Sau Khi Bị Long Ngạo Thiên Ngộ Nhận Thành Đồng Hương

Chương 1


5 giờ


Editor: Mie

Chương 1:

Chu Tốn bị người áp giải vào điện, ấn quỳ xuống nền gạch. Nền gạch cứng ngắc lại lạnh lẽo đến thấu xương, đối mặt với vận mệnh sắp đến, y chỉ chau mày, lạnh lùng đối diện.

Nơi y đang quỳ chính là thư phòng của đương kim Thánh thượng. Đối nghịch với Chu Thải, người người biết hắn ta là thần tử thân tín nhất của thánh thượng, được ân chuẩn ra vào ngự thư phòng như chốn không người. Còn y là lần đầu đến chốn này.

Chu Thải thân thân là tân khoa trạng nguyên được đích thân Hoàng thượng nói cười nghênh đón vào, là sủng thần thiên tử. Còn Chu Tốn lại là một cuồng đồ mưu sát hoàng đế, bị thị vệ áp giải như phạm nhân.

Trạng nguyên ba năm xuất có một, nhưng dám cả gan không màng sống chết hành thích hoàng thượng ngay trong gia yến thì cả triều đại này chắc chỉ có mình y.

Ngẫm lại, vẫn là y tương đối hiếm lạ.

Cả đời này y nhẫn nhịn cầu toàn, mọi việc đều cầu chữ “Tốn” để bảo toàn bản thân dưới tay người ca ca tiếu diệu hổ(*). Vậy mà cuối cùng vẫn bị hắn ta hãm hại, đẩy vào vực sâu. Song, trước khi chết, y cũng coi như đã thắng hắn ta một phen.

(*)Tiếu diệu hổ: hổ mặt cười (chỉ người mặt thì cười nhưng rất nguy hiểm)

Nghĩ đến đây, Chu Tốn bỗng nhiên muốn cười. Khóe miệng khẽ giật, kéo theo vết bầm tím trên mặt, khiến y hơi đau.

Chu Thải là ca ca cùng cha khác mẹ của Chu Tốn, còn trẻ đã sớm thành danh, là vạn người mê danh xứng với thực. Người đời chỉ thấy Chu Thải ôn tồn lễ độ, ngọc thụ lâm phong, khen hắn có phong thái quân tử. Nhưng không ai biết khi hắn ta mới 9 tuổi, chỉ vì thứ đệ cùng cha khác mẹ trong hội thi câu đối xếp trên hắn một bậc, liền ở nơi không người cười mà đẩy ấu đệ mới 6 tuổi vào hồ nước cuối thu lạnh băng.

Chu Thải xử sự xong thì phủi áo mà đi, lại ngồi vào giữa đám người. Còn thứ đệ này tuy may mắn tự mình bơi được vào bờ, nhưng vì lần rơi nước đó mà sốt cao không dứt, nằm liệt giường suốt một tháng, suýt chút nữa đã mất mạng.

Vị thứ đệ ấy chính là Chu Tốn đang quỳ ở đây.

Có lẽ là trời cao rủ lòng thương, bệnh của Chu Tốn kỳ diệu mà khỏi. Nhưng trong lúc thập tử nhất sinh giữa cơn sốt triền miên ấy, trong lòng y còn khắc sâu lời mẫu thân đã ôm y khóc không ngừng:

‘Nương không cần con phải có bao nhiêu đại tiền đồ, chỉ mong con bình an mà lớn lên. Chúng ta sinh ra đã thấp kém hơn người ta một đầu... Nếu có trách, thì trách nương đã sinh ra không cho con số tốt…’

Năm 6 tuổi ấy, y lau sạch nước mắt mẫu thân. Cũng từ đó, thần đồng một giới biến mất khỏi người đời, cẩn thận duy trì danh “kém cỏi” so với đích huynh tài hoa. Chu Thải là tài tử Giang Châu người người ngưỡng mộ, còn y chỉ sống dưới cái bóng của đối phương.

Bao nhiêu tủi nhục, y đều chịu đựng. Y không tranh không giành với Chu Thải, tâm nguyện duy nhất là chờ ngày đỗ đạt, có thể tự lập phủ riêng, đón mẫu thân ra ngoài, từ đó trời cao biển rộng, tiêu dao tự tại.

Nhưng ông trời ngay cả nguyện vọng nhỏ bé ấy cũng không cho y.

Ngũ vương gia si mê Chu Thải, coi Chu Thải là bạch nguyệt quang. Chu Thải lại lúc gần lúc xa với Ngũ vương gia, không muốn mang danh nam sủng, nhưng lại sẵn lòng dâng thứ đệ có dung mạo tương tự cho Ngũ vương gia để lấy lòng.

Thứ đệ đó chính là Chu Tốn.

Ban đầu Ngũ Vương gia đối xử với y vô cùng khách khí, còn chúc y đạt thành tích cao trong kỳ thi hội. Chu Tốn hoàn toàn không hay biết âm mưu của Chu Thải, lại còn cảm kích ân tình của hắn ta, hạ quyết tâm sau này sẽ trả ơn.

Mãi cho đến trước ngày thi, tin Chu Thải đính hôn với thiên kim lễ bộ thượng thư truyền đến Vương phủ.

Đêm đó, Ngũ vương gia uống đến say mèm. Hắn ta đẩy cửa phòng, nhận nhầm Chu Tốn là Chu Thải, muốn cưỡng bức y. Chu Tốn ra sức chống cự, kết cục rơi xuống hồ nước, thân thể kiệt quệ, hôm sau chỉ có thể chống đỡ thân bệnh miễn cưỡng đến dự thi.

Chu Tốn vì ốm bệnh mà ngất xỉu ở ngay trường thi, xong thi rớt. Chu Thải lại trong khảo thí thi đỗ nhất giáp(*), được Hoàng thượng chỉ định làm trạng nguyên, xuân phong đắc ý, một ngày dạo hết hoa Trường An.

(*)Nhất giáp: Vị trí đứng đầu trong tam giáp gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.

Một người đỗ trạng nguyên, một người rớt bảng. Sau đó, chuyện của Chu Tốn và Ngũ Vương gia không hiểu sao lại bị phanh phui. Phụ thân y giận dữ, chỉ vào mặt y mà mắng mỏ, định đuổi y ra khỏi nhà vì tội bất hiếu không học hành. Mẫu thân thay y cầu tình, dập đầu đến chảy máu.

Tân khoa trạng nguyên Chu Thải đúng lúc này lại đứng ra. Hắn ta nói, sự đã rồi, chẳng bằng đem thứ đệ gả cho Ngũ vương gia, coi như thành toàn.

Kể từ đó, Chu Tốn bị đưa vào Vương phủ… Ngũ Vương gia thẹn trong lòng, nâng đỡ Chu gia thăng tiến vào kinh. Chu Thải nhập Hàn Lâm viện, thiên kim lễ bộ thượng thư gả vào Chu gia, toàn gia vui mừng khôn xiết, chỉ có Chu Tốn...

Y trở thành “vật” trong “nhìn vật nhớ người.” Ngũ Vương gia nhìn y, nhưng lại gọi tên Chu Thải, bắt y phải học cách ăn mặc, cư xử giống Chu Thải, biến y thành con rối trong phủ Vương gia. Y đã nhiều lần tìm cách chạy trốn, nhưng đều bị Ngũ vương gia bắt trở về.

Y từng mấy lần nhảy hồ, mấy lần thắt cổ. Số mệnh tựa như đã bị định sẵn cho y là tuyệt vọng, nhưng ông trời lại cứ để y may mắn sống sót. Sau lần thứ năm thắt cổ không thành, y ngồi trên giường, vuốt ve vết bầm nơi cổ, nhìn tuyết mới rơi ngoài cửa sổ, cuối cùng hạ quyết tâm.

Y muốn trả thù.

Y làm bộ nhu thuận, lấy lý do nhớ huynh trưởng mà cầu xin Ngũ vương gia dẫn y đi dự cung yến trừ tịch. Ở rong mắt Ngũ vương gia, Chu Thải tốt như vậy, như thế nào có người không thích hắn đâu? Ngay cả kẻ làm thế thân như Chu Tốn có nhớ mong huynh trưởng ôn nhu thiện lương của mình cũng hết sức bình thường.

Chu Tốn tại cung yến gặp lại Chu Thải. Hắn ta đứng bên cạnh Hoàng thượng, cười nói vui vẻ. Hoàng đế cũng cười với hắn ta, đối đãi thân hậu vô cùng. Chu Thải giờ đã là sủng thần bên cạnh Hoàng đế, còn y thì chẳng có gì ngoài danh thế thân không nơi cưu mang. Cảnh tượng ấy càng làm nức cười đến cực điểm, cũng làm y càng thêm bình tĩnh.

Ngũ vương gia nâng chén nhìn hai người họ, thần sắc ảm đạm. Chu Tốn liền nhân cơ hội này thỉnh cầu một danh phận chính thức.

Dĩ nhiên Ngũ vương gia cho rằng Chu Tốn không xứng. Nhưng Chu Tốn không để bụng, chỉ nói: “Bằng không, huynh trưởng thiện lương của ta sẽ vì ta mà thương tâm. Ngươi không nghĩ làm hắn thương tâm, đúng không?”

Con đường báo thù của Chu Tốn từ đây tiến thêm một bước. Trên mặt y vẫn mang theo cười, nhưng trong lòng lại nghĩ:

‘Nhìn đi, chỉ cần dùng danh nghĩa Chu Thải hành sự, hết thảy đều có thể dễ dàng, không phải sao?’

Sau Ngũ vương gia lại dẫn y tới dự cung yến, bởi lẽ nghĩ rằng y đã chịu yên phận, ngay cả thái độ đối đãi ngày thường với y cũng tốt hơn trước.

Để hồi báo lại "lòng tốt" đó, ngay trên cung yến, trước mặt mọi người, Chu Tốn đã hành thích Hoàng thượng.

Hành thích Hoàng đế là tội tru di cửu tộc, không ai so với Chu Tốn bị bủa vây trong thống khổ rõ ràng hơn.

— Một con kiến, làm sao lay chuyển được đại thụ?

— Dĩ nhiên là phải dùng sét đánh tới!

Y muốn lấy tội danh  giết vua, kéo theo Ngũ Vương phủ, kéo theo Chu gia, kéo theo tất cả những kẻ đã hủy hoại vận mệnh và phẩm giá của y…

Cùng y xuống địa ngục!

Chu Tốn không thành công, nhưng mục đích hành thích Hoàng đế đã đạt được. Khi bị kéo ra khỏi điện, miệng y ngậm máu, mặt không biểu cảm.

Cuộc đời y là một tấn bi hài và hoang đường. Nếu nhân sinh là một cuốn thoại bản, chắc chắn y sẽ là nhân vật pháo hôi đáng thương và thê lương nhất trong đó. Nhưng điều khiến y vui sướng là, y không hối hận hành vi ngọc nát đá tan của mình.

Giáng Vệ quân nhanh chóng điều tra ra nguyên nhân thực sự Chu Tốn hành thích Hoàng đế — dù nguyên do đó quá hoang đường, vô lý cực điểm. Ai lại đi hành thích Hoàng đế chỉ để bị tru di cửu tộc chứ? Đến cả trong thoại bản cũng chẳng dám viết như vậy.

Theo lý mà nói, chuyện này đáng lẽ đã kết thúc tại đây. Nên giết thì giết, nên phạt thì phạt. Thế nhưng, trước khi Giáng Vệ quân kịp trình vụ án lên, Hoàng đế vừa mới tỉnh dậy sau cơn hôn mê đã đem lời truyền tới: Cho người đem thích khách kia đến, trẫm muốn đích thân thẩm vấn.

Dọc đường đi, Chu Tốn nhắm mắt làm ngơ trước mọi lời bàn tán, nhưng vẫn khó tránh khỏi thầm lọt vào tai. Trước khi bị đưa vào Ngự Thư phòng, y nghe thấy một tiểu cung nữ trộm nói, vị Hoàng đế bị hành thích này sau khi tỉnh lại, lời nói có phần thay đổi. Bất quá tính tình của Hoàng đế xưa nay có tiếng kỳ quái, thường làm ra một ít hành động khác người, cũng không tính là lạ gì.

Hoàng đế xưa nay tính khí thất thường, có khi thậm chí là bạo ngược. Chu Tốn nghĩ rằng rơi vào tay Hoàng đế, số phận của y thế nào cũng chẳng khó đoán. Bất quá Chu Tốn là người sắp chết, dù sao cũng đã kéo Chu Thải xuống nước, nên cũng chẳng bận lòng mảy may.

Chu Tốn bị dẫn vào, còn nghe được mấy lời nói nhỏ của thị vệ áp giải:

"Kết cục người này thảm rồi…"

"Dù Hoàng đế có sủng Chu Thải thế nào, lần này cũng khó mà..."

“Chu Thải có thể còn biến chuyển, nhưng tội nhân này, e là Hoàng đế sẽ lột sống da hắn!"

Tiếng bàn tán bị ngăn ngay ngoài cửa. Chu Tốn từ trong hồi thức thu hồi suy nghĩ, lắng nghe tiếng bước chân bước tới.

Y không ngẩng đầu, chỉ cụp mi mắt, nhìn thấy đôi chân dừng lại trước mặt.

Đó chính là Hoàng đế.

... Hoàng đế sẽ tra tấn y như thế nào? Chu Tốn hờ hững nghĩ, mắt vẫn dán chặt vào hoa văn dưới sàn, chờ đợi tuyên án.

Giọng Hoàng đế vang lên trên đỉnh đầu y.

"Ồ, đây là tên thích khách đó sao? Nhìn cũng không to con gì mà?."

Chu Tốn: ?

Giọng Hoàn đế nói không có phẫn nộ như mọi người nghĩ, mà trái lại, có chút… tò mò?

"Đừng để hắn cúi đầu, kêu hắn ngẩng đầu lên nhìn trẫm." Hoàng đế nói.

Chu Tốn ngẩng đầu.

Ngồi trên đúng là Hoàng đế — người Chu Tốn vừa tập kích. Hắn sau cung yến hôn mê một trận, mấy ngày trước mới tỉnh. Nam nhân ăn tuấn mặc một thân long bào, đang nhìn đánh giá y.

Thấy y ngẩng đầu lên, Hoàng đế tựa hồ giật mình, khẽ lẩm bẩm gì đó.

Chu Tốn từ nhỏ thính giác hơn người, liền nghe được câu này.

"Uầy, so với minh tinh điện ảnh còn soái ca hơn.”

Minh tinh? Điện ảnh? Đó là cái gì?

Chu Tốn thoáng chút mê mang.

... Vị Hoàng đế này, hình như không giống trong lời đồn cho lắm.

Một lát sau, Hoàng đế hắng giọng, đập một chưởng lên bàn: "Ngươi to gan, hành thích Hoàng đế là tội gì, chẳng lẽ ngươi không biết? Tội tru di cửu tộc, ngươi nói phạm liền phạm? Ngũ vương gia dẫn ngươi đến cung yến, ngươi lại..."

Ba chữ “Ngũ vương gia” lập tức chọc sâu vào nỗi đau trong lòng Chu Tốn.

Bi kịch cả đời này của y đều bắt nguồn từ bọn họ.

“Ha hả,” Y cười lạnh, “Vương hầu khanh tướng(*) chẳng lẽ sinh ra liền cao quý sao!”

(*) Vương hầu khanh tướng: Các chức vị cao quý, quan trong triều đình.

Ngự thư phòng nhất thời an tĩnh. Hoàng đế bị những lời này của y làm bối rối, chớp chớp mắt.

Trầm mặc kéo dài một hồi, Hoàng đế như đang sắp xếp nói như thế nào, lại hỏi: “Vì sao ngươi lại ám sát ta… ờ, Trẫm?”

Vì sao ám sát Hoàng đế?

Chu Tốn hồi tưởng lại cả đời sống trong bóng ma của mình. Y cả đời trầm mặc, cả đời cúi đầu trước người, cuối cùng vẫn rơi vào kết cục này.

Cho dù không ám sát Hoàng đế, chấp nhận số phận, y bất quá chỉ là kéo dài hơi tàn, im lặng chờ chết.

"... Không bùng nổ trong im lặng, liền diệt vong trong im lặng." Cuối cùng y đáp.

(*) Nguyên văn 不再沉默中爆发,就在沉默中继续沉默: Bất tại trầm mặc trung bạo phát, tựu tại trầm mặc trung diệt vong: Không ở trong im lặng bùng nổ, thì ở trong im lặng diệt vong. Đây là câu nói xuất phát trong bài “Kỉ niệm Lưu Hòa Trân Quân” của Lỗ Tấn tiên sinh, đây không chỉ là lời hô tỉnh của ông đối với bản thân mà còn đối với nhân dân Trung Hoa, không nên tiếp tục im lặng nữa mà đứng lên đấu tranh lên án chế độ phong kiến xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ.

Hoàng đế:...

Hoàng đế trầm mặc so với nãy còn lâu hơn, còn Chu Tốn lại lần nữa lâm vào hồi ức.

Hoàng đế lại hỏi: "Ngươi không còn gì muốn nói sao? Tỷ như, kể Trẫm nghe diễn biến tâm lý của ngươi chẳng hạn?"

Hoàng đế hỏi câu này có hơi quai quái, Chu Tốn nhìn người cao cao tại thượng kia, bất giác cười khổ.

"Con người buồn vui không tương thông. Cho dù ta có phơi bày nỗi lòng cho Hoàng thượng, Ngài sẽ chỉ thấy ta ồn ào mà thôi," Y nói, "Hoàng thượng không cần biết quá khứ của tội nhân, chỉ cần xét xử theo luật pháp là được."

Hoàng đế:...

Hoàng đế lại lần nữa trầm mặc, lát sau lại hỏi: "Ngươi có biết kết cục ám sát Hoàng đế là gì không?"

"Dù sao cũng là tru di cửu tộc, có lẽ còn có khác..." Y cười, "Ta xưa nay không ngại lấy ác ý lớn nhất để đoán lòng người."

— Bởi vì nhân sinh y trải qua toàn là ác ý.

Trong lòng y nhẹ nhàng mà cười.

Hoàng đế lại tiếp tục trầm mặc.

"Ai dạy ngươi tới ám sát Trẫm? Sao ngươi lại nghĩ tới chuyện đó…"

Chu Tốn cười khổ: "Có lẽ là khi xem Kinh Kha hành thích Tần Vương (*)… suy nghĩ đến đi."

(*): Sự kiện có thật được ghi trong Sử ký Tư Mã Thiên, một tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc. Kinh Kha là kiếm khách thời đó, được ký thác bởi thái tử nước Yên, hy vọng ám sát được vua để suy yếu nước Tần (giai đoạn đó đang chinh phạt và thống nhất các quốc gia nhỏ, đội quân rất hùng hậu). Kết quả hành thích không thành, nước Yên không tránh khỏi sự chinh phạt của Tần, toàn bộ Trung Quốc từ đó thống nhất dưới sự cai trị của Tần Thủy Hoàng.

Hoàng đế:...

"Ngươi, ngươi có nghĩ đến kết cục ám sát Hoàng đế không? Người chết như đèn tắt…"

"Ta từng nghe một câu nói, sửa lại, đặt vào đây cũng rất hợp lý." Chu Tốn đáp. “Đời người sinh không mang đến, chết không mang đi, người đã chết, bất quá vẫy vẫy ống tay áo, không mang theo một áng mây."

Hoàng đế lần này trầm mặc, giẳng co thật lâu, thật lâu, thật lâu.

“Các ngươi lui xuống đi.” Hắn đột nhiên ra lệnh cho Giáng Vệ bên cạnh.

“Hoàng thượng!”

Giáng Vệ hoảng sợ thất sắc. Hoàng đế không biết đang bực bội hay hưng phấn mà gãi gãi đầu, lại phủ quyết suy nghĩ vừa rồi. Cuối cùng, hắn bước đến trước mặt Chu Tốn, ghé sát tai y, nhỏ giọng nói: “Kỳ biến ngẫu bất biến?”(*)

(*): là câu trong lĩnh vực toán học, là ‘thần chú’ ghi nhớ các hàm lượng giác khi đảo góc, ví dụ kỳ biến là kiểu đổi dấu như trong hàm sin(−x)=−sin(x), còn bất biến là không đổi dấu cos⁡(−x)=cos⁡(x). 

Chu Tốn: ?

Chu Tốn không thể hiểu được nhìn hắn.

“Đừng diễn nữa, huynh đệ.” Hoàng đế sờ sờ mũi, đặc biệt nói nhỏ, “Ngươi cũng xuyên tới đi? Hai ta là đồng hương?”


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play