Trong lúc nói chuyện với Không Hải, lời lẽ của Vĩnh Trung dường như dần trở nên kính cẩn hơn.

“Được nói chuyện với một người như cậu, tôi bỗng thấy tiếc vì ngày mai đã phải trở về Nhật Bản. Giá mà có thể ở lại đất nước này để được trò chuyện nhiều hon, nhưng dẫu sao tôi vẫn phải về...” Vĩnh Trung bùi ngùi nói với Không Hải.

“Dẫu sao vẫn phải về ư?” Dật Thế vừa đi vừa nhẩm lại những lời của Vĩnh Trung khi ấy.

“Bọn mình sẽ phải ở lại đây hai mươi năm...”

Dường như phải đến lúc này Dật Thế mới bắt đầu suy nghĩ về khoảng thời gian hai mươi năm tới ở Trường An.

“Có lẽ chẳng cần đến hai mươi năm đâu.” Không Hải nói.

“Nhưng Không Hải ơi, cho dù cậu lĩnh hội được Mật giáo trong vòng năm năm như lời hòa thượng Vĩnh Trung nói, thì hai mươi năm vẫn sẽ là hai mươi năm thôi. Chúng ta sang đây với lời hứa như vậy mà. Chúng ta đâu thể tự mình quyết định được là năm năm hay bao lâu.”

“Hà hà.”

“Dù cho quyết định sẽ về sau năm năm nữa, thì liệu thuyền chở Khiển Đường sứ từ Nhật Bản có sang đúng dịp ấy không? Tớ ngờ rằng thậm chí đến hai mươi năm sau cũng chưa chắc đã có thuyền sang ấy chứ.”

“Tớ biết chứ.” Không Hải bước đi nhẹ tênh như gió.

“Tớ đã gieo sẵn hạt rồi, chắc sẽ sớm có mầm tốt thôi.” Không Hải như đang nói một mình.

“Cậu nói gieo hạt nghĩa là sao?”

“Cậu hãy chờ đến lúc nảy mầm.”

“Chậc!” Dật Thế lấy chân đá viên sỏi như một đứa trẻ. “Chẳng phải là phương tri lão ám thôi ư?”

Dật Thế lẩm bẩm một câu thơ, đại ý rằng: Tự lúc nào đã biết mình bắt đầu già.

“Trong bài thơ ban nãy hả?” Không Hải hỏi.

Bài thơ ban nãy là ý nói đến bài thơ mà Vĩnh Trưng đưa cho xem sau khi vãn chuyện.

“Kể ra mới nhớ, Tây Minh Tự vốn là một nơi nổi tiếng về mẫu đơn phải không ạ?” Người nói câu ấy với Vĩnh Trung là Không Hải.

“Mẫu đơn ở đây thì tuyệt hảo.” Vĩnh Trung đáp.

Hoa mẫu đơn ở Tây Minh Tự thường nở muộn hơn so với những địa điểm nổi tiếng về mẫu đơn khác của Trường An. Bởi thế khi đến mùa hoa, nơi đây sẽ vô cùng tấp nập. Rất nhiều văn nhân, mặc khách Trường An thường tới đây vịnh thơ, vẽ tranh.

“Hình như cậu cũng vịnh thơ phải không?”

“Dạ không, nói là vịnh thơ thì hơi quá.”

“Đừng nói vậy, nhiều người khen cậu là bậc văn hay chữ tốt lắm đấy. Nếu cậu hứng thú, ta muốn cho cậu xem cái này...”

“Gì vậy ạ?”

“Có một tập quyển chép lại các bài thơ đề vịnh của những người tới chơi Tây Minh Tự này...”

“Vậy thì xin cho tôi xem ngay.”

Thế là Vĩnh Trung bèn đứng lên mang tập thơ đến. Trong đó có một bài thơ mà Dật Thế vừa nhắc tới một câu.

“Bài này đề năm ngoái.”

Không Hải và Dật Thế cùng xem bài thơ đó.

Tựa đề bài thơ là: Tây Minh Tự mẫu đơn hoa thời, ức Nguyên Cửu.

Tiền niên đề danh xứ

Kim nhật khán hoa lai

Nhất tác vân hương lại

Tam kiến mẫu đơn khai

Khởi độc hoa kham tích

Phương tri lão ám thôi

Hà huống tầm hoa bạn

Đông Đô khứ vị hồi

Cự tri hồng phương trắc

Xuân tận tứ du tai!

(Dịch thơ:

Nhớ Nguyên Cửu khi mẫu đơn nở ở Tây Minh Tự

Chỗ đề thơ năm ngoái

Nay lại tới xem hoa

Từ làm vân hương lại*

Mẫu đơn đã ba mùa

Thưởng một mình thấy tiếc

Biết rằng thôi sắp già

Hỡi đâu người cùng ngắm

Đông Đô vẫn chưa về

Hay chăng bên hoa thắm

Tôi buồn vì xuân qua!)

Chỉ một chức lại viên trong Bí thư sảnh (cơ quan phụ trách văn thư trong triều)

Bên dưới tựa đề là tên tác giả: “Bạch Lạc Thiên tác”.

Bạch Lạc Thiên là tự. Tên thật là Bạch Cư Dị.

Thơ của Bạch Lạc Thiên được truyền sang Nhật Bản dưới tên gọi Bạch thị văn tập, đây là tập thơ gối đầu giường của tầng lớp có học thời kỳ Hei’an, nhưng phải sau thời điểm diễn ra câu chuyện này ít lâu, tập thơ mới trở thành đề tài sôi nổi trong giới quyền quý Nhật Bản.

Vào thời gian Không Hải nhập Đường, Bạch Lạc Thiên vẫn còn là một lại viên gần như vô danh trong Bí thư sảnh. Tất nhiên, Không Hải khi đó vẫn chưa biết tới tên tuổi Bạch Lạc Thiên.

“Trường hận ca”, bản trường ca về tình yêu giữa Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi được viết bởi Bạch Lạc Thiên cũng là việc về sau.

“Thầy chép lại phải không ạ?” Không Hải hỏi.

“Ồ không, người chép lại là Chí Minh mà ta nhắc tới ban nãy. Cậu ta rất thích công việc này. Ta vừa chạy qua mượn cậu ta đấy.”

“Tác giả là người như thế nào?”

“Hình như là người quen của Chí Minh. Nghe nói là một lại viên trong Bí thư sảnh, ta có chạm mặt một lần, đâu cỡ trạc tuổi cậu.”

Đúng như lời Vĩnh Trung nói, năm đó Không Hải ba mươi hai tuổi, còn Bạch Lạc Thiên là ba mươi tư, hơn Không Hải hai tuổi.

“Vậy mà...” Không Hải cất tiếng.

“Cậu định nói tác giả lại viết rằng mình đã già phải không?”

“Vâng.” Không Hải đáp.

Một bài thơ hay.

Năm nay phải đi ngắm mẫu đơn một mình ở nơi mà năm ngoái đã cùng ngắm với người bạn thân là Nguyên Cửu. Có lẽ người bạn thân ấy giờ đang ở Lạc Dương.

Trong mùi hoa thơm ngát, tác giả ngẫm về sự già.

Đó quả thực là quan niệm của Phật pháp. Hay nói đúng hơn, đó là xuất phát điểm của Phật pháp.

Nói theo Mật giáo, thì đó là bản chất của sinh mệnh: chào đời, sống, rồi chết. Mật giáo coi cái sinh mệnh sinh sinh lưu chuyển ấy chính là động lực của vũ trụ rộng lớn.

“Tôi muốn xem thêm những bài thơ khác nữa.” Không Hải bày tỏ.

“Nếu cậu thấy hứng thú thì chỉ cần đánh tiếng với Chí Minh, cậu ta sẽ giới thiệu Bạch Lạc Thiên với cậu ngay.”

“Tôi hiểu.”

“À, về chuyện hôm trước.” Vĩnh Trung như chợt nhớ ra.

“Thầy đã tìm được ai ưng ý chưa ạ?”

“Rồi, nghe nói Bát Nhã Tam Tạng sẽ dạy cho cậu.”

“Vậy thì may quá.”

“Không ai phù hợp hơn cậu ấy đâu. Vì dù sao thì ấy cũng là người Thiên Trúc.”

“Nếu tôi nhớ không nhầm thì cậu ấy cũng học Phật pháp ở Tăng viện Nalanda, nơi mà Huyền Trang đã tu tập...”

“Phải rồi. Còn về tiếng Đường thì cậu ấy không khác gì người bản xứ. Học cùng một người thông thạo tiếng Đường ngang với cậu, hẳn là sẽ có nhiều thuận lợi.”

Vĩnh Trung đã nói như vậy.

Sau đó họ chuyển sang ôn lại một thôi những chuyện về Nhật Bản, rồi Không Hải cùng Dật Thế cáo từ và rời khỏi Tây Minh Tự.

“Kiểu thơ như vậy không phải kiểu tớ thích.” Vừa đi, Dật Thế vừa nói.

“Lối thơ bộc trực như thế hẳn là Dật Thế không thích rồi.”

“Ờ, đúng thế.” Dật Thế đáp.

Chẳng mấy chốc, họ đã chỉ còn cách Tuyên Dương Phường vài bước chân.

“Mà Không Hải này, đàm đạo về thơ xong, hòa thượng Vĩnh Trung còn nói cái gì ấy nhỉ...”

“À, về chuyện Bát Nhã Tam Tạng sẽ dạy cho tớ ấy hả?”

“Dạy cái gì thế?”

“Tiếng Phạn ấy mà.” Không Hải đáp.

“Tiếng Phạn?”

Tiếng Phạn, hay còn gọi là tiếng Sanskrit được dùng ở Ấn Độ cổ đại.

“Ừ.”

“Tại sao?”

“Tất cả các Phật điển mà bọn tớ đọc được đều viết bằng tiếng Đường. Nhưng vốn ban đầu chúng không phải được viết bằng tiếng Đường.”

“Ừm.”

“Mà đầu tiên được viết bằng tiếng Thiên Trúc. Tiếng Thiên Trúc ấy chính là tiếng Phạn.”

“Ờ...”

“Nếu không biết tiếng Phạn, sẽ không hiểu được những chỗ sâu xa, vi tế nhất dù là của Phật pháp hay Mật giáo.”

“Ra là vậy.”

“Hơn nữa, giả sử tớ có thể ngay lập tức đến chỗ hòa thượng Huệ Quả, rồi được dạy Mật luôn từ ngày đầu, song nếu không biết tiếng Phạn thì cũng vô dụng...”

“Nhưng cậu đã biết viết và nói được tiếng Phạn rồi cơ mà?”

“Thứ tiếng Phạn ấy chỉ có tác dụng ở Nhật Bản thôi. Nó không đủ để trộm Mật mang về. Biết như thế thì thà không biết gì còn hơn.”

“Nhưng cậu sẽ phải mất nhiều năm.”

“Không, không lâu đến thế đâu.” Không Hải nói đầy vẻ tự tin.

“À mà cậu vừa nói là được dạy luôn từ ngày đầu tiên phải không?”

“Đúng là tớ có nói thế, nhưng tất nhiên không có chuyện sẽ được dạy ngay từ hôm đầu gặp mặt. Chỉ là giả dụ thế thôi.”

“Tiếng Phạn cơ đấy...”

“Có thể đó là con đường vòng, nhưng biết đâu con đường vòng này lại là lối tắt bất ngờ.”

“Như lời Vĩnh Trung nói ban nãy phải không?” “Được mời đến sẽ nhanh hơn là tự tìm đến...”

“Đúng là như vậy, nhưng vấn đề là liệu rằng bên kia họ có mời hay không?”

“Chắc là khó.”

“Ôi trời, thậm chí là bất khả thi ấy chứ.”

“Này Dật Thế, tớ không hề nói là bất khả thi đâu đấy nhé. Tớ chỉ nói là khó thôi.”

“Cái gì!?”

Không Hải tủm tỉm cười trước phản ứng của Dật Thế.

“Tất nhiên chưa biết sẽ ra sao. Nhưng không biết thì lại càng hay.” Không Hải nói.

“À mà này Không Hải...” Dật Thế như bỗng nhớ ra chuyện gì.

“Gì thế?”

“Sắp đến Tuyên Dương Phường rồi, nhưng hay là hôm nay không về thẳng mà ghé qua Bình Khang Phường đi...”

“Gái hả?” Không Hải nói tỉnh queo.

Bình Khang Phường nằm kề phía Bắc Tuyên Dương Phường, có một khu san sát những là kỹ quán và tửu phòng. Một khu phố ăn chơi. Có những nàng Hồ cơ mắt

xanh, và tất nhiên, là cả các kỹ nữ người Đường - dù là người Đường song họ vẫn là những nữ nhân ngoại quốc đối với một người Nhật Bản như Dật Thế.

Dật Thế thường xuyên ghé qua khu phố này, nên xem ra cũng đã có một nàng bồ ruột.

Mỗi lần ghé qua con phố đó, Dật Thế lại kể tường tận cho Không Hải về sự tình bên trong. Cậu ta từng kể say sưa, bằng một giọng nói đầy hưng phấn, về cái lần đầu tiên làm khách của một nàng Hồ cơ mắt xanh, từ các vật trang trí trong phòng cho đến trang phục của Hồ cơ, độ vang của tiếng nhạc vân vân.

Cậu đã nhìn thấy “lô” bao giờ chưa? Hỏi xong, Dật Thế liền giảng giải cho Không Hải.

“Lô” này không phải là “lô” trong nghĩa “hỏa lò”, mà là một thứ giống như cái bàn trong quán rượu. Nó được đắp theo hình cái hỏa lò bằng đất đen, bên trên bày rượu thịt để khách ngồi đối diện với Hồ cơ. Đèn thì thắp trên đĩa. Được ngắm cánh tay con gái trắng ngần uyển chuyển rót rượu trong ánh đèn ấy thì “thật là tuyệt cú mèo”, Dật Thế thường nói vậy.

Mặc dù mỗi lần đi ra ngoài Dật Thế đều phải bám riết lấy Không Hải vì không biết tiếng Đường, nhưng riêng những lúc đến đây thì cậu ta sẽ đi với ngưòi khác hoặc đi một mình. Dật Thế có vẻ vẫn giữ ý không rủ Không Hải vì Không Hải là tăng môn, nhưng một mặt, cậu ta lại thường kể những chuyện như vậy để trêu ngươi Không Hải.

Mỗi lần đi chơi về, Dật Thế sẽ bâng quơ nói trước mặt Không Hải: “May quá tớ không phải là sư,” rồi thăm dò vẻ mặt Không Hải một cách thích thú. Còn Không Hải chỉ cười tủm trong lúc nghe Dật Thế kể.

Vậy mà lần này, Dật Thế lại rủ Không Hải. Thật chẳng khác nào chuyện lạ. Và Không Hải hỏi lại: “Gái à?”

“Ờ, gái.” Dật Thế đáp.

Có cái gì đó hơi tục tĩu, rất hiếm thấy ở một con người như Dật Thế, ẩn hiện nơi khóe miệng đang nở một nụ cười.

“Đêm nay ta sẽ mở tiệc rượu. Chỉ cần về trước giờ đó là được. Khi nào tiếng mộ cổ bắt đầu nổi lên, ta sẽ từ biệt các nàng, mặc lại mũ áo rồi rời khỏi đây, ắt sẽ về kịp trước lúc cổng Tuyên Môn Phường đóng lại...”

Mộ cổ là tiếng trống điểm trên vọng lâu ở các cổng thành khi chiều xuống. Hễ tiếng mộ cổ dứt, cổng thành sẽ đóng lại. Sau đó, tiếng trống ở mỗi phố gọi là nhai cổ sẽ điểm sáu trăm lần, tức là khoảng bốn mươi lăm phút, khi tiếng trống này dứt, cổng ra vào các phường sẽ đóng lại.

Khi cổng phường đóng vào, người ta không thể về được phường nơi mình ở nữa. Nếu bị Kim Ngô Vệ phát hiện thấy vẫn còn đang đi lại trên phố lớn sau khi cổng phường đã đóng thì sẽ phải chịu phạt hai mươi roi vì tội “phạm dạ”.

Chỉ có các chức dịch hoặc người mang văn điệp, một loại giấy thông hành đặc biệt, do các huyện hoặc phường cấp mới được đi lại trên những đường phố lớn ban đêm.

Đối lại với mộ cổ thì có hiểu cổ. Cổng phường sẽ được mở ra nhờ tiếng hiểu cổ, tức là tiếng trống được giống lên vào rạng sáng.

“Ý hay đấy.” Không Hải nói. Giọng điệu hết sức thản nhiên.

“Cậu chắc chứ?” Dật Thế hỏi.

“Chẳng phải là cậu vừa rủ tớ hay sao mà còn chắc với lép?”

“Thực tình là vì muốn thấy vẻ khó xử của cậu nên tớ mới rủ, nhưng mà không sao thật chứ?”

“Không sao.”

“Đừng có hối đấy, Không Hải.”

“Có gì mà phải hối.” Giọng Không Hải thản nhiên như không.

“Ô chà!” Dật Thế nở một nụ cười khoái trá. “Để rồi xem lời cậu vừa nói là cố làm ra vẻ hay là thật.”

Nhưng Không Hải có vẻ nghiêm túc.

“Nhưng hôm nay hẵng khoan đã. Đằng nào cũng đi thì để hôm khác, hôm nay hơi cập rập. Hoàng đế mới băng hà chưa được bao lâu nên các kỹ viện vẫn còn đang đóng cửa. Thong thả chờ đến khi Cát Dã Ma Lữ về rồi mình hẵng đi.”

“Thế cũng được.”

“Lần tới sẽ đi thâu đêm, được chứ?”

“Được.” Không Hải đáp không chút ngập ngừng.

Dật Thế đã có phần lép vế trong tình thế ấy, bèn vớt vát: “Này Không Hải, đừng nói là cậu đã tìm đến kỹ quán trong lúc tớ không biết đấy nhé.”

Nguyên tắc “bất phạm”, tức không quan hệ luyến ái với phụ nữ trong Phật giáo Nara thời kỳ ấy là một trong những giới luật quan trọng của tăng lữ. Nếu việc phá giới lộ ra, thì sẽ bị coi như hành vi phá môn và sẽ không được phép bước chân vào cửa chùa của tông phái đó lần nào nữa. Ít nhất thì bề ngoài là như vậy.

Thực dục.

Tính dục.

Miên dục.

Phật giáo thời kỳ đó đứng trên quan điểm đoạn tuyệt hoàn toàn với sự thèm muốn cơ thể người phụ nữ, vốn là ham muốn mạnh nhất trong ba ham muốn kể trên của con người. Vậy mà Không Hải vẫn đáp: “Được đấy!” với vẻ mặt tỉnh bơ trước lời rủ rê đi chơi gái của Dật Thế. Bởi vậy nên cũng không có gì vô lý khi Dật Thế cho rằng Không Hải đã từng đặt chân vào kỹ quán trong lúc mình không biết.

“Biết nói sao...” Không Hải thích thú nhìn Dật Thế.

“Tại sao bỗng nhiên cậu lại có ý định muốn đi?” Dật Thế hỏi.

“Vì được Dật Thế rủ.”

“Nhưng sao từ trước tới giờ cậu không đi cùng tớ?”

“Vì không được cậu rủ đi.” Không Hải đáp. Câu trả lời của Không Hải rõ như ban ngày.

“Thôi được rồi.” Dật Thế nói. “Đợi ổn định ở Tây Minh Tự xong thì bọn mình đi.”

“Ừ.”

“Đến lúc đấy đừng có bảo là tớ chỉ nói đùa thôi rồi lỉnh mất đấy nhé.”

“Sao phải lỉnh nào.”

“Được!” Dật Thế nói, rồi lại gật đầu nói tiếp: “Được lắm!”

Chẳng hiểu sao Dật Thế tỏ ra rất khoái trí. Rồi đột nhiên Dật Thế nghiêm mặt lại.

“Không Hải, cho tớ hỏi một việc.”

“Gì nào?”

“Tớ vẫn có điều thắc mắc mà chưa dám hỏi.”

“Gì thế?”

“Cậu biết mùi đàn bà bao giờ chưa?”

Nghe Dật Thế nói xong, Không Hải cất tiếng cười khanh khách.

“Trả lời nghiêm túc đấy nhé.”

“Tớ thấy món ấy khá tuyệt.”

“Tuyệt?”

“Ừ, đàn bà ấy mà, rất tuyệt...” Không Hải đáp.

Bầu trời cao tít và đám đông trên phố. Không Hải ngẩng lên nhưng không nhìn vào đâu trong hai chỗ ấy, mà phóng ánh mắt mơ màng ra mãi xa xăm.

Những tiếng huyên náo, ồn ào nơi xứ lạ... Không Hải cảm thấy chúng tựa như tiếng nhạc của vũ trụ đang bao bọc thân xác mình. Và dường như, cậu đang đắm say trong tiếng nhạc ấy.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play