Cứu Rỗi Tuyệt Vời Nhất

Chương 1


2 tháng


CỨU RỖI TUYỆT VỜI NHẤT - Phần 1

Tác giả: 岁引​

Dịch: Ngọc Chi | Beta: Nhược Ảnh

************

1

Tôi đã chết và cũng quên mất mình chết như thế nào, sau khi chết đi, linh hồn tôi bay lơ lưng trên không và chẳng thể rời xa ngôi mộ quá mười mét.

Chỉ mất ba ngày để tôi đi từ sự bàng hoàng lúc ban đầu đến việc chấp nhận sự thật này.

Tôi đã dành cả một ngày để chăm chú nhìn tấm bia mộ của mình, trên bia mộ có khắc mấy chữ Mộ của Tô Hoan Chi.

Bên cạnh mấy chữ này có khắc ngày tháng, phía dưới ngày tháng còn có mấy chữ nhỏ.

Con gái của Tô Tề.

Tô Tề chính là ba của tôi.

Tôi cố gắng nhớ lại chuyện khi còn sống, tất cả đều là dấu ấn về ba tôi.

Một người đàn ông đầy tật xấu, ông nghiện thuốc lá, nát rượu, nói năng thô tục, thích kiểm soát, có vẻ ngoài hung dữ, hơn nữa còn rất thích dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề.  

Khi lên năm, tôi đã quên mất chuyện gì đã xảy ra, tôi nhớ hơn nửa đêm ông ấy đưa tôi đến một phòng khám nhỏ.

Tay của tôi bị gãy, đau đến mức môi run rẩy, nước mắt lặng lẽ chảy.

Ba tôi nóng nảy đứng ngoài cửa, nhìn tôi với vẻ mất kiên nhẫn.

Y tá quay lưng về phía ông, nhẹ nhàng hỏi tôi, kia là ai của em.

Tôi trả lời là ba.

Trong khoảnh khắc đó, ánh mắt ý tá nhìn tôi càng thêm kỳ lạ.

Vài năm sau nhớ lại, tôi mới nhận ra đó là sự thương hại.

Bác sĩ chữa bệnh cho tôi, chỉ đường cho tôi đi tìm ba.

Phòng khám không cho hút thuốc, nhưng ông nhất định muốn hút, thế nên bị người ta đuổi vào một góc nhỏ.

Tôi nhìn thấy ông ngồi đó không hề cử động, đưa lưng về phía tôi, hút mây nhả sương.

Mùi thuốc lá kém chất lượng ngập tràn không khí, rất khó ngửi, nhưng tôi đã quen rồi.

“Tại sao lại là con gái? Nếu là con trai thì tốt rồi.”

Một cô bé năm tuổi như tôi chưa từng nghe thấy câu trọng nam khinh nữ này, càng không hiểu trọng nam khinh nữ là cái gì.

Nhưng tôi nhớ mãi câu nói ấy được thốt ra từ chính ba của mình, cũng nhớ rõ sự phiền não trong giọng nói của ông.

Ông không cao, chỉ khoảng một mét sáu, lưng hùm eo gấu, cơ bắp cuồn cuộn, đặc biệt là ở cánh tay. Ông luôn để đầu đinh, khuôn mặt vô cảm chưa bao giờ nở nụ cười, ngay cả khi không có biểu cảm gì thì trông ông ấy cũng rất hung dữ. 

Từ khi tôi bắt đầu có ký ức, trên tay ba tôi luôn luôn kẹp một điếu thuốc lá, thứ đó là do bạn của ông cho, mặt ông dày, lại có nhiều bạn bè, nên chưa bao giờ phải lo lắng về việc thiếu thuốc hút. Nhưng những điếu thuốc này phần lớn đều là hàng kém chất lượng, mùi cực kỳ khó ngửi.

Ông nghiện rượu, cứ uống say là ông ngay lập tức nổi điên, mắng chửi điên cuồng, tôi chẳng hiểu mấy lời ông nói, chỉ biết khuôn mặt khiến cho tôi sợ hãi kia thật dữ tợn, văn vẹo, chẳng khác nào dã thú.

Khi đó nhà chỉ có một phòng, tôi đứng ở góc phòng, nhìn ông ấy vừa mắng chửi vừa đập đồ.

Trong phòng cũng không có nhiều đồ vật để cho ông đập, căn bản chỉ là chút đồ dùng cũ nát mà chính ông cũng không biết chúng đến từ nơi nào.

Đợi ông ấy đập mệt rồi lăn ra ngủ, lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm, sau đó cũng rón rén đi ngủ.

Tôi không đi nhà trẻ, mà lên thẳng tiểu học.

Trước khi đi học tiểu học, tôi vẫn luôn ở nhà, ba tôi không cho tôi đi ra ngoài, mỗi lần tôi có ý định muốn đi ra ngoài thì ông ấy sẽ trừng mắt nhìn tôi với dáng vẻ vô cùng hung ác, cứ như giây tiếp theo sẽ xông tới đánh tôi vậy, giọng nói thô khàn khó nghe: “Đi ra ngoài làm gì?”

Nhưng chính ông ấy lại bên ngoài cả ngày, thậm chí đôi lúc còn đi đến sáng sớm hôm sau mới trở về, vì sợ tôi sẽ đi ra ngoài nên ông ấy luôn khóa chặt cửa phòng.

Trước khi đi, ông ấy sẽ để ở nhà một ít đồ ăn, mấy cái banh bao, rau và một ít nước.

Nhưng tôi không thích. Tôi không thích rau hẹ, không thích tỏi, nhưng tôi sợ ba mình hơn, cho nên tôi cố nén cơn buồn nôn, miễn cưỡng ăn bằng hết.

Trên người ông thường xuyên mang thương tích, vết thương mới và vết thương tích cũ chồng chéo lên nhau, tất cả đều do ông đánh nhau với người ta để lại.

Tôi đã thấy cách ông ấy đánh nhau.

Ngày đó, sau khi tôi cẩn thận nhắc tới vài lần, cuối cùng ông ấy mới miễn cưỡng dẫn tôi đi ra ngoài, đến nơi ông ấy làm việc.

Ở đó có rất nhiều người như ông, không ít người trong số họ cao hơn, mạnh mẽ hơn và cơ bắp hơn ông.

Ở ngay trước mặt tôi, ông ấy đánh nhau với một người.

Rõ ràng giây trước còn đang cười cười nói nói, thế mà giây sau ông đã vung nắm đấm, xoay người thành một hình tròn, động tác vừa dữ dội, vừa mãnh liệt, cả khuôn mặt đều nhăn nhó vặn vẹo.

Hình như nắm đấm không khiến ông thỏa mãn nên ông cầm lấy gậy gỗ, cũng may được người ta ngăn lại kịp.

Trên người ông có rất nhiều vết thương, dòng máu tươi chảy dài từ gò má xuống cánh tay, nhưng ông chẳng mảy may để ý.

Kẻ đánh nhau với ông còn bị thương nặng hơn, người nọ nằm trên đất, đứng dậy không nổi, phải nhờ người khác dìu dậy.

Ba tôi hung hăng mắng người nọ rồi xoay người kéo tôi rời đi.

Chứng kiến cảnh ấy làm tôi sợ muốn chết, sắc mặt tôi trắng bệch, chân như nhũn ra, chỉ biết chạy đi thật nhanh.

Sau khi về nhà, tôi chẳng dám hó hé câu này, còn ba tôi vẫn giữ vẻ mặt u ám, chẳng nhìn tôi lấy một lần.

2

Năm tám tuổi, gần chín tuổi, tôi mới vào tiểu học.

Trong lớp chẳng ai để ý đến tôi, cứ như tôi không hề tồn tại.

Tôi thích đọc sách, tôi thích những cô giáo nói chuyện với mình một cách dịu dàng và ân cần.

Sau khi ba tôi đến trường vài lần, bộ dạng cùng lời nói thô tục của ông khiến cho giáo viên trong lớp càng thêm đau lòng.

Lên cấp hai, cũng vì tính cách của mình mà tôi bị các bạn học cô lập, tôi nghe họ nói xấu  sau lưng tôi. Không sao cả, hoàn cảnh sống từ nhỏ đến lớn khiến tôi cảm xúc trong tôi như chai lì mất rồi.

Yêu cầu của ba đối với tôi ngày càng nhiều. Tôi không được mặc váy, quần đùi hay áo tay ngắn, nếu tôi lén mua thì ông sẽ xé toạt chúng ngay trước mặt tôi.

Sau khi tan học, tôi phải về nhà ngay lập tức. Ba tôi lắp camera theo dõi, nếu tôi về trễ một chút thôi thì khi ông ấy ông sẽ chất vấn, chửi rủa không ngừng.

Cuộc sống như vậy khiến tôi cảm thấy rất nghẹt thở, nhưng tôi không thoát ra được.

Song, cũng chính ông là người đã giúp tôi tránh phải nạn bạo lực học đường.

Sự im lặng của tôi khiến đám người xung quanh cảm thấy tôi dễ bắt nạt, cho đến khi ba tôi có việc phải đến trường một chuyến, ông đứng phía sau tôi, nhìn chằm chằm đám người trong lớp như một vị hung thần tàn ác.

Sau hôm đó, họ ngừng nói xấu tôi vì tôi có một người ba có thể giết người ngay lập tức.

Sau khi tốt nghiệp cấp hai, tôi chọn một trường cấp ba ở xa để có thể ở lại kí túc xá. Cuối cùng tôi cũng rời khỏi ông, tôi đã có không gian để hít thở trong chốc lát.

Tôi cố gắng hòa nhập với môi trường xung quanh, cũng có một người bạn để nói chuyện.

Nửa tháng về nhà một chuyến, số lần tôi nhìn thấy người đàn ông ấy không nhiều nữa.

Sau đó là kỳ thi đại học, kỳ thi kết thúc, trí nhớ của tôi cũng ngưng lại vào lúc ấy

3

Dường như tôi đã quên rất nhiều rất nhiều chuyện, tôi cố gắng hồi tưởng lại, nhưng vẫn không nhớ nổi.

Mười năm sau khi rời xa cõi đời, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy người đầu tiên đến thăm mình.

Đó là ba tôi, một người ba rất khác với người đàn ông trong trí nhớ của tôi.

Ông đã già đi rất nhiều, đi từng bước khập khiễng, vẻ tang thương bao trùm khiến ông chẳng khác nào một cụ già.

Tôi nhìn thấy ông khóc, đây là điều chưa từng xuất hiện trong trí nhớ của tôi.

“Đường Đường, mấy tên súc vật kia đều chết rồi, chết hết rồi.”

Nói xong, ông đau đớn ôm mặt khóc nức nở như một đứa trẻ, nước mắt cứ tuôn rơi mãi.

Ba khóc trước mộ của tôi rất lâu, lâu lắm, cứ như nước mắt cả đời này đã được ông dùng hết chỉ trong ngày hôm nay vậy.

Sau khi khóc xong, trông ông càng già đi nhiều hơn, tựa như chỉ một cơn gió lay động cũng có thể thổi bay ông.

Rõ ràng trong trí nhớ của tôi, ông rất mạnh mẽ, chỉ cần một nắm đấm là có thể đấm ngã người cao hơn ông, cường tráng hơn ông.

Ông ấy ở lại mộ tôi cả đêm.

Ông nói, “Ba không phải người tốt, cho nên kiếp sau đầu thai thì mở to mắt ra, ít nhất phải được sinh trong một gia đình bình thường, ít nhất phải được yêu thương, không chịu tủi thân hay uất ức.”

Tôi không thể trả lời, chỉ đành nhìn ông ấy lẩm bẩm một mình.

Trời sáng, ông đứng dậy trở về, tôi thử đi theo, thành công rời khỏi nơi đã giam cầm mình suốt mười năm.

Tôi ngoảnh lại nhìn phần mộ, sau đó đi theo sau ba mình.

Nơi này cực kỳ hẻo lảnh, phải đi rất lâu mới gặp được người ta.

Tôi nhìn hai người phụ nữ vốn đang cười nói vui vẻ, sau khi nhìn thấy ba tôi, sắc mặt bọn họ đều thay đổi, ai nấy cũng tỏ ra dè chừng và sợ hãi.

Tôi nghe họ hạ giọng.

“Chính là hắn, mười năm trước hắn đã giết người đấy, người đàn ông kia bị hắn chém thành hơn mười đoạn, hắn chém xong thì đi tự thú ngay.”

“Hả? Tàn nhẫn như vậy sao?”

“Đúng vậy, nghe nói hắn đi tự thú vì con gái của mình.”

Hai người kia đi càng lúc càng xa, tôi quay đầu nhìn lại, nhưng vẫn bám sát phía nhau ba.

Ba tôi khập khiễng từng bước về nhà. 

Sau khi tôi học tiểu học xong, trong nhà có chút tiền nên ba dẫn tôi chuyển đến nơi này.

Tôi đi xem căn phòng của mình, bên trong hết thảy đều không thay đổi, chúng vẫn giống hệt với trí nhớ của tôi.

Tôi ra khỏi phòng mình rồi đẩy cửa vào phòng ba, có một mảnh giấy đập vào mắt tôi ngay tức khắc.

“Không được đánh, càng không được để lại tiền án, Đường Đường còn phải thi công chức.”

Chữ viết xấu như học sinh tiểu học vậy, nhưng tôi có thể tưởng tượng lúc ông viết những lời này đã nghiêm túc đến nhường nào.

Tôi lật một cuối sổ được cất trong ngăn bàn của ba, trên trang bìa viết một hàng chữ xiêu xiêu vẹo vẹo.

“Ngày 14 tháng 5, tôi nhìn thấy bông hoa của mình”

.…

 “Nếu như có thể trở lại quá khứ, sống mười năm, em muốn trở lại khi nào?”

Đột nhiên, trong đầu tôi truyền đến một giọng nói.

Người kia nói anh ta được ba tôi nhờ, nên sẽ thực hiện một ý nguyện của tôi.

“Tôi muốn đi xem tuổi thơ của ba, vào năm ông ấy tám tuổi.”

“Được” Người kia đồng ý.

.…

Khi mở mắt ra lần nữa thì tôi đang đứng trên một con đường trong thị trấn Thanh Thạch với hình dáng trước khi c.h.ế.t.

Nơi này rất hẻo lánh, xung quanh chẳng có lấy một bóng người.

Đây là nơi ba tôi sống khi còn nhỏ.

Ba chưa bao giờ kể cho tôi nghe về quá khứ của ông, nhưng từ mấy câu nói của người xung quanh, tôi có thể đoán được tuổi thơ của ông chẳng mấy vui vẻ.

Năm tuổi mất cha, sáu tuổi bị mẹ bỏ rơi, không ai nguyện ý nhận nuôi ông nên ông một thân một mình tự lớn lên.

Khi tôi tìm thấy ba thì ông đang ngồi xồm trong góc và ngấu nghiến một cái bánh bao rất bẩn.

 “Tô Tề.” Đây là lần đâu tiên tôi gọi thẳng tên ông.

Cậu bé quay đầu lại nhìn tôi bằng ánh mắt vô cùng cảnh giác.

“Chị là bạn của ba em, sau này sẽ là người giám hộ của em”

“Vì sao tôi phải tin chị?”

Trên người ba, tôi hoàn toàn nhìn không thấy bộ dạng của một cậu bé tám tuổi nên có.

Ông trưởng thành quá sớm, chịu quá nhiều khó khăn cùng đau khổ, những chuyện này khiến ông chỉ có thể dùng ánh mắt hoài nghi nhìn thế giới này.

Tôi chẳng thể khiến ông tin tưởng mình, nhưng tôi có thể dùng mấy đồng lẻ trên người để dẫn ông đi ăn một bữa no nê.

Trên bàn cơm, ông như một con hổ đói, chưa đến 2 phút mà một sợi mì trong bát cũng không còn.

Tôi đưa bán mì còn nguyên của mình cho ông.

Ông nhìn tôi như một kẻ ngốc.

“Chị không đói.”

Ông chẳng nói chẳng rằng, chỉ bưng bát mỳ mà tôi đưa rồi tiếp tục ăn.

Đương nhiên cũng chén sạch chỉ trong vòng vài phút ngắn ngủi.

“Còn đói không”

“No rồi”. Ông dùng cánh tay lau miệng.

“Em đói lâu chưa?” Tôi hỏi.

Giọng nói của ông vẫn dè chừng như trước, “Không ai nhận nuôi tôi, tôi lấy đâu ra cơm ăn?”

Suy cho cùng ông cũng chỉ là một đứa trẻ 8 tuổi, ngay cả năng lực lao động và kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất cũng không có.

“Vậy hằng ngày em ăn cái gì?”

Người nọ trả lời tôi với vẻ mặt dửng dưng: “Nhặt được cái gì ăn cái đó, không nhặt được thì chịu đói.”

“Đi theo chị, chị chắc chắn sẽ không để em đói bụng.” Tôi nói

Ông nhìn tôi, rõ ràng là hơi xiêu lòng rồi, nhưng vẫn nói một câu: “Chị nghĩ kỹ chưa? Tôi là gánh nặng đó.”

“Không sao.” Con cũng đã là gánh nặng của ba hơn mười năm đấy thôi.

4.

Ông dẫn tôi đến nơi ông ở, căn nhà đơn sơ đến mức chỉ cần trời mưa thôi thì trong nhà sẽ ướt hết.

“Bây giờ chị hối hận vẫn còn kịp đấy.” Ông ra vẻ thoải mái.

“Không hối hận.” Tôi không biết từ nhỏ ông đã trải qua những gì, nhưng ông chưa từng để tôi phải nếm trải cuộc sống như thế này.

“Tùy chị.”, Ông lầm bầm, sau đó thu dọn cho tôi một chỗ có thể ngủ.

Đó là một tấm chiếu cỏ cũ nát được trải xuống đất.

Tôi không nói gì mà ngủ một đêm trên tấm chiếu cỏ đó.

Ngày hôm sau, dưới ánh mắt của Tô Tề, tôi đưa cho ông một khoản tiền để mua bữa sáng và bữa trưa, sau đó nói với ông rằng tôi phải đi tìm việc.

Ở nơi này, tôi là người chẳng có thân phận, cũng may sau một phen giải thích sứt sẹo, có một nhà hàng đã nhận tôi vào làm.

Tiền lương không cao, công việc thì nhiều, nhưng tôi vẫn đồng ý, bởi vì tôi cần tiền, cần rất nhiều rất nhiều tiền.

Ba tôi chưa từng được đi học một ngày nào, tôi muốn thấy ông đến trường.

Giống như ông từng làm ba phần công việc trong một ngày, bận rộn đến chân không rời đất, tất cả chỉ để tôi được nhập hộ khẩu và có thể đi học bình thường

Dường như ông chủ thấy tôi đáng thương nên đưa trước một nửa tiền lương, phần còn lại thì cuối tháng sẽ trả sau.

Buổi tối, bầu trời chìm trong màn đêm tĩnh mịch, tôi ôm một nửa tiền lương hôm nay quay về nhà.

Ba rất ngạc nhiên khi thấy tôi trở về.

Tôi lấy ra ít đồ ăn mà ông chủ đóng gói cho tôi rồi nói ba ăn cơm.

Lúc ăn cơm, ông nhìn tôi rất nhiều lần, “Chị làm việc ở đâu? Em cũng muốn đi.”

“Nơi đó không tuyển trẻ con”

“Ồ.” Ông rất thất vọng

“Em muốn đi học không?”, tôi hỏi, “Chỉ cần em muốn, chị sẽ cho em tới trường, chăm sóc em đến khi nào em trưởng thành.”

“Em không muốn” Ông lắc đầu.

“Không, em muốn”. Tôi đã thấy ông cầm lấy sách vở của tôi và cẩn thận vuốt ve, cả ánh mắt của ông khi đó nữa

Cho dù có khổ hơn, mệt hơn, thì ông cũng kiên trì để khi tôi có thể đến trường khi lên tám tuổi.

“Nhưng phải cần rất nhiều tiền, tôi cũng không chắc mình có thể làm được.”

“Tiền thì chị kiếm được, em chỉ cần tập trung học hành là tốt rồi, học không giỏi cũng không sao.”

Vào năm cấp hai, lần đầu tiên tôi bị điểm kém, thế là tôi khóc, nào ngờ lại bị ông ấy phát hiện.

Lúc ấy trông ông rất khó chịu.

“Không phải chỉ là thành tích không tốt thôi sao? Có gì đâu?”

“Chị không hối hận là được” Ông kích động.

“Sẽ không đâu.” 

Ngày hôm sau tôi vẫn đi làm, trên đường đi, tôi hỏi ông chủ về trường tiểu học gần đây nhất.

Vào buổi trưa, nhân viên có nửa tiếng nghỉ ngơi nên tôi xin nghỉ, đi tìm trường tiểu học mà ông chủ nhắc tới.

Có lẽ tôi khá may mắn khi gặp được giáo viên trong trường trong lúc đang bị chặn ở trước cổng trường.

Cô giáo dẫn tôi vào trường, kể cho tôi nghe về tình hình và học phí của trường.

Dưới chế độ giáo dục bắt buộc chín năm, học phí hoàn toàn miễn phí, chỉ thu tiền ăn uống và tiền kí túc xá.

Tôi muốn về hỏi ba xem ông ấy muốn ở lại kí túc xá hay ở ngoại trú, thế nên tôi hẹn cô giáo kia ngày mai sẽ bàn lại chuyện này ở trước cổng trường.

Buổi tối, tôi nói chuyện với ba.

Tôi không nói nhiều, chỉ hỏi ông có muốn ở trường học hay không.

“Có phải không ở lại trường thì sẽ đỡ được một khoản không?”

Tôi gật đầu.

Ông chọn ngoại trú.

Ngày hôm sau tôi dẫn ông đến gặp cô giáo kia, sau khi nộp hai trăm tiền ăn uống, ông đã được đến trường.

Trường học cách nhà hơi xa, đi bộ khoảng nửa tiếng mới tới. Mỗi buổi sáng, tôi nhét mấy đồng vào túi ông để ông mua đồ ăn sáng, còn tiền cơm tối thì ông không lấy, ông muốn chờ tôi về rồi cùng nhau dùng bữa.

Mỗi tối trở về, tôi đều thấy ông ngồi trước cửa vừa làm bài tập, vừa chờ tôi.

Đi làm chưa đầy một tuần, tôi bị người ta theo dõi.

Hôm nay quán ăn rất bận, đã sắp tan ca rồi mà khách vẫn còn đến rất nhiều, chờ mọi việc xong xuôi thì đã trễ giờ tan làm tận một tiếng rồi.

Ông chủ biết tôi khó khăn nên đóng gói cho tôi một ít thức ăn theo thường lệ, tiền lương cũng cho nhiều hơn một chút.

Đi ra khỏi quán ăn, tôi cầm đèn pin đi trong bóng đêm mờ mịt, một bóng người lặng lẽ đi theo sau tôi, tôi quay đầu lại nhìn thoáng qua, nhưng vì tối quá nên không thấy rõ tướng mạo của hắn.

Tôi vội tăng tốc độ, hắn cũng tăng tốc độ, tôi giảm tốc độ, hắn cũng chậm lại theo.

Xung quanh chẳng có ai khác, tôi bắt đầu hoảng hốt.

Cho đến khi ánh sáng của một chiếc đèn pin khác xuất hiện.

Tôi thấy Tô Tề.

Tô Tề tám tuổi cầm trong tay một con dao sắc bén, ánh mắt hung ác nhìn người phía sau tôi.

“Lại đây.” Ông nói với tôi.

Tôi lại gần phía ông, ông lấy một con dao găm khác từ trong ngực ra, "Cầm đi.”

Giờ phút này đột nhiên tôi thấy an tâm lắm.

Có lẽ bóng người kia đã thấy con dao găm nên do dự một chút rồi xoay người rời đi.

“Sao em lại tới đây?” Tôi hỏi ông.

“Chị về muộn hơn mọi khi.”

Trong trí nhớ của tôi cũng có câu nói này

Người kia cũng từng nói như vậy khi tôi về muộn nửa tiếng.

Khi đó, giọng điệu hỏi han của ông khiến tôi rất khó chịu.

Ánh mắt nghiêm túc của ông hiện giờ giống hệt một người lớn trong cơ thể của cậu bé tám tuổi.

“Chị có biết nơi này nguy hiểm đến mức nào không? Dù chị có xảy ra chuyện gì thì cũng chẳng có ai giúp chị đâu.”

“Hôm nay nhà hàng đông khách nên tan làm muộn.” Tôi giải thích theo bản năng.

Ông nhíu mày, “Vậy sau này em đón chị, tan làm chị đợi em ở đó đi.”

Tôi không đồng ý: “Em là trẻ con, đi một mình vào buổi tối cũng nguy hiểm mà.”

Ông cười nhạt: “Em lớn lên ở nơi đây, có nguy hiểm nào mà chưa từng thấy chứ?”

“Em đã chứng kiến cảnh giết người ba lần. Chết chết, bắt bắt, chuyện như vậy vẫn sẽ tiếp tục xảy ra, người không có năng lực muốn sống sót ở đây thì phải dựa vào vận may."

“Ở trong mắt mọi người, phụ nữ là loài yếu nhất, không có năng lực tự vệ nhất.”

Ông nhìn con dao trong tay tôi, giọng điệu hung ác hệt như ông của mấy chục năm sau.

“Chị giữ con dao này đi, ai muốn làm hại chị thì chị chém người đó, chém vào chỗ chết ấy.”

Lúc này đây, đột nhiên tôi bắt đầu hiểu hơn về người ba luôn tin rằng bạo lực có thể giải quyết tất cả này.

Bởi vì ông phải sống sót trong hoàn cảnh như vậy.

Tô Tề nói được làm được, ngày hôm sau, gần giờ tan ca, ông đeo cặp sách xuất hiện trước quán ăn. 

Thấy tôi đang dọn dẹp vệ sinh, ông chẳng nói chẳng rằng, chỉ đặt cặp sách xuống và vào giúp tôi.

Ông chủ tưởng ông ấy là em trai tôi nên cười rồi khen tôi có một cậu em trai ngoan.

Sau khi tan làm, ông đi đằng sau tôi với con dao trong tay.

Chỉ cần ngoái đầu lại là tôi có thể thấy ông ngay lập tức.

Đột nhiên tôi nhớ lại lúc tôi học lớp năm, tôi do dự lo lắng nói với ba rằng hình như có một bóng đen đang đi theo tôi.

Ba không nói gì.

Lúc ấy tôi cứ ngỡ ba không tin mình. Ngày hôm sau tan học, tôi thấy ông đứng ở cổng trường.

Tôi đi về phía ba, ông lại bảo tôi không cần đi theo, cứ tự về nhà như bình thường.

Tôi rảo bước về nhà, còn ông thì giữ khoảng cách đi ở phía sau tôi.

Đúng một tháng, một tháng sau ông bắt được người theo dõi tôi, nhưng ông vẫn không dừng lại mà đi theo tôi thêm một tháng nữa.

Sau này tôi mới biết, cứ mỗi chiều, ông lại dùng thời gian ăn tối, cầm theo một cái bánh bao, đầu đầy mồ hôi chạy đến cổng trường học, nhìn tôi an toàn về đến nhà rồi mới quay lại chỗ làm.

Ba chưa bao giờ kể với tôi về những chuyện này.

 Bé” Tô Tề nói được làm được, ông đón tôi tan làm chẳng sót ngày nào.

Qua mấy ngày sau, ông dậy sớm, nằng nặc đòi đưa tôi đi làm, chỉ vì ông lo tôi sẽ xảy ra chuyện trên đường.

“Em không cần phải như vậy, chị sẽ không xảy ra chuyện gì đâu.”

Nếu đưa tôi đi làm rồi đến trường thì ít nhất cũng phải mất một tiếng đồng hồ.

“Chị mà xảy ra chuyện, em sẽ trở lại như xưa mất.”, Ông đeo cặp sách nắm chặt dao găm, đi ở phía sau tôi.

Tôi không còn gì để nói.

Sau khi đưa tôi đến chỗ làm, ông nhìn tôi như thể đang hạ quyết tâm.

“Trong lòng em có một giọng nói, nó cho em biết, chị rất quan trọng, quan trọng lắm lắm, cho nên chị không được xảy ra chuyện, có thế nào cũng không được.”

Tôi ngây ngẩn cả người, chỉ biết nhìn bóng dáng đeo cặp sách nho nhỏ kia càng lúc càng xa.

Thậm chí tôi còn không biết mình đã bước vào quán ăn như thế nào, giọng nói ngạc nhiên của ông chủ chợt đánh bay suy nghĩ trong đầu tôi.

“Đang yên đang lành, sao lại khóc?”

Tôi giơ tay, chạm vào thứ chất lỏng lạnh lẽo trên mặt.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play