Thế Sự Vô Lường Chỉ Cầu Bình An

Hồi 1: Trở thành trẻ sơ sinh


3 tháng


Trên trời có mây trắng,

Dưới đất có ngàn hoa.

Một năm thế sự thay,

Chẳng cầu phú quý hoa. 

Chỉ nguyện lòng an bình, 

Một sống vẹn nguyên đường.

Cứ ngỡ cuộc sống của bốn mươi năm sau sẽ trôi qua bình đạm khi cha mất. Ánh Tuyết xây một căn nhà nhỏ bên cạnh mộ cha ở quê nhà bằng toàn bộ vốn liếng có được. Cô thích những kênh rạch nhỏ, vào mùa hè cơn gió thổi qua trên mặt nước mát rượi và cha cô cũng rất thích điều đó. Lúc nhỏ Ánh Tuyết cảm thấy cha là một người rất kỳ quặc, trong nhà ấm áp lại không có muỗi. Nhưng sao ông lại thích ra ngoài chồi nằm võng, đu đưa trên mặt nước nâu sẫm màu phù sa. Ấy vậy mà nó lại là ký ức đẹp đẽ nhất của hai cha con, chiều chiều có thể vừa ra đứng hóng gió. Còn có thể vừa ăn cơm vừa móc cần câu cá, lại còn biết bao lần chở lúa về phơi. Hay vào những đêm tối đèn cúp điện, giăng mùng ngủ ngoài chòi, vừa mát lại còn có thể ngắm trăng, mây giăng trên trời.

Nào ngờ, Lê Ánh Tuyết ngủ một đêm lại biến thành một đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn nằm trong tay bà mụ. Mặc dù biết mình không có duyên với mẹ nhưng cô cũng không ngờ mình và cái người mang danh 'Mẹ' lại vô duyên đến vậy. Kiếp trước mẹ của Lê Ánh Tuyết tên là Vân - một sinh viên nghèo cùng đường bí lối phải gả cho cha mình là ông Sinh - một nông dân nghèo thất học, hiền lành, chân chất. Bất đồng quan điểm và cách biệt về tri thức. Bà Vân đã dứt áo ra đi khi Lê Ánh Tuyết chỉ vừa mới ba tuổi, tự mình lên thành phố lớn kiến công lập nghiệp. Còn ông Sinh thì vẫn là ông Sinh hiền lành, chất phác năm nào, nhưng bên cạnh thì có thêm Lê Ánh Tuyết ba tuổi lúc nào mồm cũng gào đòi mẹ. 

Kiếp này tuy không bị mẹ bỏ nhưng chẳng đáng để vui vẻ gì? Vì mẹ của kiếp này đã qua đời vì băng huyết sau sinh mà chết. Bởi vậy ta nói sinh nở đối với người phụ nữ tựa như tự đặt một bước chân vào quan tài. Thân là một hộ lý phụ sản, Lê Ánh Tuyết đã từng nhìn thấy những sinh mạng trôi qua trước mắt mình vì sinh khó. Cho nên, dù không tán thành việc bà Vân bỏ con không có trách nhiệm nhưng cô cũng chưa từng dám hận người đã sinh ra mình. 

Mồ hôi ướt đẫm trên dung mạo nhu mì, ngọt ngào của người phụ nữ trẻ tuổi đang trong độ xuân xanh. Tóc bết thành từng mảng trên làn da trắng nhợt nhạt, đôi mắt đen láy long lanh như sao, mũi cao và đôi môi nhỏ nhợt nhạt vì thiếu máu. Bà mẹ nở nụ cười yếu ớt, đầu ngón tay lạnh buốt vuốt trên trán đứa con vừa sinh. Lê Ánh Tuyết cảm nhận được cái chạm lướt qua trên vầng trán, chỉ là phớt qua nhưng nó đã khắc sâu vào ký ức cô. Liệu khi bà Vân sinh cô ra có từng dịu dàng vuốt ve cô như vậy hay không? Bà ấy có từng hối hận vì đã bỏ cô hay không? Có cắn rứt lương tâm hay không? Tại sao suốt hơn hai mươi năm trời bà ấy chưa từng quay lại tìm cô?

Có những lời nói dối chưa bao giờ che giấu được sự thật, nhưng chẳng có ai nghĩ sẽ lật nó lên.

Sau một hồi Lê Ánh Tuyết nghe thấy âm thanh thều thào như người sắp chết của bà mẹ, dù là vậy thì giọng nói vẫn chan chứa yêu thương. "Ta cùng Tướng quân trước đây đã bàn rồi. Nếu là con trai thì gọi là Thái Thời, con gái là Thái Diễm. Nay Tướng quân không có ở đây, vậy thì cứ gọi là Thái Diễm như đã bàn... May là con gái, trước đây Tướng quân đã rất mong có một đứa con gái, nay cũng coi như cầu được ước thấy. Ta cũng mãn nguyện..." 

Lại một giọng nhỏ khác vang lên, trong giọng nói nghẹn ngào như nức nở: " Đúng vậy! Đức Bà nhìn coi! Cô ba vừa sinh ra đã trầm tĩnh, từ nãy giờ cũng chẳng quấy khóc gì. Từ chân mày cho tới cái cằm đều giống Đức Bà như đúc vậy, riêng chỉ có cái trán mới giống Đức Ông nhất. Sau này nhất định là một cô gái xinh đẹp và thẳng thắn giống Đức Ông, Đức Bà."  

Bà mẹ nghe vậy hơi hơi cười, dường như đã yếu đến mức không chịu nổi nữa, bà mẹ nói: "Nguyên Văn? Nguyên Võ đâu? Đưa hai đứa vào đây cho ta gặp.” 

Tiếng bước chân dồn dập ngay sau khi bà mẹ vừa dứt lời. Có hai âm thanh không đồng đều vang lên, chiếc giường gỗ lắc lư vì bị hai đứa trẻ bổ nhào lên. Lê Ánh Tuyết chắc chắn vậy vì cảm giác rung rinh dưới lớp vải bọc, tiếng khóc to gọi 'mẹ' đứt ruột vang lên như xé nát tim phổi.

Bà mẹ lúc này mới thôi nhìn xuống chỗ Lê Ánh Tuyết mà nhìn ra phía sau cô, gượng một nụ cười tươi rói, giọng bắt đầu hụt hơi. "Khi mẹ... không có ở đây... dù thế nào cũng... phải... biết tự chăm sóc cho bản thân, cha... còn có em gái. Hứa... với... với... mẹ!" Ba chữ cuối được nhấn mạnh, bà mẹ gục đầu xuống, trên mắt còn vương lệ và mồ hôi. 

"Đức Bà?" 

"Mẹ! Mẹ ơi!" Tiếng khóc càng vang dội và lớn hơn nữa, lúc này không biết có phải là do cốt nhục tình thâm hay không mà Lê Ánh Tuyết cũng nghe thấy tiếng khóc của mình vang lên không tự chủ.

Lúc Lê Ánh Tuyết nghe thấy tiếng khóc vang dội của bản thân, cô còn tưởng là bản thân mình đang bị bóng đè đấy chứ.Trong lúc hoang mang do chưa kịp thích nghi với thực tại, Lê Ánh Tuyết không biết mình đã ngừng lại tiếng khóc từ lúc nào. Cái ý tưởng bản thân sau một đêm đã không còn là Lê Ánh Tuyết hai tám tuổi thật sự rất khó tin. Dù đã chấp nhận hiện thực một lần nữa, nhưng cô vẫn cứ như là kẻ mù đường lạc lối, không biết phải làm gì kế tiếp. 

Chắc chỉ là một giấc mơ... chân thật quá mức mà thôi.

Nghĩ bản thân khi tỉnh lại phải đi mua một mâm trái cây về cúng gia tiên và ông cha nhờ họ che chở cho mình. Nhưng cảm giác lơ lửng giữa không trung và những cái chạm quá chân thực. Khiến Ánh Tuyết không dám tin rằng mình đã xuyên không vào một đứa trẻ vừa lọt lòng. Phải trải qua năm sáu ngày sau và dòng sữa ngọt thanh từ bà vú, cô mới dám tin rằng mình đã xuyên không. 

Kể từ ngày xuyên không đến nay, Ánh Tuyết chưa từng được nhìn thấy ông cha của kiếp này. Cô cứ ngỡ đã bị ghẻ lạnh giống mấy câu chuyện ngôn lù nước bạn. Đứa trẻ vừa sinh ra đời đã khiến mẹ mất, nên ông cha si tình sinh ra hận với con của mình rồi đi tìm bà mẹ kế cho con. Cuối cùng thì drama giữa anh chị em cùng cha khác mẹ oánh nhau sức đầu mẻ trán. Sau nhiều lần ông cha hiểu lầm làm tổn thương thì mới nhận ra đâu mới là đứa con mình nên yêu thương. Nhưng lại quá muộn màng vì con mình lại từ mặt không nhận người thân sau những vết thương lòng khó thể lành. 

Vào một ngày đẹp trời, bà vú tên Lương, trong lòng Ánh Tuyết đã gọi là dì Lương. Dì ấy bế Ánh Tuyết ra ngoài vườn phơi nắng cho chắc da chắc thịt. Dì Lương vừa đỡ lưng cô vừa nhún nhún người, bàn tay thô ráp xoa xoa trên làn da non nớt vừa dịu giọng nói. " Chẳng mấy chốc nữa là Tướng quân sẽ khởi hành về thành Duyên, cô Ba có thể được nhìn thấy tướng quân rồi." 

Ồ! Hôm qua mới nói là còn phải lâu lắm mới quay về mà, sao bây giờ lại về sớm thế?! Hạ được thành Lập rồi à? Hay là thua rồi? Ánh Tuyết nghĩ thầm trong lòng. 

Mà không đúng, chắc là đã chiến thắng hoặc kẻ địch đầu hàng nên dì Lương mới vui như vậy? Cũng tốt, theo như những lời mà bà ấy nói thì có lẽ tin tức truyền về rất tốt, ông cha chưa từng gặp kia chắc là vẫn còn sống. 

Dì Lương có khuôn mặt đôn hậu hiền lành, đã ngoài ba mươi tuổi nhưng giọng nói thỏ thẻ như thiếu nữ. Sau mấy ngày tiếp xúc Ánh Tuyết rất thích bà ấy vì đơn giản bà ấy là một người không thể giữ được miệng, nói trắng ra là nhiều chuyện. Có lẽ vì hai anh trai kiếp này vẫn còn nhỏ không hiểu chuyện, ông cha lại không có nhà. Bà mẹ thì đã mất, nên dì Lương rất thoải mái bồng bế Lê Ánh Tuyết đi hết làng trên xóm dưới. Hai người đàn bà đã muốn thành cái chợ vậy thì ba bà chụm lại chắc chắn sẽ thành cái chợ. Nhờ vậy mà Lê Ánh Tuyết nắm được đại khái tình hình thông qua những cái miệng lanh lẹ kia. 

Sau nhiều ngày ăn dằm nằm dề trong lòng dì Lương thì Lê Ánh Tuyết đúc kết lại tất cả mọi chuyện như sau. 

Thời đại này, bên ngoài vẫn còn chiến loạn, ông cha kiếp này là một vị tướng quân tài giỏi trên chiến trường. Còn là anh em kết nghĩa của Boss lớn Hoàng Đế và Thượng tướng quân, cả ba anh em không cùng họ cũng chẳng chung dòng máu. Ấy vậy mà lại có ý chí chung, cùng căm thù triều đình thối nát do bọn tham quan, nịnh thần làm chủ. Nên tự chiêu binh dẫn tướng dựng cờ khởi nghĩa chống lại triều đình, lúc mới đầu thì bị triều đình đè ép đến mức suýt diệt vong. Nhưng bây giờ thì đã lớn mạnh đến mức trở thành bá chủ một phương, Boss lớn Hoàng Đế là anh cả nên được tôn lên làm Vua. Thượng tướng quân Lý Tuấn là anh hai trở thành người đứng đầu nắm giữ trong tay quân đội trọng yếu. Còn ông cha kiếp này của Ánh Tuyết là em út tên đầy đủ là Phan Thận trở thành tướng quân trấn giữ thành Duyên, địa điểm trọng yếu sát biên giới Nhuyễn - Việt. Lúc Ánh Tuyết nghe tới chỗ này đã không chịu được bức xúc mà khóc oang oang lên, làm cho dì Lương đang hào hứng trò chuyện với hai bà bạn phải ngừng lại. 

Tại sao đều cùng nhau lập nghiệp nhưng hai người kia một người thì làm Hoàng Đế, một người nắm trọng quyền, còn ông cha thì bị đẩy tới vùng biên thùy xa xôi. 

Bỏ qua cơn bực tức trong lòng, Ánh Tuyết biết dẫu cho mình có là người lớn thì cũng chẳng thể làm gì. Cô không hiểu đạo lí của người làm quan tướng hay ý nghĩa sâu xa của những người đứng đầu một đất nước. Suy nghĩ của Ánh Tuyết quá đơn giản, cô biết - vậy nên cô cũng không muốn suy nghĩ nhiều. Việc quan trọng trước mắt là phải giữ cho mình một cái đầu lạnh để trải qua những ngày tháng làm trẻ sơ sinh buồn chán. 

Mỗi ngày vào buổi trưa, hai anh trai Nguyên Văn, Nguyên Võ sẽ cùng dắt tay nhau tới chơi với Ánh Tuyết. Nhìn hai khuôn mặt ủ dột, nhưng khi thấy cô nhìn lại thì vẫn cố gượng cười một cái, trong vừa tội vừa ngây thơ. Cả hai đứa trẻ thật thà, không giỏi nói chuyện nên khi kể chuyện cho cô nghe rất cũn cỡn, khó hiểu. Hình như cả hai đều quen với việc ông cha thường không có bên cạnh, ngày thường cũng chẳng nghe các anh nhắc gì về ông cha. Làm cho Lê Ánh Tuyết có cảm giác họ rất giống mình lúc trước, cô cũng chưa từng nhắc gì về cha Sinh, kể cả gọi điện cũng là cha Sinh gọi qua hỏi thăm.

Thậm chí có người quen còn nhận xét rằng Ánh Tuyết là một người rất vô tình, lạnh lùng. Lúc đó Ánh Tuyết không tin, cô còn nghĩ - không có việc gì thì nhắc làm gì. Cũng chẳng biết phải nói gì khi gọi điện, nên trong suốt khoảng thời gian học Đại học hay đi thực tập tại bệnh viện cũng rất ít khi gọi về nhà. Phải đến khi cha Sinh lên cơn đột quỵ suýt chết ở nhà đã nằm viện bốn ngày Ánh Tuyết mới hay. Đây là do người hàng xóm tức tối gọi lên thành phố Lê Ánh Tuyết mới biết cha Sinh ở nhà nhập viện. 

Cô vẫn còn nhớ lần đầu tiên mình nhìn thấy cha Sinh nằm trên giường bệnh. Sắc mặt cha Sinh tái nhợt nhưng khi nhìn thấy cô thì như được tưới thuốc tiên, rạng rỡ nụ cười nói: "Con về rồi! Ở thành phố có khoẻ không? Cha không sao! Cha chỉ hơi mệt xíu thôi mà dì Sáu bây làm quá lên!" 

Nhìn cha trên giường bệnh không một lời oán trách mình, ông vẫn luôn luôn ở lại quê nhà chờ đợi cô trở về. Dù Ánh Tuyết có đi tới đâu thì ông vẫn luôn quan tâm, săn sóc cô như hồi nhỏ. Đó là lần đầu tiên sau khi hiểu chuyện cô khóc lớn như vậy, ôm cha Sinh khóc như một đứa trẻ.

E là sau này Ánh Tuyết phải làm một đợt công tác tư tưởng cho họ, nếu không họ lại giống cô khi còn trẻ dại mất. Nhưng cũng phải coi ông cha mình là người thế nào, dẫu sao thì người cổ đại cũng có tư tưởng rất cổ hủ. 

Nhưng có lẽ Lê Ánh Tuyết nghĩ nhiều rồi... 

 

 


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play