Kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức hai lần, một lần vào cuối tháng ba, lần thứ hai vào cuối tháng năm. Huy Anh bỏ lỡ thi đánh giá năng lực đợt 1, còn tôi thì chưa hài lòng với kết quả, nên một lòng tu chí cố gắng thi tốt hơn ở đợt 2, có như thế mới chắc vé đậu vào Bách Khoa.
Chúng tôi là dân chuyên Lý, nhiều đứa muốn học UEH, có đứa lại đem ước mơ, hi vọng đặt ở FTU và những đứa chọn Bách Khoa cũng không hề ít, tôi là một trong số đấy.
Sau ngày tổng kết, lịch học của khối 12 được xếp chồng chéo nhau, có khi lớp này học với lớp khác và thậm chí một nhóm bạn trong lớp cũng không được học chung vì khác khối thi.
- Oải Hương, gần đây càng ngày càng không thấy Châu nữa, mày có biết chút tin tức nào không?
- Tao cũng không rõ, hình như vẫn đang chuẩn bị đi du học ý. Châu bảo khi nào có kết quả, nó báo, mà tao chẳng thấy nó nói gì.
Oải Hương từ tốn đưa cho tôi một miếng bánh gạo, nhưng tôi không muốn ăn, không đói cũng không có hứng.
- Vậy còn mày? Mày định học gì?
- Tao tính học thiết kế thời trang, nộp học bạ vào Văn Lang rồi, đang chờ kết quả đây.
Thời gian giống như một chuyến tàu không bao giờ dừng lại và chúng tôi hóa thân thành những hành khách đứng trước ngưỡng cửa bước vào chân trời mới, nơi mà chẳng biết bản thân sẽ gặp ai, sẽ yêu ai và có thực hiện được ước mơ chúng tôi hằng mong ước không.
Chúng tôi tan học vào lúc 10 rưỡi. Nhà tôi gần trường, vậy nên tôi vẫn luôn giữ thói quen đi bộ. Huy Anh cũng thế, anh cùng tôi đi bộ từ trường đến nhà rồi mới chịu lên xe hơi gia đình đưa đón.
Hai bóng người, một lớn, một nhỏ thả bóng trên làn đường. Huy Anh đeo cặp trên lưng, hai tay xách balo trường chuyên chất đầy đề thi, anh từ từ cúi người quan sát trạng thái kiệm lời kỳ lạ của tôi, dịu dàng hỏi:
- Sao thế? Trông em trầm tư quá, mệt trong người à?
- Không, chỉ là em thấy thời gian trôi nhanh quá! Mới ngày nào còn không biết mình trụ nổi ở trường chuyên không, vậy mà giờ chưa đến hai tháng, chúng ta không còn được gặp nhau ở số 5 Quang Trung này nữa. Bây giờ, ai cũng suy nghĩ về nghề nghiệp, về tương lai của bản thân, khiến em bắt đầu cảm thấy hoài niệm về thanh xuân.
Anh bỗng xoa đầu tôi, giống như thuở chúng tôi vẫn là hai người bạn thân, cùng đi học về trên con đường phượng nở này. Mãi một lúc sau, Huy Anh mới chầm chậm cất lời:
- Em muốn học Bách Khoa đúng không? Ở Hà Nội hay Sài Gòn?
- Bách Khoa là nguyện vọng 1 của em, nhưng em lại chưa biết thành phố sau này mình sẽ đến. Còn anh? Anh vẫn chưa nói với em về ước mơ của anh thì phải...
Đúng là Huy Anh chưa kể cho tôi nghe về trường anh muốn vào hay thậm chí chưa từng đề cập đến bất cứ dự định nào trong tương lai.
- Em có tin không? Ước mơ của anh là em.
Những lời đường mật ngọt ngào từ người con trai trước mặt, tôi đã nghe không ít lần, ấy thế mà lần này tim can tôi lại đập rộn ràng giống như thể nghe được câu anh sẽ cùng em đi đến hết cuối cuộc đời.
- Anh muốn học chung trường với Gạo, anh tham lam muốn có anh hiện hữu trong ước mơ của Gạo. Vì thế, nguyện vọng 1 của anh là Bách Khoa.
Câu nói ấy dường như trở thành động lực thúc đẩy Huy Anh cày cuốc bài vở từng ngày một. Sự quyết tâm học chung trường với tôi hiện rõ qua những tháng ngày học xuyên đêm của Huy Anh.
Song, có lẽ đối với lớp tôi, chuyện Huy Anh mong muốn đạt 900+ trong kì thi đánh giá năng lực nghe phi lý như cá biết bay hay chim biết bơi. Thế nên bọn nó đều có vẻ không tin tưởng một đứa từng quậy phá như anh cho lắm.
Chẳng hạn như vào buổi tự học cuối tuần của chúng tôi, mỗi người đều tập trung vào công việc của mình, thế nhưng bọn bàn cuối cứ rì rầm tranh cãi mãi một chuyện.
- Tao cá Huy Anh lần này thi được 700-.
- Mày nói gì thế Nguyễn Tuấn Khải? Tao mới nghe 800+, 900+, chứ chưa bao giờ nghe 700- hết.
Trần Đăng Dương vừa cắn hạt dưa vừa quay ra chỉ trích Tuấn Khải.
- Thì 700- nghĩa là Huy Anh chắc chắn thi đánh giá năng lực chỉ được từ 700 đổ xuống thôi!
- Thôi nào, không trêu bạn vậy nha!
Đình Nguyên từ đâu chen lời vào, nó hùng hổ tuyên bố:
- Cỡ Huy Anh, tao thấy 600 điểm là hết mức.
"Bộp" - Quyển sách từ bàn cuối dãy ngoài bay vèo một phát vào đầu Trần Đình Nguyên, mang theo tiếng hét tán loạn gà bay chó chạy.
- Mẹ kiếp, đứa nào ném...
Đình Nguyên vừa xoay người thì thấy Phương Linh lớp văn đi lướt qua hành lang lớp lý. Cô nàng đang nói chuyện với bạn, mỉm cười tươi tắn chẳng nhiễm chút vụ lợi.
- Thằng đó lại thế rồi, cứ nhìn thấy Phương Linh là đầu óc để đi đâu ý!
Thế Khang nghiêng người quan sát khuôn mặt ngắn tũn của Đình Nguyên, thuận miệng phàn nàn, còn không quên liếc mắt nhắc nhở Huy Anh:
- Nhưng mà Huy Anh, chơi cái trò ném sách thế là không được đâu. Gạo dạy lại bé Chuột đi, bé hư vậy, chúng tôi không thể chấp nhận.
- Tin tao phang gạch từng đứa không?
Thái độ nóng nảy ngày nào vẫn không hề thay đổi, Huy Anh nổi cáu cảnh báo mấy đứa kia xong thì bỗng nhiên xoay người về phía tôi, giọng điệu hòa hoãn đi rất nhiều. Nói đúng hơn là lại lộ bản tính em bé, nũng nịu dựa vào hõm vai tôi, tủi thân kể lể:
- Gạo xem kìa, tụi nó ức hiếp anh!
- Ai ức hiếp em bé của em?
Tôi bất lực không nói thành lời, nhưng mà bênh người yêu thì vẫn phải làm.
- Bốn đứa tụi nó!
Huy Anh chỉ tay về hội "ngũ long công chúa", à không, giờ phải gọi là "tứ đại mỹ nhân" vì Huy Anh đã chuyển sang làm em bé Chuột của mình tôi rồi.
Tôi thì thầm vào tai Huy Anh vài điều, sợi tóc mai vô tình cọ vào má anh một cách khẽ khàng. Trong lúc người trước mặt đang hết sức tâm huyết bày anh cách trị lũ kia thì Huy Anh lại len lén dùng ánh mắt si tình lướt dần từ bờ mi cong đến chiếc mũi nhỏ và dừng lại ở đôi môi vương sắc hồng tự nhiên.
- Anh có nghe em nói không đó?
- Có mà.
Huy Anh cười khẽ, đáp lại lời tôi. Song, tôi nghĩ anh cũng chẳng nghe hết đâu. Bỗng Huy Anh nhìn về hướng của bốn thằng nhóc ranh đang cắn hạt dưa cuối dãy, khẳng khái nói:
- Đừng bao giờ khinh thường người khác nha! Tao học ngu, nhưng tao có bạn gái là thủ khoa, tụi mày có không?
Tôi có bày anh nói thế đâu, sao nó chuyển hướng mang tính gây áp lực đối phương thế này? Khuôn mặt bọn bàn cuối lúc trắng, lúc xanh, sau đó cả lũ cười ồ lên, tụi nó lấy lý lẽ nào cãi được câu ấy của Huy Anh.
Sau ngày hôm ấy, Huy Anh cày bục mặt các chuyên đề của đề thi đánh giá năng lực, giải hai, ba đề một ngày. Tôi chưa bao giờ thấy một Huy Anh quyết tâm như thế, hồi thi vào chuyên cũng không học siêng đến độ muốn tàn phai nhan sắc giống như lúc này.
Anh mất khá nhiều thời gian để lấy lại phần kiến thức các năm trước, nào là tiếng việt, tiếng anh, tư duy logic đến phân tích số liệu.
Tất nhiên trong quá trình học, sẽ có những lúc nản chí muốn bỏ cuộc, huống hồ một người chẳng hề hứng thú học tập như Huy Anh chỉ mới bắt đầu ôn tập trong hai tháng cuối.
Những lúc ấy, anh sẽ nhõng nhẽo nói với tôi những câu kiểu như:
- Anh mệt lắm, Gạo hôn một cái để tiếp sức cho anh nhé?
- Tư duy logic và phân tích số liệu khó quá, làm 10 câu mà sai hết 5 câu, Gạo ôm anh để anh còn có sức làm tiếp, chứ không, anh sẽ chết chìm trong đống kiến thức này mất.
Huy Anh nói thế thì tôi cũng chịu, không hôn, không ôm liền cảm thấy mình thật máu lạnh, vô tình và mỗi lần mong ước được hoàn thành, Huy Anh không khác gì nhân vật chính trong tiểu thuyết, tăng 100 lần sức mạnh, học không biết mệt là gì, hoặc có mệt thì vẫn gắng gượng học đến tận ngày cuối cùng trước khi đi Sài Gòn.
Chú Nghĩa và dì Hạnh đích thân đưa chúng tôi đi thi. Kỳ thi chỉ diễn ra một ngày, cơ mà cảm giác giống như một thập kỉ trôi qua. Huy Anh nói anh bỏ lỡ mấy câu, nhưng chung quy thì vẫn ổn. Tuy nhiên, sự lo lắng vẫn luôn thường trực trên gương mặt Huy Anh, từ trước khi đi thi đến khi nhận điểm.
Ngày thông báo biết điểm, tôi làm cách nào cũng không truy cập được trang web vì quá nhiều thí sinh cùng tra điểm, còn Huy Anh bên cạnh lo sốt vó thở không ra hơi. Tôi bỗng nhiên nhớ đến mấy tháng trước, lúc tôi xem kết quả thi học sinh giỏi tỉnh, bản thân cũng lo âu, sợ hãi mình không làm được.
Nhưng tôi tin với sự thay đổi chóng mặt theo hướng tích cực ấy, với bao nhiêu đêm ngày mất ăn, mất ngủ, thậm chí tôi còn phải nhổ tóc bạc cho Huy Anh vì anh thức đêm quá nhiều thì chắc chắn ông trời sẽ không phụ công lao của kẻ cố gắng.
Đúng là như thế, kết quả thi đánh giá năng lực của Huy Anh là 907/1200, nằm trong 1,93% tổng thí sinh. Điểm đủ để đậu vào phần lớn các ngành của Bách Khoa.
Nguyện vọng 1 của Huy Anh là kỹ thuật cơ điện tử, giống hệt tôi. Bây giờ điều cuối cùng khiến hai đứa phân vân chính là chọn học ở Sài Gòn hoa lệ hay Hà Nội cổ kính. Suy nghĩ phải lựa chọn ấy đeo bám chúng tôi đến tận khi thi tốt nghiệp xong và đến ngày diễn ra lễ tri ân ở trường.
Hơn nữa, Huy Anh còn phải thi thêm kì thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội để nắm chắc suất đậu. Nhờ có nền móng kiến thức ôn tập từ kì thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Huy Anh làm bài khá ổn, có thể nói là điểm cao so với mặt bằng chung. Khả năng cao, anh sẽ đậu HUST nguyện vọng 1 luôn.
Thật ra trong 12 năm học, những kỉ niệm buồn bã, bị tổn thương hằn sâu vào tim tôi nhiều hơn kí ức hạnh phúc, vui vẻ, cơ mà tôi thật sự vô cùng biết ơn vì đã chọn chuyên Lý là bến đỗ ba năm cấp ba.
Ở đây, tôi được gặp một lớp trưởng Phạm Như nghiêm khắc nhưng hòa đồng, được gặp Ánh - một con bé nhiều chuyện nhưng rất biết quan tâm người khác, được gặp hội "tứ đại mỹ nhân" - đôi khi hãm tài, nhưng cũng có lúc tấu hài không chịu được, được gặp Đặng Oải Hương và Bùi Hoàng Dương - hot girl siêu lanh chanh và anh chàng tình si ba năm vẫn chỉ có em hay được gặp chị bé Chou Ngô - người con gái tinh tế đến nỗi nếu không có Huy Anh, chắc tôi sẽ bị chị bé bẻ cong lúc nào không hay. Đặc biệt nhất, trong những năm tháng cấp ba vừa vui vừa buồn, tôi có Huy Anh đồng hành bên cạnh.
- Gạo ơi, Gạo kí tên lên áo dài của Châu nhé?
Chou Ngô mặc áo dài mà vẫn toát lên vẻ ngoài đẹp trai cuốn hơn cả bánh cuốn như thế. Tôi gật đầu, cười mỉm chi đáp:
- Tất nhiên rồi! Gạo cũng chúc mừng Châu sắp được đi du học Nhật nha! Hi vọng sau này có trở thành phú bà, Châu vẫn nhớ đến Gạo.
Châu khẽ cười, chỉ vào phần áo ở lồng ngực bên trái, nằm gần ngay tim, chị bé nhẹ nhàng cất tiếng, giống như mang bao tâm tư giấu kín nhờ cơn gió mùa hạ và ánh nắng ban mai gửi vào trong câu nói:
- Kí ở đây vì Châu muốn kí ức về Gạo vẫn luôn lưu giữ trong tim, không bao giờ mai một.
Hình như tôi cảm nhận được điều khác lạ mà Châu nửa muốn nói, nửa không. Tôi không phải kẻ tinh tế nhận ra mọi cảm xúc của người khác, nhưng tôi biết, tình cảm Châu dành cho tôi không chỉ đơn thuần là tình bạn. Song, đôi khi im lặng lại là một câu trả lời tốt nhất, không cần bày tỏ, không cần hồi đáp, chỉ cần nhớ về nhau với những kỉ niệm đáng trân trọng của tuổi trẻ.
Sau khi kí áo cho Châu xong, viết những lời chúc Châu có một tương lai mai sáng, hạnh phúc và bình an, tôi vẫy tay tạm biệt Châu, bước về phía Huy Anh.
Tôi không biết có phải do mình nhìn nhầm không, nhưng tôi thấy Châu cười. Lần đầu tiên cũng như lần cuối cùng, Châu nở một nụ cười rạng rỡ đến thế!
- Em muốn khóc à?
Chúng tôi ngồi xuống ghế đá dưới gốc cây phượng. Huy Anh vén tóc mai của tôi, không biết vô tình hay cố ý cản gió hạ mang theo cát bụi chẳng rõ tự phương trời nào.
- Đừng nghĩ em mít ướt như thế!
- Ừ, Gạo của anh luôn mạnh mẽ mà.
Giọng điệu ấm áp vang lên theo từng tiếng gió reo, đôi mắt đen láy lại ẩn chứa những điều khó nói, tôi lặng lẽ hỏi:
- Sao thế?
- Anh sắp đi Hà Nội, mai là đi rồi.
Tôi giật mình, dòng cảm xúc bức bối xen lẫn lo âu khắc khoải như có tín hiệu cảnh báo, bắt đầu chạy từ đỉnh đầu đến các tế báo, để rồi tôi run run hỏi anh:
- Đi nhanh thế à?
- Ông nội anh vừa mất, không về không được. Nhưng mà Gạo à...
Càng về cuối, Huy Anh lại càng nói nhỏ dần, khiến tôi lầm tưởng những điều anh nói vừa thật, lại không.
- Sợ là lần này hơi lâu hoặc có thể... Dòng họ bên nội nhà anh khá phức tạp, ông mất, chắc sẽ phải giải quyết các vấn đề về phân chia tài sản. Hơn nữa, bố và mẹ Hạnh dự định chuyển về sống ở Hà Nội.
- Anh cũng thế đúng không?
- Có lẽ vậy.
Tôi ý thức được điều Huy Anh lo lắng, gượng mỉm cười:
- Bây giờ thì em biết rồi, biết thành phố mà em muốn sinh sống trong tương lai, chính là Hà Nội, là nơi Huy Anh của em được sinh ra và lớn lên. Em muốn sống ở Hà Nội, cũng như muốn bên cạnh anh trong những năm tháng tiếp theo của cuộc đời.
Huy Anh thoáng bất ngờ nhưng rồi lại bật cười. Anh khẽ chồm người lên thơm vào cánh môi tôi, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, ngắn ngủi mà lưu luyến. Dường như mang theo hết thảy ấm áp còn sót lại của mùa xuân và cái nồng nhiệt của mùa hạ gửi gắm vào nụ hôn bất chợt trong khoảnh khắc cuối cùng của thanh xuân.
Anh nói:
- Thanh xuân của anh có em. Hi vọng về già, vẫn sẽ có em.
- ----
Đôi lời muốn nói part 2: Tưởng là chương cuối đúng không? Không phải đâu nha, vẫn còn một kiếp nạn nữa. Cơ mà viết chương này nhớ tới hồi ôn thi lớp 12 của mình quá, chỉ tiếc là mình không siêng được thế...
Tui đã viết xong character profile của Mộc Miên và Huy Anh, các bạn muốn tui viết thêm profile của ai thì cứ đề cử nha! Với lại, ở chương cuối cùng, tức là chương kết sau khi ra hết phần chính truyện và ngoại truyện, tui sẽ có phần giải đáp câu hỏi của các bạn độc giả về Đá Chanh Tuyết, kiểu như các bạn thắc mắc về tình tiết nào hay về tâm lí nhân vật nào, hoặc muốn viết ngoại truyện về ai, chắc chắn có bé Gạo và Chuột, có Hoàng Bảo Khôi, Chou Ngô, Thùy Anh nè, muốn viết thêm về một vài mối tình trong truyện như Trần Đình Nguyên-Phương Linh hay Bùi Hoàng Dương-Đặng Oải Hương thì cmt cho tui biết.
Tuần vừa rồi, tui ra chương chậm vì bận lập acc Tik Tok với page trên Facebook ý, bạn nào chưa follow thì nhớ follow nhé. Tui đăng chương sớm trên đấy và ngoại truyện cũng như character profile đều được đăng trên facebook trước luôn.
Dù sao thì cảm ơn các cậu đã ủng hộ Đá Chanh Tuyết!
- ----
Theo như mình tìm hiểu lúc đầu thì điểm đánh giá năng lực có thể quy đổi giữa TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, HUST chỉ lấy điểm đánh giá tư duy, có nghĩa là kết quả của một kì thi khác so với thi ĐGNL.
Mình bị nhầm ở chỗ này và sau khi đọc cmt thì mình mới biết. Mình đã sửa lại chi tiết ấy và chân thành xin lỗi các bạn độc giả vì chưa tìm hiểu kĩ càng.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT