Trước khi đi, Huy Anh dặn dò tôi rất nhiều thứ, anh hứa sau khi đám tang của ông nội kết thúc, anh sẽ về lại Bảo Lộc đón tôi. Thật ra tôi rất sợ khi nghe đến hai từ "lời hứa". Trên đời này, có những lời hứa không bao giờ thành hiện thực và chúng vô tình bị lãng quên vào dĩ vãng. Tôi không muốn lời hứa của Huy Anh sẽ bị bỏ lại ở mảnh đất Bảo Lộc, bỏ lại tôi trong cái nắng mùa hạ hay trong cơn mưa ngâu rả rích không hồi kết.
Trước khi bố mất, bố cũng từng hứa vào năm 18 tuổi, bố sẽ đưa tôi đi biển, sẽ cho tôi tận hưởng cảm giác yên ả của sóng biển. Đúng là tôi đã được nhìn ngắm biển đẹp ra sao, thơ mộng thế nào, chỉ là khi ấy bố không ở bên cạnh tôi.
Tháng tám năm nay là tròn năm năm bố mất, ngày giỗ của bố cũng sắp đến gần, chẳng hiểu sao lòng tôi lại gợn sóng, cất giấu nhiều tâm sự hơn mọi năm. Có lẽ vì tôi sắp phải rời xa cây gạo đầu ngõ, rời xa vùng đất nuôi nấng mình lớn lên thành hình hài người nguyên vẹn như ngày hôm nay. Có lẽ là vậy...
Sau khi hoàn thành kì thi tốt nghiệp, tôi phụ giúp mẹ rang cà phê, cũng tranh thủ đi làm phục vụ trong tiệm cà phê cũ, nơi mà tôi đã nghỉ giữa chừng vào học kì 2 năm lớp 12.
- Chưa gì mà Mộc Miên sắp đi học đại học rồi, anh tự nhiên cảm thấy em lớn nhanh quá! Mới ngày nào còn là cô bé lớp 10 xin vào quán cà phê đi làm, giờ đã 18 tuổi.
Trong một vài giây phút quán vắng khách, anh chủ quán bỗng than thở với tôi, tôi cong môi cười, đúng là thời gian trôi nhanh thật!
- Mai mốt em vẫn về thăm quê mà, em cũng sẽ về thăm anh và quán cà phê này, có phải là một đi không trở về đâu.
- Khi nào em đi?
- Dạ cuối tháng 9 ạ.
Tôi khẽ khàng đáp, vừa mong chờ đến lúc được bước chân đến Hà Nội, nhưng cũng không nỡ rời xa Bảo Lộc.
- Ừ, ráng làm việc cho đến lúc đó. Anh sẽ cố gắng trả lương hậu hĩnh để Mộc Miên có tiền đi học nè!
Anh chủ quán cười lớn, chọc tôi vài câu, tôi cũng cười lại. Điện thoại bỗng rung lên, trên màn hình trầy xước đã được miễn cưỡng sửa lại sau khi bị rơi hiện ra thông báo tin nhắn.
[ Anh nhớ Gạo!]
Ngày nào cũng là tin nhắn này, bao giờ bắt đầu một ngày mới, tôi cũng nhận được lời nhắn bày tỏ nỗi nhớ từ Huy Anh. Chúng tôi có cuộc sống riêng, một đứa ở Hà Nội, một đứa ở Bảo Lộc, cách xa nhau đến mấy nghìn km, nhưng khoảng cách ấy cũng chẳng là gì khi trong lòng hai đứa có nhau.
***
- Hôm nay là giỗ năm năm của bố, mẹ có đi thăm mộ không ạ?
Mùi khói nghi ngút từ nồi cơm điện lan tỏa trong ngôi nhà lụp xụp, giọng tôi mang theo âm hưởng hi vọng, chờ đợi câu trả lời từ mẹ. Mấy ngày nay, có vẻ mẹ gặp phải vấn đề trong chuyện làm ăn, cơ thể đã gầy gò đi không ít.
- Đi đi, tao không đi.
Tôi biết mẹ ghét bố, ghét cay ghét đắng đến độ ngoại trừ hôm bố mất và giỗ một năm, mẹ không bao giờ đến gặp bố nữa. Bàn thờ trong nhà cũng là do tôi lập, mẹ còn có ý ghét bỏ mỗi khi thấy ảnh tang của bố.
Ngày bố mất, trời mưa tầm tã, giống như than khóc thay cho số phận hẩm hiu của người đàn ông chẳng bao giờ sống trong cảnh giàu sang và dường như cũng thầm báo hiệu cuộc đời tăm tối của những người ở lại.
Tôi có thể nhìn thấy sự rạng rỡ trên gương mặt mẹ trong phút chốc và rồi lại nhìn thấy nét u tối nơi đáy mắt. Lúc đó, tôi không hiểu tại sao mẹ lại có biểu cảm quái đản như thế, cho đến bây giờ, khi đứng trước mộ bố, tôi mới hiểu phần nào.
Bố ra đi, mẹ sẽ không bị đánh nữa, sẽ không còn là những bữa cơm trong đòn roi, cũng không còn vết thương bầm tím hằn sâu trên cơ thể. Thế nhưng bố đi rồi, mẹ phải oằn mình gánh chịu khoản nợ không biết có trả nổi không, lại còn có trách nhiệm nuôi tôi ăn học.
Song, dù bố đối xử với mẹ tàn nhẫn là thế, bố chưa bao giờ đánh tôi, quá quắt lắm cũng chỉ chửi tục vài câu.
Nhìn bức ảnh trên ngôi mộ, kí ức ngày bé hiện về, bố tôi có làn da ngăm đen, chân tay hay lấm lem bùn đất, không biết liệu bây giờ bố đã được giải thoát chưa...
Tôi lặng lẽ đốt nén nhang, khói hương nhanh chóng ập vào trong khoang mũi, khiến tôi bất giác cau mày. Những bông hoa cúc trắng nằm cô đơn trong bình bông, hình như chúng thay mặt bố muốn nói rằng tôi cứ tiến về phía trước, bố sẽ hiện diện bất cứ nơi nào tôi đến.
Có thể ngay khoảnh khắc này, bố cũng bên cạnh tôi thì sao?
Có thể là như vậy...
Ngày hôm nay vẫn thế, nhà vẫn đóng cửa, mẹ vẫn đi làm. Từ nghĩa trang trở về, tôi có chút mệt nhọc trong người.
Thế nhưng vừa thấy cánh cửa gỗ của phòng mẹ mờ hờ, từng sợi dây thần kinh lập tức căng cứng, tôi cảnh giác nấp sang một bên, âm thầm quan sát bên trong.
Kia chẳng phải bác Danh sao? Bác lục lọi thứ gì đó trong ngăn kéo, mặt mày đăm chiêu làm tôi ý thức được mọi chuyện không hề đơn giản. Người đàn ông đó... rốt cuộc đang làm gì vậy? Nếu bây giờ tôi lên tiếng, rất có thể bác ta sẽ lộ bản chất thật, hãm hại tôi về mặt thể xác hay tâm hồn, tôi cũng không dám chắc chắn.
Thế nhưng nhìn số tiền được gói ghém cẩn thận trong bọc giấy bị người đàn ông lần lượt bỏ vào balo, tôi đã không thể bình tĩnh được, hô hấp cũng trở nên khó khăn.
Tôi vội vàng tìm kiếm thứ gì đó có thể bảo vệ bản thân, chẳng hạn bình bông trên bàn thờ. Bác Danh có vẻ thận trọng hơn tôi nghĩ, vài bước chân rón rén đã bị người đó phát giác. Bác cau mày nhìn tôi, còn tôi lại đứng trân trân một chỗ, bình bông vẫn ôm chặt trên tay.
Người đàn ông đó bỗng nhiên nở nụ cười, chòm râu rung theo cơn cười của gã, tôi sợ chết khiếp, không khí u ám bao trùm lấy tôi và thậm chí muốn nhấn tôi xuống tận cùng của ám ảnh.
- Cháu làm gì thế, Mộc Miên?
Bác ta càng tiến gần đến tôi, tôi càng lùi về sau, gã lại cười, chẳng thiết tha gì diễn trò như mấy ngày đầu nữa.
- Bác... sao lại ăn cắp tiền của mẹ?
- Thế giờ bác không lấy tiền của mẹ nữa, đánh đổi bằng cháu nhé?
Tên khốn trước mặt càng cười lại càng man rợ. Tiếng gã vang vọng trong căn gác nhỏ, đó không phải là giọng nói của một con người bình thường mà giống như thanh âm từ dưới địa ngục đang lấy đi hết thảy sự sống còn lại.
Khuôn mặt gớm ghiếc càng ngày càng lại gần, tôi rũ mi mắt nhìn nền nhà ẩm mốc, không hề muốn bản thân phải chết nơi này chút nào. Là cái chết về thể xác hay tinh thần, tôi đều không muốn.
Ở giây phút sợ hãi nhất, tôi chỉ nghĩ đến cảnh đập bình bông vào đầu gã thật mạnh, dù có gây ra hậu quả gì, tôi cũng một lòng muốn thoát khỏi viễn cảnh này.
Tôi còn rất nhiều thứ, còn bao nhiêu ước mơ chờ tôi thực hiện. Tôi muốn đến Hà Nội, muốn học Bách Khoa, muốn được gặp Huy Anh. Tôi thật tâm mong muốn mình sẽ thoát khỏi bóng tối u uất bao ngày, tôi thật tâm mong mình được hạnh phúc, tôi thật tâm mong mình được sống. Nhưng tại sao cuộc đời tôi lại bi thảm đến mức này, sinh ra trong sự ghét bỏ của mẹ, lớn lên trong sự độc địa của miệng đời và thậm chí đến lúc đã chạm đến hạnh phúc gần kề, tôi cũng không tránh khỏi kiếp khổ đau.
Máu chảy tí tách trên sàn, người đàn ông ôm lấy cái đầu toàn máu, đôi mắt đỏ au tưởng chừng như con dã thú muốn nuốt chửng tôi vào trong bụng dạ ngập tràn điều xấu xa, tanh tưởi ấy.
Dường như chút tỉnh táo cuối cùng đã đánh thức cơ thể đang cứng đờ của tôi, tôi hoảng hốt bỏ chạy, chẳng cần biết đi đến đâu, tôi chỉ biết rõ một điều mình phải chạy, nhất định phải thoát được.
Song cửa sắt bên ngoài đột nhiên được mở ra, ánh sáng mặt trời le lói chiếu vào căn nhà đang ngập tràn trong u tối. Mẹ đứng trước cửa, như thể đã có linh cảm nào mách bảo mẹ trở về, cứu lấy tôi.
Mẹ dõi mắt nhìn đứa con gái mặt mày trắng bệch không còn một giọt máu, đầu tóc rối bờ, lại nhìn người đàn ông xa xa đang máu me bê bết.
Lựa chọn của mẹ là gì nhỉ? Có bảo vệ tôi không hay bước đến bên cạnh người đàn ông kia?
Thật ra trong bao nhiêu tháng ngày người đó sống ở đây, tôi có thể cảm nhận sự đổi thay trong đôi mắt của mẹ, ánh mắt mà tôi cũng từng bắt gặp mẹ nhìn bố trong những năm tháng gia đình êm ấm. Hình như đó không chỉ đơn giản là mối quan hệ hợp tác trong công việc mà còn sâu xa hơn rất nhiều, sâu xa đến mức tôi mong bản thân không trưởng thành nhanh đến thế.
Từng bước đi của mẹ nhẹ nhàng, nhưng cớ sao lòng tôi lại nặng trĩu thế này? Mẹ đến gần bác Danh, cái người đó lại diễn bộ mặt giả tạo khác, kể lể đủ điều:
- Tôi không làm gì...
"Bốp"
Một cú tát rất mạnh giáng thẳng vào khuôn mặt người đàn ông, đến nỗi nốt bàn tay năm ngón hiện rõ.
"Bốp"
Tiếng tát càng lúc càng mạnh, tôi có thể thấy tay mẹ đau rát không khác gì bên má sưng tấy của gã già mồm già miệng kia.
- Thế anh nghĩ anh qua được mắt tôi à? Anh thuyết phục tôi hợp tác buôn bán cà phê với anh, còn bảo tôi lập nhóm chơi hụi để lừa tiền người khác. Nếu không có gì thay đổi, chẳng phải anh sẽ cuỗm luôn số tiền ấy và cả tài sản ít ỏi tôi có rồi bỏ chạy sao?
Mẹ ngừng một chút, mãi mới nói tiếp được một câu:
- Anh định cướp luôn con gái của tôi à?
Giọng mẹ run bần bật, cuống họng khô không khốc, mẹ nói câu ấy trong vòng chưa đầy năm giây, nhưng lại mất 18 năm để có dũng khí nói.
Giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên gò má buốt lạnh của tôi. Khi đứng trước nanh vuốt đáng sợ của gã đàn ông, tôi không khóc, thậm chí suýt chút nữa thân xác này đã không thuộc về tôi, tôi cũng không khóc. Nhưng khi nghe được vỏn vẹn bốn chữ "con gái của tôi" từ người mẹ luôn thể hiện thái độ căm ghét, tôi đã bật khóc tức tưởi, nước mắt cuộn trào giống như từng đợt sóng ập vào bờ cát trắng.
Tôi lại nhớ đến những kí ức không hay giữa tôi và mẹ. Mẹ có tôi năm mẹ 18 tuổi, đúng độ tuổi nở rộ của một người con gái. Bà ngoại từng kể rằng mẹ học rất giỏi, tương lai rộng mở, nhưng trong giây phút bồng bột của tuổi trẻ, mẹ đánh mất thân mình với bố. Kết quả chính là tôi.
Mẹ đã uống thuốc tránh thai, nhưng bằng một cách thần kì nào ấy, tôi vẫn vượt qua tất cả chướng ngại vật để được sinh ra.
Mẹ miễn cưỡng gả cho bố-một người con trai học hành dốt nát nhất lớp, nhất trường. Hồi đó, mẹ nghĩ rằng bản thân không thể theo tiếp con đường học vấn thì chí ít cũng hi vọng được gả cho một tấm chồng tốt.
Ấy thế mà bố chỉ là người chồng tốt trong một vài năm ngắn ngủi, về sau vẫn chứng nào tật nấy, lao đầu vào cờ bạc đến mức nợ nần chồng chất và tự vẫn trong vườn cà phê vì không thể chịu nổi áp lực.
Nếu tôi là mẹ, tôi cũng không biết mình có chịu đựng nổi không. Mẹ lầm đường lạc lối trong chính sai lầm tuổi trẻ, đặt cược cuộc đời vào người đàn ông đầu ấp tay gối nhưng lại thua trắng tay.
Nếu không có tôi, mẹ sẽ được đi học. Nếu không có tôi, mẹ sẽ hạnh phúc. Nếu không có tôi, mẹ sẽ nhận được những thứ tốt đẹp nhất trên thế gian này.
Suy nghĩ ấy đeo bám tôi từ ngày bà ngoại kể chuyện về mẹ đến khi lớn lên. Dù mẹ trách mắng, dù mẹ ghét bỏ, tôi vẫn vâng lời, vẫn tỏ ra mình là một đứa con ngoan, không đáng bị mẹ ghét nữa đâu.
Thế nhưng những biểu hiện của tôi chẳng can ngăn được sự thù hằn đã ghim sâu trong tim mẹ, mẹ hận tôi nhiều đến mức tôi hoàn toàn bất lực trước việc cứu vãn mối quan hệ mẹ con này. Cho đến ngày hôm nay, tôi nghe được lời mẹ nói, một hi vọng khác được thắp sang trong thâm tâm của hai con người chịu tổn thương.
***
Sau khi người đàn ông kia bị tống vào đồn cảnh sát với tội danh lừa đảo, tôi thấy mẹ thẫn thờ trước mâm cơm. Có lẽ trong vài khoảnh khắc, mẹ đã hi vọng cuộc đời mình được bước sang trang mới, nhưng lại vỡ lẽ ra bản thân không thể nào thoát khỏi cái giá phải trả cho những năm tháng trẻ người non dạ.
Tôi không dám nói gì, chuyện tôi gặp phải mấy ngày qua đã quá khủng khiếp, cảm tưởng không hề có giây phút nào tâm trí được ổn định.
Lại thế rồi, tôi bắt đầu nhớ Huy Anh, nhớ anh da diết, còn gấp trăm lần hôm giao thừa. Trải qua nhiều chuyện, tôi thật sự ước được gặp anh ngay lập tức, được vuốt ve khuôn mặt và đôi tai yêu tinh của người con trai ấy.
Nỗi nhớ ban đầu chỉ là một thứ gì đó nhỏ nhoi rồi theo thời gian, nó lớn dần, lớn đến mức hóa thành cơn gió gửi đến đất Hà thành, hóa thành từng bụi đất đi theo dấu chân của kẻ lữ hành.
Cẩn thận đọc đi đọc lại hàng chục tin nhắn Huy Anh gửi cho tôi bao ngày qua, tôi lại muốn mít ướt như ngày nào, để anh đến bên cạnh tôi, xoa dịu, an ủi, chữa lành cho tôi.
"Tút...tút..."
Đầu dây bên kia ngay lập tức bắt máy, giọng nói trầm khàn của anh mang theo nỗi lo lắng thấy rõ.
- Sao mấy ngày qua em không nghe máy của anh? Có chuyện gì sao?
Tôi không trả lời câu hỏi của anh, ngăn không cho nước mắt tuôn rơi, ấy thế mà giọng tôi vẫn nghẹn ngào nói không thành lời:
- Huy Anh... em muốn được gặp anh.
Một sự tĩnh lặng kéo dài, lúc sau tôi mới nghe được giọng anh, có chút gì đó khắc khoải, có chút gì đó vội vàng, lại có chút gì đó xót xa:
- Anh hứa, anh sẽ về. Chờ anh.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT