Kể tiếp chuyện của Lệ Chi sơn...

Sau khi đánh bật được lần thảo phạt đầu tiên của triều đình, Lâm Thanh Tùng lập tức mời một số tộc nhân tộc Thiên Thù ở lại, giúp đỡ nghĩa quân xây dựng thành quách, thiết kế công sự.

Cấu trúc sơn trại liên hoàn vẫn được giữ lại, nhưng tộc Thiên Thù còn đào thêm nhánh sông, khiến các phân trại có thêm một con đường liên kết hô ứng lẫn nhau. Lại mượn cây cối nhanh chóng dựng tháp canh, đài quan sát, chính giữa liên kết bằng cầu sắt. Xương sống của cầu là loại tơ mềm hơn lụa, bền hơn sắt thép do tộc Thiên Thù nhả ra, vô cùng vững chắc, không sợ tên bắn lửa đốt, sét đánh mưa rơi.

Có thể nói, chỉ trong thời gian chưa đầy một tháng, chờ Đại Việt điều động binh lực, Trình Chân Kim thu góp tàn binh xong xuôi, Lâm Thanh Tùng và tộc Thiên Thù đã cải tạo Lệ Chi sơn thành một pháo đài cứng như khối sắt, án ngữ sơn đạo yếu hại. Từ đây đông có thể uy hiếp Tế Kỳ thành, xuôi nam thêm trăm dặm là ruộng lúa bạt ngàn, có thể tiến có thể lùi.

Hoàng Thanh Nhàn dẫn theo mấy ngàn binh mã thành Bạch Đế, vội vàng chạy tới chỗ hội quân. Trên mặt Trình Chân Kim toàn là mây đen, tay cầm hai quả chùy bạc ngồi ở chủ vị, cơ hồ chỉ thiếu điều đóng đinh treo cái biển “người sống chớ chọc vào” lủng lẳng trước trán.

Lại nhìn...

Ngoại trừ tàn binh Trình Chân Kim gom về được, nơi hội quân còn có hai đội nhân mã. Trông cờ xí đằng sau, Hoàng Thanh Nhàn có thể đoán được một phe là do Bát Kỳ Chiến Hầu Đồng Quang Vinh phái tới, một lại là đến từ thành Chiết Kích ở châu Hỷ Phượng.

Lá cờ thêu một thanh kích gãy, không lẫn vào đâu được.

Chưởng Kiếm quan âm thầm giật mình một cái, tự hỏi châu chủ châu Hỷ Phượng đang chơi trò gì, là bản ý hay còn có kẻ khác giật dây.

Phải biết...

Thành Chiết Kích ngoài mặt nói là thành, nhưng thực tế tường đổ tháp nát, đất đai cằn cỗi chim không thèm ị. Nhân khẩu chốn này cũng chỉ được mười vạn người, so với ải Quan Lâm thì cũng chẳng xê xích bao nhiêu. Có khác thì cũng chỉ khác là nơi này nằm sâu trong lục địa, ở tận phương nam xa xôi, nên không chịu cảnh Hải Thú quấy rầy, thú triều bộc phát như những nơi khác.

Chiết Kích Trầm Sa.

Tương truyền, năm xưa lúc thảo phạt Bạo Long, chiến tướng đắc ý nhất của Lê Thái Tổ – Bằng quận công Trần Đình Trọng trúng mai phục, mất mạng ở đây.

Hiện giờ sử gia còn đang tranh cãi chảy máu đầu nguyên do thái tổ đặt tên hai thành ở châu Hỷ Phượng như vậy là gì. Có người bảo ông có mâu thuẫn từ trước với Trần Đình Trọng, cuộc mai phục ở phía nam chẳng qua là một biến tướng của câu “hết chim bẻ ná, hết cá bẻ nơm” mà thôi. Lại có kẻ nói đấy là thái tổ muốn tự nhắc nhở bản thân không thể ngông cuồng tự đại, bằng không hậu quả nhàn tiễn ở đó.

Sau khi dẹp tộc Bạo Long, lập quốc Đại Việt, thành Chiết Kích cũng trở thành một chốn bình yên hiếm thấy.

Ngặt nỗi nơi đây đất cằn sỏi đá, không rừng không ao, không gần sông chẳng giáp biển, khó lòng mưu sinh được. Thành thử mặc dù Đại Việt lập quốc đã vài trăm năm, nhưng thành Chiết Kích vẫn cứ an vị là một chốn khỉ ho cò gáy. Thành thử quân đội đồn trú ở đây cũng chẳng có bao nhiêu, chủ yếu là hương binh, dân binh mà thôi.

Đương nhiên, nếu chỉ như vậy, thì những việc này cũng chỉ đủ khiến Chưởng Kiếm quan thành Bạch Đế hiếu kỳ mà thôi. Thế nhưng, ở đời, có gì mà lại đơn giản như bề mặt?

Người khác có thể không biết, nhưng Hoàng Thanh Nhàn cực kỳ tỏ tường: thành Chiết Kích chính là quê quán của Lý Thanh Vân. Ngoại trừ mộ phần mẹ đẻ của cậu chàng ra, còn có thầy đồ từng dạy Toái Đản Cuồng Ma học chữ.

Nhớ đến điểm này, y thị mới lờ mờ phát giác...

Trong đám hương binh dường như còn có một trung niên mặc nho sam, đầu đóng khăn theo kiểu kẻ có chữ, chạy theo làm quân sư đầu chó. Hơn nữa mặt mày hớn ha hớn hở, giống như không thể chờ nổi lên chiến trường hiến kế lập công, cất bước đạp vào đường công danh khi tuổi đã ngũ tuần...

Mẹ nó!

Hoàng Thanh Nhàn rốt cuộc đã hiểu.

Châu chủ châu Hỷ Phượng rõ ràng muốn mượn đao giết người, tạo ra xích mích giữa Lệ Chi sơn và Lý Thanh Vân! Hơn nữa, thằng cha này lại còn mừng rỡ hớn hở, trong mắt hàm ơn.

Quả thật là đã bị người ta bán còn nhớ ơn.

Y thị bước lên một bước, chắp tay:

“Hạ quan vâng mệnh thánh thượng, dẫn binh mã Bạch Đế đến chờ lệnh.”

Trình Chân Kim ngẩng đầu, mắt quắc lên, chầm chậm mở miệng:

“Ngồi.”

Đối với thái độ không mấy hữu hảo của Oanh Thiên Lôi, Hoàng Thanh Nhàn tuy là già đời thành tinh, quan trường lão luyện cũng phải nhíu mày không vui. Vẫn biết nhà ngươi thua trận, đã thế còn thua sơn tặc, tâm tình sa sút...

Nhưng chúng ta mang binh đến trợ giúp.

Chẳng những không niềm nở tiếp đón, trái lại quăng ra một cái bộ mặt dài như quả mướp.

Tâm tính như này cũng xứng thống lĩnh tam quân sao?

Hoàng Thanh Nhàn lắc đầu, dời ánh mắt về phía đội nhân mã cuối cùng – quân của Đồng Quang Vinh.

Nhân mã của đối phương cũng không nhiều, chỉ có tám trăm người mặc trọng giáp đen trũi, tay cầm một thanh đại kích dài hai trượng, đứng nghiêm trang, sát khí trong lúc lơ đãng phát ra đã bàng bạc như biển rộng, trầm trọng như núi lớn.

Dẫn đầu là một trung niên gầy gò, lộ rõ dáng vẻ thư hương văn sĩ. Tóc y búi củ hành, mình vận một bộ áo nâu chẳng mấy bắt mắt, lưng đeo một thanh trường kiếm dài ba thước ba, bấy giờ chính đang nhắm mắt dưỡng thần. Dường như cảm nhận được ánh mắt của Hoàng Thanh Nhàn, trung niên bèn mở mắt, cười:

“Bái kiến Hoàng chưởng kiếm.”

“Dám hỏi đằng trước có phải Vân đại nho?”

Hoàng Thanh Nhàn nhìn về phía tám trăm quân đại kích, lại ngó trung niên áo nâu, trong đầu đột nhiên nhớ đến một nhân vật đã từng sất trá phong vân trong chiến tranh Tề – Việt nhiều năm trước.

Nho Tướng – Vân Tiêu Mạc.

Trung niên vuốt râu, cười:

“Không ngờ lão phu mai danh ẩn tích nửa đời người, thế mà trên đời vẫn còn có một vị quý nhân ghi nhớ đến, quả thật là khiến lòng hư vinh của Vân mỗ được thỏa mãn vô cùng.”

Hoàng Thanh Nhàn tuy sớm cũng đã đoán được thân phận của lão, nhưng bây giờ nghe chính miệng Vân Tiêu Mạc thừa nhận thì cũng vẫn chấn kinh một phen, giật nảy cả người.

Phải biết...

Có người từng làm vè rằng:



“Vạn Nhân Đồ binh bại Vân Nguyên.

Bạch Mã Hầu phần thành tuẫn quốc.

Nghiêm sát thần tự tận Trúc Hải.

Cao Tử Trọng biệt tích vô tung.

Ai tai...

Binh gia hựu xuất Vân Nho Tướng.”

Người này tài luyện binh không thua Binh Trung Hiệp, đại kích sĩ dưới tay đều là hạng kiêu binh hãn tướng dám đối cứng với địch quân đông gấp mười lần mà không sợ hãi, một người có thể đánh năm sáu mươi lão tốt bình thường. Lại thêm trí kế vô song, bụng có thao lược, quả thật là lên tiền tuyến có thể cầm binh, về hậu phương có thể hiến kế.

Nho sam mộc mạc, trong lúc nói cười, khiến vạn quân trăm tướng chiết kích trầm sa, nói chính là Vân Tiêu Mạc.

Năm xưa Đại Việt lấy thế yếu, phản công đánh bại được quân Tề ở chiến trường phía đông, có công rất lớn của Vân Tiêu Mạc. Trước tiên dẫn đại kích sĩ chặn đánh quân Tề ở phía đông thành Tế Kỳ, đánh què nhuệ khí của Hữu Dực quân.

Đồng Quang Vinh dẫn binh vòng qua Giải Đảo, đổ bộ chặn Nhất Tuyến Nam Thiên bắt rùa trong rọ. Nếu không phải Tô gia có người dẫn Hậu Kiều quân hành quân thần tốc, từ phía bắc đánh vào Nhất Tuyến Nam Thiên, có lẽ hiện giờ tứ đại quân đoàn của Đại Tề đã mất một bên cánh.

Về sau, lão thái sư Trương Hạc dâng tấu xin triều đình phong thưởng cho Vân Tiêu Mạc làm Tịnh hầu, phong tám trăm hộ. Thế nhưng Nho tướng lấy cớ dã hạc nhàn vân đã quen, không muốn ra làm quan xuất sĩ, bèn từ chối phong tước.

Thế nhưng hiện giờ, Nho tướng lần nữa dẫn đại kích sĩ xuất thế, còn mượn danh nghĩa Đồng Quang Vinh xuất hiện ở Lệ Chi sơn.

Phải biết...

Tuy nói Đồng Quang Vinh nhờ Vân Tiêu Mạc mới mò được công quân hiển hách, lắc mình biến thành châu chủ châu Kim Quy, nhưng điều đó không có nghĩa là Nho Tướng là thuộc hạ của y.

Vân Tiêu Mạc ngay cả mặt mũi của Trương Hạc cũng có thể không cho, đương nhiên là một Bát Kỳ Chiến Hầu còn chưa thể sai khiến được lão.

Hoàng Thanh Nhàn cũng vì chuyện này mà lấy làm hiếu kỳ, bèn hỏi:

“Lệ Chi sơn chẳng qua là một đám ô hợp, chỉ có thể co ro giữ một khoảng đất mà thôi. Trước đây từng giao chiến nhiều bận với Hồ Ma thành chủ, không thắng một trận nào. Vân lão tự mình rời núi há chẳng phải là giết gà dùng dao mổ trâu hay sao?”

Vân Tiêu Mạc cười:

“Hoàng chấp kiếm chức cao nhiều việc, chắc hẳn là còn chưa kịp nghiên cứu chiến báo. Xuyên Vân Tiễn Chu Văn Võ, Binh Trung Hiệp Cao Tử Trọng đồng thời xuất hiện ở núi Lệ Chi, hơn nữa nhìn tu vi thì đều đã đạp vào Vụ Hải. Lại thêm Bạch Mã Hầu Đặng Tiến Đông, văn võ đều đã đủ, Hoàng chấp kiếm còn nghĩ đối phương không thành khí được chăng?”

“Lại còn có việc này?”

Hoàng Thanh Nhàn nghe lão nhắc đến hai trong tứ mãnh khuyển biến mất trong trận thủ thành Quan Lâm năm đó, sắc mặt biến ảo bất định.

Vân Tiêu Mạc nói:

“Thánh thượng sợ nếu để Lệ Chi sơn có thời gian thở gấp, Cao Tử Trọng luyện ra được một chi tinh binh thì đã muộn, Khi ấy dù cho lão phu lần nữa rời núi, muốn tiêu diệt được bọn hắn chỉ e là chuyện khó như lên trời. Bởi lẽ Chu Văn Võ có ơn dạy học với Võ Hoàng, y chắc chắn sẽ không xuất thủ.

“Thế là thánh thượng viết liên tiếp ba đạo thánh chỉ, mời lão phu rời núi công kích Lệ Chi sơn.”

Nói đến đây, y cũng phải lắc đầu.

Lệ Chi sơn phát triển quá nhanh.

Không ai ngờ được, một tội tướng không có gì đặc biệt, từ thực lực tài trí cho đến nhân phẩm mị lực đều chỉ thường thường bậc trung như Phó Kinh Hồng lại có thể tụ hội nhân tài, chỉ dùng vài tháng đã biến Lệ Chi sơn trở thành cái gai trong mắt hoàng thất Đại Việt.

Nhưng Tái Ông mất ngựa, thành bại được mất vô thường.

Phó Kinh Hồng muốn mượn tài năng của Cao Tử Trọng để phát triển cấp tốc, lại vì thế mà chọc vào vẩy ngược của người trong triều.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play