[Xuyên không] Vọng Nguyệt

4.


2 tháng


Vân quốc là một đất nước nằm ở phía Bắc, thời tiết quanh năm mát mẻ và mùa đông lạnh giá. Theo những gì tôi hiểu được từ một bức vẽ bản đồ hành chính trong thư phòng của cha, thì nơi này dường như là một phiên bản khác của nước Đại Việt: từ cách bố trí, kiến trúc nhà cửa đến trang phục, tên họ và cách xưng hô, ngay cả bản đồ địa lý cũng có hình dạng tương tự, chỉ khác là chữ S này bị lật ngược. Cứ như là lạc vào thế giới trong gương của Doraemon vậy.

Mà, nghĩ đi nghĩ lại vẫn thấy khó hiểu.

Bà thầy bói nói rằng tôi phải về tiền kiếp trả duyên, nhưng tiền kiếp của tôi lại là ở một đất nước không có trong bản đồ lịch sử thế giới. Vậy chẳng lẽ tôi thực sự là người ngoài hành tinh được mẹ nhặt từ bãi rác về nuôi?

Ở nơi này ba ngày, tôi dần làm quen được với nhịp độ sống tẻ nhạt thiếu thốn đèn điện và mạng Internet, tần suất tôi nằm bò ra giường than khóc vì không được lướt tik tok hay chơi game cũng ít đi rất nhiều trong sự mừng rỡ của con bé người hầu tên Tú. Ông thầy lang đến thăm bệnh cho tôi ba ngày một lần để đảm bảo rằng tôi uống hết thuốc đã kê đơn, dù thuốc có màu xỉn xỉn trông ghê ghê nhưng công hiệu của nó quả là không đùa được, tôi khoẻ như Thánh Gióng sau ba ngày tĩnh dưỡng và đã có thể chạy nhảy bên ngoài như người bình thường trong sự hân hoan cổ vũ từ cha mẹ.

Cũng nhờ có Tú, tôi biết được kha khá thông tin về chính mình, à về kiếp trước của mình, cũng như về nơi này. Ở đây tôi vẫn là Như Ý, có điều không phải họ Phạm mà là họ Trần, là con gái thứ hai của Hàn lâm học sĩ, một chức quan bậc nhất phẩm trong Hàn lâm viện, năm nay mười tám tuổi. Trên tôi còn có một anh trai hai mươi hai tuổi tên Trần Như Hải, đang giữ chức tổng binh và đi trấn giữ ở một vùng biên ải cách xa nhà được hai tháng, đã có vợ và con trai ba tuổi. Em út của nhà, rất may, không phải tên Trần Cát Tường mà là Trần Như Ngọc, mới mười bốn tuổi và thường xuyên bị bệnh nên ít khi được cha mẹ cho ra ngoài chơi.

Di sản duy nhất mà cô tiểu thư Trần Như Ý để lại cho tôi trước khi ngã xuống giếng dẫn đến mất mạng là kho tàng chữ viết, dù chẳng hiểu sao đã gãy mất một nửa, khiến tôi cùng lắm chỉ có thể nhận biết khoảng bảy trên mười mặt chữ. Tôi tặc lưỡi, mất trí nhớ mà quên luôn chữ nghĩa thì vô lý thật, ai đời con gái của Hàn lâm học sĩ mà lại mù chữ bao giờ.

Tú nói cho tôi rất nhiều thứ, duy chỉ có một chuyện là lý do vì sao tôi lại rơi xuống giếng thì con bé cứ ấp úng úp úp mở mở nhất quyết không chịu khai ra dù tôi có doạ nạt hay dụ dỗ thế nào đi chăng nữa, còn nói rằng ông bà chủ cấm nó nói, chỉ biết rằng sau khi vớt được tôi lên, cha tôi đã ngay lập tức cho người lấp cái giếng ấy lại, chuyện đó đồng nghĩa với việc đường về nhà duy nhất của tôi đã bị phá hủy. Và cũng bởi vì chuyện này có gì đó rất mờ ám, thế nên với tư cách là người đa nghi hơn Tào Tháo, tôi quyết tâm tìm ra câu trả lời.

Trường hợp thứ nhất: Trần Như Ý gây thù chuốc oán với ai đó trong nhà nên bị người ta bí mật ủi xuống giếng để trả thù.

Khả năng này dù rằng rất thuyết phục, nhưng đã rất nhanh bị tôi loại bỏ sau một vài ngày cố gắng thăm dò tất cả mọi người trong nhà. Tôi không dám tự nhận rằng mình có tài thấu hiểu lòng dạ con người, nhưng cũng có thể tự tin rằng mình không nhìn sai về người khác. Mọi người trong phủ đối xử với tôi rất tốt, có cha mẹ quan tâm chăm bẵm, em gái lễ phép đáng yêu, một bà chị dâu hiền như cục đất, nấu chè bưởi siêu ngon và gia nhân cũng chẳng có ai tỏ thái độ sợ sệt hay ghét bỏ khi nhìn thấy bóng dáng tôi lượn lờ xung quanh cả. Trừ khi là họ diễn rất giỏi, chứ tôi không nhìn ra ý ghét bỏ nào ở mọi người cả.

Vậy vấn đề là ở mình. Tôi nghĩ vậy, nên đã loại bỏ phương án thứ nhất để bắt đầu xem xét những thứ đáng nghi trong phòng riêng của Trần Như Ý. Quá trình này không thu thập được gì đáng kể, duy chỉ có một chiếc hộp gỗ đựng đầy những phong thư có cũ có mới được giấu tít trong kẽ tủ quần áo là đáng nghi hơn cả.

"Quả nhiên"– Tôi tự lẩm bẩm đánh giá bản thân vào một buổi trưa đẹp trời khi tìm ra được chiếc hộp bí ẩn được cất trong tủ. Mặc dù chốt khoá có dấu hiệu đã dùng qua nhiều lần, nhưng chẳng biết là do thư từ nhiều quá không đóng nắp lại được, hay là vì chủ nhân của nó đã vội vàng đến nỗi chưa khoá lại mà chỉ kịp nhét vào tủ để giấu nữa –"Dù kiếp trước hay kiếp này thì mình cũng đều có sở thích giấu đồ vào tủ quần áo."

Tôi mở ngẫu nhiên vài phong thư, dù không mong chờ bản thân sẽ hiểu được nội dung của chúng bằng những con chữ vụn vặt tôi vơ vét được trong kí ức mà Trần Như Ý để lại, nhưng khi lướt qua những con chữ nắn nót trên trang giấy, tôi hết há hốc mồm ngạc nhiên lại đến nhăn nhó mặt mũi không dám đọc tiếp khi nhận ra bản thân vậy mà có thể đọc hiểu một lèo từng bức thư một, cứ như là đã học thuộc lòng luôn vậy. Cũng chính nhờ vậy mà tôi biết được rằng, cái hòm bí ẩn này chứa toàn những bức thư với lời dẫn sến súa như: "Như Ý của ta", "Gửi người ta thương" hay "Sương sớm long lanh như ánh mắt nàng",...vân vân và mây mây.

Tôi khẽ oẹ một tiếng, quẳng bức thư tả về ánh mắt của Trần Như Ý qua một bên để tịnh tâm trở lại.

Cái đống giấy này, toàn bộ đều là thư tình!!!

Trần Như Ý mười bảy tuổi đã có người yêu để ngày ngày gửi thư tình cho nhau, còn Phạm Ngọc Như Ý tôi hai mươi sáu tuổi thì ngày ngày bị mẹ chửi vì già rồi mà vẫn ế chỏng chơ.

Lật tìm từng trang thư để kiểm tra ngày tháng, tôi nhận ra bức thư cuối cùng được gửi đến đây đã là từ năm tháng trước. Thế là bây giờ chúng ta lại có thêm một trường hợp thứ hai:

Trần Như Ý và bạn trai yêu đương nồng thắm, nhưng vì lí do gì đó, như là người kia không may qua đời, hay bị cha mẹ cấm cản, vì quá đau buồn nên cô nàng đã nhảy giếng tự vẫn.

Chà, với một thiếu nữ mơn mởn tuổi xuân như cô tiểu thư này, thì đây quả là một nguyên nhân hợp lý không thể chối cãi.

Tôi tiếp tục lần mò thông tin từ những bức thư vẫn còn mới trong hộp, biết được kha khá chuyện, rằng người thương của tôi, à của Trần Như Ý, tên là Tường, không rõ họ, làm chức vụ gì đó xem chừng khá bận rộn trong hoàng cung nên không thể thường xuyên tới gặp cô ấy, trong bức thư mới nhất còn đề cập đến chuyện anh ta chuẩn bị phải cùng quân binh đi dẹp phản loạn ở vùng biên ải.

Hình như anh cả của tôi cũng phải điều binh tới biên ải từ hai tháng trước nhỉ? Chẳng lẽ hai người này là chỗ quen biết?

“Tiểu thư, người đã dậy chưa ạ? Mau đi ăn cơm thôi.”

Tiếng của Tú vang lên từ ngoài cửa cắt đứt mạch suy nghĩ của tôi, vội vàng nhét tất cả thư vào lại chiếc hộp cũ, tôi tiện tay quẳng chúng vào tủ rồi đóng chặt cửa lại, đứng lên sửa soạn lại quần áo mà giả bộ mới ngủ dậy rồi đẩy cửa bước ra ngoài, nơi Tú đã đứng đợi sẵn, bộ dạng háo hức vô cùng, con bé nói:

“Tiểu thư, hôm nay đại thiếu gia đã thân chinh trở về rồi đấy. Còn đem rất nhiều quà từ biên ải về nữa ạ.”

"Nhanh vậy sao?"– Tôi không kìm được ngạc nhiên mà kêu lên. Đối phó với một ông anh trai thì cũng dễ thôi, vấn đề tôi quan tâm là nếu cái người tên Tường kia thực sự cùng anh tôi đi biên ải, thì hẳn là bây giờ cũng đã trở về kinh thành rồi. Tôi đúng là rất mong chờ được diện kiến anh ta, nhưng nhanh như vậy thì tôi biết phải đối mặt thế nào đây?

"Kệ đi, cứ nói mình mất trí nhớ là xong."– Tôi phủi tay gạt bỏ nỗi lo lắng trong đầu, một mình đi tới tiểu viện chính nơi có phòng ăn vì lúc này Tú đã nhanh chân biến đi đâu mất, chỉ nói rằng mình đi chuẩn bị bữa trưa. Thở dài một hơi, tôi xách váy bước qua bậc tam cấp trước lối vào nhà chính, chợt nhìn thấy một chàng trai trẻ tuổi đang đứng dựa vào cột nhà trước phòng ăn nhìn mình chằm chằm. Thấy tôi đã chú ý đến mình, anh ta đứng thẳng dậy, phủi quần áo, điệu bộ ung dung cất giọng hỏi:

“Khoẻ rồi đấy à?”

Bỏ mẹ rồi, tôi toát mồ hôi nhìn người kia đi về phía mình. Đừng nói là Tường trong truyền thuyết đấy nhé?


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play