[Xuyên không] Vọng Nguyệt

3.


2 tháng


Cảm giác vùng vẫy tuyệt vọng của người không biết bơi mà sắp chết đuối là thế nào?

Tôi chịu.

Vì tôi nghĩ mình đã ngủm củ tỏi nhanh đến nỗi còn chưa kịp nếm trải cái cảm giác kinh hoàng không nên thử nhất trên đời đó rồi(tạ ơn trời). Tất cả những gì tôi cảm thấy là xung quanh chỉ có một màu tối đen như mực, chân tay rã rời như thể chúng nó chẳng còn là của tôi nữa, quanh tai văng vẳng tiếng than khóc thảm thiết. Trong phút chốc, tôi cứ tưởng cuộc đời mình đã kết thúc rồi.

Ấy là tôi nghĩ thế, chứ ông trời thì không.

Đang chuẩn bị tự than khóc một bài, một tiếng hắt xì rõ là to bất thình lình vang lên bên tai như muốn đục thủng luôn cái màng nhĩ già cỗi này khiến tôi bật tỉnh, trừng mắt nhìn trần nhà. Đập vào mắt tôi là một cái trần nhà toàn gỗ là gỗ, còn có cả mái ngói, không có bê tông cốt thép và quạt trần mà tôi mong chờ, hay chí ít là mạng nhện cùng mấy con thạch sùng quen thuộc ở nhà. Chỉ có gỗ và đinh sắt. Tôi vắt não suy nghĩ trong vòng nửa giây, cố gắng xác định vị trí hiện tại của mình, nhưng tất cả những gì ập đến trong đầu tôi hiện tại chỉ là: Bố mẹ vậy mà đã đưa tôi vào chùa nghe kinh siêu thoát rồi?

Đang cố giữ tỉnh táo bằng cách đếm số thanh gỗ trên trần và khích lệ các khớp tay chân vùng dậy bằng suy nghĩ, tầm nhìn của tôi đột ngột bị che khuất bởi một khuôn mặt tròn xoe lạ hoắc, dường như là trẻ vị thành niên. Con bé xui xẻo bị ánh mắt cá ươn đang trợn trừng nhìn lên trần nhà của tôi doạ cho một phen sợ chết khiếp, ngay tức thì trợn mắt há miệng rồi kêu ầm lên, bộ dạng hoảng hốt như cách con bé doạ tôi hoá đá bằng việc bất thình lình ghé sát mặt tới mà dòm vậy. Tiếc là tôi không hét lên như nó được, dù tôi muốn lắm.

“Trời ơi, ông bà ơi, tiểu thư tỉnh rồi kìa!”

Tiếng khóc than dừng ngay tức thì, và trong thoáng chốc tôi đã hy vọng rằng hai người được gọi là "ông bà" kia là bố mẹ tôi. Nhưng không, tầm nhìn của tôi lại tiếp tục bị che khuất bởi hai gương mặt lạ lẫm nữa: một người phụ nữ có lẽ mới ngoài tứ tuần, khuôn mặt xám xịt tèm lem nước mắt nhưng không che được vẻ cao sang quyền quý được tô điểm thêm bằng đôi hoa tai vàng ròng lấp lánh và trâm cài tóc bằng bạc. Người đàn ông bên cạnh cũng không lớn tuổi hơn bà ta là mấy, dù đã đầy nếp nhăn tuổi xế chiều và tóc đã lấm tấm những sợi bạc.

“Mình ơi, con nó tỉnh rồi kìa. Mau, mau đi gọi thầy Phùng tới đây.”

Ai đây?

Tôi trợn mắt hỏi thầm, vì cổ họng đang khô khốc như người sa mạc đến nỗi chẳng thể phát ra bất kì âm thanh nào. Ba người một trẻ hai già cuống quýt hò nhau đi gọi người tới thăm khám, sau khi con bé ban nãy phi như tên bắn ra ngoài, bà cô vừa cười vừa chảy nước mắt, hết xoa mặt lại đến cầm tay tôi rồi liên tục nói cái gì mà cảm ơn trời đất đã trả con gái về cho con, trong khi ông chú bên cạnh thì lấy tay áo chấm chấm nước mắt mừng rỡ.

Cố gắng bật dậy thất bại ngay lần đầu thử nghiệm vì cái đầu choáng váng như bị hạ đường huyết tức thì đã kéo tôi nằm bẹp trở lại giường, nhưng cũng may là tôi đã lấy lại đủ tỉnh táo để biết rằng nơi này rõ ràng không phải là chùa chiền gì cả, mà là nhà ở, vì tôi chẳng thấy ông sư đầu trọc nào hết. Trong căn phòng rộng lớn, tất cả những đồ nội thất từ bàn ghế đến giường tủ mà tầm mắt của tôi có thể nhìn thấy đều làm bằng gỗ với chín chín tám mốt hoạ tiết rồng phượng nhìn toét cả mắt. Người phụ nữ ban nãy thì đang mặc một bộ đồ thời phong kiến, áo khoác ngoài làm từ gấm lụa với phần ống tay thêu hình hoa nhài, ông chồng ngồi bên cạnh cũng mặc phong cách như thế nhưng tối màu hơn một chút.

Tôi nhìn xuống chính mình, bộ đồ trên người tôi cũng là cùng một kiểu dáng với hai người kia, có điều là màu hồng cánh sen nhìn vừa loè loẹt vừa quê mùa. Nhưng hình như chân tay tôi đã ngắn đi bớt rồi thì phải?

Khoan đã, dừng lại khoảng chừng là hai giây…

“Tai nạn bất tỉnh, vong nhập, kiểu nào cũng được, miễn là gần chết. Đúng thời điểm sẽ tự khắc có người dẫn đường, chỉ là trả nợ xong rồi, người mày nợ ở kiếp đấy có cho mày về đây không thôi.”

Giọng nói của bà cô xem bói hôm đó đột nhiên văng vẳng trong tai tôi như một lời nhắc nhở. Bật dậy khỏi giường trong tiếng kêu hốt hoảng của hai người trước mặt, tôi lao đến cái bàn trang điểm cách đó ba bước chân mà vồ lấy cái gương nhỏ vàng khè cầm lên soi. Dù người xuất hiện trong gương vẫn là tôi, nhưng dường như đã trẻ ra rất nhiều, khuôn mặt non choẹt bơ phờ với hai mí mắt sưng húp như thể mới khóc một trận đã đời trước khi chết vậy. Tôi hoảng hốt giơ bàn tay phải lên kiểm tra, không có vết sẹo bỏng vì keo nến do trò nghịch ngu hồi lớp mười để lại, có nghĩa là tôi không hề rơi xuống sông rồi cải lão hoàn đồng, mà là đang sống trong cơ thể của người khác có gương mặt giống y hệt mình.

Đầu tôi bắt đầu choáng váng, tay chân tê bì như đã rất lâu rồi không vận động, tầm nhìn dần mờ đi, nhưng dù sắp mất tỉnh táo thì tôi cũng có thể đưa ra kết luận chắc chắn cho tình hình của chính mình hiện tại:

TÔI–XUYÊN–KHÔNG–RỒI.

Hoảng hốt vì suy nghĩ của chính mình, tôi quay đầu lại, thấy hai gương mặt trung niên ở phía sau cũng đang hoảng hốt chẳng kém, nhưng nhìn biểu hiện bất thường của tôi có lẽ đã khiến họ hoảng sợ không biết phải nói gì. Thế rồi ba người cứ đứng đó nhìn nhau trăn trối cho đến khi con bé ban nãy tung cửa xông vào, còn đem theo một ông bác nữa với một cái hộp gỗ to tướng trên tay.

Con bé nhìn thấy cảnh tượng khó coi trong phòng liền kêu lên hốt hoảng rồi chạy tới kéo tôi về lại giường trong khi ông bác mới xuất hiện bắt đầu mở cái hộp gỗ kì diệu có đủ loại gói giấy chẳng biết là gì kia ra rồi bước tới chạm vào cổ tay tôi trầm ngâm ngồi chẩn mạch. Khoảng một phút sau, trong sự tò mò mong đợi từ ba người kia, ông chú quay lại cái hộp gỗ lấy ra vài gói giấy, bấy giờ tôi mới biết đó là gói thuốc, đưa cho con bé và nói với hai ông bà trung niên:

“Tình hình của tiểu thư tạm thời đã ổn, tĩnh dưỡng vài hôm là sẽ khoẻ hẳn thôi. Ngoài ra chú ý không phơi nắng quá nhiều, giữ cho tinh thần vui vẻ tránh bị kích động mạnh.”

"Đa tạ, đa tạ thầy Phùng."– Hai người kia cảm ơn rối rít và cùng ông bác sĩ tên Phùng kia ra ngoài, không quên căn dặn con bé người hầu chăm sóc tiểu thư cho cẩn thận. Độ một phút sau, con bé quay lại, đem theo một cái bát to bự đựng đầy nước thuốc màu nâu xỉn tới giường của tôi mà ân cần nói:

“Tiểu thư, người mau uống thuốc đi ạ, sau đó nằm nghỉ. Lát nữa tới giờ dùng cơm trưa em sẽ gọi người dậy.”

Gì? Tôi nhăn mặt nhận lấy cái bát từ tay con bé. Uống cái thứ nước trông như xúc bùn ngoài ruộng bỏ vào này ấy hả?

Nãy giờ tôi không dám nói gì nhiều vì sợ nếu tỏ ra khác thường thì mấy người ở đây sẽ nghĩ rằng mình bị ma nhập. Nhưng sau một hồi suy xét, tôi thực sự cảm thấy mình nên thừa nhận bản thân bị ốm đến mất trí nhớ thì hơn. Nghĩ vậy, tôi đưa ánh mắt hèn hạ nhìn con bé người hầu, nhỏ giọng hỏi:

“Em tên gì thế?”

Con bé tức thì trợn mắt há mồm như phát hiện chuyện gì kinh hoàng lắm, ngay sau đó liền xoay người định lao ra cửa, miệng gào to:

“ÔNG BÀ ơi...!!”

Nửa đoạn sau con bé không thể nói hết, cũng chẳng phi ra ngoài cửa được vì tôi đã tức thì phản ứng lại mà xồ ra bịt miệng rồi kéo con bé vào lại phòng bằng tất cả sức lực mình có thể gom góp được. Khỏi phải nói, con bé hoảng hốt cỡ nào, chẳng biết có phải nó nghĩ tôi bị điên hay không, nhưng để có thể ngăn con bé chạy ra báo cáo với hai người ban nãy, tôi bèn quỳ rạp xuống mà kêu lên thảm thiết:

“Coi như là chị xin mày. Đừng nói với hai người họ là chị bị mất trí nhớ!!”

"Trời ơi tiểu thư làm gì thế? Mau đứng dậy đi huhu. Em là Tú đây mà, người quên em rồi sao?"– Con bé hoảng hốt khóc ré lên, khua chân múa tay một hồi rồi kéo tôi đứng dậy, bộ dạng khổ sở hết cỡ–"Sao có thể không nói được ạ? Ông bà chủ lo cho tiểu thư lắm."

"Thế nên ta mới không muốn nói đấy."– Tôi tức thì bịa đại ra một lý do nghe hợp lý vô cùng, vội kéo con bé đang khóc bù lù bù loa kia trở lại giường–"Nếu bố...à cha mẹ mà biết ta bị mất trí nhớ thì họ sẽ suy sụp như thế nào. Ta không muốn họ lo lắng nữa."

“Nhưng...làm sao mà giấu mãi được ạ?”

"Em chỉ cần cho ta biết vài chuyện thôi."– Tôi hít một ngụm không khí cho tỉnh táo rồi ngồi thẳng dậy, sẵn sàng dung nạp kiến thức mới vào đầu mà đắn đo hỏi con bé câu đầu tiên–"Trước tiên, bây giờ là thời vua nào rồi?"

"Dạ, hiện tại là năm Cảnh Nguyên thứ mười sáu."– Con bé lạ mặt, bây giờ đã có tên, Tú, lúc này đã ngừng khóc, thoáng bày ra một vẻ mặt như thể đang nhìn người ngoài hành tinh mà đáp lại, giọng nghẹn ngào. Trong khi tôi mặt nhăn mày nhúm vừa uống hết bát thuốc vừa cố nghĩ xem năm Cảnh Nguyên là cái năm nào trong lịch sử, nhưng rốt cuộc cũng chẳng nghĩ ra nổi, đành hỏi tiếp:

“Vậy hoàng thượng họ gì?”

"Tiểu thư, phải gọi là chúa thượng, không phải hoàng thượng ạ."– Tú kiên nhẫn giải đáp, giọng con bé run run cứ nhỏ dần–"Em nói nhỏ cho tiểu thư nghe thôi đấy nhé, mấy chuyện này không phải cứ thích là được bàn tán đâu...Chúa thượng họ Hoàng ạ."


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play