Không Hải ở Tây Minh Tự.

Ngày hai mươi mốt tháng Hai.

Đã mười một ngày trôi qua kể từ hôm bọn Đằng Nguyên Cát Dã Ma Lữ rời Trường An. Không Hải đang ở một mình trong khu vườn của Tây Minh Tự, thả mình giữa làn gió chiều. Xung quanh Không Hải là những chồi mẫu đơn mập mạp, vươn lên trời như nắm tay trẻ nhỏ. Mặt trời đã qua khỏi đỉnh, hắt ánh nắng lên những nụ chồi đo đỏ, nom như thể những đốm nắng điểm xuyết trên đầu chồi. Những mầm non mới vừa đâm ra hẵng còn đỏ tươi, chẳng mấy chốc sẽ lớn thành những phiến lá xanh mướt và được tô điểm bởi những đóa hoa.

Tây Minh Tự là danh thắng mẫu đơn không nhất thì nhì ở Trường An này. Thêm nữa, mẫu đơn ở Tây Minh Tự thường nở muộn hơn nơi khác, nên tới mùa nở rộ thì số lượng người đến ngắm còn nhiều hơn cả số lượng hoa.

Không Hải đang chậm rãi bước đi trong vườn thì dừng chân, ngắm nghía một cành mẫu đơn rồi nhẹ nhàng lấy tay che lên cành cây ấy. Cử chỉ của cậu cứ như thể có một bông hoa vô hình đã nở ra trên cành và cậu đang vuốt ve bông hoa.

Trong lúc thơ thẩn bước đi, Không Hải bỗng bật cười khi nhớ lại chuyện Dật Thế sáng nay.

Ngay từ sáng, Dật Thế đã vui ra mặt, mỗi lần nhìn Không Hải, cậu ta lại cất tiếng: “Hôm nay đấy nhé, Không Hải!”

Giọng nói đầy vẻ háo hức.

Không Hải hiểu ẩn ý đó. Dật Thế đang nói đến lời hứa của Không Hải vào cái hôm trước khi Cát Dã Ma Lữ lên đường về Nhật Bản. Lời hứa về việc sẽ đi đến kỹ quán có các nàng Hồ cơ sau khi cuộc sống ở Tây Minh Tự đã ổn định. Ngày hẹn chính là hôm nay.

“Làm thế thì sẽ biết được điều gì?” Có tiếng người vọng tới từ sau lưng Không Hải.

Không Hải quay lại thì thấy một người đàn ông cao lớn đứng đó. Anh ta cao hơn Không Hải một cái đầu, râu ria xồm xoàm. Không chỉ cao lớn, cơ thể ấy còn cho ta cảm giác về độ rắn chắc và sức nặng tựa như một tảng đá. Một thân hình đồ sộ đến choáng ngợp.

“Đại Hầu...” Không Hải cất tiếng.

Đại Hầu là tên người đàn ông đó. Chính là người đàn ông Không Hải gặp mười một hôm trước ở dốc Trường Lạc sau khi tiễn bọn Đằng Nguyên Cát Dã Ma Lữ đến cầu Bá và đang trên đường trở về.

Người đàn ông đó đã đề nghị Không Hải và Dật Thế thuê anh ta.

“Vì có thân hình to lớn nên mọi ngưòi đều gọi tôi là Đại Hầu.” Người đàn ông nói vậy khi được Không Hải hỏi tên.

“Hầu” là con khỉ. Đại Hầu tức là con khỉ lớn.

Anh ta, tức Đại Hầu, giờ đây đang ở cùng Không Hải và Dật Thế trong Tây Minh Tự.

“Ý anh là sao?” Không Hải hỏi Đại Hầu.

“Tôi thấy thầy lấy bàn tay che lên trên nụ mẫu đơn, cử chỉ như thể đang dò xét điều gì.” Sau khi trở thành người làm cho Không Hải, cách nói năng của Đại Hầu đã lễ độ hơn chút ít.

“Như thế này hả?”

“Đúng vậy.”

“À, bằng cách ấy có thể biết được nhiều điều.” Không Hải đáp.

“Cụ thể là gì?”

“Chẳng hạn như, hoa ở cành nào đã nở đến đâu rồi.”

“Có thể biết được chuyện đó sao?”

“Ờ, có thể biết được, cũng có thể không biết được, nói chung là còn tùy.”

“Ồ.”

Đại Hầu đi song song với Không Hải. Ở cạnh Không Hải, thân hình to lớn của Đại Hầu càng trở nên nổi bật.

“Việc gánh nước sao rồi?” Không Hải hỏi.

“Xong rồi.” Đại Hầu đáp.

Gương mặt râu ria ấy nếu nhìn kỹ sẽ thấy không có nhiều khác biệt về tuổi tác, hoặc thậm chí hơi trẻ hơn so với Không Hải. Tất nhiên là bộ dạng anh ta đã sạch sẽ hơn so với hôm mới gặp. Mái tóc bờm xờm buộc túm về đằng sau. Quần áo có vẻ đã được giặt sạch, bộ mặt hôm trước toàn bụi và ghét nay không còn vẻ dơ dáy mặc dù vẫn đen vì cháy nắng. Đó là một con ngưòi tốt bụng hơn vẻ ngoài.

“Thầy bảo việc ấy chiều nay tạm nghỉ phải không ạ?” Đại Hầu hỏi.

Việc ấy ý nói việc học tiếng Thiên Trúc. Không Hải không chỉ học tiếng Thiên Trúc, hay tiếng Phạn, từ Bát Nhã Tam Tạng, mà còn học từ Đại Hầu nữa.

“Đúng, ta bảo vậy.” Không Hải vừa cất bước vừa đáp. Đại Hầu nối gót theo sau.

Chiều nay Không Hải sẽ cùng Dật Thế đến kỹ quán ở Bình Khang Phường nên đã quyết định nghỉ học tiếng Phạn. Thực ra thì có thể đem theo Đại Hầu tới kỹ quán để học tiếng Phạn ở đó, nhưng Không Hải từ bỏ ý định này vì biết Dật Thế không thích.

Lúc Không Hải quyết định thuê Đại Hầu, Dật Thế đã hỏi lại: “Cậu chắc chứ?”

“Chắc chứ sao.” Không Hải trả lời. “Tướng anh ta không phải kẻ xấu. Vốn dĩ tớ cũng đang muốn mướn một kẻ có thể làm được nhiều việc ở Trường An. Mà xem ra anh ta còn có ích hơn thế nữa.”

“Ích gì?”

“Học tiếng.”

Ngay ban đầu, Không Hải đã có ý định học tiếng Phạn thường ngày từ Đại Hầu. Không chỉ những lúc ở Tây Minh Tự, mà cả những khi đi ra ngoài, Không Hải cũng dắt theo Đại Hầu để bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể nói chuyện bằng tiếng Phạn.

“Cái này tiếng Phạn nói sao?”

Đại Hầu sẽ trả lời các câu hỏi của Không Hải về những thứ đập vào mắt hoặc những thắc mắc nảy ra khi đi trên phố. Những việc không thể đem ra hỏi Bát Nhã Tam Tạng, chẳng hạn như những chuyện thầm kín của trai gái hay cách gọi nôm bộ phận sinh dục của phụ nữ, thì có thể mang hỏi Đại Hầu. Ngay cả khi đặt câu hỏi, Không Hải cũng cố gắng không nói bằng tiếng Đường. Hỏi bằng tiếng Phạn và buộc Đại Hầu trả lời bằng tiếng Phạn.

“Như thế liệu có được không?” Đại Hầu hỏi.

“Được cái gì?” Không Hải hỏi lại.

“Làm thế này, liệu có xứng được nuôi cơm không ạ?” Đại Hầu đưa ngón tay to tướng lên gãi đầu.

Công việc của Đại Hầu ở đây không chỉ có dạy tiếng Phạn cho Không Hải, mà còn phải đi gánh nước, gùi củi, và đôi khi là chăm sóc lũ ngựa nuôi trong chùa. Việc có Đại Hầu biết tiếng Phạn không chỉ hữu ích với Không Hải, mà còn cho cả các nhà sư khác trong Tây Minh Tự.

Trước khi chuyển đến Tây Minh Tự, Không Hải đã không ít lần tới đây thăm Vĩnh Trung. Không Hải có một tài năng kỳ lạ. Cậu rất giỏi trong việc khiến người khác yêu quý mình. Không cần phải cố tình lấy lòng người đối diện, Không Hải cứ tự nhiên giành được sự quý mến của họ. Vì vậy mà từ khi chưa chuyển đến Tây Minh Tự, không chỉ Vĩnh Trung mà các nhà sư khác cũng đều bảo Không Hải hãy sớm tới đây.

Tuy nhiên, dù cho Không Hải có bằng mấy cái tài năng trời phú ấy thì cũng không dễ gì được phép mang một người đàn ông có bộ dạng kỳ dị như thế đến ở trong chùa. Tất cả là nhờ vào khả năng nói tiếng Phạn của Đại Hầu.

Đại Hầu tự dọn cho mình một chỗ ngủ ở chuồng ngựa phía sau kho kinh trong chùa. Nhà chùa sử dụng xe bò và xe ngựa cho các sư đi lại nên có nuôi bò và ngựa làm sức kéo. Đại Hầu lại rất thành thạo trong việc chăn dắt bò, ngựa. Nên rốt cuộc, phần ăn uống của Đại Hầu đã được Tây Minh Tự bao rồi, Không Hải không phải trả tiền công cho Đại Hầu nữa.

“Không sao đâu.” Không Hải nói.

“Nếu thầy Không Hải đã nói không sao thì tôi yên lòng làm vậy.”

Giọng nói của Đại Hầu không còn có vẻ băn khoăn nữa.

“Ừm.”

“Hôm qua thầy cũng đã để tôi được tự do rồi.” Đại Hầu nói.

Không Hải đã hứa là lúc nào rỗi việc thì sẽ để cho Đại Hầu tự do. Hôm qua là một ngày như thế.

“Vì đã hứa như vậy rồi mà.” Nghe Không Hải nói thế, đôi môi dầy của Đại Hầu nở một nụ cười rạng rỡ. Khi người đàn ông to lớn này cười toát lên một vẻ gì đó đáng yêu đến khó tả.

Nói là tìm người, nhưng Đại Hầu chỉ đi tha thẩn giữa đám đông. Đi đến những chỗ đông người để chờ kẻ mà mình đang tìm tìm thấy mình là cách của Đại Hầu.

Dù ở giữa đám đông, thân hình của Đại Hầu vẫn nổi bật lên vì to lớn. Thế nên cách làm này cũng không phải là tệ.

“Thầy thật là một người kỳ lạ. Ngẫm sao mà thầy lại thuê tôi. Tiếng Thiên Trúc thầy cũng nhớ trong chớp mắt. Được đi với thầy thật là vui.”

“Vậy sao.”

“Nếu có xô xát, thầy cứ kêu tôi bất cứ lúc nào nhé.” Nói rồi, Đại Hầu quay lưng bước đi.

Đi được mấy bước, Đại Hầu ngoái về phía Không Hải, rồi đưa tay lên gãi đầu vẻ bẽn lẽn.

“Tôi rất quý thầy.” Đại Hầu nói gọn lỏn rồi lại xoay người bước đi.

Lần này thì anh ta không ngoái lại nữa. Một nụ cười nở trên môi Không Hải.

Về đến phòng đã thấy Dật Thế đang đợi.

“Sắp rồi, sắp rồi, Không Hải ơi.” Dật Thế nói.

Giọng Dật Thế xem ra còn hồi hộp hơn cả Không Hải.

“Ờ.” Không Hải đáp lấy lệ rồi ngồi xuống trước mặt Dật Thế.

Phía trái chỗ Không Hải ngồi là cửa sổ. Từ đó có thể nhìn ra vườn mẫu đơn.

Im lặng nhìn Không Hải một lúc, Dật Thế cất lời: “Nhưng Không Hải này, cậu đi thật đấy chứ?”

Dật Thế đang nói đến việc đi tới kỹ quán ở Bình Khang Phường hôm nay.

“Sao lại không?”

“Cậu là sư cơ mà?”

“Trước khi là sư, tớ sinh ra là một thằng đàn ông.”

“Nhưng bây giờ cậu là sư.”

“Nhưng cũng vẫn là đàn ông.” Nói rồi Không Hải cười.

Dường như Dật Thế đang lo lắng cho Không Hải.

“Tớ đi một mình thì không sao, nhưng hôm nay có cậu đi cùng cứ thấy bồn chồn thế nào ấy.”

Dật Thế có vẻ căng thẳng.

“Cậu đúng là một gã tốt bụng, Dật Thế ạ.” Không Hải nói.

“Chậc!” Dật Thế chép miệng vẻ chán nản. “Lo cho cậu chỉ tổ thiệt thân.”

Nói đoạn Dật Thế ngước lên trần nhà, rồi nhìn quanh căn phòng với ánh mắt trầm ngâm. Đây là căn phòng mà Vĩnh Trung đã sống ở Trường An suốt ba mươi năm.

“Chả biết hòa thượng Vĩnh Trung và Cát Dã Ma Lữ đang ở đâu giờ này nhỉ?”

“Có lẽ đã tới Lạc Dưong và chuẩn bị đi tiếp thôi.”

“Ừ.” Dật Thế đáp, rồi lại bùi ngùi nhìn khắp căn phòng.

“Ba mươi năm ư...” Dật Thế nói một mình.

“Ừ.”

“À Không Hải này, cậu có nghĩ hòa thượng Vĩnh Trung cũng từng muốn đến kỹ quán chơi gái không?”

“Sao lại không?” Không Hải trả lời thản nhiên.

“Sao cậu biết?”

“Thầy Vĩnh Trung cũng là đàn ông mà.”

“Lời cậu nói thẳng thắn quá, thành ra thiếu mất sự thú vị.”

“Như vậy thì không được các em kỹ nữ thương hử?” Không Hải cười.

Dật Thế khẽ lắc đầu như thể chẳng biết phải làm gì kẻ đối diện.

“À mà gần đây cậu có nghe được những lồi đồn đại kỳ lạ không?” Dật Thế bất ngờ rướn người về phía Không Hải hỏi.

“Đồn đại như thế nào?”

“Rằng có kẻ dựng cáo thị gì đó ở phố Chu Tước ấy.”

“Là chuyện đó hả?”

Nếu là chuyện đó thì có vẻ Không Hải cũng biết.

Chuyện là thế này.

Trong hơn một tháng vừa rồi, tức là kể từ ngày Đức Tông chết, cứ cách vài ngày lại có kẻ dựng cáo thị ở đâu đó trên phố Chu Tước.

Đức Tông băng, kế tới Lý Tụng.

Cáo thị viết như vậy. Lời lẽ rất rõ ràng.

“Đức Tông hoàng đế chết, tiếp theo là Lý Tụng chết.”

Ý trong cáo thị là thế.

Lý Tụng tức đương kim hoàng đế Thuận Tông.

Không ai biết kẻ nào đã dựng cáo thị đó. Khi phát hiện ra, các chức dịch tới và gỡ mang đi. Nhưng rồi mấy hôm sau lại thấy những tấm cáo thị tương tự được dựng ở đâu đó trên phố Chu Tước.

Chuyện đó diễn ra nhiều lần. Người ta chỉ tìm thấy những tấm cáo thị. Các chức dịch của Tả Hữu Kim Ngô Vệ dù thường xuyên đi tuần ban đêm, cũng không thể để mắt tới mọi ngóc ngách của phố Chu Tước. Dù đã canh phòng cẩn mật, song cáo thị vẫn cứ được dựng lên tự lúc nào.

Có vẻ như Dật Thế đang ám chỉ chuyện này.

“Chuyện đó thì tớ có nghe nói.” Không Hải đáp.

“Nhưng chắc cậu chưa biết chuyện tối qua.”

“Tối qua?”

“Ừ. Rốt cuộc đã có một chức dịch nhìn thấy kẻ dựng cáo thị.”

“Sao cơ!?”

“Đúng ra thì không phải một người. Mà chính xác là ba người, tuy nhiên hai người kia đã chết nên lúc nãy tớ mới nói là một người.”

“Ồ.”

Lần đầu tiên Không Hải nghe đến việc ấy.

“Hình như Chí Minh vừa trở về từ Thanh Long Tự đã nghe ngóng được chuyện đó.”

“Chuyện như thế nào?”

“Nghe đâu đêm qua, đúng lúc ba chức dịch của Kim Ngô Vệ đang cưỡi ngựa đi tuần thì bắt gặp chủ nhân của những tấm cáo thị.”

“Ừm.”

“Lúc ấy đã qua nửa đêm, ba chức dịch đang cưỡi ngựa đi xuôi phố từ Chu Tước Môn. Địa điểm xảy ra là chỗ nằm giữa Vĩnh Sùng Phường và Tĩnh An Phường trên phố Chu Tước.”

Đi vừa tới đó thì họ thấy phía trước có bóng người. Cái bóng quay lưng về phía họ. Hình như là đàn ông. Một người đàn ông to lớn, vạm vỡ. Đó là một đêm trăng. Người đàn ông lững thững đi trong đêm trên phố Chu Tước theo hướng từ Bắc xuống Nam. Nhìn kỹ thì thấy người đàn ông đang vác cái gì đó trên vai phải. Đó là cáo thị.

“Này anh kia!” Ba chức dịch cưỡi ngựa lại gần, một trong số họ cất tiếng gọi.

Nhưng người đàn ông không dừng bước.

“Anh kia, đứng lại!” Người chức dịch lên tiếng một lần nữa.

Nhưng người đàn ông vẫn không dừng lại.

Người chức dịch cho ngựa vượt lên phía trước rồi vòng lại. Anh ta dừng ngựa đặng chặn lối người đàn ông.

“Anh đang đi đâu?” Anh ta hỏi người đàn ông.

Lệ không cho phép đi ngoài phố vào ban đêm. Nhưng người đàn ông vẫn không dừng bước. Người đàn ông tiến tới con ngựa, thoắt vung bàn tay trái lên.

Phựt!

Bàn tay rít gió rồi đấm thẳng tới.

Cú đấm trúng vào trán con ngựa. Xương trán con ngựa hứng phải cú đấm lõm hẳn vào bên trong. Hai tròng mắt bắn ra ngoài, con ngựa ngã vật xuống, máu từ mũi và miệng trào ra. Một chân người chức dịch cưỡi trên lưng ngựa bị kẹp vào giữa mình ngựa và mặt đất.

“Thằng khốn!”

“Cha mày!”

Hai người còn lại tuốt kiếm, chém về phía người đàn ông. Người đàn ông đón đường kiếm, lấy thanh cáo thị quật hai chức dịch ngã từ trên ngựa xuống đất. Kẻ ngã xuống chưa kịp đứng dậy, thì người đàn ông liền đạp một chân lên ngực anh ta. Xương lồng ngực của người chức dịch gẫy vụn, bàn chân người đàn ông lún

sâu vào ngực anh ta.

“Á!” Người chức dịch còn lại toan nhổm dậy thì một chân của người đàn ông đã giáng từ trên xuống. Bàn chân đó đạp vỡ đầu anh ta. Hộp sọ nát bét như một trái chín.

Rồi người đàn ông thản nhiên vác thanh cáo thị lên vai và bỏ đi.

“Thế rồi, nghe nói thanh cáo thị ấy được phát hiện ra ở trước cửa Tây của Lan Lăng Phường vào sáng nay.”

“Chuyện đáng sợ quá nhỉ.”

“Người chức dịch bị đánh ngã ngựa đầu tiên vẫn còn sống và đã báo cáo lại nội dung sự việc tớ vừa kể.”

“Ồ.”

“Xem chừng có chuyện gì đó đang bắt đầu xảy ra ở Trường An này rồi.” Dật Thế nói.

“Chậc! Kinh đô hay triều đình, ở đâu cũng vậy cả.” Không Hải nói.

“Nghĩ đến việc phải đi ra ngoài vào ban đêm mà gặp của nợ ấy, cảm giác chẳng dễ chịu chút nào.”

“Thì thôi không đi ra ngoài vào ban đêm nữa.”

“Ừ thì đồng ý là vậy, nhưng mà...” Nói đến đó, Dật Thế liền tỏ vẻ đăm chiêu. “À mà nói vậy mới nhớ, cái tay Đại Hầu ấy hình như đi đâu đó cả ngày hôm qua.”

“Hôm qua là ngày anh ta được tự do.”

“Nhưng hắn ta về có vẻ muộn lắm. Tớ không trông thấy tay đó về. Vậy mà sáng nay thức dậy đã thấy hắn ở chùa. Hay là hắn ta đi đâu đó rồi trở về vào nửa đêm hoặc sáng sớm?”

“Chắc là tầm đó thôi.” Không Hải nói.

“Nhung phải nói là tay đó ăn khỏe thật.” Dật Thế nói như vừa nhớ ra điều gì.

“Ừ.”

“Nhất là lần đầu tiên gặp hắn, phải nói khiếp thật chứ.”

“Ờ, phải rồi.” Không Hải đáp.

Hôm đầu tiên gặp nhau, sau khi nâng tảng đá lên rồi ngồi bệt xuống vì đói bụng, Đại Hầu được Không Hải dẫn vào một quán trọ trên dốc Trường Lạc cho ăn cơm, thế là Đại Hầu ăn tới nỗi ai cũng phải sững sờ. Gần như hết bay một con gà. Ba phần thịt xào rau. Năm bát canh. Lại thêm bảy quả trứng. Ngoài ra anh ta còn lèn vào bụng ba đĩa cơm trắng. Xem ra Đại Hầu vẫn còn ăn được nữa nhưng đành thôi vì quả là cũng phải khách sáo một chút.

Dật Thế đang nhắc lại với Không Hải về chuyện ấy.

“Thú thật, tớ cứ lo chẳng biết rồi sẽ ra sao với cái tay đó.”

“Thế hả.”

“Việc thuê hắn thì không hề gì, tớ chỉ lo là làm cách nào để đưa hắn vào được Tây Minh Tự. Thế mà cậu, tớ thật bất ngờ về mánh lới đó của cậu.”

“Hà hà.” Không Hải tủm tỉm cười trước câu nói của Dật Thế. Chàng trai Không Hải luôn vui sướng một cách hồn nhiên khi thấy người khác kinh ngạc trước tài năng của mình.

Việc trước tiên Không Hải làm với Đại Hầu là sửa sang lại bộ dạng cho anh ta. Ở quán trọ, Không Hải đun nước nóng, bắt Đại Hầu đi tắm, chải chuốt râu tóc, thay sang quần áo mới. Sau đó, bảo quán trọ đem giấy, mực và bút tới để thảo văn tự.

Người này tên là Đại Hầu, thạo tiếng Thiên Trúc. Hắn là người tôi quen biết sau khi sang đây, một nửa dòng máu là Hán, còn nửa kia là Thiên Trúc. Thân là kẻ học Phật pháp, chỉ riêng việc biết tiếng Thiên Trúc thôi cũng đã giúp tiến gần đến những lời dạy của Đấng Thích tôn thêm một bước, bởi thế tôi đã cho gọi tên Đại Hầu này từ Lạc Dương tới Trường An để dạy tiếng Thiên Trúc.

Do vướng chuyện riêng, Đại Hầu sẽ đến Trường An muộn hơn tôi chừng độ hai tháng, vì vậy nếu trong lúc tôi vắng nhà mà hắn đến, xin các vị hãy giữ hắn lại cho đến khi tôi về.

Không Hải thảo ra những lời lẽ ấy một cách trơn tru. Văn phong sáng rõ, dễ hiểu. Song nét chữ thì điêu luyện.

Cuối thư đề: “Nhật Bản quốc lưu học tăng sa môn Không Hải.”

Không Hải bọc bức thư ấy bằng một tờ giấy khác rồi đưa cho Đại Hầu.

“Anh hãy mang bức thư này một mình đến Tây Minh Tự trước ta.” Không Hải nói. “À nhưng trước đó hãy ghé qua Hồng Lô Tự ở Tuyên Dương Phường đã.” Không Hải nói thêm.

Hồng Lô Tự tuy có chữ “Tự” tức là chùa, nhưng là tên gọi của quan điếm. Công việc ở đó là coi sóc các sứ thần ngoại quốc. Nó còn được gọi là Hồng Lô khách quán, nơi mà Không Hải và Dật Thế đã trú chân một thời gian.

“Đến đó anh hãy nói: Tôi được biết trong đoàn sứ thần Nhật Bản có một nhà sư tên là Không Hải, tôi muốn gặp anh ta, thì thể nào họ cũng chỉ anh sang Tây Minh Tự. Sau đó anh hẵng tới Tây Minh Tự.”

“Thế đến Tây Minh Tự tôi phải làm thế nào...”

“Quan trọng là chỗ đó. Đến Tây Minh Tự rồi, anh không được nói tiếng Đường mà ban đầu chỉ được dùng tiếng Thiên Trúc. Hãy nói với họ bằng tiếng Thiên Trúc rằng anh đến để tìm ta, rằng anh đã đến Hồng Lô Tự ở Tuyên Dương Phường nhưng bên đó bảo Không Hải đang ở đây.”

“Bằng tiếng Thiên Trúc chứ gì?”

“Phải rồi. Sau đó thì đưa họ bức thư này. Sẽ ngay lập tức có người biết tiếng Thiên Trúc ra tiếp. Tuy người đó nói được tiếng Thiên Trúc, nhưng không thạo bằng anh nói tiếng Đường. Chỉ ở mức lỗ mỗ, bập bõm mà thôi. Chắc sẽ là Thọ Hải ra tiếp. Vì đây là người thông thạo tiếng Thiên Trúc nhất ở đó.”

“Rồi sau đó...”

“Hẳn là anh sẽ được dẫn tới phòng ta ngay thôi. Ở đó người ta không đối xử lạnh nhạt với những ai biết tiếng Thiên Trúc. Thọ Hải, hoặc một nhà sư khác có thể nói được tiếng Thiên Trúc sẽ tiếp đón anh.”

“Ừm.”

“Lúc đó hãy hỏi anh ta thế này.”

“Hỏi sao?”

“Hỏi rằng, trong chùa này có A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận không? Và nếu có thì hãy bảo họ cho anh xem qua.”

“Rồi sao nữa?”

“Tất nhiên, không lẽ nào mà Tây Minh Tự lại không có. Họ sẽ trả lời với anh là có.”

“Ừm.”

“Tiếp đến anh sẽ hỏi, Câu Xá Luận ấy là bản dịch cũ hay bản dịch mới của Huyền Trang?”

“Rồi sẽ làm gì nữa?”

“Rồi anh xin họ cho xem bản dịch của Huyền Trang.”

“Ồ.”

“Nếu là Câu Xá Luận thì có lẽ họ sẽ không từ chối. Khi ấy, họ đã để ý đến anh rồi và đang thắc mắc không biết anh định làm gì, nên họ sẽ không từ chối.”

“Lúc này, anh sẽ xem qua Câu Xá Luận để kéo dài thời gian.”

“Kéo dài thời gian?”

“Ừ. Anh hãy đọc cho đến khi tiếng mộ cổ đầu tiên gióng lên. Khi tiếng trống ấy gióng lên, anh hãy gấp bộ Câu Xá Luận lại, rồi thốt lên ra vẻ thật tâm đắc: Ây chà!” Không Hải nói, mắt cậu ánh lên một nụ cười thích thú.

“Thốt lên để làm gì vậy, Không Hải?” Người hỏi là Dật Thế.

“Để hỏi họ một câu.”

“Hỏi gì?” Dật Thế nói.

“Từ đoạn này anh có thể nói tiếng Đường. Anh hãy hỏi bằng tiếng Đường như sau.”

“Hỏi thế nào?”

“Anh hãy hỏi thế này: Có một tăng sinh ở Tăng viện Nalanda cho rằng, Thế Thân (tác giả bộ Câu Xá Luận) không phải là một người, mà là hai ngưòi, thầy nghĩ sao về việc này?”

“Thế thì sẽ ra sao?”

“Đối phương sẽ lúng túng.”

“Lúng túng? Tại sao?” Dật Thế hỏi.

“Giải thích sẽ rất dài dòng nên tóm lại là đối phương sẽ lúng túng. Hoặc có thể sẽ cười trừ.”

“Thế tớ mới hỏi là tại sao?”

“Bộ ‘Câu Xá Luận’ đó được viết ra với khối lượng câu chữ thật sự đồ sộ về những việc trong vũ trụ này. Nhiều đến mức một người bình thường có mất cả đời cũng chưa chắc đã viết xong.”

“...”

“Tuy nhiên, trước tác được cho là do Thế Thân viết ra không chỉ có bộ ấy. Ngài viết từ Câu Xá Luận cho đến vô số những bộ luận về duy thức khác như Thành Nghiệp Luận, Duy Thức Nhị Thập Luận, Duy Thức Tam Thập Tụng, rồi cả ‘Nhiếp Đại Thừa Luận Thích’. Hơn thế nữa, công việc đó diễn ra trong gần một trăm năm.”

“Chà chà.” Trừ Câu Xá Luận, Dật Thế chẳng biết một cái tên nào trong số các bộ luận mà Không Hải nhắc đến.

“Chính vì thế mới nói, Thế Thân có lẽ là hai người.”

“Có giả thuyết đó thật hả?” Dật Thế hỏi.

“Không có.” Không Hải thản nhiên đáp.

“Không có sao lại hỏi?”

“Vì thế nên đối phương mới lúng túng. Tại sao lại lúng túng, là vì đối phương đột nhiên bị hỏi đến chuyện ấy bởi một kẻ tay mơ không có vẻ gì là tăng môn, đã thế lại nói toàn bằng tiếng Thiên Trúc.”

“...”

“Sẽ cực kỳ lúng túng. Tất nhiên giả thuyết này là do tớ bất chợt nghĩ ra, nhưng không phải là không có lý. Đến cả tớ là kẻ nghĩ ra cũng thấy lúng túng. Còn có nhiều căn cứ khác để có thể cho rằng Thế Thân là hai người. Vả lại, thầy chùa là cái giống sĩ diện nên rất thích những chuyện kiểu đó. Họ không dám nói là không biết. Hơn nữa, nếu may mắn thì giả thuyết mới ấy sẽ nhận được sự chú ý ở Tây Minh Tự và có thể là một cách để tăng thêm vị thế.”

“Cậu thật khéo nghĩ ra được những chuyện ghê gớm.”

“À, đối phương sẽ lúng túng thì tớ hiểu rồi, nhưng như thế thì sao?” Dật Thế hỏi tiếp.

Không Hải cười khoái trí, nói: “Đúng lúc đó tớ sẽ về đến nơi.”

“Sau đó?”

“Nghe xong chuyện tớ sẽ cúi đầu xin lỗi.”

“Ồ.”

“Rồi giải thích rằng: Chuyện về Thế Thân mà người đàn ông này nhắc đến là do tôi bất chợt nảy ra, rồi sau đó tiện miệng nói vui với anh ta rằng đó là giả thuyết của một tăng sinh ở Tăng viện Nalanda. Vì muốn mời anh ta tới Trường An để dạy tiếng Thiên Trúc cho mình nên tôi đã kể với anh ta những ý nghĩ từ trước đến nay trong đầu mình và làm ra vẻ như những điều ấy là sự thật. Nhưng chuyện về Thế Thân thì quả thực là do tôi chợt nảy ra, song lại nói thác là của một tăng sinh ở Tăng viện Nalanda.”

“Sau đó sẽ ra sao?”

“À thì mọi việc sẽ đâu vào đấy thôi.”

“Tại sao cậu lại yêu cầu Đại Hầu nói tiếng Thiên Trúc lúc ban đầu?”

“Vì như thế sẽ khiến đối phương bất ngờ. Hơn nữa, trong lúc chúng ta chưa quay về, nếu họ biết Đại Hầu nói được tiếng Đường thì Đại Hầu có thể sẽ lúng túng vì bị hỏi này hỏi nọ.”

“Nhưng Không Hải này...”

“Rồi sẽ ổn cả thôi.”

Và rồi...

“Đúng là mọi chuyện đều ổn cả...” Trong phòng của Không Hải, Dật Thế buông một tiếng thở dài.

“Nhưng nhớ là hôm nay đấy nhé.” Dật Thế nhìn Không Hải.

“Ừ.” Không Hải đáp.

“Chớ có lỉnh mất.” Dật Thế nói.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play