Lưu Hạnh Hoa bảo: “Thứ có thể chia đều đã chia rồi, hoặc là tính theo đầu người, hoặc là cho tụi nó phân nửa.”

Bà Hồ trợn mắt: “Trời ạ, cái đồ vong ân bội nghĩa đó mà bà chia cho nó nhiều thứ thế làm gì? Theo tôi thấy là chẳng cho gì cả, đuổi thẳng cổ cả nhà năm người đó là được rồi, để tụi nó tìm hang núi mà ngủ đi.”

Lưu Hạnh Hoa: “Đều là con trai mình, không cho coi sao mà được? Lại chẳng làm ầm lên à? Chúng tôi cũng không muốn người ta bảo mình làm cha mẹ mà bất công, thương lớn thương nhỏ, đuổi cả nhà thằng hai ra đường nhịn đói. Chúng tôi đã làm điều mà người làm cha mẹ nên làm, để người ngoài và cả nhà thằng hai hết đường để nói. Sau này chúng nó có sống tốt hay không thì chúng tôi cũng không quan tâm nữa.”

Bà Triệu gật đầu: “Chia hết một cách yên ổn cũng tốt.”

Nhưng hai chữ ‘yên ổn’ vừa thốt ra khỏi miệng, cách đó không xa bỗng có tiếng gào lớn: “Bà nội!”

Mấy bà cụ ngẩng đầu nhìn sang, chỉ thấy người kêu bà nội là Nguyễn Khiết. Con bé cứ như bị sói rượt vậy, sau khi trông thấy Lưu Hạnh Hoa thì bước chân càng chạy nhanh hơn. Lại nhìn ra phía sau, Tôn Tiểu Tuệ đang cầm cây cời lửa đuổi theo đằng sau.

Bà Lý híp mắt hỏi: “Làm gì thế nhỉ?”

Lưu Hạnh Hoa cũng không biết có chuyện gì, bà ấy còn chưa lên tiếng thì Nguyễn Khiết đã chạy trốn ra đằng sau bà ấy.

Nguyễn Khiết đặt tay lên vai Lưu Hạnh Hoa, thở hổn hà hổn hển, nói đứt quãng: “Bà nội, mớ củi mà cháu ra ngoài nhặt cả buổi trời đều bị mẹ cháu cướp hết rồi. Bà ấy còn bắt cháu giặt quần áo nữa, không giặt thì muốn đánh chết cháu. Còn bảo cháu phải cho heo gà ăn nữa.”

Nói xong, Tôn Tiểu Tuệ đã cầm cây cời lửa chạy đến trước mặt.

Bà ta chống nạnh hung dữ chỉ vào Nguyễn Khiết, hổn hển nói: “Mày còn không mau về cho tao!”

Mấy bà cụ khác khó hiểu, bèn nhìn sang Lưu Hạnh Hoa nhỏ giọng hỏi: “Chuyện gì vậy?”

Lưu Hạnh Hoa chẳng thèm liếc nhìn Tôn Tiểu Tuệ một cái, từ tốn nói: “Tụi nó chê Tiểu Khiết ăn bớt một phần lương thực, lúc ra ở riêng đã cho Tiểu Khiết theo tôi rồi. Thấy Tiểu Khiết là con gái nên không muốn nuôi nhưng lại muốn Tiểu Khiết làm việc cho chúng nó, mấy bà nói xem trên đời này làm gì có chuyện tốt như vậy chứ? Vừa muốn ngựa chạy lại vừa muốn ngựa không ăn cỏ.”

Mấy bà cụ nghe xong thì cùng nhìn sang Tôn Tiểu Tuệ, nét mặt để lộ ra vẻ chán ghét.

Bà Lý lên tiếng nói trước: “Tôn Tiểu Tuệ, có ai làm con dâu làm mẹ như cô không?”

Bà Hồ tiếp lời: “Khi cuộc sống tốt đẹp thì làm trò chiếm lợi, mới khó khăn có một tí đã xúi giục người đàn ông của mình chia tài sản rồi ra ở riêng, cô chẳng có chút lương tâm nào à? Không chỉ không có lương tâm mà đến cả mặt mũi cũng chẳng có!”

Bà Triệu còn thẳng thắn hơn: “Đời này tôi đã từng thấy rất nhiều kẻ vô liêm sỉ, nhưng chưa bao giờ thấy đứa trơ trẽn như cô. Cô đã không muốn nuôi Tiểu Khiết, không cho con bé ăn cơm no, cô có mặt mũi nào bắt con bé làm việc chứ?”

Tôn Tiểu Tuệ chẳng quan tâm người ta nói huyên thuyên, nhưng nghe thấy những lời chướng tai này ngay trước mặt thì cũng không khỏi đỏ mặt tía tai giống như bị ai đó tát một phát. Bà ta kìm cơn giận lại, nói: “Tôi đẻ ra nó, tôi là mẹ nó, sao tôi không thể bắt nó làm việc chứ?”

Các bà cụ còn chưa lên tiếng, Nguyễn Khiết bất chợt lớn tiếng nói một câu: “Con cũng đâu bắt mẹ đẻ! Con còn chẳng muốn mẹ làm mẹ con cơ, mẹ dựa vào đâu mà chưa có sự đồng ý của con đã đẻ con ra chứ!?”

Tôn Tiểu Tuệ nghe câu nói ấy mà máu điên lên tới não. Bà ta nắm chặt cây cời lửa trong tay, giơ lên chỉ vào Nguyễn Khiết: “Nguyễn Khiết, mày nói lại coi! Mày xem tao có đánh chết mày không!”

Nguyễn Khiết nấp ở đằng sau Lưu Hành Hoa có rất nhiều sức mạnh và dũng khí, vẻ mặt không còn sợ hãi nữa. Đương nhiên những lời này không phải là do cô ấy nghĩ ra, mà là nghe được hồi lúc tối nói chuyện với Nguyễn Khê, cô ấy cảm thấy rất có đạo lý.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play