Tin tức cái chết của thằng Bách nhanh chóng lan ra khắp trong làng, mặc cho trời rét căm căm người ta vẫn đến vây quanh xác chết của nó để bàn tán ồn ào. Một người trong làng vội vàng đi báo công an, riêng lão Sâm thì từ lúc nhìn thấy cái xác đến giờ toàn thân cứ run lên bần bật, ai hỏi gì cũng chỉ đáp được một câu: 

“Ma gà! Ma gà làm đấy.” 

Cô giáo Ban thì thương học trò nên cứ khóc suốt, ba chúng tôi ngồi cạnh cô, đứa nào đứa nấy mặt buồn rười rượi. Bố mẹ tôi biết tin trong trường có người chết thì vội vàng chạy tới tìm con. Có người hỏi nhau bố mẹ thằng Bách đâu thì mới biết bố mẹ nó đã qua đời vì trận sạt lở cách đây mấy năm trước, nó một mình sống với bà nội đã già ở mãi cuối làng. Nghe đâu bà nội nó đang ốm liệt giường nên mọi việc đành nhờ thầy cô trong trường giúp đỡ. 

Những ngôi trường trên núi cao như trường chúng tôi, số lượng học sinh đi học chỉ vỏn vẹn vài chục người. Cũng chính vì thế mà các thầy cô giáo hiểu rõ hoàn cảnh của từng đứa học trò. Nhắc đến thầy cô giáo trong trường tôi là có vô vàn chuyện để kể. Nào là việc thầy Khoa dạy toán vốn là người gốc Hà Nội, trước là thủ khoa trường sư phạm, vì thương học trò nghèo nên thầy tình nguyện lên Tây Bắc để dạy học. Nào là cô Tân dạy văn ngày nắng cũng như ngày mưa, hễ thấy một đứa học trò nào nghỉ học là cô lại phóng chiếc xe Min Khờ để vào tận nhà vận động chúng đi học trở lại, có  lần còn suýt bị lũ quét cuốn đi. Mọi người bảo mạng cô Tân còn lớn lắm. Trong số thầy cô ở trường, người được lũ học trò chúng tôi cảm phục nhất là cô Minh hiệu trưởng. Tôi nghe kể lại trước kia vốn là con gái thầy mo trong bản cách chúng tôi chừng mấy chục kilomet. Năm cô 13 tuổi, ông thầy mo bố cô định gả con gái cho một người đàn ông trạc tứ tuần. Cô không muốn lấy chồng mà muốn đi học, cho nên nhân lúc bố mình không để ý cô bỏ nhà đi mất. Đi được mấy hôm thì cô lạc đường, may mắn thay gặp được đoàn kiểm lâm đang đi làm nhiệm vụ nên mới thoát nạn. Thấy con gái mất tích, ông thầy mo bố cô lo lắng lắm, ông làm lễ cúng ma rừng suốt mấy ngày trời nhưng vẫn không có tung tích gì cả. Mẹ cô ngồi khóc cả ngày trong nhà, đến đêm muộn ngày hôm ấy, bà ra nói với chồng: 

“Con Minh chắc là sắp về rồi đấy ông ạ. Đừng để nó đi nữa.” 

Ông thầy mo đang ủ dột trước bàn thờ, nghe vợ nói thế cũng không để ý gì cả. Nào ngờ tờ mờ sáng hôm sau, mấy chú cán bộ kiểm lâm đưa cô về nhà thật. Gặp lại đứa con gái duy nhất, bố mẹ cô mừng đến phát khóc. Từ sau vụ ấy, ông thầy mo không bắt cô Minh lấy chồng nữa mà gửi cô cho người bà con ở dưới huyện để đi học tiếp. Năm cô vừa bước vào năm thứ 3 đại học sư phạm thì mẹ cô mất. Trước ngày mất mấy ngày, mẹ cô liên tục mơ thấy một con gà trống trắng đứng trước cửa nhà đòi nợ. Nó cứ kêu lên oang oác rồi lò dò đi thẳng vào trong nhà bà, sau đó nhảy phốc lên bàn thờ mà gáy. Mẹ cô tỉnh dậy trong lòng lấy làm lo sợ nhưng không dám nói với chồng. Bà muốn viết thư cho cô Minh nhưng ngặt nỗi bà không biết chữ. Thế là đành nhờ mấy chú cán bộ kiểm lâm đánh điện cho cô ở dưới Hà Nội để về. Cô Minh về được mấy hôm thì mẹ cô qua đời. Vào cái đêm mẹ mất, chính mắt cô Minh nhìn thấy một con gà trống màu trắng có cái mào đỏ rực đứng dưới chân mẹ cô nhìn chòng chọc. Cô Minh giật mình vì biết đàn gà nhà mình chẳng có con nào như thế cả. Cô khẽ xùy xùy để đuổi nó đi thì nó chẳng nhúc nhích mà chỉ nhìn cô với ánh mắt lạ lùng. Đúng lúc ấy, cẳng chân của mẹ cô khẽ co giật một cái. Cô Minh hoảng sợ, hồn vía bay lên mây, cô ú ớ không nói được thành lời. Chỉ một tích tắc sau, con gà biến mất như chưa từng xuất hiện. Mọi thứ xung quanh im lìm không hề có một tiếng động. Cô Minh nghi ngờ cái chết của mẹ mình có liên quan đến thứ gì đó không bình thường, cô gặng hỏi bố mình thì ông nói không biết. Cô chạy đến hỏi già làng thì ông ấy bảo rằng quỷ sự hôm qua rất có thể là con ma gà đến thâu nhận hồn người chết. 

Cô Minh từ nhỏ đã ghét trò ma quỷ, lại được xuống dưới tận Hà Nội để học tập nên không tin chuyện ấy. Cô trở về Hà Nội học tiếp, trong lòng cứ canh cánh về cái chết của mẹ mình. 

Mãi đến sau này, khi cô nhận công tác về làng Quái Kê thì cô mới biết nhiều hơn về thứ ma gà ám ảnh cả một vùng trời Tây Bắc. Cô biết chuyện lão Sâm bảo vệ sợ bóng sợ gió về việc ma gà đòi nợ. Chị em tôi và cái Bích phỏng đoán rằng, chính cô Minh cũng muốn biết thứ quỷ dị này như thế nào cho nên mới đồng ý cho lão Sâm nuôi gà trong khu vườn nho nhỏ sau trường. 

Quay lại vụ phát hiện ra thi hài của thằng Bách hôm ấy, người trong làng đi được nửa đường thì tuyết lại tiếp tục rơi. Tuyết rơi nhiều khiến cho con đường cheo leo nơi vách núi trở nên trơn trượt, người báo tin không dám đi tiếp nên đành quay về. Dân làng tôi nhìn cái xác cứng còng treo lơ lửng trên cây, rồi lại nhìn thầy cô trong trường tỏ ý lo ngại. Bố tôi khẽ lắc đầu: 

“Đợi mấy đồng chí công an đến chắc cái xác hóa thành tảng băng mất. Cứ để cháu nó như thế này cũng không giải quyết được gì. Thôi thì…chúng ta hạ xuống. Có gì mọi người cùng làm chứng với công an là được.” 

Mọi người đồng tình với ý kiến của bố tôi. Đúng lúc hai người thanh niên trong làng toan trèo lên để hạ cái xác xuống thì thầy Khoa dạy toán nảy ra một ý: 

“Từ từ hãy hạ xuống vội. Chúng ta nên vẽ lại cái xác này làm chứng cứ.” 

Mẹ cái Bích nghe thấy thế thì giật mình: 

“Ôi giời ơi! Ai lại vẽ cái xác? Vẽ lại nó để làm gì?” 

Thấy người trong làng hoang mang, thầy Khoa khẽ lắc đầu: 

“Bà con đừng sợ!  Ở dưới xuôi, mỗi lần có vụ án mạng là công an đều chụp lại hiện trường. Ở làng ta không có máy ảnh nên phải vẽ lại. Ngộ nhỡ sau này công an có hỏi đến thì chúng ta còn biết đường mà trả lời.” 

Mọi người tần ngần, có vài người đàn bà yếu bóng vía thấy xác chết thảm thương như thế khẽ kìm tiếng khóc sụt sùi. Cô Minh khẽ gật nhẹ đầu rồi nói: 

“Thầy Khoa nói phải đấy. Vậy việc này…” 

“Việc này chị cứ để em. Em làm được.” Thầy Khoa đáp luôn. 

Trưa hôm ấy bọn trẻ con trong làng tôi xúm xít quanh xem thầy Khoa vẽ lại cái xác. Người lớn thấy vậy liền gọi con về nhà ngay, họ sợ rằng vong hồn thằng Bách sẽ bắt mất đứa nào hợp vía. Riêng chị em tôi và cái Bích thì cố tình trốn lại trong một lớp học nhìn thầy Khoa vừa xách theo một cái ghế, vừa ôm theo một cuốn vở học sinh. Nhìn cảnh tượng thầy ngồi đối diện với cái xác trần truồng của thằng Bách, không hiểu sao trong lòng tôi lúc ấy lại sực nhớ đến bóng người ngồi chồm hỗm ở bờ rào nhà cô Ban ngày hôm qua. Tôi toan kể lại với hai đứa kia thì nghe thấy tiếng thầy Khoa thở dài rồi nói với các cô giáo cùng trường: 

“Các chị nhìn xem! Kẻ nào đã cắt đi phần hạ bộ của thằng bé cơ chứ? Nó… nó mới có mười mấy tuổi.” 

Cô Ban lúc này đã tỉnh táo hơn trước, cô khẽ nhìn cái xác rồi cụp mắt lại ngay. Tôi nghe thấy tiếng cô Tân trả lời: 

“Ngày thường thằng nhỏ này vốn nghịch ngợm. Nhưng… nhưng… không đến nỗi nào bị như thế này. Điều tôi thấy lạ nhất là mấy vết mổ trên người thằng bé. Mọi người có thấy vết mổ này rất giống gà mổ không?” 

Thầy Khoa ngừng vẽ, thầy nhíu mày nói nhỏ: 

“Có khi nào… chuyện về ma gà có thật…?” 

Thầy chưa kịp nói hết câu thì cô Minh đã nạt: 

“Cậu đừng có nói linh tinh. Ngộ nhỡ người khác nghe thấy thì sao?” 

Không ai còn dám nói thêm gì nữa. Thầy Khoa cặm cụi vẽ thật nhanh thi hài của thằng Bách rồi tất tả đi gọi thanh niên trong làng đến để hạ cái xác xuống đất. Thằng Hoàng em trai tôi nhìn cái xác cứng còng, miệng thì thầm: 

“Mọi người có thấy gì lạ không?”

Cái Bích quay ngoắt ra hỏi: 

“Lạ gì?” 

“Lần nào thằng Bách cũng đi cùng với đám bạn nó. Thế mà lần này không thấy mặt thằng nào cả. Thế không lạ thì là gì?” 

Tôi nheo mắt trêu thằng em: 

“Mày ngu quá! Bọn nó sợ chết khiếp nên ở nhà chứ sao!” 

Cái Bích cự lại: 

“Nếu vậy thì càng đáng ngờ. Nếu như một mình thằng Bách chứng kiến chuyện gì đó để rồi gặp nạn thì đám bạn của nó sẽ mò đến xem vì tò mò. Nếu chúng không đến xem thì chắc chắn chúng biết ít nhiều về cái chết của thằng Bách. Nói không chừng, trong lúc thằng Bách chết bọn nó cũng có mặt ở đó nên mới không dám quay lại chỗ này.” 

Tôi nghe mà lặng cả người. Tôi quay lại hỏi thằng em: 

“Thằng bạn thân nhất của thằng Bách là ai nhỉ?” 

Thằng Hoàng lắp bắp: 

“Thằng Pháo, thằng Nam, còn cả thằng Dậu nữa. Nhưng… nhưng chơi thân nhất với thằng Bách vẫn là thằng Pháo.” 

Thằng Pháo thì tôi không lạ. Nhà nó ở gần nhà ông bà nội tôi, trước cửa còn có một cây hồng rất lớn. Độ hơn chục năm về trước, khi ấy nhà nước còn chưa cấm dùng pháo nổ, nhà thằng Pháo đánh hàng từ biên giới về buôn nên giàu có nhất vùng. Hồi cô Ban và cô Huệ mới về làng dạy học, mẹ thằng Pháo ưng mắt cả hai cô nên mới đến dạm hỏi cho hai cậu em sinh đôi bị ngớ ngẩn của bà. Bà ấy bảo rằng hai thằng em trai bà đẹp trai lại tốt bụng, tính cách thật thà như trẻ con. Cô Ban và cô Huệ nghe thấy thế thì ngẩn người nhìn nhau không biết trả lời thế nào. Làm dâu nhà bà có mà sướng hơn cả làm cô giáo. Người trong làng nghe thấy thế thì bảo hai cô rằng bà ấy dạm hỏi khắp nơi cho hai gã điên ấy suốt bao năm nay rồi. Gái bản, gái làng không ai thèm lấy, thế mà còn đòi đèo bòng cả hai cô giáo dưới xuôi? Mấy hôm sau  mẹ thằng Pháo lại đến để tỉ tê tâm sự, cô Huệ từ chối thẳng khiến bà ta nổi giận bỏ về. Vụ ấy trong trường tôi ai cũng biết. 

Tiếng ho húng hắng của thằng Hoàng khiến tôi giật mình quay về với thực tại. Giữa ban ngày ban mặt mà trời bỗng dưng tối sầm lại. Tôi đưa mắt nhìn ra sân trường phủ đầy tuyết. Mấy người thanh niên trong làng đang hò nhau đưa cái xác của thằng Bách về cho bà nội nó. Chúng tôi ngóng mắt nhìn theo, dù ngày thường ghét thằng du côn ấy lắm nhưng nhìn thấy thi hài nó lặng lẽ về nhà trong tình cảnh thảm thương như thế, cả ba đứa tôi đều thấy buồn buồn. Cái Bích khẽ co người trong tấm áo rồi nhỏ giọng thì thầm với chúng tôi: 

“Thôi! Đi về đi! Bọn mình nấn ná ở đây lâu lắm rồi.” 

Thằng Hoàng khẽ gật đầu đồng ý. Chúng tôi vừa đi được mấy bước thì thằng bé sực nhớ ra chuyện gì đó. Nó quay lại nói với cái Bích:

“Chị đến trường lấy sách giáo khoa cơ mà? Quên à?” 

Hai đứa tôi ngẩn ra một lúc rồi nhìn nhau cười. Đúng vậy! Mục đích của chúng tôi đến trường hôm nay chỉ là lấy quyển sách để quên. Thế mà lại cuốn vào việc phát hiện ra cái xác của thằng bạn học cùng trường nên quên khuấy đi mất. Thằng Hoàng dò dẫm bước đi ở phía trước, phần vì sợ mặt đất dưới chân trơn trượt, phần vì sợ sẽ khuấy động cô hồn bóng quế nào đó lai vãng ở nơi này. 

Chúng tôi lặng lẽ đi vào trong lớp. Mùi bàn ghế gỗ cũ kỹ dường như vơi bớt đi vài phần bởi cái lạnh tê tái của mùa đông miền Tây Bắc. Bên trong lớp học hơi tối nên tôi lấy từ trong túi áo ra một chiếc bật lửa cùng với một cây nến. Ánh sáng tù mù từ cây nến bị cơn gió lạnh thổi vào như trực tắt. Tôi và cái Bích chụm bàn tay lại để che. Thằng Hoàng tinh mắt nhất, nó hỏi nhỏ: 

“Chỗ ngồi của chị ở đâu?” 

Cái Bích chỉ về cuối lớp rồi thì thào: 

“Kia kìa!” 

Tôi nhìn theo hướng tay của nó chỉ thì phát hiện ở cuối lớp có một ai đó đang ngồi im lặng trong góc lớp. Ánh sáng yếu ớt từ khe cửa xuyên vào khiến tôi biết người ấy mặc một bộ áo màu đỏ.

“Quái lạ! Giờ này sao có người ngồi ở đây làm gì?” Một dòng suy nghĩ chạy ngang đầu tôi. 

Có lẽ cái Bích cũng cảm thấy kì quái nên nó khẽ gọi nhỏ: 

“Bạn gì ơi! Bạn gì ơi!” 

Không có tiếng trả lời. Người kia vẫn im lặng như không. Tôi và thằng Hoàng nhìn nhau. Thằng bé hiểu ý nên bạo gan đi thẳng đến cuối lớp. Vừa đến nơi, khi ánh nến vừa soi vào người ấy thì ba chúng tôi rú lên khiếp đảm. 

Đó là một người bị lột da đang ngồi thu lu bên bàn học, trước mặt là quyển sách giáo khoa của cái Bích còn để mở. Mùi tanh từ máu lúc này mới xộc thẳng vào khứu giác của chúng tôi.  


 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play