Đi được chừng nửa giờ sau, tôi đã hoàn toàn tỉnh rượu, hơn nữa còn xuất hiện cảm giác hưng phấn do vận động quá mức. 

Con đường này người bình thường không đi được, quá hẹp. Năm đó nhất định là dành cho người hái thuốc hoặc thợ săn đi, người bình thường cực kỳ có khả năng rơi xuống giữa đường. 

Đường không có điểm cuối, nhưng chúng tôi vẫn đến được đích, đó là một kiến trúc nhỏ được xây trên vách núi. Nói là kiến trúc, thực ra chỉ là một thứ giống như bàn thờ nhỏ, lúc xây dựng đã đục vào thân núi một không gian hình vuông, cao chừng nửa thân người. 

Bên trong có lẽ vốn đặt tượng gì đó, nhưng bây giờ đã bị hư hại hoàn toàn, không nhìn ra là gì nữa. Xung quanh hốc đá này có một vài chữ khắc, không biết do ai để lại. 

Ở Hàng Châu có rất nhiều di tích kiểu này, trong những ngọn núi gần khu vực Lương Chử đâu đâu cũng thấy. 

Muộn Du Bình dừng lại không đi tiếp nữa, hai chúng tôi ngồi trong bàn thờ kia, bên ngoài quá hẹp, không tài nào khom xuống nổi. 

Tôi cũng không biết y muốn làm gì, cũng may đá mát mẻ, tựa vào rất thoải mái.

Cũng không biết đã qua bao lâu, khi tôi mở mắt ra lần nữa, nhận ra không ngờ mình mới ngủ thiếp đi. Tôi nhìn ra ngoài, sương mù giăng kín cả núi. 

Muộn Du Bình có vẻ đã ra ngoài từ lâu, đứng bên ngoài. Tôi nhìn đồng hồ, cũng không biết đã ngủ mấy tiếng, hình như đồng hồ chết rồi.

Tôi cũng ra ngoài theo, thận trọng quay lại đường núi, thì thấy một màn kinh người. 

Trong sương khói, thế mà xuất hiện một đường ray.

Toàn bộ đường ray song song với đường núi, bên dưới là khoảng không. Nơi này là vách núi cao hơn 30 mét, giống như nổi lên giữa không trung vậy.

Mà bàn thờ kia trông như một trạm dừng xe lửa, hai chúng tôi đứng trên đường núi, giống như lữ khách đang đợi xe lửa.

Tôi còn đang nghi hoặc, đường ray bỗng rung lên, kế đó, trong sương mù xa xa, ánh đèn đầu tàu hỏa chầm chậm xuất hiện, tiếp theo thì nghe thấy tiếng xe lửa đến gần.

Tôi hết sức sửng sốt, cứ thế ngây ngốc nhìn đầu tàu đến gần. Không, đó không chỉ là một đầu xe lửa, mà là cả một chiếc xe lửa đang từ từ dừng lại trước mặt chúng tôi bằng tốc độ vào trạm.

Khoảnh khắc xe lửa dừng lại, sương khói cũng dâng lên, đó là một chiếc xe lửa sơn xanh, là loại hồi nhỏ tôi từng ngồi đến Thượng Hải. Cửa khoang xe mở ra, bên trong có một tiếp viên đang đẩy cửa nhìn chúng tôi.

“Đến trạm Bà Ngoại Núi rồi.” hình như anh ta gọi hai tiếng vào khoang, nhưng ánh sáng vẫn dừng trên mình chúng tôi. Tôi vừa nhìn qua, đã biết tiếp viên này không phải người.

Thứ này nhất định là một sơn tiêu, bởi vì tỉ lệ ngũ quan của anh ta không đúng.

Không ai xuống xe, lúc này tiếp viên mới nhường chỗ, Muộn Du Bình nhảy lên xe lửa, quay đầu lại nhìn tôi, bảo tôi cũng lên xe.

Tôi còn định nghĩ tiếp, nhưng phát hiện giờ phút này đầu óc hoàn toàn không nghe sai sử, nhưng cũng không biết vì sao, tôi bỗng thấy vui vẻ, cũng theo y nhảy lên xe lửa.

Tiếp viên nhìn bàn thờ và tượng thần hư hại kia, nói một câu: “Bàn thờ Bà Ngoại Núi này, nếu các anh sống gần đây, thì nhờ bà con tu sửa lại. Bà Ngoại Núi bảo vệ nơi này bao năm nay, cuối cùng nơi ở lại thành ra như vậy, không ra thể thống gì, đừng khiến thần tiên thất vọng.”

Nói đoạn nhìn tôi, tôi gật gù, như hiểu như không, cũng lần nữa nhìn về phía bàn thờ kia, thì thấy trên chữ khắc xung quanh bàn thờ, có một từ “Quang Tự”, có lẽ là được khắc từ năm Quang Tự(1), một bà cụ nhỏ bé ngồi trên chữ đó, to cỡ ngón tay cái, đang cười với chúng tôi. Muộn Du Bình gật đầu ra hiệu với bà ta xong thì xe lửa lăn bánh, bàn thờ nhanh chóng lùi lại đằng sau, tôi cũng không còn nhìn rõ bà lão rốt cuộc trông như thế nào nữa.

“Đây chính là Bà Ngoại Núi sao?” tôi hỏi Muộn Du Bình.

Y gật đầu, nói: “Phải, bà ta thường đến quan sát chúng ta, thích uống canh gà.” nói đoạn y ngừng lại: “Tôi có cho bà ta giá hội viên.”

Ồ.

Tôi nhìn sương mù nhanh chóng lùi lại ngoài cửa sổ, không biết xe lửa sẽ chạy tới đâu, nhưng tôi biết, có lẽ tôi đang nằm mơ. Một là tôi vừa nghe thấy trong nhóm riêng tư của mình có một thần tiên, hai là Muộn Du Bình đột nhiên nói một vài vấn đề nghiệp vụ, bình thường y chỉ biết hướng dẫn người ta vị trí mã QR thôi.

Một giấc mơ đẹp thôi, tôi thầm nghĩ, lâu rồi không nằm mơ.

Chú thích:

(1) Quang Tự: niên hiệu Thanh Đức Tông, thời Thanh, Trung Quốc, 1875-1908

Chia sẻ:@@@

 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play