Năm thứ năm sau khi tôi chết, Trần Kiến Dương hai mươi lăm tuổi, anh đã có thể bước vào cổng nhà họ Phương.
Đó là một buổi chiều rất bình thường.
Trần Kiến Dương tự lái xe đến nhà tôi.
Đã quá lâu không đến, trên đường đi tôi cũng không nhận ra đây chính là con đường dẫn đến nhà mình.
Người mở cửa là ba.
Ông ấy thấy Trần Kiến Dương thì hơi ngỡ ngàng, nhưng vẫn mời anh vào trong.
Tôi đi quanh nhà một vòng, phát hiện phòng mình đã bị khóa.
Chiếc ti vi đã được thay bằng cái lớn hơn, cây xương rồng tôi trồng vẫn sống và trên ban công có thêm vài chậu cây khác.
Mẹ đang ở trong phòng ngủ.
Cạnh giường lớn là một chiếc giường nhỏ.
Chiếc nôi nhỏ, bên trong có một sinh linh mới.
Đó là một sinh linh mới mang theo hy vọng của ba mẹ.
Mẹ đã nghĩ thông rồi, bà ấy không còn trách Trần Kiến Dương nữa.
Mẹ nói:
- Cháu bế con bé đi.
Trần Kiến Dương liền tiến đến ôm lấy đứa bé.
Sự vụng về của anh làm cho tôi lo lắng.
Đừng làm rơi em gái bé nhỏ của em nhé.
Em gái tôi tên Phương An An, An An chính là lấy từ chữ an trong bình an.
Cái tên “Phương Viên Viên” thật sự không hợp lý chút nào.
Trần Kiến Dương bế đứa bé một lúc, rồi đặt An An trở lại nôi.
Tôi bay tới với tốc độ nhanh nhất trong đời, và nhìn chằm chằm vào An An.
Mặt con bé trông giống như một chiếc bánh chiên*.
(Chú Thích: 煎饼 một loại bánh chiên bằng bột mì giống như bánh xèo, là một món bánh ăn sáng quen thuộc của người Trung quốc.)
Rõ ràng không thấy điều gì đặc biệt, nhưng tôi lại không thể rời mắt khỏi con bé.
Tôi chào và giới thiệu với con bé:
- Hi, chị là Viên viên… là chị gái của em.
Con bé bỗng nhiên mỉm cười, như thể nó nhìn thấy tôi vậy.
Tôi tiến lại gần hơn, muốn nhìn kỹ con bé thì nghe thấy mẹ nhắc đến tên tôi.
- Viên Viên đã mất từ rất lâu rồi.
Trần Kiến Dương chỉ “Vâng” một cái.
Mẹ lại nói tiếp:
- Cháu là một đứa trẻ ngoan, hồi đó là do cô đã hồ đồ.
Anh lại “vâng” thêm cái nữa.
Mẹ lại hỏi:
- Cháu đã “bước ra” được rồi phải không?
Một câu hỏi bất ngờ khiến anh không biết phải làm sao.
Một lúc sau, Trần Kiến Dương mỉm cười và nhìn về phía chiếc nôi.
Tôi lại vô thức né tránh,rồi chợt nhận ra anh chẳng thể nhìn thấy tôi.
Tôi nghe thấy anh trả lời:
- Có lẽ thế ạ.
Từ ngày hôm đó trở đi, Trần Kiến Dương thường xuyên ghé thăm nhà họ Phương, giống như lúc trước.
Chỉ khác là trước kia anh đến để gặp Phương Viên Viên, còn giờ đây là để ở bên ba mẹ tôi và chăm sóc An An.
Mối quan hệ giữa hai gia đình đã trở lại như xưa.
Tôi đã nói mà, làm hàng xóm suốt mười mấy năm, làm sao mẹ có thể ghét Trần Kiến Dương mãi được.
Trong năm này, tôi đã buông bỏ được nhiều tâm sự.
Trong năm này, Trần Kiến Dương đã bắt đầu đi làm.
Tôi mới nhận ra, chàng thiếu niên ngày xưa từng “trẻ trâu” giờ đã trưởng thành, sớm khoác lên người bộ vest chỉnh chu và trở thành một “kẻ lão làng” trong việc tạo các mối quan hệ xã hội.
Trần Kiến Dương đã tổ chức triển lãm tranh của riêng mình.
Người họa sĩ nhỏ bé của tôi đã trở thành một họa sĩ đại tài rồi.
Trong triển lãm tranh có nhiều bức tranh về tôi.
Một phóng viên trẻ cầm máy ảnh lên và hỏi anh:
- Cô gái trong bức tranh có phải là người rất quan trọng với anh không?
Trần Kiến Dương ngắm nhìn bức tranh của tôi, và nhẹ nhàng đáp:
- Đúng vậy, là người tôi yêu.
Trần Kiến Dương năm hai mươi lăm tuổi, trong lòng vẫn giữ một vị trí riêng dành cho Phương Viên Viên.