Sẩm tối, khi tôi đang tản bộ ở vườn hoa của khu nhà thì có một bác gái nhiệt tình tới trò chuyện với tôi, biết tôi còn chưa có con, bác bèn cầm tay tôi nói : “Con gái à, nói thật cho bác nghe xem nào, sức khỏe của cháu có vấn đề đúng không, bác quen một thầy lang mát tay lắm, con dâu của bác uống thuốc của thầy này mới sinh được cho nhà bác một đứa cháu đấy, để bác về xem còn giữ đơn thuốc ông ấy không, con chờ nhé !” Nói rồi bác ấy định về nhà tìm đơn thuốc cho tôi.
Tôi ngỏ ý sức khỏe của mình rất ổn, chẳng qua chưa làm xong công tác chuẩn bị sinh con mà thôi.
Bác kia trách móc vỗ vỗ tay tôi : “Con gái ngốc à, việc quan trọng của người phụ nữ là lấy chồng sinh con, hơn nữa nhất định phải sinh con trai, người sống ở khu chúng ta đều không nghèo, đàn ông có tiền dễ sinh hư, nếu con không chịu sinh, chồng con ra ngoài tìm người khác sinh thì con biết làm sao ? Nghe bác đi, sinh một đứa con trai, địa vị của con mới được vững chắc, mà về già cũng có nơi tương tựa, nếu không sau này ai chăm hương khói cho con!”
Tuy tôi thấy quan niệm của bác cổ hủ, song thấy bác sốt sắng như vậy thì khá buồn cười, bèn làm bộ nói : “Ngộ nhỡ con sinh con gái thì làm sao ạ, vậy chẳng phải anh ấy vẫn tìm người khác sinh con sao ?” Bác gái nọ nghe vậy liền nói : “Thế thì có sao ? Chúng ta lại sinh tiếp khi có con trai mới thôi, con cũng không thể để cho người khác có cơ hội lợi dụng, bác thấy con hợp nên mới nói thật với con đấy.”
Tôi bèn cười cảm ơn và ngỏ ý sẽ nhớ kỹ lời của bác ấy, bác ấy lại dặn dò một lúc nữa rồi mới thả tôi ra về.
Về tới nhà thì ông xã đã tan ca, tôi bè cười mà kể cho anh ấy nghe chuyện khi nãy. Ông xã hỏi sao tôi không tranh luận với bác ấy, cho bác ấy biết tư tưởng của lớp trẻ giờ đã khác xưa rồi.
Nhưng tôi có cần làm vậy không ? Tôi và bác gái chỉ là hai người xa lạ dù bác bác ấy có quan niệm thế nào thì cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống thực tế của tôi, cùng lắm là mỗi lần tình cờ gặp nhau trong khu nhà, tôi lại tiếp tục được "khuyên bảo" mấy câu mà thôi, với tôi cũng chẳng phải chuyện to tát. Dù sao thì nếu có tranh luận, chắc chắn bác ấy sẽ không tán thành với quan niệm của tôi, cho rằng tôi “trứng mà khôn hơn vịt” sau đó tìm vô vàn ví dụ dể dạy dỗ tôi, nếu tôi không đồng ý thì bác ấy sẽ nghĩ tôi không hiểu chuyện, cuối cùng đôi bên chẳng vui vẻ gì, tự nhiên bực mình vì một số chuyện không đâu. Thế rồi ai nấy lại tiếp tục giữ vững quan niệm sống của mình.
Mới đây thôi, cô bạn thân Đương Đương tổ chức một câu lạc bộ kín, mời tôi tham gia. Trong mười mấy người có người đã sinh con, có người chưa sinh con. Không biết trò chuyện kiểu gì mà cuối cùng đề tài lại chuyển tới chuyện con cái, người sinh con cho rằng : Trẻ con đáng yêu biết bao, tuy nuôi vất vả nhưng con cái là hi vọng tương lai, nếu không có con cái thì về già không nơi nương tựa, “đối ảnh thành tam nhân” thật là thê lương! Ngầm ám chỉ : Không biết mấy người các cô nghĩ thế nào, sao lại không muốn sinh con, tới lúc già mấy cô mới thấy hối hận, nhưng lúc đó hối hận thì cũng đã muộn rồi, rồi mấy cô sẽ phải hâm mộ bọn này cho mà xem! Còn người chưa sinh con thì cho rằng : Nuôi con vừa tốn tiền vừa tốn thời gian, làm gì cũng vướng bận, nuôi một đứa con già ít nhất năm tuổi, huống hồ nuôi nó lớn rồi, ngộ nhỡ nó là loại phá gia chi tử, thế thì khổ muốn chết, còn nói gì đến hạnh phúc gia đình nữa, quả thực là chết không nhắm mắng, có gì hay đâu mà hâm mộ !
Vốn dĩ chuyện sinh con hay không hoàn toàn là lựa chọn của mỗi người, ai thích nuôi con thì nuôi, không thích nuôi con thì tiếp tục hưởng thụ là được, hai phe không ai ảnh hưởng đến ai. Nhưng sự cố chấp của con người quá mạnh, hai phe đều cố gắng chứng minh sự lựa chọn của mình mới chính xác, cuộc sống của mình mới tuyệt nhất, không ai chịu nhường ai. Cuối cùng hai bên gần như nổ ra chiến tranh, nếu không phải Đương Đương đứng ra giảng hòa đúng lúc thì chắc chắn sẽ có cãi nhau to. Nhưng sau chuyện này trong câu lạc bộ lại chia thành ba phe - phe đã có con, phe chưa có con, còn tôi và Đương Đương thì một phe riêng, hai phe kia hoàn toàn đối địch. Trên đường về, Đương Đương than thở với tôi, sau này chắc chắn cô ấy chỉ chơi với người có cùng quan điểm tương đồng nếu không thì khổ lắm.
Bấy giờ tôi cũng rất bùi ngùi, thầm nghĩ làm vậy thật không đáng, dù cố gắng tới mấy thì đối phương cũng chẳng chấp nhận quan điểm của mình đâu, đã thế còn chuốc bực vào thân, phí phạm thời gian tốt đẹp, sao phải khổ thế ?
Nhưng trong thực tế cuộc sống, chẳng phải hầu hết chúng ta đều như vậy hay sao ? Sẵn sàng vì những chuyện không đâu như thế này mà vừa làm khổ mình vừa làm khổ người.
Thường có người than thở với tôi rằng mẹ chồng họ cổ hủ như người ... cổ đại, quan điểm lỗi thời vô cùng, họ suốt ngày tranh cãi với mẹ chồng tới đỏ mặt tía tai. Họ hỏi tôi rằng nên làm thế nào trong trường hợp đó. Tôi vẫn ngẫm xem rốt cuộc có phương pháp nào để giải quyết kiểu mâu thuẫn này hay không, nhưng nghĩ tới nghĩ lui mới nhận ra tốt nhất là không nên tranh cãi với mẹ chồng, bà ấy nói gì thì bạn cứ nghe đi, sau đó hãy tiếp tục sống như mình muốn. Lâu dần bà ấy biết bạn không nghe theo cũng không tranh luận, nên cũng không thể tìm ra lỗi lầm cuả bạn, rồi bà ấy cũng biết là không thể ép buộc được bạn. Đương nhiên tôi cũng biết phải nhường nhịn một người luôn áp đặt suy nghĩ lên bạn là một chuyện cực kì đau khổ, nhưng việc này cũng dạy cho chúng ta một điều “Chuyện bản thân không thích thì cũng đừng làm với người khác.”
Trong một cuộc tranh luận, không bao giờ có người thắng thực sự. Dù một người có tài hùng biện tới đâu, khả năng hơn người, lời lẽ đanh thép, nói năng hùng hồn thế nào, nhưng cũng chỉ chiếm thế thượng phong về mặt lời lẽ : Nghĩ thế nào vẫn là quyền của đối phương, có khi đối phương càng giữ vững quan điểm cũ hơn. Quan niệm mỗi người bị ảnh hưởng lớn bởi hoàn cảnh cuộc sống và những chuyện họ từng trải qua, không ai có thể thay đổi quan niệm mà họ theo đuổi suốt mấy chục năm chỉ vì đôi ba câu nói của người
khác, điều đó vừa không thực tế vừa không thể xảy ra.
Một người tán đồng một quan điểm nào đó, ắt phải từng nhận được lợi ích từ quan điểm ấy. Tới khi quan điển ấy không còn mang lại điều gì tốt đẹp cho cuộc sống của bản thân, họ sẽ tự tìm quan điểm phù hợp hơn tựa như bác gái mà tôi nhắc ở đầu câu truyện, bác ấy sống ở một thời kì khác với tôi. Có lẽ thời kì đó, mọi người đều sống như vậy, nên bác ấy mới nghĩ quan niệm này có lợi nhất cho mình. Quan niệm khác biệt thì không có đúng sai, thậm chí không thể nói quan niệm của ai hay hơn ai, chỉ là chúng ta đang gặp phải những người suy nghĩ khác mình mà thôi.
Mấy năm qua, tôi đã gặp rất nhiều người bàn luận với mình về tình cảm hôn nhân, nhưng tôi vẫn giữ vững một nguyên tắc : Dù cuộc sống của đối phương có thể thế nào thì chỉ cần cô ấy không than phiền, không xin tôi giúp đỡ, tôi sẽ không tùy ý đánh giá cuộc sống của cô ấy, dù hôn nhân của cô ấy đã khủng hoảng tới mức nào, chồng cô ấy có quá đáng đến đâu, nếu cô ấy không chịu từ bỏ thì đương nhiên cô ấy có lí do riêng của mình. Tôi cũng không phải người trong cuộc rất nhiều chuyện tôi không hiểu rõ, tôi
không có tư cách cũng không cần quan tâm đến nó. Trừ khi cô ấy cần ý kiến của tôi, tôi mới phát biểu quan điểm, dù vậy tôi cũng luôn nhắc nhở bản thân phải khách quan, cố gắng loại bỏ sự yêu ghét đầy chủ quan.
Trong quá trình thảo luận, nếu đối phương không chấp nhận quan điểm của tôi, tôi sẽ dừng đúng lúc, bởi vì tôi hiểu, những người đồng tình với tôi chẳng cần tôi nói nhiều, họ cũng đã coi tôi như tri kỷ. Còn những người không nghĩ giống tôi, dù tôi có tranh luận hùng hồn tới đâu cũng chẳng có tác dụng gì. Tranh chấp cãi cọ chỉ làm tổn thương tình cảm, cũng không đạt được mục đích, chỉ khiến đôi bên cùng tổn thương nhau mà thôi.
Ngày trước tôi biết một nữ lãnh đạo rất thích nói chuyện ngoài công việc, chỉ cần người khác có suy nghĩ khác biệt thì nhất định bà ấy phải nói tới khi họ tán đồng mới thôi. Nhiều người kiêng nể địa vị bà ấy nên cũng không dám tranh luận, nhưng có vẻ họ cũng không phục, điều này đã ảnh hưởng đến công việc, mọi người truyền tai nhau cách ứng xử : Ngoài nói một đằng trong nghĩ một nẻo.
Năm ngoái, vị nữ lãnh đạo này về hưu, bà bỗng nhận ra không ai muốn nói chuyện với bà nữa.
Quan điểm khác biệt, đừng cố tranh cãi, quá trình để bản thân biết tôn trọng người khác, chính là quá trình khiến chúng ta mạnh mẽ hơn. Chỉ người có nội tâm yếu đuối mới cần người khác đồng tình với mình mọi chuyện, còn những người mạnh mẽ với nội tâm chín chắn, chưa bao giờ bắt ép người khác phải đồng tình với mình. Con người càng mạnh càng dễ dàng bao dung nhiều loại quan niệm, mà sự mạnh mẽ của người đó bắt nguồn từ việc hấp thụ tinh hoa từ rất nhiều quan điển, cuối cùng lắng đọng thành quan niệm của chính mình.
Hơn nữa không có quan niệm tốt và quan niệm xấu, chỉ có quan niệm nào phù hợp với thời đại nào, quan niệm nào phù hợp với kiểu người nào. Những người có thể sống với nhau lâu dài đều là những người có quan điểm tương đồng, còn những người có quan niệm khác biệt, chính là sự điểm xuyết cho cuộc sống của chúng ta, nếu không sao thế giới này có thể tồn tại muôn hình vạn trạng như thế ?