Sau khi trở về Bùi gia, ta nằm trên giường suốt một tháng.
Trong thời gian đó, Tiểu Đào vừa nấc cụt vừa vụng về nghe ta chỉ dẫn mà lo toan mọi việc.
Về sau, ngay cả việc thay quần cho thái mẫu, nó cũng có thể vui vẻ làm được.
Thậm chí, vì việc đó mà nó còn cảm thấy tự hào, hễ rảnh là nhìn chăm chăm vào thái mẫu.
Thái mẫu: “Nhị Nha, con cứ nhìn ta mãi làm gì, đừng nhìn ta như thế, ta sợ lắm.”
“Thái mẫu, người khát không, uống chút nước nhé.”
“Ta không khát.”
“Không, người khát mà.”
Đợi đến khi ta gắng gượng đứng lên được, trong nhà đã không còn gì để ăn.
Vườn rau trống trơn, thùng gạo cạn sạch, chuồng gà cũng trống hoác.
Hai con gà mái đẻ mà ta khó nhọc nuôi nấng, đã bị Tiểu Đào âm thầm đem đến nhờ Ngô góa phụ hàng xóm giết thịt.
Ngô góa phụ khi ấy còn lạnh lùng trề môi, mắt trắng dã: “Nhà ngươi điều kiện thế nào mà còn đòi ăn gà chứ.”
Tiểu Đào vui vẻ nói: “Trong nhà còn một con nữa, vài hôm nữa lại đến nhờ người giết thịt, người đừng thèm thuồng, cái đít gà sẽ để lại cho người.”
Ngô góa phụ: “…”
Ngô Thúy Liễu là một góa phụ trẻ ngoài hai mươi, tuy miệng lưỡi cay nghiệt nhưng thật ra tấm lòng không xấu.
Khi ta nằm liệt giường không thể dậy nổi, nàng còn giúp đỡ chúng ta, hai lần mang bánh lớn và cháo loãng sang. Nhưng cũng chính nàng xúi giục Tiểu Đào, nói rằng đại tỷ nó, Bùi Mai, là thiếu phu nhân nhà lí trưởng Chu gia, nay chúng ta sắp không còn gì để ăn, Tiểu Đào có thể đến tìm nàng vay chút bạc.
Tiểu Đào không biết nghĩ sao, quả thật lén lút giấu ta, đi bộ hơn mười dặm đường, hỏi thăm đến tận Chu gia ở thôn Tây Pha. Chiều hôm đó, nó ủ rũ, cúi đầu mà trở về.
Con bé ngồi xổm xuống đất, vừa lau nước mắt vừa hỏi: “Tẩu tẩu, Bùi Mai thật sự là đại tỷ của chúng ta sao? Có phải mẹ lúc sinh ra nàng vô ý để nàng rơi xuống hố phân không? Bề ngoài thì bóng bẩy nhưng bên trong lại thối tha.”
Sau này ta mới biết, khi Tiểu Đào đến, Bùi Mai đã tỏ ra như một phu nhân nhà giàu, đầu tiên là giả bộ tiếp đón, mời ăn điểm tâm, rồi nói những lời bóng gió xa gần. Tiểu Đào còn nhỏ, không hiểu những điều Bùi Mai nói, chỉ biết cúi đầu ăn điểm tâm cùng với con gái bốn tuổi của Bùi Mai, hoàn toàn không để tâm đến những lời nàng nói.
Bùi Mai nói như gảy đàn tai trâu, dần dần mất kiên nhẫn, tức giận đập bàn: “Ăn ăn ăn! Chỉ biết ăn! Nhìn cái bộ dạng nghèo nàn của ngươi xem, ngươi có nghe rõ lời ta nói không? Ta quyết không bao giờ giữ lại ngươi và thái mẫu, đừng mơ tưởng! Số bạc cuối cùng của nhà họ Bùi, ta không lấy một đồng, ai lấy thì ngươi tìm người đó mà đòi. Ngươi nói với Tiết Ngọc đừng diễn trò với cha nàng ta nữa, diễn xong rồi laị muốn đem ngươi và thái mẫu cho ta nuôi, đúng là mơ tưởng!”
Bùi Mai vừa mắng xong, thấy Tiểu Đào ngơ ngác nhìn mình, lại làm con gái nàng là Uyển Nương khóc òa lên vì sợ, vội vàng bảo tỳ nữ đưa con bé đi dỗ, rồi bỗng chốc đổi sắc mặt, dùng khăn tay che miệng ho khẽ, dịu dàng nói: “Tiểu Đào, ngươi còn nhỏ, không hiểu lòng người hiểm ác. Tỷ tỷ làm vậy là vì muốn tốt cho ngươi. Ngươi và thái mẫu nhất định phải ở lại nhà họ Bùi, nếu không Tiết Ngọc sẽ phá hết gia sản nhà chúng ta.”
Dù Tiểu Đào lúc về có khóc nhưng tối đó nó vẫn từ trong ngực lấy ra nhiều loại điểm tâm. “Tỷ ấy muốn nói gì thì nói, ta lấy thì ta cứ lấy, không thể nào đi tay không mà về.”
Thái mẫu ở bên gật đầu liên tục: “Tiểu Đào đúng là có chí khí.”
Nghe lời khen, Tiểu Đào trở nên phấn chấn: “Lần sau ta sẽ lại đến, thái mẫu, con sẽ dẫn người theo.”
Thái mẫu: “Được, chúng ta phải có chí khí.”
“Chúng ta nhất định phải có chí khí!”
Ta: “…”
Sau khi vết thương lành, ta quyết định hàng ngày đi bộ hơn hai mươi dặm đến huyện thành tìm việc làm.
Tiểu Đào kéo tay ta hứa hẹn, yêu cầu ta phải về nhà trước lúc mặt trời lặn, nếu không nó sẽ bỏ thái mẫu lại mà đi tìm người.
Đến huyện thành, ta mới biết, những quán ăn và trà lâu không thiếu người làm, cũng không thuê phụ nữ để làm việc vặt. Những gia đình giàu có thì có một số việc lặt vặt, người quản gia hô một tiếng ở Hẻm Sư Tử, liền một nhóm phụ nữ tranh nhau làm, chen chúc không lọt vào nổi.
Ta đi mấy ngày, mặt dày lần lượt hỏi từng tiệm xem có việc gì làm không. Cuối cùng giúp một tiệm thuốc tán thuốc hai ngày, rồi khi Cửa hàng Vải Kinh Vân sắp xếp kho, ta lại đến phụ giúp chuyển hàng một ngày.
Tôn chưởng quầy của cửa hàng vải rất kỳ lạ, bỏ qua những người khỏe mạnh trẻ trung, lại bỏ tiền thuê mấy cô gái chuyển hàng. Có một cô gái cũng giống ta, nghi ngờ trong lòng, không kìm được hỏi ông ta.
Kết quả, Tôn chưởng quầy cười khẽ: “Tấm vải trong tay ngươi là vải lụa Phù Quang, mỗi tấm có giá mấy chục lượng bạc. Trong kho còn có lụa hoa trang trí bằng kim tuyến và lụa tuyết, đều rất quý giá. Những người làm việc thô ráp không dám dùng, các ngươi phải cẩn thận, từ từ mà chuyển, thà va vào các ngươi cũng không được làm hỏng tấm vải này.”
Mấy chục lượng bạc một tấm, phải là người nhà của Phủ Doãn Đào Châu hoặc các quan chức địa phương mới đủ khả năng mặc chúng.
Ta thầm xuýt xoa, ngắm nghía qua lớp vải, thấy thấp thoáng bên trong là màu sắc rực rỡ, lòng không khỏi rung động. Nhưng sau khi lãnh tiền công, mua mấy cái bánh bao trên đường về nhà, cũng quên mất mớ lụa Phù Quang kia.
“Tẩu tẩu, bánh bao còn nóng hổi, thật thơm thật ngon.”
Tiểu Đào cong mắt cười, vui vẻ chia cho thái mẫu, mỗi người một cái, rồi đưa cho ta bốn cái còn lại.
Ta nhận lấy, gói kỹ rồi đặt lên bàn: “Ngày mai muội và thái mẫu hâm nóng lại, mỗi người ăn hai cái nữa.”
“Tẩu tẩu, sao tẩu không ăn?” Tiểu Đào bĩu môi, không vui.
Ta vỗ bụng: “Buổi trưa ta đã ăn ở chỗ chưởng quầy cửa hàng vải ba bát, đến mức mặt hắn đen cả lại.”
“Ngọc Nương, con thật có chí khí!”
“Tẩu tẩu, tẩu thật có chí khí!”
Tiểu Đào và thái mẫu đồng thanh, giơ ngón cái lên, tự hào về ta.
Ta khiêm tốn vẫy tay: “Cũng tạm, lần sau có cơ hội ta sẽ cố gắng ăn bốn bát.”
Trước mặt họ, tất nhiên không thể bộc lộ, thực ra trong lòng ta rất lo lắng. Kiếm được quá ít, nay ba người chúng ta ăn bữa trước lo bữa sau. Khi Nhị Lang rời nhà, còn dặn dò rằng lương bổng sau này sẽ được gửi về mỗi hai tháng một lần.
Ta thật có lỗi với ngưởi, khi người đi, toàn bộ tiền đều để lại, còn cung kính cúi chào, dặn dò: “Tiểu muội và thái mẫu, xin nhờ tẩu ở nhà chăm sóc.”
Nhị Lang nói với giọng nghiêm nghị, từ trước tới giờ người chưa bao giờ gọi ta là “tẩu”, khi ấy ta xúc động đến đỏ mặt, kiềm chế sự ngại ngùng, cũng nghiêm túc cúi chào lại: “Nhất định không phụ lòng nhị thúc phó thác.”
Kết quả là, người ta mới đi chưa lâu, ta đã chăm sóc tiểu muội và thái mẫu đến mức phải ăn gió Tây Bắc rồi.
Trong lòng đầy nỗi lo, càng thêm bất an, sáng hôm sau, khi trời chưa sáng, ta đã dậy đi đến huyện thành.
3.
Hôm ấy thật không gặp may, cả buổi sáng ta cũng chẳng tìm được việc gì để làm, mãi đến gần trưa mới thấy một tiệm sách đang gọi người chép sách. Chép đủ mười tờ mới được một văn tiền, nhưng người trong tiệm lại nói rằng yêu cầu cũng không cao, chỉ cần chữ viết ngay ngắn là được.
Ta nghe thấy thế, trong lòng bỗng nhiên động, biết rõ bụng dạ chẳng được tốt mấy, vẫn quyết tâm bước vào.
Trong tiệm chật kín người, khoảng mười mấy người đều đang cắm cúi chép sách, duy chỉ có ta là cứ ngồi gãi đầu bứt tai. Ta đã tự tin quá rồi, dẫu rằng đại lang có dạy ta nhận mặt chữ, nhưng thực tế chữ ta viết cong queo, xiên vẹo, gặp phải mấy chữ khó hiểu, ta và chúng cứ ngỡ như người xa lạ, không ai nhận ai.
Bên cạnh ta, một công tử mặc áo vải màu nâu, đang cẩn thận chép sách, ta không kiềm được mà liếc nhìn qua, nét chữ y chang đại lang, bút pháp thật mực thước, chữ viết như rồng bay phượng múa, sinh động như hiện ra trước mắt.
Ta thở dài nhẹ giọng nói: “Ngươi viết thật đẹp.”
Công tử ấy ngẩng đầu nhìn ta, ánh mắt chúng ta bất ngờ chạm nhau, y lập tức đỏ mặt. Ta nhận ra mình đã quá đường đột, vội vàng nói: “Xin lỗi, ta không cố ý, chỉ muốn hỏi ngươi, chữ này đọc như thế nào?”
Ta chỉ vào một chữ trên bản mẫu, hắn ban đầu sững sờ, rồi nói: “Đây là chữ “Trùng”, nghĩa là như chim hạc bay cao vút ngàn dặm, một đường thẳng lên trời cao.”
Giọng nói của y trong trẻo, nghe cũng dễ chịu, ta không kìm được mà hỏi tiếp: “Ta thấy mọi người đều chép cùng một nội dung, cớ sao tiệm sách lại cần chép nhiều như vậy?”
Công tử ấy ngó quanh một lượt, rồi hạ thấp giọng nói: “Đây là tập thơ mới của Khương Vương từ kinh thành, đang làm mưa làm gió khắp Hoa Kinh, các châu phủ đều muốn tỏ lòng trước Khương Vương, cô cứ yên tâm mà chép, chữ viết có xấu một chút cũng không sao, tiệm sách này chỉ làm cho có để trình lên phủ Đạo Châu mà thôi, chứ thực ra cũng không bán được nhiều đâu.”
“Ồ, thì ra là vậy.” Ta an tâm ngồi lại, mỉm cười với y, “Cảm ơn ngươi.”
Công tử ấy có vẻ xấu hổ, vội đáp: “Không có gì đâu, cô nương đừng ngại.”
Ta vốn không phải là người có số mệnh kiếm tiền dễ dàng, người ta chép sách như gió, ta thì cặm cụi mãi mới được năm tờ.
Cuối cùng, thật sự không chịu nổi nữa, bụng ta bắt đầu kêu òng ọc. Tiệm sách rất yên tĩnh, nên tiếng kêu ấy nghe thật rõ ràng, ta ngượng quá không dám ngẩng đầu lên, cố gắng giữ bình tĩnh tiếp tục chép sách.
Một lát sau, bất ngờ có một bàn tay đưa qua, trên tay là một chiếc khăn sạch sẽ, trong khăn có một miếng bánh hấp.
Chính là công tử ấy.
Ta ngẩng lên nhìn hắn, hắn nhẹ nhàng nói: “Nếu cô nương không chê, có thể dùng tạm để đỡ đói.”
Lúc đói cồn cào, ai mà đi chê chứ.
Ta cũng có chút xấu hổ, nhưng cuối cùng cơn đói đã lấn át tất cả, ta đưa tay nhận lấy bánh.
“Cảm ơn, ta thật sự đói lắm, không khách khí với ngươi nữa.”
Ngày hôm ấy, chủ tiệm sách nhìn chằm chằm vào mười tờ giấy ta chép được, khóe miệng giật giật mấy lần, cuối cùng không tình nguyện đưa cho ta một văn tiền.
Còn ta, không chỉ khóe miệng giật, mà cả cổ tay cũng mỏi nhừ vì cố gắng kiếm được một văn tiền này.
Ráng chịu thêm nửa tháng nữa, có lẽ nhị thúc sẽ gửi tiền về rồi.
Nhị thúc đang đóng quân ở biên cương, thuộc loại binh trung đẳng, một ngày được bảy mươi văn tiền, một tháng thì nhận được hai lượng một tiền.
Nghĩ tới đây, ta bèn lên huyện thành, tìm đến Triệu đại thúc, người làm trong nha môn, dày mặt hỏi mượn ông ấy một quan tiền.
“Ta nể mặt Bùi lão gia đã khuất mới cho cô mượn đó, cô phải nhớ trả lại đấy, ta cũng không dễ dàng gì, nhà còn có đứa con gái bị què.”
“Triệu thúc cứ yên tâm, ta nhất định sẽ trả, Tiết Ngọc luôn giữ lời.”
…