Trương Mặc Sênh thấy ông già mình ngơ ngác, thầm kêu không ổn, vội vàng truyền âm:
“Tiên sinh dường như đã quy ẩn, không thích nói đến chuyện phân tranh tu hành. Sau này cha cần phải cẩn thận, đừng có phạm húy mà khiến tiên sinh không vui.”
“Thằng quỷ! Chuyện quan trọng như thế sao không nhắc bố mày?”
Trương Huyền đổ mồ hôi, cũng truyền âm mắng lại.
Hôm nay gặp Nguyễn Đông Thanh, được y “truyền đạo”, trước mắt lão bây giờ giống như mở ra một chân trời mới. Trương Huyền giống như cảm giác được lờ mờ kế tiếp phải tiến bước trong Vụ Hải thế nào.
Người đã nhập Vụ Hải, mới có thể cảm giác được rốt cuộc vì sao từ ngũ cảnh đổ đi lại gọi là biển. Nơi này vô luận là nho đạo phật, tiên thần ma, đều đã sụp đổ, quấy thành một cái vùng hỗn độn đặc quánh như bùn.
Nếu khi trước là bậc thang, cứ leo một bước chính là một bước, ngước lên thấy kẻ nào cao hơn mình thì có nghĩa là hắn tu vi cao hơn, càng gần điểm đến hơn. Thì sau khi vào Vụ Hải, mê muội mông lung, không thấy đâu là bờ, đâu là đích.
Cho dù vượt hơn người khác một đoạn cũng chẳng thể biết được hướng đi của ai là đúng ai là sai.
Coi như trên đường tiến bước vô tình gặp một người phía trước, thì cũng vị tất kẻ kia đã đi xa hơn mình, thậm chí cả hai có đi cùng một con đường hay không thì cũng là ẩn số.
Đó là Vụ Hải.
Phật môn có câu rằng: “khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn.” (bể khổ vô biên, quay đầu là bờ.)
Huyền Hoàng giới thì có câu rằng: “vụ hải vô tận, thùy tri chung điểm?” (Vụ Hải vô tận, ai biết đâu là điểm cuối?)
Nguyễn Đông Thanh “giảng đạo” một lần, giống như vạch ra một con đường sáng, giúp lão tiến sâu thêm vào Vụ Hải. Cho dù không đi được đến điểm cuối, tu vi chắc chắn đề thăng không chỉ một bậc.
Bấy giờ, lão cũng đã mặc kệ khoai lang khoai sắn, ba bốn một hai.
Trương Huyền hiện tại cực kỳ kiên định, quyết chí phải thiết lập quan hệ hữu hảo với Bích Mặc tiên sinh.
Nguyễn Đông Thanh gật đầu, nói:
“Không bằng hai vị bế quan một đêm, nắm chắc kỹ thuật này. Sau đó ngay ngày mai tổ chức Mỹ Vị đấu, lấy cái thế điện quang hỏa thạch giành thắng lợi, đừng để ả Tiêu Hàm Huân kia có cơ hội phản ứng. Lần này lên núi, hành hung người của mụ ở trạm gác như thế e là đã đánh rắn động cỏ.”
“Tiên sinh dạy phải. Cha con Trương mỗ thụ giáo.”
Trương Huyền hành lễ xong, lập tức tóm cổ thằng con, phi vào Thực Thần Cư bế quan.
oOo
Nguyễn Đông Thanh không ngờ Trương Huyền lại có tính tuân thủ cao đến thế, câu trước câu sau đã áp dụng “cái thế điện quang hỏa thạch” vào cả chuyện bế quan. Gã phi cười, sau đó rảo bước ra phía bên ngoài Thực Thần Cư.
Chỉ thấy, cánh đồng cỏ bao la trải dài ngút tầm mắt.
Bốn bề cây sai trĩu quả, rau củ xanh rờn, chim bay cá nhảy, quả thực không khác gì một chốn đào nguyên thế ngoại, tiên cảnh nhân gian.
Nếu không có mấy chuyện tranh tranh đoạt đoạt, người đâm ta một nhát ta xiên người một đao, thì có lẽ đây quả thực chính là một chốn tiên cảnh trên đời, chẳng nhiễm khói lửa trần gian.
Nguyễn Đông Thanh nghĩ đến đây, bất giác bật cười.
Tiên trong truyện cổ thì vô cầu vô dục, lẩn trong núi rừng.
Tiên trong tiểu thuyết thì lại sát phạt quả đoán, lãnh huyết vô tình, thị phi bất phân, tự tư tự lợi.
Một bên thì tị thế thái quá, một bên lại vị kỷ đến cực đoan.
Rốt cuộc thế nào mới tốt?
Bên nào lại càng “con người” hơn?
Nguyễn Đông Thanh lắc đầu, nhún vai một cái, thả mình ngã xuống thảm cỏ êm. Hắn rút lấy một nhánh cỏ đuôi lau, ngậm trong miệng, sau đó ngâm nga đọc:
“Hồ hải sơ tâm vị thuỷ ma,
Quang âm như tiễn hựu như thoa.
Thanh phong minh nguyệt sinh nhai túc,
Lục thuỷ thanh sơn hoạt kế đa.
Hiểu quải cô phàm lăng hãn mạn,
Vãn hoành đoản địch lộng yên ba.
Tạ Tam kim dĩ vô tiêu tức,
Lưu đắc không thuyền các thiển sa.”
(Tấm lòng hồ hải trước đây chưa từng tiêu mòn,
Bóng quang âm vun vút như tên lại như thoi.
Gió mát trăng thanh, sinh nhai đủ,
Non xanh nước biếc, kế sống dồi dào.
Buổi sớm, kéo cánh buồm cô đơn băng mặt nước mênh mông,
Chiều hôm, cầm ngang chiếc sáo ngắn, đùa với khói sóng.
Tạ Tam nay đã không còn tăm hơi gì nữa,
Chỉ còn lưu lại chiếc thuyền không, ghếch mình lên cát.)
Mỗi lần thấy phiền lòng, Nguyễn Đông Thanh lại bất giác nhớ đến bài thơ này của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung, tức anh ruột của Đức Thánh Trần. Tuy không rõ “Tạ Tam” trong bài là ai, nhưng cái ý cảnh tiêu dao nhàn nhã lại thoang thoảng chút ưu tư ấy không khỏi khiến gã nghĩ đến áng văn Tiếu Ngạo Giang Hồ.
Cuối cùng, Nguyễn Đông Thanh tạm thời không nghĩ đến những chuyện này nữa.
Hồng Đô, Trần Dũng, Nguyên Phương cũng không thèm hỏi hắn thơ này là do ai làm như trước đây, có lẽ cũng đã quá quen câu trả lời của gã.
Không cần hỏi. Có hỏi thì đáp án cũng là “không phải hắn viết”.
Rõ ràng Nguyễn Đông Thanh nói thật, song dường như người ta không ai chịu tin cả, cứ nghĩ rằng hắn khiêm tốn mới biên ra một ông tiền bối nào đấy.
oOo
Sang ngày hôm sau.
Trương Huyền, Trương Mặc Sênh xuất quan.
Tiếng chuông trên tháp Thực Thần Cư cũng ngân lên, vang vọng không ngơi nghỉ năm hồi dài. Phàm là người trong trang thì đều biết, đây là tiếng chuông triệu tập chỉ được trang chủ dùng tới khi gọi các phong chủ đến bàn đại sự.
Người thuộc ba phe Toan Phong, Khổ Phong, Lạt Phong thì mừng rỡ.
Người Cam Phong, Hàm Phong cũng mơ hồ cảm nhận được...
Sắc trời Mỹ Vị sơn trang này sắp có biến đổi lớn,
Hiện giờ, trước cửa Thực Thần Cư, bày một chỗ trống đơn sơ, trước cửa bày một cái tràng kỷ phủ vải trắng, cùng mấy chiếc ghế gỗ. Hai cha con Trương Huyền, Trương Mặc Sênh đứng bên mé tả.
Hai người thần sắc đạm nhiên, khuôn mặt nghiêm túc, ánh mắt cương nghị, trước mặt đặt sẵn đồ nghề làm bếp. Thoạt nhìn, tạp dề bay múa trong gió, quả thực có mấy phần phong phạm của tướng soái trước trận chờ địch quân.