4
Khi còn đi học, tôi có một người bạn khiến ai cũng phải ghen tị.
Đó chính là Lục Ngưỡng.
Có lẽ khi ấy, khái niệm về giai cấp đã vạch ra ranh giới giữa chúng tôi.
Tôi là học sinh nghèo, cách một trời một vực với thế giới của Lục Ngưỡng và Tô Uyển Linh.
Họ là đám người mà đến cả giáo viên cũng không cách nào quản được.
Loại chuyện ẩu đả đánh nhau luôn có người đứng ra lo liệu.
Xung quanh họ lúc nào cũng đầy những kẻ muốn nịnh bợ.
Trong tình cảnh như vậy, Lục Ngưỡng lại thân thiết với tôi – một người ngay cả mua bánh bao trong căn tin trường liên tục ba bữa cũng chẳng đủ tiền.
Tôi nghĩ thời gian ấy, Lục Ngưỡng thực sự coi tôi là bạn.
Anh ta đưa cho tôi những giáo trình không dùng nữa.
Đưa cả thẻ ăn để tôi có thể ăn no.
Hào hứng thảo luận với tôi về các bài tập trong sách.
Khi tôi bị một nhóm nữ sinh bắt nạt, anh ta đứng chắn trước mặt tôi.
Anh ta nói tôi là người của anh ta, đừng có bắt nạt tôi nữa.
Mọi chuyện trước đó đều thật đẹp đẽ, đúng không? Hắn là sự cứu rỗi của tôi.
Cho đến một ngày…
Anh ra nói với tôi rằng anh ta đã có người con gái mình thích.
Là Tô Uyển Linh.
Chính là cô gái… đã từng bắt nạt tôi.
“Cô ấy rất có sức hút.”
“Tính tình ngang bướng, tớ thích.”
Đó là lời nhận xét của anh ta về Tô Uyển Linh. Chỉ đến lúc ấy tôi mới hiểu, anh ta chưa từng coi tôi là một con người.
Đêm hôm đó, anh ta dẫn tôi đi uống rượu.
Tô Uyển Linh kêu một nhóm người nhốt tôi trong nhà vệ sinh.
Cô ta dùng dao rọc giấy rạch lên lưng tôi từng nhát, từng nhát.
Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ rõ khuôn mặt cô ta, đẹp đẽ, hoàn mỹ, như ác quỷ bước ra từ địa ngục.
Cô ta nói điều cô ta ghét nhất chính là loại người chó cậy thế chủ khác như tôi.
5
“Cô vẫn uống thuốc đúng giờ chứ?”
“Tôi thấy tình trạng tinh thần của cô dạo này tốt hơn trước nhiều.”
Chiều thứ tư trong bệnh viện, ánh nắng xuyên qua khung cửa sổ mỏng chiếu lên mặt bàn cũ kỹ trong phòng khám.
Bác sĩ nhìn tôi qua gọng kính và hỏi: “Cô Trần, cô sắp kết hôn đúng không? Cô vẫn chưa định nói cho chồng sắp cưới của mình biết về tình trạng của cô à?”
Báo cáo ca bệnh trên bàn ghi rõ ràng dòng chữ: Tôi bị trầm cảm.
Trầm cảm nặng, hình như đã mắc từ khi tôi học cấp hai. Bố tôi nói tôi là đứa khác người, chỉ biết lãng phí tiền của gia đình.
Hồi đó là mức độ nhẹ nhưng không biết vì sao qua từng năm lại càng nặng hơn.
Tôi ngủ không yên giấc hết đêm này đến đêm khác.
Chán ăn.
Chỉ muốn lao tới khi nhìn thấy vật sắc nhọn.
Chưa bao giờ cảm nhận được niềm vui hay tâm trạng hạnh phúc.
“Thông thường, sự đồng hành và khích lệ từ bạn đời sẽ giúp tình trạng bệnh thuyên giảm. Vì vậy, tôi vẫn khuyên cô nên nói cho chồng sắp cưới biết.”
Dưới bàn, ngón tay tôi siết chặt lấy tờ bệnh án của mình.
Nói với Lục Ngưỡng sao? Anh ta sẽ có phản ứng gì?
Có lẽ là đưa cho tôi một khoản tiền, bảo tôi đi chữa bệnh?
Lục Ngưỡng luôn cười và nói rằng anh ta thích dáng vẻ khi cười tôi.
Thế nên tôi dùng nụ cười để ngụy trang trước mặt anh ta.
Anh ta có lẽ… sẽ chẳng muốn biết.
Thật ra tôi chỉ là một con quỷ đầy u ám.
6
Tôi gấp gọn báo cáo tình trạng bệnh, bỏ vào túi xách rồi trở về nhà.
Lục Ngưỡng sẽ không về sớm thế này nên tôi có đủ thời gian để nấu cơm.
Tôi giấu chuyện mình bị trầm cảm rất giỏi.
Thực ra đôi khi tôi nghĩ, không phải tôi giấu giỏi, mà là Lục Ngưỡng chưa từng thật sự để tâm đến tôi.
Công bằng mà nói, anh ta đối xử với tôi rất tốt.
Nhưng rất nhiều chuyện chỉ dừng lại ở bề ngoài.
Tôi nghĩ với anh ta, tôi chỉ là một người ‘thích hợp’.
Vì quen biết đã lâu, vì tôi ngoan, tôi nghe lời, lúc cần thì đến, lúc không cần thì đi.
Thứ tình yêu mãnh liệt trong mắt anh ta, chưa bao giờ dành cho tôi.
“Xin lỗi vợ. Họp hơi muộn, em đói chưa?”
Người đàn ông vừa bước vào nhà, cởi áo khoác và treo lên giá.
Dạo gần đây, anh ta bắt đầu đổi cách gọi, gọi tôi là ‘vợ’, vì ngày cưới của chúng tôi đã cận kề.
Tôi đã chuẩn bị xong thức ăn, dưới ánh đèn ấm áp, tôi nhìn anh ta.
Đôi lần định mở miệng nhưng lại không thốt nên lời.
Anh ta nhướn mày, bước tới trước mặt tôi, cúi người tháo dây tạp dề của tôi, giọng dịu dàng: “Sao vậy? Tủi thân đến thế à?”
“Lục Ngưỡng, em...”
Tôi vất vả hết can đảm, định đưa bệnh án cho anh ta xem.
Nhưng đúng lúc đó, điện thoại trong túi anh ta reo lên.
Anh ta nghe máy.
Đến giờ tôi vẫn nhớ rất rõ biểu cảm đột nhiên thay đổi trên gương mặt anh ta hôm đó.
Lạnh lùng, giễu cợt, bối rối rồi sụp đổ.
Vẻ mặt như vậy, tôi đã từng nhìn thấy.
Ngày Tô Uyển Linh thông báo ra nước ngoài, tôi cũng đã thấy những biểu cảm ấy trên mặt anh ta.
Dây tạp dề đang tháo dang dở, anh ta không tháo tiếp nữa.
Anh ta quay ngoắt người, lấy áo khoác treo ở cửa, cầm chìa khóa xe.
“Có việc gấp, anh ra ngoài một chút.”
Tôi muốn níu tay áo anh ta nhưng lại chạm phải sự lạnh lùng của anh ta trong phút chốc.
Tôi biết anh ta không muốn giải thích thêm với tôi.
Tiếng cửa đóng lại. Ngăn cách tôi bên ngoài cửa của anh ta.