Có một từ gọi là thích cốt. Đây là từ để chỉ cái giá rét của mùa đông Trường An.
Thích cốt, ý nói cái lạnh như đâm vào xương.
Không Hải nhập thành Trường An đúng vào cái lúc thích cốt ấy. Chính xác là ngày hai mươi mốt tháng Mười hai năm 804 theo Tây lịch.
Kể từ đó đã hơn một tháng trôi qua. Dấu hiệu của mùa xuân đã lẩn khuất trong làn gió thổi ở Trường An.
Trường An nhị nguyệt đa hương trần,
Lục nhai xa mã thanh lân lân.
Gia gia lâu thượng như hoa nhân,
Thiên chi vạn chi hồng diễm tân.
Liêm gian tiếu ngữ tự tương vấn,
Hà nhân chiếm đắc Trường An xuân?
Trường An xuân sắc bản vô chủ,
Cổ lai tận thuộc hồng lâu nữ.
Như kim vô nại hạnh viên nhân,
Tuấn mã khinh xa ủng tương khứ.
- Trường An Xuân, Vi Trang
(Dịch thơ:
Tháng Hai sáu phố Trường An
Bụi thơm cuộn khắp, rộn ràng ngựa xe
Lầu cao người đẹp như hoa
Ngàn cành đóa thắm nở ra rỡ ràng
Sau rèm cười hỏi nhau rằng
Ai người chiếm trọn được Trường An xuân?
Xuân Trường An chẳng chủ nhân
Từ xưa vẫn thuộc nữ nhân lầu hồng
Nay người vườn hạnh đã dong
Ngựa hay, xe nhẹ mà bồng mang đi.)*
Ngoại trừ những chỗ có chú thích, tất cả các bản dịch thơ trong sách này đều là của người dịch.
Mùa xuân Trường An bắt đầu từ tháng Hai. Gió Bấc mang mùa xuân đến cùng với bụi đỏ.
Bấy giờ là tháng Hai.
Mùi hoa mơ chớm nở cũng đã lẫn trong làn gió.
Không Hải và Dật Thế đang thả bộ giữa hương gió báo hiệu mùa xuân đến. Cái lạnh thích cốt đã qua đi, gió đã mang hơi ấm. Những cây du, cây hòe, dương liễu ở hai bên đường phố lớn đã đâm chồi mới, màu xanh non đang bắt đầu xòe ra. Ngay cả tiếng ngựa, xe qua lại bên dưới dường như cũng thêm phần rộn rã. Đến cả màu sắc của bầu trời xanh bên trên những tòa lầu cao cũng trở nên dịu dàng hơn. Rồi cả những bước chân đi qua con phố lớn để rẽ vào hiệp tà, tên gọi những ngõ nhỏ ăn chơi ở Trường An, cũng nhẹ nhàng hơn. Cho dù một tăng môn như Không Hải có đưa chân qua con ngõ nhỏ san sát nào du lý, nào tửu phòng thì cũng chẳng ai buồn dừng lại mà soi mói. Có nhan nhản các thương nhân, quan lại, tăng môn và cả người ngoại quốc trong những con ngõ như thế.
Chẳng có đô thị nào trên thế giới vào thời kỳ ấy lại có đủ mọi chủng loại người cùng sinh sống được như ở Trường An. Tương truyền chỉ tính riêng sứ thần các nước thôi, lúc nào cũng đã có đến hơn bốn ngàn người. Trong một triệu dân Trường An thì có mười ngàn là người ngoại quốc, nếu trừ đi số lượng sứ thần, thì vẫn còn đến sáu ngàn người ngoại quốc đang sinh sống ở Trường An khi ấy.
Trước tiên phải kể đến Oa quốc (Nhật Bản).
Kế đến là Thổ Phồn (Tây Tạng).
Rồi Tây Hồ (Iran).
Đại Thực (Ả-Rập).
Thiên Trúc (Ấn Độ).
Ngoài ra còn có người Thổ Nhĩ Kỳ, Duy Ngô Nhĩ, các dân tộc vùng Tây Vực và các dân tộc thiểu số khác quần tụ ở đô thị này.
Họ không chỉ đem đến đây văn vật. Họ còn mang tới cả tôn giáo.
Đạo giáo.
Phật giáo.
Mật giáo.
Những tôn giáo này thì khỏi nói. Nhưng đến cả Hiên giáo, quốc giáo của Tây Hồ, còn có tên gọi khác là Bái Hỏa giáo, rồi Mani giáo cũng du nhập vào Trường An. Thậm chí là Cảnh giáo, tức Giáo hội Phương Đông, cũng có mặt tại đây. Các tôn giáo này đều có đền thờ, tự viện ở Trường An.
Ở Trường An không có phân biệt chủng tộc, người ngoại quốc nếu đạt thành tích tốt trong thi cử có thể được bổ làm quan và thăng tiến. Trên thực tế đã có rất nhiều người ngoại quốc làm được như vậy.
Hơn nữa, những tôn giáo đa dạng do các dân tộc khác đem đến ấy còn được bảo hộ cả trên phương diện chính trị.
Và những người ngoại quốc này đang hòa mình vào với đám đông bước đi trên đường phố, giống như có ai đó bốc lấy một nhúm bột màu sặc sỡ và rắc ra khắp nơi vậy.
Ta có thể thấy những người Hồ mặc áo khoác da, đi giày ống cao tới gối đang rảo bước ngay trước mắt, hoặc nghe vẳng ra từ bên trong một tửu phòng cạnh đường tiếng nhạc Hồ. Hồ, là từ để chỉ Iran theo nghĩa hẹp, còn theo nghĩa rộng là để chỉ vùng Tây Vực. Cách gọi người Hồ, thường sẽ bao gồm cả người Tây Hồ (Iran), người Đại Thực (Ả-Rập), người Ba Tư, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Duy Ngô Nhĩ.
Hồ nữ.
Hồ cơ.
Hồ thương.
Hồ ma.
Hồ nhạc.
Hồ tuyền vũ.
Đây đều là những từ dùng để nói về con người Tây Vực hoặc các món ăn cũng như văn hóa từ Tây Vực truyền sang.
Hồng mao bích nhãn, tức giống người tóc đỏ mắt xanh.
Trường An là nơi đầu tiên Không Hải và Dật Thế được trông thấy tận mắt giống người này. Việc giới quý tộc hay quan nhân học theo lối Tây Vực đang trở thành một trào lưu thời thượng. Không khó để bắt gặp hình ảnh những trang công tử sầm sập phi ngựa trên đường trong đôi giầy cao cổ và áo vạt dài kiểu Tây Vực.
Tiếng người trò chuyện, tiếng ngựa xe, những giai điệu hợp tấu văng vẳng, mùi thức ăn... Với bọn Không Hải, tất cả đều là những thứ thuộc về ngoại quốc. Tạp nham, inh ỏi và hỗn độn. Không chỉ Dật Thế, mà ngay cả Không Hải khi đặt mình vào khung cảnh ấy cũng dường như trở nên phởn trí hơn.
Nhưng Không Hải khác với Dật Thế ở chỗ, Không Hải nhìn thấy vũ trụ trong quang cảnh ấy. Không Hải biết rằng, mọi vật trong mắt mình, thoạt nhìn thì có vẻ khác nhau, nhưng rốt lại đều giống nhau và ngang bằng nhau bên trong một thứ gọi là vũ trụ. Mọi vật đều nằm ở cùng một khoảng cách so với vũ trụ.
Cậu tin như vậy.
Điều duy nhất mà cậu khác mọi người, nếu có, chính là ở chỗ cậu biết rằng cái nguyên lý của vũ trụ ấy tồn tại xuyên suốt trong thân xác không chỉ của mọi người, mà còn của chính cậu, với một sức mạnh ào ạt. Không Hải càng cảm nhận rõ ràng hơn vũ trụ ấy khi lặn ngụp trong con phố này.
Nguyên lý vũ trụ, nếu nói theo Mật giáo, thì tức là Đại Nhật Như Lai. Thân xác cậu được ôm trọn, lọt sâu trong cái Đại Nhật Như Lai ấy.
Không Hải tin là như vậy.
Không Hải nhìn thấu một điều: những thứ trông thấy được, những thứ sờ thấy được, những thứ ngửi thấy được, những thứ nghe thấy được, những thứ nếm thấy được... thảy đều cùng là một cái bong bóng mà thôi.
Tuy nhìn thấu, song Không Hải không đón nhận chúng bằng con mắt lãnh đạm. Trước những chuyện lạ lùng, cậu vẫn tỏ ra xúc động theo một cách cực kỳ hồn nhiên; nhìn thấy những món chưa từng ăn, cậu sẽ lập tức nhón lấy bỏ vào miệng. Tất cả đều có mùi vị khác nhau. Tuy cùng là sự vật ấy, nhưng phàm khi đã đi qua đôi mắt của từng con-người-cá-thể, thì mọi vật đều hiện ra khác nhau. Không Hải nhìn thấu cái nhãn quan đầy mâu thuẫn: tuy giống mà lại khác nhau ấy, ở chính bên trong con người mình.
Thật kỳ lạ.
Và Không Hải lúc nào cũng hồn nhiên tận hưởng sự hỗn loạn kỳ lạ này.
“Hay thật.” Không Hải lẩm bẩm trong lúc bước đi.
Dật Thế đang đi bên cạnh, nghe thấy thế liền hỏi: “Cái gì hay hả Không Hải?”
“Tâm ta.” Trả lời xong, Không Hải mỉm cười, chân vẫn không ngừng bước.
“Thôi nào Không Hải, cậu lại đang nghĩ đến những chuyện rối óc chứ gì.”
“Chẳng có chuyện gì rối óc cả đâu.”
“Thế thì là gì?”
Không Hải đưa mắt nhìn một lượt đám đông xung quanh rồi nói: “Cậu nhìn xem.”
“Tớ nhìn rồi, thì sao?” Dật Thế quay sang nhìn Không Hải.
“Mạn Đà La đó.” Giọng Không Hải thoảng nhẹ.
“Đấy, rối óc thế còn gì.”
“Đâu có.”
“Mà thôi. Dù sao thì chuyện của cậu cũng thú vị, nên tớ luôn sẵn lòng lắng nghe. Tớ hứa sẽ lắng nghe, chỉ có điều, Không Hải ạ...”
“Gì nào?”
“Chớ có dùng lời lẽ mà lừa đấy.”
“Tớ chẳng lừa phỉnh gì cả.”
“Thôi được rồi, cậu nói tiếp đi. Làm sao cho dễ hiểu vào.”
Không Hải tủm tỉm cười.
“Đồng ý.”
Không Hải vừa bước đi vừa ngửa mặt nhìn trời, rồi lại đưa ánh mắt về phía đám đông trên mặt đất.
“Ví dụ thế này, tớ và cậu là hai người khác nhau đúng không.”
“Tất nhiên là khác nhau rồi.” Dật Thế nói.
“Người Oa và người Hán cũng khác nhau. Nho sĩ và Sa môn cũng khác nhau, thêm nữa là người giàu và người nghèo cũng khác nhau.”
“Ừm.”
“Tuy nhiên,” nói đến đó, Không Hải liền trỏ tay.
Ở phía ấy là tường bao của một kỹ quán, cành bạch mai vừa điểm một bông hoa đang chìa ra khỏi bức tường và vươn cao bên trên con ngõ.
“Khoảng cách tính từ bông hoa đó đến bất cứ ai cũng giống nhau.”
“Gì cơ!?” Dật Thế kêu lên. “Sao vẫn rối óc vậy.”
“Thế thì hay là ta lấy áng mây kia nhé.” Không Hải nói.
“Mây?”
“Đằng kia có áng mây đang trôi.” Không Hải ngửa cổ nhìn lên.
“Ừ, đúng là có mây.” Dật Thế đáp.
Bông hoa theo hướng tay chỉ của Không Hải ban nãy lùi dần ra xa khỏi tầm nhìn của Dật Thế. Cao tít bên trên bông bạch mai đó, có một áng mây đang trôi bảng lảng về đằng Đông. Thoang thoảng mùi thơm của hoa mai.
“Khoảng cách từ đám mây đó đến tất cả mọi người ở đây chẳng phải đều như nhau sao? Không hề có chuyện vì giàu nên gần mây hơn, bởi nghèo nên xa mây hơn, hay vì cậu là Nho sĩ, vì tớ là Sa môn nên thế này thế nọ.”
“Ừm.”
“Mọi người đều như nhau.”
“Cái đó thì đương nhiên rồi còn gì.”
“Nhưng nếu hỏỉ Sa môn và Nho sĩ có khác nhau không, thì có khác. Người giàu và người nghèo có khác nhau không, cũng có khác.”
“Ừm.”
“Tại sao thế?”
“Đừng có hỏi đột ngột như thế chứ, Không Hải.”
“Hỏi có khác không, có khác. Bảo có giống nhau không, có giống. Tại sao lại như thế?”
“Lần trước, trên xe ngựa đi tới Trường An, cậu cũng đã nói đến điều này. Cậu hãy trả lời câu hỏi đó đi. Tớ rất ngại những chuyện rối óc.”
“Câu trả lời là thế này. Chia ra Sa môn và Nho sĩ, hay người giàu và người nghèo, là luật của con người. Đó là cách phân chia do luật của con người tạo ra.”
“Ồ.”
“Thế còn nói Sa môn cũng như Nho sĩ, người giàu cũng như người nghèo, ấy là luật của trời.”
“Ra là vậy.”
“Điều này thì chắc cậu hiểu chứ.”
“Ừ thì cũng tạm hiểu.”
“Vấn đề là như vậy đó, Dật Thế ạ.”
“Ừm.”
“Tớ và cậu, Sa môn và Nho sĩ, đều như nhau, tương tự thì bông hoa mai ban nãy, chó hay mèo, rắn hay cá, cũng chẳng khác gì tớ và cậu.”
“Hừm.”
“Tất cả đều là những sinh linh như nhau. Nếu xét từ luật của trời.”
“Hừm.”
“Nói rộng hơn ra, cũng tương tự việc chúng ta với hoa, chó, rắn hay cá đều như nhau, thì mặt đất này, viên đá kia, đám mây ấy, bầu trời đó và vạn vật khác đều như nhau cả. Nếu đặt trong luật của trời.”
“Hừm.”
“Cái nguyên lý ấy của vũ trụ khỏa kín trong tớ, trong cậu, trong bông hoa mai ban nãy, trong cả người Hán lẫn người Hồ đang qua lại kia, trong các ngôi nhà, trong tiếng nhạc văng vẳng và trong cả mùi cá kho nữa. Mọi vật, từ đầu chí cuối, đều bị chi phối bởi nguyên lý ấy của vũ trụ.”
“Tóm lại thì đó là...”
“Cái được gọi là Mạn Đà La.”
“Cái Mạn Đà La ấy rốt cuộc thì...”
“Thật là hay, như tớ nói lúc nãy.”
“Từ nãy tới giờ trong lúc đi bộ, cậu chỉ toàn nghĩ đến những chuyện rối óc như thế sao?”
“Không hề rối óc tí nào.”
“Chịu không theo nổi cậu.” Tuy nói vậy, nhưng Dật Thế chẳng hề tỏ ra khó chịu. Ngược lại, cậu còn ngắm nhìn chàng dị tăng cùng mình từ Oa quốc sang đây với ánh mắt hồ hởi.
Từ “vũ trụ” mà Không Hải thường nhắc đến đã có từ thời kỳ này. Cả “vũ” và “trụ” đều là nhũng từ dùng để chỉ một vật che chở khổng lồ, nói cách khác là mái nhà. Ngoài ra, trong sách Thi tử thời Chiến quốc có viết: “Bốn phương trên dưới là vũ, từ xưa đến nay là trụ.”
“Bốn phương trên dưới”, tức là không gian vậy. “Từ xưa đến nay” là nói đến quá khứ, hiện tại, tương lai, tức là thời gian vậy.
Quan niệm coi vũ trụ, mà theo cách nói ngày nay là không-thời gian, đã xuất hiện ở Trung Quốc cổ đại, sớm hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
“Đi cùng cậu, tớ bắt đầu có cảm giác như ở đâu cũng giống nhau vậy.” Dật Thế nói.
“Ở đâu là ở đâu?”
“Ở Oa quốc cũng thế mà ở Đường quốc này cũng vậy.”
“Thế hả.”
“Nhưng dù như nhau hay thế nào đi chăng nữa, thì chắc hẳn là ông ấy đã rất mong được quay trở về, Không Hải nhỉ.”
“Cậu đang nói đến hòa thượng Vĩnh Trung đấy à?”
“Phải rồi.” Dật Thế đáp.
Không Hải và Dật Thế đang trên đường trở về từ Tây Minh Tự.
Mùng chín tháng Hai.
Mai là ngày mà sứ đoàn do Đằng Nguyên Cát Dã Ma Lữ dẫn đầu sẽ rời Trường An để về Nhật Bản. Theo dự định thì lẽ ra sứ đoàn đã xuất phát trước đó ít lâu, nhưng vì có sự tình, nên việc khởi hành bị chậm lại.
Sự tình ở đây là nói đến cái chết của đương kim hoàng đế Đức Tông. Đức Tông băng vào ngày Quý Tị tháng Chạp năm Trinh Nguyên thứ hai mươi mốt, tức ngày hai mươi ba tháng Một, thọ sáu mươi tư tuổi. Ba ngày sau, thái tử Lý Tụng khi ấy bốn mươi lăm tuổi lên ngôi. Tuy nhiên, tân hoàng đế vì bị đột quỵ từ tháng Tám năm ngoái, nên bị liệt, không nói năng gì được.
Sau khi bọn Không Hải đến Trường An năm ngoái, đã làm lễ yết kiến vào ngày hai mươi lăm tháng Mười hai. Lúc ấy, cả Không Hải lẫn Dật Thế đều đã tận mắt nhìn thấy hai cha con họ, những kẻ bất hạnh.
Lễ yết kiến là để dành cho đoàn Khiển Đường sứ Nhật Bản và sứ đoàn Nam Chiếu, Thổ Phồn đến Trường An cùng một thời điểm, tuy nhiên cơ thể Đức Tông khi đó chỉ nhìn qua cũng biết là đã lâm bạo bệnh.
Thái tử lúc ấy ở trong tình trạng nếu không có ngưòi dìu thì không thể đi lại được. Ông ta cũng không nói câu nào.
Cát Dã Ma Lữ cũng đã vài lần nhắc đến chuyện hoàng đế Đức Tông chẳng bao lâu nữa sẽ chết vì bệnh, nhưng có vẻ không nghĩ rằng chuyện đó lại xảy ra ngay khi mình còn ở Đường. Vậy mà nó đã xảy ra.
Trong hoàn cảnh ấy, cho dù là sứ giả ngoại bang thì cũng phải để trở. Cát Dã Ma Lữ mặc mũ áo thô để tỏ lòng thương tiếc trước cái chết của hoàng đế Đức Tông, đứng chống gậy ở Thừa Thiên Môn. Không Hải cũng có mặt trong hàng người đó.
Vì chuyện này mà ngày khởi hành phải rời lại đến mùng mười tháng Hai. Tức là ngày mai. Sau khi đoàn Khiển Đường sứ về nước, Không Hải và Dật Thế, những người còn lưu lại, sẽ không thể ở mãi tại Hồng Lô khách quán nằm trong Tuyên Dương Phường, vốn là nơi nghỉ chân của sứ đoàn.
Lưu học tăng Không Hải sẽ phải chuyển đến Tây Minh Tự thuộc Diên Khang Phường, đây là nơi lưu trú chính thức do triều đình nhà Đường sắp xếp.
Chỉ còn hôm nay nữa là sứ đoàn khởi hành, Không Hải cùng với Dật Thế gói ghém đồ đạc, rồi mướn người chở bằng xe ngựa đến Tây Minh Tự. Dật Thế vẫn chưa được sắp xếp nơi ở, nên sẽ tá túc ít lâu ở chỗ Không Hải.
Tuyên Dương Phường, nơi bọn Không Hải lưu trú trong quãng thòi gian vừa rồi, nằm ở phía Đông con phố chính chia Trường An thành hai nửa Đông-Tây là phố Chu Tước, tức là về mạn phố Đông. Còn Diên Khang Phường nơi có Tây Minh Tự thì nằm ở phía Tây, tức là về mạn phố Tây. Hai nơi cách nhau chừng một dặm ba, tức gần một cây số. Sau khi hạ hành lý và cho xe ngựa về trước, Không Hải cùng Dật Thế quyết định đi bộ về Tuyên Dương Phường.
Cuộc nói chuyện về vũ trụ, về Mạn Đà La, diễn ra trên quãng đường ấy. Và Dật Thế hình như vừa nhớ đến việc của Vĩnh Trung.
Vĩnh Trung... một nhà sư Nhật Bản vượt biển sang Đường ba mươi năm trước. Thời ấy còn chưa có thuyền chuyên chở Khiển Đường sứ nên Vĩnh Trung đã phải vượt biển trên một thuyền buôn. Hơn nữa, không phải năm nào cũng có thuyền chở Khiển Đường sứ qua lại. Kỳ thực, đoàn thuyền chở bọn Không Hải là chuyến đầu tiên sau hai mươi tư, hai mươi lăm năm gián đoạn.
Nơi mà Vĩnh Trung, người lưu học tăng ấy sinh sống trong suốt ba mươi năm ở Trường An này chính là Tây Minh Tự. Và căn phòng mà Không Hải dọn tới, cũng chính là nơi trú ngụ của Vĩnh Trung trong ba mươi năm qua.
Cách đây ít lâu, Vĩnh Trung có đến đón Không Hải và Dật Thế rồi dẫn đi thăm khắp một lượt Tây Minh Tự.
Đây là lần thứ hai Dật Thế gặp Vĩnh Trung, còn Không Hải thì đã nhiều lần tới thăm Vĩnh Trung ở Tây Minh Tự.
Sau khi dẫn Không Hải, người chủ mới, vào căn phòng đã dọn dẹp sạch sẽ, Vĩnh Trung nhìn lại nơi mình từng sống suốt ba mươi năm, bùi ngùi nói: “Ba mươi năm thật là dài...”
Kể về ba mươi năm trước, khi ấy triều đình Nhật Bản vẫn còn đang ở Nara và Không Hải vừa mới chào đời. Người báo cho Vĩnh Trung biết kinh đô đã dời về Hei’an chính là Không Hải.
Mùi cơ thể Vĩnh Trung dường như đã thấm vào từng ngóc ngách căn phòng.
“Giờ đây người quen của ta ở đây đã nhiều hơn hẳn ở Nhật Bản, vả lại ta cũng hiểu rõ tính khí của họ. Chỉ có điều...”
Vĩnh Trung ngừng lời, ngắm nghía căn phòng với ánh mắt tràn đầy yêu thương.
“Chỉ có điều, ta vẫn muốn về đất nước ấy.”
“Nhất định thầy sẽ về được. Trước hè năm nay là thầy có thể đặt chân lên đất Nhật rồi.”
Nghe Không Hải nói vậy, Vĩnh Trung đưa tay chặm nơi khóe mắt.
“Ta cảm thấy một nửa của ba mươi năm ấy là quãng thời gian vô ích. Nếu là bây giờ, ta nghĩ chỉ cần mười lăm năm là ta có thể thu lượm được những thứ ta đang có để mang về Nhật Bản.” Nói đoạn, Vĩnh Trung nhìn Không Hải, “Cậu bảo sang đây để học Mật đúng không nhỉ?”
“Đúng thế ạ.”
“Nếu học Mật, thì có lẽ không ai hơn hòa thượng Huệ Quả ở Thanh Long Tự.” Vĩnh Trung nói.
“Tôi cũng nghe nhiều người nói vậy.”
“Họ nói đúng đấy, nhưng mà...” Như để nhấn mạnh một điều gì quan trọng, Vĩnh Trung đưa mắt sang Không Hải. “Ở đất nước này, nếu được mời đến thay vì tự mình tìm đến, mọi chuyện sẽ tiến triển nhanh hơn rất nhiều. Kể cả là học Mật cũng vậy. Giả sử cậu có được thư tiến cử của ai đó mà đem đến và dẫu có gặp được hòa thượng Huệ Quả, thì trong ba năm đầu cậu vẫn chỉ làm chân sai vặt mà thôi. Sang năm thứ ba cậu mới được gọi lên cho tụng một hai bài kinh, và rồi sẽ phải mất thêm mười đến mười lăm năm nữa mới được ban quán đỉnh*.”
Tiếng Phạn là abhiseka, tức là nghi thức nhập môn trong Mật giáo.
“Dạ.”
“Cậu bảo định ở lại đây hai mươi năm, nhưng nếu được hòa thượng Huệ Quả gọi đến thì, tất nhiên còn tùy thuộc khả năng của cậu, chắc chỉ năm đến bảy năm là xong thôi.”
“Vậy mà có người nói rằng sẽ học xong trong vòng một năm.”
“Ồ!”
“Một tăng sinh tên là Tối Trừng.”
“Ra vậy. Ta từng nghe nói rằng trong đoàn Khiển Đường sứ lần này có một tăng sinh không đến Trường An mà tới thẳng Thiên Thai, hình như đúng là cái tên đó...”
“Đúng vậy đấy ạ.”
“Nhưng một năm thì lại gấp gáp quá.”
“Nếu là lái buôn đến để mua kinh sách, thì một năm cũng là khoảng thời gian khả dĩ chấp nhận ạ.”
“Thật là một ý kiến nghiêm khắc. Thế còn cậu thì sao?”
“Nếu Tối Trừng là lái buôn, thì tôi sẽ là kẻ cắp.”
“Cậu nói hay lắm.”
“Tôi nghe nói ở Tây Minh Tự này có người có mối thâm giao với Thanh Long Tự của hòa thượng Huệ Quả...”
“Ái chà chà, cậu còn biết đến thế cơ à. Vậy thì có lẽ là nói đến Chí Minh và Đàm Thắng rồi. Hôm nay bọn họ đều có ở chùa, để tôi giới thiệu cậu nhé.”
“Dạ chưa ạ. Chưa đến lúc đó. Chỉ cần thầy nói lại với họ rằng hình như có một nhà sư tên là Không Hải từ Nhật Bản sang muốn trộm Mật đem về, như vậy là đủ.”
“Nói với họ rằng cậu sang đây để trộm Mật đem về thật đấy hả?”
“Vâng ạ.”
“Thêm nữa, về chuyện hòa thượng Huệ Quả, cậu có nghe gì không?”
“Nghe gì ạ?”
“Như là chuyện hòa thượng Huệ Quả bị bệnh.”
“Về chuyện này, tôi có nghe phong thanh, nhưng bệnh tình có nặng không ạ?”
“Trong năm nay thì chưa hề gì, nhưng e rằng năm năm như ta nói ban nãy thì không cầm cự nổi.”
“Nghĩa là ngay cả một người ở cực đỉnh của Mật pháp cũng phải tuân theo luật trời phải không ạ?”
“Đúng vậy, vì ngay cả đấng Thích tôn cũng không khác được...”
“Vâng.”
“Ngài Bất Không là người truyền Mật cho ngài Huệ Quả, rồi ngài Kim Cang Trí là người truyền Mật cho ngài Bất Không, cũng đều không còn ở cõi này.”
“Thực tình thì tôi sinh ra vào đúng ngày Bất Không Bồ Tát nhập diệt.”
“Ồ, thật vậy hả?”
“Đúng vậy ạ.”
“Mà cũng đúng thôi.”
“Về chuyện gì ạ?”
“Dẫu có đạt đến cực đỉnh của Mật pháp thì rốt cùng cũng vẫn phải chết mà thôi.”
“May quá.”
“Hả...?” Có vẻ như bị bất ngờ trước câu nói của Không Hải, Vĩnh Trung chỉ kịp bật ra một tiếng tỏ ý chưa hiểu.
“Quả thực, chết... luôn gây ra một cảm giác rạo rực. Vì phải chết nên mới có Phật, nên mới có Mật. Còn nếu muốn tìm phép bất tử, thì đã có Huyền đạo. Nhưng dẫu học Huyền đạo, thì chết vẫn cứ chết mà thôi.”
Huyền đạo, tức là chỉ phép tu tiên vậy.
“Lái buôn cũng chết. Môn đồ Phật pháp cũng chết. Ăn mày cũng chết. Môn đồ Mật giáo cũng chết. Đạo sĩ cũng chết. Đến cả đế vương rồi cũng chết...” Không Hải kể ra một cách thích thú.
“Sẽ chết cả.” Không để Vĩnh Trung kịp đáp, Không Hải bình thản nói chặn trước: “Thật đã đời.”
“Ồ.”
“Vì thế mới có Phật pháp, mới có Mật giáo.”
Nghe xong câu nói ấy, Vĩnh Trung nhìn như không muốn dời mắt khỏi Không Hải.
“Cậu quả là một con người kỳ lạ.” Vĩnh Trung bảo Không Hải.