Dạo trước, mấy người chúng tôi tổ chức một bữa tiệc chúc mừng nho nhỏ cho cô bạn thân Tiểu R. Kịch bản phim mà cô ấy viết suốt hai năm đã được một công ty phim truyền hình coi trọng và bỏ ra một triệu tệ để mua về.
Tiểu R đang là một người nội trợ. Trước khi kết hôn, cô ấy làm HR và là một người rất xuất sắc trong công việc. Sau khi kết hôn, Tiểu R mang thai và quyết định nghỉ việc. Sếp tha thiết giữ cô ấy lại, cũng thoải mái nói : “Cứ việc sinh con, cho nghỉ một năm, sau đó lại quay về làm.”
Tiểu R rất cảm kích trước sự cảm thông của sếp, nhưng vẫn từ chối. Cô ấy đã lên kế hoạch từ sớm, rằng trước khi con đi học, cô ấy nhất định phải ở bên con, sau đó mới cân nhắc tới chuyện quay lại làm việc. Lúc ấy, mấy người chúng tôi đều phân tích cho Tiểu R thấy những trường hợp có thể xảy ra sau khi cô ấy nghỉ việc, khuyên cô ấy nên suy nghĩ lại, nhưng Tiểu R vẫn quyết tâm lập chí cùng con lớn lên. Thế là chúng tôi đều chọn chọn tôn trọng quyết định của cô ấy.
Tôi cũng từng âm thầm hỏi Tiểu R, "Cậu đã thực sự cân nhắc kĩ chuyện vì con mà hy sinh mấy năm trời chưa ? Liệu cậu có hối hận hay không ?"
Tiểu R cười rất kiên định, đáp : “Cậu à, yên tâm đi. Dù tớ có thành một bà mẹ nội trợ thì tớ cũng không bao giờ ngừng hoàn thiện bản thân.”
Tiểu R vốn là một cô gái thông tuệ và có chính kiến, cho nên tôi vui vẻ chúc cô ấy vạn sự như ý.
Sau đó, khi chúng tôi trò chuyện với nhau, tôi có hỏi thăm cuộc sống của cô ấy. Tiểu R đáp, trong ba tháng đầu, hầu như lúc nào con cũng ngủ. Khi ấy Tiểu R có thể làm những việc khác, chỉ cần cho con ăn đúng giờ, thay tã cho con đúng lúc là được. Nếu quá buồn ngủ thì có thể ngủ theo con, nếu không buồn ngủ thì làm những việc mình thích. Lúc còn đi làm, ngày nào Tiểu R cũng bận đến tối tăm mặt mũi, nhưng khi ở nhà chăm con, cô ấy có thêm nhiều thời gian để đọc sách.
Dù con có lớn hơn, thời lượng ngủ ngày càng ít đi, thì cô ấy vẫn đọc rất nhiều sách hướng dẫn nuôi dạy con, còn bồi dưỡng cho con nếp sinh hoạt rất tốt, nên con ngoan hơn những đứa trẻ khác nhiều.
Một thời gian sau, Tiểu R kể với tôi rằng cô ấy đã mua vài cuốn sách về ngành biên kịch, và muốn viết kịch bản về đề tài gia đình.
Nói thật, lúc ấy tôi không hề xem trọng chuyện đó. Biên kịch chuyên nghiệp nhiều như thế, chẳng đến lượt tác phẩm của mình được đưa lên màn ảnh. Trước lời nhắc nhở của tôi, Tiểu R vẫn rất tự tin thoải mái, cô ấy nói chỉ muốn viết một câu chuyện, muốn học cách làm thế nào để viết kịch bản, còn kết quả ra sao thì cô ấy không bận tâm.
Tiểu R viết suốt hai năm trời, rất nghiêm túc, còn theo dõi rất nhiều người trong giới biên kịch và truyền hình.
Rất nhiều người nói Tiểu R thật may mắn, tôi nghĩ có lẽ vì họ cho rằng chỉ một kịch bản mà cô ấy đã thu về được một triệu tệ rồi ! Về điều này, Tiểu R cũng không phủ nhận, nhưng tôi biết nếu không có những nỗ lực trước đó, may mắn này sẽ không đến lượt cô ấy.
Sau khi tiệc tùng kết thúc, Tiểu R mời riêng tôi đi uống cà phê, cô ấy muốn tâm sự với tôi vài vấn đề về kịch bản.
Thế là chúng tôi lại đi tới Starbucks, tôi chúc mừng cô ấy một lần nữa.
Tiểu R tâm sự với tôi những lời từ tận đáy lòng "Vãn Tình à, rất nhiều người chúc mừng tớ, bởi vì kịch bản của tớ bán được với giá một triệu tệ, nhưng nói thật, doanh thu lớn nhất mà tớ nhận được không phải một triệu tệ này, mà là trong quá trình viết kịch bản, tớ đã tìm thấy niềm vui. Trong mấy năm ở nhà chăm con, vì có mục tiêu gửi gắm mà tớ luôn có tâm trạng tốt, thuận lợi vượt qua quá trình khó khăn khi chuyển từ môi trường công sở về gia đình."
Tôi hiểu tâm trạng của cô ấy. Có lẽ rất nhiều người cảm thấy vì kịch bản bán được với giá một triệu tệ nên hai năm học tập vừa rồi của Tiểu R là đáng giá, còn nếu không bán được gì thì họ sẽ cho rằng chúng chẳng đáng một xu. Thực ra không phải vậy. Thu hoạch lớn nhất mà Tiểu R nhận được không phải tiền tài, mà là niềm đam mê này khiến cô ấy không đánh mất chính mình khi trở thành một bà mẹ nội trợ, khiến bản thân trở nên lười biếng. Có đam mê sở thích, Tiểu R sẽ không cảm nhận được nỗi buồn khi ở nhà chăm con, cũng không tập trung sự chú ý vào người chồng, khiến đối phương ngột ngạt. Trái lại, cô ấy sắp xếp thời gian thật hợp lý, giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp, hoàn hảo hơn.
Cô bạn Hiểu Lâm mà tôi quen mấy năm trước cũng mới báo tin vui cho tôi được vài hôm, cuối cùng cô ấy cũng thành lập được phòng làm việc của riêng mình.
Hiểu Lâm cũng là một người mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ cô ấy đã qua đời từ lâu, mẹ chồng ốm liệt giường, cha chồng phải chăm sóc người vợ ốm bệnh của mình, không thể giúp đỡ cô ấy trong việc nuôi con, mà vào thời điểm ấy, điều kiện kinh tế cũng không cho phép cô ấy thuê bảo mẫu. Sau khi bàn bạc, hai vợ chồng Hiểu Lâm quyết định để người có thu nhập thấp hơn nghỉ việc, ở nhà chăm con.
Lúc mới nghỉ việc Hiểu Lâm không quen, luôn cảm thấy còn trẻ đã phải cáng đáng gia đình, không phù hợp với lý tưởng của bản thân, cũng sợ bị tách biệt khỏi xã hội thì không thể cùng trưởng thành với chồng.
Nhưng cô ấy không phải kiểu người dễ dàng chấp nhận hiện thực. Thời đi học, Hiểu Lâm rất hứng thú với hội họa, còn từng học tập một thời gian, về sau vì không phải chuyên môn nên mới dừng học. Nhưng giờ cô ấy nghĩ : Con còn nhỏ thế này, mình không thể ra ngoài làm việc, nếu có thể làm chuyện gì đó ở nhà thì tốt biết bao.
Suy nghĩ này ngày càng mãnh liệt, thế là Hiểu Lâm bắt đầu mua dụng cụ vẽ trên internet về và bắt đầu tập luyện. Dần dần, cô ấy vẽ ngày càng đẹp hơn. Hiểu Lâm là một cô gái quyết đoán. Thấy chi phí nuôi con ngày một lớn hơn, thêm chuyện từ khi nghỉ việc ở nhà, thu nhập gia đình giảm mạnh, cô ấy bèn nghĩ : “Có nên bán tranh mình vẽ để góp phần cáng đáng gia đình hay không ?”
Hiểu Lâm nói được là làm được. Cô ấy đi hỏi thăm địa chỉ của mấy tiệm tranh, rồi mang theo tranh, bế theo con tới thẳng đó. Có lẽ thấy cô ấy vẽ rất đẹp, hoặc vì thấy cô ấy bế con thật không dễ dàng gì, chủ tiệm mua liền một lúc bốn bức tranh. Hiểu Lâm cầm xấp tiền mà hưng phấn tới mức không biết nên làm gì cho phải. Chủ tiệm nói với cô ấy, chỉ cần vẽ xong, cứ việc mang ra đó.
Nhờ câu nói này, Hiểu Lâm sáng tác nhiệt tình và tập trung hơn, cô ấy chia phòng khách ra làm hai khu vực, một nơi là chỗ chơi đùa của con, một nơi khác là chỗ cô ấy tập trung vẽ tranh. Sau một thời gian, trình độ vẽ của Hiểu Lâm ngày càng tiến bộ, giá bán tranh của cô ấy cũng ngày một cao hơn. Dần dần, rất nhiều nhà hàng, quán bar, công ty trang trí đều tìm đến đặt mua tranh, Hiểu Lâm bắt đầu nghĩ tới việc lập phòng làm việc riêng, lúc này con cô ấy đã bốn tuổi rồi, có thể đi học mầm non rồi.
Hiểu Lâm từng tham khảo ý kiến của tôi về chuyện này, tôi rất tán thành suy nghĩ của cô ấy, tuy lập phòng làm việc sẽ tăng chi phí, nhưng có không gian sáng tác tốt hơn là điều vô cùng cần thiết.
Hiểu Lâm ngẫm nghĩ hồi lâu, cảm thấy rất có lý, liền bắt đầu tìm kiếm địa điểm thích hợp. Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi không liên lạc với nhau, cho tới khi phòng làm việc của cô ấy chính thức khai trương.
Nếu bàn về thực tế, tình cảnh của Hiểu Lâm khi ấy không thể coi là tốt. Phía cha mẹ không giúp đỡ được gì, còn phải trích tiền từ thu nhập ít ỏi để gửi cho cha mẹ chồng. Nhưng hiện giờ cô ấy đã có được sự nghiệp mà mình yêu quý, trải qua mấy năm nỗ lực, điều kiện kinh tế cũng được cải thiện. Thấy Hiểu Lâm bước từng bước về phía tương lai hạnh phúc, tôi thực sự mừng thay cho cô ấy.
Nhiều người cho rằng phụ nữ buông thả bản thân là bởi hôn nhân và con cái. Thực tế không phải vậy. Một phụ nữ luôn muốn hoàn thiện bản thân, dù đã kết hôn hay còn độc thân, dù đã có con hay chưa có con, cô ấy vẫn sẽ sáng tạo ra vô vàn cơ hội để hoàn thiện chính mình.
Còn những người phụ nữ buông thả bản thân sau khi kết hôn, có lẽ trước khi kết hôn, họ đã vứt bỏ chính mình mất rồi, cùng lắm thì họ cũng chỉ làm một công việc lặp đi lặp lại tựa như máy móc, có một số tiền lương không lớn, rồi thầm hi vọng hôn nhân có thể cho họ cuộc sống họ mong muốn.
Chẳng qua khi họ nhận ra hôn nhân không thể thỏa mãn nguyện vọng của họ, thậm chí cảm nhận được sự phản kích nghiêm trọng của cuộc sống, họ mới hoảng hốt sợ hãi. Thế nhưng họ không muốn thừa nhận đó là trái đắng của việc bản thân không nỗ lực, ngược lại, họ sẽ đổ trách nhiệm lên đầu hôn nhân và con cái.
Đừng đẩy mọi sai lầm cho cuộc hôn nhân. Một cuộc hôn nhân tốt không những khiến phụ nữ không ngừng trưởng thành, mà còn khiến phụ nữ tuyệt vời hơn, không còn ngây thơ và ấu trĩ, càng thêm tao nhã và thông tuệ, trở thành một phụ nữ đầy sức hút. Có con cái cũng không khiến phụ nữ trở thành một "bà già", mà khi ở bên con, cô ấy sẽ ngày càng dịu dàng, ngày càng trân trọng cuộc sống, ngày một tu chí hơn, bởi cô ấy cảm nhận được sự hồn nhiên của trẻ thơ và sự ấm áp của huyết thống, bởi vì trong lòng cô ấy hiểu rằng : “Có con rồi mình sẽ có thêm trách nhiệm, mình cần làm gương cho con, mình không thể để con có một người mẹ thất bại.”
Người ta nói : "Trở thành mẹ thì sẽ kiên cường" ㅊó lẽ chính là vì vậy. Con cái không những không hủy hoại cuộc sống của người mẹ, mà còn khiến người mẹ mau chóng trở thành một người kiên cường và đầy trách nhiệm.
Mỗi cô gái đều nên hiểu rõ một chuyện : Người phụ nữ buông thảbản thân sau khi kết hôn, có lẽ trước khi kết hôn đã là một người tầm thường. Điều khiến bạn buông thả bản thân chưa bao giờ là hôn nhân và con cái, mà chỉ là sự chây ì trong chính con người bạn thôi.