Xuyên Thư 70: Bệnh Nhược Mỹ Nhân

Chương 13


2 tháng

trướctiếp

Bảo Hoa ngượng ngùng nói: "Bà ơi, hôm qua là cháu hiểu lầm cô cả, cháu tới đây là để xin lỗi cô cả ạ. Nếu cô cả không có ở đây, vậy cháu xin phép về trước."

"Chờ đã!" Vu Hiểu Lan cản cô bé lại, mặt lạnh lùng nói: "Nếu mày hiểu lầm Minh Nguyệt, vậy mày đi giải thích với mọi người đi."

Bảo Hoa bĩu môi: "Tất nhiên cháu sẽ giải thích với mọi người, cháu không có nói dối đâu."

Như này Vu Hiểu Lan mới hài lòng một chút.

Vừa hay có một số xã viên quanh đó đi ngang qua, họ hỏi: "Bảo Hoa, hiểu lầm gì vậy cháu?"

Bảo Hoa với giọng điệu ngây thơ giải thích lại chuyện ngày hôm qua Cố Minh Nguyệt không có chọc cô út ngất xỉu, sau đó lại đổi chủ đề, cô bé nói: "Nhưng mà quả thật cô cả đã nói một vài lời khiến cho cô út không vui ạ."

"Nói một vài lời khiến cô út không vui là sao?"

"Mẹ cháu không cho phép cháu nói."

"Phải giữ kỹ như thế à?"

Các xã viên quanh đó càng ngày càng cảm thấy tò mò, đồng thời họ cũng cảm thấy, mặc dù việc Cố Minh Nguyệt chọc Cố Di Gia ngất xỉu không phải là sự thật nhưng chỉ sợ Cố Minh Nguyệt đã nói gì đó rất khó nghe.

Đáng tiếc cô bé này kín miệng, không moi được gì.

Vu Hiểu Lan gần như muốn tức chết, giải thích thì giải thích đi còn thêm thắt thêm câu phía sau làm gì?

Bà ta giận dữ đuổi cô bé đi: "Đi đi đi, đừng đến nhà tao nữa, nhìn thấy mày là tao đau đầu!"

Đứa trẻ xảo quyệt này, mỗi lần gặp là như rút ngắn tuổi thọ của mình thêm vài năm.

Bảo Hoa không sợ bà ta, lời lẽ hùng hồn nói: "Đây là nhà của ông cháu mà, cháu tới thì làm sao? Ông ơi, bà không cho cháu vào nhà, cháu còn chưa ăn sáng nữa, cháu đói bụng quá!"

Hễ nghe tiếng hét của con nhóc chết tiệt này là Vu Hiểu Lan lại đau đầu, bà ta đang định nói ông mày không có ở nhà thì thấy ông cả Cố đang từ ngoài đồng trở về.

Bởi vì thời tiết ngày càng oi bức nên tổ trưởng bảo các xã viên ra đồng làm việc trước khi mặt trời lên cao. Khi mặt trời lên cao, thời tiết nóng lên thì về nhà ăn sáng, sẵn tiện nghỉ ngơi luôn.

Lúc này ông cả Cố vừa hay về nhà ăn sáng.

Thấy cháu gái nhỏ của mình đến, mặt mày ông ấy hớn hở, nắm tay cô bé đi vào nhà.

Thấy Bảo Hoa tung tăng ngang nhiên đi vào nhà trước mặt mình, Vu Hiểu Lan tức giận đến mức xém tí nữa tắt thở, vừa càm ràm vừa đi theo cô bé vào nhà.

Bảo Hoa ăn một quả trứng luộc ở nhà ông nội, lúc ra về còn cầm theo hai quả trứng trên tay.

Cô bé lớn giọng nói: "Hôm qua cô út bị ngất xỉu, sắc mặt trông rất tệ, cháu lấy hai quả trứng về bồi bổ cơ thể cho cô út."

Vu Hiểu Lan muốn mở miệng mắng cô bé, trứng này là bà ta cố ý để dành cho con gái mang lên thị trấn ăn, hôm nay Cố Minh Nguyệt đi vội quá nên mới quên mang theo.

Ông cả Cố xoa đầu Bảo Hoa: "Trong nhà còn có một giỏ trứng nữa, đợi anh trai cháu tan học rồi bảo thằng bé đến lấy nhé."

Tuy ông ấy rất muốn cháu gái lấy trứng về ăn nhưng cô bé chỉ mới năm tuổi, ông ấy lo cô bé không mang nổi, vẫn nên để cháu trai đến lấy thì yên tâm hơn.

Bảo Hoa vui vẻ nở nụ cười ngọt ngào với ông nội, rồi tung tăng đi về dưới ánh mắt muốn ăn thịt trẻ nhỏ của Vu Hiểu Lan.

Trên đường về, khi gặp các xã viên, Bảo Hoa lại lớn tiếng giải thích rằng hôm qua Cố Minh Nguyệt không hề chọc giận cô út nhưng lúc đó quả thật cô cả đã nói gì đó khiến cho cô út không vui.

Các xã viên hỏi cô cả đã nói cái gì thì cô bé lại che miệng, ậm ờ nói: "Mẹ cháu không cho cháu nói ạ."

Các xã viên cũng không phải ngốc, vừa nghe đã hiểu có một số chuyện không nên nói ra bên ngoài, giống như chuyện xấu trong nhà không nên rêu rao, ấn tượng của họ về Cố Minh Nguyệt khó tránh khỏi sẽ giảm xuống vài phần.

Họ không hề cho rằng Bảo Hoa cố ý nói như vậy, hai đứa con của Cố Minh Thành được Trần Ngải Phương dạy dỗ rất tốt, chưa bao giờ nói dối hay lừa gạt ai, trông chúng cũng đơn thuần hơn những đứa trẻ khác trong thôn.

Cũng có thể là do họ có cách nhìn tốt về một người ưu tú như Cố Minh Thành nên các xã viên đều có ấn tượng rất tốt về hai đứa trẻ.

Cho nên giữa Bảo Hoa và Cố Minh Nguyệt, đương nhiên họ càng tin tưởng Bảo Hoa hơn.

Mặc dù sự hiểu lầm này đã được giải quyết nhưng ấn tượng của các xã viên về Cố Minh Nguyệt đã giảm đi rất nhiều.

May thay, rất nhanh trong công xã lại xảy ra chuyện mới, thu hút sự chú ý của tất cả mọi người.

Chuyện này có liên quan tới Khương Tiến Vọng.

Bởi vì Khương Tiến Vọng đã nhờ bà mối đến nhà họ Cố bàn chuyện hôn sự.

Bác Vương ngồi ở nhà anh cả Cố, khuôn mặt tươi cười dáo dác nhìn xung quanh.

Đây là căn nhà cũ của nhà họ Cố, nó đã được xây từ thế hệ trước của gia đình. Khi tách ra ở riêng thì căn nhà này để cho Cố Tùng Bách do ông là con trưởng đích tôn.

Vách tường làm bằng bùn, có thể nhìn thấy dấu vết nứt nẻ. Trong nhà dường như có chút mùi bùn đất thoang thoảng, đồ dùng trong nhà cổ xưa, vừa nhìn đã biết là dùng nhiều năm rồi, trông cũ kỹ hỏng hóc đến mức có thể nhìn thấy được cả những con bọ lúc nhúc trong vài chỗ bị mối cắn.

Trong lòng bác Vương đang dè bỉu nhưng trên mặt lại tươi cười hiền lành.

Dáng vẻ của bà ta mũm mĩm, khi cười lên trông cũng vui tươi hớn hở, đem lại cho người khác một cảm giác vui mừng, nhìn là thấy hạnh phúc.

Có rất nhiều người thích tìm bà ta để nhờ mai mối, họ cảm thấy bà ta trông rất phúc hậu.

Trong lòng bác Vương hiểu rõ ràng, căn nhà cũ của nhà họ Cố đã rất lâu đời, người nhà họ Cố cũng là người quê mùa ở nông thôn, nhưng ai bảo họ lại có một cô con gái nhỏ xinh tựa tiên nữ cơ chứ. Cô khiến cho con trai của xưởng trưởng xưởng máy móc đem lòng mến mộ, muốn lấy cô về làm vợ.

Vì vậy bà ta vẫn đến đây vì nể mặt họ.

Lúc đâu Vu Hiểu Lan biết bác Vương là bà mai từ thành phố xuống thì chào đón rất nhiệt tình.

Nhưng đến khi nghe bà ta nói rõ mục đích thì khuôn mặt lại ủ rũ, cánh tay bưng ly nước rụt về đưa lên miệng, tự mình uống luôn.

Bác Vương: "..."

Bác Vương thấy Vu Hiểu Lan như vậy thì không biết nói gì, bà ta nhớ lại những tin tức mà mình tìm hiểu thì cũng không bất ngờ.

Nếu hôm nay bà ta tới làm mai cho chủ nhiệm Khương và Cố Minh Nguyệt thì chắc chắn Vu Hiểu Lan sẽ nhiệt tình chăm sóc, niềm nở đón chào như mẹ ruột vậy.

Nhưng mà tiếc quá, hôm nay bà ta tới để làm mai cho chủ nhiệm Khương và Cố Di Gia.

Bác Vương đi thẳng từ thị trấn đến công xã Nam Sơn, tuy đường không hẳn là xa nhưng thời tiết rất oi bức, cổ họng cũng khô nóng kinh khủng.

Không được uống nước nên bà ta nuốt nước miếng xuống cổ họng khô khan, sau đó nói với Cố Tùng Bách đang im lặng ngồi hút thuốc lá ở bên kia: "Anh cả Cố, cô con gái nhỏ của nhà anh quả thật là xinh xắn, ưu tú. Nghe bảo cô bé vẫn là học sinh trung học phải không? Được chủ nhiệm Khương để ý cũng phải thôi. Chủ nhiệm Khương nói nếu anh chị bằng lòng gả cô con gái nhỏ cho cậu ấy thì cậu ấy sẽ chuẩn bị bốn món lễ vật lớn cùng với tám trăm đồng để làm sính lễ."

Cửa nhà họ Cố mở rộng, có rất nhiều người đang đứng bên ngoài.

Bởi vì khi bác Vương đến rất rầm rộ sôi nổi, nhiều người thấy được bèn chạy đến nhà họ Cố để hóng chuyện.

Lúc bọn họ nghe bà ta nhắc đến sính lễ thì đều hít sâu vào một hơi.

Sính lễ như vậy thì đừng nói gì đến nông thôn, ngay cả trong thành phố cũng rất hiếm. Nếu như làm mai cho con gái nhà họ thì họ còn nóng lòng đồng ý ngay lập tức ấy chứ.

Ơ? Khoan đã!

Bác Vương nói người được hỏi cưới, hình như là Cố Di Gia chứ không phải là Cố Minh Nguyệt, là cô con gái nhỏ ốm yếu của anh cả Cố sao?

Mọi người hoảng hốt nhìn bác Vương, cứ nghĩ là mình nghe nhầm.

Mãi cho đến khi bà ta lại nhắc đến Cố Di Gia thì cuối cùng mọi người cũng chắc chắn là mình không nghe nhầm, quả thật là làm mai cho cô con gái nhỏ yếu ớt nhiều bệnh của anh cả Cố.

Cố Tùng Bách vẫn im lặng hút thuốc.

Vu Hiểu Lan ở bên cạnh ghen tị đến mức khuôn mặt trở nên vặn vẹo.

Vốn dĩ nghe thím ba Cố bảo sính lễ là bốn món lễ vật lớn với năm trăm đồng. Sao bây giờ lại biến thành tám trăm đồng rồi?

Bác Vương lờ đi rồi xua tay: "Ôi chao! Năm trăm hay tám trăm đối với chủ nhiệm Khương có kém nhau là bao đâu! Vốn dĩ định đưa năm trăm nhưng chủ nhiệm Khương thật sự vừa ý với cô con gái nhỏ của nhà anh chị, cho nên cậu ấy nói bằng lòng nâng tiền sính lễ."

Sính lễ nhiều như vậy, chỉ cần không phải là kẻ ngu thì đều đồng ý gả rồi.

Vu Hiểu Lan đã ghen tị đến mức không biết nói gì nữa.

Bốn món lễ vật lớn là tam chuyển nhất hưởng, tam chuyển là xe đạp, máy may và đồng hồ, còn nhất hưởng là radio. Những thứ này đều là sính lễ hàng đầu trong những đám hỏi thời niên đại, nếu con gái nhà ai có được sính lễ như vậy, khi bước ra khỏi nhà cũng được nở mày nở mặt.

Đặc biệt là ở những nông thôn như thế này, rất khó để có thể tìm được sính lễ bốn món lễ vật lớn, bởi vì những thứ này không phải có tiền là mua được, còn phải có cả phiếu công nghiệp.

Càng nói chi đến sính lễ tám trăm đồng kia, ở vùng nông thôn quả thật là giá trên trời.

Bác Vương không nhìn Vu Hiểu Lan mà nhiệt tình giới thiệu Khương Tiến Vọng cho phụ huynh nhà gái. Khương Tiến Vọng qua miệng bà ta như là một người đàn ông tốt hiếm thấy trên đời, nếu bỏ lỡ anh ta thì chắc chắn sẽ hối hận cả đời.

Tuy bảo là không thể tin lời của bà mai nhưng trong mắt nhiều người, điều kiện của Khương Tiến Vọng quả thật rất tốt, xem như Cố Di Gia trèo cao rồi.

Nói xong lời cuối cùng, bác Vương miệng khô lưỡi khô cả.

Bà ta lại nuốt nước miếng, trong lòng không ưa gì sự thô lỗ của nhà họ Cố, tới tận bây giờ mà vẫn chưa cho bà ta một ly nước nào. Dường như anh cả Cố vẫn im thin thít chẳng hé lời.

Bác Vương không nhịn được thúc giục: "Anh cả Cố, điều kiện tốt như vậy anh còn do dự cái gì?"

Mau đồng ý đi, đồng ý rồi thì bà ta mới về nói lại được, rồi nhận được tiền mai mối hậu hĩnh.

Cuối cùng, Cố Tùng Bách cũng mở lời, giọng điệu nghe thật nặng nề: "Hôn sự của tụi nhỏ tôi không nhúng tay vào, chỉ cần tụi nhỏ bằng lòng thôi."

Bác Vương nghe vậy thì trong phút chốc chẳng biết nói gì.

Những thứ mà bà ta nói nãy giờ là đang tự nói chuyện một mình à?

Đầu năm nay, tuy rằng hôn nhân tự do đã được coi trọng nhưng thật ra ở rất nhiều nơi cha mẹ vẫn quyết định hôn sự cho con mình. Đặc biệt là ở vùng nông thôn như nơi này, có rất ít cô gái có thể quyết định hôn sự của bản thân, toàn do cha mẹ và bậc cha chú vừa ý rồi quyết định thay.

Vốn dĩ bà ta cũng nghĩ đến cách này.

Chỉ cần anh cả Cố đồng ý, cho dù Trần Ngải Phương không đồng ý thì cô ấy cũng không thể nào cầm chổi đánh cha chồng của mình đâu nhỉ?

Tuy nghĩ như vậy nhưng bác Vương vẫn nói: "Đây là điều hiển nhiên, bây giờ đã là xã hội mới rồi, đâu còn mấy chuyện như ép duyên nữa. Nhưng mà..." Bà ta chuyển chủ đề rồi nói: "Anh là cha của Cố Di Gia, có thể xem giúp con bé mà, người hiếm thấy như vậy nếu bỏ lỡ thì thật là đáng tiếc."

Cố Tùng Bách cũng không hề vui sướng bởi những điều kiện tuyệt vời mà Khương Tiến Vọng mang lại, ông ấy vẫn mang vẻ mặt nặng nề nói: "Lúc trước hôn sự của Minh Thành là do nó tự quyết định, vậy hôn sự của Gia Gia cũng phải để nó đồng ý mới được."

Tóm lại, việc cả đời của con cái, ông ấy sẽ không xen vào.

Nếu bác Vương thật sự muốn mai mối cho con gái ông thì có thể đến tìm cô.

Bác Vương hiếm khi phải kiềm chế như vậy.

Bà ta còn muốn nói thêm điều gì đó nhưng chỉ thấy anh cả Cố đứng dậy, cầm đồ làm nông ở góc tường rồi nói: "Tôi phải đi làm việc trước đây."

Bác Vương thở dài: "Từ từ đã, anh cả Cố, tôi còn chưa nói xong mà..."

Cố Tùng Bách đứng trong sân, khuôn mặt rám nắng ngăm đen nặng nề quay sang.

Ông ấy vẫn nói như cũ: "Chỉ cần Gia Gia bằng lòng là được."

Bác Vương trơ mắt nhìn ông ấy rời đi, tức giận đến mức giậm chân.

Bà con trong xóm cũng tiếc nuối nhìn theo anh cả Cố, có người đi theo ông ấy, còn hỏi rằng: "Anh cả Cố, sao ban nãy anh không đồng ý? Nếu cô con gái kia của anh có người đàn ông nào vừa ý, lại còn đưa sính lễ nhiều như vậy, anh phải đồng ý mới phải chứ."

Tuy nói rằng đầu năm nay nếu như phụ nữ tới tuổi không lấy chồng thì chắc chắn sẽ bị chỉ trỏ nhưng cũng có ngoại lệ.

Tất cả mọi người đều biết đến tình trạng sức khỏe của Cố Di Gia, nếu cô thật sự muốn tìm tấm chồng thì sợ rằng sẽ bị trở ngại. Chẳng ai muốn cưới một người phụ nữ không thể làm việc lại còn thường xuyên ngã bệnh, không biết khi nào sẽ chết cả.

Rất nhiều người ở đây đều chuẩn bị tâm lý rằng cả đời này Cố Di Gia sẽ không thể gả đi.

Không lấy chồng cũng tốt, dù sao anh trai và chị dâu cũng không ruồng bỏ, bằng lòng nuôi cô. Điều này còn tốt hơn cả việc gả cô cho một người đàn ông mà họ chẳng biết.

Nhưng nếu có một người đàn ông bằng lòng cưới, lại còn có điều kiện tốt như thế thì phải gả vội chứ.

Dù sao thì cũng hơn việc phải ở lại trở thành một bà cô già trong nhà.

Anh cả Cố im lặng đi về phía trước, ông ấy vẫn nhắc lại câu nói kia: "Phải để Gia Gia tự mình đồng ý thì mới được."

Người nọ không nói gì với ông ấy nữa.

Thế nhưng ông ta vẫn cảm thấy điều kiện của Khương Tiến Vọng tốt như vậy, chỉ cần không ngu thì ai cũng đồng ý mà nhỉ? Ông ta tin rằng Cố Di Gia cũng đồng ý.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp