[Xuyên không] Vọng Nguyệt

5.


2 tháng


Nam thanh niên cao lớn kia dừng lại trước mặt tôi khi khoảng cách giữa cả hai chỉ còn tầm ba bước chân, anh ta khoanh tay trước ngực, nhìn chằm chằm vào cái người đang đứng bất động như bị điểm huyệt với vẻ mặt không hài lòng, bèn nhíu mày lên tiếng:

“Nhìn cái gì? Thấy anh về mà không biết mở mồm chào hỏi à cái con này?”

À.

Tôi thở phào nhẹ nhõm khi nhận ra danh tính của người trước mặt, bèn đưa tay gãi gãi đầu tỏ ra vô tội rồi chắp hai tay trước ngực mà cúi chào, miệng hô to:

“Mừng đại ca toàn thắng trở về!”

"Có thắng quái đâu. Nhưng anh mày ghi nhận tấm lòng."– Trần Như Hải phẩy tay đáp lại một câu phũ phàng, ánh mắt kiên nghị ban nãy đã dịu đi phần nào, mang một vẻ tạm gọi là hài lòng, anh ta liếc nhìn tôi một lượt rồi hỏi dò–"Nghe cha kể mày vì phản đối hôn sự mà tự lao đầu xuống giếng?"

Vào chủ đề chính nhanh thật đấy.

Tôi há hốc miệng ngạc nhiên lần hai, vậy là những suy đoán trước đó của tôi đều trật lất hết cả. Trần Như Ý là vì bị ép gả cho ai đó nên mới túng quẫn đến độ tự vẫn. Cơ mà trong những bức thư gần đây của Tường chẳng đề cập gì đến chuyện này, vậy là nhân lúc người yêu của con gái bận đi chiến sự, cha mẹ già ở nhà ép con bé cưới ai đó khiến nó nhảy giếng tự tử à? Nhưng qua những gì tôi đọc được trong thư, tên Tường kia dù sao cũng làm việc trong hoàng cung, không phải quân binh thường mà lại có thể được cử ra biên ải, chứng tỏ chức vị không tồi. Vậy thì cớ gì gia đình của Trần Như Ý muốn tách đôi trẻ này ra nhỉ?

Một là Tường hay gia đình anh ta có vấn đề gì đó nghiêm trọng mà vợ chồng Hàn lâm học sĩ không muốn kết thông gia. Hai là cái người hỏi cưới Trần Như Ý phải là nhân vật tai to mặt lớn lắm thì mới khiến cho Trần Như Ý không còn đường lui mà tuyệt vọng đến nỗi tự vẫn.

Chậc, ái tình đúng là bể khổ, là xiềng xích của nhân loại…

"Em nói là hoa mắt rồi trượt chân xuống giếng thì anh có tin không?"– Tôi nghênh mặt bịa đại một lý do mà chính mình cũng thấy vô lý. Dĩ nhiên là Trần Như Hải đời nào lại tin, vẻ mặt anh ta nhăn nhó như thể mới giẫm phải một con ốc sên cỡ bự, dùng bàn tay to lớn đầy vết chai sạn gõ vào trán tôi một cái bốp như thể đang gõ trống mà phán một câu:

"Con điên."– Rồi lại như nhớ ra gì đó mà tiếp lời– “Không sao thật chứ? Ngã đập đầu nặng lắm hay sao mà nãy giờ mày cứ đần người ra thế?”

Có sao đâu anh, chỉ chết ngắc thôi.

Tôi thoáng chốc đắn đo không biết có nên khai thật cho người này biết không, vì nãy giờ anh ta đã chứng minh bản thân là một nguồn cung cấp dữ liệu khổng lồ mà tôi hằng mong ước. Nhưng trước khi tôi kịp ú ớ bất cứ cái gì về việc mình bị mất trí nhớ, thì một đứa con nít từ trong nhà ăn đã chạy ù ra bâu lấy mông của người kia thắm thiết, miệng không ngừng hò reo:

“Cha về rồi!!! Mẹ ơi cha về rồi!!”

Trần Như Hải bị giật mình, dường như quên sạch ý định soi xét tôi, tức thì cúi người bế bổng đứa nhóc kia lên vai xoay một vòng trái đất, cả hai cùng cười ha ha sung sướng như đang du lịch chín tầng mây vậy.

Đứa trẻ này là cháu đích tôn của nhà họ Trần chúng tôi, Trần Lẫm, lẫm trong oai phong lẫm liệt, năm nay ba tuổi. Nhìn hai cha con họ cười khà khà với nhau, tôi mới nhận ra thằng bé giống bố nó y như đúc. Lúc này chị dâu tôi, tên Lâm Nguyệt, cũng đã bước ra, dĩ nhiên chị biết chuyện chồng mình đánh trận trở về từ trước rồi nên cũng chẳng tỏ ra ngạc nhiên như thằng quý tử nhà mình, hơn nữa với một người phụ nữ dịu dàng hiền thục như chị ấy thì chuyện phi từ trong nhà ra ôm chồng chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra. Tuy e thẹn đến nỗi chỉ dám đưa tay chỉnh gấu áo cho chồng là vậy, nụ cười hạnh phúc ấy thế mà vẫn treo trên môi chị từ hôm qua đến giờ.

Eo ôi, tình yêu loài người.

Thấy tôi đứng đần ở bên cạnh với gương mặt đau khổ, chị dâu bèn quay sang đưa tay lên trán đo nhiệt độ cho tôi, hỏi han một hồi rồi lại ân cần kéo tay tôi cùng vào nhà ăn. Tôi rớt nước mắt trong lòng, cảm nhận sự dịu dàng mà tôi chắc chắn sẽ không bao giờ tìm kiếm được từ bà chị gái ác quỷ hơn mình bốn tuổi ở nhà. Anh cả đi đằng sau, dường như có chuyện chưa nói hết, thấy tôi đã đi chậm lại liền nhanh chóng lên tiếng, giọng trầm đi:

“Chuyện hôn sự lát nữa anh sẽ nói lại với cha. Dù sao nguyên nhân phần lớn cũng là liên quan đến anh. Hai đứa mày sẽ không phải chịu thiệt đâu.”

Đội ơn anh, công đức vô lượng.

Tôi thầm cảm thán trong đầu, nhưng dĩ nhiên không dám nói ra, bằng không ba người này sẽ nghĩ tôi bị đập đầu đến nỗi hỏng não luôn rồi. Thế nên thay vì đáp lại đàng hoàng, tôi chỉ khẽ gật đầu một cái. Chuyện tôi bị ép cưới sao lại liên quan đến anh ta nhỉ? Và "hai đứa" nghĩa là tôi và tên Tường kia à?

Mang theo tâm trạng rối bời khó hiểu, tôi bước vào nhà ăn cùng gia đình anh cả, bàn ăn bấy giờ đã đông đủ các thành viên còn lại trong nhà. Tôi tiến tới ngồi cạnh cô em gái út của nhà, Trần Như Ngọc, bấy giờ con bé đang bận chọc đũa vào bát cơm của mình, dường như đang suy nghĩ gì đó nhập tâm đến nỗi chẳng thèm để ý xung quanh. Tôi cũng không định gọi con bé, vì dù chỉ mới tiếp xúc được ba ngày, nhưng tôi luôn cảm thấy giữa hai chị em nhà này có gì đó không được thân thiết lắm, hoặc ít nhất là Trần Như Ngọc đang cố gắng né tránh tôi. Hay là con bé đang sợ hãi một kẻ rõ ràng là đã chết nay lại cải tử hoàn sinh?

Mâm cơm gia đình tuy thịnh soạn nhưng chỉ toàn mấy món xào nấu đơn giản và không hợp khẩu vị của tôi lắm, có lẽ là vì gia vị không phong phú như thời hiện đại. Cả nhà ăn cơm trong yên lặng, im ắng đến nỗi tôi không dám thở mạnh hay nhai nhồm nhoàm như bình thường. Tiếng ồn duy nhất phá tan sự tĩnh lặng là thằng ranh con Trần Lẫm cứ nhảy đùng đùng đòi mẹ nó gắp hết món này đến món nọ chẳng chịu ngồi yên, trong khi chị dâu còn chưa ăn được miếng nào.

Tôi nghiến răng, trong đầu đã nghĩ đến một loạt động tác mình có thể sử dụng trong bộ quy tắc bàn tay thuận để dạy cho cái thằng ngỗ nghịch kia một trận nhớ đời. Với kinh nghiệm ba năm trời trông con hộ chị gái, tôi đã rèn luyện được khả năng xử lý đám con nít không nghe lời, cũng thực sự khâm phục ý chí nhẫn nại của các bà mẹ khi có thể nhẹ nhàng khuyên bảo thay vì khùng lên đấm cho chúng nó mấy cái.

Vậy nên mình mới không hợp để làm mẹ đấy, tôi thở dài nghĩ về lời nhận xét của mẹ và chị gái. Lúc này Trần Lẫm ré lên một tiếng rõ to làm cả bàn ăn giật mình, tôi bực bội dùng tới cái ánh mắt khủng bố thường áp dụng vào việc đàn áp mấy đứa sinh viên nhiều chuyện làm ồn trong lớp để cảnh cáo thằng ranh con kia. Cũng may là hiệu quả của nó không bị phai mờ quá nhiều bởi gương mặt non choẹt của Trần Như Ý, vì Trần Lẫm sau khi đụng phải ánh mắt của tôi liền cụp đuôi ngồi xuống ghế, im lặng cầm thìa xúc cơm cho vào miệng ăn trong sự ngỡ ngàng của cha mẹ nó.

"Hôm nào em mệt quá hay muốn ra ngoài chơi thì cứ mang Lẫm sang cho Như Ý trông đi."– Anh cả chứng kiến một màn thị uy kia liền chắp tay trước ngực tỏ ý khâm phục rồi quay sang vợ mình mà cười cười nửa đùa nửa thật–"Anh thấy nó có thiên phú trông trẻ đấy."

"Anh cả nói đúng đấy chị ạ."– Tôi thong thả gắp một miếng đỗ xào thịt cho vào miệng, ánh mắt vẫn đặt trên người đứa trẻ bây giờ đang ngồi khoanh tay trên bàn ngoan ngoãn chờ mẹ gắp đồ ăn kia mà đáp lại. Thằng bé nhận ra tôi đang nhìn nó, bèn co rúm lại vào nách mẹ–"Chỉ cần cho em ba hôm thôi là đâu ra đấy ngay."

"Nghe thấy chưa?"– Chị dâu bật cười, vừa xé nhỏ miếng thịt gà cho vào bát của con trai vừa lên giọng doạ dẫm nó–"Còn quậy phá nữa là mẹ cho dọn đồ qua ở cùng với dì đấy."

Trần Lẫm tức thì giãy đành đạch, tiện thể khóc ầm lên một phen. Chắc thằng bé tuyệt vọng lắm.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play