CỨU RỖI TUYỆT VỜI NHẤT - Phần 2

Tác giả: 岁引​

Dịch: Ngọc Chi | Beta: Nhược Ảnh

*************

5

Tô Tề gặp chỗ nào không hiểu khi học bài thì sẽ đến hỏi tôi ngay.

Tuy rằng ông chỉ mới vào lớp một, nhưng học kỳ đã quá nửa rồi nên sẽ hơi vất vả nếu muốn đuổi kịp tiến độ của cô giáo.

Tôi ngồi dưới ánh đèn vàng ấm áp, nhìn nét chữ loằng ngoằng của ông, thậm chí còn không thể gọi đó là chữ được.

Nhưng ông đã rất cố gắng, viết bài vô cùng nghiêm túc.

“Tôi muốn nuôi một con chó, được không?” Sau khi viết xong, ông ngước lên nhìn tôi.

“Được.”

“Không phải chị nên hỏi lý do à?”

“Tại sao? "Tôi hỏi.

Ông nói về kế hoạch của mình, hệt một ông cụ non: "Sau khi nuôi chó, có thể để nó trông nhà đấy.”

“Vậy thì mua thôi.” Tôi đồng ý, mặc dù mua chó phải tốn một khoản phí không nhỏ.

Cũng như những lần ông đồng ý với tôi vậy.

Khi còn bé, tôi sợ ông quá nên không dám nói chuyện, lại càng không dám đòi hỏi bất cứ thứ gì.

Lên cấp hai, bất đắc dĩ lắm tôi mới phải lên tiếng hỏi xin một thứ, lúc ấy tôi mới biết được, hóa ra chuyện ấy chẳng khó như tôi tưởng. Chỉ cần tôi hỏi thì ba sẽ đồng ý thôi, cho dù ông không chấp nhận ngay lập tức, nhưng ông vẫn sẽ đi tìm thứ tôi cần.

Ngày hôm sau, ông ôm về nhà một con chó vừa đen vừa gầy.

“Con này có được không?” Ông hỏi tôi.

Nhận được lời đồng ý từ tôi, ông lập tức ôm con chó ấy đi tắm rửa.

Sau hôm đó, ông dành thời gian vào buổi tối để huấn luyện chó, đến khi đi ngủ thì khóa cửa lại, con chó bị nhốt bên trong và được buộc bằng một sợi dây thừng.

“Bên ngoài có động tĩnh thì nó sẽ sủa.” Ông vừa vuốt ve Tiểu Hắc vừa ngẩng đầu nói với tôi.

Tiểu Hắc chính là chú chó nhỏ kia.

Tôi gật đầu.

Tối hôm đó, Tiểu Hắc kêu lên.

Tôi tỉnh lại và cố gắng mở to đôi mắt hãy còn nhập nhèm, trong không gian u tối, tôi thấy Tô Tề cầm dao ngồi xổm ở cửa, Tiểu Hắc thì chạy quanh bên người ông, yên lặng không kêu nữa.

Trong bầu không khí im lặng tĩnh mịch này, tôi có thể nghe thấy tiếng động rất khẽ phát ra từ cánh cửa.

Tô Tề đột nhiên đâm dao vào khe hở, tốc độ vừa nhanh vừa tàn nhẫn, bên ngoài vang lên một tiếng kêu thảm thiết, ngay sau đó là tiếng bước chân hoảng hốt chạy bừa.

Tô Tề đứng dậy quay đầu lại, thấy tôi tỉnh giấc thì nói: 

“Chị ngủ tiếp đi, có em ở đây rồi.”

Những lời này khiến tôi an tâm đến mức khó có thể nói thành lời.

Tôi nhớ tới lúc khai giảng cấp ba, lúc ấy ba đã thỏa hiệp với tôi, cho phép tôi ở trọ, ông vỗ lên vai tôi, “Nếu bị bắt nạt thì nói cho ba biết, ba đi băm đứa đó!”

Quả thật sau đó ông đã làm được.

6

“Tô Tề, em có biết ai họ Đường không?” Lúc ăn tối, tôi hỏi ông.

Ông ngỡ ngàng lắc đầu, tôi cũng không nói thêm gì nữa.

Tôi muốn tìm một người, người mà ba từng say rượu khóc lóc trách mình không bảo vệ tốt cho người đó, chính là mẹ của tôi.

Tôi thử đi tìm người nhà họ Đường, nhưng không ngờ bà mối lại tìm tới nhà.

Bà mối còn đưa hẳn một người đàn ông tới nhà, Tô Tề vốn đang làm bài tập, sau khi bọn họ đến thì dừng lại ngay.

Sống hơn mười năm, đây là lần đầu tiên tôi gặp phải chuyện như vậy, trong lòng tôi ngập tràn sự kháng cự mãnh liệt, nhất là khi trông thấy ánh mắt của người đàn ông kia mỗi khi gã nhìn tôi, khiến cho tôi một giây cũng không chịu nổi.

Trong lúc tôi đang nghĩ làm thế nào để từ chối thì Tô Tề đã chắn trước mặt tôi, nói chuyện không hề kiêng nể.

“Không được nhìn, chị ấy không thích, các người đi đi.”

Lời đang nói bị người ta cắt ngang nên bà mối mất hứng.

“Tô Hoan, đứa trẻ này cũng không còn nhỏ nữa, cô không dạy bảo được sao?”

“Bà không thích thì đi đi, quả thật tôi cũng không muốn nói chuyện với bà.” Tôi nói thẳng.

Bà mối lập tức thay đổi sắc mặt, bà ta liên tục nói rằng tôi không biết tốt xấu.

Trước khi Tô Tề cầm con dao lên, bà ta mới đưa người kia rời đi.

“Nơi này chẳng có lấy một người đàng hoàng, nếu chị muốn kết hôn thì đổi chỗ khác thử xem.” Ông khóa cửa, nói với vẻ vô cùng nghiêm túc.

“Được.” Tôi đáp. “Nhưng chị sẽ không đi tìm, cũng không kết hôn đâu.”

Sau khi bà mối đi rồi, Tô Tề không tiếp tục làm bài tập nữa mà ông lấy dao nhỏ và dao găm ra, ngồi xổm xuống đất rồi mài không ngừng.

Ông mài cho đến khi cảm thấy chúng đủ bén rồi mới dừng lại.

Ông cột hai cây gậy lại với nhau, dựng một cái giá hình chữ thập ở trong phòng.

“Em muốn làm gì?” Tôi hỏi.

“Em muốn luyện tập đánh nhau với người khác, nâng cao sức lực của bản thân, em còn biết đánh vào chỗ nào trên người là đau nhất đấy.”

Cũng chỉ trong lúc này, giọng nói của ông mới mang chút tự cao thuộc về những đứa trẻ.

“Em giỏi quá đi.” Tôi cố gắng không để lộ ra cảm xúc thật của mình.

Thậm chí tôi còn có thể tưởng tượng ra những tổn thương mà ông đã phải gánh chịu phía sau những câu nói này.

Làm thế nào mà một đứa trẻ mới tám tuổi có thể biết mấy điều đó? Chắc chắn đấy là những gì nó tự rút ra được trong lúc bị đánh và bị bắt nạt.

“Chị muốn học không? Em có thể dạy chị.” 

Nhìn ánh mắt của ông, những mảnh ký ức mơ hồ nhất bỗng trở nên rõ ràng hơn.

Đã từng có một người hỏi tôi: Con muốn học không? Ba sẽ dạy cho con.

“Được.” Tôi đồng ý.

Ông dạy tôi cực kỳ nghiêm túc, chỉ một cú ngã qua vai thôi mà tôi đã nằm sõng soài trên đất.

Tầm nhìn của tôi mờ dần, tôi nghe thấy giọng nói hoảng loạn của ông gọi tôi hết lần này đến lần khác.

Bóng mờ dần tan biến, tôi nhìn thấy đôi mắt hoảng loạn cùng sự hối hận tột cùng của ông như chồng lên ánh mắt của đêm năm tôi năm tuổi.

“Chị không sao” Tôi không muốn để ông lo lắng như vậy nên đành kéo tay ông, gắng gượng nở nụ cười, “Thật sự không sao mà, chị không bị thương, cũng không đau chút nào.”

“Chúng ta đến phòng khám đi, đến phòng khám để bác sĩ kiểm tra xem.” Ông sốt ruột đến độ rơi nước mắt.

Tôi từ từ đứng dậy, muốn dùng hành động để chứng tỏ cho ông biết rằng tôi không sao.

Nhưng cuối cùng tôi vẫn bị ông kéo đến phòng khám. Cho đến khi bác sĩ nói tôi thật sự không có bất cứ vấn đề gì, ông mới yên tâm.

Ông vẫn một mực cúi đầu suốt đường về nhà, chờ đến khi về tới nơi, ông mới đứng trước mặt tôi và nói “xin lỗi” với dáng vẻ ngập tràn áy náy.

“Không phải lỗi của em”, tôi nói với ông.

Ông buồn rầu nhíu mày, “Tại sao chị lại là con gái, nếu là con trai thì tốt rồi.”

Tôi sửng sốt, câu nói này hoàn toàn trùng khớp với trí nhớ của tôi.

Trong không gian tràn ngập mùi thuốc lá kém chất lượng, ông cũng nói như vậy – Tại sao lại là con gái? Nếu là con trai thì tốt rồi.

Trước đây tôi chưa từng hỏi lý do, nhưng bây giờ tôi đã có thể nhẹ giọng hỏi ông: “Tại sao?”

“Nếu chị là con trai thì em có thể dạy chị cách tự bảo vệ mình, cách đánh nhau với người khác, con trai sống ở nơi này ít gặp nguy hiểm hơn con gái rất nhiều. Nhưng chị lại là con gái, con gái mảnh mai như đóa hoa mỏng manh, ở đây không hề an toàn.”

Ông nói xong càng thêm buồn rầu.

“Nhưng chị yên tâm đi, em có thể bảo vệ chị.” Ông nghiêm túc đảm bảo với tôi.

“Không, lần này đến lượt chị bảo vệ em”

Ông đã bảo vệ tôi hơn mười năm nay, lúc này đây, tôi muốn được bảo vệ ông.

7

Kể từ khi từ chối bà mối, lời đồn to nhỏ trong thị trần ngày càng nhiều hơn, cũng không thiếu người ngỏ ý muốn tôi làm vợ nhà bọn họ.

Tôi không quan tâm đến những lời bàn tán đó, lại càng không đồng ý với bất kì ai.

Tôi đang ấp ủ một kế hoạch, chờ tôi tìm được mẹ và tiết kiệm đủ tiền, tôi muốn rời khỏi nơi này cùng ba.

Trước khi rời đi mãi mãi, tôi muốn đi thăm người mà tôi chưa từng gặp mặt, nếu như mẹ sống tốt, tôi sẽ không quấy rầy bà ấy làm gì.

Nhưng cho tới bây giời, thông tin mà tôi biết chỉ có hai điều, bà ấy mang họ Đường, và trong sổ tay ba có ghi rõ bà ấy bị chó cắn, thế nên bên trong cánh tay trái có một vết răng chó.

Sau khi Tô Tề biết chuyện, ông cũng giúp tôi đi tìm kiếm.

Trong quá trình đó, tôi bắt đầu thử làm một người giám hộ thật tốt.

Tôi nghiêm túc suy nghĩ rất lâu, nhưng mọi thứ vẫn rất mơ hồ.

Tôi muốn ông lớn lên giống như những đứa trẻ tám tuổi bình thường khác, không đánh nhau, không mắng chửi, ngoài việc đi học thì còn có thể vui vẻ chơi đùa.

Nhưng vì hoàn cảnh, đó là cách tất yếu để ông có thể an toàn sống sót.

Thế nên tôi nghiêm túc hỏi ông muốn điều gì?

Ông không hiểu tại sao tôi lại hỏi như vậy, nhưng vẫn chân thành trả lời.

“Em biết bây giờ em chỉ là con nuôi, nhưng em sẽ lớn lên rất nhanh, chờ em lớn lên, chờ em có tiền, em có thể nuôi chị cả đời, thật đấy, em sẽ không nói dối chị, chị có thể đừng bỏ em lại được không?”

“Em có thể không đi học, cũng có thể chỉ ăn hai cái bánh bao một ngày, em chỉ muốn nói với chị rằng, em không phải là kẻ cô độc, em cũng có gia đình, cũng có người chờ em về nhà, em không bị vứt bỏ, em không phải là đứa trẻ không ai cần.”

Ngày hôm đó vành mắt của ông đỏ bừng, tôi cũng không kìm được mà bật khóc.

Tôi ôm lấy ông, vừa nức nở vừa run rẩy nói rằng: “Em không phải là đứa trẻ bị bỏ rơi, em có gia đình mà. Em cũng có thể yên tâm, chị sẽ không đi đâu cả, chị sẽ đồng hành cùng em cho đến khi nào em lớn lên, đừng nghe mấy lời của đám người kia nói, em thật sự rất quan trọng với chị.”

Quan trọng đến mức, trên thế giới này, sẽ có người vì ba mà đến.

8

Tôi không ngừng học cách trở thành một người “mẹ” tốt.

Sau bữa tối, tôi ngồi trước bàn làm việc và giảng giải đống bài tập cho ông; ở nơi cần phụ huynh ký tên, tôi nghiêm túc ký tên của mình vào đó; khi đi họp phụ huynh thì ngồi ở chỗ ngồi của ông.

Hai tháng sau khi tôi đến đây, học kỳ đầu tiên của Tô Tề đã kết thúc, tôi cùng ông chuyển nhà. Chúng tôi chuyển đến một thị trấn gần trường học, không quá xa nơi cũ nhưng so với thị trấn Thanh Thạch thì an toàn hơn một chút.

Từng ngày trôi qua, nụ cười trên mặt ông cũng nhiều hơn trước.

Vào hôm sinh nhật chín tuổi của ông, tôi mua một chiếc bánh kem, ông thích thú nhìn ngắm nó hơn mười phút, giống như vừa khám phá ra một thế giới bé nhỏ mới lạ.

Sau đó, cứ cách năm ba ngày tôi sẽ mang một ít bánh ngọt về nhà.

Sau khi ông chủ biết tôi giỏi ngoại ngữ, đúng lúc bạn ông ấy cần tuyển dụng nhân viên về phương diện này, thế là ông ấy vội đề cử tôi.

Tuy rằng tôi vẫn không có hộ khẩu, nhưng chẳng vì thế mà ông chủ mất đi sự tín nhiệm, ấn tưởng đầu tiên của bạn ông ấy đối với tôi cũng khá tốt, vậy là tôi đã đổi sang một công việc mới.

Tôi vẫn không ngừng tìm kiếm người họ Đường kia. Tôi tìm được rất nhiều người, nhưng chẳng có cánh tay nào bị chó cắn cả, bọn họ đều không phải là người tôi muốn tìm.

Cho đến ngày Tô Tề tốt nghiệp tiểu học, ông dắt một cô bé tầm tuổi mình về nhà.

Cô bé họ Đường, tên Chiêu Đễ.

Lần đầu tiên gặp nhau, tôi bị vết sẹo rất dài trên mặt cô bé dọa sợ, dù phần tóc mái vừa dày vừa dài nhưng cũng không thể che được vết sẹo ấy. Ánh mắt ẩn sau phần tóc mái lúc nào cũng rụt rè e ngại.

Tôi nhìn về phía Tô Tề với vẻ nghi hoặc.

Tô Tề hơi ngượng ngùng

“Em không cẩn thận đụng phải em ấy.”

“Em, em không sao.” Cô bé thì thầm.

Tô Tề không đồng ý, “Tay em bị thương rồi, để anh bôi thuốc cho em rồi đưa em về.”

Nói xong, ông chạy ù vào phòng, lúc đi ra còn cầm theo mấy tờ tiền.

“Em cầm đi, anh bồi thường cho em đó.”

Tô Tề của trước đây sẽ không làm những điều này, chính môi trường sống hiện tại đã dạy ông biết, làm sai thì phải bồi thường.

Tôi có thể nhận ra vẻ căng thẳng của cô bé, bên cạnh đó là nỗi khao khát có được số tiền này trong đôi mắt kia. Mặc dù số tiền này không nhiều, chỉ có mấy chục mà thôi.

“Cầm tiền đi, để chị bôi thuốc cho em.”

Vết sẹo trên mặt cô bé khiến giọng tôi dịu dàng hơn.

“Cảm ơn.” Cô bé nhận tiền.

Vết thương ở khuỷu tay nên phải kéo ống tay áo lên, ngay lúc đó, tôi trông thấy vết xướt và vết bầm tím, cũng như dấu răng chó không biết đã tồn tại bao lâu rồi.

Tôi sững sờ.

“Em tên là gì?”

“Đường Chiêu Đễ ạ.”, cô bé lí nhí trả lời.

Tất cả đều chính xác.

Tôi nhìn gương mặt của cô bé, loáng thoáng có thể thấy được những nét tương đồng với mình khi còn nhỏ.

Có điều tôi không gầy yếu và suy dinh dưỡng như cô bé ấy.

Người mà lâu nay tôi muốn tìm đã tìm được rồi, nhưng tôi lại không biết nên nói chuyện với cô như thế nào, dù sao đây cũng là lần đầu tiên tôi và mẹ gặp mặt.

Việc bà có sống tốt hay không cũng không cần hỏi, tên của bà, vết sẹo trên mặt, thân thể suy dinh dưỡng cùng ánh mắt nhút nhát yếu ớt không dám đối diện với người khác, mọi thứ đã đủ nói lên tất cả. Nếu hỏi thì lại thành vạch trần vết sẹo của người khác mất rồi.

Tôi cẩn thận bôi thuốc, dán băng cá nhân, dặn dò bà ấy mấy ngày này không được đụng vào nước.

Bà im lặng gật đầu không nói gì.

Sau khi xử lý xong vết thương, tôi buông ống tay áo của bà xuống.

“Đúng lúc cơm tối sắp xong rồi, hay em ở lại ăn rồi về.”

Bà ấy lắc đầu, có vẻ rất lo lắng, “Em phải đi, nếu không sẽ muộn mất.”

Nói xong, bà vội vàng ôm cặp sách chạy ra khỏi nhà.

“Chắc là em ấy bận chuyện gì đó quan trọng lắm.” Thấy tôi vẫn nhìn theo bóng người vừa rời đi, Tô Tề lên tiếng.

Tôi thôi không nhìn nữa, “Em ấy chính là người chị đang tìm.”

Tô Tề không rõ vì sao tôi phải tìm cô gái ấy, ông gật đầu, “Vậy em sẽ chú ý những tin tức liên quan đến em ấy.”

10

Lần thứ hai tôi nhìn thấy Đường Chiêu Đễ là một tháng sau, tôi đang trên đường trở về nhà sau khi mua thức ăn thì nhìn thấy bà đang cúi đầu bước đi thật vô hồn.

Tôi gọi bà ấy lại.

Lúc đi tới tôi mới nhận ra bà đang khóc, nước mắt từng giọt từng giọt rơi trên mặt đất.

“Trong nhà em xảy ra chuyện gì sao?”

Bà cúi đầu không nói gì.

“Nếu không có nơi nào để đi thì theo chị về nhà nhé? Một cô gái như em ở bên ngoài không an toàn.”

Trước đó, Tô Tề đã xoay sở để nghe ngóng tin tức của Chiêu Đễ.

Bà sinh ra trong một gia đình trọng nam khinh nữ điển hình, cả nhà chỉ chú ý đến em trai bà mà thôi

Vai trò của bà chỉ là một người lao động trong nhà.

Đường Chiêu Đễ vẫn không nói gì, chỉ yên lặng rơi nước mắt.

Tôi nghĩ một lúc rồi nắm lấy tay bà.

Bà ngước lên, để lộ ra khuôn mặt mang vết sẹo dữ tợn cùng đôi mắt đẫm lệ.

“Đi theo chị.” Giọng nói của tôi nhẹ nhàng hơn vài phần. 

Bà ấy vẫn một mực im lặng, nhưng cũng không kháng cự.

Tô Tề đã dọn cơm tối xong, ông nhìn thấy Đường Chiêu Đễ và tôi cùng nhau trở về thì hơi kinh ngạc nhưng không hỏi gì, chỉ cầm thêm bát đũa ra.

Tôi đưa Đường Chiêu Đễ vào nhà vệ sinh, lau sạch nước mắt trên mặt trước rồi mới dẫn bà đi ra.

“Ăn cơm đi.”

Bà bưng bát cơm lên rồi lặng lẽ ăn, tuy nước mắt vẫn chảy dài nhưng không còn nhiều như ban nãy nữa.

Sau khi ăn xong, bà ấy nhìn tôi, nghiêm túc cúi đầu nói một tiếng cảm ơn.

Buổi tối hôm đó Đường Chiêu Đễ ngủ lại nhà tôi.

Tôi không gặng hỏi bà ấy đã xảy ra chuyện gì nữa, nhưng sang hôm sau, bà đã thủ thỉ kể cho tôi nghe rằng người nhà bà ấy không cần bà ấy nữa.

Năm nay bà mười hai tuổi, vừa học xong tiểu học, người nhà muốn bà bỏ học ở nhà làm việc, bà không muốn, thế là bị đuổi ra khỏi nhà.

Nỗi tuyệt vọng và sự tĩnh lặng như bao trùm trong mắt bà, ánh mắt như vậy tôi đã từng thấy trong mắt của Tô Tề.

Tôi muốn đưa bà ấy đi cùng mình.

“Chị có thể giúp em được tiếp tục đến trường, em có đồng ý rời khỏi đây cùng chị không?”

Vẻ ngạc nhiên lóe lên trong mắt bà, nhưng chỉ thoáng qua mà thôi.

“Bọn họ sẽ không bỏ qua cho em đâu, không được đâu chị.” Bà nghẹn ngào.

“Bọn họ” ở đây chính là ba mẹ ruột của bà.

Bọn họ đuổi bà ra khỏi nhà là vì muốn ép bà đi vào khuôn khổ, chứ không có nghĩa là bọn họ sẽ từ bỏ sức lao động miễn phí như bà.

 “Bọn họ nói, chờ vài năm sau, bọn họ sẽ bán em để đổi lấy tiền.” Giọng bà càng thêm tuyệt vọng.

Tôi nắm chặt tay bà và nhìn thẳng vào mắt bà, cố gắng xoa dịu cảm xúc hiện tại của bà.

“Không sao đâu, nhất định sẽ có cách mà.”

Đường Chiêu Đễ tạm thời ở lại chỗ này.

Hoàn cảnh sống khi trước đã khiến bà cực kỳ nhạy cảm.

Bà không dám nghỉ ngơi mà lúc nào cũng phải làm việc gì đó, không dám ăn nhiều hơn một miếng cơm, lại càng không dám tùy tiện gắp thức ăn.

Nhưng trong nhà chẳng có việc gì cần bà làm, điều này lại làm cho bà càng thêm bất an.

Khi tôi không biết làm thế nào để loại bỏ cảm xúc này trong lòng Đường Chiêu Đễ thì Tô Tề đã mở lời: “Muốn đọc sách không?”

Ông chỉ vào phòng đọc sách nhỏ, “Trong đó có rất nhiều sách, em có thể vào lấy một quyển và mang về phòng để đọc.”

Đường Chiêu Đễ liên tục lắc đầu, “Em, em làm thêm chút việc thì tốt hơn.”

Người này khó chịu nhất là khi có người tốt với mình, một khi có người đối xử tốt với bà thì bà sẽ thấy mình mắc nợ đối phương.

“Nhưng bây giờ đang là thời gian nghỉ ngơi, dựa theo quy định của nhà chúng ta, thời gian này có thể đọc sách, hoặc ngủ trưa.”

Đường Chiêu Đễ bị ông thuyết phục, cuối cùng cũng chịu cầm một quyển sách về phòng mình.

Tô Tề rất giỏi lừa người khác.

Dưới cú lừa của ông, Đường Chiêu Đễ thường xuyên bối rối, cuối cùng chỉ biết sững sờ nghe lời.

Theo kế hoạch của tôi, tôi sẽ tìm cách đưa cả hai người ra khỏi đây.

Nhưng tôi sẽ không để hai người ở với nhau.

Tôi đã dạy Tô Tề về sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ từ rất sớm, vì vậy ông không bao giờ ở một mình trong phòng với Đường Chiêu Đễ quá mười phút.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play