Giao thánh chỉ vừa đọc xong, Văn Xương hầu và thái giám rời đi, bầu không khí nhà họ La mới khôi phục như cũ.
Lão thái thái được đỡ lên, bà vốn là một cáo mệnh*, đám nha hoàn nhanh nhẹn dâng trà cho các chủ nhân. Sau khi rõ chuyện, vẻ mặt ai cũng giãn ra, tự tìm chỗ ngồi xuống. La Nhân Thọ và lão thái thái yên vị chính giữa, kế bên ông ta là Lưu thị, rồi lần lượt tới con cháu trong nhà.
(Cáo mệnh: chỉ phụ nữ được nhà vua phong tước)
La Thư Ngọc là công tử nhưng chẳng được La Nhân Thọ yêu thích bao nhiêu, thậm chí còn lạnh nhạt xa cách, thái độ của ông ta cũng ảnh hưởng tới tình cảm lão thái thái dành cho y.
Đời trước có lẽ La Thư Ngọc quá mức quan tâm tới tình thân nên không nhận ra. La Nhân Thọ luôn tìm cớ tránh mặt y, chỉ có thời điểm cần ông ta mới bày ra dáng vẻ cha hiền, vờ vịt hỏi han vài câu. Bây giờ ngẫm lại, hẳn là lợi dụng y để moi tin tức từ phủ tam hoàng tử.
Trước đó vài năm, La Thư Ngọc còn muốn gần gũi với La Nhân Thọ, bởi dù sao đi nữa đó cũng là cha ruột, là người duy nhất trên thế giới này mà y có thể dựa dẫm. Nhưng trải qua nhiều đổi thay, La Thư Ngọc quay lại mới nhận ra chẳng qua ông ta chỉ là một kẻ ti tiện thấy lợi ích mà quên đi nghĩa tình. Ông ta không hề có tình cảm với mẫu thân, cưới bà về chỉ vì lợi ích từ gia tộc bên ngoại. Năm ấy, ông ta mới chỉ tới chức quan lục phẩm nhỏ bé, vị trí có được hôm nay phần nhiều nhờ vào ảnh hưởng của thế lực bên ngoại, thế nhưng khi gia tộc mẫu thân y xảy ra chuyện thì ông ta lại tránh như tránh tà. Mấy năm nay La gia chưa bao giờ liên hệ với Trần gia, La Nhân Thọ thực sự vì lợi ích của mình mà qua cầu rút ván vô cùng thuần thục.
Nhìn những người mà y đã từng coi là ruột thịt, từng kẻ từng kẻ cứ như bồ tát lương thiện hiền lành, kỳ thực bụng đều chứa cả bồ dao găm, La Thư Ngọc cảm thấy thật đau lòng.
La Thư Ngọc còn nhớ rõ, khi y và tam hoàng tử bị giam trong ngục, La Nhân Thọ chưa bao giờ tới thăm dù chỉ một lần. Phải dùng khối ngọc bội mẫu thân để lại nhờ người tìm phụ thân xin ông ta cứu con trai y một mạng, thế nhưng, La Nhân Thọ chỉ vứt lại đúng câu nói: Sống chết có số, giàu sang nhờ trời, số mệnh cũng có lúc kết thúc, cho nên chớ cưỡng ép điều gì.
Một lời hai nghĩa, ông ta sẽ không cứu bất kỳ ai, vì tự bảo vệ mình mới quan trọng. Nhưng có lẽ ông ta cũng không cần phải làm thế, vì biết đâu kẻ trình lên chứng cứ bịa đặt kia chính là ông ta.
La Thư Ngọc vô cùng căm ghét vị phụ thân có tiếng “ấm áp, biết kính trên nhường dưới” này. Hiện giờ y đang nâng thánh chỉ trong tay nhưng tâm trạng không hề nặng nề. Đời trước y cảm thấy đạo thánh chỉ này như tước đi cuộc sống của mình, còn đời này nó sẽ là lá bùa cứu mạng, đảm bảo tương lai cho y.
Y đã quá tin tưởng vị phụ thân mặt người dạ thú này, chưa bao giờ hoài nghi ông ta không hề yêu thương mình, đúng là có mắt như mù.
Càng nghĩ càng thấy mình ngu xuẩn, phụ thân tình cờ bố thí cho y một chút tình cha con nên y cứ vậy mà tiết lộ tin tức ở phủ tam hoàng tử. Hiện giờ không thể không hoài nghi, tam hoàng tử cấu kết với địch là chuyện có liên quan tới ông ta.
Nghĩ tới đây, vừa vặn La Nhân Thọ quay sang nhìn La Thư Ngọc nở nụ cười hiền từ: “Thư Ngọc, bắt đầu từ hôm nay, con cứ ở trong viện chuẩn bị chờ gả thôi, việc khác không cần quan tâm, có cha thay con làm chủ.”
La Thư Ngọc nghĩ thầm, bản thân sao lại không nhận ra phụ thân đối với y rất lạnh lùng chứ, nếu có tình cha con thì sao lại chẳng quan tâm tới y như vậy, y sống ở La gia nhiều năm, là một vị công tử nhưng sinh hoạt còn không bằng tiểu công tử có chỗ dựa là di nương, đương nhiên càng không thể so với công tử của Lưu thị, muốn gì được nấy.
Chỉ hận mình quá mức ngu ngốc, kiên trì vun vén tình cha con, rõ là chuyện nực cười.
La Thư Ngọc nén nhịn cơn buồn nôn, thẳng thừng không nể mặt La Nhân Thọ: “Phụ thân, nếu muốn con gả cho tam hoàng tử thì không thể khiến hoàng tử mất mặt được, cái khác con không cần, con chỉ muốn kiểm lại đồ cưới của mẫu thân thôi, mong rằng phụ thân sẽ giao chìa khóa kho hàng cho con.”
Mẫu thân y năm đó mang theo đồ cưới đỏ rực dài tới mười dặm gả cho La Nhân Thọ, bà vốn là tiểu thư nhà quan dòng họ Trần ở kinh thành, một nữ tử tài giỏi mà đám thanh niên tuấn kiệt tranh nhau muốn rước. Sau đó Trần gia thất thế, không bao lâu mẫu thân bệnh nặng qua đời, từ đó không có ai nhắc tới chuyện đồ cưới nữa. Kiếp trước, y gả vào hoàng gia, chẳng biết La Nhân Thọ vô tình hay cố ý, cũng chưa bao giờ đề cập tới chuyện này. Một lần, trong bữa tiệc nào đó, trông thấy tứ đệ đã kết hôn khoác tấm áo choàng bằng lông chồn tím được người người khen ngợi, mười phần nổi bật, một phu nhân ngồi cạnh y đã nhắc tới mẫu thân, bà ấy kể năm đó mẫu thân cũng có một tấm áo choàng hệt như vậy. Khi đó y cũng thấy lạ, nhưng đáng tiếc đầu óc mơ hồ nên không đi tìm hiểu.
Lúc này, Lưu thị nghe tới hai chữ đồ cưới, tầm mắt tức khắc quét về phía La Nhân Thọ.
La Nhân Thọ hơi sững sờ, thầm giật mình, ông ta chẳng hiểu vì sao La Thư Ngọc bỗng nhắc tới đồ cưới của người vợ đã chết, sao tự nhiên nó lại nhớ tới chứ.
La Nhân Thọ tự thấy La Thư Ngọc chưa trải đời, rất dễ dụ dỗ lừa gạt, để ra vẻ yêu thương con trai mình, ông ta mỉm cười, tính giành quyền chủ động: “Đồ cưới của mẫu thân con tự nhiên là bảo quản tốt, nhưng sao chưa lấy chồng đã bắt đầu nhớ tới rồi, sau này con trở thành tam hoàng tử phi, nếu bị người nghe thấy lại nói ta không biết dạy dỗ, không phải ta vẫn thường xuyên nhắc nhở các con làm người nên biết phải trái, biết độ lượng bao dung à?”
La Thư Ngọc trải qua sống chết, cũng chẳng sợ La Nhân Thọ dùng đạo đức ép mình, y nhớ trong quyển sách, Thẩm Minh Vân gọi hành động này là “bắt cóc đạo đức”, đúng là chẳng sai chút nào, quả thực bốn chữ này được đo đếm tỉ mỉ nhân cách của La Nhân Thọ rồi sáng tạo ra.
La Nhân Thọ đã từng dạy dỗ y sao? La Thư Ngọc suýt phì cười mà bày ra vẻ khinh miệt.