19.

“Nếu con đã thừa nhận, mẹ cũng không nói gì thêm nữa. Để mẹ bảo cha con chọn ngày tốt, sớm sớm mà tổ chức hôn lễ nhé!”

Ta há hốc mồm nhìn mẹ, bà cười hiền từ, không có vẻ gì là tức giận, lại bảo ta nằm xuống, ăn no rồi ngủ tiếp, muốn ngủ đến lúc nào cũng được, còn bảo Ôn Túc mang thuốc cho ta.

Lúc quay đi, mẹ còn mắng Ôn Túc không biết giữ chừng mực, sao lại có thể giày vò ta cả đêm thế này? Nếu làm ta bị thương thì tính sao đây?

Ta nằm xuống kéo chăn phủ kín đầu, ta còn mặt mũi nào nữa huhu? Mẹ làm sao biết được chuyện giày vò cả đêm thế này?

Trong mơ màng ta nhớ lại đêm qua, động tĩnh không chỉ là lớn thôi đâu? Huynh ấy phát cuồng thật đáng sợ.

Mẹ ta nói nam nhân eo quá nhỏ thì không có sức, rõ là lừa ta.

Ngày cũng không cần cha ta chọn, ngày hôm sau Hoàng đế đã ban hôn cho chúng ta, hôn lễ sẽ tổ chức vào ngày mồng tám tháng Chạp, nghe nói là ngày lành vạn sự đều tốt.

Theo đó còn có sính lễ của ta, cho ta xuất giá từ phủ Hoài Vương.

Ta dọn vào Vương phủ ở, từ khi được ban hôn đến khi xuất giá chỉ còn vỏn vẹn mười ngày, ta còn không kịp thêu một chiếc khăn che mặt, đã mất mặt đến thế rồi, còn nói gì đến lễ nghĩa?

Nghe nói Ôn Túc đã đến hai lần, đều bị Bảo Châu đuổi đi ngay, mẹ nói trước hôn lễ gặp mặt là không may, bảo huynh ấy về đợi ngày cưới rồi hãy đến.

Huynh ấy để lại một mảnh giấy hoa đào.

[Ta ngưỡng mộ nàng từ lâu

Chỉ mình nàng không biết

Cưới được Bảo Ngân về tay

Túc vui mừng khôn xiết.]

{Thơ Ôn Túc viết, thơ ổng ngang nên edit ngang luôn-))}

Ta mím môi, áp mảnh giấy hoa đào chặt vào ngực.

Ngày huynh ấy đến cưới ta, ta cầm chiếc quạt tròn hoa lan, ngồi trong phòng chờ huynh ấy đến, Bảo Châu ngồi bên cạnh ta, bảo nha hoàn bên người đi xem bên ngoài đón dâu như nào rồi, dù sao Vương gia cũng đã mời tất cả những tài tử nổi tiếng trong kinh thành đến ngăn cửa cơ mà.

“Tỷ tỷ, tỷ bỏ quạt xuống đi! Cầm lâu tay sẽ mỏi, đại ca muốn vào cửa, cũng phải đợi một lúc nữa cơ!” Bảo Châu nhai đậu phộng, muội ấy háu ăn, ăn gì cũng thấy ngon.

Ta đặt quạt xuống, xoa đầu muội ấy, ai có thể ngờ một ngày ta lại xuất giá từ nhà chồng muội ấy chứ? Chắc Ôn Túc cũng không ngờ nhỉ? Nếu nghĩ đến, huynh ấy chắc chắn sẽ tốt với Vương gia hơn.

“Tỷ, ngày tỷ mới về, phu quân đã lén nói với muội rằng ánh mắt đại ca nhìn tỷ không trong sáng chút nào, sau này huynh ấy nhất định sẽ cưới tỷ, muội còn mắng chàng ấy nói linh tinh, bây giờ nhìn lại thì đúng thật chàng ấy nói không sai chút nào.”

Bảo Châu ánh mắt trong sáng, cười nói với ta.

Chưa đầy một khắc, nha hoàn đã trở về, nói cửa đã mở, tân lang sắp đến rồi.

Ta một mình đến đây, nay lại một thân một mình gả cho huynh ấy.

Đã xuất giá từ Vương phủ, của hồi môn tất nhiên là do Vương phủ chuẩn bị, nghe nói nhiều thứ là Hoàng thượng ban cho, còn có đồ cha mẹ ta chuẩn bị, Bảo Châu nói Ôn Túc đã mang hết tiền và giấy tờ đất của huynh ấy đưa đến, bảo Vương gia để vào của hồi môn.

Ngày đó ta như ý nguyện, gả cho huynh ấy.

Huynh ấy yêu thương ta suốt đời, chưa từng nói lời nặng với ta, cũng chưa từng để ta chịu chút ấm ức nào.

Ngoại truyện thứ nhất: Tuệ Nương

1.

Lúc đầu Tuệ Nương muốn gả vào Ôn gia, cha không cho, cha chỉ là quan thất phẩm, cũng chỉ có một cô con gái này, nhà tuy nghèo khó, nhưng nâng nàng như nâng trứng, hứng nàng như hứng hoa, lão phu nhân Ôn gia tự mình tới, mẹ không dám hứa, bảo là phải chờ cha về bàn bạc đã.

Cha về nghe kể lại, chỉ nói rằng nhị thiếu gia Ôn gia thì không có vấn đề gì, nhưng mà Ôn thượng thư thâm trầm khó dò quá, bây giờ thì thấy gấm hoa rực rỡ thế chứ sau này thì không biết thế nào.

Nhị thiếu gia Ôn gia là thám hoa, hôm cưỡi ngựa diễu hành đó nàng cũng có tới xem, cái câu “dịu dàng như ngọc” hẳn là để mô tả huynh ấy đấy nhỉ? Người như vậy, nàng có mơ cũng không dám nghĩ đến.

Mấy hôm sau, Ôn thượng thư đích thân đến nhà vì chuyện hôn sự của đệ đệ, ngài ấy trò chuyện với cha nửa ngày, thế là cha đồng ý.

Sau này nàng mới biết, Ôn thượng thư nói rằng, kể từ đời ngài ấy trở đi, nhi tử Ôn gia không nạp thiếp, nếu lỡ không có con, thà nhận con nuôi chứ nhất quyết không cho nạp thiếp.

Gả vào Ôn gia rồi, Tuệ Nương mới biết, hóa ra sau khi lấy chồng vẫn có thể sống thư thái tự tại, cha mẹ chồng đều là người hiền lành, chưa bao giờ hà khắc, cũng chẳng có quy định nào hết, đại ca tuy là quan lớn, trừ việc ít nói ra, thì rất hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương các đệ đệ và muội muội, nhị muội tuy gả vào hoàng gia, nhưng ngây thơ đáng yêu lắm, tam đệ thì thật thà, còn nhị ca thì đúng là không cần phải nói nữa.

Hễ cứ nhắc đến cô nương Bảo Ngân trong nhà, mẹ với Bảo Châu lại rơi lệ, Tuệ Nương biết, cô nương Bảo Ngân này cũng không phải con đẻ của Ôn gia.

Biện Kinh cách kinh thành không xa, huống chi chuyện Ôn gia càng khiến người ta tò mò hơn nữa, vì đại ca từ chối hôn sự với nhà Tống các lão, trong kinh dần có lời đồn.

Đại ca có cô vợ nuôi từ bé, lúc Ôn gia gặp nạn, nàng ấy là người chịu trăm cay ngàn đắng nuôi Bảo Châu khôn lớn, lại chăm sóc cha mẹ và các lang quân trong ngục, mãi đến tận lúc họ ra tù, thì nàng ấy cũng là người thuê nhà, ra ngoài làm ăn nuôi cả nhà từ lớn đến bé.

Lúc trước Ôn gia gặp nạn, thân thích không ai giúp một tay, tới lúc nghe tin đại ca làm thượng thư, thế là hẻm Hải Đường nơi cả nhà ở tạm bị người ta chen chật cứng.

Toàn người tới xin làm quan, cha mẹ bị họ chọc tức muốn đổ bệnh, sau đó chính cô nương Bảo Ngân chửi họ bỏ chạy tứ tán, câu chuyện nàng ấy chửi người năm đó, được các tiên sinh kể chuyện chép lại luôn, lúc đó Tuệ Nương còn chưa xuất giá, cha có nhắc tới việc này, bảo rằng nếu cô nương họ Trần kia đúng là cô vợ mà Ôn thượng thư nuôi, thì sau này người Ôn gia kia không bao giờ phải chịu thiệt.

Nhị lang kể rất nhiều chuyện về nàng ấy, Tuệ Nương vừa khâm phục vừa ước ao.

Mỗi khi nhắc tới Bảo Ngân, chỉ có đại ca là không nói câu nào, huynh ấy kiệm lời, tính tình lại lạnh nhạt, mỗi lần cha chồng cảm thán, rằng hôm đó lúc về kinh đáng lẽ ra nên trói nàng ấy mang về cùng, dù nàng ấy không chịu làm chủ mẫu Ôn gia, thì cũng phải để cha mẹ tìm một mối hôn sự thật tốt cho nàng ấy, phải về làm đại tiểu thư Ôn gia một cách danh chính ngôn thuận.

Đại ca cau mày nói rằng, nàng ấy xấu như vậy, ai lấy mà gả, để lại Ôn gia mà nuôi là được rồi.

Lúc đại ca nói vậy, khóe miệng sẽ cong lên vẽ thành một nụ cười, huynh ấy vốn là người lạnh nhạt, những lúc thế này mới có cảm giác của con người.

Bảo Châu sẽ khóc mắng: “Đại ca nói tầm bậy, tỷ tỷ của muội xấu ở chỗ nào? Ca xấu thì có!”

Đại khái cũng chỉ có nhị muội dám nói đại ca như vậy, nghe nói vị Trưởng công chúa đã chết kia nuôi hàng ngàn mỹ nam trong phủ, nhưng chỉ thực lòng yêu thương đại ca, nếu mấy ngày sau mà đăng cơ thật, thì đại ca đã làm hoàng phu luôn rồi.

Thế mới biết vẻ đẹp của đại ca, khắp Đại Khánh không ai sánh bằng.

Đại ca lại càng cười rộ, hỏi Bảo Châu rằng nàng ấy đẹp ở chỗ nào?

Gương mặt kia rõ là đang chờ người ta khen nàng ấy.

Bảo Châu gân cổ lên nói, tỷ tỷ muội cực kỳ trắng, muội chưa từng thấy ai trắng hơn, tỷ ấy thích cười, lúc cười con mắt cong cong như trăng lưỡi liềm, răng cũng trắng nữa, câu môi hồng răng trắng sinh ra là để mô tả tỷ ấy, bím tóc của tỷ tỷ vừa dày vừa dài, mấy nam nhân vào quán ăn mì cứ thấy tỷ ấy cười là đỏ mặt, ca nói xem tỷ ấy có xinh không?

Mẹ bèn nói Bảo Châu nói không sai chút nào, chưa thấy cô nương nào thích cười hơn, tính tình thận trọng, lại chu đáo, đợi đến lúc tới kinh thành, nếu như gặp rồi, thì không biết bao nhiêu nam nhân muốn lấy được Bảo Ngân đây?

Cứ như vậy hai năm, nàng ấy quay về thật.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play