngốc mà, làm sao cô biết hôn nhân thực sự là gì chứ?
Ông Bách càng nghĩ càng phấn khởi, hôm nay về nhà ông ta nhất định sẽ bàn chuyện này với Bách Nguyệt!
Lúc này.
Cuối cùng Bách Nguyệt cũng đến chỗ xây đập nước, hôm đầu tiên, mọi người còn đang tìm hiểu công việc của mình.
Ngoài Bách Nguyệt ra, thôn Bách Gia cũng có nhiều thanh niên đến đây, một số là để gặp bạn bè ở Hạ Gia Câu, một số thì đến xem náo nhiệt.
Trong đám đông, Bách Nguyệt lập tức nhận ra chồng mình, đôi mắt cô sáng lên.
Ở giữa nhóm thanh niên đứng phía trước, Hạ Nghị mặc áo ba lỗ trắng bên trong, bên ngoài khoác một chiếc áo rộng, kéo dây kéo đến nửa ngực, mặc hờ hững. Tay anh cầm một cây đòn gánh, anh hơi tựa vào đó, dáng vẻ lười biếng.
Hầu hết các thanh niên xung quanh đều nhìn anh nhưng ánh mắt anh lại tỏ vẻ thờ ơ, chẳng hứng thú với sự chú ý của người khác. Một số cô gái trẻ nhìn thấy anh thì đỏ mặt, khe khẽ thì thầm với nhau.
Hạ Nghị không phải người giám sát, anh cũng nhận công cụ chuẩn bị làm việc nhưng có vẻ như mấy người phụ trách vẫn đang giải quyết vấn đề gì đó nên chưa bắt đầu.
Hạ Nghị ngáp một cái, bạn bè bên cạnh trêu chọc: “Ba mẹ cậu có tìm vợ cho cậu chưa?”
“Không, tôi tự tìm.”
Hạ Nghị vừa nói vừa quét mắt nhìn xung quanh, dù gì kết hôn cũng là chuyện hai bên vừa mắt nhau, người ta quan sát anh thì anh cũng chẳng ngại đánh giá lại người ta.
Ánh mắt anh đột nhiên khựng lại, cách đó không xa có một cái đầu nhỏ thò ra sau một gốc cây, hai bím tóc tết hơi lỏng lẻo, có chút lộn xộn.
Hạ Nghị nhìn chằm chằm Bách Nguyệt, hỏi người bạn thôn Bách Gia: “Cô ấy là ai?” Sao lại trốn sau đó làm gì, trông có chút quen mắt.
Cô gái đó thật xinh đẹp, chỉ là người hơi bẩn một chút, tóc đã được chải nhưng vẫn vương vài cọng cỏ.
Trong lòng Hạ Nghị nảy sinh một cảm giác kỳ lạ.
Mãi đến khi bạn anh mở miệng, cuối cùng anh cũng giải đáp được vì sao cô gái đó có vẻ không được tự nhiên.
“Cô ta tên là Bách Nguyệt, là một đứa ngốc.”