Quan Minh: Tôi chưa chết, quả phụ ở đâu ra?
Người qua đường: …
Nhà thiết kế thời trang hàng đầu VS Ông trùm thương nghiệp; Tuổi tác cách biệt.
Tag nội dung: Đô thị tình duyên, nỗ lực một đời.
Từ khoá mấu chốt:
Nhân vật chính: Quan (Sênh) Minh, Thi Niệm.
Giới thiệu vắn tắt: Tôi chưa chết, quả phụ ở đâu ra?
Lập ý: Thoát khỏi tình thế khó khăn nhờ lòng dũng cảm và trí thông minh.
Tại biệt thự Kinh Tự, dạ tiệc từ thiện do nhà họ Quan thành Đông tổ chức chính thức được bắt đầu.
Trái lại, ở sảnh ngoài có vẻ yên tĩnh hơn một chút. Trước chiếc bàn dài được chạm khắc bằng gỗ lim, Thi Niệm ngồi ngay ngắn trên một cái ghế tròn làm từ gỗ tử đàn. Cô đang mặc một bộ lễ phục màu đen dài tay hơi cao cổ, mái tóc được búi gọn sau gáy, không để sót một lọn tóc thừa nào, dáng vẻ mộc mạc đến độ không tìm ra được chút sắc thái riêng nào, thoạt nhìn có vẻ đoan trang và bảo thủ, chỉ có ánh mắt khuất sau hàng mi thấp thoáng nét buồn chán.
Lúc này, Thi Niệm đang cầm bút lông vẽ phác thảo một bức Tùng Hạc Đồ, cô đã duy trì tư thế này hơn một tiếng rồi. Đường nét lá thông mảnh như sắt dần trở nên rõ ràng. Người đứng bên cạnh không khỏi thở dài nói: “Cô Quan, nếu cô có thể vẽ xong trước khi đêm tiệc kết thúc, có lẽ bức tranh này sẽ được mang đi đấu giá đấy, chắc chắn sẽ có người chịu ra giá cao, lúc ấy mợ cả sẽ vui lắm cho xem.”
Người lên tiếng là Đinh Linh, trợ lý tùy thân mà nhà họ Quan sắp xếp cho Thi Niệm. Tuy gọi là trợ lý nhưng xét khắt khe ra thì cô ấy giống một cái máy giám sát biết đi hơn.
Thi Niệm bỗng dưng mất hứng, lia bút vẽ hai con rùa dưới chân tiên hạc. Tuy chỉ là hai con rùa nhưng dưới những nét vẽ đơn giản mà trừu tượng này, chúng trông giống như tiên phong đạo cốt đang đạp lên phong hỏa luân, như sắp sửa biến thành Na Tra tới nơi.
Đinh Linh lập tức biến sắc. Có người đi ra từ lối chuyên dụng, Thi Niệm gấp bức tranh lại, ném qua một bên, sự phản nghịch của cô tạm thời chỉ giới hạn trong bức hoạ này.
Nhiệm vụ hôm nay của cô rất đơn giản. Những phú thương và nhân vật nổi tiếng ở bên trong đã chi rất nhiều tiền mua đồ, họ có thể đến chỗ cô để lấy một bức tranh chữ, coi như là cô đang thay mặt nhà họ Quan cảm tạ thiện tâm của họ.
Một mục đích quan trọng khác, cũng coi như mánh khóe để quảng bá. Cô đã lâu không lộ diện, người ta đang bàn tán xôn xao về cô dâu này.
Khi cô xuất giá vào nhà họ Quan với tư cách là con gái của một gia đình trung lưu, nhà họ Quan ở thành Đông đã sắp xếp cho chạy rất nhiều bản thảo, nào là cô bé lọ lem bước chân vào giới hào môn, nào là tình yêu đích thực vượt qua cách biệt xuất thân,… Dù sao quần chúng ai cũng thích hóng truyện cổ tích, lan truyền cho nhau rất ra gì và này nọ.
Cũng vì lẽ đó, khi Quan Viễn Tranh – người chồng trẻ mới cưới hai tháng của cô, đồng thời là trưởng tôn nhà họ Quan không may qua đời, cô bỗng chốc bị đẩy lên nơi đầu sóng ngọn gió.
Đề tài kết hôn lúc đầu hot bao nhiêu thì bây giờ việc bị trở thành quả phụ lại càng thu hút sự chú ý bấy nhiêu.
Hôm nay nhà họ Quan sắp xếp cho cô ra ngoài, không nghi ngờ gì đã thu hút rất nhiều khách tới dự.
Các vật phẩm đấu giá đều được quyên góp bởi các nhân sĩ hiển hách có mối giao hảo với nhà họ Quan, sau đó chúng bị những nhân vật nổi tiếng và những thương nhân giàu có khác mua đi mất, khoản tiền đến tiền đi này chắc chắn sẽ chảy vào quỹ từ thiện có hợp tác với nhà họ Quan.
Rất nhiều người nghe danh mà đến, muốn hóng xem tình hình lúc này của cô bé lọ lem mới bước chân vào hào môn được mấy tháng. Thi Niệm giỏi viết thư pháp, đã từng tham dự triển lãm quốc gia. Vì điểm này nên một gia tộc vốn kinh doanh qua nhiều đời và nức mùi tiền như nhà họ Quan cũng cảm thấy nở mày nở mặt, đương nhiên muốn đẩy cô ra làm mặt tiền của gia đình, coi nó như là một trong những giá trị thặng dư của cô.
Người vừa tới là một phụ nữ trung niên và chồng của bà, cả hai mua một cặp chén rượu được làm từ lưu ly, bên trên có khảm hồng ngọc, Thi Niệm không biết họ đã bỏ ra bao nhiêu tiền mua về, nhưng trông chúng có vẻ rất tinh xảo.
Cô ngước mắt, lịch sự gật đầu chào họ, nâng bút đề mấy chữ:
“Chén lưu ly rượu nồng hổ phách
Rượu trân hồng lách tách giọt rơi.”
Những chữ này rất hợp cảnh. Người đàn ông dán mắt vào mặt cô, chẳng thể dời mắt, người phụ nữ không ngừng tán dương cô viết chữ đẹp, khi nhận lấy bức thư pháp còn tranh thủ nắm chặt tay Thi Niệm, nói với cô: “Hãy nén bi thương, cuộc đời còn dài lắm.”
Thi Niệm vẫn luôn biểu lộ thần sắc bi thương, ra vẻ mỏng manh muốn khóc nhưng không khóc được, khiến ai thấy cũng đồng cảm không thôi, cô và người phụ nữ này hỏi han nhau mấy câu.
Ngay khi hai người nọ quay đi, nét buồn bã trên mặt cô biến mất hoàn toàn, lại trở về bộ mặt lạnh như máy móc, thậm chí đôi lúc cô còn nghĩ nếu cứ cố tiếp tục chịu đựng thêm nửa năm như thế này, có lẽ sẽ có người mời mình diễn vai quả phụ cho mà xem, cô cũng có thể trực tiếp đi tranh giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của Oscar ấy chứ.
Dĩ nhiên lúc Quan Viễn Tranh vừa qua đời cô không có bộ dạng thế này, khi ấy cô còn hoang mang hơn bất cứ ai. Đêm hôm khuya khoắt, từ lớn đến bé thuộc nhà họ Quan loạn hết cả lên, cha mẹ chồng được tài xế đưa đi lúc ba giờ sáng, tất cả người giúp việc đều giữ miệng kín như bưng, đèn đóm trong nhà thắp sáng trọn đêm, cô không biết đang xảy ra việc lớn gì.
Mãi tới hôm sau, khi được đưa tới nhà tang lễ, cô mới biết chồng mình đã mất.
Về việc chết ra làm sao thì nhà họ Quan chỉ tuyên bố với bên ngoài là lên cơn nhồi máu cơ tim cấp tính, không biết đó có phải nguyên nhân thật hay không. Từ thái độ lẩn tránh của người nhà họ Quan, Thi Niệm cảm thấy có lẽ vẫn còn điều gì đó đang được che đậy.
Những ngày đầu quả là hoang mang và bối rối, cô cảm thấy thật chật vật nên khóc lóc mất mấy hôm. Nhưng rất nhanh sau đó, những cảm xúc bi thương ấy đã cạn kiệt hoàn toàn bởi sự dày vò tối tăm ngột ngạt ấy.
Sau khi Quan Viễn Tranh qua đời, toàn bộ hành vi của cô bị quản thúc rất nghiêm ngặt, từ chuyện ra ngoài, ăn mặc đến nói năng, thậm chí cả việc cười với đàn ông cũng trở thành điều tối kỵ.
Trước đây cô từng nghe một đàn chị bảo rằng đàn bà ở cữ ngang với ngồi tù, cái này không thể chạm, việc kia không thể làm, cổng chính không qua cổng trong không vượt, trải qua những ngày không ra hồn người.
Bây giờ ngẫm lại, cuộc sống của cô trong nửa năm qua còn chẳng bằng ở cữ, ít nhất thì bà đẻ còn được dùng điện thoại, được gọi cho bạn bè, gặp mặt người trong nhà.
Cô thì sao? Ngay cả chiếc điện thoại duy nhất để liên lạc với bên ngoài cũng ở trên người Đinh Linh, quý cô trợ lý trung thành này chỉ đưa điện thoại cho cô vào những thời điểm nhất định, hơn nữa cô còn phải hoàn thành một loạt thao tác dưới sự giám sát của đối phương, mọi hoạt động giao tiếp xã hội và liên hệ với bên ngoài mà không được nhà họ Quan sắp đặt đều bị kiểm soát chặt chẽ.
Đinh Linh là người trợ lý trung thành nhất mà Thi Niệm từng gặp trong hai mươi ba năm cô sống trên đời, nhưng lòng trung thành của Đinh Linh lại không phải dành cho cô.
…
Ông chồng của người phụ nữ trung niên kia đã đi được một khoảng xa mà thỉnh thoảng vẫn ngoái đầu lại liếc mắt nhìn Thi Niệm, hình như từ xưa đến nay hai chữ “quả phụ” luôn có sức cám dỗ khiến đám đàn ông khó lòng cưỡng lại, đặc biệt là một quả phụ trẻ trung xinh đẹp như thế này.
Thi Niệm mặt không đổi sắc, lẩm bẩm một câu: “Cô nói xem, nếu bây giờ tôi chạy vào trong rồi gào lên mình là gái trinh thì tiêu đề trang nhất của các tờ báo sáng mai liệu có phải là “nghi án nhà họ Quan lừa hôn” không?
Nghe thấy câu này, Đinh Linh bỗng rùng mình một cái, hung hăng túm lấy Thi Niệm, nói từ tận đáy lòng: “Mợ chủ của tôi ơi, cô đang ăn mừng ngày quốc tế nói giỡn à? Hôm nay trong biệt thự có rất nhiều bảo vệ đến từ Thượng Á, cô chưa xông vào đã bị giữ lại rồi, đừng nảy ra mấy suy nghĩ lệch lạc thế nữa. Cô quên đống rắc rối mà mình khơi ra trên mạng vào mấy tháng trước rồi à? Tôi khuyên cô nên yên phận chút đi, ít ra thì nhà họ Quan đâu có bắt chẹt cô, cô ngoan ngoãn nghe lời còn có thể được ăn ngon mặc đẹp. Biết bao cô gái mới tốt nghiệp đại học vẫn chưa tìm nổi việc làm, cô nên tự biết vừa lòng với những điều đang có, nếu lại để xảy ra chuyện, có lẽ nhà họ Quan sẽ không khách sáo với cô nữa đâu, nghĩ tới mẹ cô đi.”
Câu nói sau cùng khiến đôi mắt Thi Niệm khôi phục về vẻ tĩnh mịch.
Cách đây mấy tháng, cô chỉ đăng một bức vẽ của mình lên mạng mà đã khơi ra một trận sóng to gió lớn. Một số cư dân mạng cho rằng màu sắc cô sử dụng và bố cục quá kỳ lạ, từ đó suy đoán cô mắc chứng trầm cảm, có người còn nói con chim trong tranh đang ngước lên nhìn trời là dấu hiện của việc nghĩ tới chuyện tự tử, có thể là do cô quá nhung nhớ người chồng bạc mệnh nên muốn bay lên trời theo anh,… Đủ kiểu mổ xẻ diễn giải, độ thảo luận không ngừng tăng cao đến mức lên cả hot search. Chỉ trong nháy mắt, bức tranh và các nội dung được đăng tải trên tài khoản mạng xã hội của cô đều bị bốc hơi bằng sạch.
Thậm chí không thể tìm kiếm các tài khoản blogger từng chia sẻ ảnh chụp màn hình nữa. Sức mạnh của tư bản là gì? Đây là lần đầu tiên Thi Niệm nếm trải cảm giác lấy trứng chọi đá.
Nhưng những điều này chẳng là gì so với câu nói cuối cùng của Đinh Linh. Mẹ của cô hiện vẫn đang nằm viện, hàng tháng còn phải chi trả một khoản viện phí cao ngất ngưởng, người thân là điểm yếu lớn nhất của cô, là thứ khiến cô không thể không khuất phục trước hiện thực.
Cô rút bức họa kia ra, lơ đãng vuốt phẳng, hờ hững nói: “Cô biết tôi đang nói đùa mà, còn căng thẳng làm gì?”
Dứt lời, cô lại chuyển hướng, thuận miệng nói một câu: “Nhắc mới nhớ, mẹ cô làm giúp việc ở nhà họ Quan, cha cô làm tài xế cho họ, theo cách nói của người xưa thì cô thuộc hàng gia nhân nhà họ Quan, cha mẹ chồng của tôi tin tưởng cô như vậy, chắc cô cũng biết ít nhiều về nguyên nhân dẫn tới cái chết của Viễn Tranh, đúng chứ?”
Sắc mặt Đinh Linh lại trở nên căng thẳng, cô hạ giọng, vội nói: “Tôi từng nhắc nhở cô rồi, ở nhà họ Quan, những gì có thể tiết lộ thì sẽ nói cho cô biết, đừng cố hỏi thứ không nên hỏi.”
Thi Niệm nhấc bút, sửa hai con rùa thành hai bánh phong hỏa luân đang vận sức như đợi được phóng đi. Rõ ràng đang là một con tiên hạc tao nhã khiến người ta ngưỡng mộ nhàn tản đứng dưới gốc tùng, nhưng bỗng chốc như sắp vút lên tầng mây, thoát khỏi chốn thế ngoại đào nguyên này. Chỉ lệch vài nét bút mà ý cảnh lại khác biệt hoàn toàn.
Trong mắt cô như có mạch nước ngầm đang cuộn chảy, bắt đầu ánh lên thứ cảm xúc khó nói nên lời. Chồng mất nhưng cô thậm chí không biết anh ta chết thế nào. Từ khi cô bước chân vào nhà họ Quan, dường như cuộc đời của cô đã biến thành một câu chuyện cười, là đạo cụ để người nhà họ Quan chinh phục thương giới.
Đinh Linh rót thêm một ít nước nóng vào ly của cô, dù lòng cô ấy có hướng về ai thì cô ấy vẫn luôn là một trợ lý mẫu mực trên phương diện chăm sóc cho Thi Niệm, hoặc cũng có thể nói đây là một phần sự trung thành của Đinh Linh dành cho gia chủ.
Đúng lúc này, bên ngoài sảnh có động tĩnh không nhỏ.
Vì trưởng tôn của nhà họ Quan thành Đông đột ngột qua đời, nên trong nửa năm qua bên thành Đông rất im ắng, đây có thể coi là dạ tiệc long trọng nhất mà nhà họ Quan tổ chức trong thời gian vừa qua. Phàm là khách mời thì đều chú ý đến thể diện của nhà họ Quan nên chẳng ai đến muộn. Lúc này buổi tiệc đã diễn ra hơn phân nửa, vậy mà vẫn có người khoan thai tới trễ, thậm chí còn gây xôn xao một trận.
Một đám người khí thế bất phàm tiến vào sảnh chính, hình như cha chồng Thi Niệm đã nhận được tin báo nên đích thân ra tiếp đón, cảnh tượng trước mắt làm Thi Niệm và Đinh Linh cùng ngừng động tác trên tay.
Những người ấy dừng bước ở sảnh trung tâm, cha chồng của Thi Niệm là Quan Hiển Trì tiến lên nói chuyện với một người đàn ông mặc áo bành tô kẻ sọc sẫm đứng trong số họ, trông ông ta rất nhiệt tình.
Thấy ánh mắt Thi Niệm vẫn hướng về phía đó. Đinh Linh bèn liên tiếng nhắc nhở: “Họ là người của nhà họ Quan bên thành Tây.”
Thi Niệm không quen thuộc lắm với người nhà họ Quan ở thành Tây, song cô đã gả vào nhà họ Quan hơn nửa năm rồi nên cũng từng nghe qua. Có lẽ phải ngược dòng về thời điểm Thanh mạt dân sơ*, ở Bắc Kinh có thành Đông phú và thành Tây quý. Khi đó hai người anh em con bác con chú nổi bật nhất trong nhà họ Quan chia nhau sống ở thành Đông và thành Tây. Trải qua trăm năm vật đổi sao dời, hai thế hệ họ Quan đã khai chi tán diệp ở hai nơi này và phát triển đến tận giờ, cùng là những đại gia tộc không thể coi nhẹ. Tiếp nối mãi đến ngày nay, họ vẫn được phân thành nhà họ Quan thành Đông và nhà họ Quan thành Tây.
(*Cuối triều đại nhà Thanh và đầu Trung Hoa Dân Quốc)
Mặc dù đã qua ba đời, ngoại trừ việc cùng họ Quan thì họ không có quan hệ huyết thống, nhưng cũng là ba đời chung gốc, cùng chung dòng họ, chung một tổ tiên, vậy nên hai bên nhà họ Quan vẫn thường qua lại với nhau, sẽ góp mặt trong những việc lớn của đối phương.
Ánh mắt Thi Niệm vẫn hướng về người đàn ông đang nói chuyện với cha chồng cô, vì cách khá xa nên không thấy rõ diện mạo, cô chỉ cảm thấy vóc dáng cao ngất của người nọ toát lên nét cao sáng quý phái cực kì tự nhiên.
Thi Niệm hạ giọng, hỏi nhỏ một câu: “Bên kia toàn là thanh niên à?”
Chẳng giống những gì Thi Niệm tưởng tượng, ít nhất phải có một trưởng bối tới dự trong những dịp quan trọng như vậy chứ, lại còn đến rõ muộn, về tình về lý đều không hợp lẽ chút nào.
Đinh Linh hiểu Thi Niệm đang ám chỉ điều gì, bèn đáp: “Người đang nói chuyện với ông chủ nhà chúng ta chính là Quan Minh, cậu chủ của thành Tây. Người này nhìn thì trẻ nhưng vai vế trong gia tộc rất cao. Nếu cậu chủ còn tại thế, gặp ngài ấy cũng phải gọi một tiếng “chú”. Ngài ấy làm ăn rất lớn, có thể coi là nhân vật có tên tuổi trong vùng Hoa Bắc này, vậy mà hôm nay lại đích thân tới đây, không thất lễ đâu.”
Tròng mắt Thi Niệm khẽ đảo. Người đàn ông cô đợi cả đêm cuối cùng cũng đã xuất hiện, mặc dù hơi khác những gì cô tưởng tương. Cô cứ nghĩ đó là một ông chú trung niên béo tốt cơ, ai ngờ trông lại trẻ hơn dự tính, nhưng điều này không quan trọng lắm, miễn là người có thể nói chuyện là được.
Thấy Thi Niệm không lên tiếng, Đinh Linh xáp lại gần Thi Niệm, đặc biệt dặn dò một câu: “Ngài ấy là con trai út của bà cả bên thành Tây, mợ cả đó hơn bốn mươi tuổi mới sinh con trai. Người ngoài gọi ngài ấy là Quan tiểu gia, người trên thương trường gọi là ông chủ Quan, dù gọi kiểu gì thì hai cái danh xưng này cũng chỉ về Quan Minh, cô nhớ là được.”
“À, phải rồi, ngài ấy có tới dự hôn lễ của cô đấy.”
Thi Niệm kinh ngạc, quay sang nhìn Đinh Linh, vẻ mặt đầy hoang mang. Hôm kết hôn có hơn trăm bàn tiệc, từ khi sinh ra cô chưa từng thấy cảnh tượng nào hoành tráng và phô trương như vậy. May mà cô có tố chất vượt qua nghịch cảnh rất mạnh mẽ, không phạm bất cứ sai lầm nào, nhưng cô chẳng nhớ nổi mặt ai.
Đinh Linh lại nói với cô: “Cô không có ấn tượng cũng là điều bình thường, hôm đó người ta vừa ngồi xuống tặng quà đã đi ngay. Nhưng nếu lát nữa cô có cơ hội nói chuyện với ngài ấy thì phải chú ý một chút.”
Lúc này, đám người nhà họ Quan bên thành Tây đã theo cha chồng vào bên trong, Thi Niệm cảm thấy hơi hưng phấn, thử hỏi dò một câu: “Tôi có thể cười với chú ấy không?”
Trong mấy tháng qua, dù cho đi đến đâu, cô trợ lý mẫu mực này cũng luôn kè kè nhắc nhở cô “thu lại nụ cười”. Một cô gái vốn thích cười bỗng buộc phải nín nhịn hơn nửa năm, biến thành khuôn mặt lạnh như lá bài mất rồi.
Đinh Linh lớn lên ở nhà họ Quan thành Đông từ lúc còn nhỏ, hiển nhiên là cô ấy nằm lòng mối quan hệ giữa các gia tộc. Sau khi cân nhắc thiệt hơn, xét đến việc Thi Niệm là vãn bối của cậu chủ đằng kia, nếu xụ mặt với trưởng bối thì chẳng ra thể thống gì.
Thế là cô ấy gật đầu: “Có thể.”
Thi Niệm thu đầu bút lông về, trong mắt ánh lên vẻ kích động và hồi hộp khó bề phát giác.