Lạc Dương là kinh đô phụ của nhà Đường xếp sau Trường An.

Không Hải và Quất Dật Thế đang thả bộ qua những con phố của Lạc Dương. Đây là nơi cung cấp lương thực cho kinh đô Trường An. Tất cả số gạo mà một đô thị khổng lồ như Trường An cần đến đều được tập kết về Lạc Dương này. Tất nhiên, hàng hóa được trung chuyển qua Lạc Dương để đến Trường An không chỉ có gạo. Cùng với gạo, hàng ti tỉ các loại vật tư, cho đến các đồ thủ công địa phương từ trên khắp cả nước đều sẽ phải đi qua Lạc Dương trước khi đến Trường An.

Trên lãnh thổ nhà Đường có rất nhiều sông đào, hầu hết chúng đều thông với Hoàng Hà. Những vật phẩm được vận chuyển bằng thuyền qua những con sông đào này sẽ ngược dòng Hoàng Hà, trước tiên là đến thành Lạc Dương, sau đó chúng sẽ tiếp tục được vận chuyển bằng thuyền hoặc xe do bò, ngựa kéo để đến Trường An.

Ở Trung Quốc thời đó, để chuyên chở hàng hóa từ vùng này tới vùng khác phổ biến nhất là dùng đường thủy. Vì thuyền cớ thể chở được nhiều hàng hóa hơn bất kỳ phương tiện nào. Bởi vậy nên mới có vô số những con sông đào dài và lớn trên lãnh thổ nhà Đường.

Đoàn Khiển Đường sứ từ Nhật Bản do Đằng Nguyên Cát Dã Ma Lữ* dẫn đầu cũng phải theo những con sông đào như thế, vượt qua quãng đường lên tới một ngàn cây số từ Hàng Châu để đến được Biện Châu. Đoàn sứ thuyền sau khi trôi dạt vào Phúc Châu đã rời khỏi đây vào ngày mồng ba tháng Mười một. Sau đó đi đến Hàng Châu bằng đường bộ, rồi từ Hàng Châu lại đi bằng thuyền theo sông đào. Đoàn thuyền khi thì giương buồm đón gió, khi thì quạt chèo, có khi lại dùng bò kéo men theo bờ để đi. Những con sông lớn của Trung Quốc đều chảy từ Tây sang Đông. Nối những con sông lớn ấy theo hướng từ Bắc xuống Nam là các sông đào.

Âm Nhật là Fujiwara-no-Kado-no-Maro.

Thuyền chở Không Hải từ Hàng Châu theo sông đào đến Dương Châu, rồi ra sông Dương Tử, sau đó lại đi trên sông đào đến Biện Châu. Từ khi đặt chân lên đất Đường, sứ đoàn đã di chuyển qua quãng đường dài nhất bằng lối sông đào ấy. Từ Biện Châu cho đến Lạc Dương thì đi bằng đường bộ.

Cũng có một lối khác không dùng đường bộ, ấy là đi tiếp theo sông đào để ra đến Hoàng Hà, rồi tiếp tục ngược Hoàng Hà bằng thuyền, tuy nhiên từ Biện Châu tới Trường An có con đường cái quan chạy qua Lạc Dương, đi bằng xe ngựa theo con đường cái quan này thì nhanh hơn.

Đằng Nguyên Cát Dã Ma Lữ đang vội. Vì ông ta muốn bằng mọi cách phải đến được Trường An trong năm nay. Cuối cùng thì đoàn Khiển Đường sứ của Nhật Bản cũng đã tới Lạc Dương. Không Hải và Quất Dật Thế đang bước đi giữa trùng trùng hàng hớa cũng như biển người tới từ khắp các địa phương trên đất Đường. Người, ngựa dọc ngang tấp nập, cuốn tung bụi đất trước mắt hai người. Dật Thế không giấu nổi sự phấn khích mãnh liệt, nhìn như bị hút hồn vào đám đông qua lại và những công trình kiến trúc. Còn kẻ vừa nén niềm phấn khích vào lòng vừa thả bước thong dong bên cạnh chính là Không Hải, chàng tăng môn xứ Sanuki.

“Ồ, cầu Thiên Tân kìa, Không Hải!”

Ôi, cầu Thiền Tân là đây ư? Cả giọng nói lẫn nét mặt của Dật Thế đều ngập tràn một niềm cảm khái.

Không riêng gì Dật Thế, mà tất cả những kẻ hướng tới Trường An với thân phận của một Khiển Đường sứ đều mang theo mình lưng vốn kiến thức về nhà Đường. Ai cũng đã từng đọc qua vô số những thư tịch du nhập từ Đường sang Nhật Bản. Trước khi đặt chân đến Lạc Dương, họ đều đã biết về sông Lạc Thủy cũng như cây cầu Thiên Tân bắc qua nó. Và niềm phấn khích khi tận mắt thấy quang cảnh nơi kinh sư ở một vương quốc xa lạ vốn chỉ biết qua sách vở đã khiến chàng trai Dật Thế như ngây ngất.

Quất Dật Thế, chàng nho sinh sang Đường du học, bằng tuổi Không Hải.

Thân là thư sinh sang đây cầu tìm Nho học, nhưng Dật Thế chưa bao giờ bày tỏ sự vui sướng khi được đặt chân đến nước Đường một cách lộ liễu. Dẫu có đôi lần buông lời kinh ngạc trước quy mô của những con sông đào hay những công trình nhân tạo bất tận kiểu ấy, song đó không phải giọng nói xuất phát từ sự vui sướng.

Dật Thế hiếm khi nói ra thành lời những cảm xúc trong lòng mình. Vậy mà lúc này, cậu ta lại đang tỏ ra sung sướng một cách không giấu giếm.

“Hà hà.” Không Hải khẽ cười.

“Sao nào, có gì buồn cười ở đây chứ, Không Hải?” Dật Thế hỏi.

“À không, chỉ vì lần đầu tiên tớ thấy cậu tỏ ra vui sướng thế.”

Không Hải vừa dứt lời thì Dật Thế bỗng làm vẻ mặt nghiêm nghị.

“Có gì xấu sao?”

“Không có gì xấu cả.”

“Mà còn tốt là đằng khác”, Không Hải nói rồi lại cất bước.

“Này Không Hải, tớ đã từng nói với cậu khi ở trên thuyền rồi, tớ đâu có vui sướng vì được sang Đường.”

“Vậy tại sao cậu lại sang đây?”

“Ờ thì, có lẽ là để lấy le thôi.” Dật Thế đáp không chút ngập ngừng.

“Lấy le à?”

“Chỉ cần nói rằng tớ đã học Nho ở Đại Đường, thì mỗi lời tớ nói đều có sức nặng ngàn cân.”

“Ờ.”

“Chẳng hạn thế này, sau khi tớ từ Đường về, sẽ cớ một lúc nào đớ tớ tâu một việc lên Chúa thượng...”

“Lúc nào đó là lúc nào?”

“À, để tớ nói cho cậu nghe quang cảnh lúc ấy...”

Dật Thế bắt đầu nói về tình huống tưởng tượng ấy.

“Chẳng hạn, ấy là khi Chúa thượng và những kẻ thân cận với Người đang đàm đạo về đủ thứ chuyện trong lúc nhàn tản.”

“Ồ...”

“Thế rồi câu chuyện bỗng chuyển sang đề tài về chữ Tín, Chúa thượng mới hỏi làm cách nào để thử xem quần thần của mình có đáng tin hay không.”

“Rồi sao?”

“Hẳn nhiên là có rất nhiều ý kiến được đưa ra. Ở đó có bao nhiêu người thì sẽ có ngần ấy ý kiến.”

“Ừm.”

“Nhưng chỉ có một mình tớ là im lặng. Sau khi đã nghe hết các ý kiến, Chúa thượng mới nhận ra là riêng tớ vẫn chưa nói gì. Thế là, Chúa thượng bèn quay sang hỏi tớ. Dật Thế này, từ nãy tới giờ ngươi vẫn im lặng, liệu ngươi có ý kiến gì không?”

“Ồ.” Không Hải giữ nụ cười trên môi và tiếp tục nghe câu chuyện của Dật Thế.

“Muôn tâu Bệ hạ, thần trộm nghĩ đã là bậc Đế vương thì không nên thử thách kẻ bề tôi của mình, nghe tớ nói như vậy, Chúa thượng nhất định sẽ hỏi tại sao.”

“Ừm.”

“Tớ sẽ trả lời thế này. Thần từng nghe ở Trung Hoa có việc: Thí tam cẩu, thất tam cẩu.”

Cẩu, tức là chó vậy.

Thí tam cẩu, thất tam cẩu là sao?”

“Đấy là tớ vừa bịa ra.”

“Ồ!”

“Nghe này, Không Hải!” Nói đoạn Dật Thế tủm tỉm cười. “Giả sử ta lấy bối cảnh là ở Lạc Dương này chẳng hạn.”

Ở thành Lạc Dương có ba người đàn ông vô cùng yêu quý chó của mình, và con nào con nấy đều rất trung thành với chủ.

Dật Thế bắt đầu kể.

Một ngày nọ, ba người đàn ông nói chuyện với nhau, người nào cũng lấy làm đắc ý về việc con chó của mình trung thành đến thế nào.

Người đàn ông thứ nhất nói: “Con chó của tôi ấy à, nếu nó bị nhốt cùng tôi ở đâu đó, thì dù không được ăn được uống, nó cũng không bao giờ tấn công tôi vì đói.”

Người đàn ông thứ hai nói: “Con chó của tôi cũng vậy. Nếu gặp hoàn cảnh ấy nó sẽ chết đói trước tôi và để cho chủ nhân ăn thịt mình.”

Người đàn ông thứ ba nói: “Còn con chó của tôi, nếu tôi bị ai đó tấn công, nó sẽ không quản ngại hiểm nguy mà lao vào cắn kẻ đã tấn công tôi.”

Rồi họ bảo nhau, ta hãy thử xem những lời nói ấy có đúng là sự thật không.

Người đàn ông thứ nhất và người đàn ông thứ hai dựng một cái chòi nhỏ, rồi chui vào trong đó cùng với hai con chó của mình. Nhưng cả hai người bọn họ đều không chịu được đói nên cứ mỗi ngày một lần lại chui ra khỏi chòi để ăn và đi đại, tiểu tiện, bỏ mặc hai con chó ở trong.

Sang đến ngày thứ bảy, con chó của người đàn ông thứ nhất không chịu được đói, liền nhe nanh lao vào tấn công chủ mình. Thấy nguy cấp, anh ta bèn rút thanh đoản kiếm giấu trong bọc áo ra đâm chết con chó tức khắc.

Con chó của người đàn ông thứ hai sang đến ngày thứ mười một thì chết vì đói đúng như lời anh ta.

Còn người đàn ông thứ ba thì bảo một người quen tấn công mình ngay trước mắt con chó của anh ta. Và quả nhiên con chó của người đàn ông thứ ba đã nhe nanh, xông vào kẻ tấn công chủ mình. Người quen của anh ta bị nó cắn vào chân. Anh ta cố chặn con chó lại, nhưng không ngăn được nó cắn người quen nọ. Anh ta điên tiết, dùng chiếc gậy trong tay phang tới tấp đặng ngăn con chó lại.

Thế rồi ba ngày sau, trong lúc đang đi bộ trên phố vào ban đêm, người đàn ông thứ ba bị một tên kẻ cướp tấn công thật. Con chó mà anh ta dắt theo chẳng buồn đáp trả hay sủa tên cướp, kết cục là anh ta chẳng những bị lột mất tiền mà còn bị đâm vào ngực trọng thương.

“Sao lại có con chó vô dụng thế này kia chứ!” Người đàn ông thứ ba kêu trời rồi sai người nhà giết con chó đi.

“Rốt cuộc, ba người đàn ông đó đã mất đi ba con chó của mình...” Dật Thế giả giọng điệu trịnh trọng như đang tấu trình với Chúa thượng thật.

“Ồ.”

“Tớm lại, dù là chuyện bịa, nhưng khi được một kẻ trở về từ Trung Hoa như Dật Thế này nói ra, thì chẳng phải lời lời đều có sức nặng hay sao?”

“Chốn ấy quả là có những chuyện như vậy thật.”

“Chốn ấy?”

“Triều đình ấy mà.” Không Hải nói tỉnh bơ.

“Kể ra thì cũng oai hơn thật, chỉ có điều...”

“Chỉ có điều?”

“Chỉ có điều hai mươi năm thì quá dài.” Dật Thế nói.

“Ừ, dài thật.” Không Hải đáp lại.

Với Không Hải hay với Dật Thế, thời gian du học đều là hai mươi năm. Không sống đủ hai mươi năm ở Đường, thì không thể đặt chân trở lại đất Nhật. Nếu về sớm hơn, không khéo sẽ bị tội chết. Với trường hợp của Dật Thế, bị biếm xuống làm một chức quan ở nơi xa xôi cả đời vẫn còn may chán.

“Thế nên, ngay từ lúc được lệnh sang Đường, tớ đã bắt đầu thấy hối hận. Lòng tớ tự hỏi: tại sao mình lại phải rời xa nơi chôn rau cắt rốn của mình những hai mươi năm kia chứ?” Dật Thế thổ lộ. “Nhưng lúc này đây, khi đi bộ giữa thành Lạc Dương, ngắm nhìn cây cầu Thiên Tân ở đằng kia, tớ bỗng quên phứt cảm giác ấy.”

“Ừm.”

“Thế rồi, Không Hải ạ, bỗng dưng cậu lại nói những chuyện không đâu làm tớ sực nhớ ra.”

“Cảm giác hối hận á?”

“Chứ còn sao nữa.”

“Tớ sai rồi.” Không Hải đáp cụt lủn.

Dật Thế đã quen với kiểu nói chuyện như thế của Không Hải.

Với một người có khuynh hướng lấy tài làm đầu như Dật Thế, cậu ta không thể nào chịu nổi một gã đàn ông ngu dốt.

“Không Hải này.” Trên đường đến Lạc Dương, trong lúc xuôi sông đào, Dật Thế nói với Không Hải. “Nếu bảo điều gì khiến tớ không thể chịu đựng được nhất thì đó chính là sự ngu dốt.”

Cách nói của Dật Thế bộc trực.

Tất nhiên, cậu ta không nói ra điều ấy ở trước mặt mọi người. Lúc đứng cạnh mạn thuyền, cậu ta đã canh đúng lúc các thành viên của sứ đoàn không ở gần để nói ra câu đó. Nếu nói ai là kẻ đầu tiên trong sứ đoàn khi ấy nhận ra tài năng, hay sự kỳ lạ của Không Hải, thì đó chính là Quất Dật Thế.

Chiếc thuyền chở Không Hải gặp phải con bão lớn trên biển.

Ngay cả khi con thuyền tưởng như sắp vỡ ra từng mảnh giữa gió dập sóng dồi, thì chỉ có một kẻ vẫn bình thản như không, ấy chính là Không Hải.

Suốt mấy chục ngày phiêu dạt trên biển, chỉ duy nhất Không Hải là vẫn hòa nước với chỗ cơm khô trong khẩu phần đã bị giảm xuống còn một nắm, im lặng nhai.

Trong lúc các thầy bói và thầy âm dương thi nhau làm phép, xem phương vị, dò dẫm hướng thuyền cần đi thì riêng mình Không Hải vẫn tĩnh tọa trên thuyền, từ sáng đến tối chỉ mơ màng trông trời, trông biển.

Ban ngày thì ngắm mây bay, ban đêm thì ngắm trăng sao.

Ngay cả lúc gặp bão, Không Hải cũng chẳng bày phép gì, chỉ ngồi đó để mặc thân mình dập dồi theo sóng nước.

“Cậu là sư, sao những lúc như thế này lại không tụng kinh?” Dật Thế bảo.

“Cậu nghĩ làm vậy sẽ khiến đất trời xoay vần ư?” Không Hải thản nhiên hỏi lại. “Phép bói toán hay âm dương đâu thể làm đất trời xoay vần.”

“Thế Phật pháp của cậu thì làm đất trời xoay vần?” Dật Thế hỏi.

Không Hải cười: “Phật pháp cũng không phải ngoại lệ.”

“Nghĩa là không có cách nào khác?”

“Đúng vậy.” Không Hải đáp. “Không có cách nào khác nên tớ mới ngồi yên.”

“Sao cậu có thể thản nhiên đến thế?”

“Không phải là thản nhiên. Mà tớ chỉ thuận theo mệnh trời.”

“Mệnh trời?”

“Nghĩa là số mệnh vậy. Nếu số mệnh của tớ là đến được Trung Hoa, thì con thuyền này nhất định sẽ đến Trung Hoa.”

“Nếu số mệnh của cậu không phải thế?”

“Thì con thuyền sẽ chìm.”

“Thế thì có gì khác nhau?”

“Khác chứ.”

“Mệnh trời là sao?”

“À. Lý ra thì tớ không phải là người được lên con thuyền này. Nhưng tớ lại đang ở đây.”

Đúng như lời Không Hải nói. Đáng lẽ ra, đoàn thuyền chở sứ sang Đường đã ra khơi từ mùa hè năm ngoái. Nhưng sau khi rời bến Naniwa được sáu ngày thì thuyền gặp bão và hư hại, nên việc khởi hành phải lui lại một năm.

Và vì thế mà Không Hải mới có mặt trên con thuyền này.

“Vậy nên cậu tin rằng số mệnh của cậu là đến được Trung Hoa?”

“Ờ, đúng vậy.” Không Hải đáp gọn lỏn.

“Nhưng dù cậu tin hay không tin vào mệnh trời, thì nếu thuyền đến thuyền vẫn sẽ đến, còn thuyền không đến thì thuyền sẽ không đến cơ mà.”

“Phải.”

“Chẳng hóa ra là tin hay không tin thì vẫn như nhau sao?”

“Đúng rồi.”

Nghe đến đó Dật Thế không biết phải nói sao.

“Thế mới gọi là số mệnh. Nhưng nếu tớ tin, thì lòng tớ sẽ thanh thản cho đến phút cuối cùng, dù thuyền có bị đắm hay đến được đích.”

“Cái gì cơ!?”

“Đó chính là Phật pháp vậy.”

Nghe Không Hải nói, một cảm giác rạo rực bắt đầu trỗi dậy bên trong Dật Thế.

Và kiểu đối đáp ấy cũng chỉ có thể là của riêng Không Hải.

Đó cũng chính là lúc mà Dật Thế cảm thấy sự cuốn hút kỳ lạ ở nhà sư quái dị với chiếc cằm vuông có tên Không Hải.

Dù thế nào thì hai trong số bốn chiếc thuyền chở đoàn Khiển Đường sứ, gồm thuyền số một chở Không Hải và thuyến số hai chở Tối Trừng* cũng đã cập bến nhà Đường, nhờ vào cái mệnh trời ấy. Tuy nhiên phải mãi sau này người ta mới biết rằng chiếc thuyền số hai đã cập bến Trung Hoa trước chiếc thuyền số một. Nói thêm về đoàn sứ thuyền, chiếc thuyền số ba là chiếc đầu tiên bị bão đánh chìm, còn chiếc thuyền số bốn có bị chìm hay không thì tới nay người ta vẫn chưa biết.

Âm Nhật đọc là Saicho, khai tổ phái Thiên Thai Nhật Bản

Quay trở lại chuyện chính.

Vậy Không Hải là một người như thế nào?

Đây là điều mà Dật Thế vẫn chưa hiểu rõ.

Chiếc thuyền số một sau nhiều ngày phiêu dạt đã cập vào đất Mân, ấy là một vùng xa xôi. Thành thử những chức dịch ở đó không biết phải xử trí ra sao mặc dù sứ đoàn đã trình báo với họ rằng chúng tôi là đoàn Khiển Đường sứ từ Nhật Bản sang, thế rồi sứ đoàn đành rời đất Mân theo cái cách cứ như thể bị xua tà và lại

hướng về Phúc Châu mà đi. Ngay cả những lúc mọi thành viên trong sứ đoàn đều cảm thấy vô vọng, Không Hải vẫn giữ nguyên vẻ điềm tĩnh. Có vẻ như cậu không nghi ngờ gì về mệnh trời mà mình được giao phó, ấy là chắc chắn sẽ đến được Trường An.

Xuôi theo bờ biển xuống phía Nam, sứ đoàn vào tới cửa sông Mân, từ đó họ phải chèo ngược Mân giang, sau ba ngày thì đến được cảng Phúc Châu, nhưng chào đón họ ở đó lại là những chuỗi ngày giao thiệp còn vô vọng hơn nữa với các chức dịch.

Sứ thuyền cập vào Xích Ngạn Trấn, đất Mân, ngày mồng mười tháng Tám, rồi đến Phúc Châu ngày mồng ba tháng Mười. Nghĩa là tuy đã vào lãnh thổ nhà Đường được hai tháng, song sứ đoàn vẫn ở trên mặt nước.

Đã thế, tới Phúc Châu rồi mà sứ đoàn cũng chưa được phép lên bờ. Số thực phẩm mang theo từ Nhật Bản đã cạn. Tuy sứ đoàn đã bổ sung thực phẩm giữa chặng ở Xích Ngạn Trấn, nhưng như thế cũng không đủ.

Hàng loạt thành viên bắt đầu bị bệnh.

Gầy ốm khiến nhiều người không ngừng chảy máu chân răng, đến nỗi chỉ uống được nước suông để duy trì sự sống. Họ hiểu rằng nếu có đủ rau tươi thì sẽ ngăn được chứng chảy máu chân răng và giảm nhẹ chứng phù nề tay chân, nhưng khẩu phần được chia cho không đủ.

Dẫu chưa đến mức như trong Địa ngục biến tướng đồ*, nhưng có lẽ chỉ một, hai bước nữa thôi họ sẽ rơi vào tình cảnh ấy. Trong một trăm hai mươi thành viên trên sứ thuyền, chỉ chưa đến một phần ba số người còn đủ sức để cử động.

Tranh vẽ cảnh dưới địa ngục.

Trong sự khốn quẫn về thể xác và tinh thần như vậy, tất cả thành viên sứ đoàn đều gầy sọp đi, duy chỉ có Không Hải vẫn giữ được cặp mắt sáng rực đen láy. Suốt gần mười năm kể từ khi hai mươi mấy tuổi cho tới lúc này là ba mươi mốt tuổi, Không Hải đã rong ruổi khắp mọi miền Nhật Bản. Và hơn nửa quãng thời gian ấy, cậu dành cho việc tu hành trên núi. Vì vậy, về độ dẻo dai của cơ thể cũng như về thể lực, không ai hơn được cậu.

Tuy nhiên, sứ đoàn vẫn chưa được phép lên bờ.

Mặc dù được ở trên doi cát cửa sông, nhưng không thể gọi đây là lên bờ. Con thuyền bị phong tỏa, cả sứ đoàn bị buộc phải ngủ nghỉ và sinh hoạt trên bãi bồi ẩm ướt.

Sứ thần là Đằng Nguyên Cát Dã Ma Lữ đã năm lần bảy lượt trình khẩn nguyện thư lên quan phụ mẫu Phúc Châu, nhưng vẫn chưa được cấp phép lên bờ. Nghe đâu viên quan phụ mẫu chỉ đọc qua loa bức nguyện thư rồi quẳng ngay nó đi. Có lẽ bởi văn thì quá dở mà chữ thì quá xoàng.

Là kẻ dẫn đầu đoàn Khiển Đường sứ, ông ta hẳn đã được học về Hán văn, nhưng xem ra không phải người có thể sử dụng thành thạo môn này. Thật không may, ấn phù để chứng minh thân phận quốc sứ lại do Phán quan Gian Nguyên Thanh Công* thuộc chiếc thuyền số hai cầm giữ. Theo thông lệ thì các đoàn Khiển Đường sứ từ Nhật Bản sang sẽ không mang theo quốc thư, nhưng không thể đem thông lệ đó ra giải thích với các chức dịch địa phương.

Âm Nhật là Sugawara-no-Kiyokimi.

Trung Quốc thời bấy giờ, tức nhà Đường, là một nước trọng văn. Ở đây, họ lấy văn chương để đánh giá con người.

Cát Dã Ma Lữ vốn không phải nhân vật được bổ vào chức quan ấy nhờ tài năng văn chương, mà nhờ thế tập. Và đương nhiên, tài năng văn chương thì không thể nhờ thế tập mà có được.

Sứ đoàn bị cầm chân ở doi cát trong tình trạng không thể quay lại chính con thuyền của mình, thấm thoắt đã gần hai mươi ngày trôi qua.

Khi ấy, Quất Dật Thế gọi Không Hải vào sau một bụi vi lô rậm rạp, bảo: “Không Hải này, liệu có thể xoay xở được không?”

“Xoay xở cái gì cơ?” Không Hải hỏi lại trong lúc đang lội nước. Cơn gió khua động đám cỏ mùa hạ vờn trên má.

“Cứ thế này thì không xong mất. Nhưng nếu là cậu, cậu sẽ xoay xở được đúng không?”

Thời gian này, Dật Thế đặc biệt lưu tâm đến chàng tăng sinh vô danh Không Hải. Thực ra, ngay từ ngày xuống thuyền và đặt chân, dù chỉ là hình thức, lên đất Đường, Không Hải đã nói giọng Đường một cách trôi chảy, có thể giao tiếp với người bản xứ mà không cần thông từ*. Dật Thế thấy vậy thì rất lấy làm kinh ngạc.

Tức là người thông ngôn.

Không Hải đã học Mật từ khi còn ở Nhật Bản. Cậu hầu như chỉ tự học thông qua những kiến thức du nhập gián đoạn từ Đường, chính vì vậy cậu mới sang Đường để tìm học Mật giáo nhất thừa.

Lúc này, trong đầu Không Hải đã có những phác họa về hình hài của vũ trụ. Cậu đã hiểu được vũ trụ luận của Mật giáo, bằng cảm giác và bằng cách ướm đặt nó lên thân xác mình. Và những gì cậu học được ở Nhật Bản không chỉ có Mật giáo, mà còn cả tiếng Đường nữa. Cậu tìm gặp những người từ Đường sang định cư ở Nhật Bản, mà thời ấy nhiều vô số kể, để học tiếng Đường. Dẫu vậy, chỉ vừa đặt chân lên đất Đường mà đã có thể nói chuyện trôi chảy với người Đường, hơn nữa lại là những người sống ở vùng quê, nói thứ tiếng đặc sệt giọng địa phương chứ không phải tiếng phổ thông được dùng ở Trường An, thì quả là không hề tầm thường.

Lần đầu tiên nền văn hóa của một quốc đảo nhỏ là Nhật Bản cho ra đời một tài năng mang tầm thế giới, đó chính là Không Hải.

Tối Trừng, người vượt biển sang Đường trong cùng chuyến đi ấy với Không Hải, cũng là một tài năng được thừa nhận ở Nhật Bản ngay từ khi còn trẻ. Nhưng nếu xét đến việc Tối Trừng phải dẫn theo người thông từ riêng khi sang Đường, thì ta đã có thể thấy một góc tài năng xuất chúng của Không Hải.

Chẳng những thế, khả năng ấy là do Không Hải tự học mà có được, và nhân tiện phải nói thêm, khoản phí tổn để sang Đường du học cũng là do cậu tự mình xoay xở lấy. Đây lại là một điểm khác biệt nữa so với Tối Trừng, người đã rời Nhật Bản bằng số tiền được triều đình chu cấp.

Nếu nhìn nhận theo một khía cạnh khác thì vào thời ấy, việc một chàng trai vô danh như Không Hải vượt biển sang Đường rõ ràng là chuyện vô cùng ghê gớm. Nhưng đồng thời cũng phải thừa nhận một thực tế là, nếu chỉ dựa vào tài năng của mình thì Không Hải đã chẳng làm được điều này.

Quay trở lại với câu chuyện giữa Dật Thế và Không Hải.

“Ừm.” Không Hải gật đầu, đoạn đáp lại một cách mơ hồ. “Nhưng chưa chắc đã được việc.”

“Tài viết chữ của cậu thì tớ thừa biết. Văn chương cũng không phải dạng vừa.” Dật Thế nói.

Trong chuyến đi, những khi rảnh rỗi trên thuyền, Không Hải và Dật Thế thỉnh thoảng lại nổi hứng đối đáp với nhau bằng văn thơ chữ Hán, giống như các văn nhân đời Đường vậy. Những lúc như thế, ngay cả một người có phần tự tin thái quá về tài thư pháp và văn chương của mình như Dật Thế cũng phải tròn mắt trước Không Hải.

“Cái thứ văn chương của tay nha lại xoàng xĩnh ấy, dù có gửi đi một trăm bức hay hai trăm bức thì cũng vô ích mà thôi.” Dật Thế hạ thấp giọng.

Tay nha lại xoàng xĩnh là từ để chỉ Đằng Nguyên Cát Dã Ma Lữ. Dật Thế có vẻ không ưa những kẻ được làm quan theo chế độ tập ấm thay vì nhờ tài năng của bản thân.

“Hay là cậu viết đi.” Dật Thế nói.

“Cậu nói cũng phải. Thực tình thì tớ đã nghĩ đến điều đó rồi.” Không Hải trả lời trong lúc đón cơn gió thổi đến. “Hiềm nỗi, nếu tớ tự mình nói ra thì e là hơi có vấn đề.”

“Vấn đề gì?”

“Nhưng tớ vừa giải quyết xong rồi.”

“Không Hải, cậu nói gì tớ không hiểu.”

“Dật Thế này, vì là cậu nên tớ mới nói. Quả đúng là tớ giỏi thư pháp và văn chương hơn ông ta. Nhưng nếu tớ tự mình nói ra điều ấy thì ông ta còn mặt mũi nào nữa. Như thế chẳng khác gì tớ huỵch toẹt ra rằng, văn của ông là đồ bỏ đi.”

“Thế sao cậu không bảo tớ, chuyện đó tớ có thể làm được mà...” Nói đến đấy, Dật Thế bỗng ngừng lời như vừa nghĩ ra điều gì và nhìn sang Không Hải. “Ra là vậy. Ra là cậu vẫn có ý giữ thể diện cho tớ.”

Cũng giống như lý do khiến Không Hải không thể đề nghị Cát Dã Ma Lữ để cậu viết khẩn nguyện thư, cậu sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của Dật Thế nếu bày kế để Dật Thế nói ra điều này với Cát Dã Ma Lữ.

Thế nên Dật Thế mới nói rằng Không Hải có ý giữ thể diện cho cậu ta.

“Tớ hiểu rồi, cậu nói vấn đề đã được giải quyết hóa ra là như vậy.”

Nghĩa là, khi một người khác - nhất lại là Dật Thế - chứ không phải bản thân Không Hải, đưa ra lời đề nghị để Không Hải viết khẩn nguyện thư thì vấn đề đã được giải quyết hoàn toàn.

“Chậc, tức chết đi được. Văn chương của tớ không thể bì được với cậu, Không Hải ạ.” Dật Thế nói một cách thành thật.

Ở Nhật, ngưòi ta thường nói đến “Tam Bút”.

Đây là cách nói để chỉ ba con người có tài năng xuất chúng trong lịch sử thư pháp Nhật Bản, gồm: Không Hải, Quất Dật Thế và Thiên hoàng Tha Nga*, cả ba người này đều là những nhân vật cùng thời, sống ở đầu giai đoạn Heian.

Âm Nhật là Saga.

Tuy nhiên trong ba người này, xét cả về đường bút, hơi thở, phẩm hạnh và văn chương, thì ở phương diện nào Không Hải cũng vượt trội hơn hai người còn lại.

Tạm chưa bàn đến văn chương mà nói riêng về thư pháp, liệu một kẻ tài năng như Dật Thế có thực sự cho rằng Không Hải xuất sắc hơn mình hay không? Hay ít ra thì với một người có tính cách như Dật Thế, liệu rằng đã bao giờ Dật Thế nói ra miệng, dù không phải về thư pháp mà là về văn chương, với Không Hải rằng, cậu xuất sắc hơn tớ hay chưa?

Rõ ràng Dật Thế đã nói ra miệng những điều ấy.

“Cậu thật là một gã kỳ lạ.”

Dật Thế đột nhiên quay sang Không Hải và lẩm bẩm câu đó sau khi đã thú nhận rằng mình không bì được với Không Hải.

“Kỳ lạ cái gì cơ?”

“Tớ vốn hiếm khi thừa nhận với ai đó rằng người ta giỏi hơn tớ. Nhất là về thư pháp và văn chương.”

“Thế hả.”

“Vậy mà lúc nãy tớ đã buột miệng nói ra điều ấy. Nói xong tớ mới nhận ra. Không những thế tớ lại đang kể với cậu về cái điều tớ vừa nhận ra. Vậy mới bảo cậu là một gã kỳ lạ.”

“Ồ.” Không Hải đáp mà như không.

“Thế nhé Không Hải, cậu phải viết đấy.” Dật Thế nói.

“Tớ sẽ viết.”

“Tớ sẽ bảo ông ta.” Đến lúc này, Dật Thế đã chuyển hẳn sang gọi Đằng Nguyên Cát Dã Ma Lữ bằng ông ta.

“Cứ vậy nhé. Nhưng tớ nghĩ nên nói thế này...” Đoạn, Không Hải tủm tỉm cười.

“Nói thế nào?”

“Theo như tại hạ thấy, tại hạ ở đây tức là cậu đấy Dật Thế...”

“Được rồi.”

“Theo như tại hạ thấy thì nhà sư Không Hải trong sứ đoàn chúng ta là người có tài năng văn chương không đến nỗi nào.”

“Ừm.”

“Như các hạ cũng đã thấy, cậu ta có thể nói chuyện với người bản xứ mà không cần đến thông từ. Vì vậy, về việc biên khẩn nguyện thư, tại hạ trộm nghĩ đâu cần phải phiền đến các hạ.”

“Chi bằng hãy lệnh cho Không Hải biên có phải tiện hơn chăng?” Dật Thế tiếp lời Không Hải.

Dật Thế vừa dứt lời Không Hải lại tiếp: “Nếu các hạ cho phép, tại hạ sẽ chuyển lệnh của các hạ và cho gọi Không Hải đến đây để bảo cậu ta biên là xong.”

Không Hải nói xong, liền nhìn sang Dật Thế và cười.

Mọi sự sau đó diễn ra như đã định.

Không Hải mang theo bút, nghiên, mực, miếng ván kê, chui vào một bụi cỏ cao um tùm trên doi cát, một mình viết trong đó. Nhưng chẳng mấy chốc đã thấy Không Hải đi ra từ bụi cỏ, trong khi Dật Thế và Cát Dã Ma Lữ vẫn còn đang chắc mẩm: có lẽ giờ này Không Hải chỉ vừa mới cấu tứ xong và bắt đầu đặt bút.

Không Hải đứng trong gió với khẩn nguyện thư trên tay, môi nở nụ cười.

“Xong rồi đây.” Không Hải nói.

Đó là một áng văn nổi tiếng.

Hạ Năng khởi.

Cao sơn đạm mặc, cầm thú bất cáo lao nhi đầu quy.

Thâm thủy bất ngôn, ngư long bất đạn quyện nhi trục phó.

Cố năng, Tây Khương thê hiểm, cống thùy y quân, Nam Duệ thuyền thâm, hiến hình thố đế.

Bức khẩn nguyện thư được mở đầu như vậy. Hạ Năng tức là Cát Dã Ma Lữ vậy.

Dịch ý:

Hạ Năng khởi bẩm.

Non cao dẫu im lìm, chim thú chẳng than nhọc tìm về.

Nước sâu dẫu ắng tiếng, cá rồng chẳng nề khó tựu bầy.

Bởi thế mới có việc, Tây Khương trèo núi hiểm đến cống đấng minh quân thõng áo mà bình được thiên hạ, Nam Duệ vượt bể sâu tới dâng bậc hiền đế chẳng dùng hình mà trị yên được nước.

Trước tiên, Không Hải viết rằng văn minh Đại Đường mới thật là trác tuyệt làm sao, để sau đó đi vào nội dung chính bằng thứ văn chương hào hoa mà phong nhã. Áng văn ấy thể hiện một sự điêu luyện đặc biệt và giữ vị trí xuất sắc trong số rất nhiều trước tác của Không Hải.

Có thể cảm nhận được những lời lẽ đang tuôn ra từ đầu bút và vang vọng tựa tiếng nhạc trong áng văn này.

Đoạn tiếp theo như sau.

Thành thị, minh tri hãn nan chi vong thân, nhiên do vong mệnh đức hóa chi viễn cập giả dã. Phục duy, Đại Đường thánh triều, sương lộ du quân, hoàng vương nghi trạch, minh vương kế vũ, thánh đế trùng hưng. Yểm đốn cửu dã, lao lung bát hoành. Thị dĩ, ngã Nhật Bản quốc thường kiến phong vũ hòa thuận, định tri Trung Quốc hữu thánh. Khô cự luân ư Thương Lĩnh, trích hoàng hoa ư đan trì. Đắc bồng lai châu, hiến côn nhạc ngọc. Khởi tích hất kim, tương tục bất tuyệt.

Cố kim, ngã quốc chủ cố tiên tổ chi di mưu, mộ kim đế chi đức hớa. Cẩn sai thái chính quan hữu đại biện chính tam phẩm kiêm hành việt tiền quốc đại thủ Đằng Nguyên triều thần Hạ Năng đẳng uyển sứ, phụng hiến quốc tín biệt cống đẳng phẩm.

Hạ Năng đẳng vong thân hàm mệnh, mạo tử nhập hải. Ký từ bản nhai, tỷ cập trung đồ, bạo vũ xuyên phàm, tường phong chiết đà, cao ba ốc hán, đoản chu duệ duệ. Khải phong triều phiến, thôi can Đam La chi lang tâm, bắc khí tịch phát, thất đảm Lưu cầu chi hổ tính. Tần túc mãnh phong, đãi táng miết khẩu. Toàn mi kinh thái, chiêm trạch kình phúc, tùy ba thăng trầm, nhiệm phong Nam Bắc. Đãn, kiến thiên thủy chi bích sắc, khởi thị sơn cốc chi bạch vụ, xế xế ba thượng, nhị nguyệt hữu dư. Thủy tận nhân bì, hải trường lục viễn, phi hư thoát dực, vịnh thủy sát kỳ, hà túc vi dụ tai?

Cận bát nguyệt sơ nhật, sạ kiến vân phong, hân duyệt võng cực, quá xích tử chi đắc mẫu, việt tảo miêu chi ngộ lâm, Hạ Năng đẳng vạn mạo tử ba, tái kiến sinh nhật, thị tắc thánh đức chi sở chí dã. Phi ngã lực chi sở năng dã.

Hựu Đại Đường chi ngộ Nhật Bản dã. Tuy vân bát Địch vân hội, tất bộ cao đài. Thất Nhung vụ hợp, kê tảng ngụy khuyết. Nhi ư ngã quốc sứ dã. Thù tư khúc thành. Đãi dĩ thượng khách. Diện đối long nhan. Tự thừa loan luân. Giai vấn vinh sủng. Dĩ quá vọng ngoại. Dữ phu tỏa tỏa chư phiên. Khởi đồng nhật nhi khả luận hô. Hựu trúc phù đồng khế. Bản bị gian trá. Thế thuần nhân chất. Văn khế hà dụng? Thị cố ngã quốc thuần phác dĩ giáng. Thường sự hảo lân. Sở hiến tín vật. Bất dụng ấn thư. Sở khiển sứ nhân. Vô hữu gian ngụy. Tương tập kỳ phong. Vu kim vô tận. Gia dĩ, sử hô chi nhân. Tất trạch phúc tâm. Nhiệm dĩ phúc tâm, hà cánh dụng khế? Tải tịch sở truyền. Đông phương hữu quốc. Kỳ nhân khẩn trực. Lễ nghĩa chi hương. Quân tử chi quốc. Cái vi thử dư?

Nhiên kim châu sử trách dĩ văn thư. Nghi bỉ phúc tâm. Kiểm quát thuyền thượng. Kế số công tư. Tư nãi lý hợp pháp lệnh. Sự đắc đạo lý. Quan lại chi đạo. Thực thị khả nhiên. Tuy nhiên viễn nhân sạ đáo. Xúc đồ đa ưu. Hải trung chi sầu. Do ủy hung ức. Đức tửu chi vị. Vị bão tâm phúc. Suất nhiên cấm chế. Thủ túc vô thố. Hựu Kiến Trung dĩ vãng. Nhập triều sử thuyền. Trực chước Dương Tô. Vô phiêu đãng chi khổ. Châu huyện chư ty. Ủy lạo ân cần. Tả hữu nhậm sứ. Bất kiểm thuyền vật. Kim tắc sự dữ tích dị. Ngộ tương vọng sơ. Đê hạ ngu nhân. Thiết hoài kinh hận.

Phục nguyện thùy nhu viễn chi huệ. Cố hảo lân chi nghĩa. Tùng kỳ tập tục. Bất quái thường phong. Nhiên tắc quyên quyên bách man. Dữ lưu thủy nhi triều tông Thuấn hải. Ngung ngung vạn phục. Tương quỳ hoắc dĩ dẫn lãnh Nghiêu nhật. Thuận phong chi nhân. Cam tâm bức tấu. Trục tinh chi nghĩ. Duyệt ý biền la. Kim bất nhiệm thường tập chi tiểu nguyện. Phụng khởi bất tuyên. Cẩn ngôn.

(Tạm dịch: Thực là, biết rõ thân hèn gặp khó, mà vẫn quên mình từ xa tìm đến đức hóa. Cúi nghĩ, Đại Đường thánh triều, mưa móc đều khắp, Hoàng vương ở

chỗ tốt, Minh vương nối võ, Thánh đế nhiều phen gây dựng, trấn yểm cửu châu, cầm giữ bát dần. Bởi vậy, nước Nhật Bản tôi thường thấy mưa thuận gió hòa, một mực tin rằng Trung Quốc có thánh linh, xẻ cây long não lớn ở Thương Lĩnh, hái nụ hoàng hoa ở thềm son, lấy được trân châu cõi Bồng Lai, lại dâng ngọc núi Côn Luân. Từ xưa tới nay, kế nhau không dứt.

Xưa nay, vua nước tôi những đoái di huấn của tiên tổ, quyến luyến đức hóa của kim đế, bèn phái bọn sứ thần đứng đầu là Chính quan hữu đại biện chính tam phẩm kiêm hành Việt Tiền quốc Đại thủ Đằng Nguyên triều thần Hạ Năng phụng dâng quốc tín cùng phương vật. Bọn Hạ Năng xả thân vâng mệnh, liều chết ra khơi, rời bờ bản quốc, đi được nửa đường bèn gặp cơn giông lớn đâm toạc mảnh buồm, hứng trận gió dữ gãy lìa bánh lái, sóng cao ập xuống, thuyền nhỏ chơi vơi. Gió nồm sớm quạt, vỡ gan vì lòng sói Đam La, bắc khí chiều lên, mất mật vì hổ tính Lưu cầu, nhăn mặt trong gió mạnh, đợi chôn miệng ba ba, chau mày quá đỗi kinh hãi, tưởng chui bụng cá kình, thôi thì theo sóng nổi chìm, mặc gió lên Nam xuống Bắc. Vậy mà, chỉ thấy biển trời xanh biếc, nào ngó đâu sương trắng nơi sơn cốc? Dật dờ trên sóng hơn hai tháng trời, nước không còn một giọt người mệt lả lao đao. Biển thì rộng mà bờ thì xa, chim bay trên trời đến sã cánh, cá lội dưới nước đến trật vây, kể sao cho xiết?

Rốt cũng đến ngày mồng một tháng Tám, chợt thấy đỉnh núi quyện mây, vui mừng khôn tả, quá trẻ thơ được mẹ, hơn lúa non gặp mưa. Bọn Hạ Năng bao phen liều con sóng chết, lại được thấy ngày hồi sinh. Chính là vì, không có thánh đức tỏa khắp, sức mình sao làm được vậy.

Cũng là bởi Đại Đường ngộ đãi Nhật Bản vậy. Bát Định gặp mây, phải lê gối lên lầu cao, Thất Nhung thấy móc, phải dập trán nơi cửa khuyết, ấy vậy mà đối với sứ thần nước tôi thì ân cần biệt đãi như thượng khách. Có thể đối diện long nhan mà tự nhận ý chỉ. Giai vấn ân sủng, thật vượt hơn cả lòng mong đợi. Há có thể đem so với những phiên quốc hèn mọn kia? Vả lại, thẻ trúc, bài đồng vốn là để phòng bị sự gian trá. Nhưng thiên hạ chất phác, lòng người ngay thẳng, thử hỏi văn khế dùng để làm gì?

Bởi vậy, nước tôi xưa nay vốn thuần phác, thường đối đãi như láng giềng tốt. Tín vật dâng lên, đều không cần đến ấn thư. Sứ nhân sai đi, đều không có sự gian giả. Phong tục ấy nối tiếp truyền đời, tới nay vẫn chưa dứt. Hơn nữa, kẻ làm sứ giả, nước tôi đều chọn người tâm phúc. Đã bổ lấy kẻ tâm phúc, sao còn cần đến văn khế nữa? Sử sách đã ghi, ở phương Đông có một nước, người nước ấy thành thật, ngay thẳng, là đất của lễ nghĩa, là nước của quân tử, chẳng phải là vậy ư?

Thế mà lần này, châu sử lại cật đòi văn thư, ngờ vực bọn tâm phúc ấy. Lục soát trên thuyền, tính toán riêng chung. Ấy về lý là tuân pháp lệnh, về việc là phải đạo lý. Nói về cái đạo của quan lại, thật đáng như vậy lắm. Tuy nhiên, có kẻ từ xa vừa đến, tới nơi vẫn còn nhiều âu lo. Nỗi buồn bã khi ở trên biển, vẫn còn chất chứa trong lòng. Mùi vị của đức tửu còn chưa ấm dạ. Bỗng đâu bị cấm chế, tay chân chẳng biết để nơi nào. Lại kể đến đoàn sứ thuyền nhập Đường vào đời Kiến Trung trước đây, thuyền đến thẳng Dương Tô, chẳng phải chịu khổ ải vì phiêu dạt trên biển. Vậy mà, các ty châu huyện, thảy ân cần ủy lạo, tả hữu ban bệ, đều để mặc sứ thần, chẳng lục soát thuyền bè. Nhưng nay việc lại khác xưa. Cái sự ngộ đãi đã nhạt hơn mong đợi. Kẻ ngu si thấp hèn, trộm đem lòng kinh hận.

Cúi xin rủ lòng ban cho cái ơn vỗ về kẻ ở xa đến, đoái tới cái nghĩa của người láng giềng tốt, chiếu theo tập tục cũ, chớ nghi ngờ thường phong. Như vậy thì, bách Man chảy về như nước mà triều kiến Thuấn hải, muôn kẻ phục tùng mang quỳ hoắc mà kéo về Nghiêu nhật. Kẻ thuận theo gió thì nguyện đem lòng chầu về, lũ kiến đuổi theo miếng thịt tươi thì vui sướng kéo thành đàn. Nay, nguyện nhỏ khôn kham, xin như lệ cũ. Phụng khởi bất tuyên, cẩn ngôn.)

“Ồ ồ...” Kẻ ồ lên không chỉ có Dật Thế, mà còn có cả Cát Dã Ma Lữ nữa.

Trong số các trước tác do văn hào Không Hải để lại, áng văn ấy vẫn luôn tỏa ra một vầng hào quang đặc biệt.

Thậm chí ngay cả ở đất Đường này, cũng mấy ai viết được một áng văn như thế? Bằng tài năng tràn trề, Không Hải đã trang hoàng cho nó một lớp áo mỹ miều, nhưng không làm mất đi sự khúc chiết và tao nhã trong ý tứ. Ta dường như có thể nghe thấy cả hơi thở của Không Hải khi ấy.

Bức khẩn nguyện thư do Không Hải viết vừa được trình lên, thì thật không thể tin nổi, ngay lập tức mọi chuyện bắt đầu trở nên suôn sẻ. Nhờ tài văn chương của Không Hải mà sự đối đãi bỗng chốc đổi chiều.

“Cứ như thể cậu đã tạo ra một phép mầu vậy.”

Dật Thế đã nói câu ấy với Không Hải trong lúc thuyền ngược sông đào. Toàn là Dật Thế nói, còn Không Hải thì hầu như chỉ gật đầu trong im lặng.

“Cậu đang nhìn gì thế?” Dật Thế hỏi.

“Đại Vận Hà.” Không Hải trả lời ngắn gọn.

“Cậu thấy gì thú vị à?”

“Thú vị chứ.”

“Thú vị thế nào?”

“Ghê gớm.”

“Ghê gớm, là sao?”

“Hóa ra con người cũng có thể làm ra được nhũng công trình vĩ đại đến mức này.” Không Hải đáp, giọng nói chứa đựng một vẻ cảm khái kỳ lạ.

“Cậu nói về con kênh này á?”

“Đúng vậy.”

Cả Không Hải lẫn Dật Thế đều lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy một công trình nhân tạo dài và lớn nhường này. Người tạo ra con sông đào ấy chính là Tùy Dạng Đế.

Ông ta đã huy động hàng triệu nông phu, đào một kênh dẫn nước dài đến chóng mặt nối giữa Hoàng Hà và Dương Tử. Sau khi hoàn thành Đại Vận Hà, Dạng Đế thường thả thuyền rồng du ngoạn giữa Dương Châu và Lạc Dương bằng con sông này, lại đã không ít lần bày tiệc “tửu trì nhục lâm” trên đó.

Trên Đại Vận Hà, Không Hải cứ mải miết theo đuổi những suy tưởng, và mỗi khi một suy tưởng hiện lên, cậu lại trầm trồ, hoặc thở dài.

Được rồi, ta hãy trở lại với đường phố Lạc Dương.

“Đại Đường cũng đâu đến nỗi nào.” Trong lúc bước đi qua những đám đông giữa thành Lạc Dương, Dật Thế bỗng bật ra câu nói ấy.

! Cứ mỗi lần nhìn thấy một dãy phố hay một quang cảnh mà mình đã từng đọc trong sách, Dật Thế lại khẽ thốt lên như thế, rồi lẩm bẩm: chà, cái đó được viết ở trong sách này đây mà. Xem ra, Dật Thế có một kho kiến thức đáng nể về những điều như vậy. Tuy nhiên, có thể vì là một nho sinh, nên kiến thức và mối quan tâm của Dật Thế hơi có phần thiên lệch. Cậu ta dường như chỉ hứng thú với những hiện tượng hoặc kiến thức bắt nguồn từ thực tế hoặc thực tại hơn là tư duy triết học.

Nguyên do cũng bởi, trong Nho học có câu “bất ngữ quái lực loạn thần”.

Nói theo ngôn ngữ hiện đại là, không bàn về những thứ như UFO, ma quỷ hay siêu năng lực.

Trước Không Hải cả ngàn năm, ông tổ của Nho học là Khổng Tử đã nói ra câu ấy, đó thật là cái lớn lao, vĩ đại của đất nước Trung Hoa vậy.

Thỉnh thoảng, Dật Thế lại buông ra một câu hỏi như để thử tài Không Hải, kiểu: Trong Hoài Nam Tử có nói đến điều này, đây phải chăng là nó? Trước những câu hỏi như thế, Không Hải hầu như đều trả lời trôi chảy.

“Thật chẳng có điều gì mà cậu không biết.”

Dật Thế thốt ra câu ấy bởi qua những lần nói chuyện với Không Hải, cậu ta nhận thấy Không Hải không chỉ đọc Đường thư, mà xem ra còn đọc cả những thứ sách nhảm nhí, ví như dâm thư chẳng hạn. Hãn hữu có chuyện gì mà Không Hải không biết, Dật Thế sẽ nói một cách đầy sung sướng: “Yên tâm rồi, vậy là cũng có những thứ cậu không biết.”

Dật Thế đã nhận ra rằng, chàng sa môn này có kiến thức sâu rộng hon cả mình, trong chính lĩnh vực chuyên môn của mình là Nho học.

Thật ra thì, bản thân Không Hải cũng đã từng là nho sinh giống như Dật Thế. Năm mười tám tuổi, Không Hải vào đại học và trở thành nho sinh. Cộng cả quãng thời gian theo thầy là thúc phụ A Đao Đại Túc* từ năm mười lăm tuổi, với hai năm làm nho sinh, thiên tài Không Hải đã hấp thụ toàn bộ triết lý của Nho giáo.

Âm Nhật là Ato-Otori.

Thế rồi Không Hải quyết định dứt tình với Nho học khi bước qua tuổi hai mươi. Và ở vào cái độ còn rất trẻ, năm hai mươi tư tuổi, Không Hải khi đó lấy tên là Chân Ngư* đã hoàn thành bộ ba quyển Tam giáo chỉ quy.

Âm Nhật là Mao.

“Tam giáo chỉ quy” là bộ tư tưởng luận so sánh, trình bày về Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo theo lối kịch. Được viết theo thể tứ lục biền lệ đầy hoa mỹ của phong cách thơ Lục triều. Đây là tiểu thuyết tư tưởng so sánh đầu tiên của Nhật Bản. Trong “Tam giáo chỉ quy”, Chân Ngư - tức Không Hải ngày trẻ, đã đặt Phật giáo ở vị trí cao hơn so với Nho giáo và Đạo giáo. Đây có thể nói là bộ sách dứt tình với Nho giáo của Không Hải.

Đây đó trong toàn bộ trước tác của mình, Không Hải đã khéo léo đưa ra các trích dẫn từ rất nhiều bộ Hán thư như Văn tuyển hay Lễ ký. Có thể nói, ngay từ thời ấy, kiến thức của Không Hải về Hán thư đã không phải tầm thường.

Nhưng tại sao Không Hải lại từ bỏ Nho giáo?

Lý do rất rõ ràng. Ấy là, dù cho chứa đựng bao nhiêu những lý luận lắt léo về tư tưởng, hiện thực, tình cảm hay thể xác, thì tựu trung cũng chỉ tóm lại ở một ý: “Trong Nho giáo, không có câu trả lời về vũ trụ và sinh mệnh.”

Xét cho cùng, Nho giáo bất quá là một môn học về lễ nghi của con người trần tục mà thôi. Nếu học cho bằng tận, người ta có thể đạt được những vinh hoa, phú

quý ở đời đấy, nhưng rốt cuộc cũng chỉ đến thế là hết. Nho giáo và Đạo giáo dĩ nhiên là khác nhau, nhưng lại giống nhau ở một điểm: Đạo giáo cũng “không có câu trả lời về vũ trụ và sinh mệnh”.

Và tất nhiên, Dật Thế, chàng nho sinh đang lững thững thả bộ trên đường phố Lạc Dương này không hề biết về “Tam giáo chỉ quy” của Không Hải. Cậu ta chỉ cảm nhận được tài năng ở người thanh niên bằng tuổi mình, với kiến thức uyên bác, nói tiếng Đường thành thạo không kém gì người Đường, theo cái cách như cậu ta đã gọi: “Một gã kỳ lạ”.

Từ lúc nào chẳng hay, hai người đã lạc vào một góc Nam Thị. Đó là một khu chợ. Bao nhiêu hàng quán nối tiếp nhau, nào kẻ bày rau thịt ngay trên đường, nào kẻ buôn lụa, nào người bán gà, bò, ngựa.

“Ghê gớm quá!” Không Hải lẩm bẩm.

Những là người, và bầu không khí huyên náo do họ tạo ra đang bao bọc Không Hải và Dật Thế như một dòng xoáy.

Bỗng đâu Dật Thế cất tiếng: “Ồ...”

Phía trước mặt họ có một cây liễu lớn, đám đông đang bu quanh gốc cây.

“Họ đang diễn trò kìa!” Dật Thế lập tức hiểu ngay chuyện gì đang diễn ra. Hai người rẽ đám đông, hòa lẫn vào cùng những người xem thì thấy một vị vận áo đen đang đứng trước gốc liễu và nói điều gì đó. Một ông già có bộ râu bạc trắng và đôi mắt ti hí, tay phải cầm cây trượng.

“Ông ta nói gì thế?” Dật Thế hỏi. Dật Thế vẫn hầu như chưa hiểu tiếng Đường. Nhưng biết rằng ông già đang bán thứ gì đó.

Nhưng ông ta bán cái gì nhỉ? Quanh ông ta không có cái gì giống một món hàng. Chỉ có một cái thùng gỗ lớn đặt bên cạnh. Một cái thùng sâu lòng, nên không biết bên trong đó có gì. Duy có một chiếc gáo đặt trên miệng thùng, thành thử chỉ có thể đoán rằng bên trong là nước.

“Ông ta hỏi có ai mua dưa không.” Không Hải dịch lại lời nói của ông già cho Dật Thế nghe.

“Dưa? Làm gì có dưa ở chỗ nào? Hay nó được đựng trong cái thùng kia?” Dật Thế hỏi.

“Ta hãy chờ xem sao.” Không Hải nháy mắt vẻ thích thú.

Những lời ông già nói lọt vào tai Không Hải chẳng sót chữ nào.

“Nào, có ai mua dưa không?” Ông già vẫn đang rao. Không Hải vừa quan sát vừa thuật lại cho Dật Thế nghe.

“Tôi đây!” Có ai đó cất tiếng. “Tôi mua.”

Đó là một người đàn ông dáng như thương nhân. Có lẽ ông ta đang trên đường đến Nam Thị buôn bán, thấy đám đông nên đã ghé vào xem.

“Ông lấy mấy quả?” Ông già hỏi.

“Hai quả.” Người có dáng thương nhân đáp.

“Được.” Ông già áo đen gật mạnh một cái, rồi thọc tay trái vào bọc áo. Ông ta lấy gì đó ra. Một thứ rất nhỏ. Ông ta cầm nó bằng ngón trỏ và ngón cái trên bàn tay trái. Một cái hạt màu đen.

“Hình như là hạt dưa.” Không Hải nói với Dật Thế. Ông già bắt đầu khoét một cái lỗ trên mặt đất ngay dưới chân bằng đầu cây trượng đang cầm bên tay phải.

“Khi gieo hạt dưa này xuống đây như thế này, ta sẽ có được quả. Sẽ kết trái ngay bây giờ.”

Ông ta gieo hạt.

“Sẽ kết trái ngay bây giờ. Sẽ kết trái ngay bây giờ.” Vừa nói, ông già vừa lấy đầu trượng vùi đất lên hạt dưa.

“Dưa sẽ kết trái, dưa sẽ kết trái.”

Ông già chuyển cây trượng sang tay trái, tay phải cầm lấy gáo, múc nước từ trong thùng ra, tưới vào chỗ đất vừa vùi lên trên hạt dưa.

“Nảy mầm này, nảy mầm này.”

Ông ta nói bằng một giọng lầm rầm như đang tụng niệm.

“Ồ ồ...” Dật Thế thốt lên ngay bên cạnh Không Hải. Đám đông xung quanh cũng đang cất lên những tiếng xôn xao tương tự.

“Nó nảy mầm rồi kìa, Không Hải!” Dật Thế nói.

Từ trong lớp đất vẫn còn sẫm nước, có một vật nhỏ đang đội đất nhô lên. Một cái mầm cây màu xanh.

Không Hải vừa gật gù nghe Dật Thế nói vừa tủm tỉm cười và ngắm nhìn ông già.

“Hóa ra là một vị phương sĩ.” Không Hải khẽ buông thõng một câu.

Trong khi đó, cái mầm cây càng lúc càng nhô cao.

“Nhô lên này, nhô lên này, lớn lên này...” Ông già nói.

“Lá đâm ra rồi này.”

Lá đã đâm ra.

“Xem kìa, hoa đã nở. Hai bông liền.”

Hai bông hoa nhỏ vừa nở ra.

Ngay lập tức, những cánh hoa rụng xuống, phần đài hoa còn lại phình to lên trông thấy.

“To ra nữa này.”

Nó đã phình to hơn.

Tới lúc này, nó đã có hình thù rõ ràng của một quả dưa.

“Là phép trồng dưa đây ư?”

Hóa ra Dật Thế cũng biết đến phép này.

Thời đó, trong rất nhiều những bộ Hán thư du nhập vào Nhật Bản, có thể thấy cụm từ “phép trồng dưa” ở một vài quyển sách.

“Lần đầu tiên được nhìn tận mắt.” Cậu ta lẩm bẩm.

Hai trái dưa tròn đã phồng to lên thành hai quả dưa chín. Ông già bứt phăng hai trái dưa đó đưa cho người đàn ông có dáng thương nhân. Đúng lúc ông già áo đen nhận tiền từ tay người đàn ông có dáng thương nhân thì vừa hay cả lá lẫn dây dưa đều biến đâu mất. Chỉ có hai quả dưa trên tay người thương nhân là còn nguyên.

Những tiếng trầm trồ rộ lên.

“Tuyệt vời quá, Không Hải ạ.”

“Cũng tàm tạm.”

“Cái gì, cậu không thấy khâm phục à?”

“Đâu có, tớ thấy bất ngờ đấy chứ. Pháp thuật của ông già quả là cao tay.”

Trong lúc hai người đang nói chuyện thì người mua tiếp theo xuất hiện.

Mọi việc lại diễn ra theo trình tự như ban nãy.

“Nhưng mà, sau khi mua rồi thì quả dưa lại không biến mất nhỉ.” Dật Thế nói với vẻ mặt nghiêm túc.

Nhìn thấy Dật Thế như vậy, Không Hải tủm tỉm cười: “Nhà Nho gì mà lại thế...”

Khi nói ra câu ấy, Không Hải đang liên tưởng đến lời trong Luận ngữ: “Bất ngữ quái lực loạn thần”.

“Mấy quả dưa đó không biến mất.” Không Hải nói.

“Tại sao?”

“Vì quả dưa là thật.”

“Sao cơ!? Vậy còn những cái khác không phải là thật à?”

“Mấy việc như nảy mầm, đâm lá ấy là phương thuật.” Không Hải nói nhỏ.

Vì nói bằng tiếng Nhật nên hai người mới có thể trò chuyện được ở đây.

“Lời nói khiến cho cậu mê muội. Mọi người bị trúng thuật chính bởi lời nói ấy, tất cả đều tin rằng cây nảy mầm, khi nghe ông ta nói nảy mầm; cây ra lá, khi nghe ông ta nói ra lá.”

“Nhưng tớ đâu có hiểu tiếng Đường.”

“Vì tớ đã thuật lại lời của ông già đó cho cậu nghe. Nếu không có tớ, có thể cậu đã nhìn thấy sự thật.”

“Nhưng dù cậu không thuật lại từng lời, thì tớ vẫn thấy rõ ràng là cây nảy mầm rồi quả to ra mà.”

“Đó là vì từ đầu cậu đã bị trúng thuật. Vì cậu đã ghi nhớ ở trong đầu.” Nói đến đó, Không Hải bỗng dừng bặt.

“Sao thế?” Dật Thế hỏi.

“Sự hiểu biết thật là đáng sợ.” Không Hải buông thõng một câu.

“Cậu bảo sao!?”

“Hiểu biết khai sáng con người ta, nhưng ngược lại, cũng làm mù mắt con người ta. Nếu không hiểu tiếng Đường, thì sẽ không bị trúng thuật. Nếu không biết rằng sau khi gieo hạt, hạt sẽ nảy mầm, đơm hoa, rồi kết trái, thì sẽ không bị trúng thuật.”

“Nhưng cậu đâu có bị trúng thuật dù cậu biết những điều đó.”

“À, tớ đang không nói về tớ.”

“Thế là nói về tớ?” Dật Thế hỏi, hơi có vẻ ấm ức.

“Không, cũng có thể là tớ mà cũng có thể là cậu.”

“Tớ chỉ đang nói về con người, về sự hiểu biết chung chung thôi mà.”

Đúng lúc đó, tiếng trầm trồ lại rộ lên.

Dưa lại ra trái và ông già áo đen, tức vị phương sĩ, lại hái nó đưa cho người mua.

“Nào, còn ai muốn mua dưa nữa không?” Phương sĩ hỏi.

“Được, tôi mua.” Dật Thế nói to bằng tiếng Nhật.

“Vị nào vậy nhỉ?” Phương sĩ lẩm bẩm.

“Cậu bảo tớ muốn mua hai trái.” Dật Thế huých cùi chỏ vào sườn Không Hải.

Không Hải nhăn nhó cười trong lúc nói bằng tiếng Đường: “Xin cho hai trái.”

Ánh mắt đám đông đổ dồn về phía họ.

Hàng người trước mặt Không Hải và Dật Thế tự động rẽ ra, hai người bị đẩy lên phía trước.

“Nghe này, cậu vừa quan sát vừa nói nhỏ với tớ xem cậu đang nhìn thấy gì nhé.” Dật Thế nói.

“Nhưng mà...”

“Đây là Đại Đường mà, họ đâu có hiểu tiếng Nhật.”

Trao đổi với nhau xong, Không Hải và Dật Thế tiến lên phía trước vòng người. Hai người ưỡn thẳng lưng, đứng đối diện với vị phương sĩ nọ. Một ông già đen đúa, không thể đoán được tuổi. Dễ chừng là hơn bảy mươi. Nhưng chắc chưa thể nào quá chín mươi.

Tuy nhiên không sao đoán được ông ta bao nhiêu tuổi trong cái khoảng ấy. Nếu chỉ nhìn vào nếp nhăn xung quanh mắt, thì có vẻ tuổi đã rất cao, nhưng phong thái, luồng sinh khí toát ra từ toàn bộ thân thể người đàn ông ấy lại cho thấy ông ta trẻ hơn bề ngoài nhiều.

Vị phương sĩ chăm chú nhìn Không Hải bằng đôi mắt ti hí hồi lâu, sau đó thọc tay vào bọc áo. Không Hải chưa nói gì với Dật Thế. Bởi vì động tác và lời nói của vị phương sĩ vẫn trùng khớp nhau.

“Bây giờ ông ta sẽ lấy dưa ra và đút vào bọc áo.” Không Hải hạ thấp giọng nói sang tai Dật Thế ngay khi vị phương sĩ cầm lấy cán gáo và rướn người vào trong chiếc thùng gỗ.

“Ồ.” Dật Thế khẽ thốt lên.

Vì đúng như Không Hải nói, Dật Thế đã nhìn thấy vị phương sĩ vừa múc nước vừa lấy quả dưa từ trong thùng ra, rồi đút nhanh vào trong bọc áo. Ông ta đút vào bọc áo hai quả.

Bây giờ có thể nhận thấy, bọc áo của vị phương sĩ đang phồng lên rất to.

“Nảy mầm.” Phương sĩ nói.

“Mầm không nảy.” Không Hải hạ thấp giọng, thì thào.

“Ra lá.” Phương sĩ nói.

“Lá không ra.” Không Hải nói.

“Nở hoa.”

“Hoa không nở.”

“Đơm trái.”

“Trái không đơm.”

“Quả to lên.”

“Quả không to lên.”

Không Hải nói nhỏ vào tai Dật Thế sao cho giọng mình chèn lên lời vị phương sĩ.

“Bây giờ ông ta sẽ lấy hai quả dưa lúc nãy từ bọc áo ra.”

Lúc nghe Không Hải nói vậy thì quả thật Dật Thế đã nhìn thấy vị phương sĩ lấy dưa từ trong bọc áo ra, mặc dù ông ta bảo rằng mình sẽ hái quả.

Tiếng tán thưởng rộ lên.

Không Hải bước lên trước, đón lấy hai quả dưa và toan trả tiền thì vị phương sĩ xua tay và nhất quyết không nhận số tiền ấy.

“Tại sao thưa ông?”

“Vì ta không bán dưa, mà ta bán phép thuật.” Phương sĩ nói. “Ta không lấy tiền của người không trúng phép thuật ấy.”

“Ông biết điều đó sao?”

“Tất nhiên rồi.”

“Xin thứ lỗi cho tại hạ.” Không Hải hạ thấp đầu.

“Đâu có, đâu có.” Phương sĩ xua tay, rồi bảo Không Hải: “Ngươi không phải người nước này đúng không?”

“Vâng.”

“Thế ngươi từ đâu tới?”

“Từ Oa quốc.”

Không Hải định nói Nhật Bản, nhưng rồi sửa lại thành Oa quốc. Bởi vì vào giai đoạn này, cái tên Oa quốc hẵng còn phổ biến hơn so với cái tên Nhật Bản. Không Hải đã học được điều ấy trong chuyến đi lần này.

“Ồ.” Phương sĩ thốt lên. “Vậy là ngươi từ phương xa tới.”

Câu chuyện giữa Không Hải và vị phương sĩ, lẽ dĩ nhiên diễn ra bằng tiếng Đường.

Đứng bên cạnh là Dật Thế với vẻ mặt hau háu tò mò tự hỏi: không biết hai người đó đang nói những gì. Tuy nhiên, cậu ta cũng không vì thế mà xen vào giữa câu chuyện của hai người.

“Ngươi ở Đường chắc cũng lâu rồi nhỉ?”

“Dạ không. Tại hạ mới đến.”

“Trước đây ngươi đã từng du ngoạn Đường chưa?”

Ý vị phương sĩ muốn hỏi Không Hải trước đây đã sang Đường bao giờ chưa.

“Đây là lần đầu ạ.” Không Hải đáp.

“Ồ...” Vị phương sĩ thốt lên đầy cảm thán. “Vậy mà nói tiếng Đường thật là trôi chảy.”

“Dạ.”

“Chứ ngươi sang đây làm gì?”

“Tại hạ là du học sinh, sang đây để học Mật...”

Mật, tức là Mật giáo.

“Sang để thuổng về chứ gì?” Nói rồi, phương sĩ tủm tỉm cười.

“Thuổng?”

“Vẻ mặt của ngươi không phải vẻ mặt của người sang học. Đó là vẻ mặt của kẻ sang để thuổng Mật pháp của Đại Đường.”

“Đúng vậy.”

Không Hải gật đầu, vị phương sĩ thấy thế bèn nhìn chằm chằm vào Không Hải.

“Người Oa quốc, ai cũng như ngươi chăng?”

“Cũng có nhiều hạng.”

“Vậy à. Người Oa quốc ai cũng như ngươi thì không phải chuyện đùa.”

“Tại sao?”

“Vì không chỉ Mật, mà mọi thứ của Đại Đường này sẽ bị thuổng mất cả.” Ông ta cười.

Không Hải cũng cười theo.

“Vậy chẳng hay...” Phương sĩ cất lời. Nhưng ông ta chưa kịp hỏi: Sẽ đi đâu?, thì Không Hải đã trả lời trước: “Tới Trường An.”

“Trường An à.” Phương sĩ lẩm bẩm. Rồi lại nhìn Không Hải, đoạn hỏi: “Ngươi cho ta biết tính danh được chứ?”

“Tại hạ tên là Không Hải.” Không Hải xưng tên, rồi quay sang giới thiệu tên của Dật Thế bằng tiếng Đường cho vị phương sĩ.

“Còn ta là Đan Ông.” Phương sĩ nói.

“Đó là tên tự phải không ạ?”

“Phải.” Phương sĩ gật đầu. “Không Hải này, ngươi định ở Trường An bao lâu?”

“Chừng hai mươi năm...” Không Hải nói đến đấy, liền chua thêm: “Nhưng cũng chưa chắc.”

“Vậy thì rất mong có dịp thù tạc với ngươi ở Trường An.”

“Ông cũng đi tới Trường An?”

“Ta cũng tới đó.” Phương sĩ, tức Đan Ông, hơi mỉm cười.

“Vậy tại hạ xin phép, không dám ở đây làm phiền ông nữa.” Không Hải cúi đầu chào. Sau đó đưa lại hai trái dưa cho Đan Ông.

“Tại hạ không dám nhận hai trái dưa này.”

“Ngươi hãy nhận lấy đi, Không Hải. Ở Đại Đường này, kẻ nhìn thấu được pháp thuật của Đan Ông đây, nào có mấy người. Kẻ biết tên ta, mà được nhận dưa từ ta vì lẽ đó, thì dẫu có là địch thủ quyết đoạt mạng nhau, cũng đã là tri kỷ mười năm rồi.”

“Tại hạ xin nhận.” Không Hải ngoan ngoãn đáp, rồi cúi đầu cáo từ.

Đan Ông bỗng cất tiếng gọi với theo bóng Không Hải đang chuẩn bị hòa lẫn vào dòng người.

“Không Hải. Nếu cầu học Mật giáo, thì Trường An có hòa thượng Huệ Quả ở Thanh Long Tự đó.”

Không Hải ngoái lại, cúi đầu lần nữa.

“Giỏi quá Không Hải, đúng như cậu nói vậy.” Vừa ra khỏi đám đông, Dật Thế liền cất tiếng, giọng hào hứng.

Không Hải và Dật Thế mỗi người đang ôm một quả dưa trên tay. Xung quanh họ, người ngựa vẫn tấp nập qua lại. Tiếng rao của những người bán hàng chen nhau như những dòng xoáy.

“Không Hải, cậu kể tớ nghe nào.” Dật Thế nói.

“Kể gì?”

“Chuyện ban nãy. Cậu đã nói chuyện gì với ông già đó thế?” Dật Thế hỏi vẻ sốt ruột.

Không Hải tủm tìm cười, nói nhỏ: “Cũng nhiều nhiều.” Sau đó thuật lại cho Dật Thế nghe một vài chỗ trong câu chuyện ban nãy với vị phương sĩ có tên Đan Ông.

Chuyện vừa dứt thì Không Hải bỗng ngửi thấy cái mùi ấy. Mùi máu. Không Hải giật mình nhận thấy những khách bộ hành đi từ phía ngược lại đang nhìn mình và Dật Thế với ánh mắt kỳ lạ.

Không Hải cảm thấy bàn tay ướt át. Cậu nghĩ chắc là quả dưa bị vỡ, nước dưa đang rỏ từ đấy ra.

“Ái chà.” Không Hải khẽ thốt lên, đứng sững lại.

“Sao thế Không Hải?” Dật Thế cũng đứng lại, hỏi Không Hải.

“Xem này.” Không Hải nói.

Không Hải đứng đó, nhìn chằm chằm vào hai bàn tay đang cầm trái dưa.

“Sao thế...” Nói chưa hết câu, Dật Thế liền nhận ra.

“Ối!” Dật Thế ném vội cái thứ đang cầm trên tay.

Nó phát ra một tiếng nhoẹt rồi rơi xuống đất. Trên mặt đất, màu đỏ từ từ loang ra.

Một cái đầu chó, cổ còn đẫm máu đang lăn lông lốc.

Cái mà Không Hải và Dật Thế tưởng là quả dưa và cầm trên tay là một cái đầu chó có vẻ như vừa bị chém lìa.

“Mình bị trúng huyễn thuật rồi...” Không Hải lẩm bẩm.

Ngay từ đầu, Đan Ông đã biết Không Hải phá được thuật của ông ta. Không Hải thì biết thứ mà Đan Ông lấy ra từ thùng gỗ là hai quả dưa. Nhưng ngược lại, chính sự hiểu biết ấy đã được sử dụng để gậy ông đập lưng ông.

Quả dưa đã bị đánh tráo đúng tích tắc Không Hải đinh ninh rằng thứ được lấy ra từ thùng là quả dưa.

Chẳng phải chính miệng mình vừa bảo, sự hiểu biết thật đáng sợ hay sao? Không Hải nhủ thầm.

“Quả nhiên là đất Đường.” Không Hải nói một mình. “Vẫn có kẻ mà mình liệu chưa hết.”

Rộng lớn quá! Không Hải nghĩ vậy. Rồi bỗng cảm thấy vui sướng.

Thú vị quá!

Không Hải cất tiếng cười lớn.

“Sao vậy Không Hải?” Mặc cho Dật Thế hỏi, Không Hải vẫn không thôi cười.

Không Hải cười sảng khoái với cái đầu chó bê bết máu trên tay.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play