Ba ngày tiếp theo, tất cả đều im lìm tới độ khủng hoảng.

Đoàn phim đình trệ tại chỗ, đột ngột phanh gấp vào lúc tiến độ hãy còn lại 20%.

Phòng ICU không cho phép vào trong thăm nom, người nhà nấn ná trước khe cửa cũng sẽ bị y tá lịch sự khuyên lùi bớt ra ngoài.

Nhưng không ai dám rời khỏi bệnh viện cả, cũng chẳng ai đoán được rõ tiếp theo đây mọi chuyện sẽ ra sao.

Mãi đến ngày thứ 4, ICU vẫn chưa hề thông báo đã qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ vào rồi lại ra, mỗi lần thấp giọng trao đổi với Tưởng Tòng Thủy đều sẽ nhắc đến một loạt thuật ngữ xa lạ.

Xơ gan cổ trướng, cường giáp, suy tim, biến chứng xơ vữa động mạch.

Lần cuối cùng là vào ngày thứ 5.

Cửa phòng ICU đột ngột hé mở.

Tưởng Tòng Thủy vào trong rất lâu, rồi thông báo cho 5 người vào gặp anh trai mình lần cuối, trò chuyện với ông một lát.

Nhà sản xuất chính Khương Huyền, tổng biên kịch Văn Trường Cầm, Tưởng Lộc, Tô Trầm, cùng với trợ thủ đã đồng hành cùng ông nhiều năm là đạo diễn Cát.

Tô Trầm đi theo đằng sau Tưởng Lộc, đập vào mắt là hình ảnh Bặc Nguyện đang phải cắm ống thở, cảm giác hình như cơ thể ông đang tỏa ra thứ ánh sáng dị thường.

Tựa một gốc cổ thụ chuẩn bị ra đi, dốc sức vươn nốt vài chiếc lá cuối cùng.

Bản năng của bé biết chuyện gì đó sẽ xảy ra, sắp xảy ra, nhưng toàn bộ cơ thể đã khủng hoảng đến mức run rẩy, không thể che đậy thêm được chút nào nữa.

Bên trong phòng bệnh có đồng hồ treo tường, kim giây cứ chạy từng tí một.

Mỗi tiếng tích tắc đều khiến lòng người hoảng hốt.

Người đầu tiên phải phó thác là Khương Huyền.

Khương Huyền là nhân vật lèo lái tiếp nhận đầu tư, là nhà sản xuất chính nắm đại quyền sống chết của toàn bộ đoàn phim.

Người thứ hai cần nhờ cậy là Văn Trường Cầm.

Dặn cô đừng có hút thuốc, nhắn cô cứ yên tâm sống, không cần phải mang theo bất cứ chấp niệm áy náy gì.

Sau đó đến Tưởng Lộc mà ông xem như con ruột.

Cả đời Bặc Nguyện không có con cái, kể từ năm mười mấy tuổi vào phụ giúp đoàn phim trở đi là cứ thế sống trong công việc, không ngừng nghỉ tới tận ngày hôm nay.

Duyên phận trùng hợp, con trai của em gái được ông nuôi nấng dẫn dắt đến giờ, đã đủ gây dựng nên tình thân mãnh liệt sâu sắc nhất.

Ông nâng bàn tay khô quắt vuốt ve gương mặt Tưởng Lộc từng lần một, mãi lâu sau mới nở nụ cười bình an yên lòng.

Tưởng Lộc cũng đang run rẩy, viền mắt đỏ hoe.

"Bác." Cậu cúi xuống ôm lấy ông cụ gầy nhom, cẩn thận không chạm vào bất cứ ống dẫn dây truyền nào trên người ông: "Bác ơi..."

"Số cháu với Tô Trầm tương lai chắc chắn sẽ phải khổ."

Trước đó ông bác đã nói rất nhiều, giờ khó mà khống chế được chút sức tàn cuối cùng sót lại, phải dừng lấy hơi thật lâu, hít thở nặng nề, rồi lại nhìn sang Tô Trầm.

"Ông dặn dò nhiều quá, vẫn vô dụng."

"Sống cho thật tốt. Sống cho vui vào."

Ngón tay ông chạm lên gò má Tô Trầm, lúc nở nụ cười lần nữa khóe mắt chỉ toàn nếp nhăn.

Tiếc quá.

Không được chứng kiến hai đứa trưởng thành mất rồi.

Ngày 19 tháng 2 năm 2009, đạo diễn Bặc Nguyện qua đời tại Bệnh viện Nhân dân số 1 thành phố Chử Thiên, hưởng thọ 59 tuổi.

Bỏ lại "Đêm Trùng Quang" còn đang dang dở, bỏ lại cha mẹ tóc trắng bạc phơ cùng em gái cháu trai, nhắm mắt xuôi tay vì bệnh nặng.

Thời gian vẫn cứ trôi về phía trước từng giây một, không bao giờ dừng lại vì tiếng gào khóc xé lòng của bất kì ai.

Hôm đưa tang, Tưởng Lộc đập vại sành khiêng áo quan, gần một ngàn người đến viếng.

Giơ vại sành lên cao rồi đập xuống đất thật mạnh, loảng xoảng vỡ vụn.

(*Đây là nghi thức quan trọng trong tập tục tang lễ truyền thống của TQ, đập vỡ vại sành dùng đốt vàng mã vào lúc nâng quan tài, trước khi thực hiện di quan; thường do con trai trưởng đảm nhiệm, nếu không có con trai trưởng thì do cháu trai trưởng, nếu không thì đến con trai thứ, nếu không nữa thì đến cháu trai hoặc con rể dòng họ làm thay; tham khảo Baike Baidu)

Suốt cả đời ông luôn chói lọi mà tự cao, như đang sống trong một tác phẩm mấy chục mùa xứng danh kinh điển, đồng thời cũng sống trong ấn tượng của vô vàn khán giả xem đài.

Những người đến chia buồn tiễn đưa đều là nhân vật nổi tiếng, cũng đều rất chân thành.

Doanh nhân nổi tiếng một vùng, diễn viên tuyến đầu mặc lễ phục đen tuyền, học sinh của ông, bạn học của ông, khán giả của ông.

Gần như cả hai thế hệ đạo diễn trước sau đều có mặt đông đủ, lặng lẽ tiễn bạn cũ rời xa.

Mỗi khi có người thắp một nén hương, đặt một bông hoa, Tưởng Lộc và Tô Trầm quỳ bên quan tài lại dập đầu một lần.

Cúi xuống rồi ngẩng lên, trán chạm đất đã đau nhói, mà lại tê dại chai lì như thể chỉ đang đóng phim mà thôi.

Hiếm thấy Tô Trầm không hề rơi nước mắt, Tưởng Lộc cũng thế.

Cậu tận mắt chứng kiến giây phút đạo diễn già trút hơi thở cuối cùng, rồi cũng chỉ lặng im lại gần khép mắt cho ông, ôm chặt lấy bác lần cuối.

Linh cữu quàn tổng cộng bảy ngày, cả hai đều túc trực ngày đêm ở nhà tang lễ, dập đầu đến hơn ngàn lần.

Vào thời khắc thế này thường người ta sẽ muốn làm gì đó.

Cũng có thể bởi không dám nghĩ tiếp về sau, về cuộc sống tương lai, về mọi việc sắp tới nữa.

Vậy nên buộc phải làm gì đó, không ngơi một khắc, gắng sức gạt hết mọi suy nghĩ ra ngoài.

Khi đạo diễn Bặc bị bệnh, nếu có thể giúp lấy thuốc giặt khăn, chắc chắn cả hai sẽ không kêu ca gì đứng canh cạnh giường bệnh suốt đêm, thực hiện từng việc nhỏ nhất.

Nhưng mà ông cứ đùng cái ra đi thôi, ra đi nhanh đến thế, đột ngột tới nỗi người ta cũng ngừng thở theo, lồng ngực bức bối nghẹn ngào.

Ban ngày, bắt đầu từ 6 giờ sáng là lục tục có bạn thân người quen cũ lặn lội đường xa từ tận nước ngoài quay về viếng, có người sẽ trầm mặc một mình thật lâu, có người thì quỳ bên quan tài nức nở mãi.

Từ 10 giờ tối trở đi thì mọi người lần lượt ra về, nhưng tiền giấy đốt trong lò hóa vàng thì không được ngơi một khắc nào.

Lò lửa này phải cháy bập bùng miên man bảy ngày ròng rã, phải liên tục thả thêm nguyên bảo gấp bằng giấy thếp vàng vào thật đều đặn.

Khương Huyền và Tưởng Tòng Thủy lo liệu toàn bộ lễ tang, đạo diễn mới mà hồi xưa Bặc Nguyện từng dẫn dắt thì ở lại ngoài sảnh rất lâu, trông lò đốt hóa vàng.

Buổi tối không phải quỳ dập đầu nữa, Tưởng Lộc và Tô Trầm sẽ tự giác bê cái ghế đẩu ra ngồi phía sau đạo diễn mới kia, tiếp tục gấp vàng giấy cho ông đạo diễn già.

Cuối cùng mỗi thỏi vàng giấy được gấp miết tỉ mẩn đều sẽ đưa vào lò lửa, để ngọn lửa thiêu đốt thành tro, chẳng còn tăm tích.

Có khi Tô Trầm dán mắt ở ngọn lửa lâu quá, lúc ngẩng đầu ngó lên bầu trời đêm cứ thấy có đốm sáng lập lòe trước mắt.

Bé dừng tay, nhìn mãi vào màn đêm không có một vì sao nào.

Buổi đêm tối tăm như thế, thậm chí không trông thấy cả mặt trăng.

Bảy ngày kết thúc, hỏa táng chôn cất.

Truyền thông vẫn luôn chầu chực mong chụp được cặn kẽ hơn chi tiết hơn, có những tin tức không bưng bít được nữa, giờ mới lan đến tai mọi người.

Nghe nói khi đạo diễn Bặc còn đang cấp cứu đã có paparazzi vác máy ảnh dài ngắn nhăm nhe săn tin tình hình bên trong, thậm chí đã viết xong cáo phó đạo diễn lìa đời từ lâu, gửi trước cho mấy trang báo tép riu hạng ba đầu đường cuối ngõ.

Lúc ấy chị Linh đã nổi cơn lôi đình, gọi điện thẳng cho tòa soạn báo mắng mỏ khiến tổng biên tập phải xin lỗi lia lịa, rút khẩn cấp hết toàn bộ bản in ở sạp báo về.

Trên mạng bảo, một người không thể nào bảy ngày không ngủ, bảy ngày không ăn cơm uống nước.

Tô Trầm ngủ vật vờ đứt quãng, khẩu vị bình thường.

Nhưng từ đầu đến cuối Tưởng Lộc không hề ngủ.

Cậu túc trực ở sảnh chính liền tù tì bảy ngày. Chỉ đi tắm rửa thay quần áo để đảm bảo kính trọng, cơm cũng chỉ ăn rất ít.

Tưởng Tòng Thủy tính tình nhạt nhòa, chưa từng khóc trước quan tài anh trai. Chỉ bình tĩnh đến, bình tĩnh đi.

Cuối cùng Tưởng Tòng Thủy giao cho Tưởng Lộc một chùm chìa khóa, nói vẫn còn rất nhiều việc bỏ ngỏ ở khách sạn Chử Thiên cần xử lý, dặn con cầm chìa khóa về nhà cũ của bác, hỗ trợ thu dọn sắp xếp đồ đạc trước.

Vợ chồng Tô Lương không dám chậm trễ, đi theo chăm nom hai đứa trẻ mới lớn một nửa suốt quãng đường về Thời Đô, hoa trắng cài trên ngực vẫn chưa từng tháo xuống.

Tô Trầm đờ đẫn đi theo dọc đường, đến tận khi bước vào ngõ nhỏ, lần đầu lại gần ngôi nhà của đạo diễn Bặc.

Bé nghe thấy mấy tiếng chim hót.

"Anh Lộc," Thiếu niên ngẩng đầu lên, hỏi cậu: "đây là tiếng gì thế ạ?"

"Họa mi đấy."

Họa mi sao.

Họa mi hót một tiếng, nước mắt của Tô Trầm trào ra.

Từng dòng nước mắt ồng ộc chảy dài, như chuỗi ngọc to bằng hạt đậu vừa chợt đứt dây.

Mới đầu bé chỉ cứ dại ra, đi theo đằng sau Tưởng Lộc rất lâu mà vẫn ngơ ngẩn.

Tiếng chim lảnh lót nhẹ tênh, dường như tiếng hót đã gọi bé thức tỉnh.

Trong sân trồng một cây hòe cổ, trên cây hòe cổ là bốn năm chiếc lồng họa mi.

Người giúp việc ở nhà vội vã chạy ra đón, tay áo quấn một dải băng trắng, mắt đã sưng húp vì khóc.

Tưởng Lộc bước chân đi vào trong, Tô Trầm vẫn đang nán lại giữa sân nhìn lên bầy họa mi, tâm trạng hoàn toàn sụp đổ.

Đầu tiên là chảy nước mắt, tiếp đó khóc thét lên.

Đau đớn đến mức không dừng lại nổi, đầu óc cũng bắt đầu nhói lên như xé vì thiếu dưỡng khí.

Bé còn quá trẻ, lại quá trọng tình cảm.

Bé không thể nào khống chế được bản thân.

Chim họa mi ngoẹo đầu rồi lại kêu mấy tiếng, hoàn toàn vô tri trước tình cảnh hiện tại.

Tưởng Lộc ngẩn người đứng lại cạnh Tô Trầm, nắm lấy tay bé, dắt Tô Trầm khóc lóc giàn giụa đi vào bên trong.

Trên tường dán các poster đen trắng của phim điện ảnh Mỹ những năm 80, có cả một loạt poster những bộ phim truyền hình lẫn điện ảnh mà Bặc Nguyện đã quay.

Mới đầu hai bên hành lang còn rộng rãi trống hoác, về sau đã nhiều tới mức hết chỗ mà dán, bèn uốn cong dán gập ở góc, dán cả lên trần nhà.

Sau ấy Tưởng Lộc cũng bắt đầu tham gia đóng phim, ông lại dán hết toàn bộ những poster có Tưởng Lộc, dán đè hẳn lên tác phẩm hồi xưa của mình luôn.

Hai người bước đi trên hành lang, như đang đi qua cả cuộc đời Bặc Nguyện.

Ông bác nóng tính, làm việc nghiêm khắc. Ông từng động chạm đến rất nhiều người, nhưng số người ông nâng đỡ bồi dưỡng thì còn nhiều hơn.

Đi tiếp vào trong, phòng nào cũng chất đầy đồ đạc.

Những kịch bản không được duyệt, những kịch bản chưa khởi quay.

Những kịch bản không đủ dự toán kinh phí, những kịch bản chưa có diễn viên phù hợp.

Những kịch bản không được lựa chọn, những kịch bản chưa có thời gian lo đến.

Ống kính đầu tiên tự tay mua, ống kính đầu tiên được bạn bè tặng.

Ống kính cũ đã hỏng, ống kính xước sát rồi cũng không nỡ vứt đi.

Ống kính quý giá đắt tiền mua ở nước ngoài, ống kính cùi bắp bị lừa mua ở nước ngoài.

Tiêu bản động vật, máy chiếu phim kiểu cũ, cuộn phim băng cassette, viên ngọc pha lê.

Thực phẩm chức năng không đọc được thành phần, lọ thuốc toàn tiếng Anh tiếng Pháp.

Vốn cũng chỉ có một mình Bặc Nguyện ở nhà, có mấy căn phòng trước đó cậu với mẹ đều đã phụ giúp sơn sửa chỉnh trang, phân biệt công năng rõ ràng, cuối cùng tất cả đều biến thành phòng để đồ.

Nhét đầy hết tất cả các phòng rồi vẫn chưa thôi, còn dựng tạm cái gian bằng tôn nhỏ nhỏ trong sân, gặp phải gì hay ho là lại tiếp tục chất vào đấy.

Tưởng Lộc chờ Tô Trầm khóc xong, lấy khăn giấy cho bé lau mặt rồi tìm một cái sọt mây to, định thu xếp phân loại lại từ đầu chỗ phòng ốc lộn xộn này.

Dùng hết số giỏ thì bắt đầu chuyển sang thùng các tông.

Hết thùng các tông tiếp tục lấy hộp để đồ.

Riêng rau củ ngâm chua thôi đã lôi ra được hai ba vại, trong ấy còn có cả củ cải trắng mới muối chờ đón Tết.

Mãi đến khi dọn dẹp xong đồ đạc linh tinh lớn nhỏ trong gian nhà quây tôn, rẽ vào căn phòng đầu tiên, Tô Trầm tìm thấy một hộp ngô to.

Hai ba chục bắp ngô đen tuyền được xếp ngay ngắn chỉnh tề, đặt ở chỗ râm mát tránh ánh nắng để lưu trữ được lâu, ở trong còn có mảnh giấy viết tay.

Chữ viết thẳng tắp có phần ngang ngạnh, nét bút ngoáy ẩu.

[ Thùng này cho Lộc Lộc.

Ăn nhiều ngô vào, nhiều dinh dưỡng. ]  

Tưởng Lộc nhận mảnh giấy, đọc xong không nói gì cả, nhặt luôn mấy bắp đi thẳng vào bếp luộc.

Ngô nóng hôi hổi, hạt nào hạt nấy căng mẩy đều đặn, cắn vào có nước dồi dào tứa ra, ngọt lịm.

Thiếu niên ngồi lẻ loi ở bậc thềm đá trước sân lớn, hai tay cầm bắp ngô đen, cuối cùng cũng rơi nước mắt.

Cậu gắng sức ăn tiếp bắp ngô, cứ cắn một miếng là nước mắt lại như vỡ đê.

Chưa gặm được mấy miếng thì đã không kìm nổi nữa, vùi mặt vào khuỷu tay khóc đến nỗi cả người run lên bần bật.

Người thương yêu cậu nhất đã không còn nữa rồi.

Ra đi thật rồi.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play