[Xuyên không] Vọng Nguyệt

6.


2 tháng


"Cha, con đã quyết rồi."– Giọng nói từ tốn nhưng khảng khái kiên nghị của anh cả là thứ phá tan bầu không khí im lắng trong phòng ăn sau khi thằng con trai ảnh đã ngoan ngoãn. Lúc này mọi người đều dừng ăn mà quay sang nhìn người vừa lên tiếng. Trần Như Hải thở hắt ra một hơi, đánh mắt về phía hai đứa em gái ngồi đối diện mà nói tiếp–"Con sẽ tham gia chiến trận ở Tu Lạp."

"Không được."– Mẹ kêu lên ngay tức thì, ánh mắt hoảng hốt run run chất chứa lo sợ–"Chiến trường đâu phải chuyện đùa. Con là con trưởng của Trần gia, nếu như có chuyện gì xảy ra thì chúng ta biết phải làm gì đây?"

"Vậy mẹ muốn Ngọc phải chôn vùi cuộc đời của nó trong phủ Bát vương gia à?"– Anh cả cương quyết đáp, ánh mắt kiên định nhìn về phía cha mình, nãy giờ vẫn đang ngồi đó bất động. Nghe thấy tên mình, Trần Như Ngọc khẽ run lên một cái, đầu vẫn cúi gằm xuống bàn chẳng dám ngẩng lên, ngay đến cả chị dâu cũng lẳng lặng bỏ đũa xuống mà vỗ vài cái nhẹ nhàng vào tay chồng mình để anh bình tĩnh lại. Có mỗi tôi là ngồi đó hoá đá vì chẳng hiểu chuyện gì.

Hoá ra "hai đứa" ở đây chính là hai đứa em gái à? Nhưng tôi không phải là người bị ép cưới sao?

Ít nhất thì tôi đoán đúng được một chuyện, cái hôn sự khiến gia đình Trần Như Ý không thể từ chối chính là hôn phối với người trong hoàng thất. Nhưng nếu thế thì liên quan gì đến anh cả nhỉ?

"Như Ý đã...đã đồng ý gả thay cho con bé mà..."– Mẹ tức thì kêu lên, nhưng giọng nói nhỏ dần và ngắc ngứ vì bắt gặp ánh mắt nghi ngờ của tôi. Đồng ý gả thay em gái nhưng lại nhảy xuống giếng tự vẫn? Làm vậy thì có khác gì tuyên án tử cho cả nhà đâu. Hơn nữa Trần Như Ý và Tường kia yêu đương thắm thiết, tôi không nghĩ sẽ có chuyện cô ấy hi sinh tình yêu của mình để cứu đứa em gái dường như không thân thiết cho lắm kia. Dựa vào vẻ mặt e ngại của mẹ khi nhắc đến chuyện này, tôi đoán, chỉ có một trường hợp duy nhất là Trần Như Ý bị ép buộc phải gả thay em gái–"Con bé đã mười tám tuổi, cũng đã đến tuổi gả đi rồi. Với gia đình chúng ta, làm trắc phi của Bát vương gia dù sao cũng là hôn phối tốt."

"Đồng ý? Đồng ý kiểu gì mà lao đầu xuống giếng tự vẫn?"– Anh cả lớn tiếng nói, mẹ suýt chút nữa bật khóc, nhưng cha thì vẫn im lặng, tựa như đang phải đấu tranh tâm lý ghê gớm lắm, có lẽ là vì cũng tham gia vào chuyện ép buộc con gái lớn đi gả thay cho em mình, nên ông ta chẳng dám phản bác lại nữa–"Hai người không nghe thấy hay là giả điếc, thiên hạ đồn Hoàng Tĩnh là một lão già chỉ kém mẹ có tám tuổi nhưng đặc biệt thích thiếu nữ mới lớn. Cha mẹ có từng nghĩ, nếu lão già đó phát hiện chúng ta tráo người, Như Ý sẽ phải sống như thế nào không?"

Hoan hô anh hai, cha mẹ xịt keo cứng ngắc rồi.

Nhưng mà, tôi vừa nghe thấy cái gì vậy?

Một con dê cụ hơn ba mươi tuổi đòi kết hôn với em gái tôi, trong khi con bé mới mười-bốn-tuổi? Lại còn đặc biệt thích thiếu nữ mới lớn?

Oắt đờ phắc?

"Bát vương gia cai quản đạo Thành Lâm này, chúng ta cũng chỉ là hạng tôm tép dưới chân hắn."– Lúc này cha mới lên tiếng, giọng nói đầy đau khổ, chẳng dám nhìn vào con trai mình–"Con nghĩ chúng ta có thể làm gì khác sao?"

"Con tình nguyện đi Tu Lạp là được."– Trần Như Hải khảng khái đáp, giọng nói hùng hồn như một vị chủ tướng thực thụ, à tuy mới hai mươi hai tuổi nhưng dù sao người ta cũng đã làm đến chức tổng binh mà–"Lời trong thánh chỉ của chúa thượng không phải đều nhắm vào con sao? Một là con trai cả tự nguyện cầm binh đi Tu Lạp cùng Thái tử, hai là nhà họ Trần phải gả con gái út cho Bát vương gia. Mọi người nghĩ con sẽ hèn hạ đến mức chọn điều thứ hai sao?"

"Nhưng đi Tu Lạp đâu phải là chuyện đùa."– Mẹ bật khóc nức nở, đối với cái thời mà trách nhiệm nối dõi tông đường cũng sánh ngang với thánh chỉ, thì việc đẩy đứa con trai duy nhất vào chiến trường đúng là chuyện mà chẳng bà mẹ nào mong muốn. Nhưng cũng có nhất thiết phải đánh đổi bằng cuộc đời sau này của con gái mình như vậy không?–"Con không nghĩ đến vợ con mình sao? Còn cả hai cái thân già này nữa."

"Trần Như Hải con đã chọn con đường này ngay từ đầu."– Anh cả từ tốn đáp lại, liếc nhìn tôi một cái rồi quay lại tiếp tục, ánh mắt kiên quyết dường như không hề bị những giọt nước mắt của mẹ làm lay chuyển. Chị dâu ở bên cạnh cũng cương quyết nắm lấy tay anh như tiếp sức mạnh –"Đã là tướng sĩ, thì có chết cũng phải chết trên chiến trường. Con không thể ham sống sợ chết mà tước đi hạnh phúc của em gái mình được."

Vậy là anh cả thực sự biết chuyện giữa em gái mình và tổng tư lệnh sến súa tên Tường kia, tôi ngầm xác nhận trong đầu, liếc nhìn chàng trai trẻ kém tôi những bốn tuổi kia với một ánh mắt lấp lánh, mong sao sự ngưỡng mộ của mình có thể truyền qua cho người ta biết. Suy nghĩ trưởng thành lại khảng khái như vậy, hẳn sau này sẽ làm nên cơ nghiệp lớn.

Cơ mà cái trò chọn lựa ông vua nào đó nghĩ ra cũng thật là khốn nạn đi.

Trận cãi vã cuối cùng chẳng đạt được kết quả khả thi nào và mọi người lần lượt rời khỏi bàn ăn, mẹ vẫn không ngừng khóc, như đó là cách duy nhất bà có thể làm được để phản đối quyết định của con trai mình. Nhưng Trần Như Hải là người đầu tiên rời khỏi bàn ăn, một cách tuyên bố rằng anh sẽ không rút lại lời nói của mình. Chị dâu sau đó cũng vội vã chạy theo chồng. Tôi chẳng biết phải đối mặt với những người còn lại như thế nào, đành kéo ghế rời khỏi phòng trước khi mẹ kịp nghĩ ra thêm bất cứ lý do gì để khiến tôi theo phe mình mà đồng ý hôn sự. Dắt theo Trần Lẫm rõ ràng là đang sợ hãi, nhưng không hề làm ầm lên ăn vạ, tôi bước ra khỏi cánh cửa gỗ, mơ hồ cảm thấy ánh mắt của cô em gái kém bốn tuổi đang dán trên người mình.

Buổi sáng ngày đầu xuân cứ vậy mà nhạt nhẽo trôi qua.

“Anh.”

Tôi đứng trước bậc tam cấp ở lối vào, lên tiếng gọi, cái người đang hì hục luyện kiếm ở sân sau liền dừng lại, dường như đã biết rằng tôi sẽ tới nên chẳng có vẻ gì là ngạc nhiên cả. Trần Như Hải gật đầu một cái, như xác nhận rằng tôi có thể lại gần hơn.

"Lần đầu thấy em dậy vào giờ này đấy."– Tôi không biết cách tính giờ ở thời đại này, nhưng theo kinh nghiệm ngồi ngắm trời ngắm mây thì có lẽ bây giờ đã là khoảng ba bốn giờ chiều, mà theo cái giọng cạnh khoé có chủ đích của Trần Như Hải thì rõ ràng là bình thường em gái anh ta phải ngủ nướng đến tận giờ cơm chiều.

Hoá ra ở thời đại nào thì mình cũng bê tha như nhau.

"Bao giờ anh đi Tu Lạp?"– Tôi bỏ qua câu đùa tạo không khí kia mà hỏi. Vì trong đầu đang chất đống những thắc mắc cần được giải đáp, nên nhất thời tôi chẳng biết nên bắt đầu từ đâu, đành hỏi bừa một câu.

"Không biết nữa."– Trần Như Hải lắc đầu, quẳng chuôi kiếm xuống nền đất rồi kéo ghế ngồi vào bàn uống trà, giọng trầm ngâm–"Cái này do Thái tử quyết định, gần đến ngày khởi hành mới có thông báo."

Tôi gật đầu, rồi cả hai cùng im lặng, người lặng nhìn chén trà, người ngắm cánh hoa rụng trên sân.

"Đừng lo, không phải lỗi của em."– Trần Như Hải đưa tay vò đầu tôi một cái rồi đáp lại, giọng nhẹ nhàng như thể đã nhìn thấu suy nghĩ của tôi –"Ngọc từ nhỏ đã yếu ớt nên mẹ luôn thiên vị nó, không phải chuyện này thì cũng sẽ là chuyện khác thôi. Nhưng thánh chỉ này là dành cho anh, dù em hay Ngọc có đồng ý gả đi thì Tu Lạp vẫn là nơi anh phải đến."

"Em không phải là bận tâm về chuyện đó."– Tôi lắc đầu, nếu Trần Như Ý là người chứng kiến cảnh mẹ mình vì an nguy của anh trai và em gái mà tình nguyện đẩy mình vào miệng cọp thì hẳn là con bé sẽ đau lòng lắm. Nhưng tôi thì không hiểu được cảm giác ấy, vì tôi chỉ là một linh hồn lưu lạc tại nơi này, đối với những người ở đây chẳng có chút gì gọi là tình thân cả. Tôi muốn hỏi anh về Tường, về những chuyện xảy ra trước khi mình xuyên không đến đây, nhưng không biết nên mở đầu như thế nào.

"Vui lên đi."– Anh cả đứng dậy, tiện tay vỗ vào vai tôi vài cái nghe bôm bốp khiến tôi nhăn nhó mặt mũi, đoạn với tay lấy thanh kiếm treo trên giá, anh lại nói–"Nếu mày mất miếng da miếng thịt nào vì chuyện này, anh làm sao ăn nói được với tam..."

Anh cả đột nhiên im bặt không nói nữa, tôi ngơ ngác nhìn lên như chờ đợi, nhưng chẳng có gì xảy ra cả.

“Với ai cơ?”

"Không ai cả."– Người kia cười cười cho qua chuyện–"Em sẽ sớm biết thôi."


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play