Sương mù quây kín chúng tôi như một dải băng bịt mắt. Khi thuyền trưởng thông báo chúng tôi đã gần đến nơi, thoạt đầu tôi nghĩ ông ta đang đùa; tất cả những gì tôi có thể nhìn thấy từ mặt boong đang tròng trành của chiếc phà là một tấm màn xám xịt vô tận. Tôi bíu chặt lấy thanh chắn lan can và căng mắt nhìn xuống những con sóng màu xanh lục, dõi theo con cá rất có thể sắp được thưởng thức bữa sáng của tôi, trong khi bố tôi đứng co ro bên cạnh, mặc mỗi cái áo sơ mi. Thời tiết lạnh và ẩm ướt hơn so với những gì tôi từng biết về tháng Sáu. Tôi hy vọng, vì bố và cũng vì cả tôi là ba mươi sáu giờ đồng hồ kinh khủng chúng tôi đã phải gồng mình vượt qua cho tới lúc này - ba lần chuyển máy bay, hai quãng thời gian ngồi chờ, vật vờ chợp mắt ở các ga tàu hỏa bẩn thỉu, và bây giờ là chuyến đi phà dài dằng dặc làm ruột như muốn lộn nhào này - sẽ không uổng công. Thế rồi bố tôi reo lên, "Nhìn xem", tôi ngẩng đầu lên thì thấy một khối núi đá lừng lững hiện ra từ màn sương trắng đục trước mắt chúng tôi.
Đó là hòn đảo của ông nội tôi. Hiện ra lừng lững, lạnh lẽo cô tịch, lờ mờ giữa sương mù, được canh gác bởi cả triệu con chim đang kêu váng lên, trông nó tựa như một pháo đài cổ xưa do những người khổng lồ xây dựng. Khi tôi ngước mắt nhìn lên những vách đá dựng đứng của nó, phần đỉnh biến mất trong một dải mây ma quái, cái ý niệm nơi này là một chốn mầu nhiệm chẳng hề có vẻ gì là lố bịch.

Cơn buồn nôn của tôi dường như biến mất. Bố tôi chạy vòng quanh như con nít vào dịp Giáng sinh, đôi mắt dán vào những con chim bay lượn trên đầu chúng tôi. "Jacob, nhìn xem kìa!" ông reo lên, chỉ vào một đám chấm đen trên không trung. "Chim hải âu Manx!"

Khi chúng tôi lại gần các vách đá hơn, tôi bắt đầu nhìn thấy những hình thù kỳ dị lập lờ dưới nước. Một thủy thủ đi ngang qua bắt gặp tôi cúi người qua thành lan can nhìn chằm chằm vào chúng, bèn hỏi, "Chưa bao giờ thấy xác tàu đắm hả?"
Tôi quay sang người thủy thủ. "Thật sao?"

"Cả vùng này là một nghĩa địa hàng hải. Như mấy ông thuyền trưởng già thường nói - 'Giữa mũi Hartland và vịnh Cairnholm là một nấm mồ của thủy thủ, dù vào ban đêm hay ban ngày!'"

Đúng lúc đó, chúng tôi đi ngang qua một xác tàu lờ lờ mặt nước, đường viền của đống xác màu xanh hiện lên rõ tới mức trông như thể nó sắp nhô lên khỏi mặt nước, chẳng khác nào một con zombie chui lên từ một nấm mồ nông. "Thấy cái kia không?" người thủy thủ vừa nói vừa chỉ vào nó. "Nó bị một chiếc U- boat1 bắn chìm đấy.""Từng có những chiếc U-boat ở quanh đây sao?""Hàng đống. Cả vùng biển Ireland đầy nhóc tàu ngầm Đức. Dám cược là anh bạn trẻ sẽ có trong tay một nửa lực lượng hải quân nếu có thể làm nổi lên tất cả các tàu bị chúng bắn chìm bằng ngư lôi." Người thủy thủ nhướng một bên lông mày lên vẻ rất kịch, rồi vừa phá lên cười vừa bỏ đi.Tôi chạy dọc theo boong phà tới phía đuôi, nhìn theo dấu xác tàu đắm trong khi nó biến mất bên dưới phà chúng tôi. Sau đó, đúng lúc tôi bắt đầu băn khoăn liệu chúng tôi có cần đến dụng cụ leo núi để lên đảo hay không, những vách đá dốc của nó bắt đầu thoai thoải xuống để đón chúng tôi. Chúng tôi đi vòng qua một mũi đất để tiến vào một vịnh biển hình bán nguyệt có bờ lởm chởm đá. Từ đằng xa, tôi nhìn thấy một bến tàu nhỏ với những chiếc tàu đánh cá đầy màu sắc đang dập dềnh, và đằng sau bến cảng là một thị trấn nằm lọt thỏm trong một khoảng đất xanh rì hình lòng bát. Một dải các khu đồng cỏ với bầy cừu rải rác nằm trải rộng vắt qua những ngọn đồi vươn lên để gặp một ngọn núi cao, nơi một bức tường mây đang dựng lên như một tấm bình phong bằng bông. Nơi này thật kỳ thú và đẹp đẽ, không giống bất cứ nơi nào tôi từng thấy qua. Tôi cảm thấy một chút phấn khích phiêu lưu khi chúng tôi tiến vào vịnh, như thể tôi vừa phát hiện ra đất liền ở nơi mà trên bản đồ chỉ là một mảng màu xanh thuần nhất.Chiếc phà cập bến, chúng tôi liền vác hành lý đi vào thị trấn nhỏ. Sau khi xem xét cận cảnh hơn, tôi rút ra kết luận rằng, cũng như rất nhiều thứ khác, nơi này nhìn gần cũng chẳng đẹp như lúc nhìn từ xa. Những ngôi nhà tường quét vôi trắng, nom có vẻ cũ kỹ là lạ ngoại trừ những cái chảo thu tín hiệu vệ tinh nhô lên khỏi mái, nằm hai hàng theo một mạng lưới nhỏ những con phố rải sỏi lầy lội. Vì Cairnholm nằm ở quá xa và có vai trò quá nhỏ bé để biện hộ được cho chi phí chạy đường điện từ đất liền ra, những chiếc máy phát điện chạy dầu diesel tỏa mùi lợm giọng thi nhau kêu rù rù ở khắp mọi ngõ ngách như những con ong bắp cày đang nổi đóa, hòa nhịp cùng tiếng gầm của máy kéo, phương tiện cơ giới duy nhất di chuyển trên đảo. Ở bên rìa thị trấn, những ngôi nhà nông thôn có vẻ cũ kỹ bị bỏ hoang nằm trơ trọi, mái chẳng còn, bằng chứng của một cộng đồng dân cư đang teo tóp dần, lớp trẻ bị những cơ hội hứa hẹn quyến rũ hơn ở nơi khác thu hút từ bỏ truyền thống đánh cá và làm nông hàng thế kỷ.Hai bố con tôi kéo lê hành lý đi qua thị trấn để tìm một nơi nào đó có tên là Priest Home, bố tôi đã đặt một phòng ở đó. Tôi mường tượng ra một nhà thờ cũ được chuyển thành nhà trọ qua đêm - chẳng có gì đẹp đẽ, chỉ đơn giản là nơi để ngủ những lúc chúng tôi không đi ngắm chim hay lần tìm theo các manh mối. Chúng tôi hỏi vài cư dân địa phương để tìm đường nhưng đổi lại chỉ nhận được những cái nhìn bối rối. "Họ nói tiếng Anh mà, phải không nào?" bố tôi nói ra nỗi băn khoăn của mình. Đúng lúc bàn tay tôi bắt đầu đau nhức vì trọng lượng quá mức của chiếc va li tôi mang theo, bố con tôi bắt gặp một nhà thờ. Chúng tôi nghĩ đã tìm ra nơi trọ của mình, cho tới khi đi vào trong và phát hiện ra quả thực nơi này đã được chuyển đổi mục đích, nhưng là thành một bảo tàng nhỏ xám xịt, chứ không phải nhà trọ qua đêm.Chúng tôi tìm thấy người trông coi bảo tàng làm việc bán thời gian trong một căn phòng treo đầy lưới đánh cá và kéo xén lông cừu cũ. Khuôn mặt ông này sáng lên khi trông thấy bố con tôi, rồi sau đó lại ỉu xìu khi ông ta nhận ra chúng tôi chỉ lạc đường.
"Tôi đoán là hai người đang tìm Priest Hole", ông ta nói. "Đó là nơi duy nhất trên đảo này có phòng trọ cho thuê."Sau đó ông ta chỉ dẫn cho bố con tôi bằng thứ thổ âm thật du dương mà tôi thấy cực kỳ êm tai. Tôi rất thích nghe người xứ Wales nói, kể cả khi một nửa những gì họ nói tôi hoàn toàn không hiểu nổi. Bố tôi cảm ơn ông này và quay ra để đi tiếp, nhưng thấy ông ta hữu ích đến thế, tôi bèn nán lại hỏi ông ta thêm một câu nữa."Bố con cháu có thể tìm thấy trại trẻ cũ ở đâu ạ?" "Cái gì cũ cơ?" ông ta vừa hỏi vừa nheo mắt nhìn tôi.Trong một khoảnh khắc kinh khủng, tôi đã sợ rằng chúng tôi đến nhầm đảo, hay còn tệ hơn thế, cái trại trẻ kia cũng chỉ là một thứ nữa ông nội tôi bịa ra."Có phải từng có một khu trại cho những đứa trẻ tị nạn không ạ?" tôi hỏi. "Trong thời chiến? Một ngôi nhà rất lớn ấy ạ?"Người đàn ông cắn môi nhìn tôi đầy ngờ vực, như thể cân nhắc xem nên giúp đỡ hay phủi tay sạch sẽ. Nhưng rồi ông ta thấy thương hại tôi. "Tôi không biết gì về người tị nạn cả", ông ta nói, "nhưng tôi nghĩ tôi biết nơi cậu muốn nói tới. Nó ở cách đây khá xa, ở bên kia hòn đảo, phải đi qua đầm lầy và khu rừng. Nhưng nếu tôi là cậu, tôi sẽ không lang thang tới đó một mình. Chỗ ấy nằm cách quá xa đường đi và sẽ chẳng ai nghe được cậu gọi - chẳng có gì ngoài cỏ ướt và phân cừu để tránh cho cậu khỏi bước thẳng ra khỏi vách đá.""Thật tốt được biết vậy", bố tôi vừa nói vừa đưa mắt nhìn tôi. "Hứa với bố là con sẽ không một mình tới đó.""Được rồi, được rồi.""Mà cái gì khiến các vị quan tâm tới chỗ đó vậy?" người đàn ông hỏi. "Nơi đó đâu có trên bản đồ du lịch.""Chỉ là một nghiên cứu phả hệ nho nhỏ thôi", bố tôi nán lại gần cửa để trả lời. "Bố tôi đã ở đó vài năm khi còn bé." Tôi có thể thấy ông nỗ lực tránh đề cập bất cứ điều gì về bác sĩ tâm lý hay việc ông nội đã qua đời. Bố tôi cảm ơn người phụ trách bảo tàng thêm lần nữa rồi hối hả kéo tôi ra khỏi cửa.Theo lời chỉ dẫn của người phụ trách bảo tàng, chúng tôi lần bước trở lại cho tới khi bắt gặp một bức tượng bộ dạng ảm đạm tạc bằng đá đen, một đài tưởng niệm có tên gọi Người Phụ Nữ Đợi Chờ, dành để tưởng nhớ tới những cư dân của đảo mất tích ngoài biển. Bà ta mang bộ mặt thật đáng thương hại, đứng đó với hai cánh tay duỗi thẳng hướng về phía bến tàu, cách đó khá nhiều nhà, nhưng cũng về phía Priest Hole, nằm ở ngay bên kia đường. Quả thực tôi chẳng phải người sành sỏi về khách sạn, nhưng chỉ một lần liếc mắt qua tấm biển dãi dầu mưa nắng cũng đủ để cho tôi biết chỗ nghỉ của bố con tôi sẽ khó có khả năng là một trải nghiệm bốn sao với lá bạc hà để trên gối. Được in bằng chữ thật to ở trên cùng là RƯỢU VANG, BIA, RƯỢU MẠNH. Phía dưới, được viết bằng cỡ chữ khiêm tốn hơn nhiều, Đồ ăn ngon. Được viết tay ở dưới cùng, rõ ràng là một ý nghĩ tình cờ nảy ra, là Nhiều phòng cho thuê, cho dù chữ Nhiều đã bị gạch đi, để lại mỗi phòng. Trong lúc hai bố con khệ nệ tha lôi hành lý về phía cửa ra vào và bố tôi cằn nhằn gì đó về những kẻ bịp bợm và quảng cáo dối trá, tôi liếc mắt trở lại phía Người Phụ Nữ Đợi Chờ, tự hỏi liệu biết đâu bà ta chỉ đang đợi ai đó mang đồ uống cho mình.Bố con tôi xoay xở khuân đồ qua cửa và đứng chớp mắt trong một quầy rượu trần thấp tối mờ đột ngột hiện ra. Khi đôi mắt tôi đã quen với bóng tối, tôi nhận ra hố là một cách mô tả khá chính xác về nơi này: những cửa sổ khung chì gắn kính bé tẹo chỉ cho lọt vừa đủ ánh sáng để tìm được vòi rót bia mà không va đụng vào bàn ghế trên lối đi. Những cái bàn cũ mèm và cập kênh, trông có vẻ làm củi sẽ hữu ích hơn.Vào thời điểm ấy, một lúc nào đó giữa buổi sáng, quầy rượu đã kín một nửa, với những người ở nhiều cung bậc khác nhau của trạng thái say xỉn thầm lặng, đầu gục xuống phủ phục như đang cầu nguyện bên những cái cốc đựng thứ chất lỏng màu hổ phách."Hẳn các vị là người thuê phòng", người đàn ông ngồi đằng sau quầy bar lên tiếng, rồi bước ra bắt tay bố con tôi. "Tôi là Kev, còn những người này đều là bạn bè cả. Hãy nói chào khách nào, các bạn."

"Xin chào", họ lầm bầm, gật gù về phía món đồ uống của mình.

Chúng tôi đi theo Kev lên một cầu thang hẹp tới một dãy các phòng (số nhiều hẳn hoi!) có thể mô tả một cách độ lượng là tiện nghi tối thiểu. Có hai phòng ngủ, bố tôi lấy phòng lớn hơn, và một phòng kiêm nhiệm ba vai trò bếp, phòng ăn và phòng sinh hoạt, nghĩa là nó được trang bị một cái bàn, một ghế xô pha bị mọt xông, và một cái bếp. Phòng vệ sinh "hầu như" lúc nào cũng dùng được, theo như lời Kev, "nhưng nếu rủi mà nó trục trặc thì vẫn luôn có Ông Lão Đáng Tin Cậy". Ông ta hướng sự chú ý của chúng tôi về phía nhà vệ sinh di động ngoài hẻm sau nhà, vừa khéo nằm trong tầm nhìn từ cửa sổ phòng ngủ của tôi.

"À, mà các vị sẽ cần đến những cái này đấy", ông ta vừa nói vừa lấy hai cây đèn dầu từ trong ngăn tủ ra. "Các máy phát điện ngừng chạy lúc mười giờ vì chuyển dầu bằng tàu ra đây đắt khủng khϊếp, vì vậy, hoặc là các vị đi ngủ sớm, hoặc các vị hãy học lấy cách yêu thích nến và dầu hỏa." Ông ta nhe răng ra cười. "Hy vọng là không quá Trung cổ với các vị."

Chúng tôi quả quyết với Kev rằng nhà vệ sinh bên ngoài và đèn dầu cũng tốt thôi, thực ra nghe còn có vẻ vui vui - vâng thưa ông, một cuộc phiêu lưu nho nhỏ - rồi ông chủ nhà dẫn chúng tôi xuống cầu thang thực hiện phần chót của chuyến giới thiệu. "Các vị cứ tự nhiên tới đây dùng bữa", ông ta nói, "và tôi dám chắc hai người sẽ làm thế thôi, vì kỳ thực cũng chẳng còn chỗ nào khác để ăn đâu. Nếu các vị cần gọi điện thoại, chúng tôi có một buồng điện thoại ở góc đằng kia. Đôi lúc sẽ phải xếp hàng một lúc, vì sóng di động ngoài này chập chờn lắm, và các vị đang trông thấy đường điện thoại cố định duy nhất trên hòn đảo này. Đúng thế, chúng tôi có tất cả - chỗ ăn duy nhất, cái giường duy nhất, điện thoại duy nhất!" Rồi ông chủ nhà ngả người ra sau phá lên cười, thật to và thật lâu.

Cái điện thoại duy nhất trên đảo. Tôi đưa mắt nhìn nó - đó là thứ buồng điện thoại có một cánh cửa bạn có thể đóng lại để được riêng tư, giống như những buồng điện thoại bạn vẫn thấy trong những bộ phim cũ - và kinh hoàng vỡ lẽ ra đây chính là cái ổ trác táng đó, đây chính là nơi diễn ra cuộc nhậu điên rồ tôi từng được nối máy đến khi gọi tới đảo vài tuần trước". 

Kev đưa cho bố chìa khóa phòng của chúng tôi. "Nếu có gì cần hỏi", ông chủ nhà nói, "các vị biết phải tìm tôi ở đâu rồi đấy."

"Cháu có một câu hỏi", tôi nói. "Một cái hố tiểu - ý cháu là một cái hố tu sĩ 4 - có nghĩa là gì?"

Mấy người đàn ông ngồi ở quầy bar phá lên cười. "Sao chứ, nó là một cái hố cho các tu sĩ, tất nhiên rồi!" một người nói, khiến những người còn lại càng cười dữ hơn.

Kev bước tới chỗ một miếng ván sàn lồi lõm cạnh lò sưởi, có một con chó trông dơ dáy đang nằm ngủ. "Ngay chỗ này" ông ta vừa nói vừa giậm giậm giày xuống chỗ có vẻ là một cái cửa trên sàn nhà. "Lâu lắm rồi, cái thời chỉ cần là người Công giáo là cậu đã có thể bị treo lủng lẳng lên cây, đám tu sĩ thường tìm tới đây lánh nạn. Nếu đám đồ tể của Nữ hoàng Elizabeth tìm đến săn lùng, chúng tôi giấu bất cứ ai cần lẩn trốn vào những chỗ giống như cái 'hố tu sĩ' này." Cái cách ông chủ nhà nói khiến tôi có cảm giác như thể chính ông ta từng quen biết các cư dân đã chết từ lâu của hòn đảo."Đúng là ấm cúng!" một khách nhậu nói. "Cược là bọn họ ấm sực như bánh mì nướng và căng tròn như cái trống ở dưới đó!"

"Tôi ưa ấm cúng hơn là bị đám gϊếŧ tu sĩ treo cổ lên vào bất cứ ngày nào", một người khác nói.

"Nào, nào!" người thứ nhất nói. "Uống vì Cairnholm - mong sao nơi này luôn là tảng đá trú ẩn của chúng ta!"

"Uống vì Cairnholm!" họ đồng thanh hô lên và nhất loạt nâng cốc.

Bị lệch múi giờ và mệt phờ người, bố con tôi đi ngủ sớm - hay đúng hơn là chúng tôi lên giường nằm, lấy gối che đầu để ngăn bớt tiếng thình thình đinh tai lọt qua ván lát sàn, to đến mức có lúc tôi nghĩ chắc chắn đám bợm rượu đã xâm lược căn phòng của mình. Sau đó, chắc hẳn đồng hồ đã điểm mười giờ vì cùng lúc những chiếc máy phát điện rù rù bên ngoài chuyển sang lọc xọc rồi tắt phụt, giống như tiếng nhạc vọng lên từ dưới cầu thang và ánh đèn đường chiếu sáng qua cửa sổ phòng tôi. Đột nhiên tôi được bao trùm trong bóng tối lặng tờ hạnh phúc, chỉ còn tiếng thì thào của những con sóng ngoài xa nhắc tôi nhớ mình đang ở đâu.

Lần đầu tiên sau nhiều tháng, tôi chìm vào một giấc ngủ thật sâu, mê mệt, không ác mộng. Thay vào đó tôi mơ thấy ông nội tôi thời còn bé, về đêm đầu tiên ông trải qua ở đây, một người xa lạ tại một nơi xa lạ, dưới một mái nhà xa lạ, sống nhờ vào những người nói một thứ tiếng xa lạ. Khi tôi bừng tỉnh, mặt trời đang chiếu vào qua cửa sổ, tôi chợt nhận ra bà Peregrine đã không chỉ cứu cuộc đời ông, mà cả cuộc đời của tôi và bố tôi nữa. Hôm nay, nếu gặp may, cuối cùng tôi sẽ có thể cảm ơn bà.

Tôi xuống cầu thang thấy bố đã ngồi tì bụng vào một cái bàn, xì xụp uống cà phê và tỉ mẩn lau bóng loáng cái ống nhòm ưa thích của ông. Đúng lúc tôi ngồi xuống, Kev xuất hiện, mang ra hai chiếc đĩa có món thịt bí ẩn và bánh mì rán. "Cháu không biết là người ta có thể rán bánh mì", tôi nhận xét Kev bèn trả lời là ông ta nhận thấy đồ ăn mà đem rán lên thì đều ngon hơn cả.

Trong lúc ăn sáng, bố và tôi bàn bạc kế hoạch cho ngày hôm nay. Hai bố con đại loại sẽ đi thám thính, để làm quen với hòn đảo. Trước hết, chúng tôi sẽ tìm kiếm các vị trí quan sát dùm cho bố tôi, sau đó tìm chỗ trại trẻ. Tôi ngấu nghiến phần đồ ăn của mình, nóng lòng muốn bắt đầu.

Được nạp năng lượng chu đáo nhờ bữa sáng béo ngậy, chúng tôi rời quán rượu và đi bộ vào thị trấn, né tránh những chiếc máy kéo và gân cổ hét lên với nhau trong tiếng ầm ầm của những chiếc máy phát điện cho tới khi các con phố nhường chỗ cho cánh đồng và tiếng ồn lặng dần sau lưng hai bố con. Đó là một ngày mát mẻ lộng gió - mặt trời ẩn mình sau những dải mây khổng lồ rồi ngay sau đó lại ló dạng, phủ những tia sáng lộng lẫy xuống các quả đồi - và tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng cũng như hy vọng. Chúng tôi nhắm tới một bãi biển lổn nhổn đá, từ lúc còn ở trên phà bố tôi đã để ý thấy ở đó có một bầy chim. Mặc dù tôi không rõ hai bố con sẽ tới được nơi đó bằng cách nào - hòn đảo có hình dáng hao hao như cái bát, với những ngọn đồi leo dần lên tới đỉnh chỉ để rồi lại rơi khỏi các vách đá hiểm trở bên bờ biển - nhưng hóa ra tại đúng chỗ này, rìa đá trở nên thoai thoải và có một lối mòn dẫn xuống một dải cát hẹp chạy theo mép nước.Hai bố con tôi lần bước xuống bãi biển, ở đó có vẻ như cả một nền văn minh chim đang vỗ cánh, kêu quàng quạc và bận rộn bắt cá trong những vũng nước thủy triều để lại. Tôi quan sát trong khi mắt bố mở to. "Thật đáng kinh ngạc", ông lẩm bẩm, dùng đầu tù cây bút của ông gại gại vào một bãi phân chim nặng mùi. "Bố cần chút thời gian ở đây. Được chứ?"

Tôi đã từng thấy qua vẻ mặt này của ông, và tôi biết chính xác "chút thời gian" có nghĩa là gì: từ giờ này qua giờ khác. "Vậy thì con sẽ tự mình đi tìm ngôi nhà", tôi nói.

"Không được đi một mình. Con đã hứa rồi." "Vậy con sẽ tìm một người có thể đưa con đi." "Ông Kev sẽ biết ai đó."

Bố tôi nhìn ra biển, nơi một ngọn hải đăng lớn han gỉ nhô lên từ một đống đá. "Con biết câu trả lời sẽ là gì nếu mẹ con có mặt ở đây rồi đấy", ông nói.

Bố mẹ tôi có những lý thuyết khác nhau về mức độ để mắt của phụ huynh mà tôi cần đến. Mẹ là nhà giám sát, luôn kèm cặp sát sao, nhưng bố lại có phần thả lỏng hơn. Ông nghĩ để tôi thỉnh thoảng phạm sai lầm cũng là điều quan trọng. Bên cạnh đó, cho phép tôi đi thì ông mới được tự do cả ngày để nghịch phân chim.

"Thôi được", bố tôi nói, "nhưng nhớ để lại cho bố số điện thoại của người đi cùng con."

"Bố, ở đây làm gì có ai có điện thoại."

Bố tôi thở dài. "Phải. Được thôi, miễn là họ đáng tin cậy."

Kev ra ngoài có việc, và bởi vì nhờ ai đó trong đám bợm rượu khách quen của ông ta đi cùng tôi dường như là một ý tưởng tồi, tôi bèn tìm đến cửa hàng gần nhất để hỏi thăm xem liệu có ai đó đáng tin nhờ cậy được chút không. Trên cửa ghi HÀNG CÁ. Tôi đẩy mở cửa và thấy mình đang thu lu trước mặt một người khổng lồ râu xồm đeo cái tạp dề đỏ lòm máu. Ông ta rời mắt khỏi con cá vừa bị chặt đầu để nhìn tôi chằm chằm, trên tay là con dao làm cá máu nhỏ tong tỏng, và tôi thầm thề sẽ không bao giờ có thái độ phân biệt với người say nữa.

"Để làm quái gì cơ chứ?" ông ta gầm lên khi tôi cho ông ta hay nơi tôi muốn tới. "Chả có gì ở đó ngoài đầm lầy và thời tiết điên khùng hết."

Tôi giải thích về ông nội tôi và trại trẻ. Ông hàng cá cau mày nhìn tôi, sau đó rướn người qua quầy ném một cái nhìn đầy ngờ vực xuống đôi giày tôi đi.

"Tôi chắc là Dylan rảnh để đưa cậu đi đấy", ông ta nói, chĩa con dao làm cá về phía một cậu nhóc trạc tuổi tôi đang sắp cá trong một thùng đông lạnh, "nhưng cậu sẽ cần xỏ chân vào thứ gì đó phù hợp. Sẽ không ổn nếu cứ để cậu đi với đôi giày thể thao này - bùn sẽ lột tuột chúng ngay lập tức!"

"Thật sao?" tôi hỏi. "Ông chắc chứ?"

"Dylan! Mang ra cho anh bạn đây của chúng ta một đôi ủng!"

Cậu nhóc kia rên lên rồi làm bộ chán nản từ tốn đậy nắp thùng đông lạnh lại và lau hai bàn tay, đoạn buông thõng hai vai đi tới một bức tường kê những chiếc giá chất đầy đồ khô.

"Vừa khéo chúng tôi lại có vài đôi ủng rất chắc chắn để bán", ông hàng cá nói. "Mua một đôi không được gì miễn phí!" Ông ta phá lên cười và chém mạnh con dao xuống một con cá hồi, đầu con cá bắn vọt qua mặt quầy trơn nhẫy máu để rồi hạ cánh hoàn hảo vào một cái xô nhỏ chuyên hứng đầu.Tôi moi chỗ tiền bố cho phòng khi khẩn cấp từ trong túi quần ra, thầm nghĩ chấp nhận bị tống tiền tí chút cũng là cái giá rẻ cho việc tìm ra người phụ nữ tôi đã vượt Đại Tây Dương để gặp mặt.

Tôi rời khỏi hàng cá với một đôi ủng cao su rộng đến mức đôi giày thể thao của tôi cũng xỏ vừa vào bên trong, đồng thời còn nặng đến mức thật khó để tôi bắt kịp người dẫn đường bất đắc dĩ của mình.

"Vậy cậu đi học ngay trên đảo à?" tôi hỏi Dylan trong lúc rảo chân chạy để cố theo cho kịp. Tôi thực sự thấy tò mò - cuộc sống ở đây sẽ thế nào với một ai đó trạc tuổi tôi?

Cậu ta lẩm bẩm tên một thị trấn trong đất liền.

"Sao cơ, mất một tiếng đồng hồ đi một tiếng đồng hồ về bằng phà sao?" "Phải."

Và chỉ thế thôi. Cậu ta đáp lại những nỗ lực bắt chuyện tiếp tục thậm chí còn bằng ít âm tiết hơn - nghĩa là chẳng có lấy một lời - thế nên cuối cùng tôi đành bỏ cuộc và đi theo cậu ta. Trên đường ra ngoài thị trấn, chúng tôi bắt gặp một người bạn của cậu ta, một anh chàng lớn tuổi hơn mặc bộ đồ thể thao màu vàng chói, đeo sợi dây chuyền vàng giả. Cho dù có thay lên người bộ đồ của nhà du hành vũ trụ, anh chàng này trông cũng chỉ lạc lõng đến thế là cùng tại Cairnholm. Cậu ta cụng nắm tay chào Dylan và tự giới thiệu mình là Worm.

"Nghĩa là Sâu ấy à?"

"Đó là nghệ danh trên sân khấu của anh ấy", Dylan giải thích.

"Chúng tôi là bộ đôi hát rap bệnh nhất xứ Wales", Worm nói. "Tôi là MC5 Worm còn đây là Nhà Giải Phẫu Cá Tầm, tức MC Dylan Bẩn Thỉu, tức MC Công Việc Bẩn Thỉu, người chơi beatbox số một Cairnholm. Muốn thể hiện cho anh chàng Mẽo này thấy chúng ta biểu diễn thế nào chứ, D Bẩn Thỉu?"

Dylan có vẻ khó chịu. "Bây giờ sao?" "Chơi vài điệu xem nào, thanh niên!"

Dylan đảo mắt ngán ngẩm nhưng vẫn làm theo yêu cầu. Thoạt đầu, tôi nghĩ cậu ta đang sặc vì nuốt phải lưỡi, có điều những tiếng ho cậu ta bật ra cũng thành nhịp điệu - pu, pu, pu CHA, pu, pu CHA - và Worm bắt đầu rap trên nền đó.

"Tao thích rũ rượi tại Priest Hole/ Bố mày luôn ở đó vì ông ta sống nhờ trợ cấp/ Tao gieo vần quá là khớp, à phải, tao làm nó có vẻ dễ dàng/ Nhịp của Dylan nóng như cà ri gà!"

Dylan dừng lại. "Nghe chẳng có nghĩa gì cả", cậu ta nói. "Mà chính bố anh mới đang sống nhờ trợ cấp."

"Ồ cứt thật, thằng D Bẩn Thỉu đang hay thì đứt dây đàn!" Worm bắt đầu vừa chơi beatbox vừa biểu diễn một điệu robot tàm tạm, đôi giày thể thao của anh ta khoét thành hố xuống nền sỏi. "Cầm lấy mic, D!"

Dylan có vẻ ngượng nhưng vẫn cất giọng. "Tôi gặp một cô nàng, tên cô nàng là Sharon/ Cô nàng khoái bộ đồ thể thao và đôi giày tôi đang đi/ Tôi cho cô nàng xem giờ, như trong phim Doctor Who/ Tôi nghĩ ra bài này trong khi đang ngồi bô!"

Worm lắc đầu. "Ngồi bô hả?" "Em chưa sẵn sàng mà lại!"

Hai người họ quay sang tôi và hỏi tôi nghĩ sao. Xét đến chuyện chính họ còn chẳng thích nổi đoạn rap của nhau, tôi không dám chắc nên nói gì."Tớ đoán là tớ quen kiểu âm nhạc có, ừm, hát và đàn ghi ta và những thứ kiểu đó hơn."

Worm phẩy tay cho qua ý kiến của tôi. "Cậu này sẽ chẳng nhận ra một giai điệu cực phê cho dù nó có tớp vào hai quả cà của cậu ta", anh chàng lẩm bẩm.

Dylan bật cười, và hai người họ trao đổi với nhau một chuỗi cử chỉ phức tạp gồm nhiều giai đoạn từ bắt tay đến cụng nắm đấm rồi xòe bàn tay giơ lên cao đập vào nhau.

"Giờ chúng ta đi được chưa?", tôi hỏi.

Hai anh chàng kia còn lầm bầm à ơi một lúc nữa, nhưng chẳng mấy chốc sau đó chúng tôi lại lên đường, lần này có Worm đi theo.

Tôi tụt lại sau cùng, cố mường tượng ra xem nên nói gì với bà Peregrine khi gặp bà. Tôi trông đợi được giới thiệu với một quý bà người xứ Wales chính hiệu, ngồi nhấp trà trong phòng khách và nói chuyện xã giao cho tới lúc có vẻ là thời điểm thích hợp để báo tin buồn. Cháu là cháu nội của ông Abraham Portman, tôi sẽ nói vậy. Cháu rất tiếc phải báo với bà điều này, nhưng ông đã rời bỏ chúng ta. Tiếp theo, khi bà đã lặng lẽ lau nước mắt xong, tôi sẽ dồn dập trút câu hỏi về phía bà.

Tôi đi theo Dylan và Worm, trên một lối mòn chạy qua những bãi cỏ chăn cừu rồi sau đó làm một chuyến leo núi nhọc nhằn đến mức phổi muốn nổ tung. Trên đỉnh lơ lửng một màn sương mù uốn quanh như rắn lượn, đặc quánh đến mức có cảm tưởng như bước chân vào một thế giới khác. Quả là một cảnh như trong Kinh Thánh; tôi có thể hình dung ra màn sương mù đó là do Chúa, trong cơn thịnh nộ ít dữ dội của Người, đã giáng xuống để nguyền rủa người Ai Cập. Khi chúng tôi đi xuống sườn núi bên kia, màn sương mù dường như chỉ càng dày thêm. Mặt trời nhạt dần thành một khối màu trắng nhợt nhạt. Sương ẩm bám vào mọi thứ, dính lên da tôi, làm ướt quần áo tôi. Nhiệt độ tụt xuống. Tôi để lạc mất Worm và Dylan trong giây lát, rồi sau đó lối mòn trở nên bằng phẳng và tôi bắt kịp họ đang đứng đợi mình.

"Anh chàng Mẽo!" Dylan gọi. "Đường này!"

Tôi ngoan ngoãn đi theo. Chúng tôi rời lối mòn băng qua một đồng cỏ lầy lội. Lũ cừu nhìn chúng tôi chằm chằm bằng cặp mắt to ngờ nghệch, bộ lông của chúng ướt sũng, đuôi cụp xuống. Một ngôi nhà nhỏ hiện ra trong màn sương mù. Bốn phía căn nhà đóng ván kín mít.

"Các cậu có chắc là chỗ này không?", tôi nói. "Trông có vẻ như vườn không
nhà trống vậy."

"Trống à? Không đâu, trong ấy đầy ắp phân", Worm trả lời.

"Đi nào", Dylan nói. "Đến nhìn qua xem."

Tôi có cảm giác đây là một trò bịp, song vẫn cứ bước tới gõ cửa ra vào. Cánh cửa không cài chốt và hơi nhích ra khi tôi chạm tay vào. Bên trong quá tối để nhìn thấy gì, vậy là tôi bước tới một bước và đặt chân - thật ngạc nhiên - xuống thứ gì đó như một nền đất, nhưng rồi tôi nhanh chóng nhận ra kỳ thực đó là một bãi phân rộng mênh mông ngập đến cẳng chân. Căn nhà tồi tàn vô chủ nom từ bên ngoài thì thật vô hại, kỳ thực lại là một chuồng cừu tạm bợ. Và có thể nói là một hố phân theo đúng nghĩa đen.

"Ôi Chúa ơi", tôi ré lên kinh tởm.

Từng tràng cười phá lên giòn giã từ bên ngoài. Tôi loạng choạng lùi lại qua ngưỡng cửa trước khi mùi xú uế làm mình ngất xỉu và bắt gặp hai anh chàng kia đang gập người lại, đưa tay ôm bụng."Chúng mày là đồ đểu", tôi vừa nói vừa giậm mạnh chân để giũ bớt phân dính vào ủng.

"Sao cơ?" Worm nói. "Bọn này đã bảo anh bạn là trong đó đầy ắp phân rồi còn gì!"

Tôi chỉ vào mặt Dylan. "Mày có đưa tao đến chỗ ngôi nhà hay không hả?" "Nó nghiêm chỉnh đấy", Worm vừa nói vừa chùi nước mắt.

"Tất nhiên là tao nghiêm chỉnh!" 

Nụ cười tắt phụt trên khuôn mặt Dylan. "Tôi cứ tưởng cậu đang đùa thôi, anh bạn."

"Gì cơ?"

"Đùa ấy."

"Thế hả, tao không đùa đâu."

Hai anh chàng đưa mắt nhìn nhau ngần ngại. Dylan thì thầm gì đó với Worm. Worm thì thầm lại cái gì đó. Cuối cùng, Dylan quay sang tôi và chỉ ngược lên lối mòn. "Nếu mày thực sự muốn thấy chỗ đó", cậu ta nói, "cứ đi tiếp qua bãi lầy và khu rừng. Đó là một ngôi nhà cũ rất to. Mày không nhầm được đâu."

"Thế là thế quái nào. Mày phải đi với tao chứ!"Worm ngoảnh mặt đi chỗ khác nói, "Bọn tao chỉ đi được tới đây thôi." "Vì sao?"

"Chỉ là thế thôi." Rồi bọn họ quay người và bắt đầu đi ngược trở lại con đường chỉ tôi đã đi qua lúc trước, chìm dần vào làn sương mù.

Tôi cân nhắc các lựa chọn của mình. Tôi có thể cúp đuôi và theo chân hai kẻ đã lừa gạt mình trở lại thị trấn, hoặc cứ một mình đi tiếp và nói dối bố về chuyện đó.

Sau bốn giây căng thẳng ngẫm nghĩ, tôi lên đường đi tiếp.

Một đầm lầy rộng mênh mông lờ mờ trải rộng vào trong màn sương mù từ cả hai bên lối mòn, xa hết tầm mắt tôi cũng đủ nhìn thấy những bụi cỏ màu nâu và mặt nước màu trà, gần như không có dấu mốc nào ngoài những chồng đá thỉnh thoảng nhô lên chỗ này chỗ kia. Khu đầm đột ngột kết thúc trước một khoảng rừng với những thân cây trơ trụi như những bộ xương, tán cành xoắn xuýt vào nhau chĩa lên trên như những đầu cọ vẽ ẩm ướt, có một đoạn lối mòn biến mất hoàn toàn dưới các thân cây đổ và thảm dây thường xuân, muốn lần đi theo nó thì chỉ có mà bằng niềm tin. Tôi tự hỏi bằng cách nào một người già cả như bà Peregrine lại có thể đi qua được một con đường đầy chướng ngại như thế này. Bà hẳn phải có người mang đồ tới tiếp tế, tôi thầm nghĩ, mặc dù lối mòn trông có vẻ đã nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, vắng dấu chân người.

Tôi trườn qua một thân cây khổng lồ rêu bám trơn tuột, và lối mòn đột ngột rẽ ngoặt. Những hàng cây bỗng rẽ ra như một tấm rèm, rồi đột nhiên nó hiện ra ngay kia, trong lớp sương mù bao xung quanh, trên đỉnh một ngọn đồi rậm rì cỏ dại. Trại trẻ. Tôi hiểu ra ngay lập tức tại sao hai thằng nhóc kia lại từ chối tới đây.

Ông nội tôi đã mô tả nó cả trăm lần, nhưng trong các câu chuyện của ông, nó luôn là một nơi tươi sáng, hạnh phúc - to lớn và lộn xộn, phải, nhưng tràn ngập ánh sáng và tiếng cười. Thứ hiện ra trước mặt tôi không phải là nơi để ẩn trốn khỏi lũ quái vật mà chính là một con quái vật đang trừng mắt nhìn xuống từ nơi tọa lạc của nó trên đồi với vẻ thèm thuồng đến đờ đẫn. Cây cối mọc trổ ra từ các ô cửa sổ vỡ, những dây leo xù xì bấu lên các bức tường như các kháng thể đang tấn công một con virus - như thể chính thiên nhiên đã khơi chiến chống lại nó - song tòa nhà có vẻ như không thể bị gϊếŧ chết, kiên quyết đứng vững bất chấp những góc cạnh vẹo vọ của mình và những mảnh trời có mép lởm chởm như những hàm răng nhọn lộ ra qua các khoảng mái bị sập.Tôi cố thuyết phục bản thân rằng rất có thể vẫn còn người sống tại đó, dù trại trẻ đã đổ nát đến vậy. Ở nơi tôi sống, những chuyện như thế cũng chẳng phải chưa nghe bao giờ - một ngôi nhà lụp xụp chực đổ ở bên rìa thị trấn, rèm cửa luôn luôn kéo kín, hóa ra từng là nhà của một người già cô độc sống nhờ vào món mì ramen và những mảnh móng tay móng chân cắt ra chẳng nhớ nổi từ bao giờ, tuy nhiên không ai hay biết về nó cho tới khi một người đánh giá bất động sản hay một người điều tra dân số quá tham vọng xâm nhập vào để rồi phát hiện ra linh hồn xấu số kia đã trở về cát bụi trên một chiếc xô pha hiệu La-Z-Boy. Có những người quá già đến nỗi không còn sức chăm chút cho nơi ở, bị gia đình lãng quên vì lý do này hay lý do khác - thật buồn, nhưng đời là thế. Có nghĩa là, dù có thích hay không, tôi vẫn sẽ phải gõ cửa.

Tôi viện hết chút can đảm ít ỏi mình có và len lách qua đám cỏ dại mọc cao đến thắt lưng tới chỗ cổng vòm dẫn vào nhà, giờ chỉ còn là ngói vỡ và gỗ mục, rồi ghé mắt nhìn vào qua một cửa sổ rạn nứt. Tất cả những gì tôi có thể thấy được qua mặt kính ố mờ là hình dáng của đồ đạc bên trong, vì thế tôi gõ lên cửa ra vào và lùi ra đứng đợi trong sự yên lặng kỳ quái, bàn tay mân mê lần theo mép lá thư của bà Peregrine trong túi. Tôi mang nó theo phòng khi cần chứng minh mình là ai, nhưng một phút trôi qua, rồi hai, có vẻ như khả năng tôi cần tới nó đang giảm dần.

Xuống sân, tôi vòng quanh nhà để tìm một lối vào khác, vừa đi vừa ước lượng diện tích nơi này, song dường như nó chẳng có diện tích cụ thể nào, như thể cứ mỗi lần tôi rẽ qua góc thì ngôi nhà lại mọc đâu thêm những ban công, ngọn tháp và ống khói mới. Thế rồi tôi vòng ra sau nhà và tìm thấy cơ hội của mình: một khung cửa không còn cánh cửa, chằng chịt dây nho dại, mở hoác ra tối om; một cái mồm đang há sẵn chỉ đợi nuốt chửng tôi. Chỉ nguyên nhìn vào nó tôi đã nổi da gà, nhưng tôi không đi nửa vòng trái đất để rồi quay đầu hét toáng lên bỏ chạy trước một ngôi nhà đáng sợ. Tôi nghĩ tới tất cả những nỗi kinh hoàng ông nội Portman đã phải đối diện trong đời, và cảm thấy quyết tâm của mình cứng rắn hơn. Nếu có ai đó bên trong, tôi sẽ tìm ra họ. Tôi leo lên những bậc cấp đổ nát và bước qua ngưỡng cửa.

Đứng trong một lối đi tối như hầm mộ ngay phía bên kia ngưỡng cửa, tôi cứng đờ người nhìn trân trối vào thứ gì đó trông chẳng khác gì những bộ da đang bị treo trên móc. Sau một khoảnh khắc xây xẩm buồn nôn tưởng tượng có một kẻ ăn thịt người vặn vẹo chồm ra từ trong bóng tối, lăm lăm dao trên tay, tôi nhận ra đó chỉ là những chiếc áo khoác đã mục nát thành giẻ rách và mốc xanh vì thời gian. Tôi bất giác rùng mình và hít một hơi thật sâu. Mới chỉ thám hiểm được ba mét phía trong ngôi nhà mà tôi đã sắp bĩnh cả ra quần. Bình tĩnh lại, tôi tự nhủ, rồi chậm chạp tiến lên, tim đập như trống dồn trong lồng ngực.

Mỗi căn phòng đều là một thảm họa, cái sau khó tin hơn cái trước. Những tờ báo chất thành đống. Những món đồ chơi nằm rải rác, bằng chứng cho thấy những đứa trẻ đã không còn ở đây từ rất lâu, nằm phơi dưới bụi. Nấm mốc lan tràn đã làm những bức tường gần cửa sổ ngả màu đen kịt và đầy những đám lẩn mẩn như mọc lông. Các lò sưởi đầy nghẹt đám dây nho dại bò từ trên mái xuống và bắt đầu lan rộng ra trên các mặt sàn như xúc tu của quái vật ngoài hành tinh. Nhà bếp trông như hiện trường của một thí nghiệm khoa học thất bại thảm hại - những giá chất đầy thức ăn đóng hộp bị nổ tung sau khi trải qua sáu mươi mùa hết đông lại rã, làm bắn tung tóe lên tường những vết ố thật kinh khủng - còn trong phòng ăn, bụi vôi vữa trên trần rơi xuống dày tới mức trong giây lát tôi chợt nghĩ đang có tuyết rơi trong nhà. Đến cuối một hành lang tù mù thiếu sáng, tôi mạo hiểm thử sức nặng của mình trên một cầu thang ọp ẹp, đôi ủng dưới chân tôi để lại những dấu mới tinh trên các tầng bụi dày. Các bậc thang rên kèn kẹt như thể vừa thức dậy sau một giấc ngủ dài. Nếu có ai đó trên lầu, họ đã phải ở trên này từ lâu lắm rồi.

Cuối cùng, tôi đến hai căn phòng mất trọn cả mấy bức tường, trong đó đã mọc lên cả một khu rừng nhỏ đầy cây bụi và cây con còm cõi. Tôi đứng giữa luồng gió vừa đột ngột nổi lên, tự hỏi cái gì đã có thể gây ra hư hại này, và bắt đầu có cảm giác một chuyện khủng khϊếp nào đó từng xảy ra ở đây. Tôi không thể khớp được những câu chuyện thôn quê bình dị ông kể với ngôi nhà ác mộng này, cũng như với ý tưởng ông đã tìm nơi trú ẩn ở nơi đây trong khi cảm giác về tai họa tràn ngập khắp trong nhà. Còn nhiều chỗ nữa để thám hiểm, song đột nhiên chuyện đó có vẻ thành ra mất thời gian vô ích, không thể có chuyện ai đó vẫn còn sống ở đây, cho dù là những kẻ yếm thế khép mình nhất. Tôi rời khỏi ngôi nhà với cảm tưởng mình đang ở xa sự thật hơn bao giờ hết.

Ghi chú:

1. Phiên âm tiếng Anh của từ tiếng Đức U-Boot (Unterseeboot - tàu ngầm), thường dùng để gọi tàu ngầm Đức trong hai cuộc Thế chiến.

2. Hole, nguyên văn tiếngAnh, ám chỉ tên nhà trọ Priest Hole.

3. Nguyên văn là "piss hole", lúc trước Jacob nghe nhằm từ "Priest Hole" thành "piss hole"

4. Nguyên văn tên nhà trọ "Priest Hole", dịch theo nghĩa đen là "hố tu sĩ".

5. MC (emcee): thông thường được hiểu là người dẫn chương trình, còn trong âm nhạc hiphop, từ này dùng để chỉ rapper.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play