Ngày hôm sau, tôi tỉnh dậy với cái đầu đau như búa bổ, tay chân nhức mỏi. Thật ra thì tôi chỉ uống một chút, không đến mức say mèm, tôi vẫn nhớ mang máng hành động mình đã làm ngày hôm qua và còn nhớ luôn lời Huy Anh nói:
- Anh biết mình là một kẻ nhát gan, lảng tránh em hết lần này đến lần khác, khiến em bị bệnh và giận hờn tổn hại tinh thần. Anh xin lỗi, nhưng mà... em vẫn để anh đồng hành bên cạnh, được không em?
Huy Anh nắm lấy tay tôi, xoa dịu vết sẹo chỗ cổ tay. Lần đầu tiên, tôi thấy anh khóc, nước mắt của sự hi vọng. Anh từng nói bản thân rất ghét nước mắt vì nó khiến mẹ trầm cảm, thế nhưng ngày hôm nay, anh lại rơi lệ sau khi mâu thuẫn của chúng tôi được giải quyết. Tôi biết chỉ cần như thế là đủ rồi, chỉ cần cả hai nói chuyện để hiểu rõ nhau hơn thì tôi và Huy Anh vẫn có thể tiếp tục.
Tinh thần dần tốt hơn, tôi phấn chấn đi thay quần áo. Vừa hay Oải Hương bước ra khỏi nhà vệ sinh, khuôn mặt xinh đẹp sắc sảo ngày nào giờ đây đã thấm nhuần nét mệt mỏi, con nhỏ trông theo bộ dạng cười tươi rói của tôi, cũng cười theo:
- Chắc lần sau tao không dám cho mày uống rượu nữa. Hôm qua Mộc Miên như biến thành người khác ý, mày cứ khóc mãi rồi thơm má Huy Anh tới tấp đến nỗi tao tưởng mặt Huy Anh gắn filter nụ hôn luôn đó!
Ủa có hả ta? Không có nhớ, không có biết gì hết!
- Chưa hết, Huy Anh mắng tao quá trời cái tội cho mày uống rượu đây nè! Nó vừa mắng vừa lườm, trông đáng sợ xỉu. Đã thế còn chuẩn bị sẵn thuốc đau dạ dày cho mày kìa!
Oải Hương chỉ đống thuốc được xếp ngăn nắp trên bàn gỗ, tôi cũng buồn cười theo. Đúng là do hôm qua tôi bị con nhỏ trước mặt thao túng nên mới uống phải thứ có cồn, nào ngờ nửa say nửa tỉnh khóc lóc ăn vạ anh.
- Ủa mà lần này Chou Ngô không đi chơi biển, mày có biết tại sao không?
Tôi vừa nuốt xong ngụm nước và thuốc tây thì cất giọng hỏi. Lớp tôi đã cố gắng sắp xếp để đủ đội hình 34 con người đi biển nhưng cuối cùng Chou Ngô lại xin phép không đi vào phút chót, chuyện ấy khiến lớp cũng rối ren lắm.
- Châu không nói cho mày nghe à?
Oải Hương đang dặm phấn nửa bên bên mặt, bất ngờ quay sang nhìn tôi. Tôi trầm lặng lắng nghe từng lời con nhỏ nói:
- Chou Ngô đang làm hồ sơ đi du học Nhật, nó bận rộn chuẩn bị mấy ngày nay rồi.
Tâm trạng tôi lập tức chùng xuống sau lời Oải Hương nói, cái cảm giác bứt rứt cứ ra vào bất chợt trong tâm trí, tôi lặng người suy nghĩ. Châu không muốn nói hay chị bé đang chờ đến thời điểm thích hợp mới thông báo cho tôi nghe? Tôi không rõ nữa.
- Nào, mỗi lớp tập trung thành hai hàng, lần lượt tham quan cơ sở sản xuất nước mắm nhé!
Thầy tổng phụ trách cất cao giọng nhắc nhở các lớp xếp hàng. Sau hôm qua, lũ lớp tôi, đứa nào cũng vật vờ không muốn làm gì hết, tiếng ngáp ngái ngủ của vài đứa con trai to xác còn nghe rõ mồn một.
Huy Anh đứng trước, tôi nghiêng người sang một bên, dựa vào lưng anh chắt chiu từng giây phút được chợp mắt. Lưng Huy Anh rộng lắm! Rộng đến độ tôi ngả người vào lưng anh mà tựa như thả mình nằm dài trên thảm cỏ xanh mướt, kèm theo một mùi hương thiên nhiên dễ chịu.
Đột nhiên não tôi tua chậm nhớ về mục đích của chuyến đi này. Một là tắm biển, hai là đưa em bé Chuột quay lại, cơ mà không những không hoàn thành được nhiệm vụ mà còn hành xử như đứa con nít ba, bốn tuổi. Thôi, từ nay tôi có quyết tâm khác. Đó là trở về làm một Mộc Miên ngoan ngoãn, hiền lành, không nhí nhố như mấy ngày qua nữa. Vừa nghĩ xong, tôi lập tức đứng thẳng dậy, hai tay siết chặt thành nắm đấm thể hiện rõ sự quyết tâm.
- Sao không dựa vào anh nữa? Em vẫn còn mệt mà.
Huy Anh thấy tôi không dựa, không ôm thì quay phắt lại ngay tức thì, lo lắng hỏi.
- Không sao, giờ em khỏe lắm, không cần anh lo nữa đâu.
Tôi nhoẻn miệng cười hí hửng. Chớ còn gì nữa, giờ tôi hết là em bé rồi!
- Thật à?
- Thật!
Tôi khẳng định chắc nịch, Huy Anh đằng hắng quan sát khuôn mặt vui vẻ của tôi. Một lúc sau, anh lôi chiếc điện thoại ra, gõ lách cách vài tiếng, mặt mày trông căng thẳng, lo âu còn hơn đi thi đại học. Tôi cũng tò mò xích lại gần xem anh đang làm gì.
"Bạn gái hết thương mình thì phải làm sao?"
Trời đất ơi, tôi đang đọc cái gì thế này?
- Gì vậy? Em có nói em hết thương anh đâu.
- Em không dựa vào lưng anh nữa, em còn nói không cần anh lo cho em, không hết thương anh chứ là gì?
Giọng điệu siêu tủi thân ấy làm tôi bật cười khanh khách. Hình như nhiệm vụ của tôi cũng được hoàn thành một nửa, không hẳn là thất bại.
- Huy Anh nhà em vừa giàu, vừa đẹp trai, em thương Huy Anh còn không hết.
- Này, ở đây bán nước mắm chứ không bán cơm chó nha! Bớt lố lại.
Mấy đứa trong lớp bất lực nhìn chúng tôi, đứa nào đứa nấy chống nạnh chán chẳng buồn nói.
Buổi tham quan diễn ra trong vòng một tiếng, sau đó chúng tôi lên xe buýt trở về thành phố. Tôi ngủ rõ ngon, vì bên cạnh có một gối ôm Huy Anh siêu to bự cơ mà.
Sau những ngày đi biển, khối 12 chúng tôi phải quay trở lại guồng quay học tập. Tôi định theo học Bách Khoa chuyên ngành kĩ thuật cơ điện tử, vì thế việc ôn tập để tham gia kì thi đánh giá năng lực là điều gây trăn trở bao ngày với tôi.
- Mộc Miên chịu khó qua học bài chung với Huy Anh được không? Dì sẽ biết ơn lắm nếu Mộc Miên đồng ý.
- Dạ vâng, con sẽ cố gắng ạ.
Đầu dây điện thoại bên kia vang lên giọng nói ấm áp của dì Hạnh. Dạo gần đây, tôi có thói quen nhắn tin với dì, dì cũng tin tưởng giao nhiều việc hơn cho tôi, điển hình chính là chạy deadline học nhóm cùng Huy Anh để hai đứa có kết quả tốt trong kì thi đánh giá năng lực.
Người ta thường sẽ học nhóm từ ba người trở lên, chúng tôi cũng ba người nhưng cứ có gì đó sai sai: tôi, Huy Anh và dì Hạnh. Nhiệm vụ của dì là người giám thị hành lang, lâu lâu dì kéo thêm mấy chị nhân viên bán vàng lên nghe ngóng chung.
Có ngày nhà mình mất vàng thì đừng đổ thừa cho con, dì Hạnh dấu yêu ơi!
Riêng phần Huy Anh, anh khó chịu vì chuyện ấy lắm, lúc nào cũng nhăn nhó như khỉ ăn gừng. Mỗi lần định tiến gần sát người tôi thì lại nghe tiếng dép loẹt xoẹt của dì Hạnh văng vẳng từ ngoài hành lang vào trong phòng riêng. Tôi không biết tại sao, chắc do Huy Anh hiếu thảo, cảm thương cho khổ lao nghe lén của dì.
Lại nói về mẹ ruột của Huy Anh, anh kể tôi nghe thường thì bốn, năm năm, mẹ sẽ về thăm anh một lần. Huy Anh còn nói rằng anh đã có đáp án cho câu hỏi cuối cùng của buổi thuyết trình ngày hôm ấy: "Liệu trong trường hợp đó, sau này đứa con lớn lên có tha thứ cho mẹ không?"
Anh từng giận mẹ, cũng từng ghét mẹ, thế nhưng anh biết mình chẳng thể trách móc gì chứng bệnh tâm lí của mẹ, cũng không có quyền tha thứ lỗi lầm của mẹ hay không. Mẹ có cuộc sống mới, anh vui vì điều ấy và lại càng trân trọng người bố cùng người mẹ hiện tại của mình. Dạo gần đây, anh đã chuyển sang gọi dì Hạnh là mẹ, dì mừng đến độ mỗi lần tôi qua học bài, dì đãi mâm cơm đủ loại món, còn kêu tôi sau này là con dâu không cần lo gì hết, mọi thứ dì lo tất. Tôi, Huy Anh và cả chú Nghĩa đều bật cười trước câu nói ấy.
Nhưng mà khi mọi chuyện bắt đầu trở nên yên ổn thì một cảm giác lo lắng cho tương lai lại làm đầu óc tôi rối mù lên. Hôm nay có lịch học, tôi chuẩn bị từ sớm, đang chuẩn bị xách cặp đi học thì nghe tiếng tranh cãi xì xầm dưới nhà. Tôi chậm rãi bước xuống chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp, mẹ và bác Danh đang nói chuyện với những thanh âm khác nhau. Từ giọng điệu của mẹ, nỗi tức giận và âu lo có thể cảm nhận rõ rệt, còn bác Danh lại giống như đang cố gắng giải thích về chuyện gì đó cho mẹ nghe:
- Chuyện đó xin mẹ Mộc Miên cứ yên tâm, tôi xin thề danh dự sẽ lo cho con bé.
- Nhưng ở Hà Nội có hơi xa quá! Tôi nghĩ là...
- Mẹ!
Tôi lên tiếng cắt ngang cuộc trò chuyện của hai người họ. Dẫu chưa biết họ đang bàn luận về việc gì, nhưng lòng tôi lại trào dâng một nỗi lo lắng không thể lí giải bằng lời.
- Hai người đang nói về chuyện gì vậy ạ? Đi Hà Nội là sao?
- Mẹ với bác đang bàn bạc lo cho con đi học đại học sau này.
Bác Danh ngoảnh mặt cười hiền với tôi, tôi lại chỉ chăm chú nhìn mẹ. Sao tôi có cảm giác giống như mẹ chuẩn bị bán tôi đi chứ chẳng phải lo cho tôi đi học chút nào? Với lại, trước đây mẹ từng từ chối không cho tôi theo đuổi con đường học vấn lâu dài, cớ sao bây giờ mẹ lại thay đổi nhanh đến thế?
- Mẹ thật sự cho phép con đi học đại học sao?
- Không phải đó là ước mơ của mày à?
Mẹ không nhìn thẳng vào mắt tôi, chỉ lạnh nhạt đặt một câu hỏi ngược lại. Tôi trầm ngâm trông theo cái bóng đổ dài trên sàn của mẹ. Đáng lẽ tôi phải thật hạnh phúc khi được mẹ đồng ý cho đi học, nhưng nỗi sợ hãi cứ treo lơ lửng trên đầu làm cổ họng nghèn nghẹn, chuẩn bị trực trào một điều gì đó tôi không rõ:
- Xin mẹ để cho con tự quyết định đi ạ! Con không cần bác Danh lo cho đâu.
- Mày quá đáng vừa vừa phải phải thôi! Đã có người lo cho, còn muốn làm sao nữa?
Cơn giận của mẹ bùng phát từ những chuyện nhỏ nhất, chẳng hạn bắt đầu từ lời nói lúc nãy. Mẹ đẩy tôi ra để bước về phía trước, giống như thể tôi là chướng ngại vật trong cuộc đời đáng lẽ sẽ tươi sáng của mẹ. Cái đẩy ấy không hề mạnh, nhưng tôi lại té ngã. Phải chăng tâm hồn đang ngày một hàn gắn của tôi có dấu hiệu rạn nứt trở lại?
Tôi không để ý đến chiếc điện thoại trên tay đã rơi lăn lóc xuống sàn nhà, màn hình điện thoại chập chờn giây lát rồi chuyển sang màu một màu đen tăm tối. Bác Danh vội vàng đến đỡ tôi, nhưng tôi lại ghét bàn tay sạm màu của người đàn ông đó chạm vào người. Bác Danh giả vờ không nhận ra sự ghét bỏ của tôi, vẫn bày ra dáng vẻ một người xa lạ quan tâm.
Tôi tự đứng dậy, không nói lời nào, mang theo cặp xách rời khỏi nhà, rời khỏi bầu không khí ngột ngạt của nơi chẳng biết có phải nhà của tôi không nữa.
Dưới thời tiết se se lạnh sau đợt mưa phùn, tôi cúi gằm mặt đếm từng bước chân. Lại một lần nữa, tôi cảm nhận được mùi hương quen thuộc vương vấn ngay chóp mũi và bóng dáng ai đó trải dài trên mặt đường ướt át vừa được cơn mưa ban chiều ghé thăm.
Vẫn như bao ngày, bóng dáng cao lớn của ai kia đứng trước cửa chờ tôi, nhưng lần này có vẻ "chiếc bóng" ấy đang lo lắng suy nghĩ chuyện gì nên mới đi đi lại lại liên tục dưới mái hiên, một bên áo còn bị hơi nước bám lên, tôi nhìn mà lạnh thay người ta.
Hễ khi nào được nhìn thấy anh, tâm trạng tôi cũng thoải mái hơn nhiều. Ban đầu, nỗi lo lắng trong lòng cứ như một căn bệnh ung thư, di căn từ tế bào này sang tế bào khác, đau đớn, bức bối không chịu được. Thế mà thấy anh rồi, tôi lại chỉ muốn hóa thành em bé Gạo của mình Trịnh Hữu Huy Anh.
- Huy Anh ơi, em đây nè!
Tôi vẫy tay, mỉm cười rạng rỡ hệt như những tổn thất tinh thần lúc nãy chẳng là gì. Huy Anh vừa thấy tôi đã chạy ào ra, bước chân không cẩn thận giẫm lên vài vũng nước mưa còn đọng lại lá xanh trên ấy. Tôi cười, dang rộng tay ra, nói với anh điều tôi mong mỏi từ tận cõi lòng:
- Anh ôm em nhé?
Thế nhưng Huy Anh chẳng ôm tôi ngay lập tức, anh chần chừ hồi lâu rồi mới gãi đầu nói:
- Áo anh hơi ướt, lỡ anh ôm em mà em ốm luôn thì phải làm sao?
- Em không quan tâm, chỉ cần anh ôm em thôi.
Tôi rất dễ mủi lòng, đứng trước sự quan tâm của anh lại càng mủi lòng. Huy Anh nhận ra sự khác lạ ở tôi, anh nghe lời, ôm lấy cơ thể đang lạnh run giữa đêm tối.
Lúc chúng tôi không quen biết nhau, anh vẫn hành xử như thế, lúc chúng tôi là hai đứa bạn thân cũng không khác là bao và đến tận bây giờ, khi đã trở thành người yêu, mỗi khi nước mắt chuẩn bị tuôn rơi, Huy Anh sẽ gom góp từng chút một hơi ấm gởi gắm nơi tôi và chẳng bao giờ hỏi nguyên nhân tại sao tôi khóc.
Vì đơn giản lúc tôi rơi lệ, anh sẽ dỗ tôi bằng hành động chứ không phải lời nói. Chính những lúc như thế, tôi lại thầm nhủ chẳng cần phải đầu bạc răng long, chỉ cần hiện tại chúng tôi là người chữa lành cho đối phương. Chỉ cần như thế là đủ!
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT