Editor: NYKA
Hai tháng trước, khi cùng một tổ đội đến dọn dẹp các khu đất, Hạ Thanh đã nắm rõ cấu tạo của khu vực này. Khu đất số 3 rộng 6000 mẫu*, diện tích này lớn thứ ba trong số 200 khu đất đã được dọn dẹp.
*Thông thường ở Việt Nam, 1 mẫu tương đương khoảng 3.600m² hoặc 0,36 hecta (theo cách tính phổ biến ở miền Bắc). Tuy nhiên, con số này có thể thay đổi tùy theo địa phương, một số nơi tính 1 mẫu là 5.000m² (0,5 hecta) hoặc 10.000m² (1 hecta).
Để tiêu diệt hoàn toàn các sinh vật có hại sau khi tiến hóa, đất canh tác trong khu đất đã được dọn sạch và đốt qua một lượt, ba cái thôn bị bỏ hoang trong khu đất cũng được phun qua hai lần thuốc diệt côn trùng và thuốc đuổi côn trùng loại mạnh.
Hạ Thanh đã tham gia vào toàn bộ quá trình đó, vì vậy dù trời đã sập tối, nhưng khi bước vào thôn hoang với cỏ mọc cao hơn người, cô không hề lo lắng mình sẽ bị sinh vật tiến hóa tấn công.
Băng qua đám cỏ này Hạ Thanh mới vào tới chỗ ngôi nhà hai tầng được chủ cũ nơi đây tự xây, nó được lưu giữ tốt nhất và nằm ở giữa thôn.
Cô đặt túi xuống phòng khách ở tầng một rồi đi ra ngoài, tìm được vài khúc gỗ khô thì đóng cửa lại và bắt đầu nhóm lửa, sau đó kiểm tra đồ đạc mình nhận được từ đại sảnh.
Một lõi lọc nước sơ cấp, có thể lọc tối đa 200 lít nước ngọt ô nhiễm nhẹ.
30 cân lương khô nén, nếu cô ăn uống tiết kiệm thì nhiêu đây cũng đủ dùng cho bốn tháng.
Còn có lúa mì, đậu xanh, cây bông gòn và khoai tây nhỏ tiến hóa, căn cứ phát cho Hạ Thanh 6 cân mỗi loại; cùng với các gói hạt giống bí đỏ, dưa leo, cà chua và cà tím đã tiến hóa, mỗi loại có một gói.
Nếu những hạt giống này được trồng tốt, thì bốn tháng sau cô sẽ có thể thu hoạch chúng rồi, trồng rau thì còn nhanh hơn nữa.
Điều khiến Hạ Thanh tiếc nuối là không nhận được khoai lang đã tiến hóa.
Năm ngoái, khi làm nhiệm vụ cùng chiến đội Thanh Long, Hạ Thanh đã được chia cho một miếng khoai lang tiến hóa nhỏ, hương vị tuyệt vời đó khiến cô nhớ mãi đến tận bây giờ.
Vì lương thực và hạt giống đều được phát theo túi, Hạ Thanh không biết liệu mấy loại giống mà tất cả các chủ đất nhận được có giống nhau hay không, điều này thì cô cần phải tìm cách hỏi họ để làm rõ.
Cất hạt giống xong, Hạ Thanh lấy chiếc điện thoại cũ mình vừa nhận được ra, bật lên thì thấy trên màn hình có hai đường sọc xanh lá cây, màn hình còn nhấp nháy liên tục.
Chuyện này khá là bình thường, vì tới năm thứ mười sau chuỗi thảm họa mà điện thoại di động vẫn có thể bật lên sử dụng được, thì dù thế nào cũng là đồ tốt.
Trên màn hình điện thoại có một tệp tài liệu tên là "Cẩm nang Trồng trọt", bên trong chứa hình ảnh và giới thiệu của hơn ba mươi loại cây trồng là thực phẩm an toàn và tùy chọn, khoai lang cũng nằm trong số đó.
Hạ Thanh chỉ xem lướt qua, sau đó đặt điện thoại sang một bên, cô lấy ra chiếc radio nhỏ "vẫn còn khá tốt" mà căn cứ phát cho các chủ đất.
Hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, rộng lớn và hiệu quả do con người xây dựng trước đây đã bị sụp đổ trong loạt thảm họa, nên việc sử dụng đài phát thanh và các loại radio đơn giản để gửi và nhận thông tin đã trở thành phương thức liên lạc đường dài chủ yếu của con người trong một thời gian dài.
Cho đến ngày nay, nhiều người bình thường trong khu an toàn vẫn sử dụng phương thức này.
Hiện tại, căn cứ Huy Tam đã khôi phục vùng phủ sóng tín hiệu trong khu an toàn, nhưng chất lượng liên lạc còn lâu mới đạt được mức độ như xưa.
Trong khu an toàn, điện thoại di động chỉ có thể sử dụng ba chức năng là gọi điện, nhắn tin và truy cập ứng dụng nhiệm vụ của căn cứ.
Các tháp tín hiệu bên ngoài khu an toàn vẫn chưa được sửa chữa, vì vậy trong khu đất của Hạ Thanh không bắt được sóng điện thoại.
Sau khi đặt điện thoại di động và radio do căn cứ phát, cùng với chiếc điện thoại mình đang sử dụng vào một chỗ, Hạ Thanh lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ra, cô xem xét kỹ lưỡng dòng chữ ở mặt sau của giấy chứng nhận, đôi mắt dần sáng lên.
Trong bản tin phát thanh, họ có liên tục nói rằng nhất định sẽ bảo vệ quyền lợi của các chủ đất, nhưng lại không hề đề cập cụ thể đến các biện pháp dùng để bảo vệ.
Giữa thảm họa, sự tấn công của động thực vật tiến hóa trong tự nhiên đối với con người tuy đáng sợ, nhưng điều khiến người ta tuyệt vọng và kinh hãi hơn chính là sự tàn sát, cướp bóc, bắt nạt lẫn nhau của đồng loại.
Trong số những người thiệt mạng sau ba năm đầu tiên, có ít nhất 30% là do bị đồng loại giết.
Bố của Hạ Thanh đã bị người tiến hóa cấp cao "giết nhầm" khi bọn thú dữ tấn công khu an toàn.
Hạ Thanh đã phải tận mắt chứng kiến cảnh tượng đó, nhưng vì thực lực còn chưa đủ mạnh, đến nay cô vẫn chưa thể báo thù cho bố mình.
Vào thời điểm mà lương thực và vật tư khan hiếm như hiện nay, việc các chủ đất rời khỏi phạm vi kiểm soát của khu an toàn, và sở hữu trong tay lương thực nhưng lại chỉ sống một mình, sẽ khiến họ trở thành miếng thịt béo bở trong mắt nhiều kẻ.
Những chủ đất không có đủ sức mạnh để tự bảo vệ mình, nếu “may mắn” thì sẽ chỉ bị cướp mất lương thực họ vất vả trồng trọt, còn không thì sẽ mất mạng vì điều này.
Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người không dám đi nhận đất, dù họ biết rằng thú tiến hóa cấp cao đã bị đuổi ra cách nơi đây hàng trăm dặm.
Vì vậy, để các chủ đất có thể yên tâm làm việc, ngoài cam kết là cử lực lượng tuần tra khắp nơi 24/24, căn cứ còn trao cho họ một quyền quan trọng:
[Tất cả các tài nguyên trong phạm vi được ghi trên quyền sử dụng đất đều thuộc sở hữu của chủ đất, bất kỳ ai tự ý đi vào khu đất mà chưa được chủ đất cho phép, đều sẽ bị cấu thành tội xâm nhập trái phép, và bị trừng phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật; để bảo vệ tính mạng, tài sản và các quyền khác của chủ đất, nếu chủ đất phát hiện có hành vi xâm nhập trái phép đang diễn ra, trong quá trình chủ đất bảo vệ khu đất của mình, bất kì thiệt hại liên quan đến người xâm nhập trái phép, thậm chí thương vong, do chủ đất gây ra, đều thuộc về phòng vệ chính đáng.]
Nói một cách đơn giản là: dù chủ đất có lấy mạng kẻ đột nhập vào khu đất của mình, thì họ vẫn được tính là vô tội!
Vậy chẳng phải cơ hội báo thù cho bố cô đã đến rồi sao.
Hạ Thanh cầm lấy cành cây to bằng bắp đùi bên cạnh mình, bẻ gãy nó một cách dễ dàng, cô ném hai khúc cây vào đống lửa rồi duỗi người một cái thật dài, sau đấy xách cái túi vải bạt khổng lồ của mình lên.
Chiếc túi vải bạt nặng 200 cân này chứa toàn bộ tài sản của Hạ Thanh: một bộ chăn ga gối nệm, một túi ngủ, một bộ dụng cụ nấu nướng và gia vị đơn giản, một túi lớn gồm các dụng cụ làm mộc và dụng cụ điện, hai túi lớn vật liệu xây dựng, sáu con dao, một chiếc radio nhỏ cô đã sử dụng nhiều năm, một chiếc ná cao su và 150 cuốn sách. Sách thì có đủ thứ chủ đề, từ làm vườn, trồng trọt, chăn nuôi, đến kĩ năng về mộc, điện, cải tạo nhà cửa, v.v.
Sau khi mẹ qua đời, việc lập kế hoạch và chuẩn bị cho cuộc sống mới trong tương lai là điều mà Hạ Thanh và bố cô thích làm nhất khi rảnh rỗi. Nhưng tới lúc bố cô mất, nó trở thành động lực chính để Hạ Thanh tiếp tục sống.
Đến năm thứ mười, cuối cùng cô cũng đã bước ra khỏi khu an toàn, bắt đầu cho một cuộc sống mới.
Hạ Thanh cất từng cuốn sách vào túi đựng đồ chống thấm nước và chống ẩm, rồi mở túi quần áo ra, lấy một chiếc điện thoại di động được giấu bên trong.
Điện thoại di động mà căn cứ phát cho các chủ đất không thể liên lạc với thế giới bên ngoài khi họ ở trong khu đất, nhưng điện thoại của cô thì có thể.
Nói một cách chính xác, chiếc điện thoại này được gọi là "thiết bị đầu cuối liên lạc vệ tinh"*, hoặc ngắn gọn hơn: điện thoại vệ tinh cầm tay. Nó là món quà bố mẹ tặng Hạ Thanh nhân dịp cô thi đỗ đại học vào năm chuỗi thảm họa xảy ra.
*Thiết bị đầu cuối liên lạc vệ tinh là thiết bị cho phép người dùng kết nối và liên lạc thông qua mạng vệ tinh thay vì mạng viễn thông mặt đất thông thường. Nó hoạt động bằng cách gửi và nhận tín hiệu trực tiếp từ các vệ tinh đang bay trên quỹ đạo. Các dạng thiết bị phổ biến gồm điện thoại vệ tinh cầm tay, thiết bị đầu cuối cố định, thiết bị đầu cuối di động trên phương tiện, và các thiết bị dữ liệu M2M (machine-to-machine).
Vào năm thứ ba, hệ thống liên lạc vệ tinh duy nhất có thể phủ sóng toàn cầu của Hoa Hạ đã được khôi phục, tất cả các thiết bị đầu cuối liên lạc vệ tinh liền trở thành vật tư quý giá.
Có người trong căn cứ Huy Tam đã dùng điện thoại vệ tinh cầm tay, đổi lấy lương thực và thuốc men để cứu mạng, nhưng cũng có không ít người vì nó mà mất mạng.
Sau khi bố bị sát hại, Hạ Thanh buộc phải sống chung phòng với người ngoài, cô nhanh chóng cất giấu thật kĩ chiếc điện thoại này, chỉ khi nào đảm bảo an toàn mới dám bật lên xem video, ảnh chụp trước kia, hoặc để đọc tin nhắn vệ tinh cô nhận được do quốc gia và Căn cứ Trung ương Huy Nhất gửi đi tập thể, cũng như tìm hiểu những chuyện xảy ra bên ngoài Căn cứ Huy Tam.
Lần cuối cô bật máy là vào đêm giao thừa, tính đến nay là vừa đúng 16 ngày. Bây giờ đã dọn vào khu đất của mình, Hạ Thanh có thể yên tâm sử dụng chiếc điện thoại này rồi.
Sau khi máy được khởi động và kết nối với vệ tinh liên lạc, điện thoại nhanh chóng nhận được hàng trăm tin nhắn cảnh báo về các thảm họa có nguy cơ xảy ra, còn có tin tức và mấy loại thông báo khác.
Hạ Thanh đọc từng cái một, nội dung cũng không khác gì trước kia, thông tin được đề cập trong tin nhắn không dài lắm, đài phát thanh cũng đã nhắc đến các điểm này rồi. Nhưng thật ra, nội dung khác thường cũng có thể xuất hiện.
Có một số điện thoại lạ đã gửi tin nhắn cho cô vào 15 ngày trước, tức là sáng mùng một Tết.
Số điện thoại này và nội dung bên trong tin nhắn đã in sâu vào tâm trí Hạ Thanh.
Bởi vì cùng ngày và trước thời điểm đó 3 phút, chiếc điện thoại di động cô thường sử dụng trong khu an toàn cũng nhận được tin nhắn có nội dung tương tự từ dãy số này.
==================
Phần của tác giả:
Các bạn đọc thân mến, tác giả xin được giải thích về cách đặt tên các sinh vật trong truyện này: (Vì chưa được xuất bản chính thức nên mình để thẳng vào nội dung chính luôn)
Tất cả các sinh vật trên Lam Tinh đều tiến hóa, và được chia thành hai loại là tiến hóa ở mức độ bình thường và tiến hóa vượt mức độ bình thường.
Để người đọc không bị rối, trong các phần sau, khi nhắc đến tên các sinh vật, sinh vật tiến hóa ở mức độ bình thường sẽ được gọi trực tiếp bằng tên cũ, sinh vật tiến hóa vượt mức độ bình thường sẽ được thêm hai chữ "tiến hóa" vào sau tên, ví dụ như khoai tây tiến hóa, rắn tiến hóa, v.v.
Khi nâng cấp quy tắc này, sinh vật nào tiến hóa vượt mức độ tiến hóa bình thường của loài đó từ năm lần trở lên, sẽ được thêm bốn chữ "tiến hóa cấp cao" vào sau tên, ví dụ như khoai tây tiến hóa cấp cao, rắn tiến hóa cấp cao, v.v.