Mấy năm trước, có lần tôi cùng người nhà đi dự tiệc. Trong sảnh lớn của khách sạn có mấy gia đình cùng mở tiệc.
Lúc đó, có một bé trai khoảng bảy, tám tuổi đổ đồ uống trên tay xuống nền nhà. Nền nhà đều là gạch tráng men, đồ uống đổ trên đó vừa ướt vừa trơn. Hôm ấy, một gia đình làm tiệc mừng thọ cho người mẹ tám mươi tuổi của họ, có không ít cụ già tới dự.
Tôi gọi bé trai kia lại, cười nói với cậu bé : “Bạn nhỏ à, đồ uống rơi xuống đất rất dễ khiến người khác trượt ngã. Hôm nay có rất nhiều cụ ông cụ bà tới đây, bị ngã thì không ổn, chúng ta đừng làm như vậy được không nào ?”
Tuy bé trai nọ khá bướng, nhưng vẫn chịu nghe lời, cậu bé đảo mắt một lúc rồi gật đầu, “Được rồi ! Cháu sẽ không đổ nữa.”
Tôi cười khen ngợi cậu bé, đúng là một em bé ngoan.
Đây vốn là một câu chuyện nhỏ nhặt không có gì đáng nói, nếu mẹ bé trai không tình cờ đứng gần đó và nghe thấy. Chị ta không cảm thấy con mình làm vậy là sai, trái lại còn tức tối lườm tôi rồi nói bóng nói gió với con trai mình : “Bình thường mẹ nói thì không nghe, người lạ bảo một câu là nghe ngay đấy, bị người ta lừa bán đi lúc nào cũng không biết đâu.”
Tôi bèn giải thích với chị ta, hôm nay có nhiều cụ già ở đây, đi lại bất tiện, nếu nền đất vừa ướt vừa trơn, các cụ ngã bị thương thì không ổn.
Người phụ nữ kia giận dữ trừng mắt với tôi, rồi liếc nhìn những cụ già kia bằng ánh mắt căm ghét : “Già rồi thì ở nhà cho lành, ra ngoài làm gì cho phiền không biết ?”
Tôi không chịu nổi : “Người già cũng có mối quan hệ của họ, sao lại không được ra ngoài chứ ?”
Chị ta hừ một tiếng : “Ra ngoài thì đám con cháu phải cẩn thận trông nom, đừng để xảy ra chuyện rồi đổ lên đầu người khác. Nếu họ ngã thì phải trách con cháu họ không chu đáo ấy.”
Thấy chị ta ngang ngược như vậy, tôi cũng nổi giận. Ngày đó còn trẻ tuổi nóng tính, tôi bèn mắng lại : “Người già ra ngoài thì con cháu phải trông nom cho tốt, không thì chính là lỗi của con cháu, thế con trai chị cũng giống vậy đúng không ? Cha mẹ phải trông nom con cái cho tốt, không thì chính là lỗi của cha mẹ.”
Có lẽ bình thường người phụ nữ kia vốn chua ngoa đanh đá, thấy tôi còn trẻ mà dám dạy dỗ chị ta, mới nói vào giọng thách thức: “Ai có não chẳng biết trẻ con đều ương bướng, sau này, con trai cô ương bướng thì cô bóp chết nó hay là bỏ rơi nó hả ?”
Chị ta làm tôi giận đến tức cười. Tôi nghiêm túc trả lời : “Nếu con trai tôi quá ương bướng làm vậy nơi công cộng, chắc chắn tôi phải bênh con mình rồi.”
Người phụ nữ kia cười khẩy : “Ờ, đúng rồi, chính cô cũng như thế còn mặt dày mà dạy bảo người khác ?”
Tôi thong thả nói với chị ta : “Nếu con của tôi vô đạo đức, điều này chứng tỏ bản thân tôi vô đạo đức, không biết cách dạy con, chắc chắn tôi là người giống chị, cho nên khi gặp phải rắc rối tôi cũng phản ứng giống chị. Không lẽ lúc dạy con tôi hồ đồ, khi con tôi gặp rắc rối tôi liền trở nên sáng suốt , thông tuệ ? Còn nếu tôi là người sáng suốt thông tuệ, tôi sẽ không bao giờ dạy con như chị. Vậy con tôi làm sao có thể gặp rắc rối được chứ ?”
Đối phương tức lắm, vừa rủa cho không ai thèm lấy tôi, vừa hằm hằm dẫn con mình đi.
Đây là câu chuyện từ nhiều năm trước. Mấy hôm nọ, tôi viết một bài tên là : “Đừng bao giờ đối đâu với nhân tính.” Trong đó có nhắc tới ví dụ, cậu mợ tôi nuông chiều con cái, nhận được vài bình luận phía dưới giống hệt chuyện này. Vì không muốn để tư tưởng kia tiếp tục đầu độc người khác, tôi không nhượng bộ bất kì ai.
Các bình luận đó đều có đại ý là : Cậu mợ cô làm vậy cũng vì quá yêu con. Cha mẹ nào chẳng hết lòng vì con. Có lẽ tới lúc cô gặp vấn đề tương tự, cô cũng sẽ hành xử giống cậu mợ của mình. Đến lúc ấy cô sẽ hiểu thôi.
Tôi nhớ có một độc giả hỏi tôi thế này : “Vãn Tình, tôi muốn hỏi cô, nếu con trai cô như vậy cô sẽ thực sự thấy chết mà không cứu ư ? Cô nỡ lòng nào ư ?”
Tôi trả lời cô ấy : “Dù có tán gia bại sản tôi cũng phải cứu con trai tôi, phải trả nợ cho nó, dù có phạm sai lầm gì đi chăng nữa nó cũng vẫn là con trai tôi !”
Đối phương nghi ngờ hỏi tôi đang nói kháy à ? Tôi đáp không phải, chắc chắn tôi sẽ làm như vậy, tôi cực kì nghiêm túc. Cô ấy nói : “Nếu chính cô cũng làm thế thì sao trong bài văn kia cô lại viết như vậy ?”
Tôi bèn trả lời thế này : "Nếu tôi chiều con tới mức để nó chơi bời rồi nợ nần chồng chất, chứng tỏ tôi cũng là người mẹ hiền thất bại. Thế thì phản ứng của tôi chắc chắn là phản ứng của người mẹ hiền, sao có thể bỏ mặc không quan tâm được ? Còn một người mẹ có nguyên tắc và giới hạn khi nuôi dạy con sẽ không dung túng cho con hết lần này đến lần khác cho tới khi nó không thể quay đầu lại. Thế nên tôi sẽ không bao giờ gặp vấn đề này. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy, bạn là cây táo thì bạn sẽ sinh ra quả táo, bạn là cây lê thì sinh ra quả lê, quan niệm khác biệt thì kết cục cũng khác biệt.
Đối phương nói : Cô trả lời quá thâm thúy, tôi phải ngẫm lại mới được.
Tôi nghĩ lời tôi nói không hề thâm thúy, nhưng đủ để kích thích quan niệm thâm căn cố đế của cô ấy.
Quan niệm này còn thể hiện trên một vấn đề tình cảm cực kì phổ biến : Có những người đàn ông đã lừa dối rất nhiều lần, khiến người phụ nữ bị tổn thương nhiều lần, nhưng chỉ vài lời chót lưỡi đầu môi là người phụ nữ lại bồn chồn lưu luyến. Tôi luôn khuyên họ sớm rời đi, đừng để mình bị tổn thương nữa.
Đối phương thường sẽ hỏi vặn lại : Tôi thực sự luyến tiếc cuộc tình này, nếu chị gặp chuyện như vậy thì chị có thể quyết tâm chia tay hay không ?
Nếu tôi cũng có cái tính do dự không quyết đoán ấy thì chắc chắn tôi cũng sẽ gặp phải rắc rối tương tự, mà một khi gặp phải là tôi cũng sẽ băn khoăn bối rối, nhưng vấn đề là tôi không có cái tính ấy !
Cho nên cô bé à, phản ứng của bạn chỉ đại diện cho những người do dự thiếu quyết đoán như bạn thôi, còn những người quyết đoán thẳng thắn thì họ đã quay người bỏ đi từ lần đầu tiên gặp phải vấn đề này rồi, mà khả năng cao là họ vốn không bao giờ gặp phải vấn đề như thế này, cho nên vấn đề này không có mối liên hệ gì với tư duy bản thân hết.
Bên cạnh chúng ta luôn có một loại người rất thích nói với bạn : “Tới lúc kết hôn rồi cô sẽ biết, tới lúc có con rồi cô sẽ hiểu …”
Trước khi kết hôn, tôi rất ghét những người suốt ngày đòi đi làm nhà phê bình hôn nhân, vô số người từng nói với tôi : “Tới lúc kết hôn rồi cô sẽ hiểu, hôn nhân là phải cãi lộn đến tanh bành như thế đấy.”
Song sau khi tôi kết hôn, hoàn toàn không phải như vậy. Thế là rất nhiều người bắt đầu nói với tôi, tới lúc có con rồi sẽ thế này thế kia. Đương nhiên giờ tôi chưa có con, không thể kiểm chứng được, nhưng bên cạnh tôi có rất nhiều bạn bè đã có con. Có một bạn lớn tuổi, con cũng đã học đại học Yale, cô ấy chưa từng vì con mà đánh mất bản thân, cũng không vì con mà trở nên xấu xí héo tàn. Trong khi con cô ấy hào sảng, nhiệt tình, lương thiện, mặt nào cũng xuất chúng, thì cô ấy cũng ngày càng tao nhã, ngày càng thu hút.
Tôi rất muốn nói với những người kia rằng : Người kết hôn có rất nhiều, hôn nhân cũng có muôn vàn kiểu, không phải cuộc hôn nhân nào cũng giống nhau. Người có con cũng quá nhiều, có đứa trẻ ngoan ngoãn lễ phép, có đứa trẻ hư hỏng tới mức bạn muốn nhét nó vào lại bụng mẹ, đâu có hình thức cố định nào. Quan niệm giữa người với người không hề giống nhau, cách sống đương nhiên cũng khác biệt, kết cục tất yếu không thể tương đồng.
Cho nên cách nói ấy chỉ là những lời bao biện cho việc mình giải quyết vấn đề không tốt, sống không như ý mà thôi. Bạn đừng an ủi bản thân bằng cái cớ : “Kim không đâm vào người cô thì cô không thấy đau, nếu cô gặp phải vấn đề của tôi thì cô còn chẳng xử lý được bằng tôi”, mà phải cố gắng khắc phục nhược điểm trong tính cách của mình, tránh đẩy bản thân vào vòng xoáy bất hạnh.
Trên đời này có rất nhiều phụ nữ vô cùng xuất sắc, có rất nhiều phụ nữ gặp thương tổn là kiên quyết bỏ đi, cũng có rất nhiều phụ nữ thông tuệ tỉnh táo. Họ không may mắn, chẳng qua quan niệm sống của họ sâu sắc hơn mà thôi.