8.
Vào đầu tháng tám, ta trở về Biện Kinh, hoa cúc ở Biện Kinh đã nở, rực rỡ và huy hoàng. Mở cửa ra đã có cơm canh nóng hổi, có người chờ ta về nhà, thậm chí chăn đệm cũng có mùi nắng. Nhìn kìa, ta đến thế giới này, cũng đâu phải vô ích.
Mẹ à, mẹ xem, vẫn có người thương con, con sống rất tốt. Nếu mẹ thật sự có thể biết được, hãy yên tâm ra đi nhé!
Kiếp sau hãy làm một chú chim bay hoặc con cá bơi lội nhé! Chỉ cần mẹ muốn, muốn bay xa đến đâu thì bay, muốn bơi rộng bao nhiêu thì bơi.
Nếu nhất định phải làm người, nếu con có thể lấy được một người tốt, mẹ hãy làm con của con nhé! Con nhất định sẽ mang đến cho mẹ tất cả những gì mẹ muốn. Thương mẹ, yêu mẹ, để mẹ trở thành đứa trẻ hạnh phúc nhất trên đời.
Thu đi đông đến, Hà Nam đổ một trận tuyết lớn, nghe nói làm chet vô số gia súc và người.
Thánh nhân không nghĩ cách cứu trợ thiên tai, lại lập đàn cầu đạo. Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến.
Đêm giao thừa, Trưởng Công Chúa làm phản, lấy lý do thánh nhân là một hôn quân, không xứng làm hoàng đế, bà muốn noi gương Võ Hậu, trở thành một nữ đế. Bà chém đầu đệ đệ ruột xong, ngày hôm sau lại chết trong phòng ngủ của mình.
Các đại thần trong triều, đứng đầu là Tống các lão, đồng loạt ủng hộ Thái tử lên ngôi, chỉ vài ngày sau, Hoàng đế của Đại Khánh đã thay người.
Dân chúng không quan tâm ai làm hoàng đế, chỉ cần có thể cho họ sống tốt, cho dù trên ngai vàng là một đứa trẻ ba tuổi họ cũng chấp nhận.
Thái tử thực sự khác biệt so với cha mình, chẳng bao lâu đã sắp xếp ổn thỏa việc cứu trợ thiên tai, trong triều trên dưới ai cũng khen ngợi hoàng thượng anh minh.
Người dân lưu vong ngoài thành Biện Kinh chỉ trong một ngày đã không còn dấu vết, nghe nói những người muốn về nhà đã được sắp xếp trở về, những người không muốn về thì được bố trí tại chỗ, chia đất và giúp xây nhà.
Những điều khác ta không hiểu, nhưng nhìn vào hành động này, tân hoàng chắc chắn không phải là người đơn giản.
Tháng tư gió xuân phơi phới, không lạnh không nóng, ta đang ở cửa sau nhận cá tôm được giao đến, Bảo Châu bỗng vội vàng chạy tới.
Ta hỏi muội ấy có chuyện gì, muội ấy chỉ rơi nước mắt, ấp úng không nên lời, ta tưởng nhà có chuyện gì, liền kéo muội ấy chạy về.
Nhưng đến cửa nhà, chỉ thấy một đám người vây quanh xem náo nhiệt, trước cửa đậu một chiếc xe ngựa, mấy con ngựa cao to buộc quanh cây lê già.
Khó khăn lắm mới chen vào được, vào đến sân, thấy mọi người trong nhà đều ở trong sân, nhà nhỏ chật hẹp, thực sự không có phòng nào chứa nổi mười mấy người này.
Chỉ có thể mang ghế ra ngồi trong sân nói chuyện, người ngồi ở chính giữa mặt trắng không râu, tóc bạc phơ, mặc áo vải xám, tuổi chắc hẳn lớn hơn bá phụ của ta nhiều.
Ta biết ông ấy chắc chắn là thái giám trong cung, đã mặc trang phục bình thường, nhất định là không muốn gây chú ý.
Ta kéo Bảo Châu đến chào.
“Chào ngài, nhà nhỏ chật hẹp, ngài phải chịu khổ rồi.”
Ông ấy rất thân thiện, không khắc nghiệt và nói giọng the thé giống như những gì trong sách kể.
Ông ấy đích thân đỡ ta dậy, ta lòng đầy nghi hoặc, lại xoay người đỡ ông ấy ngồi xuống.
“Tiểu cô nương này là Bảo Ngân phải không?”
Ông ấy lại biết tên ta, nhưng với tuổi của ta, gọi là “tiểu cô nương” đã không còn phù hợp nữa.
“Vâng, ta là Trần Bảo Ngân.”
“Nghe nói ngươi làm món hoành thánh hải sản rất ngon, hôm nay lão phu có thể thử một lần không?”
Ngay cả mì hoành thánh hải sản cũng biết ư? Ta đoán ông ấy chắc chắn quen biết đại công tử.
“Hải sản mới mua sáng nay còn để ở quán, nhị ca ra quán mang về giúp muội với ạ, tiện thể bảo Hà nương tử lấy thêm cho ba cân sườn, tam ca với muội vào dọn dẹp sửa soạn phòng chính đi, ai lại để khách ngồi ngoài sân thế này bao giờ.”
Dù gì thân phận người ta cũng không đơn giản, không thể để người ta ăn ngoài sân được.
Phòng chính khá rộng rãi, ngày thường là thúc thẩm ở, bên ngoài là phòng khách, ngăn cách bằng một cái bình phong, bên trong là giường, chuyển bình phong trong phòng ta và Bảo Châu qua, dọn dẹp sơ sơ, ngồi ăn bữa cơm cũng không quá tệ.
Còn mấy chục người hộ vệ, cho ở trong phòng của nhị ca và tam ca là được.
Bảo Châu cứ theo sau lưng ta lau nước mắt, mãi đến khi muội ấy khóc xong, ta mới hỏi muội ấy có chuyện gì.
Muội ấy nói ông lúc nãy bảo rằng cả nhà sẽ dọn đến Kinh Thành ở, đại ca đang cho người dọn dẹp nhà cửa, tỷ có đi không?
Ta biết sớm muộn gì cũng có ngày này, nên chỉ xoa đầu muội ấy.
“Ta đã bao nhiêu tuổi rồi chứ? Những năm qua không lấy chồng là để chăm sóc muội, bây giờ đại ca muốn đón cả nhà về ở cùng, muội cứ vui vẻ mà đi. Tỷ sẽ về lấy Cẩu Đản ở đầu làng, khi ta lấy chồng rồi, muội muốn về ở với ta thì về, Kinh Thành cách Biện Kinh có bao xa đâu? Có chuyện này thôi mà muội cũng khóc à?”
Ta vừa nhào bột vừa dỗ muội ấy, nếu thật sự có Cẩu Đản cũng tốt, ít nhất ta còn có thể lấy hắn, trong lòng không còn vọng tưởng, đã là vọng tưởng, đương nhiên là suy nghĩ viển vông.
“Tỷ lừa muội, Cẩu Đản đâu ra? Mẹ rõ ràng đã nói với tỷ rồi mà, muốn để đại ca cưới tỷ làm vợ, nếu đại ca cưới tỷ, tỷ sẽ là tẩu tẩu, thì phải về Kinh Thành với cả nhà chứ.”
Giờ ta mới biết thì ra huynh ấy tên là Ôn Túc, tự là Như Sơ.
Nếu năm đó ta đồng ý…
Ta lắc đầu cười khổ, đồng ý rồi thì sao? Con đường quan lộ vốn đã khó khăn, huynh ấy trải qua những chuyện như vậy, tất nhiên khó khăn hơn người khác, lẽ ra nên cưới một thê tử có thể giúp đỡ huynh ấy, ta có thể cho huynh ấy cái gì chứ? Huống hồ huynh ấy đối xử với ta cũng không khác biệt là bao.
“Ai nói muội ngốc vậy hả? Nhìn xem, nói ra những lời này, thật là có lý có sự. Tỷ đã hứa hôn với Cẩu Đản, năm ngoái về nhà, ta mới biết đến nay hắn còn chưa lấy vợ, vẫn đang chờ ta đấy! Tỷ làm sao có thể phụ lòng hắn đây? Không được nhắc đến lời mẹ nói trước mặt người khác, sẽ làm hỏng danh tiếng của đại ca muội, muội biết không?”
Muội ấy ấp úng một hồi lâu.
“Muội có thể theo tỷ tới nhà Cẩu Đản kia được không?”
“Muội nói xem? Nhà ai lấy vợ mà còn phải nuôi thêm em vợ chứ? Đợi bọn ta thành thân ở quê xong, tất nhiên vẫn phải về Biện Kinh, cửa hàng là do ta quyết định, muội muốn ở bao lâu thì ở bấy lâu, ta nuôi muội!”
Bảo Châu tựa như đứa con ta nuôi lớn, chúng ta nương tựa lẫn nhau bao nhiêu năm, muội ấy đối xử chân thành với ta, không nỡ rời xa là tất nhiên, chỉ để truyền đạt một lời nói mà thái giám trong cung đích thân đến, nhìn đãi ngộ của thái giám đó, tất nhiên không phải là người bình thường. Bảo Châu theo Ôn gia về Kinh Thành, đối với muội ấy mới là tốt nhất.
9.
Trừ món sủi cảo, còn lại đều là những món ăn gia đình bình thường, ăn xong bữa cơm này họ sẽ quay về kinh thành. Vị thái giám đó muốn nói chuyện riêng với ta vài câu.
Trong phòng chỉ có ông ấy và ta, ông ấy ngồi còn ta đứng. Ông ấy nhìn ta từ đầu đến chân, ta để mặc ông nhìn.
“Như Sơ và thánh thượng coi nhau như huynh đệ. Khi thánh thượng còn là thái tử, ngài ấy không được yêu thích, thậm chí có một thời gian còn bị đày đến Sơn Tây. Thánh thượng học tại học viện ở Sơn Tây, ngoài Như Sơ còn có con trai út của Tấu tướng quân là Phi Dương, ba người họ vừa gặp mà như đã quen từ lâu.”
“Đến khi thánh thượng được gọi về cung, ba người vẫn thư từ qua lại, không hề gián đoạn. Như Sơ có tài trị quốc, sau đó liên tiếp đỗ đạt, vào Hàn Lâm Viện. Ôn gia gặp khó khăn, trăm ngàn rối rắm đều vì thánh nhân, Như Sơ phải liều mình, Phi Dương ở biên cương ẩn nhẫn dưỡng sức mới có được thánh nhân như ngày nay.”
“Vị trí của họ trong lòng thánh nhân, ai có thể sánh bằng? Sau này con đường quan lộ của Như Sơ là không thể giới hạn. Tống các lão cầu thánh nhân ban hôn, muốn gả con gái út cho ngài ấy, thánh nhân gọi Như Sơ vào hỏi chuyện, ngài ấy lại nói trong nhà có một nha hoàn trung thành, chăm sóc tiểu muội, hiếu thuận với cha mẹ, năm nay đã là một đại cô nương hai mươi hai tuổi rồi, nếu ngài ấy mà không cưới, chẳng phải là một kẻ vô ơn vô nghĩa sao?”
“Thánh nhân để ta hỏi một câu, ngoài việc gả cho Như Sơ ra, còn có cách nào khác để trả ơn này không?”
Nha hoàn trung thành? Xem xem, trong lòng huynh ấy ta chỉ là một nha hoàn, thậm chí không được coi là một nữ nhân bình thường.
Thánh nhân đã cho ta đủ thể diện, ta còn có thể nói gì nữa? Tốt nhất là có một cái kết mà ai cũng vui vẻ.
“Công công lo xa rồi, những gì ta làm, không bằng một phần vạn những gì Ôn gia đã đối xử với ta, làm sao có thể nói là ơn nghĩa? Cha ta từ nhỏ đã định cho ta một mối hôn sự, năm ngoái ta về nhà, người ấy vẫn đang đợi để cưới ta. Ta và Bảo Châu nương tựa nhau nhiều năm, tất nhiên khó có thể rời xa nhau, nay đại công tử đã quay lại con đường quan lộ, ta không còn gì phải lo lắng. Đợi họ về kinh thành, ta sẽ về quê thành hôn. Công công chỉ cần báo lại thánh nhân rằng Ôn gia không nợ Bảo Ngân cái gì cả, Bảo Ngân hôm nay coi như đã trả xong nợ cho Ôn gia. Nếu sau này đại công tử thành hôn, Bảo Ngân nếu có thể uống một ly rượu mừng, thì còn gì tốt hơn.”