Đó là một bức tranh kỳ lạ.
Cuối năm 2010, sau khi từ Nepal về nước, tôi đến Tây Tạng, nghỉ ngơi và hồi phục dưới chân núi Tạp Nhĩ Nhân Thứ một tuần.
Tôi cũng không lập tức tìm kiếm đầu mối về Mã gia, dù sao hành trình này cũng rất mệt nhọc, tôi theo đề nghị của người làm, trước tiên xử lý các thứ rườm rà thu hoạch từ chuyến đi Nepal lần này.
Tôi mang từ Nepal về một lượng lớn đồ trang sức giả cổ theo phong cách Phật giáo Tây Tạng, có ý định dùng làm hàng mẫu cùng với muốn tìm ra nơi bắt nguồn thực sự của những thứ đồ trang sức ở Trương gia cổ lâu. Ở một nơi gọi là Mặc Thoát, tôi sắp xếp số trang sức đó thành ba bao lớn, chia ra gửi qua bưu điện đến ba địa chỉ khác nhau ở Hàng Châu để giảm bớt gánh nặng khi đi đường.
Bưu điện ở Mặc Thoát có hai loại là bởi vì Mặc Thoát là một nơi khá đặc thù. Núi ở đây bị tuyết phủ quanh năm, ra vào đều rất khó khăn. Trước đây bưu điện chính quy chỉ có thể nhận thư, không thể gửi thư đi, mãi cho đến mấy năm gần đây mới có một con đường nhỏ để trao đổi bưu kiện, dù thế nhưng xe của bưu cục cũng chỉ đến một chuyến một tuần.
Vì vậy ở bản địa còn có dịch vụ chuyển bưu kiện của người dân, thật ra chỉ là tìm người tiện đường mang thư từ bưu phẩm ra ngoài. Đối với những đoàn người ra vào Mặc Thoát, giúp người khác chuyển bưu kiện là chuyện rất bình thường, có vài người còn đứng ra làm người trung gian để kiếm một ít tiền. Bưu điện mà tôi tìm được chính là do người như thế mở ra, tuy không an toàn tuyệt đối, nhưng ít ra có thể bảo đảm được về mặt thời gian. Chỉ cần có người rời khỏi Mặc Thoát thì đại khái cũng biết được khi nào ra đến bưu điện bên ngoài, sau đó gửi lại ở ngoài sẽ chắc chắn hơn.
Rời Mặc Thoát có đường cho ô tô, xe ngựa, và lái xe thuê. Đường ô tô cũng không phải thông xe quanh năm, tôi lại đến đúng vào mùa không thể thông xe, xe ngựa cũng không thấy tăm hơi, vì vậy chúng tôi chỉ có thể tìm lừa thồ hoặc người lái xe thuê.
Tất cả bưu kiện đều phải nhờ “người đưa thư” mang dần từng chút một ra khỏi núi, vì vậy trọng lượng không thể quá nặng. Quá trình chuyển ba gói bưu kiện lớn trọng lượng trung bình của tôi phải tốn đến ba giờ.
Trong lúc đó tôi đứng xem những bức tranh treo trên quầy bưu điện, thật ra là treo trên tường phía sau một cái bàn làm việc đặt một tấm thủy tinh công nghiệp. Mặt tường sơn màu xanh lá cây nhạt, bên trên treo mấy bức tranh: một bức tranh chữ thủy mặc “Bằng trình vạn lý”, là hình chim ưng và bốn chữ to, ba lá cờ thưởng song ngữ, đều là mấy từ ngữ ca ngợi như “Không nhặt của rơi”, “Đảm bảo an toàn”; ngoài ra còn có một bức tranh.
Bức tranh vừa nhìn đã biết không phải tác phẩm của họa sĩ chuyên nghiệp vẽ nên, mà là trình độ trung bình, thậm chí cách vẽ còn hơi vụng về. Trong tranh là khuôn mặt nhìn nghiêng của một người, từ mức độ bong tróc của thuốc màu và sự phai nhạt của màu sắc, có vẻ như nó đã ở chỗ này từ rất lâu.
Chủ thể trong tranh là Muộn Du Bình. Tôi cũng không hiểu biết tranh phương Tây, nhưng cái gọi là đạo lý của một bức tranh, đến một trình độ nhất định đều giống nhau, dù đây là một bức tranh có nét vẽ vụng về nhưng cũng có điều đặc biệt.
Tôi không biết loại cảm giác này tới từ đâu, phần thân trên của người trong tranh mặc y phục lạt ma, dưới thân là một bộ Tạng bào, đứng giữa núi, có thể thấy núi tuyết Tạp Nhĩ Nhân Thứ ở sau lưng. Không biết là ánh hoàng hôn hay là ánh bình minh đã làm cho không gian trong tranh từ màu trắng chuyển thành màu vàng xám.
Đây là một họa sĩ vụng về, nhưng khá có gan trong mảng vận dụng màu sắc, tạo nên ví dụ về một khung cảnh tuyệt diệu.
Đương nhiên ngay cả như vậy cũng không chứng minh được rằng bức tranh này có giá trị lớn, khiến tôi kinh ngạc là bởi vì tôi biết người trong bức tranh này.
Phải, đặc điểm trên người cùng với nét mặt của y khiến tôi hoàn toàn không có gì nghi ngờ.
Nhất định chính là y.
Y vậy mà lại xuất hiện ở nơi này, tôi hoàn toàn không hiểu được, vì người như y thực sự là không có lý do gì xuất hiện ở Mặc Thoát, lại còn ở trong một bức tranh khá vụng về ở Mặc Thoát.
Đây là bức tranh chân dung Muộn Du Bình.
Ban đầu tôi cực lực phủ định, bởi vì chuyện này vô cùng kỳ quái, khả năng nhìn nhầm rất cao, dù sao đây cũng không phải là ảnh chụp. Trong tranh nhiều chi tiết cũng không rõ ràng, tạo ra cảm giác tương tự cũng không phải không có khả năng.
Thế nhưng tôi nhận ra bản thân không thể rời mắt. Tất cả chi tiết của người trong tranh đều nói cho tôi biết rằng quá giống rồi. Đặc biệt là ánh mắt, tôi sống cho đến bây giờ hoàn toàn chưa gặp người nào có ánh mắt giống Tiểu Ca. Bàn Tử từng nói, đó là ánh mắt không có liên hệ với tất cả mọi thứ. Trên thế giới ít có người có thể sống mà không có liên hệ gì với thế giới.
Thế nhưng người trong bức tranh này có ánh mắt như vậy.
Tôi nhìn hồi lâu, cảm giác theo bản năng rằng người trong tranh chính là y.
Năm năm trước, y biến mất khỏi tầm mắt của chúng tôi. Đương nhiên tôi biết chân tướng về sự mất tích của y, tôi còn có thể nói rất nhiều, nhưng những việc ấy không phải ý nghĩa chính của câu chuyện. Việc y làm trước đây không quan trọng ở nơi này, và suy nghĩ đầu tiên trong đầu tôi khi thấy bức tranh này là: Có phải Mặc Thoát cũng ở trong vòng điều tra của y hay không? Y từng xuất hiện ở nơi này, có phải có nghĩa là thứ y điều tra lúc đó có quan hệ với nơi này chăng?
Lúc đó tôi hỏi nhân viên bưu điện, tôi nhớ rõ đó là một ông lão có khuôn mặt điển hình của người Tây Tạng, tôi hỏi ông bức họa này do ai vẽ. Ông lão chỉ cho tôi hướng về phía đối diện bưu điện, dùng thứ tiếng Hán không trôi chảy mà nói cho tôi biết tác giả bức họa này tên là Trần Tuyết Hàn.
Tôi hướng mắt về phía đó lập tức thấy được một người đàn ông trung niên đang lấy nước sôi ở phòng nồi hơi ven đường. Chắc ông ta là người gác cổng phụ trách trông giữ phòng nồi hơi, bên trong cung cấp nước sôi cho cư dân gần đó sử dụng, ba đồng một bình. So với ngoài trời tuyết lớn, trong phòng lò hơi ấm đến mức làm cho người ta chảy mồ hôi, vì vậy rất nhiều người chen chúc ngồi xung quanh nồi hơi để sưởi ấm. Những người này ăn mặc không khác nhau là mấy, nên bọn họ ở cùng một chỗ thì cảm giác bộ dáng cũng không khác biệt lắm.
Ông lão người dân tộc Tạng rất nhiệt tình, thấy tôi không nhận ra được, bèn hô to một tiếng về phía phòng nồi hơi: “Trần Tuyết Hàn!”
Thanh âm này vang dội đến mức như thể khiến tuyết trên nóc bưu điện cũng bị chấn động rơi xuống mấy tấc. Người tên Trần Tuyết Hàn kia nghe được tiếng gọi của ông lão thì ngẩng đầu lên từ trong đám đông, hơi nghi ngờ nhìn về phía chúng tôi.
Tôi lập tức đi tới, khuôn mặt người kia đặc biệt đen, làn da thô ráp, nhìn qua vậy mà còn trẻ hơn chút so với khi nhìn từ xa.
Tôi dùng tiếng Hán hỏi: “Chào ông, xin hỏi bức tranh sơn dầu trong bưu điện là do ông vẽ sao?”
Trần Tuyết Hàn liếc mắt nhìn tôi, lúc sau mới gật đầu. Tôi phát hiện ánh mắt của ông ta không có thần thái gì, đó là ánh mắt đặc biệt của người có cuộc sống quá mức bình lặng. Bởi vì quá bình lặng, ông ta không cần suy nghĩ rất nhiều vấn đề, con người dần dần bước vào một trạng thái đặc biệt.
Tôi đưa cho ông ta điếu thuốc rồi hỏi về tình huống vẽ bức tranh. Vẻ mặt của Trần Tuyết Hàn khá ngạc nhiên, nhìn tôi một lát, đóng cửa nồi hơi lại rồi hỏi tôi: “Cậu hỏi chuyện này để làm gì? Cậu biết người đó sao?”
Giọng nói của ông ta cực kỳ khàn nhưng phát âm từng chữ rất rõ ràng. Tôi kể qua loa tình huống một chút, cũng nói bối cảnh của người này có liên quan đến tôi.
Trần Tuyết Hàn lộ vẻ mặt kinh ngạc, cởi găng tay làm bằng khăn mặt trắng, đi ra khỏi phòng nồi hơi, “Cậu nhận nhầm người rồi, bức tranh sơn dầu này được vẽ hai mươi năm trước, lúc đó cậu mới mấy tuổi chứ?”
Tôi khá bất ngờ, không ngờ được thời gian vẽ đã lâu như vậy, tuy rằng đúng là bức tranh nhìn qua cũng không mới lắm. Đối với câu hỏi của ông ta, tôi không biết nên trả lời thế nào, bởi vì thật sự không chỉ một hai câu mà nói hết. Cũng may là ông ta dường như cũng không thật sự muốn biết chuyện này, tiếp tục nói: “Người này và tôi không có quan hệ gì.”
Ông ta chỉ về hướng ngoài cửa, nơi đó phủ đầy tuyết trắng, xa xa là một ngọn núi tuyết, “Tôi nhìn thấy bức tranh ở đó, nếu như cậu muốn biết nhiều hơn thì có thể đi hỏi lạt ma nơi ấy.”
Tôi nhìn theo hướng ông ta chỉ, nhìn nơi đó ở bên trong trận mưa tuyết lớn, mơ hồ thấy được một một tòa kiến trúc ẩn trong màu trắng bạc.
“Đó là nơi nào?” Tôi hỏi.
“Đó là miếu lạt ma.” Trần Tuyết Hàn trả lời, “Tôi đã vẽ bức tranh này trong miếu lạt ma đó.”
“Khi đó đã xảy ra chuyện gì kỳ quái sao? Hay là miếu lạt ma đó có điều gì đặc biệt?” Tôi hỏi, những nơi y từng xuất hiện bao giờ cũng có chuyện kỳ quái xảy ra. Hoặc có lẽ bản thân cái miếu lạt ma này đã có rất nhiều điều không bình thường.
Trần Tuyết Hàn lắc đầu, suy nghĩ một chút mới nói: “Nơi đó không có gì kỳ quái, điều kỳ quái nhất chính là lạt ma lúc đó nhất định muốn tôi vẽ phỏng theo bức họa kia.”
“Vì sao?”
“Lạt ma có thể nhìn thấy nhân quả, ông bảo tôi vẽ tranh thì tôi vẽ tranh, không có vì sao cả. Ông ấy có thể nhìn thấy hết thảy những gì ở phía sau bức tranh này, tôi thì không thể thấy.”
Trần Tuyết Hàn nói cho tôi biết, Muộn Du Bình trong tranh chắc là khách quý của miếu lạt ma. Bản gốc của bức tranh là do lạt ma nơi này vẽ trước khi người đó rời Mặc Thoát ba ngày, về sau ông ta vẽ theo lại. Mùa đông năm đó ông ta ở trong chùa một thời gian dài, tình cờ thấy bức tranh này trong phòng đại lạt ma, đại lạt ma nhất định bảo ông ta vẽ, vì vậy ông ta đã vẽ thử bức họa kia.
Bây giờ tôi đã hiểu được nguyên nhân vì sao cách dùng màu sắc táo bạo và sinh động nhưng kỹ thuật vẽ lại vụng về.
Ở Tây Tạng rất nhiều lạt ma có trình độ mỹ học cao và kiến thức sâu rộng, rất nhiều đại lạt ma có nhiều học vị ở những trường đại học danh tiếng ở nước ngoài. tôi quy công cho những điều này là sự chuyên tâm đằng sau cuộc sống khổ tu thanh tâm quả dục.
Nghĩ đến đây, nghĩ đến khi đó y ở trên núi tuyết có thể xảy ra chuyện gì làm tôi hơi thất thần.
“Cậu có muốn đi lên không? Ba trăm đồng, tôi dẫn cậu đi.” Ông ta nói tiếp: “Miếu lạt ma đó nếu không phải là người bản xứ thì không có cách đi vào.”
Có lẽ nhân quả mà đại lạt ma nhìn thấy chính là ba trăm đồng này.