Lúc chưa chia nhà, những việc trong nhà như giặt giũ, quét tước, nấu cơm rửa chén, cho lợn gà ăn đều là Lưu Hạnh Hoa dẫn dắt Nguyễn Khê và Nguyễn Khiết cùng làm. Sau khi chia nhà, Tôn Tiểu Tuệ phải một mình đảm đương hết mọi việc.
Nguyễn Trường Quý bắt đầu đi làm những công việc nặng nhọc để kiếm sống, nào là vào mỏ đào đồng, gánh sọt từ trên đồng xuống núi, hoặc là lên núi, xuống núi gánh phân đến vùng ruộng khô cằn. Ngày nào kết thúc cũng mệt muốn chết đi sống lại, sau khi xong việc càng cần phải nghỉ ngơi nhiều hơn.
Nguyễn Dược Tiến và Nguyễn Dược Hoa đã không còn nhỏ nhỏ tuổi, có thể giúp bà ta san sẻ gánh nặng. Nhưng bà ta đã quen có việc là chỉ tìm Nguyễn Khiết, không tìm hai đứa con trai bảo bối của mình. Hơn nữa hai đứa con trai bảo bối của bà ta cũng sẽ không chịu làm những việc này, cho nên bà ta chỉ có thể tự mình ôm đồm hết thảy.
Bởi thế bà ta vừa băm thức ăn cho lợn vừa tức giận đến nghiến răng nghiến lợi, hận cái đứa con gái sói mắt trắng* mà mình sinh ra, không biết giúp bà ta san sẻ.
(*) Ý chỉ người vong ơn bội nghĩa.
Trong lòng tức giận không có chỗ phát, bà ta cúi đầu băm thức ăn cho lợn một lúc, sau đó chợt lên tiếng hỏi: “Tiểu Khê, hai ngày nay mày ra ngoài làm gì?”
Nguyễn Khê đang ngồi trong phòng nghỉ ngơi, nghe tiếng Tôn Tiểu Tuệ băm thức ăn cho lợn là biết trong bụng bà ta đang tức giận. Cô cũng không muốn nói nhiều với Tôn Tiểu Tuệ, cho nên trả lời qua loa một câu: “Học nghề ạ.”
Tôn Tiểu Tuệ cười khẽ: “Thật hay giả đó? Ông thợ may đồng ý dạy mày à?”
Nguyễn Khê: “Mẹ đi hỏi ông thợ may đi.”
Tôn Tiểu Tuệ: Ồ, nếu ông thợ may chịu dạy cho mày thì có quỷ ấy.
Bà ta nói: “Sợ là mày lười nhác không muốn làm việc nên ném hết việc nhà cho Tiểu Khiết của bọn tao làm. Mày trốn ra ngoài ở không, nó thì bận từ sớm đến tối. Cái con bé Tiểu Khiết ngốc nghếch, bị mày lừa bán mà cũng không biết, còn vội giúp mày kiếm tiền.”
Nguyễn Khê cạn lời cười nhạo bà ta: “Không ngờ mẹ hai còn rất đau lòng cho Tiểu Khiết đấy.”
Tôn Tiểu Tuệ bị nghẹn họng, một lúc sau mới nói: “Nó là tao sinh ra, tao không đau thì ai đau?”
Nguyễn Khê cười lạnh: “Da mặt của mẹ thật sự còn dày hơn tường thành.”
Bị một đứa nhóc không nể mặt mũi làm xấu hổ như vậy, Tôn Tiểu Tuệ lập tức nổi giận. Bà ta dằn mạnh cây dao phay trên tay xuống tấm thớt gỗ, không để cho mình mất mặt, lấy thân phận bề trên nói: “Nguyễn Khê, mày nói chuyện với người lớn kiểu gì đấy?”
Nguyễn Khê: “Nói kiểu gì, không phải mẹ nghe hết rồi sao?”
Cái con nhóc vô lễ chết tiệt này!
Tôn Tiểu Tuệ lập tức giận đến phát run, lồng ngực phập phồng, tức đến mức muốn xông vào phòng xé Nguyễn Khê ra làm ba.
Nhưng Nguyễn Khê không phải bà ta sinh ra, ông già và bà cụ trong nhà đều bao che cho Nguyễn Khê, còn có cha ruột Nguyễn Khê là sĩ quan, bà ta có lòng nhưng cũng không có cái gan đó. Chỉ có thể miễng cưỡng nuốt cục tức này xuống, cầm dao mạnh mẽ băm thức ăn cho lợn.
Nguyễn Khiết đứng bên ngoài lồng cho gà ăn, nghe thấy Nguyễn Khê và Tôn Tiểu Tuệ ở trong nhà giống như đang cãi vã, trong lòng cô ấy vừa sợ hãi vừa hơi lo lắng. Lúc đang cầm cái chậu men cũ định trở vào nhà thì Lưu Hạnh Hoa trở về đúng lúc.
Nhìn thấy Lưu Hạnh Hoa giống như thấy được một cái núi dựa lớn, trong lòng Nguyễn Khiết lập tức thả lỏng. Cô ấy cũng không kịp nói gì, cùng Lưu Hạnh Hoa đi vào nhà. Chỉ thấy Tôn Tiểu Tuệ đang băm cỏ cho lợn ăn trút giận, mỗi lần lưỡi dao hạ xuống đều mang theo cảm xúc dữ dội.
Lưu Hạnh Hoa không thèm quan tâm đến Tôn Tiểu Tuệ, xoay người đi đến phòng Nguyễn Khê.
Nguyễn Khê thấy bà nội tiến vào, dùng khẩu hình miệng cười nói với bà: “Bị cháu chọc giận.”
Lưu Hạnh Hoa cũng cười, dùng khẩu hình miệng nói: “Tức chết cũng đáng đời!”
Nói xong hai người cùng bật cười thành tiếng.