Tây Xuất Ngọc Môn (Quyển 1)

Chương 4


2 tháng

trướctiếp

Hành lý của Xương Đông ít ỏi đến thảm thương, thu dọn hết cũng chỉ được một túi xách, còn không bằng cả lúc chuyến đến đây. Lúc tiễn anh ra cửa, Tiểu Hà còn nhắc nhở: “Anh Đông, anh đi xung quanh xem thử coi, đừng để quên đồ đấy.”

Bấy giờ Xương Đông mới sực nhớ ra, quay lại phía sau sân khấu, cầm theo hộp dụng cụ rối bóng.

Hồi trước giải phóng, các nghệ nhân múa rối bóng đi khắp hang cùng ngõ hẻm, bả vai run run gánh cả gia sản chỉ gồm hai hộp đạo cụ bên người.

Xương Đông ngỏ lời xin: “Con người tôi rất tẻ nhạt, không có sở thích nào hết, có thể tặng tôi hộp này để lúc rảnh rỗi lấy ra khắc da, luyện tay nghề điều khiển dây giết thời gian không?"

Hộp dụng cụ rối bóng chẳng đáng mấy đồng, Tiểu Hà sẵn lòng đồng ý coi như đền đáp ân tình Xương Đông giúp đỡ mình suốt hai năm qua. Cậu ta tiễn anh đến tận đầu ngõ, khách sáo nhắn nhủ: “Anh Đông, lúc nào muốn quay về thì cứ gọi điện cho em nhé.”

Xương Đông cảm ơn rồi lẳng lặng đi ra phố, một tay xách túi, tay còn lại ôm chiếc hộp rối bóng nặng trịch làm một bên vai anh hơi chùng xuống.

Tiểu Hà thở dài thườn thượt, cũng tự biết chuyện Xương Đông trở về chắc chỉ là mơ tưởng hão huyền thôi.

***

Xương Đông bắt xe đến khu ngoại ô phía Bắc đang đợi phá dỡ di dời. Vì nhà đầu tư chịu trách nhiệm quy hoạch nơi này thiếu vốn nên công trình bị ngưng lại giữa chừng, đâu đâu cũng có gạch ngói và nhà cửa hoang tàn sót lại, cơn gió thổi qua cuốn theo bụi bặm mù mịt, hầu như không còn ai ở lại đây nữa.

Dựa theo trí nhớ của mình, anh dừng bước trước cánh cổng lớn, lấy chìa mở khóa cửa cuốn rồi dùng sức nhấc lên. Trong nháy mắt, bụi bặm rơi xuống phủ đầy tóc anh, từng hạt bụi li ti bay lượn trong nắng.

Xương Đông bước đến cạnh chiếc xe việt dã đỗ bên trong, bên kính chiếu hậu cài một đóa hồng đã khô ngả màu nâu đen, vừa khẽ đưa tay chạm vào, cánh hoa liền rụng tơi tả.

Chiếc xe này là quà Khổng Ương tặng anh mấy năm trước. Nhận món quà này, Xương Đông phải tiêu tốn một khoản tiền gần bằng nửa giá chiếc xe để cải tạo. Vì sa mạc không phải đường đất làng quê, bánh xe rất dễ bị lún, hơn nữa khu vực Lop Nur toàn xác muối, lốp xe sẽ bị ăn mòn thê thảm hệt như chó gặm.

Anh trang bị khung chống lật, nâng cao thân xe, thay bánh xe thành loại siêu lớn có thể vượt mọi địa hình, còn thêm cả tời điện để kéo xe khi bị lún nữa. Sau khi hoàn thành, chiếc xe việt dã vốn đã hầm hố mạnh mẽ càng trở nên vững chắc hơn, tuy nhiên trông cứ dở dở ương ương thế nào ấy. Khổng Ương chê nó xấu xí, nhưng Xương Đông chỉ đáp ngắn gọn: “Dùng ngon là được.”

Mấy chiếc Hummer, Land Rover kiểu dáng bắt mắt chạy đầy đường mới có thể lọt vào mắt xanh của các người đẹp. Còn đối với anh, xe dùng để chạy, quan trọng nhất là đến khi gặp nạn, nó sẽ giúp anh giữ được tính mạng.

Sau này Khổng Ương mất, anh bán hết gia sản, chỉ giữ lại duy nhất chiếc xe này. Lúc cất ở đây, anh từng nghĩ sẽ có một ngày nào đó cần dùng đến nó.

Xương Đông đưa tay phủi lớp bụi bám trên thân xe, đứng trước thùng xe sau chốc lát mới từ từ mở ra. Mùi nhựa bí hơi lâu ngày xộc vào mũi, bên trong chất đầy túi PVC dày màu đen mà anh định dùng để chứa thi thể sau này, không cần đếm cũng biết chính xác là mười tám túi, ngoài ra còn một túi nữa đựng đồ lặt vặt của anh và Khổng Ương.

Xương Đông dời mấy chiếc túi rỗng sang một bên, dọn chỗ để đặt hành lý và hộp rối bóng.

Không biết Đường Mập và bạn gã có xem tiếp clip kia không. Đến phút thứ 4:12, cũng chính là lúc bị gạch đập vào đầu máu me bê bết, anh đã khàn giọng gào lên: “Tôi sẽ nghĩ cách đem xác họ về."

Không gia đình nạn nhân nào tin tưởng lời hứa hẹn của anh, bởi vì đơn vị tìm kiếm cứu nạn đã giải thích với họ quá nhiều lần: “Không tìm được thi thể là chuyện bình thường. Biết nhà khoa học Bành Gia Mộc* bị mất tích từ đầu những năm 80 không? Đã triển khai tìm kiếm trên quy mô lớn, còn huy động cả máy bay trực thăng hỗ trợ những sáu lần, vậy mà cho tới bây giờ đã hơn ba mươi năm trôi qua vẫn chưa tìm thấy thi thể.”

* Bành Gia Mộc (1925-1980), người Quảng Đông, từng giữ chức Phó viện trưởng Viện khoa học Tân Cương, đồng thời là nhà thám hiểm nổi tiếng Trung Quốc. Tháng 5 năm 1980, Bành Gia Mộc dẫn theo một đoàn thám hiểm tiến vào Lop Nur, lần đầu tiên thành công băng qua sa mạc đặt chân tới khu vực đáy hồ khô cạn. Khi ấy đoàn thám hiểm đã cạn kiệt nước và xăng. Ngày 17 tháng 6 mặc kệ sự an nguy của bản thân, ông một mình đi tìm nguồn nước và mất tích từ đó.

Xương Đông cất hành lý xong xuôi rồi ngồi vào buồng lái. Lúc dọn dẹp hộc xe, anh tìm được một thanh chocolate quá hạn. Đã hai lần đông qua hạ đến, thanh chocolate chảy rồi lại đông, hình dạng không còn vẹn nguyên như ban đầu nữa. Anh bóc giấy gói, bỏ vào miệng chậm rãi nhấm nháp, vị ngọt nay đã biến thành vị chua.

Anh lấy tấm ảnh trong túi áo ra xem: Khổng Ương bị bao bọc trong lớp đất vàng, mắt trợn trừng, chết không nhắm mắt, mái tóc dài bay tung trong gió, giống như bàn tay đang vẫy gọi anh đến cứu cô.

***

Sau một giấc ngủ, Đường Mập vẫn thấy bức bối khó chịu. Nói xấu sau lưng người ta cũng chẳng sao, làm chút việc trái lương tâm lại càng bình thường, thế nhưng bị người ta bắt gặp tại trận thì quá nhục mặt! Cho nên hôm nay lúc rời giường, gã cau có hơn hẳn ngày thường.

Trước tiên gã mở cửa hàng, lúc đi ngang qua quầy tạp hóa, sơ ý va vào hai quả trứng gà thả vườn. Vỏ trứng bị vỡ, chất lỏng bên trong chảy đầy ra sàn, lòng trắng lòng đỏ quyện vào nhau. Ế ẩm lâu ngày đến nỗi mấy quả trứng cũng ung hết rồi.

Đường Mập muốn chửi thề. Hai năm qua công việc buôn bán đồ cổ ế chỏng ế chơ, gã buộc phải dành ra nửa cửa hàng để bán đồ tạp hóa kiếm vài đồng bù vào, không ngờ tình hình cũng chẳng lạc quan hơn. Mở hàng ngày nào lỗ vốn ngày ấy, nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài thì biết đến bao giờ gã mới phất lên được đây?

Châm ngôn của người xưa quả không sai: Người không làm chuyện phi nghĩa sẽ không giàu có, ngựa không ăn cỏ đêm thì không béo khỏe. Vì vậy gã phải giở thủ đoạn kiếm tiền mới được.

Đường Mập rửa mặt xong thì mặt trời đã lên cao, từ sáng đến giờ vẫn không có vị khách nào ghé thăm. Gã lấy bánh mỳ và sữa trên kệ làm bữa sáng, vừa ăn vừa mở máy tính, định lên QQ chơi hai ván mạt chược cho đỡ buồn.

Vừa mới đăng nhập đã thấy tin nhắn của Tề Lưu Hải.

“Tối qua ngồi cào bàn phím đối chiếu thêm một lúc, lại tìm thấy mấy clip có liên quan đến Diệp Lưu Tây, đã gửi vào email của mày rồi. Mày xem có cần chuyển cho bạn mày không.”

Đường Mập hờ hững mở hộp thư và bật clip. Gã không kiên nhẫn như Xương Đông, tua liên tục như cưỡi ngựa xem hoa, mãi đến khi bất ngờ trông thấy mặt tiền tòa nhà vô cùng quen thuộc.

Viện bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây.

Mấy năm qua, dân chơi đồ cổ không chỉ dựa vào miệng lưỡi ba hoa chích chòe là kiếm ăn được mà phải có “trình độ văn hóa". Đường Mập rất chăm đọc sách, thường xuyên ghé thăm bảo tàng Thiểm Tây để mở mang đầu óc, lúc lừa gạt khách hàng lại lôi danh bảo tàng ra lừa bịp: "Anh xem hoa văn và phong cách trang điểm thời nhà Hồ của tượng nữ đứng này đi, gần giống với bức tượng trong viện bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây đấy.” Gã nắm rõ vị trí các hiện vật trong viện bảo tàng như kệ hàng nhà mình.

Đường Mập nheo mắt nhìn đoạn clip đã được cắt nối biên tập:

Diệp Lưu Tây thong dong bước đi, liếc nhìn các bảng chỉ dẫn rồi tiến thẳng vào khu bảo vật, không thèm đếm xỉa đến hai chiếc chum và một chiếc vò bày ở lối vào, lướt ngang qua dãy trưng bày đồ kim loại và ngọc thạch óng ánh…

Cuối cùng đến đoạn cô dừng lại, Đường Mập mới sởn tóc gáy.

Trước kệ trưng bày cốc mã não đầu thú, bao nhiêu nhân viên thuyết minh đến rồi lại đi, cũng có mấy lượt khách tham quan rời khỏi mà Diệp Lưu Tây vẫn đứng yên ở đấy.

Đường Mập nín thở chờ đợi.

Rốt cuộc khi Diệp Lưu Tây bỏ đi, tim Đường Mập đập như trống giục: Vé vào khu bảo vật những ba mươi tệ, bên trong có nhiều món đồ giá trị liên thành như chiếc ấm hoa văn tuấn mã ngậm chén rượu hay quả cầu xông hương bằng bạc mà cô không thèm ngó ngàng đến, tại sao chỉ xem mỗi cốc mã não đầu thú?

Một ý nghĩ nào đó tức khắc hiện lên trong đầu gã tựa như nước sủi bọt sắp sôi, chỉ thiếu chút nữa thôi là thành hình.

Gã bấm số điện thoại của người bạn cùng nghề, hỏi liến thoắng: “Tôi hỏi cậu này, người mang cốc mã não đầu thú đến chỗ cậu giám định là nam hay nữ? Hàng thật hả?"

Anh bạn kia đáp: “Nữ. Tôi kể cho anh nghe, tôi và sư phụ căng mắt lên soi, đích thị là hàng thật đấy. Khối mã não hằn rõ đường vân, chạm khắc tinh xảo, mũi miệng thú còn bọc vàng nữa..."

“Vậy sao không mua?"

Người ở đầu dây bên kia vô cùng phiền não đáp: “Cốc mã não đầu thú nổi tiếng cỡ nào, lại đang được viện bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây cất giữ mà. Thoạt nhìn tôi còn tưởng là hàng nhái cơ, không ai nghĩ nó là thật đâu, hơn nữa người ta cũng không bán. Cô gái kia vừa đi khỏi, tôi mới ngộ ra. Ai cũng bảo cốc mã não đầu thú trong thiên hạ có một không hai, có điều nó là cốc uống rượu mà, dù dành cho bậc đế vương, có long bào thì cũng có phượng bào, theo lý cốc cũng phải có một đôi chứ.” Giọng nói đầu kia bỗng trở nên ráo riết xen lẫn cảnh giác, “Anh hỏi chuyện này làm gì? Anh cũng thấy nó rồi hả?"

Đường Mập vòng vo đáp rằng đúng lúc đi dạo ở bảo tàng, vô tình gặp nên thuận miệng hỏi thôi. Buông điện thoại xuống, gã thấy miệng đắng lưỡi khô, thầm nhủ: Không thể nào, đâu ra chuyện trùng hợp như thế. Nếu thật sự còn một chiếc cốc mã não đầu thú lưu lạc ở ngoài thì giới đồ cổ đã dấy lên một trận gió tanh mưa máu từ lâu rồi, đâu đến lượt gã nổi lòng tham.

Đường Mập lắc đầu, uống ừng ực hết hộp sữa rồi ném vào thùng rác, nghĩ ngợi không thôi: Chắc món đồ kia trị giá bộn tiền ấy nhỉ?

Gã lại lên mạng chơi một ván mạt chược, giữa chừng tâm hồn vẫn treo ngược cành cây: Lỡ như là thật, dù mình chỉ ăn ké được chút xíu thì…

Đường Mập không khỏi bật cười, thầm mắng mình: Đúng là mơ giữa ban ngày. Gã ngồi thu lu trên ghế, thấy phần lưng hơi cấn bèn thò tay mò ra sau, thì ra là chiếc mai rùa bói quẻ.

Quẻ bói mà gã gieo tối qua có nói, ra cửa đi về phía Tây sẽ phú quý phát tài. Gã ló đầu ra xem, gặp ngay Xương Đông đứng ở hướng Tây, mà Xương Đông lại muốn tìm Diệp Lưu Tây. Không lẽ chữ Tây ám chỉ Diệp Lưu Tây sao? Phú quý phát tài, cốc mã não đầu thú mà không phú quý phát tài thì là gì chứ?

Bất tri bất giác phát hiện được bấy nhiêu dấu hiệu, lẽ nào đây là ông trời đang chỉ đường cho gã?

Mặt Đường Mập nóng bừng, cầm mai rùa gieo quẻ lần nữa. Nếu kết quả vẫn vậy, thì dù... thì dù ông trời có chơi đểu gã, gã cũng quyết theo đến cùng!

***

Xương Đông mất ba ngày mới đến được thị trấn Kỳ. Do vị trí địa lý của nó nên cư dân có cả người Mông Cổ lẫn người Hán, nhưng hầu như họ đều bị Hán hóa cả rồi. Lái xe ô tô từ thị trấn đến sa mạc Tengger hay Badain Jaran đều khá gần, hơn nữa mấy năm trước di tích thành cổ Tây Hạ ở vùng lân cận được phát hiện, vì vậy thị trấn Kỳ bỗng chốc trở thành địa điểm tham quan du lịch mới trên cung đường Tây Bắc. Có điều cơ sở hạ tầng ở thị trấn nhỏ này không theo kịp đà phát triển, du khách càng nhiều thì sinh hoạt và giao thông càng trở nên hỗn loạn, phức tạp và vô cùng bất tiện.

Trên đường đi Xương Đông mua thêm áo phao lông vũ. Hiện giờ đang nửa cuối tháng Mười, ở nơi mà buổi sáng phải mặc áo bông, trưa thay áo cotton, đêm đắp hai chăn vẫn còn run cầm cập thế này thì không thể lơ là được.

Việc khai thác du lịch đã giúp ích không nhỏ cho sự phát triển của địa phương. Con đường bên ngoài bến xe được tu sửa đẹp đẽ theo tiêu chuẩn thành phố vừa và nhỏ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng linh kiện xe hơi, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh đều đầy đủ. Tuy nhiên sự thay đổi này lại thiếu quy hoạch, khó tránh khỏi mới cũ đan xen loạn xạ. Có khi vừa rẽ cua là đường nhựa lập tức thành đường đất, chó hoang tìm thức ăn bên rãnh nước, gió thổi táp bụi bặm vào thân cây già sắp chết ven đường. Quán cơm vỉa hè chỉ có dăm ba cái bàn, tấm rèm nhựa ngoài cửa ám đen khói bếp và dầu mỡ.

Xương Đông tìm nhà trọ nghỉ chân, nhân tiện mua tấm bản đồ mới nhất của thị trấn. Anh định tham quan khắp thị trấn một lượt thì vận may gõ cửa, mới đi hơn nửa giờ đã bắt gặp Diệp Lưu Tây.

Ngay khúc cua nơi con đường đất và đường nhựa giao nhau, quầy hàng rong chất đống dưa lưới được bày trên khoang xe sau để mở. Hiện tại đang vào cuối mùa dưa, cộng thêm loại quả này là đặc sản địa phương nên các quầy hàng nối tiếp nhau mọc lên như nấm.

Xương Đông không thể nào tin được Diệp Lưu Tây thật sự là cô gái bán dưa. Anh đi vào cửa hàng đồ ăn nhanh ở ngã tư, chọn vị trí gần cửa sổ để tiện quan sát.

Từ sáng đến xế chiều, anh đã gọi món ăn nhẹ và nước uống mấy lần, còn Diệp Lưu Tây vẫn chuyên tâm bán dưa không hề hay biết đang bị người ta theo dõi. Trên xe cô đặt một chiếc thớt dày và con dao bổ dưa dài khoảng một thước. Dưa lưới đều có hình bầu dục, vỏ dày, đàn ông bổ dưa cũng phải tốn khá nhiều sức, thế mà cô lại làm rất dễ dàng, giơ dao lên rồi xắn xuống, nhẹ nhàng như cắt đậu phụ vậy.

Người đẹp có khác, tình hình buôn bán của cô khá khẩm hơn mấy quầy bên cạnh.

Buổi trưa, cô đến quán ăn gần đấy mua cơm hộp, ngồi trên ghế xếp rồi cầm thìa xúc ăn. Có con chó hoang vẫy đuôi chạy đến, cô lấy n một miếng xương trong hộp vứt cho nó.

Buổi chiều khá vắng khách, nhiệt độ dần xuống thấp, cô mặc chiếc áo bông màu xanh lá, nhàn nhã đọc quyển tạp chí khêu gợi với ảnh bìa toàn là mấy cô nàng ăn mặc hở hang được bày bán đầy vỉa hè.

Lúc chạng vạng, Xương Đông biết mình không quan sát được thêm gì nữa, bèn gọi phục vụ tính tiền.

Cô phục vụ của quán tỏ vẻ khó chịu, mấy lần bưng thức ăn cho anh đều sa sầm mặt. Ban đầu Xương Đông tưởng dân quê không có khái niệm về thái độ phục vụ, song đến khi tính tiền mới biết không phải.

Cô phục vụ nhận tiền, liếc sang Diệp Lưu Tây qua lớp cửa kính, lúc bỏ đi còn khinh thường dè bỉu: “Ngắm cả ngày rồi, đẹp lắm sao. Chỉ là một "ả gà móng đỏ" thôi mà."


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp