15
Mắt trái là mê chướng.
Mắt phải là nhân gian.
Trên thế gian này, chẳng có yêu ma quỷ quái.
16
Chỉ có tiên sơn cao lừng lững, che chở sinh dân thoát khỏi cảnh nước lửa.
17.
Vì vậy, suốt hành trình lịch luyện, ta chưa bao giờ rút kiếm ra. Nhưng rồi dần dần, ta nhận ra mình không thể cứ trốn tránh mãi.
Đến gần cuối đợt lịch luyện, sư tỷ Tuyên Yến muốn các đệ tử mới có cơ hội rèn luyện nên tốt bụng gọi ta: “Con này yếu thôi, tiểu sư đệ thử xem nào. Cầm kiếm mà chém nghiêng nhé, đừng lo, ta sẽ đứng bên cạnh giám sát!”
Nói rồi, sư tỷ đẩy ta một cái.
Ta nhìn vào tiểu hài tử đang nhìn mình bằng ánh mắt ngây thơ, đôi tay siết chặt chuôi kiếm đến mức trắng bệch, run rẩy.
“Sư… sư tỷ, ta… không được…” Ta cắn chặt răng, cố ép những lời từ chối ra khỏi cổ họng.
Bỗng, một tia sáng trắng sắc lạnh vụt qua. Hài tử khoảng bảy tám tuổi vẫn mở to đôi mắt tròn xoe, nhưng trên cổ đã xuất hiện một đường máu mảnh. Nó ngã xuống, khuấy động lớp bụi trong cánh đồng khô cằn, tỏa mù mịt trong không trung.
Khi đó, Kỳ Mạc lười biếng tựa lưng vào một góc, tay nắm lấy chuôi kiếm và huýt sáo gọi thanh kiếm trở lại vỏ. Hắn nhếch mép cười đầy châm chọc: “Sư đệ à, nam nhân mà nói mình ‘không được’ trước mặt nữ nhân thì còn ra thể thống gì?”
Ta lặng im.
“Biến đi!” Tuyên Yến trừng mắt nhìn hắn rồi quay sang ta, thấy mặt ta đỏ bừng vì căng thẳng, nàng nghĩ rằng ta đang ngượng ngùng liền xoa đầu an ủi:
“Đừng nghe hắn nói linh tinh. Không dám ra tay là chuyện bình thường thôi. Ngày đầu tiên đối mặt với ‘Ngũ Kỳ Quỷ’ ta còn cứng ngắc hơn ngươi nhiều.”
Tuyên Yến búng tay một cái: “Lịch luyện thêm vài lần nữa là quen thôi.”
Ta khẽ đáp “Ừ”, rồi vội cúi đầu nhìn xuống.
Đôi mắt dán chặt vào con ký sinh trùng đang vươn ra từ bụng của Tuyên Yến, quẫy đạp những xúc tu, hút lấy nỗi oán hận của hài tử trước khi chết.
Khi Kỳ Mạc giết hết người thân của ta, phải chăng các người cũng vui vẻ hân hoan như vậy?
Một cảm giác lạnh buốt lan ra trong lòng. Ta giận dữ thầm nghĩ:
Ta muốn các người phải chết.
18.
Qua quá trình lịch luyện, kết hợp với những buổi giảng dạy gần đây, ta đã nắm được phần nào quy luật của chúng.
Trong lễ điện lộng lẫy đầy tiên khí của núi Bồng Lai, Huyền Thanh Tiên Tôn giảng giải cho chúng ta:
“Tiên nhân vì thiên địa lập tâm, vì dân lập mệnh.”
“Khi dân cảm kích sẽ cung phụng hương khói, đó là bậc cao thượng.”
“Còn khi dân sợ hãi lo lắng thì đó là bậc thấp kém.”
Nhưng đây chỉ là cách con ký sinh trùng thao túng vật chủ.
Thắp hương cầu nguyện có thể đem lại linh lực, giúp chúng trở nên mạnh mẽ. Còn nếu chết trong sợ hãi, cũng sẽ nuôi dưỡng thân thể chúng.
Làm sao để dân chúng vừa kính vừa sợ núi Bồng Lai và tiên nhân nơi đây?
Rất đơn giản.
Tối hôm ấy, ta tự nhủ và ghi chép lại:
“Làm ra những quyển sổ tay về ‘quỷ quái tà ma’, phát xuống dân gian, đe dọa liên kết với các tai họa.
“Vậy là khi thiên tai giáng xuống, dân chúng sẽ cho rằng lũ lụt là do Hà Bá, phải hiến dâng tân nương; hạn hán là do Hạn Bạt; năm mất mùa, Thái Tuế sẽ giáng xuống…
“Các tu sĩ sau đó sẽ xuống núi ‘trừ tà’.
“Như thế, chúng sinh vừa kính ngưỡng, thắp hương cầu phúc, vừa lo sợ mà gục ngã trước mặt chúng.”
Vì vậy, sau mỗi lần lịch luyện, các tu sĩ đều có sự tiến bộ vượt bậc.
Gấp lại những ghi chép lộn xộn, ta nhìn ra ngoài, nơi ánh trăng xiên xiên trên nền trời, khẽ rùng mình.
Chúng… hoặc có thể nói là nó…
Như một quy luật tồn tại khắp mọi nơi, len lỏi vào mọi lý giải hợp lý, dựng nên một bức tường đồng vách sắt đứng trên tất cả chúng sinh.
Cứ ngỡ là không thể nào phá vỡ.
19.
Đau khổ đến tột cùng.
Đôi khi ta cũng không chắc kẻ thù của mình là Kỳ Mạc, là núi Bồng Lai, hay là những sinh vật ghê rợn kia.
Một buổi sáng, ta bực bội chạy quanh núi Bồng Lai.
Ký sinh trùng giúp người ta thay da đổi thịt, thân thể ta đã khỏe mạnh hơn trước rất nhiều, chạy liền mười vòng mà không hề mệt.
Kết thúc buổi chạy, ta leo lên bậc đá chuẩn bị trở về.
Đến lưng chừng núi thì trời bắt đầu mưa.
Tháng tư trên núi thường có mây mù phủ kín, rừng đào nở rộ, nhẹ nhàng rơi rụng, ẩn hiện trong màn mưa mờ ảo.
Xa xa, làn khói bếp mỏng manh len qua những ngôi làng bình yên, dấu vết của nhân gian.
Ta đứng lặng ngắm nhìn một lúc, lòng ghen tị mà trầm mặc, thấy mưa nặng hạt dần, liền tìm một góc rừng để trú, buồn chán nhìn quanh.
Đột nhiên, ta khựng lại.
Không xa phía trước, giữa đám cỏ dại rậm rạp, lại có một cái hố đất ẩn giấu!
Năng lực của ta có giới hạn – khoảng cách, độ dày của vật thể, trọng lượng hoặc ánh sáng đều có thể ảnh hưởng đến khả năng nhìn xuyên.
Ta không thể thấy rõ bên dưới có gì, đành phải tiến đến gần, tìm kiếm một lúc.
Cuối cùng, không biết đã đụng phải cơ quan nào, chỉ nghe thấy một tiếng “cạch” vang lên.
Một cánh cửa ngầm dưới chân ta mở ra bất ngờ, khiến ta ngã ngồi xuống đất.
Ta lồm cồm đứng dậy, ta nhìn lên thấy trước mặt là một lối đi tối om, dẫn thẳng vào sâu trong lòng đất.
Ta ngập ngừng tự hỏi: Đây là nơi nào?
Lục lại trí nhớ về ba trăm mật đạo của Bồng Lai, ta không thấy chỗ nào khớp với nơi này.
Sau đó ta thử gọi lớn: “Có ai không?”
Không có hồi đáp.
Ta búng ngón tay để tạo lửa soi sáng, thấy trước mắt là một bức tường đá lớn sừng sững.
Bức tường đá cũ kỹ, rêu phong bám đầy, lẫn với những vết kiếm chém.
Trên đó có hàng chục đạo phù chú được dán lên.
Ta hít một hơi lạnh, không dám manh động, cẩn thận ghi nhớ các văn tự trên phù chú, rồi về tìm kiếm cả mấy ngày mới tìm ra cách giải.
Chờ đến một buổi sớm mưa bão, ta lại tìm đến nơi hẻo lánh giữa rừng, mở cánh cửa dẫn xuống địa động ấy.